Thời sự văn học nghệ thuật

29/3
8:30 AM 2018

NHỮNG PHẬN SỐ GIỮA BÃO TỐ CHỐN CUNG ĐÌNH

Hoàng Thụy An-Nguyễn Thị Kim Hòa là cây bút trẻ sung sức với nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện dài và cả tản văn. Từ năm 2011 đến 2017, chị đã xuất bản liên tục 12 cuốn sách. “Con chim phụng cuối cùng” (Nxb Hội Nhà văn, 2017) tập hợp 9 truyện ngắn được viết trong vòng 3 năm trở lại đây.

Vén màn lịch sử bằng việc khơi mạch thế giới nội tâm, chị không nhằm luận giải, phán xét lại hay giải thiêng lịch sử mà đối thoại với lịch sử, giúp người đọc có cái nhìn, suy nghĩ tích cựchơn về nỗi niềm phận nữ nơi cung cấm.

Trong “Con chim phụng cuối cùng”, dòng ý thức tràn ngập, phủ sóng hầu hết, trở thành âm hưởng chính, đẩy các sự kiện, tình tiết xuống hàng thứ yếu, đẩy người đọc vào dòng hồi ức bất tận của các nhân vật lịch sử. Dòng hồi ức mở rộng, bao quát những thăng trầm cuộc đời của họ và xoắn vặn bằng những lời tâm sự mạnh bạo, nhức nhối: “‘Phải chăng mọi đế vương trên đời này đều nuôi trong lòng con rắn..’ ‘nghi kị, nhỏ nhen, độc ác’?” (Trăng đắm - tr.52); “Nước mắt vương giả, thứ nước mắt trộn quyền lực ấy, là thứ giả dối nhất trên đời” (Vết hoa - tr.96); “Lễ tiết ư? Phẩm hạnh ư? Chỉ là những mảnh vụn ta giẫm thôi cũng thấy bẩn bàn chân” (Trăng đắm - tr.41). Thời thế không cho họ định đoạt lựa chọn giữa yêu thương và thù hận, sống và chết. Sống trong hay đục đều chịu số phận nghiệt ngã như nhau. Vì thế, xoáy vào cơn dày vò đớn đau của những người đàn bà đẹp, hẳn người đọc sẽ có những diễn giải công bằng về phận số của họ trong hoàn cảnh đầy toan tính và dục vọng.

http://admin.baovannghe.com.vn/cdn/uploadv2/web/1/1/news/2018/03/10/01/10/1520644210_con_chim_phung_cuoi_cung-01_1.jpg9 truyện ngắn là sự va đập khốc liệt tranh tối tranh sáng, thiện-ác, tốt-xấu. Nơi đây, âm mưu, tranh quyền, đố kị, hận thù,.. đều được đội lốt, che giấu kỹ càng: “Những mũi tên tẩm độc ẩn dưới những cái đầu cúi, lưng khom, những tiếng cười đãi bôi giả tạo” (Hương thôn dã - tr.169). Số phận của những người phụ nữ như thị nữ Hồng Nguyệt, cung nữ Thị Yến, công chúa Đại Việt, công nữ Ngọc Vạn, công nữ Ngọc Khoa, Hoàng Thái phi Tống Thị Quyên, Tống Thị, Vương phi Bố Gia La, Tuyên phi Đặng Thị Huệ, nữ binh Bùi Thị Xuân,... quá đỗi mong manh. Bao va đập, sóng gió của cuộc thế nhân thêm khốc liệt và bi thương cho những người đàn bà đẹp. Cuộc đời của họ thăng trầm như mệnh số của một vương triều, nhưng khi bị cuốn vào vòng tròn quyền lực ấy, họ lại dấn thân, đeo đẳng đến cùng, dẫu phải trả cái giá rất đắt.

Nội cung như một chảo lửa làm sao những người đàn bà “liễu yếu đào tơ” có thể tránh được hậu họa? Ngay cả một người khuynh đảo Đằng Ngoài như Đặng Thị Huệ cũng phải thốt lên: “một tấm lòng trong… sao sống được giữa thâm cung nội phủ ngập ngụa những mưu toan tranh đoạt” (Hương thôn dã - tr.167)?

Tấm lòng của những người đàn bà đẹp thực ra cũng như bao người phụ nữ bình thường khác, khao khát được tự do, được yêu, được hạnh phúc mà thôi. Nhưng lịch sử và thế cuộc không cho họ quyền năng bình dị và đơn giản ấy. Tham vọng lớn thì trả giá đắt. “Tấm lòng trong” rồi cũng bị hại. Bởi lẽ, “Đàn bà Nội Cung đường đi được quyết định bởi chỉ một vị chủ nhân duy nhất. Kẻ muốn rẽ đường tất sa bụi rậm. Kẻ bỏ đường nhất định chết” (Bạch Yến - tr.32).

Bên cạnh đó, phận số của những người đàn bà đẹp còn được Nguyễn Thị Kim Hòa nhìn từ góc độ chiến tranh: Việt - Mông Nguyên, nội chiến Chăm, Việt - Chiêm thành,... Nếu ở nội cung, cũng chỉ vì tham vọng quyền lực mà họ đấu đá lẫn nhau thì trong hoàn cảnh chiến tranh, họ lại trở thành kẻ bị động, phải hi sinh tình riêng. Để bình định các thế lực bên trong lẫn bên ngoài, các triều đình cần thực hiện chính sách ngoại giao cương có nhu. Việc gả công chúa là một trong những giải pháp mềm mỏng, hợp lý, thắt chặt tình giao hảo đã có từ thời Lý. Trong truyện “Con chim phụng cuối cùng”, Nguyễn Thị Kim Hòa đã tóm lược hành trình Nam tiến của nhà Nguyễn, trong đó, phải kể đến công lao và sự hi sinh thầm lặng của những người đàn bà đẹp như Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo, người tạo điều kiện cho Nguyễn Hoàng, người mở đầu nghiệp chúa, thực hiện cuộc Nam tiến, công nữ Ngọc Tú, công nữ Ngọc Vạn, công nữ Ngọc Khoa,...  Số phận của công chúa Đại Việt như lụa trôi giữa muôn ngàn con sóng. Chẳng biết con sóng nào “dịu êm” con sóng nào “dữ dội” bởi lẽ, “Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, oán hờn nối tiếp oán hờn thì thương đau nào, máu xương nào đủ để hiến dâng đây” (Nam phương lạc nhạn - tr.153).

Lựa chọn góc nhìn nam giới, hướng tới khai thác chiều sâu tâm cảm nữ giới cũng là một trong những thành công của Nguyễn Thị Kim Hòa. Từ góc nhìn của Đức Thượng Công, hiểu hơn nỗi lòng của Thái phi Tống Thị Quyên; từ góc nhìn của tên lính hầu Tashida - người Nhật Bản, hiểu thêm về Tống Thị; từ góc nhìn của Nguyễn Ánh, hiểu thêm về bi kịch của nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Ở truyện “Nắng quái Tây Nam thành”, nỗi lòng của Nguyễn Ánh qua lời độc thoại với chính mình, với Ngọc Du là mấu chốt để chúng ta hiểu căn nguyên dẫn đến việc Nguyễn Ánh báo thù hết sức dã man, tàn khốc với gia đình Quang Diệu - Bùi Thị Xuân. Góc nhìn của Bùi Thị Xuân lại là căn cứ nhìn nhận việc làm của Nguyễn Ánh. Trong lòng Nguyễn Ánh, có những đường thẳng lạnh lùng, có những gấp khúc trở trăn nhưng cuối cùng quyền lực của bậc đế vương vẫn chiến thắng.

Một số góc nhìn nam giới trên đã ít nhiều bổ khuyết, làm rõ hơn phận số những người đàn bà đẹp. Họ luôn bị cuộc đời vùi dập. Nếu không bị gả, dìm sông, treo cổ, phơi xác, hỏa thiêu, chôn sống, dày xác,... thì suốt quãng đời còn lại của họ cũng chỉ được ôm duy nhất hai món trang sức: Bài vị và quan tài đá mà thôi!

Dòng chảy tâm lý trong tập “Con chim phụng cuối cùng” không chỉ có mặt qua hồi ức của nhân vật, đồng hiện từ các góc nhìn nam giới mà còn được phản ánh qua kỹ thuật phân đôi/thân. Tự phân thân đối thoại với chính mình là một thủ pháp tạo được hiệu ứng cao giúp Nguyễn Thị Kim Hòa đi sâu vào kiệt cùng thế giới tâm trạng của nhân vật. Trong 9 truyện, chỉ có “Con chim phụng cuối cùng” sử dụng kỹ thuật này. Đây là điểm nhấn hết sức tinh tế của chị. Nỗi niềm thân phận của phụ nữ được thể hiện qua hai góc nhìn: tôi và Khoa. Ở góc nhìn của một cái “tôi” duy lý, chúng ta thấy được những góc khuất, bất trắc của cuộc đời mà Khoa phải hứng chịu. Số phận của công nữ Ngọc Tú, Ngọc Vạn hay Huyền Trân công chúa,... không thể thoát ra khỏi cơn khát quyền lực - đó là “cơn khát triền miên, không điểm dừng” (tr.190) của các bậc đế vương. Ở góc nhìn của Khoa, cái nhìn duy cảm, là một Khoa khát khao “trồng trên đất Chiêm một cây Hòa Bình” (tr.191), một Khoa dành hết cái tình cho người mình yêu.

Với những truyện ngắn đặc sắc này, Nguyễn Thị Kim Hòa đã dựng lại khá ấn tượng về sự hy sinh lặng lẽ của các cô công chúa Đại Việt. Những lời tâm sự, giải bày của các cô công chúa đã nói lên trách nhiệm trước vận mệnh của nước nhà khi có biến loạn và vai trò quan trọng của họ trong việc mở rộng lãnh thổ. Bên cạnh những dằn vặt, trở trăn, khao khát của phận “nhi nữ thường tình”, họ còn hiện thái độ lên án chiến tranh, khát ước hòa bình. Khai thác điểm nhìn này, Nguyễn Thị Kim Hòa đã góp thêm tiếng nói nhân bản cho tập sách của mình.

Những hình ảnh như trăng, gió, lửa và mưa được lặp lại trong một số truyện. Trong đó, sự lặp lại của lửa và mưa, là thủ pháp bổ trợ, làm nổi bật hơn tâm sự của những con người ở cung vua phủ chúa. Theo triết lý phương Đông, nước và lửa là một trong tứ đại (đất, nước, lửa, gió) của hành tinh Trái Đất. Thân tứ đại con người cũng vay mượn từ tứ đại của hành tinh Trái Đất. Do vậy, lửa và mưa mang trong nó những phận số như con người. Đây cũng là một trong những yếu tố mà “Con chim phụng cuối cùng” lôi cuốn, ám ảnh người đọc.

Theo “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, lửa và nước được phân biệt như sau: “lửa tượng trưng cho sự tẩy uế bằng sự thấu hiểu, bằng ánh sáng và chân lý, đạt đến trạng thái thông tuệ siêu việt nhất; còn nước tượng trưng cho sự thanh tẩy dục vọng, hướng tới dạng thức cao nhất, đó là lòng nhân từ”. Căn cứ vào các điểm khác biệt này, chúng ta thấy lửa trong văn xuôi của Nguyễn Thị Kim Hòa cũng mang hai mặt: hủy diệt và tái sinh. Với “Bạch yến”,Nguyễn Thị Kim Hòa đã cởi bỏ lớp áo vương tộc của những người đẹp như Thị Yến, Hồng Nguyệt, để họ được nói lên tiếng nói của chính mình. Nấm mồ Hàn Trường Cung không thể chôn được ngọn lửa tự do đang rừng rực trong con người Thị Yến. Và khi ngọn lửa đó lan sang cả Hồng Nguyệt thì mọi luật lệ, phép tắc ở Hàn Trường Cung như bị đưa ra trở lật, soi xét. Bắt đầu từ ngọn lửa khát khao tự do, kết thúc bằng ngọn lửa bạch lạp là một lời tố cáo mạnh mẽ vào những điều luật hà khắc, man rợ của chúa Trịnh nói riêng và các triều đại phong kiến nói chung, đồng thời khẳng định ngọn lửa tâm hồn không bao giờ lụi tắt. Ngọn lửa chấm dứt cuộc đời của Hồng Nguyệt nhưng không thể thiêu rụi lòng khao khát tự do đang “chơm chớm” trong mắt người Hàn Trường Cung. Lửa trong “Nam phương lạc nhạn” thiêu rụi tất cả mọi thứ, kể cả lòng thù hận, đau thương. Ngọn lửa khi lan truyền sang cô công chúa nhỏ, lúc này, không còn là ngọn lửa hữu hình nữa mà là ngọn lửa phi hình, đó là biến thể của ngọn lửa tâm hồn, ngọn lửa của nỗi căm hờn ngút ngàn. Trong truyện, ngọn lửa tình giữa cô công chúa nhỏ với chàng trai chính là ngọn lửa phái sinh. Kết hợp ngọn lửa hủy diệt và ngọn lửa phái sinh, Nguyễn Thị Kim Hòa thổi lên bản năng nữ, được yêu, được hạnh phúc trong lòng cô công chúa nhỏ. Ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ nhưng không thể thiêu rụi được tình yêu và khát muốn hòa bình của những cô công chúa.

Nước trong “Con chim phụng cuối cùng” mang hai hình thái: nước hữu hình và nước phi hình. Nước vốn dĩ mang tính nữ, mềm mại, uyển chuyển, gợi sự chở che, bao dung và thuần khiết. Với dạng thức “mưa” - hình thái nước phi hình, mưa của Nguyễn Thị Kim Hòa như là một thiên sứ, xuất hiện rất đúng lúc, hòa hợp với nỗi niềm của con người và có chức năng xóa sạch những buồn đau, mất mát. Trong thế đối sánh, mưa bộc bạch nỗi niềm và tấc lòng Tả quân trước số phận oan nghiệt của Tống thị. Mưa đã cởi bỏ lớp áo hoàng gia của Tả quân, chỉ còn lại một người đàn ông đời thường đối diện với từng lớp sóng lòng. Mưa là tiếng lòng nuối tiếc của Tả quân trước “một kẻ bạc phần”. Hình thái của mưa là sự tự do luân chuyển. Vì thế, khi mưa chuyển dịch từ Tống thị sang Tashida, mưa mang ý nghĩa chia sớt. Mưa còn mang ý nghĩa của sự thanh tẩy, tái sinh. Mưa như rửa hết những thảm khốc, tôn vẻ đẹp đầy khí phách của bà tướng Bùi Thị Xuân. Mưa là tình yêu đẹp, vĩnh cửu, giữa tên lính hầu với chủ nhân.

Có thể nói, lửa và mưa trong truyện của Nguyễn Thị Kim Hòa tuy không mượn sắc màu huyền thoại để gia tăng sức lôi cuốn, nhưng chúng vẫn rất ấn tượng, là những hình ảnh đẹp, giàu biểu tượng, là bè đệm cần thiết để làm nổi rõ tích cách, tâm trạng và số phận của những người đàn bà đẹp.

“Con chim phụng cuối cùng” là tiếng nói, tâm tư của những con người có mặt trong chính sử, nhưng đọc từng câu văn mượt mà, sắc sảo và đầy trí tưởng tượng bay bổng của Nguyễn Thị Kim Hòa, chúng ta như đứng trước tiếng nói, lời giãi bày của những con người hôm nay. Chị đã khéo léo kéo những con người lịch sử xa cách hàng nghìn năm trở về với đời sống hôm nay thông qua dòng chảy ý thức, thông qua góc nhìn nam giới, thông qua kỹ thuật đan xen độc thoại nội tâm trực tiếp và gián tiếp. Theo tôi, 9 truyện trong “Con chim phụng cuối cùng” đã hoàn thành thông điệp nhân văn của nó. Vấn đề tình yêu và thân phận mà Nguyễn Thị Kim Hòa đặt ra không còn là vấn đề của các cung tần mỹ nữ chốn hậu cung nữa mà đã trở thành vấn đề của thời đại. Là Hoàng hậu, Thái phi hay là các cung nữ đều có những suy nghĩ, trở trăn như bao người bình thường. Từ cuộc đời của các cung tần mỹ nữ chị đặt ra vấn đề tình yêu, hạnh phúc, tự do của người phụ nữ trong cuộc sống đương đại. Dù ở thời điểm nào thì những nguyện ước, khát khao của người phụ nữ vẫn không bao giờ bị dập tắt. Bên cạnh đó, bi kịch chốn hoàng cung còn là bài học đắt giá về sức công phá của tham vọng và quyền lực.

Mở đầu bằng tiếng hót của bạch yến (thanh âm tự do), kết thúc bằng việc biến mất của con chim phụng cuối cùng (chấm dứt sự lệ thuộc, khát vọng hạnh phúc, hòa bình), tập truyện “Con chim phụng cuối cùng” của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã thăng hoa được chủ âm của nó: Tiếng nói nhân văn về con người.

*Trích tiểu luận

Nguồn Văn nghệ số 10/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *