Từ đời vào văn

1/3
5:50 PM 2019

NỮ NHÀ THƠ LAURA GARAVAGLIA: THƠ LÀ NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN TÂM HỒN ĐẸP TRONG CON NGƯỜI TỬ TẾ

Kiều Bích Hậu- Laura Garavaglia là nữ thi sĩ nổi tiếng người Italia. Lần đầu tiên đến với Việt Nam để tham dự sự kiện “Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV” và “Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III” diễn ra tháng 2/2019 tại Hà Nội, bà đã vô cùng hạnh phúc khi đọc thơ bà viết về Việt Nam trước đông đảo sinh viên trường Đại học Văn Hóa, và rơi lệ trước vẻ kiều diễm kỳ lạ của Vịnh Hạ Long.

Kể từ đây, đất nước, con người, vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam và thơ văn Việt Nam sẽ không chỉ là một ấn tượng đẹp trong tâm trí của bà, mà sẽ trở thành chủ đề trong dự án thơ văn mới giữa Việt Nam và Italia mà bà khởi xướng.

 

Từ ký ức đậm sâu trong quá khứ

Laura kể rằng, thập niên 60 thời bà là học sinh, thì cuộc chiến tranh Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu sắc trong tim bà, như một biểu tượng của lòng dũng cảm, chiến đấu và hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Hai tiếng Việt Nam luôn dấy lên trong lòng bà và thế hệ trẻ Italia sự khâm phục, nể trọng và thương yêu. Từ thời đó, bà đã mang về phòng riêng của mình treo một bức tranh cô gái Việt Nam nhỏ bé, ngồi bên bờ biển nhìn ra đại dương mênh mông, vô tận. Hàng ngày bà ngắm bức tranh đó, để hình dung về Việt Nam. Một Việt Nam đau thương vì chiến tranh, đánh động lòng trắc ẩn của nhân dân toàn thế giới.

Nữ thi sĩ Laura Garavaglia sinh ra tại Milano (Italia) năm 1956. Hiện bà sinh sống tại Como. Bà là nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, là Chủ tịch và người sáng lập “Ngôi nhà thi ca vùng Como”. Bà cũng là Giám đốc của sự kiện Festival thơ quốc tế mang tên “Châu Âu trong những vần thơ” được tổ chức hàng năm tại Como.

Bà đã xuất bản nhiều tập thơ, được dịch ra các ngôn ngữ Tây Ban Nha, Rumani và tiếng Anh. Bà cũng được nhận các giải thưởng thơ uy tín như: Giải thưởng của Viện Khoa học, Nghệ thuật và Văn học châu Âu năm 2017 và năm 2018, Giải thưởng “Antonio Farina” năm 2017...

Bà còn là thành viên Ban giám khảo của hai Giải thưởng văn học mang tên “Antonio Fogazzaro” và cuộc thi “Châu Âu trong những vần thơ”.

Sự hình dung và ấn tượng về Việt Nam qua bức tranh đó sâu đậm đến nỗi, bà đã sáng tác một bài thơ đầu tiên về Việt Nam, nhan đề Cô gái trẻ Việt Nam:

“Cô gái trẻ Việt Nam có mái tóc mượt đen

Khuôn mặt sứ, đôi mắt của đá thủy tinh núi lửa

Cô chơi đùa hạnh phúc giữa những con sóng vỡ và vỏ sò biển nứt

Người đàn ông nước lặng lẽ đi qua.

Hiệp sĩ đen, với đại dương là vương quốc

Những con cá lấp lánh trong lưới nỗi đau màu bạc.

Ngày lại ngày trên cát để lại những dấu chân”

Hoặc câu thơ về đất nước Việt Nam của bà, gây sửng sốt trước hình ảnh với cách nhìn, liên tưởng thật lạ:

Tôi hít thở mùi nhang đậm trong các ngôi chùa

Việt Nam: viên ngọc phương Đông, ranh giới mỏng giữa đại dương và đất liền, tới vô hạn của chiến tranh.”

Chính những dòng thơ về Việt Nam, đã bắc cây cầu vàng cho nữ thi sĩ Laura Garavaglia đến với Việt Nam vào mùa xuân năm 2019. Một chuyến đi ngắn thôi, nhưng bằng cách nào đó đã thay đổi những kế hoạch tương lai của bà, đưa bà tới một bước ngoặt mới trong sự nghiệp thơ ca và hoạt động văn hóa, giao lưu, kết nối văn học đặc biệt của mình.

 

Tới những ấn tượng đẹp

Tới Việt Nam, được đọc thơ trước các sinh viên Đại học Văn hóa, thì với Laura, đó là một niềm hạnh phúc. Đọc thơ cho người trẻ nghe, đó là một cách gieo hạt mầm thi ca trong tâm hồn thế hệ trí thức, những người tiếp nối sẽ nắm quyền điều khiển thế giới. Bà tin tưởng rằng, những hạt mầm thi ca ấy, sẽ là nền tảng tinh thần cho người trẻ, tạo nên những tâm hồn đẹp, những nhân cách đáng trọng.

Tại vùng Como (Italia) nơi nữ thi sĩ Laura Garavaglia sinh sống, bà sáng lập và là chủ tịch của “Ngôi nhà thi ca vùng Como”. Không chỉ là nơi hoạt động, giao lưu sáng tác cho các nhà thơ trong vùng, “Ngôi nhà thi ca vùng Como” còn tổ chức các sự kiện festival thơ quốc tế, thu hút các nhà thơ, dịch giả, nhà văn khắp nơi trên thế giới tới tham dự. Các học sinh, sinh viên khoa ngôn ngữ, nhân văn và khoa học xã hội tại Como sẽ được đọc trước những tác phẩm của các nhà thơ quốc tế đã được dịch sang tiếng Italia, để sau đó, với cảm xúc và trí tưởng tượng của mình, các em sẽ sáng tạo tranh, nhạc, bài hát, các video và bình thơ dựa trên nền tảng nội dung và tình cảm của tác phẩm. Tới khi sự kiện liên hoan thơ diễn ra, các em sinh viên, học sinh sẽ được mời đến, mang theo những sáng tạo tiếp nối của mình, và được trực tiếp tiếp xúc với tác giả thơ. Thật cảm động xiết bao khi các nhà thơ quốc tế nhận ra rằng, tác phẩm của họ đã được các em nhỏ, các sinh viên Italia tiếp tục sáng tạo, nối dài ý tưởng, mở rộng miền cảm xúc như thế nào. Để có được các cuộc gặp thú vị giữa các tác giả và độc giả như vậy, Laura cùng các thành viên trong ban tổ chức phải làm việc vất vả, chuẩn bị trước cả năm để dịch các tác phẩm của các nhà thơ quốc tế và chuyển cho các học sinh, sinh viên đọc trước. Bà tin tưởng rằng, thi ca làm giàu tâm hồn người trẻ, mở rộng tầm nhìn của các em ra toàn cầu, và giúp các em trở thành người tử tế, từ đó giảm bớt bạo lực, chiến tranh. Khi các sinh viên Đại học Văn Hóa tại Hà Nội lắng nghe nữ thi sĩ Italia đọc bài thơ Cô gái trẻ Việt Nam và bài Việt Nam thì đó chính là sự kết nối kỳ diệu của dòng cảm xúc, của tình hữu nghị và hiểu biết, sự cảm thông giữa những tâm hồn.

Laura cũng cảm nhận sâu sắc về sức trẻ của đất nước Việt Nam. Khi bà ra phố, bà gặp hầu hết những người trẻ tuổi, vui vẻ, hào hiệp và sẵn sàng giúp đỡ người nước ngoài với trái tim bao dung, tâm trí cởi mở. Bà nhìn rõ một nguồn năng lượng mạnh mẽ, hấp dẫn tại nơi đây, khiến Việt Nam đang phát triển nhanh về mọi mặt, không còn là Việt Nam đau thương vì chiến tranh trong ký ức xưa của bà nữa.

“Tôi yêu người Việt Nam và tính cách Việt Nam. Những người Việt tôi gặp trong chuyến đến Việt Nam đầu tiên đều tốt bụng, lịch thiệp và cởi mở, ấm áp, giống với tính cách người Phương Nam nước tôi. Khi ra phố, tôi nhìn mọi người qua lại, và thấy rằng đây là một đất nước trẻ trung của những con người tươi trẻ, tràn đầy năng lượng, niềm vui sống lớn lao. Tôi tiếc nuối là mình đã già, không thể học tiếng Việt được nữa...”. Laura chia sẻ.

 

Khởi động một dự án ý nghĩa

Tới thăm đất Quảng Ninh, tham quan Vịnh Hạ Long, nữ thi sĩ Italia đã trào nước mắt trước vẻ đẹp đến khó tin của kỳ quan này. Đó thực sự là một phép màu. Cảm xúc mạnh mẽ tới nỗi, bà tự hứa với mình sẽ trở lại Việt Nam cùng gia đình mình, sẽ sáng tác những vần thơ đẹp đẽ, và hơn thế, sẽ khởi động một dự án dịch văn học Việt Nam sang tiếng Italia và phát hành tại Italia.

Laura đã gặp vị đại sứ Italia ở Việt Nam, ông Antonio Alessandro để trình bày  ý tưởng về dự án dịch văn học Việt Nam sang tiếng Italia và xuất bản ở Italia. Ý tưởng này đã được Đại sứ Antonio rất hoan nghênh. Trở về Italia sau chuyến đi Việt Nam lần đầu, Laura bắt tay vào chuẩn bị cho dự án, trước mắt, bà giữ mối liên lạc thường xuyên với những nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam mà bà làm quen trong thời gian ở Việt Nam, để cùng tìm kiếm tác phẩm văn học, tìm dịch giả và nguồn tài chính để thực hiện dự án.

Laura có niềm tin rằng, Chúa đã mách bảo bà khi hơn 40 năm trước, lúc còn là cô gái 16 tuổi, bà đã có ấn tượng sâu sắc với Việt Nam, đã treo tranh cô gái Việt Nam trong phòng mình, và hơn 20 năm trước, đã làm bài thơ đầu tiên về cô gái Việt Nam, dù chưa hề được đến đất nước này.  Chắc chắn rằng, từ rất lâu rồi, một sợi dây bí ẩn đã lặng lẽ kết nối tâm hồn bà với Việt Nam, để đến hôm nay, mùa Xuân năm 2019, Laura được đến với Việt Nam, được trải nghiệm lối sống, văn hóa, gặp gỡ con người Việt Nam với tâm hồn thi ca giàu có. Bà cũng mong muốn rằng, với dự án mới khởi động, bà sẽ sớm được đón các nhà văn, nhà thơ Việt Nam tới giao lưu văn học tại Como, một địa danh nổi tiếng thế giới, nơi bà đang sinh sống.

Nguồn Văn nghệ số 9/2018

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *