NẤM THÔNG-TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN TRẦN CHIẾN
Ảnh minh họa: Internet
Gần trưa có taxi vào. Chạy thẳng từ sân bay, tức không qua Đà Lạt tiếp thêm đồ ăn thức uống hay quần áo diện xứ rét gì đó. Khách hẳn là người hợp với khu trại “quan trọng nhất là thiên nhiên” này. Nhưng khi nhìn kỹ những lủng củng, Sủng phải buông máy bào, thốt lên: “Những hai va li một to một nhỏ, ít nhất sáu váy mười áo chưa kể măng tô san để lững thững trên đồi. Cậu chàng chỉ ba lô đơn giản nhưng máy ảnh xịn”.
“Ái chà chà…”, Sủng gần đứt lưỡi khi thấy đôi chân dài ló ra từ cửa xe. Giầy cao gót “thủy tinh” hạ xuống khiến đất đồi, có chút lấm láp trong những ngày mưa dầm, rung rinh nhè nhẹ. Váy vàng chấm hoa, kính râm thời trang, ra khỏi xe lập tức dương ô dù tán thông trên đầu rất rợp.
“Dân thành phố. Văn phòng…, mày lạ gì”, ông Phan móc máy vẻ trầm trồ của Sủng. Cậu chàng này con một, nhà “nông dân mới” có vài đầm tôm ở Cà Mau, gửi lên đây để tránh đám bạn tiêu tiền như vãi đạn. “Xưa mày chơi bằng mấy…”, nói thế nhưng ông vẫn gác cây gỗ xuống tấm mái lợp dở nhìn sang. “Đi trăng mật. Mà không, sắp cưới”. Dừng một lát: “Lương bảo ở đến ngày kìa, nhưng kiểu này chắc không được hai đêm”.
- Chú này, tiêu cực quá. Cậu mợ đang tràn trề hạnh phúc kìa.
- Ờ ờ, từng trải làm tao hay tiêu cực. Tưởng sướng à!
- Chú dám cuộc không. Một chầu nấm thông, ở tới hai đêm là cháu thắng.
- Tháng này làm gì ra có nấm thông. Nhưng cuộc thì cuộc.
“De!”, hai bàn tay đập vào nhau như cầu thủ vào sân thay người. Xa xa vọng lại tiếng hát ghê rợn, tiếng đập thùng ghi ta của Kin “tăng động” và Kun “trầm cảm” – bộ đôi “điên” Lương chỉ cho lên ngoài ba tháng một lần.
*
Trại trong rừng, vài người bạn hùn tiền lập nên. Tên Andante do Lương đặt, trong âm nhạc có nghĩa thong thả, chậm rãi gì đó, hơi hơi cách bức với dân thông thường. Người khai thác tính cũng dị, không phải loại quá giầu để ném thóc đãi gà rừng, vẫn làm từ xa cho chỗ đâu đó bên trời Âu nhưng đặc biệt kén khách, căn vặn đến điều, thấy hợp mới cho lên. Chốn này chẳng cần điều hòa đã đành, còn không tivi không mạng, karaoke bolero nhạc cách mạng đến rốc ráp hiện đại càng từ chối. Triết lý của nó thật cực đoan: hòa vào thiên nhiên đến tận cùng. Dăm ngôi nhà sàn dựng thưa thớt, “hạ tầng” giấu rất kín, tiện nghi tối giản đến nỗi tắm táp (tất nhiên kín đáo) mà nhâm nhi được cả khoảng trời. Suối Đạ Khai điểm một giai điệu bền bỉ vào nhịp rừng, sau đêm mưa tai nấm mọc bết trên lan can gỗ còn vết rìu vạt trước nhà.
“Trái tim” của trại là căn bếp không vách, mái nhựa trong lốm đốm lá và quả thông rụng. Nghĩa là hoàn toàn mở, để ta, đang dở cốc rượu hoa quả bỗng thấy mình giữa bể mù, giọng đột ngột ngàn ngạt. Giữa tủ lạnh, bếp ga, chậu rửa ẩn tàng những cuộc “sắp đặt” tùy thuộc “cá tính sáng tạo” lôi thôi mà duyên dáng của Lương: bí ngô, khoai lang, mướp đắng lăn lóc, rổ trứng chễm chệ ả gà mái nhựa. Khách khá tự do khi chọn cách ăn uống, tha hồ mang thực phẩm nhà đến nấu nướng trong góc riêng. Mà giá không hề bình dân. Giữa mênh mông thế, chỉ mấy mống nên ai ai đều dễ bắt chuyện, cởi mở với nhau. Andante, vì thế có thể rất khó lường.
Ông Phan chả góp cổ phần, không phải người làm công, nhưng có vai đặc biệt ở trại. Lang thang khắp chốn, làm đủ nghề, vợ vài “tập”, sướng khổ đều tới nơi trong mấy chế độ, ông luôn luôn bị rừng quyến rũ. Tre bương rậm rạp, nhiều sên vắt ngoài Bắc, khộp dầu khô khẳng Cam pu chia, rú miền Trung lấp xấp, ông đều coi như mặt biển rộng êm sóng mà lắm kì thú. Rút cục, chỗ dừng có vẻ cuối cùng là rừng thông, những dải đồi mênh mông dưới chân Lang Biang nổi tiếng. Chính ông gợi ý Lương đỗ lại đây, lấy suối Đạ Khai dựng thành ngọn thác đổ trước khi ào xuống khe làm linh hồn khu nghỉ. Khi đám bạn bộn vốn tìm đến với không ít tham vọng, Lương có chút bối rối, Phan khuyên nên chậm rãi, “andante thôi, không ai được lấn át thiên nhiên hết”. Chẳng thạo thổ mộc, ông sắm những việc không tên: vẽ kiểu nhà, bàn ghế, giao thiệp với khách Âu Mỹ và đám “chức năng” địa phương – chủ yếu là kiểm lâm, vào bản K’ho uống rượu “tiện thể” vận động đừng hạ cả cây thông để lấy củi cành, . Đều là không công, khiến Sủng ngờ ông bị đôi mắt lấp lánh của Lương bắt hồn.
Rừng thông không vắt, rắn, chân dận ủng tha hồ lùa vào bụi, mà thứ này cũng chả rậm rạp, nên chi tản bộ rất sướng, con chim gì ấy nhỉ a có nấm này, chốc chốc được à ồ. Nhưng rừng nào chả là rừng, mưa nắng bất chợt, không điều hòa nhiệt độ, những nẻo chả bằng phẳng…
*
“Ối anh ơi hoa gì thế này oải hương á”. “Eo ơi ướt hết cả giầy rồi bụi này có con sên sợ sợ là…”. “Mác ga rít ta mà anh lại bảo mua phịa phịa anh phịa nhá”. “Ối sâu róm cứu cứu…”.
Chốc chốc lại thế, phát nhí nhảnh hồn nhiên phát nghiêm trang. Làm chàng, lễ mễ máy ảnh, va ly “phục trang”, không thể thỏa mãn ngay cơn cảm xúc kiêm tìm hiểu thiên nhiên mỗi lúc mỗi phún trào. “Giả vờ du lịch. Em sẽ u sầu ở Chiềng Mai, rạng rỡ tận California, thế mới đáng sống ảo chứ. Anh tưởng tượng xem…”. Không trả lời. Con dốc đứng dã man, chẳng giống ai, chàng đang dùng mông thử độ mượt mà từng hòn sỏi, mô đất, rễ cây. “Làm thế nào ra cảnh giầy cao gót trèo thác mí lại tự tử thì nên sắm váy tím hay váy hồng nhỉ”. Cơn độc thoại không thể dừng, làm chàng còn méo xệch vội rặn câu pha trò “May chưa gãy vỡ bộ phận nào…”.
“Anh thì… Nói bậy nhá! Dám không tôn trọng em á!”, bên kia nghiêm túc, bộ tình thái từ “à ư cơ nhỉ nhé” trong môn ngôn ngữ học xuất hiện gần đầy đủ.
Họ chọn Andante sau những tranh cãi không bao giờ kết thúc, vì nàng mỗi ngày lồi ra một sở thích, chỉ cho phép chàng lo đoạn tốn kém. Điểm cuối cùng được thống nhất, biển Cà Ná, bị gạt vì “Tính em giản dị nhưng ra nắng da xấu mất, chỗ nào được bộ ảnh đẹp mà râm mát, có nước ấy”. Để đặt được phòng, chàng bị chị Lương cật vấn đến nhẽ, xong chỉ thông báo “đây là chỗ rất đặc biệt”, khoản tiện nghi ra sao giấu biệt. “Chung kết” trước hôn nhân phải bất ngờ nó mới ty tỷ sướng chứ.
Nàng thì lạ, không “sinh ra và lớn lên” trong “gia đình có điều kiện”. Chỗ ấy chó ăn đá gà ăn sỏi, mỗi nhà mỗi quả đồi cách nhau khoảnh ruộng bằng chiếc khăn mặt. Mười lăm tuổi, đen sắt, gầy gò, đuôi tóc đỏ tự nhiên vì theo đít lũ trâu, nàng nổi tiếng hàng xã vì sang hàng xóm mượn bằng được quả xe ga đi lĩnh tiêu chuẩn hộ nghèo. Nếu tin có số phận thì nàng được sao tốt chiếu mệnh từ mười bẩy tuổi, khi ông bác họ rất xa về quê tìm người giúp việc. Cơm thị thành, tuổi dậy thì và mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu lột xác cô bé “đến từ quê nghèo”. Ngắm nàng trắng hồng, mơn mởn, hông eo mềm mại đi lại từ bếp đến bàn ăn, bà chị vợ ông bác nhận làm con nuôi. Nàng học nghề kiểu làm món tái nhúng, cốt có bằng rồi được đem về văn phòng doanh nghiệp làm văn thư, chức năng chính là đi lại cho mọi người thích mắt, tiền tiêu có “mẹ” lo. Lọ Lem biến thành công chúa thì tàn tích nghèo khó phải biến nhanh. Nàng chỉ qua đường khi đã dương ô, liên tục làm sinh nhật, mừng váy áo mới, đổi xe, một mực thích quà gấu bông, ba lô mầu hồng lũng lẵng quả bông. Đám dự bị hoàng tử lắm tên bỏ cuộc, lắm tên “em hổng dám đâu” trong cuộc đua đến giấc mơ “như phim Hàn” nàng khăng khăng dệt lên.
“Em sến à quên bô lê rô lắm”, tên lập trình viên vui tính, rất có duyên, đã góp năm gấu nhưng kém kiềm chế thốt lên, dần dần lặn thỉnh thoảng sủi ít tăm. Khí “dừ” so với nàng, nhưng tư chất ổn định như thu nhập, quan trọng là tốt nhịn, chàng được đôn lên Hoàng tử II. Kiên trì si ngốc, khiêm nhượng lúc tiệc tùng, chàng chính thức “ra sân” khi mang đến gấu nâu mắt đen choán nửa giường nhưng dễ thương ơi là dễ thương. Chuyến đi này là một thử thách, đêm đến cùng chỗ đấy nhưng nhỡ nàng đòi gối tay đến sáng thì mình liệu có đủ sức khỏe…
*
Được nắng, trời trong, thỉnh thoảng có những sọc sẫm – sáng tự nhiên hiện ra, khiến cuộc chụp trong rừng thành mĩ mãn. Mẫu say sưa diễn bài nhí nhảnh, lúc chu mỏ nằm xoài cạnh bụi mua, lúc trầm ngâm suy tư bên gốc thông cháy dở không quên làm chữ V. Khi chàng oải thì nàng giở gậy “tự sướng”, điện thoại thông minh cho ảnh tương phản phết. Nhưng con suối trơn lại ác nghiệt, nàng nhất định làm bé vầy nước, tung tăng lội. Không biết mệt, trong khi “đạo cụ” trong va li mới dùng chút ít. “Cầu vồng chỉ có ba mầu, sao anh không cho lên được cả bẩy sắc?”. “Anh đáng ra phải bảo em đổi giầy lúc xuống thác chứ”. Chàng nín thinh như bao giờ, chả nhẽ cãi tại em thay váy lâu quá mất nắng và giầy cao gót, dù “pha lê” giẫm rêu ngã bố nó mất. Cái chính không nói ra được là trong khoảng mươi phút có nắng ấy, Kun Kin đang khỏa thân tắm phía dưới. Trăm phần trăm, lấp lóa trong tán lá, không biết lạnh là gì à hả hai con điên. Những ý nghĩ ám muội không dâng lên nữa khi chàng tập trung vào chuyên môn. Bông hoa đẹp của khối văn phòng phía Nam tổng công ty X. chốc chốc lại muốn kiêu sa như hoa hậu Tiền phong năm 20…, hoặc hiện đại phóng khoáng gần gần bằng gái Mỹ.
Cuối cùng cũng trình diễn xong, tắt nắng không nhẽ kéo dây chong đèn ra thác chụp đêm. “Hai em vui không thấy mùi rừng thơm không?”, chị Lương ân cần khi nàng hớn hở, chàng tập tễnh lết vào. Nàng lập tức đòi chàng giở máy kiểm tra hiệu quả chụp, cái chính để khoe và đợi câu khen. Mà Lương, quá quen với từng địa điểm, góc chụp đẹp và muôn cách tạo dáng, chỉ à ồ được rất nhạt.
Thấy không mặn chuyện, nàng chuyển sang than vãn: “Mưa chết tiệt. Nhiều quá à”. Sùng đang vác ủng xuống suối gột lẩm bẩm: “Lên rừng mà kêu mưa a, mưa nắng bất chợt mới là rừng chứ”.
“Chưa đói à, ăn thôi các em”, Lương giải vây cho chàng lúc ngoài kia xẫm hẳn. Căn bếp mở ngập tràn mùi khói thông, mùi khoai lang nướng. Kun Kin chưa hết trò, lục trứng gà, bí ngô, mướp đắng vứt vào chậu than, lôi mấy lọ mứt quả ra thả hoa cúc, lá hương thảo vào chấm.
“Ăn chay nhưng phải có rượu. Dô! Phê dô!”. Hai con điên đồng thanh, ới nàng nhập bọn. Nhưng bi kịch đã bắt đầu. “Không tivi, thế này em chả theo dõi được thời sự Di ba bu ê đang căng thẳng… ”.
- Nhưng ở đây có nến.
- Nến á. U tì mới nến chứ văn minh phải biết thế giới đang gì. Tám giờ có phim, “Tình yêu dang dở” đang tập 326 à 329 rồi.
Mặc cho chàng lý sự, rằng biết thế giới chậm tý chả sao, loại phim kia có bỏ trăm tập chưa chết ai hơn nữa truyền thông chỉ giỏi kích động làm ta không tập trung vào chuyên môn (yêu đương chẳng hạn), nàng quay sang hỏi Lương: “Chả nhẽ chị làm việc từ xa lại không cần mạng á? Giờ em muốn gửi ảnh vừa chụp lên phây cho chúng nó ga tô ga tô là ghen ăn tức ở ạ”. “Trên đồi chỗ cây thông cháy có mạng”, câu trả lời quá bằng trêu tức, mà nàng không thể hỗn với chị, đâm ra chàng lại giơ đầu chịu trận.
- Kiểu này em ung thư thì anh sẽ không chết theo đâu nhỉ.
- Nói gì mà ngờ ngờ… ngốc thế? Xem phim tình cảm Hàn nhiều quá. May là em chưa đập mặt mũi làm lại.
- Chán anh. Đấy là truyện ngôn tình. Kiểu này em phải tìm soái ca mới, cái đồ không biết võ.
Tám giờ hơn, kêu vừa mệt vừa chán, nàng nguây nguẩy trở về nhà gỗ. Chàng cùn cụt bên cạnh, tay nặng va li tay giương ô. Trong tiếng mưa tiếng suối, những nỗi những lời có nghe thủng. Lương nhìn theo tội nghiệp cậu này lại muốn dành thú vị bất ngờ cho bạn gái cơ đấy. “Bạn này chắc sáng nào cũng “cúng phây” dù chỉ bát mì gói xôi, mà thiên nhiên đẹp dường này sao cứ phải tiện nghi này nọ nhỉ”, Kin “bắn” không đậy được mồm. Kun thũng thẵng thả: “Khư khư điện thoại chắc gọi nhầm đến ai cũng phải “buôn” nửa tiếng”.
Nhà gỗ ken két, rên rỉ tiếng ái ân hay ngùn ngụt hờn trách phẫn nộ, Kun Kin nhất trí sẽ “diễn ra” cả hai. Nhưng thế đêm vẫn dài quá.
*
Sáng ra nắng ráo, bầu trời cao thêm khi trưng bộ áo da xanh ngắt. Taxi vào, vẫn chiếc hôm qua. Thấy tài xế ngạc nhiên, chảng u ơ một lý do, lụi hụi chất “đạo cụ” vào cốp, bảo Lương “Em còn tiếc hơn chị”. Nàng tươi tỉnh vung vẩy điện thoại ra đường cái là có sóng ợ…
Sủng đã trèo lên mái nhà lợp dở, với xuống ông Phan bên dưới: “Cháu chỉ hái nấm thông thôi đấy chú lo thịt gà hành mỡ không mì chính nhá”. Vẳng từ suối lên tiếng Kin, đang “xi nê ma mồm” về trung tâm bảo vệ động vật hoang dã ở M. Rồi Kun, vẫn chậm chạp, khó nhọc: “Thế ở đấy họ có bảo vệ động vật đực bị thuần hóa không?”.
Không phải hai con điên lại tắm đấy chứ?
Trần Chiến
Nông thôn ngày nay tết Kỷ Hợi 2019