BAN VĂN TRẺ HNV GIỚI THIỆU TẬP THƠ “MẮT ĐÀN ÔNG” CỦA NGUYỄN MINH CƯỜNG
Có thể nói, người yêu thơ Hà Nội biết đến Nguyễn Minh Cường qua các phần trình diễn trong Ngày thơ Việt Nam. Bởi thế, tại buổi giới thiệu tập thơ, một màn trình diễn ấn tượng cũng đã được Ban Nhà văn Trẻ tái hiện lại với sự tham gia của các nhà thơ Hữu Việt, Thụy Anh, Nguyễn Quang Hưng, Lữ Mai và nhân vật chính Nguyễn Minh Cường như một sự nhắc nhớ, một kỉ niệm đẹp của các tác giả thơ trẻ Hà Nội. Đó là tổ khúc "Tổ quốc" đã diễn ra tại Sân thơ Trẻ 2013. Phần trình diễn đã khiến những người có mặt trong khán phòng lặng đi đôi phút để bắt đầu một buổi dành cho những vần thơ của tác giả khoác áo lính.
Một số nhà văn nhà thơ khi phát biểu tại buổi giới thiệu tập thơ đã thành thực nói, đọc thơ Nguyễn Minh Cường lúc đầu họ... không thích. Xong từng bài, từng bài, từng câu từng chữ thấm dần, thấm dần để có một hình dung về một tác giả thơ. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, một người thành công với những bài thơ về những xúc cảm lớn với đất nước, dân tộc và người lính đã đánh giá cao những vần thơ về biển đảo và người lính của Nguyễn Minh Cường. Ông nói rằng, đã có một thế hệ mới những tiếng nói mới viết về người lính khác với thế hệ hôm qua và Cường là một trong số đó.
Nhìn về góc độ tìm tòi những cách thức thể hiện mới, nhà thơ Trần Quang Quý nói rằng, ở Cường có sự khao khát của người trẻ, cũng là thể hiện bản lĩnh của người trẻ. Anh cũng nhận thấy ở "Mắt đàn ông" đã sử dụng những thủ pháp văn xuôi ở trong thơ. Đó cũng là lí giải cho việc nhiều người có sự "lúng túng" khi tiếp cận thơ Cường. Và nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nguyên Trưởng ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam trong phần phát biểu của mình đã có cách "giãi mã" điều này theo cách của chị. Võ Thị Xuân Hà nói về quá trình Nguyễn Minh Cường đến với văn chương, tham gia các hoạt động thơ ca và cộng tác với Ban Nhà văn Trẻ. Đặc biệt, trong Ngày thơ Việt Nam nhiều năm diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Minh Cường đã tham gia với vai trò tác giả trình diễn và cả vai trò MC của sân thơ. Tập thơ "Mắt đàn ông" như một dấu mốc cho sự trưởng thành của anh. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã chia sẻ "bí quyết" đọc thơ Cường với các đồng nghiệp và khách mời: Tập thơ mang tên "Mắt đàn ông" nhưng quý vị hãy đọc bằng mắt để cảm nhận hết những gì mà tác giả muốn gửi gắm. Bởi, như chị nhận xét: "Thơ Cường ngoài lắng nghe giọng đọc truyền cảm, còn phải và nên đọc bằng mắt. Vì chỉ có thể cảm nhận thơ Cường, ngoài âm thanh, còn là sự sắp xếp các con chữ trên trang giấy đập vào mắt.
Còn nhà thơ Đoàn Văn Mật lại có một góc nhìn khác: "Nếu nhìn vào những gì Cường viết thì sẽ thấy thơ anh vốn không nằm ở sự gợi dẫn bạn đọc đi tới những miền hoang vắng của đời người, càng không cố đưa độc giả đến với nỗi cô đơn thường thấy mà nó chính là hiện hữu từ những niềm đam mê và vượt thoát. Hay chính từ đam mê ấy đã giúp tác giả vượt thoát, chưng cất, biểu đạt hiện thực thành một ý nghĩa cụ thể cho mỗi sự vật hiện tượng được đề cập đến".
Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Cường viết cả văn xuôi nhưng rồi đã chọn thơ, con đường gai góc nhưng cũng đầy bí ẩn và hấp dẫn. Và trên con đường gian nan ấy, với "Mắt đàn ông", Nguyễn Minh Cường đã chính thức trình diện với thơ.
(Nguồn: VNQĐ)