TRIẾT LUẬN TRONG THƠ TỨ TUYỆT CỦA TRẦN NINH HỒ
Tìm ra trái nho mùa đông còn sót lại trên cành giữa trắng trời tuyết phủ hẳn cũng chứa nhiều điều thú vị. Sau những gì dồn ứa của mật ngọt là “tình thế” một chút dư vị khác thường từ tuyết trời mang lại. Ba trăm bài thơ tứ tuyệt như ba trăm trái nho còn trong tuyết lạnh của Trần Ninh Hồ cứ ám ảnh tôi “dai dẳng” như vậy đó.
Trong phần Đề từ ông viết:
Mình viết rồi mình tự đọc
Rồi mình có tự lãng quên
Trong phần Lời bạn đọc ông viết:
Tôi mơ những câu thơ trong đến nỗi
Viết xong rồi giấy trắng như còn nguyên
Trong phần Hành trình ông viết:
Những con tầu nối nhau qua bao ga khát vọng
Chân trời kia liệu có đến nơi
Trên hai hàng đường ray định sẵn
Những đường ray toan hoạch định chân trời?
Ba phần: Đề từ, Lời bạn đọc, Hành trình cho một mở đầu có thế chân kiềng, mỗi phần lại được kết cấu bởi ba bài tứ tuyệt (cũng thế chân kiềng) như ô cửa “tam quan” mở ra mọi hướng hầu cho ta một chút nghỉ ngơi, thư giãn, một giây lắng đọng để rồi chiêm ngưỡng, ngẫm nghĩ với bao kỳ ảo của suy tư trước khi được dẫn dụ đến với thế giới thơ nói chung và tứ tuyệt nói riêng, đặng cố gắng tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi: - Thơ là gì?
Có phải thơ là sự cô đơn đến mê hoặc “Tự đọc - Tự lãng quên”! Hay thơ là pha lê “Trong đến nỗi - Viết xong rồi giấy trắng như còn nguyên”! Hay thơ là một thứ vô hình, vô định, là đích đến của một chân trời cho “bao ga khát vọng”,…Tìm triết lý cho thơ, cho một bản ngã riêng là một thách thức “mạo hiểm” đến độ ông phải mượn cớ đọc B. PASTERNAK để giải luận:
Khi ông viết “Em buồn như mặt trời”
Tôi không tin nếu không có trái đất
Luân hồi quay giữa muôn trùng chật vật
Dưới hào quang của chính mặt trời!
Vâng! Thơ có thể không là gì cả mà lại cũng là tất cả; thơ là thứ tự mình viết ra, tự mình đọc lấy rồi tự mình lãng quên; thơ là tột cùng của sự cô đơn – Thứ triết lý nghe chừng rất “tôi” ấy, thế mà “lắm kẻ” vẫn cứ muốn tự đày đọ mình, Trần Ninh Hồ không là ngoại lệ, ông xoay xở, đánh vật, cố công suốt cuộc đời!
*
Thơ tứ tuyệt phải tuân theo quy tắc về niêm, vần, luật, đối. Trần Ninh Hồ có lẽ phần nào thấu tỏ điều đó! Bằng chứng, nhiều bài tứ tuyệt thơ ông có sự tuân thủ khá “chắc chắn thiết chế” này:
Thêm một lần tìm lại cõi mong manh
Thời yêu ấy bao giờ ta thấy nữa?
Đã xa lắm những cháy bùng như lửa
Ta xin về thăm thẳm dịu dàng em
(Nơi tôi trở lại)
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du nhập vào Việt Nam nhất là từ phong trào thơ mới đến nay đã có nhiều sáng tạo tùy theo tài năng trên từng mỗi tác giả, nhằm cố gắng làm giảm bớt đi sự gò bó, nghiêm ngặt của luật bằng trắc cho tâm hồn được lãng mạn, bay bổng hơn:
Sao chẳng thể quên đi ánh mắt buồn như hỏi
Người hẹn ta ngày trở lại thật ư?
Ôi trở lại không vì thương nhớ nữa
Thì người ơi sao không nói giã từ?
(Hỏi người)
Rõ ràng, sự gò bó đã được thay thế bằng sự uyển chuyển trên mỗi câu thơ của Trần Ninh Hồ, điều đó cũng cắt nghĩa ông không phải là người quá thủ cựu, máy móc mà không nhận ra hạn chế của vấn đề. Cố gắng bằng cách này, cách khác bứt ra khỏi thế giới rắc rối của sự sắp đặt, Trần Ninh Hồ đã có những cảm xúc mềm mại, thăng hoa:
Thuở ấy tóc ta như mun vậy
Và mắt em thăm thẳm như trời
Bây giờ mun…trắng như mây trắng
Bay mãi lên trời. Thăm thẳm ơi!
(Nguồn gốc loài mây trăng)
Tứ tuyệt Trần Ninh Hồ mang sắc thái của thơ chính luận, một phần do bản chất vốn có của thể loại này, phần còn lại do ý thức của chính tác giả “cố tình” muốn vậy. Ba trăm bài tứ tuyệt của ông là gần như cả ba trăm bài ông cố gắng đưa vào mỗi bài triết lý nào đó, có thể là một sự giản đơn, vụn vặt (Em chưa thể nói cùng anh những điều thật nhất?Vì nói ra em sợ mất anh!/ “Sợ mất anh” nếu đấy là điều thật?Anh có cần “điều thật nhất” nào hơn?- ĐIỀU THẬT NHÂT); có thể là chút mơ hồ, mông lung nơi vô định (Nó có thể cợt đùa mọi xúc cảm của tôi/Trí tuệ uyên thâm hóa trò chơi con trẻ!/Chống trả nó, đó là điều không thể?Dẫu tôi có huy động tất cả những anh hùng từ thuở hồng hoang - TÌNH YÊU); hay không là gì cả trong sự vòng vo cô độc (Tôi qua biết mấy ngả đường/Vẫn không quên được nỗi buồn riêng em/Nỗi buồn người tôi lỡ quên/Và tôi những muốn lỡ quên bao lần – LỠ)…ông triết luận trong sự say - tỉnh; tỉnh – say, ông luận giải như cốt chỉ để mình ông thấm; ông bạn với vô lý để tìm nhẽ hợp tình:
Nhìn thế nào mà thấy cây đa
Cuội thổi sáo và trâu gặm cỏ…
Ai xưa nghĩ chuyện này khi trăng tỏ
Có phải cũng đêm người ấy xa nhà?
(Nhìn trăng)
Tứ tuyệt ở tầm mức nào phụ thuộc vào khả năng thăng hoa, mức độ uyên thâm luận giải vấn đề mà chính tác giả đặt ra và hướng đến. Nói đến thơ chính luận không thể không nhắc đến Chế Lan Viên, ông là một trong những bậc thầy về khả năng tư duy sắc xảo, kiến giải, hóa giải những vấn đề, những hiện tượng “triết học”, nâng tầm khái quát, với độ biến ảo mang đậm xúc cảm thơ.
Bắt gặp những điều dù giản đơn hay lớn lao thường ngày, một câu hỏi luôn đến trong suy nghĩ của Trần Ninh Hồ: - Điều đó có nghĩa gì? Ông triết giải nó đôi khi bằng cảm xúc (Vì thơ, ta mãi phong trần/ Thuyền thơ ghé bến tảo tần nuôi ai/ Bến này là đủ mười hai/ Ngõ hoang nằm đếm mưa ngoài bến sông - MƯA QUÊN NGÕ VẮNG), lắm khi lại chỉ bằng “cái lý” của mình (Dẫu là lửa vẫn chỉ là tăm tối/Khi cháy từ hỏa ngục mênh mông/Nhưng lạ sao tất thảy mọi thiên đường vẫn mịt mù sương khói/Có ai buồn trần thế đốt rơm không – HỎI LỬA), thơ ông đa tầng về triết lý, nhưng ít đột biến, còn thiếu một cái gì đó cho căn nguyên một chữ: À để Lạ. Đó là nấc thang cuối cùng chạm đến phần “triết học” mà ông luôn muốn vươn tới.
Người suông tớp rượu nhạt
Ngắm bình rạn, hoa ôi
Gặp Kinh Kha bạn cũ
Khoe cặp vé khứ hồi!
(Quán chiều)
Viết bằng cảm xúc, thơ nặng chất trữ tình. Đó là cách “Việt hóa” những cứng nhắc, gò bó, tạo sự mềm ấm, bay bổng cho Chính luận dễ dàng hơn trong tiếp cận tâm hồn người đọc. Đây là việc không dễ với lối viết thuần về luận, về nghĩ. Phần Đất nước trong Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm là một ví dụ về cách “trữ tình hóa thơ Chính luận” – Nó như một vòi rồng hút tất cả xúc cảm con tim về một hướng, tạo sự hào sảng,lôi cuốn, nâng bổng hồn người vút lên. Thơ tứ tuyệt vừa ngắn lại “hà khắc” bởi những niệm luật, mang đến chất trữ tình cho thơ tứ tuyệt là cách mà các nhà thơ Việt xưa nay vẫn cố gắng tìm tòi. Về điểm này, tứ tuyệt của Trần Ninh Hồ còn nặng phần “sống” triết luận, ít xúc cảm có tính dẫn truyền để tạo sự khác lạ, mang dấu ấn phần “đời”:
Mực viết nên những dòng thơ
Không nhất thiết
Phải như mực viết nên những thông tri và chỉ thị
Nhất là về độ bền màu
(Mực)
Chế ngự cảm xúc, tạo dòng chảy mạch lạc cho suy tư để thơ đạt đến độ chín tới (Không sượng cũng không nhũn nhão) là tài năng thiên bẩm, là cô đơn khổ luyện của mỗi nhà thơ –Tìm đến tươi mát lá non, thơ cần cả sự già dặn của thân gỗ nữa. Nhưng hãy nhớ lá là lá mùa xuân, là sức trẻ dồi dào - Cái màu xanh ấy các thi sỹ lớn tuổi phải đi tìm và ai muốn mãi mãi làm thơ thì giữ lấy. Đó cũng là căn nguyên lý giải cho những thắc mắc – Thơ thời nay sao ít người thuộc? Không chế ngự được cảm xúc, để suy tư tràn trong thế ngập lụt theo kiểu “nước chảy chỗ trũng” cũng là căn nguyên “lấn dòng”, trùng lặp ý tưởng có trước của “thơ hàng xóm” – Cho dù đó có là “nhẽ thường”, nhưng cần tránh:
Dòng sông ào ạt xô bờ
Bất ngờ lặng phắc. Bất ngờ ngừng trôi.
Giá băng là giá băng ơi
Sao sông lạnh ít còn tôi lạnh nhiều
(1 – Dịch)
Hay:
Ở đây thuyền nhớ bến
Bến có nhớ thuyền chăng
Làm sao thuyền biết được
Khi bến đã thành băng
(2 - Dịch)
Trong ba trăm bài thơ tứ tuyệt của Trần Ninh Hồ, có nhiều chùm bài viết về một số nhóm vấn đề, có thể do suy tư mà thành tứ, có thể do có tác động nào đó tạo cảm xúc tuôn chảy. Ông lý giải chiến tranh qua cách ghi tắt những chớp sáng dội về đột ngột “Đột nhiên hiện những ông tướng/Đột nhiên xác chồng lên nhau/Đột nhiên những người lính trận/Trở về không biết về đâu – ĐỘT NHIÊN”, ông thi vị với trăng qua sự khuyết tròn “ Nếu như đêm xa quê vầng trăng ấy chưa tròn/Ta lại có lưỡi liềm trăng nghiêng xuống?/Lưỡi liềm ơi, ta nhớ về đất ruộng/ Đời trăng mà như lúa cũng già, non- LƯỠI LIỀM ƠI”, ông dò tìm hồi ức của đá mà triết giải chúng sinh:
Ta đâu phải tình nhân sao lọt vào thương nhớ
Không là sông sao gửi lại bến bờ
Ta – vách núi chỉ ngàn đời rêu phủ
Ước một lần thay giấy khắc thành thơ
(Giấc mơ vách núi)
Ông mê mải với rừng chỉ vì ám ảnh một bông thảo nguyên cháy nắng “đã hóa hoa quen trước cửa nhà”, ông ngập trong biển mặn chỉ cốt để xác tín ngu ngơ về nguồn gốc cánh buồm:
Sáng ra
Đã thấy buồm rồi
Ngỡ như
Buồm tự chân trời sinh ra!
(Nguồn gốc cánh buồm)
Và ông la đà trong cơn say không rượu:
Xin đừng bảo tại rượu
Khiến người thành huyênh hoang
Tôi là rượu tôi biết
Rằng men rất dịu dàng
(Tôi biết)
Nho bọc trong tuyết lạnh là chất liệu đầu vào làm nên thứ vang - tuyết tuyệt hạng. Trần Ninh Hồ đã có sự “bài bố” để ủ đông, nhưng trong ông còn thiếu một thứ gì đó có tính “bí truyền” tạo thứ men riêng để làm nên sự khác biệt, làm nên sự hấp dẫn, để phân biệt vang tuyết với các loại vang “ngon” khác. Lật từng trang tứ tuyệt của ông cả khi “say”, lẫn cả khi ông “tỉnh” khí chất của “tuyết lạnh” không ngấm vào hồn rượu, vẫn là mùi vị của thứ rượu nho thu hoạch theo mùa ủ trong thùng gỗ - trang sau vẫn là “hồn vía” trang trước, vẫn là cách triết luận có thể đoán định được, còn thiếu sự biến hóa để hóa giải “sự nhàm”. Có lẽ, ông rất thấu tỏ một cách sâu sắc giới hạn của mình mỗi khi phóng tầm mắt nhìn chân trời thơ:
Những câu thơ định cháy đến chân trời
Nhưng gặp lại những chân trời không có gì để cháy
Nó trở về thiêu đốt chính tôi
Còn tôi thì lại nghĩ rằng
tôi đã dám tự thiêu vì nó
(Ngộ nhận)
Thơ đã “thiêu đốt” ông! Có lẽ vậy! Mà ông nghĩ cũng chả cứ gì riêng mình, xa nào Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ…, gần thì Cao Bá Quát, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên… và biết bao con người bằng xương, bằng thịt cũng đang “cháy” vì thứ “lửa thơ” ngọt ngào đó! Ai còn lại “tro cốt”! Ai là kẻ nợ nần, chìm lấp! Chỉ có thời gian mới minh định được tuổi tên:
Cả thế gian bao la có thể
Vào sống nhờ trong một câu thơ
Vậy mà khi một câu thơ lâm nạn
Cả thế gian bao la không chốn nương nhờ
(Chạch nhớ Cao Bá Quát)
Ông thì tự hình dung mình:
Suốt cuộc đời vật vã việc không tên
Giờ ngồi đếm những đồng tiền không tuổi!
Ngày như ngày cứ xâu vào một chuỗi
Những mẫu tự văn chương không rõ khóc hay cười
(Một kết cục)
Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi tâm sự này của ông, có nên vòi ông thêm thứ rượu “vang tuyết” kia không khi mà đã quá gần gũi nhau rồi!
Nguồn Văn nghệ số 45/2018