“DẠ, TÔI LÀ SÁU DÂN” MỘT TRƯỜNG CA THẤM ĐẪM TƯ TƯỞNG VÌ DÂN
Đến trường ca này, "nhân vật" trung tâm vẫn được Thanh Thảo đứng trên quan điểm nhân dân mà xem xét mà chọn tình tiết làm nền cho cấu trúc tác phẩm theo quan điểm cũng khá nhất quán của tác giả "Ru-bíc - đó là cấu trúc của thơ". Cũng như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Cao Bá Quát được phản ánh trong các trường ca trước đó, "nhân vật" mà Thanh Thảo chọn làm nền để phản ánh trong trường ca của mình là những người luôn có tư tưởng "vì dân". Bản thân tên gọi của trường ca đã thể hiện rõ điều này, mà điểm nhấn chính là từ "Dạ" của một nhà hoạt động chính trị (một Thủ tướng) đối với dân và bản thân chữ "Sáu Dân" rất dân dã trong văn hóa gọi thứ bậc và biệt danh của người Nam bộ.
Viết trường ca về một cá nhân, nhưng khác với các tác giả khác, Thanh Thảo không đi theo thời gian và sự kiện của cuộc đời (tiểu sử) nhân vật mà quan trọng hơn, quyết định hơn chính là những tình tiết, sự kiện lớn thể hiện quan điểm "vì dân" của cá nhân đó. Viết về một con người mà qua con người đó làm bật lên cả một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử là ưu thế của trường ca Thanh Thảo. Chính vì lẽ đó mà trường ca "Dạ, tôi là Sáu Dân" được cấu trúc mở theo dạng của trò chơi xoay tròn những ô vuông ru-bích mà Thanh Thảo thường sử dụng. Theo đó, tất cả các tình tiết sự kiện, các "nhân vật" được nhà thơ chọn cho "nhân vật chính" Sáu Dân đề cập đến đều nằm trong vùng-quan-điểm-thẩm-mỹ-vì-dân của Sáu Dân: "Dù ngồi ghế Thủ tướng/ Tôi không bao giờ mơ tưởng/ Mình đứng trên mấy chục triệu người/ Mấy chục triệu đồng bào tôi/ Đứng trên làm gì hay để đè họ xuống" theo tư tưởng thấu suốt của truyền thống vì dân có từ thời mở nước "Vua Hùng xưa cũng không làm như thế".
Các số phận nhân vật trong trường ca xoay quanh Sáu Dân cũng rất đa dạng và phong phú. Đầu tiên là vợ con đã bị giặc giết không tìm được xác. Nỗi đau riêng của một con người, một gia đình trong chiến tranh được Sáu Dân nối liền và hòa vào nỗi đau chiến tranh của toàn dân tộc: "Bao người vượt biên chết giữa đại dương/ Vợ con tôi chết trên sông Sài Gòn/ Vì bom Mỹ/ Ngày Thống Nhất triệu người vui có triệu người buồn/ Triệu người đoàn viên triệu người ly tán". Và vì thế, Sáu Dân cảm nhận hết để: "Ba lạy này kính lên tiên liệt/ Tôi là Sáu Dân nguyện chung số phận với mọi người". Hơn ai hết, Sáu Dân hiểu rõ hệ lụy của một cuộc chiến tranh:
Một cuộc chiến quá nhiều khổ đau hệ lụy
Một bàn thờ hai đứa con khác phía
Mẹ dứt ruột đẻ ra giờ cư xử thế nào?
Sau vợ con, đồng bào, những số phận nhân vật được Sáu Dân nhắc đến chính là những người bạn tâm giao bình thường, dân dã như Hai Văn làm "ở một nhà hàng mậu dịch Quảng Ngãi", là những người nông dân luôn phải chịu thiệt thòi cả những lúc đang là người làm chủ: "Ngày đám tang tôi người ta đuổi các nông dân mất đất chạy có cờ/ Cả những bà mẹ từng mang cơm xuống hầm bí mật nuôi tôi/ Sao lại thế?". Đó là người bạn, người đồng sự Vũ Ngọc Hải trong vụ đường dây 500KV: "Xin lỗi anh, anh Hải/ Vì dự án này anh chịu khổ/ Anh ở tù thay tôi". Nhưng "Nào, cạn ly/ Ở tù mà dân được nhờ/ Thì cũng đáng!". Đó còn là chị Ba Thi: "Chị Ba Thi ơi, hãy xuống đồng bằng mua gạo/ Cứu dân Sài Gòn/ Chị có bị tù thì tôi mang cơm/ Đừng để dân mình đói". Đó còn là những đã ghi danh trong lịch sử, Lê Văn Duyệt "được toàn dân kính nể/ Người tiên phong đưa Sài Gòn mở cửa/ Chính là người giờ trụ ở Lăng Ông/ Ai có công với Dân là có công với Nước/ Xin khắc ghi điều đơn giản ấy vào lòng". Là cụ Đồ Chiểu mà bình sinh Sáu Dân vốn rất ngưỡng vọng: "Vâng, tôi đã khóc mỗi khi đọc thơ Đồ Chiểu/ Với "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"/ Chúng ta có thơ và nhà thơ như thế/ Không bao giờ mất nước!". Với Võ Nguyên Giáp, Sáu Dân dành trong lòng sự tôn kính, đơn giản bởi đó là vị tướng vì dân: "Không phải vì Ông cùng họ với tôi/ Mà Ông cùng họ với nhân dân này".
Mở rộng cấu trúc thơ, Sáu Dân còn có những nhìn nhận sâu sắc, đa chiều thông qua những cảm nhận về nghệ thuật, thi ca khi nói đến các văn nghệ sĩ. Với Trịnh Công Sơn, ông bày tỏ: "Tôi yêu người nhạc sĩ ấy/ Người cho tôi nếm trải/ Mình có thể đứng lên từ một khúc nhạc buồn". Với nhà thơ Chim Trắng, ông tâm sự như một người cùng cảnh ngộ: "Tôi với anh đều xin họ mẹ/ Chắc còn nhiều uẩn khúc trong lòng". Ngay đối với một nhà thơ miền Trung mà ông biết "ngang hơn cua" cũng được Sáu Dân hiểu và chia sẻ như một triết lý sống đến với mọi người: "Có gì đâu những người yêu nước/ Không ai giống ai hết" vì "mỗi chúng ta có một cuộc đời riêng/ Và những nghĩ suy khác biệt". Và Sáu Dân kết luận: "Có yêu thương nhau mới là đồng chí/ Còn không biết yêu thương thì vô nghĩa".
Đó còn là gương mặt những vùng quê nghèo đầy khát vọng đổi đời. Ông trải lòng cùng Quảng Ngãi - nơi đã sản sinh Nhà máy Lọc dầu đầu tiên của đất nước nhờ bởi sự quyết đoán của chính ông: "Hoa xương rồng ngọn lửa lọc dầu đỉnh tháp/ Cháy khôn nguôi khao khát đổi đời". Là vùng đất Cổ Chiên, Vàm Mang Thít, những nơi "Thầm cháy bao ngọn lửa ven sông/ Nơi bầy ngựa thường tươi vui gặm cỏ", rồi cả những công trình thoát lũ ở tứ giác Long Xuyên, công trình Kênh T5 An Giang... đều được Sáu Dân nhắc đến...
Bàn về những phát biểu chân tình của ông Lý Quang Diệu, Sáu Dân đưa ra nhiều bài học mang tính thực tiễn nhưng cũng thấm đẫm triết lý. Cuối cùng, với người Mỹ, Sáu Dân tuyên bố: "Ngày xưa lẽ ra chúng ta là bạn/ Nếu Tổng thống Mỹ tin Hồ Chí Minh/ Với nước Mỹ Cụ Hồ chỉ muốn/ Việt Nam là đối tác chân thành". Nhưng do thiếu lòng tin, Mỹ đã mang đến Việt Nam một cuộc chiến tranh xâm lược để gây nhiều đau khổ cho nhân dân cả hai bên. Nhưng thôi, "Bây giờ xin hãy bắt tay nhau thật chặt/ "Không có kẻ thù nào là vĩnh viễn"/ Chỉ còn những tương đồng lợi ích quốc gia/ Bạn xấu cũng đi đường bạn xấu/ Trắng đen rồi phân tỏ thôi mà". Và khát vọng cuối cùng của Sáu Dân sau khi đã mất vẫn chỉ mong thấy nhân dân được sung sướng, hạnh phúc hơn lên trên một đất nước tự do, dân chủ:
Tôi những muốn về trần gian lần nữa
Về thăm chơi cho vui vẻ cửa nhà
Mong thấy được nhân dân mình đỡ khổ
Trái cây chín trên cành là Dân chủ Tự do.
Có thể nói, với một cấu trúc mở, những tình tiết và các số phận xoay quanh "nhân vật" Sáu Dân, trường ca đụng đến nhiều vấn đề nhưng tất cả đều gom về một mối: Tư tưởng vì Dân. Vì lẽ đó, dù mở, nhưng không một tình tiết, sự kiện nào bung ra khỏi cấu trúc chung mà còn có khả năng "rủ rê" người đọc đồng sáng tạo nếu muốn mở rộng trường ca. Về phương diện ngôn ngữ thơ, khác với những trường ca viết về các nhân vật lịch sử, văn hóa quá khứ, "Dạ, tôi là Sáu Dân" viết về một nhân vật lịch sử hiện đại vừa mới qua đời nên giọng thơ sử dụng một trường ngôn ngữ hiện đại, thông tục, gần gũi với cuộc sống thời hiện tại. Và để đảm bảo tính "sử thi trọn vẹn" của một trường ca, Thanh Thảo đã khéo đẩy nhân vật chính về thời quá khứ. Nghĩa là Sáu Dân xuất hiện trong trường ca với tư cách là người từ "thế giới người hiền" trở về, nhìn nhận lại những việc đã qua. Với cách thức như vậy, ta lại ghi nhận thêm một sự đổi mới nữa trong cấu trúc trường ca của Thanh Thảo. Như vậy, xét cả về số lượng, chất lượng, đặc biệt là ý thức trong tiến trình làm mới thể loại trường ca, Thanh Thảo là cây bút hàng đầu của trường ca Việt Nam hiện đại. Và ta có thể tin, Thanh Thảo sẽ còn tiếp tục tìm những cách đi mới trên dặm dài trường ca của mình bởi đến 2016, anh chỉ vừa bước tới ngưỡng cửa tuổi 70.
Nguồn: Tạp chí Thơ