KỶ NIỆM 100 NĂM SINH NHÀ THƠ PHẠM HUY THÔNG: GIỌNG ANH HÙNG CA KHỞI ĐẦU TRONG THƠ VIỆT
Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phạm Huy Thông sinh 22.11.1916, quê ở Đào Xá, Ân Thi, Hải Dương, 17 tuổi đậu tú tài, 20 đậu cử nhân luật, làm thơ năm 15 tuổi, được nhà phê bình Hoài Thanh đưa vào tuyển tập Thi nhân Việt Nam nổi tiếng. Từ năm 1937-1945, ông du học ở Pháp, tham gia tổ chức ái hữu của Việt kiều , sau cách mạng về nước, từng làm Viện trưởng Viện khảo cổ học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam là giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ. Tác phẩm chính: Yêu đương (thơ 1934), Anh Nga (thơ 1935), Tiếng địch sông Ô (thơ 1935), Tần Ngọc (thơ 1937). Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội. Ông mất năm 1988 tại Hà Nội. Vanvn.net giới thiệu 2 bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà phê bình Lưu Khánh Thơ tại Lễ kỷ niệm trên.
PHẠM HUY THÔNG, GIỌNG ANH HÙNG CA KHỞI ĐẦU TRONG THƠ VIỆT
Vũ Quần Phương
Phạm Huy Thông (22-11-1916 – 23-6-1988) đã học sử, học văn, học luật tại Pháp, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Trước cách mạng tháng Tám 1945 được học hành đến bằng cấp ấy hiếm lắm. Phạm Huy Thông là nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị xã hội nhưng trước hết và sau cùng ông là nhà thơ, Ông làm thơ khá sớm, năm 15 tuổi đã có thơ đăng báo và liên tiếp trong các năm 1933, 1934,1935, 1937 xuất bản bốn tập thơ Yêu đương, Anh Nga, Tiếng địch sông Ô, Tần Ngọc. Được Khái Hưng, Nhất Linh, hai ông trùm của Tự lực văn đoàn, biểu dương khích lệ ngay từ tập thơ đầu. Ở cuối Lời tựa viết cho tập Tiếng sóng, Khái Hưng mạnh dạn khẳng định: Thi sĩ Huy Thông sẽ có thể trở nên một nhà thi hào. Điều đó tôi chắc chắn lắm. Ấy vậy mà sau này ông chuyển hẳn sang làm khảo cổ. Nhiều năm làm hiệu trưởng Đại học sư phạm rồi viện trưởng Viện khảo cổ. Với thơ, có lúc ông quay lại (hồi kháng chiến chống Mỹ) nhưng không còn gây được chú ý trong bạn đọc. Có thể coi thành công thơ ông nằm trong giai đoạn khai sinh phong trào Thơ Mới, nửa đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XX.
Thơ Phạm Huy Thông chủ yếu là thơ tình yêu: ca ngợi sắc đẹp và giãi bày nỗi si tình. Ông say đắm và cũng nhiều lời. Đó là buổi đầu của chủ nghĩa lãng mạn ở xứ ta lại là thơ của tuổi mới lớn. Nói được lòng mình say đắm đã là bạo. Cái bạo ấy là chỗ các nhà lãng mạn biểu dương. Ông cũng ham tả cảnh, cảnh như phông nền cho tình, thứ nào ra thứ ấy, ít có sự lồng ghép hàm xúc lấy cảnh nói tình, Ông không ham khám phá tâm trạng hay sáng tạo tình cảm. Yêu là yêu, là mê đắm, là nhớ mong. Ông thiên về giãi bày nên mạch thơ dễ đều đều bằng phẳng. Lời thơ khi ấy, trước Xuân Diệu có dăm năm, còn nhiều kiểu cách, ước lệ, xa đời sống thường ngày. Người yêu nói với nhau như trên sân khấu ca kịch, lủng củng những từ cao sang và sáo mòn, nghe còn cổ hơn thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến:
Chàng thảo mấy dòng thơ như nhạn múa
Trên tờ mây thiếp vẫn giữ bên tim sầu
Có lẽ vì thế mà sau những lời biểu dương nồng nhiệt, Khái Hưng cũng phải nhắc nhở: Nhưng tôi tưởng ông Huy Thông cũng nên thận trọng hơn một chút về sự chọn chữ (…) Có một nền học vấn Hy La và biết châm chước nhập tịch vào văn thơ nước nhà nhiều lối thơ mới, như thế cũng chưa đủ. Lại còn phải chọn, lọc, dùng những chữ thực đúng nghĩa, thì tác phẩm của ta mới có thể lưu truyền lại hậu thế được. Nhưng đấy cũng là dấu tích lúc manh nha của chủ nghĩa lãng mạn, ở nơi đâu cũng thế. Lãng mạn vốn ưa mộng mị và xa đời. Xa đời bằng cách chui vào ngôi tháp tự mình xây, cách bức với đời, xây bằng mộng thì gọi là tháp ngà, xây bằng kim loại thì gọi là cũi sắt. Thế Lữ, ông nhà thơ quyết định chiến thắng của Thơ Mới, có cả tháp ngà lẫn cũi sắt Tiên nga xõa tóc bên nguồn Hàng tùng rủ rỉ bên cồn đìu hiu và Trời xanh xanh ngắt ô kìa hai con hạc trắng bay về bồng lai là tháp ngà Còn cũi sắt, ấy là nơi con hổ trong vườn bách thảo nằm nhớ rừng, nhớ thuở tung hoành phi thường và cũng phi thực Trong hang tối mắt thần khi đã quắc Là khiến cho mọi vật đều im hơi. Cố nhiên cái cũi sắt thì có gần đời hơn tháp ngà, nó có tang chứng ở trong đời. Hiện vật trong thơ tình yêu thi sĩ họ Phạm thì toàn mộng mị. Cái thật của nó lại ở nỗi lòng tác giả, ở cái “ái tình” trong lòng ông, nó là cái đáng kể nhất trong cuộc đời này và nó đang choán cả trời đất. Đọc Phạm Huy Thông chặng này phải đọc trong cơn lên đồng ấy mới thấy đồng điệu, mới thấy sáng tạo và đóng góp của tài năng ông. Thanh niên hồi ấy ưa thích ông, cũng như dăm năm sau họ mê mẩn Xuân Diệu và đồng ca theo Xuân Diệu Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi. Phạm Huy Thông là người tiên phong thổi ngọn gió lãng mạn cá nhân vào tâm hồn họ, đánh thức những tình cảm bắt đầu manh nha trong lòng họ: tự do yêu đương, tận hưởng ái tình. Đọc ông, họ như được vào miền đất mới nhiều đắm say, nhiều lạc thú của tình yêu mà trước đó trong thơ cổ điển, ngay đa tình như thơ Phạm Thái cũng không hề có. Điều đó giải thích vì sao khi Huy Thông xuất hiện đã thu hút bạn đọc mạnh mẽ đến mức họ bất chấp những tì vết trong bút pháp của ông. Cách đọc ấy công chúng mấy năm sau không có lại được. Họ tỉnh mất rồi, không đủ say để nhập đồng được nữa. Bây giờ họ đọc ông, thành kính trân trọng trước một khai phá của thơ Việt nhưng quả thật họ có hơi sốt ruột vì những sướt mướt nhớ thương và lê thê than vãn, đôi lúc họ còn mỉm cười vì sự quá dư nước mắt của các bậc nam nhi sức vóc hồi ấy. Tuy nhiên cái chỗ còn là nhược điểm này ở Phạm Huy Thông thì đến khi Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên xuất hiện sẽ được khắc phục, tạo nên một thời đại mới trong thi ca, thời đại những tình cảm riêng tư ẩn giấu trong lòng mỗi người, thường là tình yêu, được bộc lộ, được xã hội chia xẻ, cảm thông và ca ngợi. Đó là một đóng góp nhân đạo của thơ cho đời sống.
Thành tựu riêng biệt và đặc trưng cho tài năng Phạm Huy Thông là giọng anh hùng ca trong các bài thơ dài lấy điển tích lịch sử như Hạng Vũ biệt Ngu Cơ thời Hán Sở tranh hùng bên Trung Hoa hoặc như tích công chúa Huyền Trân theo lệnh vua cha Trần Nhân tông từ biệt người yêu, về làm vợ vua Chiêm, dẹp chiến tranh và mở mang bờ cõi. Sức bút Phạm Huy Thông trở nên tung hoành với không gian lớn trong các mối mâu thuẫn của khát vọng quyền lực với sự đắm say tình yêu, của sắc đẹp với ý chí, của sức mạnh con người với khí vận trời đất. Bút pháp lãng mạn Phạm Huy Thông phát huy sở trường ở kích tấc khổng lồ của những tình cảm lớn, những mâu thuẫn lớn. Sự tích lịch sử, mà một phần đã huyền thoại hóa, thành chất men xúc tác cho trí tượng lãng mạn của thơ cất cánh. Tác giả say trong không gian lớn, nơi tình cảm bi thương cùng hành động cao cả ngự trị và chuyển hóa lẫn nhau nhanh, mạnh, bất ngờ. Những câu thơ kể chuyện trở nên âm vang và tràn đầy cảm xúc. Tiếng than của Hạng Tịch khi vận trời đã tận nghe như tiếng vang của sông núi, của thời gian, của trời đất:
Ôi những võ công oanh liệt chốn sa trường
Những buổi tung hoành lăn lộn trong rừng thương
Những dũng tướng bị đầu văng trước trận
Nhưng than ôi! Vận trời khi đã tận
Sức lay thành nhổ núi mà làm chi!
Không gian kịch tính của các bài thơ lịch sử Phạm Huy Thông thường được đẩy lên cao trào có tính bi tráng nơi ý chí, nghị lực và lòng son sắt tình yêu bị thực tế đời sống bẻ gãy: Ngu Cơ tự sát để Hạng Tịch tiếp tục sự nghiệp võ công. Vị dũng tướng trăm trận trăm thắng bị sa cơ, sụp đổ bao khát vọng, theo logic lãng mạn Phạm Huy Thông, lại chỉ vì trái tim yêu đằm thắm.
Trần Khát Chung, vị tướng tài đời Trần nén lòng yêu công chúa Huyền Trân để làm kẻ trung thần. Công chúa Huyền Trân thì lại vì tình yêu mà phải cắt tình yêu. Cuối bài thơ cả hai cõi lòng đều tan nát và không gian bao quanh họ như cũng bước vào hủy diệt
Còn đợi chờ chi nữa, cảnh mênh mông…
Mà chưa tan…
Mà chưa tan…
Mà chưa biến ra hư không.
Hình ảnh Lê Hoàn, Phan Bội Châu có một kích tấc kỳ vĩ kể cả trong thất bại. Cái chết của Phan Bội Châu là cái chết của con voi già mà tiếng gầm từ giã lay chuyển cả rừng xanh trời rộng và gọi linh hồn hùng vĩ của loài voi.
Cảm hứng lãng mạn đã tạo sức cho lịch sử khôi phục sự kiện, hơn thế còn sáng tạo tâm trạng cho nhân vật và người đọc. Lịch sử hiện diện theo yêu cầu của cảm xúc, của tâm lý người đương thời. Sự kiện lịch sử và diễn biến tâm lý nhân vật đầy bi tráng làm Phạm Huy Thông thoát khỏi giọng cái tôi ẻo lả của các bài thơ ngắn mấy năm trước tạo nên giọng thơ bi hùng hiếm có của thời ấy. Tôi ngờ rằng khi viết bài Ly rượu thọ mùa xuân năm 1938, một bài thơ cũng có hơi anh hùng ca, Tố Hữu đã ảnh hưởng cảm hứng Phạm Huy Thông khi vào bài bằng tư thế viên tướng Mã Chiếm Sơn trên mình ngựa Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ / Ngưa rung đầu hí lạnh giữa tàn quân nếu so với tư thế Hạng Võ khi Phạm Huy Thông vào bài Tiếng địch sông Ô :
Sở Bá Vương ngồi yên trên mình ngựa
Giương mắt buồn say ngắm chân trời xa.
Và hôm nay, đã hơn tám mươi năm đi qua bài thơ này, lịch sự đất nước bao nhiêu biến động, tâm trạng chúng ta cũng nhiều đổi thay nhưng hồn vía chúng ta vẫn nhập vào và bị dẫn theo cảm hứng anh hùng ca, lãng mạn Phạm Huy Thông. Ông như đang hiện diện giữa chúng ta. Và cùng chúng ta đi tiếp.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm
PHẠM HUY THÔNG - TIẾNG ĐỊCH SÔNG Ô CÒN VANG MÃI
Lưu Khánh Thơ
Ở giáo sư, viện sĩ Phạm Huy Thông(*), có nhiều con người được hội tụ trong một con người. Có thể nhắc đến ông với tư cách là một nhà thơ, nhà sử học, nhà bác học, nhà yêu nước và hoạt động xã hội. Ở lĩnh vực nào Phạm Huy Thông cũng có những đóng góp quan trọng, với vai trò của một người luôn luôn đi những bước tìm tòi khai mở trong buổi đầu. Rời đất nước, đi du học ở Pháp ngay từ những năm còn rất trẻ và nhanh chóng đạt được nhiều bằng cấp cao (tiến sĩ Luật, thạc sĩ Sử học) nhưng người trí thức trẻ Phạm Huy Thông vẫn nặng lòng gắn bó với quê hương xứ sở. Khi đất nước cần, ông sẵn sàng từ bỏ mọi giàu sang, danh vọng, chức tước... đầy hứa hẹn nơi xứ người để trở về tổ quốc làm những công việc của một nhà khoa học.
Phạm Huy Thông sinh ngày 22-11-1916, quê gốc ở làng Đào Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Quê hương ông là vùng đất nổi tiếng với nhiều truyền thuyết dân gian và những chiếu chèo sân đình rộn rã một thời. Chẳng biết từ bao giờ, những lời ca ngợi quê hương Đào Xá đã in vào tâm thức và trở thành niềm tự hào của mỗi người con đi xa:
Đào Xá tên gọi là làng
Làng em nhất xã chia làm ba thôn
Làng em đã nức tiếng đồn
Cả làng làm quạt bán buôn đủ nghề
Nhiều người đi học, đi thi
Người thì đỗ trạng, người thì vinh hoa...
Truyền thống quê hương, truyền thống gia đình đã sớm tạo ra cho Phạm Huy Thông một cái nền căn bản và vững chắc. Năm 17 tuổi ông đỗ tú tài, 20 tuổi đỗ cử nhân luật. Từ năm 1937 đến năm 1945 ông du học ở Pháp. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ Luật khoa, ông làm tiếp luận án thạc sĩ Sử học và học thêm một số ngoại ngữ như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, v.v... Bên cạnh sự nghiệp khoa học ngày càng mở rộng, Phạm Huy Thông còn tham gia hoạt động chính trị theo yêu cầu của đất nước thời kỳ đó. Từ năm 1940 đến 1945 ông tham gia tổ chức ái hữu của Việt kiều tại Pháp. Năm 1946, Hồ Chủ tịch cùng phái đoàn chính phủ ta sang Pháp dự hội nghị Phôngtennơbờlô. Phạm Huy Thông được chọn làm thư ký cho Bác và thư ký Hội nghị. Việc tiếp xúc với Hồ Chủ tịch đã nâng sự hiểu biết và nhận thức của nhà khoa học Phạm Huy Thông lên một tầm cao mới. Sau khi Bác về nước, ông vẫn được tiếp tục giao trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ khác.
Ba mươi tuổi, Phạm Huy Thông đã được nhận hàm giáo sư. Hơn 40 năm hoạt động, giáo sư Phạm Huy Thông đã giữ nhiều trọng trách như: Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam); Viện trưởng Viện Khảo cổ học; Quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chủ tịch Hội Du lịch Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá II, khoá III. Không chỉ tham gia hoạt động và có uy tín trong nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội ở Việt Nam, giáo sư Phạm Huy Thông còn là người được bạn bè quốc tế quý trọng. Ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng hoà dân chủ Đức, là sáng lập viên của tổ chức quốc tế về Giáo dục và là uỷ viên Hội đồng hoà bình thế giới trong nhiều năm.
Khi tiếp xúc với giáo sư viện sĩ Phạm Huy Thông, người ta dễ bị cuốn hút bởi trí tuệ uyên bác và vẻ lịch lãm của một trí thức. Có lẽ những yếu tố đó đã giúp ông gánh vác được nhiều nhiệm vụ khoa học, hoàn thành được nhiều trọng trách trong một cuộc đời không phải là dài. Năng lực khoa học của ông còn được bộc lộ ở nhiều nơi, từ những công trình nghiên cứu có tầm cỡ quốc gia đến những bài viết in trên sách báo và tạp chí, hầu hết đều được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Để ghi nhận những đóng góp xứng đáng của Phạm Huy Thông, Nhà nước ta đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều Huân chương cao quý khác. Năm 2000, ông lại được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về một số công trình nghiên cứu thuộc chuyên ngành khoa học xã hội, trong đó có công trình nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương dựng nước - một đề tài mà ông dành khá nhiều tâm huyết.
Mặc dù là người thành đạt trên nhiều lĩnh vực, nhưng Phạm Huy Thông vẫn không nguôi nhớ đến sự nghiệp thơ - nơi ông đã nổi danh từ rất sớm và có được những thành quả đáng ghi nhận. Trong buổi gặp mặt các nhà thơ sáng tác từ trước Cách mạng, ông đã chân thành tâm sự:
"Làm thơ những năm 1932 - 1937, ở tuổi 15-20 tôi mơ màng và đắm đuối những tình cảm lãng mạn, như những nhà thơ khác những năm ấy. Tôi sớm ngây vì tình, si mê vì tình, đau khổ vì tình, như những nhà thơ khác những năm ấy... Tôi không tiếc đã phải hy sinh, dù là hy sinh thơ để đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tôi tự hào đã có phần cống hiến khoa học vào sự hiểu biết về lịch sử của dân tộc, tiếng thơm của dân tộc. Nhưng thưa các bạn, tôi không nguôi nhớ thơ luyến tiếc một sự nghiệp thơ dang dở".
Ở bài viết này chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu những đóng góp của giáo sư Phạm Huy Thông với tư cách là nhà thơ tiêu biểu trong những năm ba mươi của thế kỷ XX vừa mới khép lại. Về căn bản, sự nghiệp thơ của Phạm Huy Thông tập trung chủ yếu trong khoảng sáu năm đầu của tuổi thanh niên. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ông đã cho ra đời bốn tập thơ Yêu đương (1933), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1935), Tần Ngọc (1937), ngoài ra còn in trên báo các tác phẩm khác như: Con voi già, Hận chiến sỹ, Tần Hồng Châu, Lòng hối hận, Kinh Kha, Huyền Trân công chúa, Tây Thi... Thời kỳ đó những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên... cũng chỉ mới in được một tập thơ thì việc xuất bản liên tiếp các tập thơ của Phạm Huy Thông cũng là một sự kiện đáng chú ý, chứng tỏ tài năng và sức sáng tạo của một ngòi bút. Chỉ tiếc rằng ở lứa tuổi ngoài 20, nhà thơ Huy Thông đã rẽ sang con đường nghiên cứu khoa học. Từ đó trở đi, sự nghiệp của ông là của một nhà giáo dục, nhà khoa học là chủ yếu. Công việc của nhà khoa học về bản chất không có gì mâu thuẫn với sáng tác thơ ca, nhưng khi đã bước chân vào con đường khoa học, muốn có thành công thì phải có sự tập trung cao độ. Nghệ thuật và khoa học đều đòi hỏi phải có sự dấn thân. Phải chăng đó cũng là một trong những lý do khiến nhà thơ Huy Thông ngừng sáng tác?
Nhưng những gì đã có, đã làm được trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, cũng đã khiến cho người đời nhớ đến ông với tư cách là một nhà thơ trong buổi đầu Thơ mới - thời kỳ đã tạo nên "một thời đại trong thi ca" tạo nên một dấu ấn quan trọng trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. Phạm Huy Thông được đánh giá là một trong những người mở đầu cho sự phát triển của thể loại kịch thơ ở nước ta. Tên tuổi của ông gắn liền với những vở kịch thơ như Anh Nga, Tần Hồng Châu, Kinh Kha... là những vở theo khuynh hướng lãng mạn, trốn tránh hiện thực để đi vào tình yêu và cái đẹp vĩnh cửu, lấy cảm hứng từ các truyền thuyết, các truyện lịch sử, dã sử của Trung Quốc. Về hình thức thì phần lớn đây mới chỉ là những hoạt cảnh một màn, nặng về tính chất của thơ trữ tình mà rất ít xung đột kịch, ít tính sân khấu. Kịch thơ của Phạm Huy Thông chỉ thích hợp với việc ngâm và đọc chứ khó có thể dàn dựng trên sân khấu. Toàn bộ vở Anh Nga xoay quanh mối tình của chàng Ngân Sinh và nàng Anh Nga, hay nói chính xác hơn đó là một giấc mơ về tình yêu và hạnh phúc của một đôi lứa yêu nhau mà chẳng may đã âm dương đôi ngả. Tình yêu của họ chỉ đẹp và ngắn ngủi trong bóng đêm, khi vừng dương xuất hiện thì bao nhiêu ảo mộng tan biến hết:
Niềm ái ân chưa được biết bao giờ
Ta vừa biết phút giây trong giấc mộng
Mà mộng nọ, than ôi! Còn đâu bóng!
Ta gục đầu thổn thức nhớ điệu đàn
Và âm thầm tưởng tiếc bóng đêm tan.
Không khí "liêu trai" bàng bạc khắp vở kịch thơ. Những lời đối thoại vừa say đắm vừa da diết của đôi tình nhân được thể hiện qua những đoạn thơ, câu thơ sang trọng và đài các với một ngôn ngữ thơ chắt lọc:
Anh Nga: Ngân Lang! Ngân Lang! Chàng còn nhớ
Chiều xuân xưa, trên ngựa, đỡ kim cầu
Chàng thảo mấy dòng thơ như nhạn múa
Trên tờ mây thiếp vẫn giữ bên tim sầu?
Ngân Sinh: Vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa
Nhưng bây giờ trên không tím
Lướt sao êm, mây lả thướt tha qua
Lặng ngắm giăng mơ màng, hoa chúm chím
Và bên tường, len lén, gió bay hoa
Trên đôn sứ nghiêng đờn, ta đứng dậy
Rồi nhịp hài, lững thững bước thư sinh
Ta thấy lòng say sưa... Và lại thấy
Hương ái ân nhẹ quyện tim đa tình.
Trong vở Anh Nga, câu Vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa được nhắc đi nhắc lại hàng chục lần. Lúc là lời của Anh Nga, lúc là lời của Ngân Sinh và là điệp khúc được Tiếng ca (được coi như nhân vật thứ ba trong vở) nhắc đến trong nhiều đoạn thơ. Nó vang lên từ đầu đến cuối vở kịch như một nỗi ám ảnh định mệnh, báo hiệu sự tan biến, sự mong manh hư ảo của một giấc mơ tình yêu đẹp đẽ và ngắn ngủi.
Thơ Huy Thông thường đi vào khai thác những khía cạnh khác thường, những bi kịch trong tình yêu. Đối với ông, tình yêu là đẹp đẽ, là cao cả nhưng nó thường mâu thuẫn và cản trở sự nghiệp, gây ra bao nhiêu đau khổ như mối tình giữa Hạng Vũ và Ngu Cơ. ở vở kịch thơ Tần Hồng Châu, quan niệm tuyệt đối hoá tình yêu đã được đẩy lên ở một mức độ bạo liệt hơn. Nàng Tần Hồng Châu yêu chồng tha thiết, nàng đã dứt bỏ tất cả để ra đi theo tiếng gọi của lòng mình. Nhưng giấc mơ về tình yêu không như nàng mong đợi. Người chồng say sưa theo đuổi mục đích, luôn luôn tung hoành trên mặt biển "bỏ bạn tình, săn rõi mộng vinh quang", bỏ mặc Hồng Châu vò võ trong nỗi nhớ nhung xa cách. Để chấm dứt cảnh cô đơn, Hồng Châu đã đi đến quyết định giết chồng và tự tử theo. Phạm Huy Thông đã xây dựng nên một nhân vật mang trong mình tấn bi kịch của sự xung khắc giữa mong muốn và hiện thực. Chỉ có cái chết mới chấm dứt được cho Hồng Châu nỗi đau của sự chia ly. Trước khi từ giã cõi đời, Hồng Châu đã kể lại cho các chiến sỹ nghe tình cảnh của mình:
Bờ bể vắng đêm ngày ta nhớ tưởng...
Mà người xa chẳng thấu nỗi thảm sầu!
Muốn thôi yêu... nhưng dây yêu vẫn vướng.
Vẫn như lưu, như luyến tấm lòng đau...
... Ta cầm gươm cắt ngang đời chiến sỹ
Để từ nay khỏi khổ cảnh phân ly
Tro phu tướng trong bình, nay tan nát.
Trên trần ta sống nữa mà làm chi?
Gió hiu hiu trên non cao bát ngát...
Phải hồn chàng trở gót... đón ta đi?
Hình ảnh nàng Hồng Châu tay ôm bình tro đựng hài cốt của chồng, tóc xoã rối bời trong gió, từ trên cao văng mình xuống non sâu trong đêm tối, đã để lại một ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.
Nhân vật trong thơ Huy Thông dường như luôn luôn mang trong mình những điều khác lạ, những mong muốn, khát khao cũng có những nét thật là độc đáo, vượt lên trên hết thảy những điều bình thường của cuộc đời trần thế:
Tôi muốn hoá một con chim để cùng gió
Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng
Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng
Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng
Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng
Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi!
Tính cách mạnh mẽ của những con người phi thường lại một lần nữa được thể hiện qua hình ảnh người anh hùng Hạng Tịch trong bản anh hùng ca Tiếng địch sông Ô:
Nén đau thương, vương ngậm ngùi sẽ kể
Niềm ngao ngán vô biên như trời bể
Ôi! Tấm gan bền chặt như Thái Sơn
Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sờn!
Ôi! Những trận mạc khiến "trời long đất lở"
Những chiến thắng tưng bừng! Những vinh quang
rực rỡ!
Ôi! Những võ công oanh liệt chốn sa trường!
Những buổi tung hoành, lăn lộn trong rừng thương!
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét về đoạn trích này trong tác phẩm của Huy Thông bằng những lời ca ngợi thật là nồng nhiệt: "Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền hành và xinh trai ấy... Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của Vichto Hugô tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái uỷ mị của những linh hồn đương chờ sa ngã, thơ Huy Thông ồ ạt đến như một luồng gió mạnh"(1).
Hồn thơ Phạm Huy Thông, ngay từ buổi đầu của tuổi thanh niên, đã mang tính hoành tráng, bi hùng và dữ dội. Cảm hứng thơ thường bắt nguồn từ những nhân vật có số phận khác thường trong lịch sử. Đây cũng là một nét đáng chú ý trong phong cách sáng tác của thơ Huy Thông. Kịch thơ của Huy Thông là một đóng góp rất lớn đối với nền nghệ thuật nước nhà. Ông đã sáng tạo nên những câu thơ giầu nhạc điệu và hình ảnh, có sức truyền cảm khá mạnh mẽ.
Sẽ là một thiếu sót nếu như viết về Phạm Huy Thông mà không nói đến vai trò của một dịch giả, người đã chuyển ngữ rất thành công tập Truyện ký Nguyễn ái Quốc từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Từ những năm 20, Nguyễn ái Quốc đã là người Việt Nam đầu tiên làm báo, viết truyện theo phong cách hiện đại của phương Tây. Bản dịch của Phạm Huy Thông đã phản ánh trung thành những ý tưởng sâu sắc và các hình thức thể hiện rất đa dạng trong văn xuôi của Nguyễn ái Quốc. Dường như lịch sử đã dành sẵn cho ông công việc quan trọng đó. Và nó làm giàu có thêm cuộc đời vốn đã vô cùng phong phú của giáo sư, viện sĩ, nhà thơ Phạm Huy Thông.