TRẠI SÁNG TÁC 2018 VNQĐ TẠI ĐÀ NẴNG: "NHÓM LỬA" CHO CUỘC THI TRUYỆN NGẮN
Tới dự buổi khai mạc có Nhà văn, Đại tá Nguyễn Bình Phương – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng đại diện các đơn vị quân sự đóng trên địa bàn tỉnh; báo chí và15 trại viên đến từ nhiều miền đất nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương khẳng định: “Cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa mới mong muốn với ngọn lửa nhiệt tình mới, nguồn cảm hứng mới, với tài năng, tâm huyết của mình, các nhà văn sẽ cho cho ra đời những truyện ngắn thật sự có chất lượng, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống văn học đương đại”. Đồng thời nhấn mạnh giữa nhịp vận động phức tạp của đời sống, đây chính là lúc thực sự cần tới sự có mặt của văn học. Trách nhiệm của nhà văn là nhận diện, mổ xẻ các khía cạnh, các vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời; như vấn đề đạo đức, văn hóa, lí tưởng và cái đích khơi dậy ánh sáng thiện tính trong từng con người để cùng nhau hướng đến một cuộc sống nhân ái hơn, có chiều sâu hơn.
Điều này minh chứng rằng trải qua hơn 60 năm lịch sử, truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã trở thành một ấn phẩm quan trọng và thân thuộc trong đời sống văn học nước nhà. Là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều thế hệ độc giả. Để có được điều này là nhờ Tạp chí đã luôn bám sát vào hiện thực đời sống đất nước. Nhờ số lượng bạn viết đông đảo đã chọn Tạp chỉ là nơi gửi gắm tác phẩm của mình. Để rồi qua các cuộc thi truyện ngắn luôn luôn phát hiện và tôn vinh được những tài năng, những tác phẩm giá trị.
Nói về điều này, nhà văn Y Ban, một người gắn bó lâu năm với Tạp chí chia sẻ: “Tên bút danh Y Ban (Ban học trường Y) bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên là trên tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1989 với truyện Người đàn bà có ma lực. Từ đấy tôi lúc nào cũng gửi đến tạp chí những tác phẩm chất lượng và “khó nhằn” nhất của mình. Đến với cuộc thi truyện ngắn Lửa mới lần này, tôi đã có tác phẩm Không đề. Nhiều người bảo tôi gửi để hưởng ứng cuộc thi, chứ tên Y Ban đã định hình rồi. Nhưng tôi không đồng ý, tôi thích tham gia cuộc thi như người lính trực tiếp tham gia vào cuộc chiến”.
Cùng chung về những kỉ niệm xa xưa với tạp chí VNQĐ, nhà thơ Thanh Quế khẳng định tạp chí là nơi đăng tải những tác phẩm văn xuôi “mạnh mẽ” nhất của thời đại. Thời ông làm biên tập viên có thể nói là thời “nhàn” với những tác phẩm gửi đến tới tấp của Lưu Quang Vũ, Lê Minh Khuê, Lê Văn Thảo... Cảm giác đến với trại VNQĐ lần này là cảm giác được trở về ngôi nhà thân thiết của mình bao năm.
Khác với hai người trên đến với VNQĐ như một điều tất yếu. Nhà văn Trần Nhã Thụy yêu mến VNQĐ, đọc VNQĐ, trên giá sách cá nhân lúc nào cũng có tuyển tập truyện ngắn VNQĐ. Nhưng nghịch lí... anh chưa lần nào gửi truyện đến VNQĐ cả. Cho đến khi nhận được lời mời của biên tập viên tạp chí, anh gửi, đăng số Tết Mậu Tuất 2018 truyện ngắn Những đứa trẻ tóc bạc, rồi đi trại. Đến với trại viết anh chỉ muốn nhắn những người còn ngại ngùng với tạp chí VNQĐ rằng hãy gửi truyện ngay và luôn cho tạp chí. Bởi đây là sân chơi đầy chất văn chương, tự do sáng tạo và không giới hạn dung lượng chữ. Viết cho tạp chí là viết cho những nôn nao sáng tạo mới với đông đảo độc giả thường trực đón nhận.
Và điều đặc biệt nhất ở trại viết lần này là có hai thầy trò cùng tham dự trại viết. Đó là nhà văn Phạm Hữu Hoàng và nhà văn Lưu Thị Mười. Hai thầy trò cùng mang cái ấm áp, thuần khiết nhưng cũng rất đỗi quyết liệt của mảnh đất Bình Định đến với nhà sáng tác Đà Nẵng. Cách đây mười năm, nhà văn Lưu Thị Mười đến VNQĐ với truyện ngắn Người đàn bà khóc, giờ dần quay trở lại với mảnh đất khó khăn nhưng cũng đầy hạnh phúc khi chinh phục được các tiêu chí của tạp chí. Hai thầy trò hứa sẽ vượt qua chính bản thân mình, dùng chính tác phẩm hay nhất để thuyết phục độc giả cả nước...
Trong 15 ngày dựng trại, Trại sáng tác Đà Nẵng còn có các hoạt động ngoại khóa phong phú như: Tọa đàm chủ đề “Thế nào là một truyện ngắn hay”; Tham quan và giao lưu với Lữ đoàn 575; Tọa đàm Văn học đề tài lịch sử với Đại học Khoa học Huế; Giao lưu với Hội Văn học Nghệ thuật Huế.... Tất cả nhằm thu về được nhiều tác phẩm với những sáng tạo đột phá, vượt qua những khuôn sáo bằng tư duy mới khi thể hiện. Tất cả vì LỬA MỚI.
PHƯƠNG PHƯƠNG
Nguồn: Văn nghệ Quân đội