THƠ CHỌN CỦA 7 NHÀ THƠ VIỆT NAM VÀ 6 NHÀ THƠ ĐÀI LOAN TRONG GIAO LƯU VĂN HỌC VIỆT NAM-ĐÀI LOAN TẠI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Các nhà thơ Việt Nam và Đài Loan tham gia buổi giao lưu văn học- ảnh Hữu Đố
Hai bên cùng nhau thảo luận về phương hướng hợp tác sáng tác, dịch thuật tác phẩm văn học trong tương lai. Cùng ngày, diễn ra lễ ra mắt hai cuốn sách mới và giao lưu đọc các bài thơ tiêu biểu của các tác gia Việt Nam và Đài Loan. Cuốn sách thứ nhất ra mắt là “Truyện các anh hùng Đài Loan: Quyết chiến Siraya”. Đây vốn là cuốn kịch bản vở rối cạn Pồ-tề-hì, một loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian của Đài Loan, được viết bằng tiếng Đài Loan. Cuốn sách đã được dịch giả Lù Việt Hùng chuyển ngữ sang tiếng Việt, Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản. Đây là lần đầu tiên, một tác phẩm văn học Đài ngữ được dịch sang tiếng Việt và sự kiện này đã đặt nền móng đầu tiên cho sự giao lưu văn học giữa Việt Nam và Đài Loan.
Điểm nhấn của chương trình là phần biểu diễn một số trích đoạn trong vở rối nêu trên do Đoàn nghệ thuật múa rối của nghệ nhân Vương Nghệ Minh đảm nhiệm. Trưởng ban thư ký Hội Nhà văn Đài Loan, kiêm trưởng đoàn giao lưu lần này, ông Tưởng Vi Văn cho biết: “Nghệ thuật múa rối cạn Pồ-tề-hì là nghệ thuật biểu diễn dân gian mang tính đặc trưng của văn hóa và xã hội Đài Loan. Hiện nay, ở Đài Loan, loại hình này vẫn lưu hành rộng rãi và phát triển mạnh mẽ. Loại hình nghệ thuật này rất giống với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng người Việt Nam khi xem chúng tôi biểu diễn, sẽ hiểu thêm về văn hóa Đài Loan.”
Cuốn sách thứ hai được giới thiệu ra mắt là “Đi ngang thế gian”, tuyển tập thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Tuyển tập thơ này được chọn lựa kỹ lưỡng từ khâu tuyển chọn, biên tập và xuất bản. Điều đặc biệt nhất là tuyển tập thơ này được phiên dịch sang Đài ngữ và trước đó đã được dịch sang tiếng Hoa ngữ ở Bắc Kinh, đồng thời được xuất bản và phát hành tại Đài Loan. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu tới bạn đọc Đài Loan.
Cuối chương trình là phần giao lưu thơ văn của hai bên. Các nhà thơ lần lượt đọc một số bài thơ của mình và trao đổi về những vần thơ đẹp. Những bài thơ này đã được chọn lựa và dịch song ngữ. Các nhà thơ đại diện của Việt Nam gồm có Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Quần Phương, Y Phương, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Đức Mậu. Các nhà thơ Đài Loan gồm có Trần Minh Nhân, Trần Chính Hùng, Tưởng Vi Văn, Cao Nguyệt Viên, Tưởng Nhật Doanh.
THƠ CHỌN CỦA 7 NHÀ THƠ VIỆT NAM VÀ 6 NHÀ THƠ ĐÀI LOAN ĐỌC TRONG BUỔI GIAO LƯU
HỮU THỈNH
THƠ VIẾT Ở BIỂN
Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em...
NGUYỄN QUANG THIỀU
Hồi tưởng tháng Giêng
Trong chiếu chăn ẩm ướt
Mơ con đường hoa tầm xuân
Chạy qua nghĩa địa
Đã tản mát đồ cúng lễ đầu năm
Một bà già ốm dậy
Hé cửa cảnh giác nhìn
Chạy trốn trong chính bộ lông mình
Con chó mơ một ngày
Sang tận bên kia đường viền ánh sáng
Hy vọng đổ vô hồi
Vào tháng Giêng câm tiếng
Nhưng mùa xuân vẫn còn giấu mặt
Chỉ thả ra một cánh bướm thăm dò
Vào một ngày cuối Giêng
Người hàng xóm goá chồng
Trở về từ nghĩa địa
Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ của mình.
January Reminiscence
In a blanket of mist
A row of wild roses
Stretches a path to the village cemetary.
New Year’s offerings almost gone,
An old vllage woman rises from her bed,
Opens her door and looks anxiously out.
In the garden a solitary dog crouches in its stiff coat,
Dreams of the time
It may travel beyond the borders of light.
Again and again, hope pours itself out
Into January’s cold silence.
Spring veils its face, sends a butterfly searching.
The last days of the year,
A village widow returns from the cemetery,
Sets a bouquet of wild roses down by the bed.
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Những cánh diều không bay
Những cánh diều vướng trên dây điện
Giấc mơ bay dừng lại nửa chừng
Mùa đang gió, trời đang rộng thế.
Những chú nhỏ đòi gì cũng được
Lần đầu tiên bất lực nhìn lên
Đôi tay xuôi như lá im lìm
Những chú nhỏ thở dài, vĩnh biệt
Giấc mơ bay treo ở lưng trời
Giấc mơ khóc cùng mưa tháng chín:
Những chú nhỏ kia đã lớn rồi !
8-1-1988
Y PHƯƠNG
MÙA HOA
Mùa hoa
Người đàn bà
Mặt đỏ phừng
Ðủ sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi
Mùa hoa
Người đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ.
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
CẨM THẠCH VÀ CỎ XANH
1
Bức tượng ấy được dựng bằng cẩm thạch
Mắt xa xôi người góa phụ buồn rầu
Giai điệu xám ngân rung trong đá lạnh
Những nốt trầm mặc tưởng nữ nhân đau
Cũng đá này, người tạc cánh chim câu
Cánh khao khát đập qua bao thế kỷ
Trên bóng đêm chiến tranh đục ngầu
Tự do trắng bay lên không tàn phế
Cũng đá ấy được tạc thành bia mộ
Nhạc khúc buồn tưởng niệm một thời qua
Những họng súng hành trình cùng bão tố
Máu của người và khói đạn chiến xa
Hỡi cẩm thạch xin đừng là bia mộ
Tuổi xuân người đâu chỉ máu và hoa
2
Cỏ từ đất và lưỡi lê trên đất
Những gót giầy xâm lược cắm toàn đinh
Rơi từ mắt và cháy lên từ mắt
Giọt lệ đen, ngọn lửa rực hờn
Nhưng cỏ biếc không chỉ là nước mắt
Chảy trên mình trái đất những dòng xanh
Bị nghiến nát ở dưới vòng bánh xích
Những xe tăng và đại bác tự hành
Những con người gục ngã giữa chiến tranh
Giờ cỏ đã rờn xanh trên ngực họ
Dẫu ngày xưa lưỡi lê và giày đinh
Bước khốc liệt họ xéo dày lên cỏ
Hỡi những ai đã yên nằm dưới mộ
Cỏ bốn mùa xanh một khúc ru
Hỡi những ai chưa phải nằm dưới đó
Đừng làm đau một ngọn cỏ bao giờ
NGUYEN VIET CHIEN
MARBLE AND GREEN GRASS
1
That statue is erected from marble
The widow is so sad,her eyes are distant
Grey melodies tremble in the cold stone
Low notes souldịn quiet remembrance of the woman in pain
With the same stone,people carve dove’s wings
Wings beat with longing over the centuries
On the night shadow of the muddy war
White freedom rises without disability
With the same stone,we carve the gravestones’ head
Sad melodies remember passing time’s death
The guns’muzzles and storms journey together
People’s blood and the far-away bullet smoke
Please marble,don’t become gravestones’heads
People youth doesn’t only have flowers and blood
2
Grass from the earth and bayonets on the earth
The invading shoe heels stuck with hobnails
Fallen from the eyes and burning from the eyes
Black tears,resentment burns a fire
But emerald grass isn’t only tears
On the earth’s body the green streams flow
Crushed and destroyed under the wheel chains
Of the self-propelled tanks and canons
People who fell during the war
Now the grass has greened on their chests
The grass they tramped on in the past
With their bayonet and hobnailed boots
Oh all those who are resting under the graves
Four seasons of grass sing one lullaby
Oh all those under the earth – they haven’t lied
Please never hurt a blade of green grass
(Ngườidịch: NguyễnPhanQuế Mai vàEdwad Tick)
TRẦN NINH HỒ
VIẾNG CHỒNG
- Chị ơi!
Chỉ gọi được thế thôi
Anh chiến sỹ đưa đường bỗng thấy nghẹn lời
Không làm sao anh còn nói nổi:
Chị đặt hoa nhầm rồi
Mộ anh ấy ở bên tay trái
Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại
Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi!
- Chị hiểu ý em rồi
Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ
Viếng mộ anh có chị đến đây rồi.
NGUYỄN ĐỨC MẬU
Bảy vầng trăng khuyết
Binh trạm Trường Sơn năm đánh Mỹ
Có bảy người con gái trúng bom
Đám tang họ không ai đưa tiễn
Giữa rừng chiều ngổn ngang núi non
Những khuôn mặt lấm lem không bàn tay vuốt mắt
Bảy chàng trai của các cô đâu?
Bảy chàng trai trong chiến tranh khốc liệt
Sao biết được người yêu mình đã chết?
Không tiếng mẹ gọi tên con khản giọng
Tên các cô lạc vào hoa, hoa cũng nát nhàu
Da thịt các cô lẫn vào da thịt đất
Người chết và người chết tiễn đưa nhau
Bảy chàng trai là ai, ai biết?
Nhưng nhất đinh là có bảy chàng trai
Nếu không chiến tranh, họ đã thành đôi lứa
Như bao lứa đôi hạnh phúc trên đời
Bảy cô gái, bảy vùng quê xa lắm
Hố bom vùi hóa nấm mồ chung
Các cô chết giữa vùng đất chết
Cành cây cháy đen như bàn tay chới với của rừng
Những lá thư tình, những manh áo mới
Bảy cô gái chết rồi chẳng kịp mang đi
Chết tuổi đang yêu, chết còn quá trẻ
Tuổi mộng mơ không kịp trối trăn gì
Đám tang vắng bảy chàng trai ấy
Vắng trắng hoa rừng, vắng nước mắt ngày ngâu
Bảy cuộc chiến tranh, bảy vầng trăng khuyết
Một nấm mồ chìm khuất rừng sâu...
6 NHÀ THƠ ĐÀI LOAN
Con Sùng đất
(Tưởng Nhật Doanh – Lù Việt Hùng dịch)[1]
Hàng chục triệu năm nay
Có đất mẹ che chở
Con sùng đất mềm yếu
Chẳng ai làm hại đến
Chẳng buồn cũng chẳng phiền
Đời đời qua kiếp kiếp
Mấy nghìn, mấy vạn năm
Vẫn Trải qua như vậy
Ngày nọ
Vô tình
Đất bị bới tung
Ánh sáng chói mắt chiếu xuống
Người đời bảo trời sáng
Biết đâu là tai ương
Đất mẹ nay không che nổi
Lương thiện nào thấy phúc báo
Người đời bảo trời sáng
Ngờ đâu kéo đến rặt ác điểu, bọ sâu
Thân sùng thành thức ăn
Chim đến ăn
Gà đến ăn
Đến ngay kiến bé tí
Cũng kéo nhau lại
Chục triệu năm nay
Con sùng đất mềm yếu
Không muốn làm hại ai
Cũng chưa từng hại ai
Nay
Bị coi là thức ăn
Chim đến ăn
Gà đến ăn
Đến ngay kiến bé tí
Cũng kéo nhau lại
Mau lớn nhanh đi
Hỡi sùng đất
Mau thành bọ cánh cứng[2]
Khoác vỏ cứng của ngươi
Ôm chặt lấy thân mình
Sâu bọ không hại được
Mau lớn nhanh đi
Hỡi sùng đất
Mau thành bọ cánh cứng
Đội những chiếc sừng nhọn
Mài cho thật sắc
Chống chọi với kẻ thù
Đấu giá Đài Loan xưa
Ký sự Đông Môn Đinh
(Trần Minh Nhân– Lù Việt Hùng dịch)
Tiếp nữa... một đôi gối
Mời ra giá, đợi chút...
Ân ái qua hàng chục năm trời
Anh chị em tôi đều đã ra đời
Anh muốn trả bao nhiêu
Đây, nghe kỹ nhé
Một đôi gối cũ kỹ
Qua cuộc chiến tranh Đông Á
Qua những ngày hai tám tháng Hai
Này nước mắt gối chiếc đơn côi không ngủ
Này tuế nguyệt lúc hoang mang, rợn người
Nếm trải hết nỗi buồn và niềm vui của Đài Loan
Anh trả được bao nhiêu?
Ta chẳng phải nhà buôn
Hãy cùng kiếm tìm một thứ cảm xúc
Kết nối xưa và nay
Giống như chiếc đồng hồ
Cứ đi, cứ chạy
Lòng nhiệt tình làm dây cót
Đi qua lịch sử Đài Loan
Hãy cùng kiếm tìm một thứ cảm xúc
Kết nối ta và em
Như bề mặt gương kia
Hoa văn dù bạc màu
Vẫn rọi nỗi cô đơn
Đợi chút, chờ chút hãy trả giá
Đồng hồ đang chạy
Hồng nhan trong gương
Đã thôi màu
Thanh xuân có giá nào
Mới mua lại được
Lịch sử có giá nào
Mới đổi được nụ cười
Đêm nổi cơn giông gió
Cảnh đêm Đông Môn Kinh như xưa
Qua nỗi trống vắng của nhau
Ta đấu giá cảm xúc
Tấm chân tình Đài Loan xưa
Nào, xin mời trả giá
Tấm tình này, một cân giá bao nhiêu?
Thi sĩ cánh diều
(Tưởng Vi Văn – Lù Việt Hùng dịch)
Thi sĩ đang bay
Từ khắp nơi trên thế giới quay tròn
Bay tới Hà Nội
Miếng ghép trong tay
Xếp thành một bức
Với tiếng mẹ cha và hòa bình
Viết nên
Bản đồ thế giới bằng thơ
Thi sĩ đang bay
Từ Thăng Long đến Hạ Long
Từ thành phố đến biển bờ
Áo dài như gương mặt em tươi sáng, ngọt ngào nhất
Giống như Phở và Nem
Cho linh hồn thi sĩ no nê không ngấy
Thi sĩ như cánh diều
Nơi cố đô Đài Nam ở Đài Loan
Kéo một sợi dây
Bay tới Hà Nội Việt Nam
Tận mắt thấy truyền thuyết Lý Thái Tổ và rồng bay
Tận mắt thấy mảnh đất này
Cuộc sống rực rỡ ánh cầu vồng
Những mầm non ngậm sương mai
Trong tiếng hát Quan Họ
Đang mạnh mẽ vươn lên
-- Tại Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai & Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3, Hà Nội, Việt Nam ngày 2/3-6/3/2015
Nhớ tiếng mẹ giọng cha
(Cao Nguyệt Viên – Lù Việt Hùng dịch)
Tiếng nói, là
Cuộc sống của cha
Văn hóa của mẹ
Chúng con sinh ra từ đó
Đêm tối tĩnh lặng
Cha biết
Trăng dịu dàng
Mặt trời hiến ánh sáng vinh quang vẫn vậy
Gió thổi qua dòng sông lịch sử
Mẹ biết
Vui buồn có nhau
Lòng nhiệt tình khi nào sẽ ngơi nghỉ
Ruộng vườn, nay đã gieo hạt
Kỳ vọng khắp chốn nở hoa, chúng ta
Ngắm chim bay, đùa bướm lượn
Phồn hoa như mộng
Ai gặt hái, mồ hôi
Đừng để hoang phí
Tóc đen đã đượm màu hoa râm
Vô thường
Vết thanh xuân qua, tuế nguyệt
Chỉ còn trong cuốn nhật ký
Người trong gương
Đem lòng thương, cho người khác
Tình yêu, buộc ta lại với nhau
Cả đời.
6/12/2017
Thanh minh
(Trần Chính Hùng – Lù Việt Hùng dịch)
Một năm mới gặp một lần
Bia mộ vẫn tỏ thái độ lạnh lùng
Cự tuyệt
Cản con lại gần
Cỏ trên mộ bố để lại cho con
Từng câu từng câu
Như tiếng lòng của bố
Thếp giấy trên mộ[3]... lá thư viết cho bố
Từng tờ từng tờ
Chứa đầy nỗi nhớ của con
Một năm mới một lần gặp bố
Thời gian vẫn vậy
Vô tình
Nói
Về thôi!
[1]Con sùng đất là ấu trùng của bọ cánh cứng, toàn thân mềm, chỉ có miệng cứng, gà rất thích ăn, ngay cả những con kiến bé cũng kéo đến khiêng về.
[2]Con bọ cánh cứng thường đục lỗ từ dưới phân trâu bò khô, vậy nên người đời thường gọi là rùa cứt trâu (con bọ hung)
[3]Trong lễ Thanh Minh, người ta đặt một tờ hoặc thếp giấy màu lên mộ, để chứng tỏ là mộ phần có chủ và được tu sửa hoặc làm sạch cỏ.