GIỚI THIỆU TẬP THƠ “NHỮNG SỐ HẠNG YÊU THƯƠNG” CỦA NHÀ THƠ HOÀNG LIÊN SƠN
VANVN.NET giới thiệu thơ Hoàng Liên Sơn và một số bài viết về tập thơ này.
MỘT SỞ HỮU TỪ VỪA RỤT RÈ NHEN
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi
Hoàng Liên Sơn từng đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn Tầm nhìn thế kỷ của báo Tiền phong, và anh cũng đã cho in tập truyện ngắn Ai chiếu đi từ hơn chục năm trước. Mấy năm gần đây Sơn công bố thơ đều đặn hơn. Tập Những số hạng yêu thương là tập thơ thứ hai được anh cho xuất bản.
Thơ Hoàng Liên Sơn có nét duyên riêng. Dường như mỗi bài thơ là một sự lập trình, bài bản khúc chiết, tuy vậy sự duyên dáng, ý vị, tinh tế, nghiêng về tính nữ, lại vẫn là mạch xúc cảm chủ đạo. Yếu tố lập trình bài bản là do công việc kinh doanh, thường ngày phải chăm lo, tính toán từng giá thành lỗ lãi? Sự duyên dáng, ý vị và tinh tế là do bản tính thi nhân mà có? Câu trả lời chắc chắn là vậy. Và qua thơ, nhờ có thơ mà người thân, bạn đọc mới thực hiểu cái tinh chất sâu xa trong con người Sơn. Chúng ta biết ơn thơ đã cho thấy phần đời sống đẹp và tinh túy - nơi cư ngụ phận người sâu kín nhất của thi nhân.
Nghệ thuật thơ xưa - nay đã có điều khác biệt. Những năm trước đây người sáng tác chú trọng vào câu, chữ, đề cao "thần cú", "nhãn tự", họ sẵn sàng đánh đổi hàng năm để có một câu thơ khiến quỷ thần kinh hãi. Thế giới thi nhân xưa đó vốn được thiêng hóa trong danh chữ Thánh hiền, hoặc trong không gian u linh, mê mị thời loạn, với nhiều người cầm súng, cầm cày cuốc mà ít ỏi người chuyên chú thơ văn. Điểm tinh thần và cảm xúc đời sống này còn ám ảnh khôn dứt trong lòng xã hội, tới lớp người làm thơ tận cuối thế kỷ 20. Cũng bởi vậy, trong nghệ thuật tạo câu lập chữ đã có phần xem nhẹ yếu tố cá tính cho xác lập một tư cách chữ nghĩa riêng. Nhà thơ mơ ước sáng tác được câu thần cú: "Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết dễ đâu đã thành", cao hơn bậc là sự thỏa mãn danh dự "nhà thơ một bài", như trường hợp Ông Đồ của thi sỹ Vũ Đình Liên.
Tiêu chí nghệ thuật sáng tác với lớp thi nhân ngày nay đã khác. Họ thị dân hơn trong đời sống sinh hoạt nhưng áp lực hơn trong việc tìm đường. Sáng tác văn thơ, với nhóm người này là một cuộc chơi tao nhã, song trong nhóm bạn "tao nhân" đó vẫn có "mặc khách" âm thầm hướng tới tính chuyên nghiệp, tạo văn nghiệp. "Tính chuyên nghiệp" đang là một đòi hỏi thiết yếu nhất trong mọi ngành nghề. Với thơ, đòi hỏi cuối cùng với một cây bút là phải tạo được ngữ hệ mang trong nó trường lực đủ sức hấp thụ và phát sáng lên một giọng điệu, tên định danh là Phong cách. Và tất nhiên, để khẳng định được phong cách, điều tối thiểu đòi tác giả phải có những xeri bài/tập dựng từ khoảng không - thời gian nghệ thuật mang giá trị mỹ cảm ngôn ngữ riêng.
Nhìn từ góc chiếu ngôn ngữ này, tập Những số hạng yêu thương, đậm hơn ở phần Tự tình, thơ Hoàng Liên Sơn đã thấp thoáng gợi mở một "đường viền ngôn ngữ", theo tôi, đó là cơ sở ban đầu cho việc xác lập giọng điệu thơ anh.
Những bài/câu thơ minh chứng điều này: "Cảm ơn người nhặt giúp lá me/ Và chỉ nhặt trên vai thôi nhé/ Dẫu trên mái tóc mềm/ Có thể cũng là me…" (Lá me). Và: "Em vốc nước rửa mặt/ Thử xem không gian này có còn là thật/ Anh mơn trớn vầng trán thanh cao bằng ánh mắt/ Một sở hữu từ/ Vừa rụt rè nhen…" (Giai điệu mơ hồ). Thêm nữa: "Anh cười online với em bằng biểu tượng mở miệng/ Và những trái tim bay lên từ mắt/ Em dặn anh đừng thức khuya/ Nếu đó không phải là khoảng thời gian dịu ngọt/ Em sợ dòng ngoại ngữ sẽ được dịch đủ đầy ra tiếng Việt/ Và tâm hồn từ đó hết bình an!" (Offline).
Và đây bài Nắng non:
Cái bàn góc vườn
Anh chợt nhớ đây ghế mây em ngồi
Và rất nhớ
Con kiến lan man về phía em
Như để tìm hơi ấm…
Nó đã khác. Gần như ở Phần I, bài nào cũng được thể hiện với hình ảnh ngữ điệu vậy. Và đấy chính là nét biểu thị cảm xúc đời sống riêng của người thi sỹ này.
*
Phần II, có tiêu đề Sứ mệnh, phần dành cho những sáng tác với tư cách một người bố, và trong sứ mệnh công dân.
Như đã trình bày ở trên, mỗi bài thơ là một sự lập trình, bài bản khúc chiết theo từng đốt thời gian tuổi tác, diễn biến tâm lý, sự việc, đặc điểm này có cả trong các khúc thơ tình nhưng đã được giấu kín, thì ở phần thơ giầu tính bổn phận, trách nhiệm công dân (tạm gọi vậy), tác giả không giấu giếm, đã bày tỏ rõ ràng cách bố cục có tính toán tới hiệu quả:
Tuổi hoa niên là gì
Mẹ nào có biết
Khi tự hỏi thì một nách đã ba con
Bà được sinh ra rồi sống và mất đi
Nhạt như cụ kỵ…
(Nhạt)
Hay như:
Cô rửa mặt từng trẻ
Trẻ này vì tình yêu
Trẻ kia cho mưu sinh
Trẻ thứ ba thứ tư là nghĩa vụ
Và trẻ thứ hai mươi bởi thực sự anh hùng!..
(Cô giáo miền xuôi nơi vùng biên).
Với tư cách người bố, cách cư xử dạy dỗ những đứa con của mình, trong thơ Hoàng Liên Sơn bày tỏ cũng lớp lang, bài bản. Bài Vòng kim cô, nhà thơ - ông bố tường trình, từ lúc đứa con mới tập ăn anh đã dấm dứ thìa bột trước miệng con mà đùa mà dạy: "Cho con cảm thấy để có miếng ăn/ Phải giành giật lấy/ Chứ không thể ê hề…" Rồi tới khi con cắp sách đến trường: "Con mang theo đủ tiền/ Chê xôi đắt không mua dù nó ngon đi nữa/ Bé mọn quá/ Nhưng không vậy thì tòa rộng dãy dài có trụ nổi thói tiêu hoang?" (Dốt hình học). Và phải đến ngưỡng cửa tuổi trưởng thành, người con có thể giang đôi cánh bay độc lập, ông bố mới nói ra điều bấy nay hằng giấu:
Nhưng hôm nay
Đã quá nửa đêm
Mười bảy xuân xanh còn chong đèn viết - gạch
Bố hiểu đã đến lúc cho con trút được
Vòng kim cô lấp lửng thiếu tiền....
Và có quyền
Chọn con đường tuyệt diệu đến tương lai.
(Vòng kim cô)
Trước vấn đề thời sự nóng xảy ra trong đời sống xã hội, như sự kiện cá nhiễm độc ở Formosa, sự kiện máy bay quân sự gặp nạn v.v… mối quan tâm dù lớn nhưng tình thơ điềm tĩnh, chi tiết mà xúc động. Bài Tâm hồn hai tuổi, ký họa cảnh tang lễ:
Mặc áo đen và áo xô nào
Rồi cả nhà mình lên xe đi gặp bố
Không đẹp con à
Nhưng thế này bố sẽ dễ nhận ra…
Hay trường hợp đoàn thiện nguyện đến với trẻ em miền núi: "Cảm ơn các em đã chào chúng tôi nhưng chú ý/ Vấp chân là đổ mất túi cơm/ Đây đôi dép không phải để ôm hay cắp nách/ Hãy đặt xuống sân/ Anh khom lưng xỏ giúp/ Đôi chân bám chắc mảnh địa đầu…" (Bỡ ngỡ). Bài Câu hỏi, những chi tiết khắc họa tinh tế, xúc động: "Mũ len mới trùm lên vành tai cáu ghét/ Tất chân đeo ngay dưới vệt bùn mờ/ Em về bản đón xuân…"
Từ ngõ nhà tới đường cái quan, từ tình cảm với con, với người yêu, tới tấm lòng người công dân thiện nguyện trong xúc cảm thi ca Hoàng Liên Sơn luôn nhất quán, có tiến trình cả về thời gian và hoàn cảnh sống:
Mong từng em lớn lên cùng sự tin yêu đồng loại
Rồi một ngày chúng tôi nhìn lại
Ngỡ ngàng thấy mầm thiện nảy xanh ngay ở
chính mình…
(Mầm thiện)
Và:
Chúng tôi tìm đất gieo hạt ấm no
Cũng khó như đồng bào tìm đất tra ngô
Giữa bốn bề đá sắc.
(Đất gieo hạt ấm no)
Giấc mơ cao nhất cho hiện thực xã hội còn đầy thương khó, trái ngang, là:
Nhưng buồn không tinh khôi, vui không trong suốt
Và nụ cười vẫn vương mùi nước mắt
Biết khi nào
Cao thượng ở một tay
Đớn hèn ở một tay
Tay kia vung lên chặt đứt tay này…
(Giấc mơ)
Thơ Hoàng Liên Sơn có không ít sáng tác như những bản nhật trình ghi chú lại từ các sự kiện lớn lao đến việc đời thường nhỏ bé, và nhờ vậy mà thơ giầu chất liệu đời sống. Hướng thể hiện này mạnh về tính hiện thực/hiện thời song nhẹ về tính ảo - hiện thực huyền ảo - nơi cư trú giấc mộng ngàn năm, nơi cho phép xóa mờ dấu tích mọi đường biên hữu hạn được dựng bởi yếu tố chính thể, thời thế thậm chí dân tộc tính để đạt tới cảnh giới loài - tính phổ quát với mẫu ngữ hệ - mang danh gọi Nàng Thơ.
20/5/2017
ĐTK
KHÚC TỰ TÌNH YÊU DẤU
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Cái căn bản của thơ có lẽ không ngoài chữ tình. Tình của người viết và tình của người đọc. Dù sáng tác theo kiểu nào, truyền thống hay hiện đại thì thơ cũng phải lưu giữ trong nó cảm xúc của con người. Hay nói cách khác, cái được lưu giữ trong thơ lâu nhất, bền vững nhất chính là tâm hồn con người. Giá trị của một thi phẩm được đo bằng sức truyền cảm của nó, từ người viết đến bạn đọc, từ ít đến nhiều, theo cấp số cộng hoặc cấp số nhân tùy thuộc vào chất lượng tác phẩm.
Tuy nhiên, không phải cảm xúc nào cũng có thể trở thành thơ đích thực. Thơ vốn khắt khe hơn ta tưởng, nó cần cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ mang tính liên tưởng cao. Và, mỗi nhà thơ thường lựa chọn cho mình những “vùng” riêng trong sáng tạo, có người hướng tới vấn đề lớn nhưng cũng có tác giả chỉ viết nhuyễn chuyện đời thường, cái đã và đang xảy ra hàng ngày mà họ được can dự. Với Hoàng Liên Sơn, tôi nghĩ anh thuộc dạng sau, viết về những câu chuyện đời thường như cách người ta ghi nhật ký bằng thơ vậy.
Hoàng Liên Sơn chia tập thơ Những số hạng yêu thương thành hai phần: Tự tình và Sứ mệnh. Phần Tự tình biểu đạt được nhiều góc độ, cung bậc của đời sống tâm hồn xoay quanh tâm điểm yêu thương. Hoàng Liên Sơn có cách diễn đạt về tình yêu thật dễ thương. Không ồn ào, dữ dội mà thường đằm thắm. Lại nhiều bối rối, băn khoăn, lắm câu hỏi nữa chứ. Anh có những so sánh bất ngờ tạo nên thú vị cho người đọc:
Mai này
Khi mùa đào đi qua
Dải đất dưới chân ta sẽ thành thỏi socola vĩ đại
Anh có về phủi bụi áo ai không?
(Vườn đào chiều cuối năm)
Hoàng Liên Sơn biết chọn lựa những chi tiết, hình ảnh có vẻ rất bình thường của cuộc sống để đưa vào thơ nhưng sức gợi cảm của nó lại không hề nhỏ bé chút nào. Nhờ đó, mà thơ anh lấp ló những nét duyên vừa trẻ trung hồn nhiên vừa khôn ngoan trải nghiệm. Có lẽ, đây không chỉ là chi tiết khó quên của riêng nhà thơ với ai đó mà chắc nhiều cặp yêu nhau cũng gặp điều tương tự:
Trong túi xách tay
Hóa đơn café lần gặp cũ vẫn còn
(Dưới mái hiên)
Ở một trường hợp khác, giữa ngày đầu xuân sự chợt nhớ và rất nhớ của kẻ si tình lại được biểu hiện bằng “cung đường” đi tìm hơi ấm của chú kiến bé nhỏ:
Cái bàn góc vườn
Anh chợt nhớ đây ghế mây em ngồi
Và rất nhớ
Con kiến lan man về phía em
Như để tìm hơi ấm
(Nắng non)
Thực lòng, tôi rất tôn trọng những phút xao lòng không hiếm hoi trong cuộc sống. Dường như đó là điều không thể khác được và chẳng bao giờ mất đi dù ai cũng biết rằng biên giới của sự phải - trái, dại - khôn thật mong manh, sương khói. Cảm tình nhau rất dễ lạc vào huyền ảo. Đắm đuối nhau, tức ở cấp độ cao hơn thì thực hư đâu dễ dàng nhận thấy. Thế mới thú vị và cảm phục những câu thơ này của Hoàng Liên Sơn:
Em mơn man những ngón tay anh
Như xác nhận chúng là có thực
Lại băn khoăn
Nếu nắm lâu hơn
Sự khôn ngoan có còn nổi phần nào?
(Đường biên)
Có thể khẳng định rằng, giọng thơ của Hoàng Liên Sơn trẻ trung tươi tắn bởi tình yêu. Tình yêu cộng hưởng vào câu chữ của anh những thầm thỉ, những du dương say đắm. Hoàng Liên Sơn mạnh ở cảm xúc và những phát sáng trong thơ anh có lẽ bắt đầu từ đấy:
Quạt tai voi ơi tớ xin cậu đấy
Mỗi vòng quay lại bối rối hương thầm!
(Học nhóm)
Đôi khi anh cũng thử nói lớn, viện dẫn những to tát cho tình yêu nhưng rất nhanh chóng lại trở về quỹ đạo cũ, quy phục cái tạng quen thủ thỉ của mình:
Yêu
Như núi yêu sông, như đồng yêu bể
Như em bé nói yêu em bé,
Tiếng yêu chưa dám rõ chữ tròn vành…
Kìa có người vừa đường đột xưng anh
(Bữa trưa quán nhỏ)
Lại có trường hợp tình yêu, theo cảm nhận của tôi vừa chân thành đứng đắn vừa có cái gì đó “sai sai”:
Em muốn đổi nick anh thành “nhớ em”
Mà phần mềm không chịu
Như biết thừa nick ấy sẽ lại thay
(Kỳ nghỉ)
Một sự “tự thú” như là không thể giấu nổi mình phản ánh đúng kiểu tình cảm phổ biến của con người hiện đại. Như vậy đó, trong thế giới phẳng, còn hơn siêu phẳng, chúng ta rất có điều kiện để mở rộng giao lưu, kết bạn và có thể gì gì khác nữa. Hoàng Liên Sơn đã tỏ ra tinh tế trong diễn đạt các tình huống của tình yêu.
Ở một phần khác, tất nhiên là vô cùng quan trọng anh đã yêu quý hết mực ngôi nhà ấm áp của mình. Hoàng Liên Sơn có những câu thơ ấm áp viết về con gái, về gia đình. Trong tổ ấm của nhà thơ, phụ nữ chiếm ¾ và anh đã trân trọng, kiêu hãnh về điều đó. Đọc thơ Hoàng Liên Sơn ta không khó nhận ra một tình yêu đầy thương mến và bao dung dành cho con gái, cho người bạn đời của mình:
Trời lạnh và con đã trót trong chăn
Nên đèn bàn bố phải sang để tắt
Nếu không
Bị mẹ mắng tốn tiền thì bố liệu mà nghe
(Bố là ai?)
Trong phần mang tên Sứ mệnh, Hoàng Liên Sơn đã mở rộng biên độ thơ hướng tới sự chia sẻ đầy chất nhân văn với cộng đồng rộng lớn. Thơ đồng hành cũng những việc làm thiện nguyện hướng về trẻ em vùng cao, vùng sâu. Một ngôi trường mới, một tấm áo ấm, một chiếc chăn, chiếc mũ len…ủng hộ các em học sinh vùng cao là những điều mà Hoàng Liên Sơn và bạn bè đã làm được trong thời gian qua. Và thơ của anh đã kịp ghi lại những việc đó:
Mũ len mới trùm lên vành tai cáu ghét
Tất chân đeo ngay dưới vệt bùn mờ
Em về bản đón xuân…
(Câu hỏi)
Không hiếm những vùng quê còn cơ cực, thiếu thốn cần tấm lòng giúp đỡ của cộng đồng. Làm thiện nguyện cũng phải chấp nhận gian khó và vượt qua nó bằng tình yêu rộng lớn cùng với niềm tin vững chãi:
Chúng tôi tìm đất gieo hạt ấm no
Cũng khó như đồng bào tìm đất tra ngô
Giữa bốn bề đá sắc
(Đất gieo hạt ấm no)
Đó là công việc của người gieo cấy cái tốt đẹp cho xã hội:
Chúng tôi gieo mầm thiện nơi các em
(Mầm thiện)
Sau những chặng đường quanh co, chênh vênh khi lên với vùng cao, anh đã phát hiện ra được những vầng sáng trong cuộc sống bình dị. Hình ảnh cô giáo miền xuôi nơi biên cương hiện lên trong thơ Hoàng Liên Sơn đầy cảm động:
Cô rửa mặt từng trẻ
Trẻ này vì tình yêu
Trẻ kia cho mưu sinh
Trẻ thứ ba thứ tư là nghĩa vụ
Và trẻ thứ hai mươi bởi thực sự anh hùng
(Cô giáo miền xuôi nơi vùng biên)
Công bằng mà nói, thì phần thơ Tự tình Hoàng Liên Sơn viết nhuyễn hơn phần Sứ mệnh. Ở phần hai, một số bài thơ của anh chưa đủ sự lắng về cảm xúc và độ chín về nghệ thuật. Đúng ra, nó chỉ mới là những ghi chép về sự việc xảy ra; tác giả chưa dụng công trong lập tứ và chọn ngôn từ diễn đạt. Ít có hình tượng độc đáo như trong phần thơ Tự tình. Thực lòng, tôi cũng chưa thích cái tiêu đề anh đặt cho phần hai: Sứ mệnh. Không sai, nhưng xem ra, có phần to tát quá với nội dung và “tạng” thơ của Hoàng Liên Sơn. Không gian, biên độ thơ khi được mở ra cần có cách diễn đạt tương thích, nếu không sẽ có sự khập khiễng, thiếu đồng nhất giữa ý và tình.
Nói là nói vậy, chứ làm thơ bao giờ cũng là công việc khó. Được như Những số hạng yêu thương đã là mừng. Thơ như thế, cần cho cuộc sống. Hoàng Liên Sơn đã góp cho đời một ngọn lửa ấm, không chỉ bằng việc làm thiện nguyện mà cả bằng thơ.
Hà Nội cuối tháng 3 năm 2017
NHQ
HOÀNG LIÊN SƠN THĂNG HOA CUỘC SỐNG THÀNH THƠ
Nhà thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức
1.Làm thơ như ghi nhật ký
Tập thơ mới “Những số hạng yêu thương” đang rạo rực nằm trên máy in để sửa soạn ra mắt (nó là con số nối dài của tập thơ Chuông gió ngoài hiên). Trước khi đọc tập thơ mới, tức là hoa trái, thì chúng ta không cách nào thoát khỏi việc ngắm nhìn gốc cây - là tác giả đã đơm hoa kết trái thế nào?!
Đọc thơ của tác giả Hoàng Liên Sơn, tôi không thoát khỏi ý nghĩa định danh và định tính cho thơ anh. Theo tôi nó có vẻ là thơ “tân cổ điển - hiện thực”. Cổ điển, vì xưa nay thơ theo phổ quát thế giới là “Tức cảnh sinh tình”. Nghĩa là người ta sống, lao động, yêu đương và sinh hoạt… khi nào những cảm xúc dạt dào ập đến thì tâm hồn liền trào vọt thành thơ theo kiểu “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương”. Nhưng tôi phát hiện ra, thơ của Hoàng Liên Sơn có một chiều kích hay đặc điểm khác, đó là tác giả dùng thơ để ghi lại những mối ưu tư trong cuộc sống của mình, như ưu tư về tình yêu, về vợ, về con cái, về công việc, về bạn bè, về nhân quần, đặc biệt là nhân quần bé nhỏ nghèo đói như những em bé miền cao chân đi đất, bụng rỗng đến trường mái dột tường toang hoác gió lùa, nếu đọc tên các bài thơ như “Bữa trưa quán nhỏ”, “Dốt hình học”, hay “Mầm thiện”… thì chúng ta sẽ thấy ngay điều này.
Tác giả Phan Khôi đã từng viết: ghi nhật ký là một hoạt động tinh thần rất phổ biến ở phương Tây, nhưng còn là sự hiếm hoi sơ sài ở Việt Nam. Và, ghi nhật ký là mức đánh giá cao trình độ của tâm hồn. Vì ở đó người ta như được kiểm duyệt, sám hối và chịu trách nhiệm hành động trong ngày của mình. Vậy mà một trí thức như tác giả Hoàng Liên Sơn muốn ghi nhật ký bằng thơ chẳng phải là trình độ cao cấp sao?!
Muốn trở thành tác giả không dễ, người ta buộc phải có một trình độ và một sự tự tin nhất định. Điều này thật đúng với nhà thơ Hoàng Liên Sơn. Tác giả vốn xuất thân từ một hỏi sinh giỏi toán được chọn học trường chuyên toán của tỉnh Thái Bình, sau đỗ đại học Bách Khoa, rồi ra trường làm kỹ sư, làm nhà quản lý… Tóm lại, từ học đến hành, tác giả đều đã trải nghiệm xuất sắc. Vì thế mà anh mang sự tự tin đó vào thơ. Tập thơ có tên “Những số hạng yêu thương” đã chứng tỏ tác giả là một dân toán chuyên nghiệp, ngay cả thơ cũng phải mang bóng dáng của con số?!
Đọc thơ của Hoàng Liên Sơn, tôi tưởng tượng như con tê tê đang lùi lũi khoan thủng lòng đất. Một người quay nhiều vòng, khi dừng lại, người ta thấy đất trời xoay tít, và cảm tưởng cả ta và đất trời đang xoay. Một con tê tê khi rung lớp vảy khoan lòng đất, nó thăng hoa và cảm giác cả mặt đất đang tê dại như lớp vảy cứng cáp hùng dũng của nó. Với Hoàng Liên Sơn có lẽ giống vậy, khi anh cuộn xoáy tâm hồn mình vào xoáy cuộc đời anh tưởng cuộc đời đang xoay theo những vần thơ thăng hoa của anh. Tôi cho rằng, thơ của Hoàng Liên Sơn đã thăng hoa lên từ giữa cuộc đời thực tục mà mỗi ngày anh đang cặm cụi sống, sốt sắng, lo âu và thụ hưởng một cách say mê?!
2.Những dòng nhật ký “thật như đếm”
Thơ của Hoàng Liên Sơn rất thật, thật như đếm luôn:
Sau kỳ nghỉ
Rất nhiều việc đang cần sự thăng bằng nơi em
Hãy cho hộp tin được yên tĩnh
Đừng vội vàng nhắn nhủ gì thêm.
(Bài Kỳ nghỉ)
Và bài “Học nhóm” với những hình ảnh:
Bạn bận đồ ở nhà
Để hở bắp tay
Lớp lông măng
Dễ mấy ai đã thấy
Quạt tai voi ơi tớ xin cậu đấy
Mỗi vòng quay lại bối rối hương thầm!
Nhưng mà những câu thơ thật thà đó chỉ là đặc tính của một nhà thơ thạo toán học. Còn với tình yêu thơ, cây bút Hoàng Liên Sơn đã chắp cánh cho nàng thơ bay bổng. Với tình yêu, nhà thơ lúc nào cũng nôn nao, xao động, trìu mến, đằm thắm như một cậu học trò đang chập chững mơ tưởng những cánh chim của con tim còn đang đập cánh xa lắc xa lơ như trong bài “Lá me”:
Cảm ơn người nhặt giúp lá me
Và chỉ nhặt trên vai thôi nhé
Dẫu trên mái tóc mềm
Có thể cũng là me.
Và:
Xuân sang
Khi vòm cây đã một màu xanh non mới mẻ
Sao người vẫn nhặt giùm
Cứ như là trên tóc lại lá me?
Bài “Dưới mái hiên”, sự tinh tế lại được bắt đầu như một đại lượng của toán học:
Không nhận lời gặp nhau
Nhưng quán quen chiều nay em vẫn đến
Tưởng tượng đối diện là khuôn mặt người
thương mến
Trong túi xách tay
Hóa đơn café lần gặp cũ vẫn còn.
Trong khúc thơ trên rõ ràng chúng ta thấy “quán cũ” có thể nhiều bài thơ đã có một kỷ niệm như vậy, nhưng “hóa đơn café” rõ ràng là một ký ức mang chỉ số. Chỉ số đó nói lên những điều gì? Nhiều lắm… với một cậu sinh viên đó là chỉ số “lên gân” hay “vượt qua”, thậm chí là “siêu vượt”. Tình yêu về mặt phổ quát hay xã hội chắc hẳn là quán cà phê. Nhà hàng ư? Rõ ràng đó là con số mấy sinh viên không kham nổi. Còn với đại gia kham dễ dàng thì đó không phải tình yêu mà là cuộc giới thiệu “đổi chác”?! Hay quán chè chén ư, chẳng lẽ đó là chỗ tâm tình. Hóa đơn trong túi gợi lắm. Đó là một kỷ niệm mà chàng trai tính nó như một chiến công, dù sao đã mời hay “dụ” được em vào quán cà phê đèn mờ nhạc du dương, rõ ràng để tâm tình những điều khó nói. Và đó cũng rõ ràng là một chứng tích của thành công. Còn gì đồng hóa với tình yêu như ở chỗ thiếu ánh sáng?! Trong bóng tối các hạt giống nảy mầm. Còn tình yêu cũng được dịp tăng tốc. Nàng đã cùng ta vào quán cà phê, lần thứ nhất được, thì tại sao lại không có lần hai, và lần n là hai hay ba đây? Chàng trai vẫn giữ tấm hóa đơn như một chiến tích?! Ở đây, có thể nói “tấm hóa đơn” bình thường không thơ và không lãng mãn chút nào, nhưng với tâm hồn của Hoàng Liên Sơn, nó đã trở thành một ám ảnh rất văn chương.
Rồi tâm hồn “con số” đó rất rụt rè vụng dại khi nghĩ về tình yêu như những những đôi khăn the yếm đào thuở xa xưa:
Ngoài kia
Có người cầm tay nhau như bè bạn,
Có người hôn lên trán nhau như anh em;
Nếu gặp nhau thêm
Ta rồi sẽ thế nào?
(Bài Dưới mái hiên)
Đọc mấy câu thơ này, tôi hoàn toàn nhanh chóng liên tưởng đến mấy câu thơ cổ điển kiểu ngày xưa: “Tiện đây mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa”.
Tình yêu nhẹ nhàng, thanh thoát, run rẩy, khát khao thầm kín của tác giả thể hiện khá rõ trong bài “Vườn đào chiều cuối năm”. Tác giả chỉ dám ao ước gửi lòng khao khát qua hương của hoa đào:
Anh phủi giúp rất lâu một cánh nhỏ hoa đào
Bám hờ trên áo.
Không chỉ mùi thơm của tóc
Hương đào xuân đang ở quá gần.
Và sau khi phủi những cánh đào cho nhau, cuối cùng vẫn chỉ là:
Mai này
Khi mùa đào đi qua
Dải đất dưới chân ta sẽ thành thỏi socola vĩ đại
Anh có về phủi bụi áo ai không?
Hoàng Liên Sơn giành rất nhiều ưu tư cho con, có lẽ điều đó chỉ sau tác giả phối hợp cùng anh đẻ ra những đứa con của mình, chẳng hạn trong bài “Dốt hình học”, anh viết:
Bố ơi
Con bắt đền
Sao lại sinh ra con là gái
Để bây giờ làm hình học hay sai?
Người Việt có câu “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, nhưng ở đây tác giả lại khoe con mình dốt hình học, rõ ràng là một sự thành thật của một nhà toán học cũng như một nhà sư phạm, nhưng sau khi đặt nền tảng này nhà thơ đã dạy con những điều chí thiết:
Con có thấy những tòa nguy nga
Đàn ông đã xây nên bằng bao nhiêu khó nhọc
Bằng hoàn hảo hình dung bằng rộng lớn tầm nhìn
Nhưng nếu thiếu đàn bà
Thì có thành mái ấm được không?
3. Thơ lớn lên cùng sứ mệnh
Còn một mảng đề tài lớn, năm qua tác giả đã đứng ra kêu gọi được ngót cả tỉ đồng, lăn lộn lên tận vùng sâu vùng xa làm từ thiện cho các em nhỏ nghèo nàn rách rưới ở vùng cao, điều đó cũng hun đúc và trải nghiệm trong tâm hồn tác giả bao cảm xúc và suy tư. Tác giả cũng trăn trở ghi thành nhật ký thơ:
Chúng tôi gieo mầm thiện nơi các em
Mong từng em lớn lên cùng sự tin yêu đồng loại
Rồi một ngày chúng tôi nhìn lại
Ngỡ ngàng thấy mầm thiện nảy xanh ngay ở
chính mình
Sắp tiêu phí đồng nào chợt biết run tay.
(Bài Mầm thiện)
Hoàng Liên Sơn muốn trải mình ra trên mọi ưu tư lo lắng của quê hương, khi thấy chuyến bay bị rơi, anh đã đến tận nơi thăm hỏi và đóng góp như một nghĩa cử chia sẻ mến thương. Anh nhớ về những người phi công ra đi không trở lại, trong bài “Niềm tin khi cất cánh bay”:
Mà thôi
Anh yên nghỉ rồi không mong gì nữa đâu
Thời gian và lương tri thực thi tất cả
Không có niềm tin này ai sẽ cất cánh bay?
Rồi khi xuất hiện biến cố ô nhiễm biển miền Trung, hàng triệu dân khốn đốn thức ăn và kế sinh nhai, anh cũng không muốn là một kẻ bên lề, và anh đau đáu:
Những mắt cá bạc đi còn chưa hết đau buồn
Như van vỉ
Đừng nấu tôi mà ăn cũng đừng làm mắm
Đừng cho vào xe đông lạnh đem đi...
Thương cho cá cam phận làm chuột bạch
Cốt cứu người
Rồi cứu nổi người không?
(Bài Thắc mắc)
Những điều chúng ta vừa đọc, là những trăn trở, đau đáu, yêu thương và muốn bày tỏ bổn phận của tác giả, nhưng nếu chỉ có thế, thì thật khó cho tôi khi viết về tác giả, có vẻ như tác giả giống như một tòa nhà cấp bốn kéo dài thời bao cấp chăng? Nhưng thưa với các bạn yêu thơ và sáng tác thơ, mái nhà đó đã vươn lên một hình chóp cao chót vót không thể nào tả được, hoàn toàn chỉ còn cách đặt tên cho nó là một “siêu hình học”. Đó là bài “Giấc mơ”. Mở màn tác giả đã trình ra cuộc “bại trận” của mình có thể như một kẻ lười biếng hay còn bé nhỏ:
Trước bao la
Mà bàn chân bé thơ không dễ đi cho đến
Nỗi tò mò háo hức
Khiến tôi mơ thành tí hon
Sẽ thành rừng nơi tôi thường gọi bụi cây
Thành đại dương nơi tôi vẫn tưởng ao hồ
Nhưng rồi, chúng đã lớn lên mang theo vóc dáng của lý tưởng:
Tôi lớn lên, ai ngờ
Thế giới bao la không chờ cũng đến
Câu chuyện đắm say, bài ca thương mến
Tôi đã đọc, đã hát lên
Nhưng buồn không tinh khôi, vui không trong suốt
Và nụ cười vẫn vương mùi nước mắt
Tôi vỗ cao đôi cánh mọc đã dài
Hăm hở lao về phía trước
Nhưng Thượng Đế đã trước tôi nghìn bước
Người chắp cánh cho tôi rồi mở rộng bầu trời
Khi đọc mấy câu thơ:
Biết khi nào
Cao thượng ở một tay
Đớn hèn ở một tay
Tay kia vung lên chặt đứt tay này
Tôi nhớ đến một câu trong Kinh Thánh: Nếu một con mắt ngươi phạm tội, thì hãy khoét nó mà vứt bỏ đi, nếu một tay ngươi phạm tội thì hãy chặt nó mà vứt đi, vì thà còn một mắt, một tay mà không bị sa vào hỏa ngục còn hơn cả thân thể bị sa vào hỏa ngục.
Trong việc viết nhật ký bằng thơ thường xuyên của mình, rõ ràng nhà thơ Hoàng Liên Sơn đã lần về cội nguồn cũng như bài học cao nhất của lương tâm, đó là sám hối hay phản tỉnh. Và khi anh muốn lao về phía chân trời có Thượng Đế tức là anh đang muốn vươn tới dự phóng và lý tưởng của mình. Tôi cho rằng dự phóng, lý tưởng và Thượng Đế là những thứ xa hoa trong rổ rá thơ Việt Nam, và không phải ngẫu nhiên mà bằng lập trình của tinh thần, tác giả đã làm được điều đó một cách tự giác và tất yếu. Chính vì thế mà tôi viết rằng: anh đã thăng hoa cuộc sống thành thơ. Xin chúc mừng tác giả Hoàng Liên Sơn!
Paul Đức tối thứ hai 27/2/2017
THƠ HOÀNG LIÊN SƠN
NHỮNG SỐ HẠNG YÊU THƯƠNG
PHẦN I
TỰ TÌNH
LÁ ME
Cảm ơn người nhặt giúp lá me
Và chỉ nhặt trên vai thôi nhé
Dẫu trên mái tóc mềm
Có thể cũng là me.
Người nói vui lâng lâng
Thì gìn giữ lấy
Dù tâm trạng của tôi chưa biết cất vào đâu và gọi là gì.
Xuân sang
Khi vòm cây đã một màu xanh non mới mẻ
Sao người vẫn nhặt giùm
Cứ như là trên tóc lại lá me?
LỜI CHÚC ĐẦU NGÀY
Café trong ly đã ngừng tí tách
Chưa thấy ai nhắn chúc một ngày nghỉ tốt
Đành cắp cặp đi làm.
Chưa kịp học từ bạn cái chăm
Chả lẽ bạn đã lây từ mình cái nhác?
Thiếu lời chúc ấm êm mùa đông rồi lại rét
Ngày lại dài mênh mông.
Mình trả lời bằng im lặng được không,
Khi câu nhớ nhung bạn đính cùng lời chúc?
Mong nhận nỗi nhớ đi,
Nhớ lại dường như chưa phải lúc,
Nhưng có người rồi ít ngủ đêm nay.
VƯỜN ĐÀO CHIỀU CUỐI NĂM
Hai người một xe máy
Thoáng va nhau đường nhỏ chênh vênh.
Chiều cuối năm
Hoa e ấp hơn, chúm chím như chào.
Anh phủi giúp rất lâu một cánh nhỏ hoa đào
Bám hờ trên áo.
Không chỉ mùi thơm của tóc
Hương đào xuân đang ở quá gần.
Em vui với ánh nhìn ấm áp
Tha thiết nồng nàn xin hướng đến hoa kia.
Lối đi nào có dốc đâu
Anh chìa tay thì em nắm lấy
Đất mịn nên không đau dù da mỏng chân trần.
Đừng chê nhé sự khiêm nhường lạch nước và doi cát
Muốn cảnh huy hoàng hơn nhưng nắng tắt mất rồi.
Mai này
Khi mùa đào đi qua
Dải đất dưới chân ta sẽ thành thỏi socola vĩ đại
Anh có về phủi bụi áo ai không?
DƯỚI MÁI HIÊN
Kéo đến khuya
Cuộc chuyện online tự nhủ sẽ dừng từ chập tối.
Không nhận lời gặp nhau
Nhưng quán quen chiều nay em vẫn đến
Tưởng tượng đối diện là khuôn mặt người thương mến
Trong túi xách tay
Hóa đơn café lần gặp cũ vẫn còn.
Thỏi socola hẹn thưởng người sẻ chia những chuyện
không đâu
Nằm đáy túi sâu
Lo đến ngày hết hạn.
Mái hiên thân gần ơi
Ta biết cảm ơn hay là trách giận
Về cuộc gặp tình cờ ở dưới trời mưa?
Ngoài kia
Có người cầm tay nhau như bè bạn,
Có người hôn lên trán nhau như anh em;
Nếu gặp nhau thêm
Ta rồi sẽ thế nào?
BỮA TRƯA QUÁN NHỎ
Bạn chuyển giúp bát cơm gần thêm xăng-ti-met
Rồi kéo ghế mình cũng xăng-ti-met gần hơn.
Bao nhiêu ngày cậu tớ đã quen,
Bỗng một hôm cùng xưng tên nhỏ nhẹ.
Ăn đi nhé
Nhìn nhau hoài như thế
Khách không no
Chủ biết lấy chi đền.
Con kiến đen bò trên tóc mai
Nó có biết cắn đâu mà bạn lo bắt hộ;
Nhưng triền sông trưa nay vắng gió,
Trán mồ hôi nhờ bạn quạt ân cần.
Yêu
Như núi yêu sông, như đồng yêu bể,
Như em bé nói yêu em bé,
Tiếng yêu chưa dám rõ chữ tròn vành…
Kìa có người vừa đường đột xưng anh.
LƯỠNG LỰ
Thiếu phụ lau bàn trà vốn đã sáng như gương
Liếc đồng hồ và nhìn ra cổng chính
Tự nhủ mắt ơi
Đừng chống lên lộ liễu thế này.
Người sẽ đến hôm nay
Nàng thường gọi anh trai dù không có cùng cha hay mẹ
Đủ gần gũi để tỏ yêu thương
Đủ xa xôi để ngăn sự vượt rào.
Nàng lưỡng lự bật bình đun
Nước chưa sôi lại tắt
Vồn vã quá người ta nhìn ra mất;
Họ tặng tàu bay giấy thôi mà
Sao vẫn lâng lâng?
Nàng cắm một bình hoa
Không phải vì có khách mà hoa nở
Nhưng hương dường như lại vì khách mà bay.
Nàng thích đôi mắt hiền
Tiếng cười mềm mại
Và hiện tại thì chưa chịu thích gì thêm.
Đừng dò hỏi nàng buổi chiều nay có mang tên
hạnh phúc
Múi quít trên khay
Đến vỏ cũng không còn!
Nào khách hãy ngồi đây, thật ngoan
Chữ yêu quí phải giữ nguyên
Đừng ăn gian mà bỏ đi chữ quí.
Dẫu chuỗi dấu chấm than có thể dài hơn thế
Ru nó ngủ đi
Ủ kín trong tim
An phận người dưng và đợi gió chuyển mùa.
Mình gắn bó thế thôi
Sâu sắc rồi dứt ra cũng khổ.
Em ngưỡng mộ mà,
Nhưng nhớ là chút xíu thôi anh.
ĐƯỜNG BIÊN
Có một ngày
Em báo lúc đi ăn
Rồi buột miệng báo cả khi đi tắm
Nhận ra hớ hênh
Thì hình như đã muộn mất rồi.
Công viên ư?
Nhưng trời vừa tối
Nếu ban ngày em sẽ vào thôi.
Em mơn man những ngón tay anh
Như xác nhận chúng là có thực
Lại băn khoăn
Nếu nắm lâu hơn
Sự khôn ngoan có còn nổi phần nào?
Anh ơi
Hay từ nay
Đừng hỏi han quan tâm gì nữa
Đính chính là rượu đã nói lời yêu?
Chân mỏi rồi và ta tựa vào nhau
Không thể nào khác được
Dù làn môi còn
Xa cách với làn môi.
GIAI ĐIỆU MƠ HỒ
Em cầm thìa vắt gói trà đã khô kiệt
Trên đĩa đựng tách
Gạt vỏ những túi đường về phía anh
Xả rác sang hàng xóm.
Em gục đầu trên mặt bàn
U hoài
Tóc chấm vào đáy tách
Một bàn tay ấm và chộn rộn hơn bàn tay kia
Bởi có người cầm.
Anh bảo đường đi dạo đẹp vô ngần
Em than tiếc vì chân mang giày cao gót;
Anh khen lá đang đùa lãng mạn ngoài sân
Em nói nhiều muỗi đốt;
Em không nói đôi môi cả hai sẽ ngoài tầm giám sát
Của ánh đèn.
Em vốc nước rửa mặt
Thử xem không gian này có còn là thật.
Anh mơn trớn vầng trán thanh cao bằng ánh mắt
Một sở hữu từ
Vừa rụt rè nhen…
KHÚC BIẾN TẤU
Họ ngồi nơi chàng gọi phòng đôi rồi phòng riêng
Nàng đính chính là phòng có mái
Cầm món quà chiếc lá khi còn tươi đã mang màu đỏ
Của cái cây xanh không biết ra hoa giữa xuân
Cố làm mình bớt đơn điệu.
Bàn tay nàng
Tự tin cầm tay
Rụt rè vuốt tóc…
Chợt những câu hỏi khiến nàng thổn thức
Mình thuộc về nơi này hay đang thuộc về đâu
Mình có không quyền thương mến người nào
Một giấc ngủ dài giúp quên được nhau chăng?
Chiều xuống mau
Chàng cất lời thiết tha
Nàng đứng lên
Chàng nhắm mắt…
Chỉ vòng ôm thoáng qua
Và vết cắn hờ
Chàng gọi với theo tuần trăng sau em nhé
Nàng đáp vọng về…
có thể
nếu người mong.
TẬP NÓI
Oải Hương ơi!
Nàng ngập ngừng nhìn sang
Cái cách gọi đủ cả tên riêng và tên đệm
Của thuở bé con
Từ người mới quen
Nghe lạ.
Ánh mắt khắt khe
Cử chỉ ân cần
Răn đe và khích lệ.
Rồi từ đó
Câu chuyện dần bi bô dù nói về hoa lá
Có đôi từ phụ âm bị khuyết
Và vài từ ngọng nghịu đổi nguyên âm.
NHẠT VÀ NỒNG
Anh chào online buổi sáng
Lời chào suông mà lắm dấu chấm than
Em đáp xã giao
Và nhận chùm bóng bay màu tím
Anh bảo mỗi lần vẫy tay
Lại nhớ người mách nước bài tập ấy
Em tự hỏi
Là nhớ kiểu remember hay miss đấy?
Mưa đang to
Anh dặn em hãy dè chừng từng bước
Ồ anh biết rồi mà
Em chỉ taxi thôi
Anh khoe đang ngồi cafe
Một mình không cô đơn
Nhưng vía hồn lơ lửng
Rồi xin lỗi
Đã phiền em bằng những chuyện không đâu
Anh buột miệng gọi nhau bằng tên riêng tha thiết
Không trả lời...
Em lẳng lặng rời cửa sổ online.
OFFLINE
Anh cười online với em bằng biểu tượng mở miệng
Và những trái tim bay lên từ mắt
Những trái tim cầm tay mà đưa nhau
Không sợ xước
Anh gửi một dòng ngoại ngữ viết tắt.
Em chào buổi sáng
Mời anh café
Bằng ly lượn bay trên bức ảnh nền.
Em tặng anh cành oải hương
Rồi nguyên bó
Rồi cả cánh đồng hoa
Tất nhiên cũng là trong ảnh.
Em dặn anh đừng thức khuya
Nếu đó không phải là khoảng thời gian dịu ngọt
Nhưng làm sao anh ngủ ngon
Khi hình bóng oải hương liền gợi nhớ mùi trà?
Hay là…
Mình offline em nhé?
Vâng
Nhưng để mùa oải hương năm sau được không?
Em sợ dòng ngoại ngữ sẽ được dịch đủ đầy ra
tiếng Việt
Và tâm hồn từ đó hết bình an!
NẮNG NON
Anh tới
Không coi đây là đích
Mà chỉ vì tiện lối rẽ vào thôi.
Đón nắng non
Lá mùa xuân chuyển dần từ xanh nâu sang xanh lục
Hoa xao xuyến nở
Xoắn xuýt ong bay.
Cái bàn góc vườn
Anh chợt nhớ đây ghế mây em ngồi
Và rất nhớ
Con kiến lan man về phía em
Như để tìm hơi ấm.
Anh không nói nhớ em
Kẻo có người bối rối.
Anh lén gọi tên
Tự ý viết hoa chữ thân yêu
Thầm chúc
Buổi chiều sẽ dịu lành từng phút
Dù ngay từ đầu ngày lời chúc đã xôn xao.
ÁP ĐẶT
Anh đến để uống trà cơ mà
Đừng nhìn em
Nhưng cũng đừng nhìn sang nơi khác
Càng không nên ngồi sát bên em
Và chú ý
Em chỉ có được mười lăm phút!
Anh quí hóa ơi
Thời gian đã hết.
Em đứng lên
Nhưng không đáp lại lời anh chào
Mà ngập ngừng…
Trời tối rồi
Không xuống đường tiễn bước em sao?
NHẦM
Nhánh tỏi nhỏ nhoi
Em chia để bảo an cho tất thảy mọi người
Sao anh nhắc mãi?
Em ạ
Dường như từ lúc ấy
Nét mềm mại lên ngôi thay cho vẻ lạnh lùng...
Mấy năm rồi
Anh thay đổi nhiều không?
Bức hình em quàng khăn bên ô cửa chấn song
Em định gửi email cho bạn thôi mà nhầm sang anh đấy
Không xinh bằng mẫu ư?
Thế thì đợi một lần nhầm khác vậy
Bữa nay em đang đỏ mặt rồi.
Anh gửi em biểu tượng chim bay đôi
Bệnh nhầm lẫn hóa ra hay lây quá
Thăm hỏi ân cần thôi
Và giữ lại những phần âu yếm nhé
Em soạn giáo án sai thì liệu mà đền....
KỲ NGHỈ
Em hân hoan nhận cái tên anh gọi
Nhưng dừng ở đó thôi
Đừng thêm hậu tố nào.
Em muốn đổi nick anh thành “nhớ em”
Mà phần mềm không chịu
Như biết thừa nick ấy sẽ lại thay.
Đường nắng thiếu ô che
Sợ anh ốm
Em cho đội ké bằng áo khoác
Cuối đường rồi ta cũng không gần thêm.
Mình gặp nhau lần này thôi anh
Gặp lần nữa sẽ không dừng được nữa
Ánh mắt nào đã chớm màu si.
Sau kỳ nghỉ
Rất nhiều việc đang cần sự thăng bằng nơi em
Hãy cho hộp tin được yên tĩnh
Đừng vội vàng nhắn nhủ gì thêm.
Tới văn phòng
Em sẽ đóng cửa chính cửa sổ
Rồi tiện tay kéo kín cả rèm
Nỗi nhớ dừng ngoài sân vắng
Em tập trung cùng đống giấy tờ
Và tiếp tục là ẩn số ở trong anh.
Ơi đôi mắt không biết nhìn nghiêng
Đừng rầu rĩ thế
Biết đâu rồi mai này em sẽ
Trải nền màu cho cuộc chuyện online.
LÁ THƯ BỊ KIỂM DUYỆT
Bạn ơi
Tôi thoáng nghe
Trái tim bạn đập nhịp gì
Món quà quê qua mấy chục cây số đạp xe
Qua phà đò
Qua ánh mắt lạ lẫm tò mò của bạn bè cùng lớp.
Tôi thoáng ngắm
Đôi chân thập thững điều gì
Khi đi bộ tìm nhau dù không hò hẹn
Rồi không hẹn hò lại đi bộ tìm nhau.
Tôi đã tránh và tôi cũng thấy
Đôi mắt trong veo khắc khoải
Sớm sớm kiếm tìm
qua cửa sổ
từ xa.
Tôi đã mong cùng sợ
Một ngày kia sẽ nhận lá thư này
Lá thư đấng sinh thành nhanh tay kiểm duyệt
Vậy là rủi hay may?
Tôi đã ấp lá thư lên ngực
Áp tai nghe từng chữ chạy trên dòng…
Nhưng Sơn ơi
Người bạn mà tôi hằng quí mến và khâm phục
Nhớ làm chi
Hạt thương non của tuổi học trò
Không cùng lớp, cũng không cùng trường nữa
Làm sao bạn gieo trồng ở giữa mông lung?
HỌC NHÓM
Lớp trưởng không phân nhóm
Nên mình đành tự phát đến đây
Chuyện chỉ tiêu tuyển sinh lan man nhảy cóc
Chuyện xin gà
Nhưng chờ bà nuôi lớn mới xin
Thỉnh thoảng rụt rè gọi bạn bằng cái tên
Người thân thích gọi
Chung nhau cái bàn
Ngồi bao lần chưa chắc đủ dài không
Bạn bận đồ ở nhà
Để hở bắp tay
Lớp lông măng
Dễ mấy ai đã thấy
Quạt tai voi ơi tớ xin cậu đấy
Mỗi vòng quay lại bối rối hương thầm!
Rồi kỳ thi chuyển cấp đi qua
Ta không cùng nhóm nữa
Nhưng chú cún vẫn vẫy đuôi như mừng cậu chủ
Giấc mơ
Mai nhận số báo danh mà hôm nay còn nhiều bài
học dở
Xen giấc mơ hiệp sĩ
Giữa lửa cứu đàn gà của người gọi là… Em.
NGHĨ
Đêm nay
Cùng câu chào chia tay anh chúc
Từng căn phòng tỏa lan hơi em ấm dịu dàng
Em nghĩ về ánh mắt nồng nàn
Cái nồng nàn đã đôi bận thấy trên facebook của anh
Hình như hướng về ai khác
Em nghĩ về cái bắt tay
Nếu xã giao thì thật quá dài
Em nghĩ về vòng ôm
Sâu hơn thanh lịch
Tự nhủ vỉa hè này không đến được lần sau
Em nghĩ về lời ngỏ với nhau
Chỉ quí thôi mà sao anh lại thêm vô cùng vào nữa?
Biểu tượng lứa đôi gửi qua cửa sổ
Anh bấm nhầm hay phải lúc vui tay?
Em đã nghĩ thật nhiều
Có chỉ còn là nghĩ nữa không đây?
MUA ĐƯỜNG
Rẽ lối ấy anh ơi
Ồ anh đi theo lối hơi xa rồi!
Em tiếc hộ anh
Hay mong về sớm
Hoặc giả là đã muốn xa nhau?
Đã ngã tư
Sao anh không rẽ?
Đường vòng người thưa
Nhưng chưa đến mức gọi là vắng vẻ
Đậu xe ở bên đường
Chúng mình khác nào kẻ trêu ngươi
Em ơi hay ta đến cuối đất cùng trời?
Dừng lại thôi
Mình đã đi quá xa!
Nào nút thắt cổ chai
Nào cấm vượt theo giờ
Đến cuối đường tay đành phải rời tay
Và môi anh run run mấp máy lời chào
Cũng run run
Nhưng em thầm thì
Lại quay về đường cũ đi anh!
PHẦN 2
SỨ MỆNH
GIẤC MƠ
Tặng thầy Hòa Vang
Trước bao la
Mà bàn chân bé thơ không dễ đi cho đến
Nỗi tò mò háo hức
Khiến tôi mơ thành tí hon
Sẽ thành rừng nơi tôi thường gọi bụi cây
Thành đại dương nơi tôi vẫn tưởng ao hồ
Tôi lớn lên, ai ngờ
Thế giới bao la không chờ cũng đến
Câu chuyện đắm say, bài ca thương mến
Tôi đã đọc, đã hát lên
Nhưng buồn không tinh khôi, vui không trong suốt
Và nụ cười vẫn vương mùi nước mắt
Biết khi nào
Cao thượng ở một tay
Đớn hèn ở một tay
Tay kia vung lên chặt đứt tay này
Tôi vỗ cao đôi cánh mọc đã dài
Hăm hở lao về phía trước
Nhưng Thượng Đế đã trước tôi nghìn bước
Người chắp cánh cho tôi rồi mở rộng bầu trời.
Tất cả là một ú tim thôi.
1996
TẠM BIỆT
Tạm biệt tủi buồn cha
Cùng uất hận ba xu
Màu mè, nhạt nhẽo
Tạm biệt phiêu lưu con
Đêm vời vẽ mô hình
Ngày vướng đầy vật cản
Ba bước đường đã thấy nhà xa
Tạm biệt vườn xanh
Cha trồng mà không mấy chờ mong mùa chín
Cha đắp vun mải miết
Như để thấy mình tồn tại thôi
Thì chuyến này con đi
Không đắn đo tài sức
Tai điếc khi lòng sáng
Thi hơn thua gan khuấy nước chọc trời
Cha xem
đang tới chuyến tàu đời
Ngồi lên rồi
nhanh chậm thuộc ta đâu?
1996
PHƯƠNG NGUYÊN
Đủ tháng đi tiêm phòng
Con nằm im phăng phắc
Kim rút ra xong mới kịp khóc òa.
Lên một
Trong bữa cơm chung của cả nhà
Con đòi có một mình một bát
Ban đầu là trống không
Rồi sau thêm đôi cọng rau vào.
Lên hai
Con chững chạc dạy dỗ bạn mèo
Bưng cơm lên mà ăn chứ sao lại vục đầu xuống thế?
Nhưng khăng khăng đòi ở truồng giống em bé nhà bên
Rồi mếu máo mặc lại đồ sau khi bố quát.
Con đúng bài rủ bạn đi tiểu tận ngoài vườn
Nhưng bắt chước kiểu con trai nên quần ướt hết.
Nhìn chú lợn trên sân
Con la lên bà ơi lợn nhà mình mũi thủng
(Chắc mũi liền như con lợn ống tiền mới chuẩn phải
không con?).
Lên ba
Bữa sáng tại sân trường con thắc mắc sao ở nhà thì
không mà ở đây lại phải tự xúc?
Rồi rưng rưng đặt vấn đề bố đón về thật sớm chiều nay.
Con gái ơi thế là con đã được bổ sung vắc-xin ý chí
và tinh thần rồi đấy
Trong sự dzích dzắc này con sẽ lớn khôn lên.
ĐỒ BỎ
Sau nhiều ngày đứng cuối
Hôm nay con bật khỏi lớp ấy rồi
Bố ơi
Phải chăng con chỉ là đồ bỏ?
Con à
Câu trả lời có ngay nhưng sẽ dài lắm đó...
Hãy nhìn cụ nội trên tường
Người đã mất khi con chưa biết nhớ
Không có cụ trên đời thì có được con không?
Và cuộc thi bố vượt vũ môn
Từ cái ao cấp huyện mênh mông đến với cái hồ bao la
cấp tỉnh
Mẹ ở bờ hồ ấy
Không có cuộc gặp này thì có được con không?
Một đêm cách đây mười hai năm
Nếu mẹ vắng nhà hoặc bố đi công tác
Hoặc chẳng ai đi đâu nhưng bỗng nhiên bố hắt hơi
hay mẹ chóng mặt
Và mỗi người một phòng thì có được con không?
Có được con không nếu cả hai khỏe re
Nhưng bữa tối có thể là quá mặn hoặc hơi cay.
Con đã ra đời con là kho báu
Con là duyên thiên hà con là tình vũ trụ
Là công nương trong vương quốc chính mình....
Dù công nương này không thật giỏi tiếng Anh.
CHUYẾN ĐI XA
Ở tuổi con
Bố chưa từng đi cách nhà quá dăm chục cây số
Hôm nay con đi bao nhiêu?
Dăm nghìn dặm
chục múi giờ
hay nửa vòng trái đất;
Cách gọi nào sẽ bớt xa xăm?
Xa lắm nhưng bố biết
Bằng kiến thức lam nham
truyền thông nhì nhằng
viển vông phim ảnh
Con đã sẵn sàng cho những chuyến đi.
Hành trang là kết quả thi
Vài xuất sắc
dăm trung bình
phần lớn là tạm tạm
Nên phí tổn chuyến đi có phần cũng nặng
Không hề chi
Khi con luôn gắng hết sức mình.
Con sẽ được đón chào trong một giấc mơ xanh
Rau không ngậm thuốc sâu
Không khí rất lành và tự do đích thực
Con sẽ học chân lý nào phổ quát
Sẽ thám hiểm biển sâu
hay chinh phục núi cao....
Nhưng dù sao
Cũng chớ quên bệ phóng của mình
Dù bệ phóng này lau lách vẫn vây quanh.
BỐ LÀ AI?
Bố ơi vai con mỏi
Đỗ xe xong thì khoác túi giùm con
Về đến nhà ký sổ liên lạc luôn
Cũng chớ có kêu ca dù điểm xấu
Còn phải hứa tuyệt đối không mách lẻo
Với người đang ở phòng bên.
Trời lạnh và con đã trót trong chăn
Nên đèn bàn bố phải sang để tắt
Nếu không
Bị mẹ mắng tốn tiền thì bố liệu mà nghe.
Quá lắm nhé
Có lẽ từ mai ta sẽ không chơi với con thêm nữa
Xì....
Ghê chưa kìa
bố tưởng mình là ai?
Ừ đúng rồi
Chỉ là tay xe ôm nâng cấp thành tài xế taxi miễn phí...
Nhưng dẫu là gì con cũng rất yêu!
DỐT HÌNH HỌC
Từ giữa nhà ta
Hãy chỉ xem trường của con nằm ở hướng nào?
Trật mất rồi con ạ!
Bố ơi
Con bắt đền
Sao lại sinh ra con là gái
Để bây giờ làm hình học hay sai?
Bố đây
Nhưng trước hết con cần nín khóc
Con có thấy những tòa nguy nga
Đàn ông đã xây nên bằng bao nhiêu khó nhọc
Bằng hoàn hảo hình dung bằng rộng lớn tầm nhìn
Nhưng nếu thiếu đàn bà
Thì có thành mái ấm được không?
Và ở trong
Có người đàn bà nào than không gian sống thiếu?
Con mang theo đủ tiền
Chê xôi đắt không mua dù nó ngon đi nữa
Bé mọn quá
Nhưng không vậy thì tòa rộng dãy dài có trụ nổi thói
tiêu hoang?
Hãy tiếp tục đi lên
Dù rất kém nhớ bản đồ thành phố
Thượng đế đã cho ta một không gian ba chiều rất đủ
Người chân ngắn đi quanh xóm nhà còn có làng bên
để đi mà phát mỏi
Người hạ cánh xuống mặt trăng cùng tàu vũ trụ
lại có thiên hà cất tiếng gọi bao la.
Hãy tiếp tục dự thi
Dù điểm toán của con chỉ là sáu bảy
Thì trong ta điểm ấy vẫn là mười.
VÒNG KIM CÔ
Ngày con cầm thìa chưa vững
Bố xúc thay
Nhưng trước khi đưa cháo vào cái miệng đang há
Còn dền dứ vài lần.
Con cười giòn tan
Và níu tay của bố.
Người ở bếp thốt lên:
Anh làm cái trò gì?
À
Nó là cái trò
Cho con cảm thấy để có miếng ăn
Phải giành giật lấy
Chứ không thể ê hề
Lại còn kèm băng đĩa mua vui.
Rồi trường đẹp của những năm đầu tiên
Đi xe buýt hạng sang
Thỉnh thoảng véo von tiếng Anh vài câu hát
Bố lại răn
Học kém sẽ chuyển trường.
Thành nữ sinh phổ thông
Con náo nức muốn lên đường du học
Mẹ bèn đe tốn kém và khó nhọc
Không có chỗ cho ai quen thói ngủ ngày.
* * *
Nhưng hôm nay
Đã quá nửa đêm
Mười bảy xuân xanh còn chong đèn viết - gạch
Bố hiểu đã đến lúc cho con trút được
Vòng kim cô lấp lửng thiếu tiền....
Và có quyền
Chọn con đường tuyệt diệu đến tương lai.
TẾT ĐƠN SƠ
Chiều ba mươi
Không đủ thịt để có riêng nồi bánh
Mẹ gửi bà gói luộc giúp một đôi
Con có chân ngồi cạnh bếp canh nồi
Nghe lỏm bà kể thời ông theo đuổi.
Món gạo nếp mẹ nấu thành cơm nếp
Thêm đường đen rồi gọi là chè
Màu vàng tươi trái cam chờ thưởng thức
Màu xanh lơ chai rượu quốc doanh chưa đến tuổi
được dùng
Canh tất niên
Như mọi bữa bố nêm hơi quá tay mì chính
Hôm nay không bị mẹ lườm.
Con lấy từ kho riêng ra những quả pháo đùng
Vốn do bẻ trộm mía ruộng công bán lấy tiền mua
thuốc nổ
Nhờ hàng xóm cuốn hộ
Rồi cậy bố đốt cho trong lúc giao thừa
Màn reo hò con không phải nhờ ai.
Sớm mùng một con tắt qua ruộng cạn
Tránh đặt chân lên đất khác
Sang bác xông nhà
Lẩm nhẩm ôn lời chúc
Từng năm na ná nhau sao vẫn thấy hơi dài.
Nhà bác có một cành đào phai
Nhưng chị cả dặn đừng có nhìn gần hoa sẽ thành
ra giấy
Và lá sẽ hệt như trên cây mận góc vườn.
Bác ra hàng lấy may
Tiền mới cáu cất ngay vào túi mới
Khấp khởi vui dù chỉ giữ tới chiều
Rồi bàn giao cho mẹ.
Tết chắp vá và đơn sơ đến thế
Mà rưng rưng trong từng vị từng mùi.
THẮC MẮC
Trong cá chết có gì
Vì sao không ai chịu nói?
Cá ơi
Lúc lâm chung
Oán hận chi mà không thèm trăng trối
Nên cháu con chẳng biết đường nín thở
Tránh xa khu xả thải ghê hồn
Từng đợt chết phơi lưng
Và từng lớp lờ đờ
Có vớt lên cũng không buồn quẫy
Lang thang trôi
Theo dòng hải lưu
Như một bầy cô hồn...
Những mắt cá bạc đi còn chưa hết đau buồn
Như van vỉ
Đừng nấu tôi mà ăn cũng đừng làm mắm
Đừng cho vào xe đông lạnh đem đi...
Thương cho cá cam phận làm chuột bạch
Cốt cứu người
Rồi cứu nổi người không?
NIỀM TIN KHI CẤT CÁNH BAY
Anh đã bay lên mây cao
Từ phía sau
Người ta chỉ trỏ phẩm bình khôn dại
Phải chăng họ muốn anh ở lại
Cùng ra sức tranh khôn?
Anh đã có một chuyến bay không hạ cánh
Từ mặt đất
Người ta luận bàn về ý nghĩa của hy sinh
Cho cả những kẻ quên rằng anh đã ra đi thay họ
Anh mỉm cười
Còn có rất nhiều người anh muốn dang cánh bay
che chở
Gia quyến, người thân, đồng đội, đồng bào.
Anh mong gì không?
Mong nhiều lắm
Chuyến hồi hương của người đã khuất
Sự an toàn cho đồng đội bay sau…
Mà thôi
Anh yên nghỉ rồi không mong gì nữa đâu
Thời gian và lương tri thực thi tất cả
Không có niềm tin này ai sẽ cất cánh bay?
TÂM HỒN HAI TUỔI
Mặc áo đen và áo xô nào
Rồi cả nhà mình lên xe đi gặp bố
Không đẹp con à
Nhưng thế này bố sẽ dễ nhận ra.
Tìm thấy bố rồi
Vui biết mấy
Vậy mà sao mẹ lại khóc nhiều hơn?
Mẹ từng mơ bố bị một cái tàu xấu xa bắt cóc
Đáng sợ thay
Nhưng còn mong có được ngày về
Mẹ từng lo bố mãi nằm sâu trong lòng biển thẳm
Bố về đây
Nhưng anh linh bay vụt mất rồi
Mẹ thầm gọi rất nhiều
Nhưng biết là bố chẳng trả lời đâu!
Sân tang
Người thân đông người viếng đông nhưng vẫn còn
khoảng trống mênh mông
Hiếu động
Con tách nhóm
Một mình đi giữa sắc thắm hoa cờ
Không thấy buồn
Với âm điệu bài hồn tử sĩ.
Đôi tay con băn khoăn ngơ ngác
Nửa muốn nguyện cầu nửa lại chực hoan hô.
Bố ơi đang ở nơi nào thế?
Con chán ú tim rồi, hãy ra kiệu con đi!
Chừng đã mỏi con đành về hàng ngũ
Mượn bàn chân mẹ làm ghế để ngồi.
Sẽ đọng nổi điều gì
Trong tâm hồn hai tuổi của con tôi?
MẦM THIỆN
(Tặng các em nhỏ người Mông nội trú ở
Trường Tiểu học Kiên Thành - Trấn Yên - Yên Bái)
Gặp các em
Tôi không gặp tuổi thơ của các con tôi
Mà của chính mình
Trọ học và ghẻ lở
Cũng cách nhà mười lăm cây số
Nhưng cuối tuần có bố mẹ đón đưa
Còn các em đi bộ!
Đừng lo âu
Đã phía sau ta cái gọi là thức ăn chỉ vài đầu cá khô
hoặc dăm hạt lạc
Hãy học thật chăm khiến bạn bè đồng bằng kinh ngạc
Và chớ quên ở bản Mèo cha mẹ chỉ rau dưa.
Đừng tủi nhé các em
Đồng loại không quên đâu mà quá bận đắp xây và
chưa kịp thấy
Để khẳng định đất nước này có đủ mênh mông đồng
bằng và hằng hà cao điểm
Nhiều mái nhà bám vách núi cheo leo.
Chúng tôi gieo mầm thiện nơi các em
Mong từng em lớn lên cùng sự tin yêu đồng loại
Rồi một ngày chúng tôi nhìn lại
Ngỡ ngàng thấy mầm thiện nảy xanh ngay ở
chính mình
Sắp tiêu phí đồng nào chợt biết run tay.
Hôm nay
Rực rỡ miền xuôi bên ấm êm miền núi
Hai nét cười tươi rói như nhau.
CÂU HỎI
Mũ len mới trùm lên vành tai cáu ghét
Tất chân đeo ngay dưới vệt bùn mờ
Em về bản đón xuân.
Bên chỗ nằm được ghép bằng vài mảnh gỗ
Cạnh chai rượu ngô theo mùa
Là hộp mứt đầu tiên.
Xuân về bản em
Trong màu hoa đào và cả trong bếp lửa ngày hơn
một lần đỏ
Em đã đi học đều dù mẹ cha vẫn đôi phen đứt bữa
Em vẽ tiếp bức tranh.
Chúng tôi ngắm em vui
Tự hỏi sẽ ra sao
Nếu một ngày khăn mũ cũ đi và quà miền xuôi
không đến nữa?
BỠ NGỠ
Tặng cô trò Trường mầm non xã Cốc Rế -
huyện Xín Mần - tỉnh Hà Giang
Trường đã được nhà chức trách xây xong
Mưa gió thôi lùa tự do từ bốn phía.
Cảm ơn các em đã chào chúng tôi nhưng chú ý
Vấp chân là đổ mất túi cơm
Cô giáo sẽ làm mẫu
Lần đầu trút sang cặp lồng.
Đây áo mưa
Trong ngày không mưa ta mặc thử
Bác cúi người bấm cúc cho em.
Đây đôi dép không phải để ôm hay cắp nách
Hãy đặt xuống sân
Anh khom lưng xỏ giúp
Đôi chân bám chắc mảnh địa đầu.
Bánh trung thu chị mời bằng hai tay
Em thử một trong hai vị nhé
Vị còn lại đành khất đến năm sau.
Đừng bỏ học
Thìa thức ăn phần em sẽ buồn
Hãy trưởng thành và cho chúng tôi được thấy
Những đổi thay ở các em do các em
Thiên nhiên có thể làm chậm chân nhưng không thể
cản đường.
Hãy học chăm
Để lớn lên biết bọc ngô vào túi ni-lon chống mọt
Lúc nhức răng không đổ tại ma gà
Ru con bằng thơ chỉ khi đã đủ hai mươi tuổi
Đám cưới sẽ không linh đình lãng phí
Và không còn
Lễ chạm ngõ xí phần từ thuở lên ba.
ĐẤT GIEO HẠT ẤM NO
Tặng cô trò trường mầm non xã Sơn Vĩ -
huyện Mèo Vạc - tỉnh Hà Giang
Sau nửa ngày bỏ xe lội bộ
Chúng tôi đến trường mầm non nghèo nhất
vùng nghèo.
Cô giáo ơi
Sẽ rất tuyệt nếu phần cơm suông của các cháu có
thêm chút thức ăn
Và chúng tôi sẽ góp
Ta có thể đun nấu gì ở chỗ này không?
Được
Ta quây chái dựa vào lớp học.
Có thể bảo quản thức ăn qua nhiều ngày?
Không được lâu
Vì chưa có tủ lạnh.
Nếu có thì sao?
Vô ích thôi
Vì chưa có điện!
Vậy làm thế nào để duy trì việc mua thức ăn cho trẻ?
Dạ, đi chợ hàng ngày…
Lối thoát có rồi đây!
Cô có cách giữ tiền rồi chứ?
Cất trong túi, để trong nhà.
Căn nhà lá làm sao giữ an toàn số tiền cho nhiều tháng?
Tôi hỏi rồi nhớ ra
Cả xã chưa xây viên gạch nào!
Cô có thể gửi ngân hàng rồi hàng tuần tới rút
được không?
Ngân hàng cách vài mươi cây số!
Chúng tôi chỉ còn biết tặng chút quà con con
Mong lớp học sớm trở nên kiên cố
Mà cái này ai đó sẽ xây cho.
Chúng tôi tìm đất gieo hạt ấm no
Cũng khó như đồng bào tìm đất tra ngô
Giữa bốn bề đá sắc.
LỚP MẦM NON ĐÚNG NGHĨA
Bám sườn núi cheo leo
Mảnh đất bằng nhân tạo
Chon von chiếc lều
Mươi đứa trẻ quay ra.
Cô giáo ơi
Sao trong này tối thế?
Bạt che được gió lùa thì ánh sáng bị ngăn!
Sao nhiều bé đội mũ chỉnh tề mà chân trần chạm đất?
Bác ơi
Những đôi dép đã sẵn sàng ở xã
Nhưng phải đợi bà con ra đó gùi về
Những áo khoác đã nằm ở huyện
Nhưng còn chờ đường sạt lở thông xong
Và bút sáp tô màu đang tập trung ngoài tỉnh
Đợi chuyến xe ngày chẵn để lên đường.
Tôi chui vào trong
Căn lều đã nhỏ
Sao còn có cột ngay giữa cửa
Ra cô mới thêm vào
Phòng nó sụp nay mai.
Tôi thở dài
Nhà kiên cố ở đâu?
Ở trong nhiều cái túi
Còn rất vơi
Hay chửa kịp đầy
Hoặc đã lặc lè
Nhưng vẫn mải gom thêm
Mang theo dùng khi sang cõi khác.
NHẠT
Trên lèn đá cheo leo giữa vách núi và vực thẳm
Khó đi bộ một mình
Mẹ vác cột nhà nặng gần bằng chính mẹ
Quà của những người không phải đồng tộc hay
đồng hương
Về mảnh đất dân thôn đã hiến để dựng trường
Mỗi ngày đông
Con sẽ có một phần đỡ rét
Hát véo von
Những bài mẹ con đều không hiểu
Tuổi hoa niên là gì
Mẹ nào có biết
Khi tự hỏi thì một nách đã ba con
Bà được sinh ra rồi sống và mất đi
Nhạt như cụ kỵ
Mẹ cũng lại như bà
Còn con
Đã nhạt lúc sinh ra
Thì mong sao sống một đời ý vị
Bằng cách nào giờ mẹ không biết được
Nhưng sẽ có ngày con thấy ở trường chăng?
CÔ GIÁO VÙNG CAO VÀ CƠN MƯA
Để tri ân công ty Sơn Hà và những tấm lòng đã ủng hộ bể chứa nước cho một số trường ở huyện Mèo Vạc – tỉnh Hà Giang
Thấy mây đen sẫm dần
Cô vội vàng mang ra sân thùng xô chậu
Chẳng bao lâu từng thứ một đầy
Cô lôi nốt cả nồi xoong bát...
Cô chợt ước
Mọi thứ trong nhà đều mang dáng khum khum
Cô hân hoan
Bởi thoát phải làm trọng tài cho các bộ phận trên
cùng cơ thể
Bình bầu nhau gì tắm gì không
Cô đã tắm kỹ rồi mưa vẫn chứa chan
Nên đứng mãi ngoài sân khum bàn tay xót tiếc
Ước chi mưa dừng tạm
Rồi một mai khi thùng cạn lại mưa
Cô ngửa cổ lên trời
Nhưng không để nước chảy vào trong họng
Mà chỉ lan man trên khô khát lâu ngày
Cô giặt giũ liên miên
Chột dạ thấy mưa như bắt đầu thưa hạt
Những tấm chăn chỉ mới giặt khô bằng phơi và đập
Những áo trắng tinh sắp ngả sang hồng
Cô tiếc nuối nhìn nước chảy tràn lan
Thành dòng rồi dốc tuột về sông Nho Quế
Nơi mà cô không thể
Ngày một lần xuống gánh nước lên
Cô cay đắng ước
Đến một ngày có bể chứa to hơn
Những em bé mầm non mà váy hoa đã ngả sắc
cháo lòng
Cả tháng không cần xách đến lớp từng chai
Những em bé đã giữ cô ở đây
Dù không nguôi nhớ chồng con và… nước!
CÔ GIÁO MIỀN XUÔI
NƠI VÙNG BIÊN
Trên sân chơi trẻ em vừa ba người lớn đứng
Một em bé thập thò nước mũi
Ôm mấy bẹ rau tàu lá xòe nửa mặt
Chưa được bó thành mớ
Chờ cô
Anh của bé từng bỏ ngang tiểu học
Thấy bóng thầy bèn nhảy qua đường biên
Để không phải nghe lời năn nỉ quay lại lớp
Như cố tình chối bỏ văn minh
Và người cha mặc chó sủa bên rào
Khi cán bộ vận động gia đình ngừng đưa con
lên nương
Bé đến trường
Học hát những câu từ chưa hiểu
Nhưng giúp làm mềm giọng
Để có thể đánh vần trong lớp một nay mai
Lớp mầm non
Kín gió hơn nhà
Có hình ảnh về một thế giới
Đằng sau bờ rào ngang lối đi ngăn trâu bò dê mò ra
lăn vực
Bên kia vành đai núi ngang trời
Thế giới mà cô vượt khó đến đây
Cô có gia đình để mong về thăm
Đã đành chẳng hàng ngày
Lại không hàng tuần
Mà cũng không hàng tháng!
Cô rửa mặt từng trẻ
Trẻ này vì tình yêu
Trẻ kia cho mưu sinh
Trẻ thứ ba thứ tư là nghĩa vụ
Và trẻ thứ hai mươi bởi thực sự anh hùng!
HAI NƯỚC
Ở nước này
Những màn đồng diễn đầy màu sắc
Bừng nở đủ loại hoa giữa quảng trường bát ngát
Máy bay xếp hình trên bầu trời trong xanh
Ở nước kia
Anh đào rực rỡ
Tháp tài chính chọc trời
Và đường tàu siêu tốc
Những gương mặt nhân dân hai nước trên truyền
hình đều ngời ngời hạnh phúc
Đáng để năm châu mơ ước
Vậy mà bao huy hoàng không xua được khỏi tôi bất
an ngậm ngùi....
Họ chung ngôn ngữ
Chung nguồn cội tổ tiên
Và gần nhau
Như thùng thuốc súng gần mồi lửa!