MIÊN MAN ĐẤT MŨI - BÚT KÝ CỦA NGÔ MINH
Chao ôi, Đất Mũi Cà Mau, mũi đất tận cùng trên bản đồ Tổ quốc như ngón chân cái lấm bùn vạn dặm bấm vào đại dương sóng gió cứ hiện lên trong tôi như niềm ao ước. Tôi đã được đến Lạng Sơn nhìn người bạn của mình ôm lấy Cột cây số 0 Hữu Nghị Quan địa đầu Tổ quốc nước mắt tức tưởi. Mai tôi lại được về Đất Mũi thiêng liêng... Rồi nhẩm thơ Nguyễn Bá: Nước rong đã ngập bãi lầy... nhẩm ca dao kháng chiến của người Cà Mau: Bao giờ hết đước Năm Căn/ Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng/ Khai Long hết xác cá đường/ Mũi Cà Mau đó tao nhường cho bây… Tất cả như thân quen ruột rà mà lại lạ lùng bí ẩn đang chờ đợi phía trước. Đây là cuộc hành hương lớn của đời tôi. Không biết tôi có tâm trí để cảm nhận được hết những cảnh và người Mũi Cà Mau không thời gian ngắn ngủi?
1. Cậu Minh lái tàu cao tốc cho biết, từ thành phố Cà Mau về Đất Mũi có hai cách: đi tàu đò, tức tàu chở người buôn bán hàng hóa trên sông, hoặc đi tàu cao tốc. Đi tàu đò thì chậm hơn, nhưng lại được ngắm cảnh sông nước mênh mang huyễn hoặc. Tàu đò buôn bán có chiếc to lừng lững, chạy mà như trôi, nặng nề, lỉnh kỉnh, chậm rì. Tàu đò chỉ đến chợ Đất Mũi. Từ chợ phải xuôi theo dòng Rạch Tàu 2 km nữa mới đến Khu Du lịch Đất Mũi. Chúng tôi đi đoàn lớn tới 20 người nên phải đi tàu cao tốc. Công ti Vận tải sông biển Cà Mau hiện có 16 tàu cao tốc đi Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Mỗi tàu chở 30 người. Giá vé đi về 180.000 đồng/người, thời gian tàu chạy bình quân là 2 giờ 30 phút. Từ sông Cà Mau, tàu rẽ ngoằn ngoèo sang vàm Năm Căn, vàm Ghềnh Hào. Sông vàm Cà Mau cũng như các tỉnh miền Tây như là đường phố. Cà Mau có hơn 7.000 km sông rạch chằng chịt. Tất cả sinh hoạt buôn bán đều ở trên sông. Nhà nào cũng có cái vỏ lãi (chiếc đò máy nhỏ) để đi mua đồ, đi chợ, đi học, đi họp… Vỏ lãi buộc ở chân cột nhà sàn bên sông. Ở các cụm thị tứ, thị trấn bên đường sông chúng tôi về Đất Mũi như Cát Lái, Cần Giờ, Đầm Dơi, Ngọc Hiển… mặt sông là mặt tiền phố, treo biển quảng cáo ra sông, ghe thuyền mua bán tấp nập. Khi dừng buôn bán, tất cả các chân vịt của đò máy, tàu thuyền lớn nhỏ đều gác lên lái giống như ăng ten ti vi trông rất vui mắt. Tôi giơ tay chào một đám đàn ông cởi trần ngồi nhậu cười ha hả trên một khoang tàu đò. Họ cũng vui vẻ vẫy tay chào lại. Hình như họ kiếm được mồi cá từ đêm qua. Mọi người trong đoàn tôi ngồi trong khoang, còn tôi thì cứ đứng nhoài người trên đầu mũi tàu để được nhìn ngắm cho thỏa thích, được chụp ảnh và hỏi chuyện anh tài xế về mọi điều. Mỗi lần có tàu cao tốc chạy ngược chiều, tàu chúng tôi cứ chồm lên như nhảy lambada trên sóng. Bên vàm Ghềnh Hào cây xanh ngút ngàn, nhưng tôi chỉ biết mỗi cây dừa nước mọc thành từng đám. Tôi chưa từng thấy cây mắm, cây đước bao giờ. Minh lái tàu giải thích rằng đước lá xanh đậm, rễ chùm. Còn cây mắm cũng thân gỗ thẳng nhưng màu lá nhạt hơn. Minh một tay lái tàu, một tay chỉ cho tôi: “Đấy, đấy là rừng đước đấy. Cà Mau rừng đước mênh mông hiện có tới gần 65.000 ha đước, phần nhiều nằm ở huyện Ngọc Hiển. Mũi Cà Mau cũng là một rừng đước nguyên sinh. Bên kia sông là rừng U Minh, là xứ sở của rừng tràm. Chú mà vô đó có nhiều chuyện hay lắm, tha hồ viết. Nhưng mình chỉ đi Đất Mũi. Dân ở đây đa phần sống bằng nghề nuôi tôm, hầm than đước, đánh cá, vận chuyển hàng hóa…”. Rừng đước bạt ngàn xanh mướt, rễ cây từng chùm cắm vào bùn nước mặn sung sức như một đội quân ngang tàng trước sóng biển. Hình như đước cũng lây sức sống qua mình, nên tôi cứ nghe rậm rịch thèm bơi, thèm hát…
Tàu chúng tôi ra sông Cửa Lớn. Con sông rộng như sông Hồng. Đã nhìn thấy cửa biển xa xa, tím thẫm. Tàu lại rẽ vào vàm Ông Trang, tới xã Viên An. Minh bảo “Chúng ta đang đi trong vàm dọc theo biển. Đây là huyện Ngọc Hiển chú ạ”. Nhắc đến huyện Ngọc Hiển tôi lại nhớ sách vở nói về sự tích Anh hùng Bông Văn Dĩa, quê Rạch Gốc, Tân An, đã chọn cửa sông Vàm Lững quê mình làm bãi tiếp nhận vũ khí bí mật, rồi anh cùng các đồng chí trong Đoàn 692 của mình đưa những thuyền buồm, thuyền máy nhỏ nhoi vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí, mở Con đường Hồ Chí Minh trên biển về tận mũi Cà Mau. Từ tháng 3 năm 1962, chuyến tàu buồm đầu tiên khởi hành đến năm 1972 đã có 77 chuyến cập bến Vàm Lũng thành công với hơn 3.000 tấn vũ khí tiếp viện cho quân dân Cà Mau đánh giặc. Đó là một sự tích lẫy lừng chưa từng có trong lịch sử hàng hải quốc tế.
Ngọc Hiển cũng là huyện mang tên người cộng sản anh hùng, một thầy giáo, nhà báo đã trực tiếp chỉ huy nghĩa quân là những người đánh cá, hầm than đước, đốn củi, cào sò, tay không tấc sắt đứng lên làm cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Hòn Khoai, một hòn đảo nằm phía ngoài Đất Mũi khoảng 12 cây số. Đó là ngày 13 tháng 12 năm 1940, ngày Nam Kì khởi nghĩa. Tên anh được đặt cho huyện có Hòn Khoai, Đất Mũi là huyện cuối cùng trên bản đồ nước Việt. Và ngày 13 tháng 12 ấy đã trở thành ngày truyền thống của quân dân Cà Mau. Sáng ngày 12 tháng 7 năm 1941, thực dân Pháp đã đưa Phạm Ngọc Hiển và 9 chiến sĩ của anh ra hành quyết tại thị xã Cà Mau. Tại thành phố Cà Mau hiện có Tượng đài và nghĩa trang 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai. Bài thơ Đất Viên An của Nguyễn Bá là bài thơ tưởng nhớ anh hùng Đất Mũi Phạm Ngọc Hiển: Chắc bây giờ ở Viên An/ Nắng đùa bóng đước ngả ngang mũi Cồn/ Cắc Ca# về lượn quanh hòn / Có nghe ngọn gió thơm hồn người xưa… Ở tỉnh Cà Mau còn có một người cộng sản nữa tên được đặt cho một huyện là Trần Văn Thời. Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau, thì Trần Văn Thời, tức Ba Thời được bầu làm bí thư tỉnh ủy Cà Mau từ tháng 5 năm 1940 đến 1941. Ôi, những tên người đã thành tên đất thân thương.
Cách đây mấy chục năm Viên An là xã cuối cũng trên bản đồ Tổ quốc. Viên An bao gồm Đất Mũi. Nhưng theo Minh lái tàu thì giờ Đất Mũi đã thành xã riêng gọi là xã Đất Mũi, có chợ Đất Mũi, có xóm Mũi. Từ Viên An ở ấp Ông Trang, tàu rẽ sang vàm Sắc Cò xuôi dòng Rạch Tàu rồi cập bến khu du lịch mũi Cà Mau. Suốt gần 3 tiếng đồng hồ sông nước, tôi như đứa trẻ lên năm, cái gì cũng ngạc nhiên, ngơ ngác hỏi cho bằng được, rồi ghi chép chập choạng được mất vào mảnh giấy cầm trên tay theo lắc lư tàu chạy…
2. Mũi Cà Mau bây giờ đã có khu du lịch nằm ngay trong khu rừng mắm và đước ngút ngàn. Anh em chúng tôi nhặt mỗi người dăm ba quả đước, trái mắm mang về Huế, mong có chỗ cho nó mọc thành cây… Anh Nghĩa, tác gia sân khấu còn bứng hẳn một cây đước con, đắp phù sa Đất Mũi đầy gốc để mang ra Huế trồng. Dân Cà Mau bảo rằng Mắm đi trước, đước theo sau trên hành trình lấn biển. Mỗi năm Mũi Cà Mau lấn ra biển 80 đến 100 m. Đước và mắm là hai loại cây lạ lùng, đầy cá tính. Đước thì rễ mọc thành chùm như cọc nhọn lực điền cắm phập xuống đất mặn, còn cây mắm thì rễ lại từ bùn chỉa tủa tủa lên trời như nhũng vạt chông. Nhưng chuyện đước mắm sẽ nói kĩ hơn về sau. Du khách đến thăm Đất Mũi sẽ được hướng dẫn viên dẫn tới thăm Mốc tọa độ Quốc gia, điểm tọa độ GPS 000, cột 0 được đo đạc và xây dựng từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 và cột mốc MŨI CÀ MAU ở 8o37’30’’ vĩ độ Bắc, 104o 43’’ kinh độ Đông. Cột mốc hình cánh buồm trên con thuyền lướt sóng, cách cột mốc Cây số 0 ở Hữu Nghị Quan Lạng Sơn 2354 km. Chúng tôi ai cũng xúc động cúi xuống sờ vào dòng chữ đỏ như sờ vào da thịt người thân của mình. Sau đó chúng tôi được trèo lên “Đài quan sát” cao 15 mét để thấy tận mắt hình thù Mũi Cà Mau thân yêu. Trên Đài quan sát này, chúng tôi còn nhìn rất rõ đảo Hòn Khoai, bãi Khai Long phía Đông Nam Mũi Cà Mau mới được tỉnh đang có dự án dựng xây dựng Khu du lịch sinh thái rộng 150 ha. Ở Khu du lịch Mũi Cà Mau còn có hai nhà hàng phục vụ du khách. Một nhà hàng Thủy Tạ ngoài biển, và một nhà hàng cạnh Đài quan sát. Tiếc là chưa có khách sạn, nên du khách đến không có chỗ ngủ qua đêm, nếu không vào Xóm Mũi ở nhà dân. Theo người hướng dẫn viên thì năm 2007, đã có 50 ngàn người Việt và người ngoại quốc đến Đất Mũi. Chúng tôi đã có dịp uống rượu với anh Lê Văn phó bí thư và anh Võ Thanh, chủ tịch xã Đất Mũi. Hai vị lãnh đạo xã trẻ trung này còn nhấp rượu mà ca sáu câu vọng cổ. Rượu nhấm với khô cá thòi lòi, một đặc sản của vùng Đất Mũi rất bắt, nên nghe giọng ca khê đặc thuốc lá vẫn rất mùi. Cá thòi lòi thân dài, hai mắt lồi, hàm bạnh trông rất dữ tướng, sinh sống ở cả dưới nước lẫn trên cạn trong rừng Đất Mũi. Dân đánh bắt làm khô cá. Ở Đất Mũi còn có loại cá kèo, nấu lẩu rất ngon. Các cô gái phục vụ ở phố bưng đĩa cá kèo đang giãy giụa bắt được dưới rãnh bùn rừng đước, đổ ập vào nồi lẩu đang sôi và ngay lập tức đậy vung giữ chặt rất sành điệu. Lại có loài cá “ba đời”. Nghĩa là trong bụng con cá “mẹ” lại có con cá “con”, trong bụng con cá con đó lại có một con cá “cháu”. Không hiểu sao lại sinh ra loại cá lạ lùng như vậy. Đất bùn xứ Mũi còn có con ba khía trông giống con cua nhỏ, nhưng càng rất to. Dân Mũi muối mắm ba khía vàng rộm nhấm rượu rất bắt. Tôi đã ăn con mắm ba khía, mùi mắm giống vị chao ở Huế. Bữa trưa hôm đó, chúng tôi được thưởng thức món lẩu canh chua cá dứa. Một loại cá thịt trắng, rất thơm ngon, một đặc sản của rừng mắm. Theo người dân kể thì cá dứa ăn trái mắm. Vào mùa thu trái mắm rụng, là mùa bà con Đất Mũi đánh bắt được nhiều cá dứa nhất. Bà con bắt cá dứa bằng lao phóng.
Bí thư, chủ tịch Đất Mũi cho biết, dân xã làm nghề đánh cá là chính, ngoài ra còn lướt ván cào sò. Bây giờ Đất Mũi đã có điện lưới quốc gia, có ti vi suốt ngày, cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều. Lê và Võ bảo với tôi: “Chúng tôi là đầu binh cuối cán, lại ở xã tận cùng, bốn bề sông nước, nên không vì dân, không nghe dân sẽ không còn chỗ sống, sẽ bị hất văng ra biển”. “Có thế chứ !” - Tôi cảm kích và ngật ngưỡng nâng chén. Võ bảo: “Đất Mũi này từ năm 1990 trở về trước muỗi như trấu. Những ngày chống Mĩ, chục năm liền dân Viên An, Đất Mũi lập làng rừng kháng chiến trong rừng đước để chống lại kế hoạch “tìm diệt” của giặc. Ở làng rừng những năm đó, việc chống muỗi cũng gian khổ như chống giặc. Muỗi nhiều đến nỗi ban ngày cũng quờ tay vơ được cả nắm. Còn đêm thì nằm màn rồi, sáng ra thấy muỗi đậu kín đen ngoài màn. Anh chàng nào say rượu ngủ quên không màn thì muỗi đốt người muỗi say rượu nằm đen bên người như tro đước. Những ngày đó nhà nào cũng phải có bếp lò đốt vỏ cây xông muỗi mỗi chập tối, nếu không thì không sống nổi qua đêm. Nhưng rồi từ ngày có điện sáng, nhà ở gần nhau hơn, con người vệ sinh văn minh hơn, tự nhiên muỗi đi đâu hết...”.
3. Ba mươi năm trước, năm 1977, thời buổi đất nước đang vô cùng khó khăn, đường sá xa xôi khó khăn mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lặn lội đến từ Huế về ở cùng bà con xóm Mũi cả tuần liền. Anh Tường đã ra biển để nhìn hình thù Mũi Cà Mau như thế nào. Trong bút kí nổi tiếng Đất Mũi, anh viết: “Trên mặt biển hửng sáng, tôi nhìn thấy cái Mũi đất rừng chuồi trên mặt nước, nhọn và sắc như một chiếc mỏ chim… Mũi Cà Mau nhìn giống như một cánh chim hải âu đang lao ra giữa Biển Đông… Hai Công nói: “Nhìn nghiêng thì nó nhọn như vậy. Nhưng khi nhìn chính diện, từ ngoài khơi ngó thẳng vào Bãi Bùn, thì Mũi Cà Mau lại tròn vành vạnh, ý như một cái vành đai ôm lấy đất liền”.
Tôi không có dịp ra biển để nhìn các góc độ xem hình thù Mũi Cà Mau như thế nào. Nhưng đứng trên Đài quan sát tôi thấy Mũi Cà Mau không khác gì trên bản đồ đã vẽ. Có khác chăng là mỗi năm mũi đất chuồi thêm ra và “mập” thêm ra gần 100 ha đất. Cứ đến mùa gió chướng, khi đất bồi tấp vào bãi, đước mắm lại lấn ra biển mọc thành rừng giữ đất phù sa. Người ta tính được rằng, từ năm 1975 đến nay, Đất Mũi đã lấn ra biển hơn cây số rồi. Cuộc sống thật lạ lùng và buồn cười. Những quan tham có đủ bằng cấp này chức tước nọ nhưng quanh năm lại tìm mọi cách để “ăn” đất ruộng, đất vườn của dân để vinh thân phì gia, còn cây mắm, cây đước vô tri nơi đầu sóng lại lấn biển, mở mang đất đai cho Tổ Quốc. Mắm và đước cùng với bần, dừa nước, vẹt, sú là những giống cây kiên cường nhất của rừng ngập mặn Cà Mau. Vào đầu mùa thu mắm nở hoa vàng, khoảng sau một tháng thì kết trái. Trái mắm bằng ngón tay cái. Dân Đất Mũi kể rằng, ở trong ruột trái mắm có cái lõm màu xanh ăn được, nhưng rất chát. Những năm đánh giặc, quân dân Cà Mau đã hái hàng tạ trái mắm, đập vỏ, lấy cái lõm bên trong luộc cho hết chát rồi ăn thay cơm bám trụ diệt giặc. Đầu tiên là bãi bồi bùn trống trơ. Sau đó cây mắm tung những quả mắm ra biển, sóng đánh vào bãi bồi. Thế là mắm mọc thành rừng rất nhanh để giữ phù sa, trở thành rừng phòng hộ. Sau đó cây đước vươn ra khẳng định chỗ đứng của mình, làm cho đất mới định hình trước biển… Cây đước luôn đến sau cây mắm trong cuộc trường chinh mở cõi, nhưng lại là loài cây rường cột của đất Mũi Cà Mau. Cây đước chắc, rễ đước như chùm vòi bạch tuộc cắm vào bùn đất ngập nước, giữ cho rừng cây vững vàng trước sóng gió. Dường như cái chất người Cà Mau cũng giống cây đước, quật cường mà hào hiệp và xanh thắm tình thương… Rừng đước đại ngàn bao năm là chiến khu kháng chiến của quân dân Cà Mau. Rừng đước Năm Căn bao năm là căn cứ địa của Khu Ủy, Xứ Ủy Nam Kì, tỉnh ủy Cà Mau, là nơi hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo đảng như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt… Gỗ đước già xẻ gỗ ván sàn, vỏ đước dùng để nhuộm quần áo và nhuộm lưới, than đước bao năm là nguồn nguyên liệu chính của miền Tây Nam Bộ… Ở Khu du lịch Mũi Cà Mau người ta bán đũa, môi (vá) sản xuất từ gỗ đước.
Đước và mắm là hai loại cây có công lớn trong việc hình thành và phát triển Đất Mũi. Nhưng để làm nên Đất Mũi linh thiêng ấy, phải có ba nhân vật không thể thiếu nữa, mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết trong bút kí Rừng nước mặn trong chuyến đi 30 năm trước của anh. Đó là dòng hải lưu Nam Bắc nổi tiếng của vùng Nam Thái Bình Dương; sông Cửu Long và đảo Hòn Khoai. “Một nhà hải dương học người Pháp, ông Chevey đã phát hiện ra dấu vết của dòng hải lưu ấy. Chính dòng hải lưu Bắc Nam này đã đón hết phù sa sông Cửu Long chở về đến cực Nam và vì đụng phải đảo Hòn Khoai nên nó tạt vòng lại, tập hết lên Bãi Bùn là nơi có thềm lục địa cao hơn những vùng chung quanh. Dòng hải lưu Bắc Nam và sông Cửu Long là hai cánh tay vĩ đại của tự nhiên đã đón bắt những hạt phù sa vạn dặm mà đắp bồi nên Mũi Cà Mau…”. Mắm đước đã là những người lính xung kích mấy trăm năm góp phần giữ đất mở cõi. Theo sử sách thì 300 năm trước, Cà Mau thuộc trấn Hà Tiên, đạo Long Xuyên dưới sự cai quản của tổng binh Cửu Ngọc Hầu Mạc Cửu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1825). Trước đó hai ngàn năm, người Malayopôlinêxia, những chủ nhân thông minh, tài ba của những hòn đảo ngoài khơi Đông Nam Á đã dùng thuyền tiến vào Đồng bằng sông Cửu Long bây giờ làm nên nền văn hóa Óc Eo rực rỡ vào loại hàng đầu Đông Nam Á. Nhưng rồi vào thế kỉ VI, một trận biến tiến đã nhấn chìm tất cả. Sau đó hàng mấy trăm năm, những người Khmer Chân Lạp, người Việt từ Phú Xuân, Ngũ Quảng theo Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, người Hoa chạy giặc Mãn Thanh… đầu tiên mới tới vỡ hoàng khai khẩn đất đai, trồng cây, đánh cá. Đến năm 1708, đất này mới chính thức thuộc về Đại Việt. Ba trăm năm trước, không biết Mũi Cà Mau có như bây giờ không, lúc ấy đã có rừng đước, rừng mắm hay chưa. Tôi nghĩ chắc chắn là có. Bởi nhờ rừng, nhờ sông rạch, nhờ bà con ba dân tộc Việt, Khmer, Hoa đoàn kết chung sức chung lòng đánh giặc giữ làng, xây dựng nên một tỉnh Cà Mau giàu có, hiện đại với nhà máy điện đạm khổng lồ, với công nghệ sản và xuất thủy sản xuất khẩu hàng đầu đất nước hôm nay.
Chúng tôi đã đi bộ trầy trật len lỏi đến cuối mũi đất để hít thở gió biển Mũi Cà Mau và hương vị phù sa mới dâng trào. Anh nào cũng chạm tay xuống lớp bùn non mới bồi để được trực tiếp sờ vào ngón chân cái của Tổ Quốc dính đầy phù sa trẻ để xem nó có nóng rãy bụi trường chinh hay không. Nhà thơ Võ Quê không biết chuẩn bị từ bao giờ, đã phân phát cho anh em mỗi người một túi nilon nhỏ để xin một nắm Đất Mũi mang về đặt lên bàn viết.
Vâng, về Đất Mũi luôn là cuộc hành hương trong tâm thức người Việt bao đời
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
--------
1. Một loại chim biển