Từ đời vào văn

15/1
8:58 PM 2021

MỘT CÁCH TIẾP CẬN TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

ĐỖ HẢI NINH(Đọc Truyện ngắn Việt Nam đương đại - diễn trình và động hướng, Lê Hương Thủy, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2019). Truyện ngắn là một trong những thể loại năng động nhất và có khả năng nhạy bén khi bắt nhịp với sự thay đổi của mỗi thời đại.

Nhìn vào quá trình phát triển văn học hiện đại Việt Nam có thể thấy vai trò chuyển nhịp, tiên phong của truyện ngắn ở những bước ngoặt lịch sử, khi mà các thể loại khác như thơ, tiểu thuyết còn đang dần dần lột xác, tìm đường. Trong không khí đổi mới văn học từ sau 1986, truyện ngắn chính là thể loại thổi những làn gió mới lạ sớm nhất và mạnh mẽ nhất; cho đến nay dẫu khi trầm lắng khi biến hình đổi dạng thì hành trình phát triển của nó vẫn vô cùng hấp dẫn và bí ẩn khiến người ta phải không ngừng ngạc nhiên, suy ngẫm. Bởi vậy, dẫu đã có không ít công trình nghiên cứu về truyện ngắn Việt Nam đương đại công phu và kĩ lưỡng thì việc đặt vấn đề tìm hiểu “truyện ngắn Việt Nam đương đại - diễn trình và động hướng” vẫn là một điều hết sức cần thiết.

Trong cuốn sách của mình, Lê Hương Thủy đã bao quát những vấn đề chính yếu của truyện ngắn Việt Nam đương đại: từ việc đặt sự phát triển của thể loại này trong bước chuyển của đời sống xã hội và văn học đến ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật và thực hành đổi mới lối viết, kết cấu, các loại hình nhân vật, những động hình ngôn ngữ và thiết tạo điểm nhìn… Với nỗ lực của một người nghiên cứu luôn bám sát tình hình văn học đương đại, tác giả đã nhấn mạnh đến sự tác động của những thay đổi trong đời sống xã hội đối với văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng, đặc biệt là tác động của kinh tế thị trường và sự xuất hiện của không gian mạng. Tác giả đã có những khảo sát cụ thể về những thay đổi của văn học trong sự bùng nổ của internet, sự ảnh hưởng của nó đến việc khai thác thị trường xuất bản và tiêu thụ tác phẩm làm xuất hiện một thế hệ người viết và người đọc có thị hiếu thẩm mĩ khác trước. Mặc dù chưa phân tích để chỉ thật rõ mối quan hệ giữa sự phát triển internet và truyện ngắn, hay giữa cơ chế thị trường và truyện ngắn nhưng trong cách đặt vấn đề của tác giả có thể ngầm hiểu những yếu tố này liên quan mật thiết đến sự phát triển của truyện ngắn bởi đặc trưng thể loại là “ngắn”, mở, hàm súc, là sự trình diễn đầy biến ảo, năng động, là lát cắt bổ ngang của đời sống… Đây cũng chính là những điểm tạo nên sự khác biệt của công trình này so với các công trình nghiên cứu truyện ngắn trước đó.

Trong cái nhìn bao quát tiến trình truyện ngắn, Lê Hương Thủy cũng đưa ra được quan điểm riêng khi phân chia những chặng đường của truyện ngắn Việt Nam đương đại với sự tiếp nối các thế hệ nhà văn cũng như chú ý đến một số hiện tượng nổi bật như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, truyện ngắn nữ thập niên 90 của thế kỉ XX, hay sự nở rộ của truyện cực ngắn. Tuy chưa thể điểm hết các hiện tượng truyện ngắn nhưng tác giả cuốn sách đã nỗ lực lí giải từng chuyển động tinh tế của truyện ngắn trong những giai đoạn khác nhau: mười năm sau khi chiến tranh kết thúc là sự mở rộng những vấn đề của hiện thực đời sống, mười lăm năm sau Đổi mới là sự đi sâu vào số phận con người và tìm tòi lối viết, bước sang thế kỉ XXI là sự kiếm tìm những cái “tôi” lạ hóa và phá cách. Đồng hành với truyện ngắn đương đại, tác giả đặc biệt chú ý và nhấn mạnh ý thức về sự đổi mới lối viết ở những cây bút xuất hiện từ đầu thế kỉ XXI như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu, Uông Triều… Tiếp cận truyện ngắn Việt Nam đương đại, tác giả chọn lựa dừng lại mổ xẻ một số hiện tượng có hiệu ứng rộng sâu đối với người đọc đương thời như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu… Những phác thảo bước đầu về một số hiện tượng nổi bật khiến cho người đọc có thể hình dung được bức tranh sinh động của truyện ngắn đương đại, trong đó truyện ngắn của các cây bút nữ được tác giả đặc biệt quan tâm và dành hẳn phần 5 của cuốn sách để nghiên cứu riêng.

Đi sâu vào đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn đương đại, ở phần 3 và 4, công trình tập trung khảo sát kết cấu truyện ngắn và các loại hình nhân vật, ngôn ngữ và điểm nhìn nghệ thuật từ hướng tiếp cận thi pháp học để thấy diễn trình và động hướng của thể loại này. Trên diện tác phẩm khảo sát khá rộng, từ những tác phẩm đầu Đổi mới đến gần đây (như Nhiệt đới gió mùa, Làn gió chảy qua của Lê Minh Khuê), những nhận định của Lê Hương Thủy cho thấy một thái độ khách quan, điềm tĩnh trong đánh giá và nhận định về truyện ngắn đương đại. Tác giả khẳng định những đổi mới, cách tân nghệ thuật truyện ngắn nhưng cũng chỉ ra được những giới hạn mà truyện ngắn đương đại chưa vượt qua. Ủng hộ xu hướng đổi mới phương thức biểu hiện bằng nghệ thuật “trò chơi”, tác giả lưu ý rằng, “thực tế cho thấy, có những người viết đã tận dụng được những ưu việt của tính trò chơi để xây dựng nên thế giới nghệ thuật có sức lôi cuốn với người đọc, nhưng mặt khác ở nhiều tác phẩm, việc vận dụng chưa nhuần nhuyễn hoặc quá chú trọng đến những cách tân hình thức khiến cho tác phẩm trở nên rối rắm và khó nắm bắt”. Điểm đáng chú ý là trong quan sát truyện ngắn đương đại, tác giả luôn nhìn thấy sự vận động, tương tác và đa dạng hóa: tương tác giữa nhà văn với đời sống văn hóa xã hội, tương tác giữa nhà văn - tác phẩm - người đọc, tương tác giữa các thể loại thơ - truyện ngắn - tiểu thuyết… Đây chính là ưu điểm khiến cho cái nhìn của nhà nghiên cứu không bị đóng băng trong khuôn khổ của một phương diện hay một thể loại, đồng thời giúp người đọc có những tiếp cận uyển chuyển hơn đối với một thể loại vốn được mặc định là “ngắn”, “vừa với trang in của tờ báo”.

Ở phần cuối cuốn sách, Lê Hương Thủy quay trở lại với truyện ngắn nữ như một thành tựu nổi bật của truyện ngắn đương đại. Nắm bắt sự vận động của truyện ngắn đương đại bằng cách nhìn sâu vào sáng tác của các cây bút nữ là một lựa chọn có lí bởi đây chính là giai đoạn bung nở của truyện ngắn nữ, tạo nên một lực lượng nhà văn nữ hùng hậu, không chỉ thể hiện những bí ẩn nữ tính mà còn cất lên tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ và làm thay đổi hẳn bộ mặt của truyện ngắn cũng như vẽ lại bản đồ của các khu vực văn học, chẳng hạn như truyện ngắn nữ và đề tài chiến tranh, truyện ngắn nữ và xu hướng tính dục, truyện ngắn nữ và xu hướng tự truyện... Với việc lựa chọn khám phá tác phẩm của Lê Minh Khuê, Y Ban, Đỗ Bích Thúy, tác giả muốn hướng đến sự tiếp nối thế hệ, dẫu chưa thực sự đủ đầy trọn vẹn nhưng cũng đại diện cho những xu hướng truyện ngắn: Lê Minh Khuê với mạch viết về chiến tranh và giọng điệu thâm trầm, Y Ban với xu hướng nữ quyền và chất nổi loạn, Đỗ Bích Thúy với đời sống miền núi và nỗi đau thân phận. Có lẽ, với sự đồng cảm của một người cùng giới nữ, Lê Hương Thủy đã nỗ lực nhận diện những nét riêng, có thể gọi là phong cách sáng tác của các cây bút nữ này, bằng những phân tích sắc sảo, sự cảm thụ tinh tế, sự đánh giá, nhận định cả ưu ái lẫn khắt khe. Những điều đó cho thấy Lê Hương Thủy luôn đồng cảm và đồng hành với truyện ngắn của các tác giả nữ đương đại để nhận biết rõ ưu và nhược điểm, những thành công và cả những gì chưa tới trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của họ.

Với hơn chục năm gắn bó, tâm huyết, dành nhiều trân trọng cho truyện ngắn nữ nói riêng và truyện ngắn Việt Nam đương đại nói chung (bao gồm những tác giả, tác phẩm hiện diện trong cuốn sách này và cả những đối tượng nghiên cứu trong các bài viết chưa có điều kiện công bố), Lê Hương Thủy đã và đang đồng hành, phân tích, lí giải và làm sáng tỏ một cách thuyết phục về diễn trình và động hướng của truyện ngắn hôm nay. Truyện ngắn Việt Nam đương đại là một dòng chảy vẫn đang chuyển động và không ngừng rẽ nhánh, đổi dòng, hi vọng tác giả Lê Hương Thủy sẽ có thêm những cập nhật, bao quát và kiến giải mới trong các công trình tiếp theo.

Đ.H.N

Nguồn: VNQĐ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *