Tìm tòi thể nghiệm

7/4
5:08 PM 2017

ĐỔI MỚI VĂN HỌC NHƯ LÀ QUY LUẬT VÀ KHÁT KHAO SÁNG TẠO

Phan Trọng Thưởng-Theo quan điểm lịch sử, văn học Việt Nam từ 1986 đến nay được định danh là văn học thời kỳ đổi mới, thuộc phạm trù văn học đương đại. Đây là giai đoạn văn học đang diễn ra, đang vận động và phát triển, trong đó, năm 1986 được xác định là một mốc phân kỳ, mở ra giai đoạn văn học với phẩm chất hàng đầu là đổi mới và cách tân (đổi mới là chủ lưu, cách tân là chi lưu).

      Tuy lâu nay, các nhà nghiên cứu đã khá thống nhất ở quan điểm xem phân kỳ là cơ sở để nhận thức, nhận diện tiến trình lịch sử văn học, nhưng xung quanh một số mốc chia các giai đoạn, các thời kỳ của lịch sử văn học như các mốc 1858, 1930, 1945... chẳng hạn, vẫn thường gây không ít lưỡng lự, phân vân, thậm chí bất đồng chính kiến rằng đây là mốc lịch sử - chính trị hay mốc văn chương? Rất có thể, những câu hỏi tương tự như vậy lại được đặt ra với mốc 1986! Bởi vì, mốc 1986 đánh dấu giai đoạn chuyển mình, giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn học bằng một sự kiện chính trị (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI). Cho dù lịch sử văn học có đời sống riêng, có quy luật vận động riêng, nhưng nó không diễn ra một cách đơn lẻ, biệt lập mà luôn luôn chịu sự tác động, chi phối mạnh mẽ của tiến trình lịch sử xã hội nói chung, của các yếu tố có ý nghĩa quyết định đến tiến trình lịch sử văn học nói riêng. Do vậy, dù muốn hay không cũng không thể làm ngơ trước một sự thực hiển nhiên rằng rất nhiều mốc lịch sử và mốc văn chương trùng khít lên nhau, chuyển hóa lẫn nhau và cùng bắt đầu từ một sự kiện, nhất là các sự kiện có ý nghĩa trọng đại. Sự trùng khít và chuyển hóa đó cho thấy một khía cạnh bản chất của lịch sử văn học là gắn bó chặt chẽ và luôn đồng hành với lịch sử xã hội – chính trị (ở đây không đặt vấn đề văn học có phục vụ chính trị hay không? Phục vụ như thế nào như lâu nay thường bàn). Thực tế đó cũng cho thấy ở khá nhiều trường hợp, khá nhiều thời kỳ lịch sử, vai trò mở đường, vai trò tạo tiền đề của chính trị đối với văn chương. Xin hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ diễn ra đầu thời kỳ đổi mới sẽ thấy rõ thêm ý nghĩa này.

       

Tuy là mốc phân kỳ lập nên để phân chia các giai đoạn, các thời kỳ của lịch sử văn học, nhưng mốc 1986 không phải là lát cắt ngang chia cắt tiến trình văn học, giai đoạn sau không có liên hệ gì với giai đoạn trước. Thực tế lịch sử cho thấy, công cuộc đổi mới văn học không diễn ra trên nền đất trống, trên bãi đổ nát hoang tàn mà diễn ra trên cánh đồng đã từng được gieo trồng, gặt hái và thu hoạch. Ở đó, không ít giá trị văn học của các giai đoạn trước đã được khẳng định, được trân trọng và kế thừa làm cơ sở vốn liếng cho đổi mới và phát triển.

      Trong lịch sử văn học (Việt Nam), đổi mới và cách tân không chỉ diễn ra một lần. Chỉ riêng thế kỷ XX, ít nhất đã có 3 cuộc đổi mới cách tân diễn ra vào các năm đầu, giữa và cuối thế kỷ. Mỗi cuộc đều có hoàn cảnh và lý do riêng của nó. Nhưng trước hết, đổi mới và cách tân là quy luật nội tại, là yêu cầu tự thân, sống còn, là sự tự ý thức của văn học. Thứ đến mới là chịu tác động là tiếp thu ảnh hưởng và tiếp biến các giá trị văn chương từ bên ngoài vào.

Đổi mới lần này cũng vậy; nếu nhìn vào hiện tượng, rất dễ lầm tưởng một số thành tựu văn học có được là do áp lực của quá trình hội nhập – một quá trình diễn ra gần như song song, đồng thời với quá trình đổi mới; hay là do tiếp thu, học hỏi nước ngoài. Song, thực chất, lý do và động lực đổi mới lại nằm ở bên trong nền văn học. Chỉ cần nhớ lại các ý kiến trao đổi về tình hình văn học, đặc biệt là các đề xuất kiến giải về lý luận diễn ra trên báo chí các năm từ 1979 đến trước thềm đổi mới (1985) sẽ thấy rõ điều đó. Từ góc nhìn này, có thể nói đổi mới văn học là quá trình thai nghén, chuẩn bị. Không hội đủ các yếu tố, các điều kiện của chính văn học thì cho dù các lĩnh vực khác có đổi mới, chưa chắc đổi mới văn học đã diễn ra. Vậy các yếu tố đó là gì?

      Trước hết, là thái độ không thỏa mãn, không hài lòng với những thành tựu đã có của nền văn học. Như chúng ta đã thấy, những nhà văn đi tiên phong trong thời kỳ đổi mới không ai khác là chính những nhà văn đã từng trực tiếp tham gia vào việc kiến tạo thành tựu văn học thời kỳ chiến tranh cách mạng. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, quy luật chi phối văn học thời chiến hết hiệu lực thì một quy luật khác xuất hiện và thay thế, chi phối tiến trình văn học. Với tác động của quy luật này, các nhà văn được thức tỉnh để nhận ra những hạn chế, bất cập, thậm chí non kém của nền văn học. Một thái độ không thỏa mãn, không hài lòng đã xuất hiện. Và đây chính là khởi nguồn cho những lý giải về tính minh họa, tính công thức, tính giáo huấn, tính tuyên truyền và nhiều đặc điểm khác của nền văn học (xin xem lại các ý kiến của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến và nhiều nhà văn khác trên báo chí đương thời). Có thể đây đó, vào những hoàn cảnh nhất định, khi công cuộc đổi mới đang khởi động, trong ý kiến của người này, người kia không tránh khỏi màu sắc cực đoan, nhưng đây là những tâm trạng có thực, những khát vọng đổi mới thành thực. Không ai xui khiến học, cũng không một ngoại lực nào tác động đến họ mà là yêu cầu của chính bản thân văn học. Đó được xem là động lực bên trong là kết quả của quá trình tự ý thức, quá trình vận động để đổi mới văn học.

      Thứ hai, là nhu cầu đổi mới tư duy diễn ra trên tất cả các lĩnh vực vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Với trào lưu này, không chỉ các quy luật văn học được nhận thức và nhận thức lại mà cả hệ giá trị văn học (bao gồm cả giá trị văn học quá khứ và đương đại) và những vấn đề hết sức cơ bản, bức thiết của lý luận và lịch sử văn học như các vấn đề: Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; vấn đề bản chất, chức năng và thuộc tính của văn học; vấn đề mối quan hệ giữa văn học và chính trị.v.v... cũng được nhận thức và nhận thức lại. Từ đây, các mối quan hệ bản chất giữa văn học với các loại hình ý thức xã hội khác được minh định; các giá trị văn học của quá khứ từng chịu nhiều định kiến sai lầm; các hiện tượng văn học từng bị hàm oan, thậm chí kết án nặng nề; các trường phái lý thuyết nghệ thuật Âu – Mĩ hiện đại mà một thời chúng ta có thái độ khước từ.v.v... đều được nhận thức lại, được điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở cho đổi mới tư duy nghiên cứu, tư duy sáng tạo và phát triển. Nỗ lực khắc phục những non kém, giải tỏa các định kiến và sửa chữa các khuyết tật, hạn chế của nền văn học diễn ra trong suốt thời kỳ đổi mới có thể xem là kết quả của quá trình tự nhận thức và nhận thức lại, quá trình đổi mới tư duy văn học này.

      Thứ ba, là sự xuất hiện một đội ngũ nhà văn mới. Bên cạnh lớp nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mĩ có tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm và tâm huyết làm trụ cột cho đổi mới, dường như lịch sử văn học giai đoạn này cũng lặng lẽ chuẩn bị cho mình một đội ngũ, một lực lượng tương thích với yêu cầu đổi mới và cách tân. Trừ một số ít được xem là “người của hai thế hệ” còn phần lớn họ đều sinh và trưởng thành trong đổi mới và cùng đổi mới. Khác với lớp nhà văn đi trước, họ được hấp thụ những tư tưởng mới, thừa hưởng thành quả sáng tạo, được đào luyện trong môi trường thực tiễn đổi mới, được đối mặt với những vấn đề của đời sống xã hội và công chúng đương đại. Về một phương diện nào đó, sự xuất hiện lớp nhà văn mới là một lẽ tự nhiên, bình thường. Nhưng để bắt kịp với xu thế đổi mới và thực hiện sứ mệnh đổi mới thì lực lượng này có vai trò quan trọng.Họ là những người nhạy bén với cái mới, luôn luôn tìm kiếm cái mới.Có thể xem họ là một trong số những chủ nhân đích thực của văn học thời kỳ đổi mới.

Cuối cùng, là khát vọng sáng tạo, khát vọng thay đổi và khát vọng làm mới toàn bộ nền văn học từ quan niệm đến cảm hứng, phong cách, thi pháp thể loại và phương thức thể hiện nghệ thuật. Có thể nói đây là động lực của đổi mới, cách tân; là yếu tố thường xuyên kích thích năng lực tìm kiếm sáng tạo văn học.

Với các lý do đó có thể khẳng định lại một lần nữa rằng đổi mới trước hết là quá trình vận động nội tại, tự thân có tính quy luật của văn học. Nó không đơn thuần chỉ là thái độ phản ứng lại quá khứ diễn ra trên bề mặt của nền văn học như có người giải thích mà còn là mối liên hệ chiều sâu, liên hệ nhân quả bên trong với các giai đoạn trước đó của lịch sử văn học.

Nguồn Văn nghệ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *