Tác phẩm và dư luận

28/2
8:10 AM 2018

TỒN NGHI VĂN CHƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN CỦA NHÀ THƠ

Vương Trọng- Có hai vấn đề tách biệt trong bản tham luận này. Thứ nhất nói về một số tồn nghi văn chương ở nước ta trong ngót trăm năm qua và muốn có kết luận của Hội nhà văn Việt Nam trước những tồn nghi đó. Vấn đề thứ hai đề cập đến trách nhiệm công dân của nhà thơ.

I.TỒN NGHI VĂN CHƯƠNG.

    Trong lịch sử văn học Việt Nam, có nhiều thi phẩm để lại tồn nghi. Và trong 60 năm hoạt động của hội Nhà văn Việt Nam, nhiều tồn nghi chưa được Hội có ý kiến để bạn đọc biết hư thực, đúng sai thế nào. Tôi xin đơn cử ba ví dụ:

1-Ai là tác giả bản dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn?

    Một thời gian dài trong sách giáo khoa cũng như trên văn đàn, chúng ta thống nhất dịch giả là Đoàn Thị Điểm. Có nhà phê bình còn phân tích do Đoàn Thị Điểm là nữ, lại có hoàn cảnh cô đơn, thông cảm với người chinh phụ nên mới có được bản dịch tuyệt vời như thế! Nhưng sau đó có một số nhà nghiên cứu, nhất là Hoàng Xuân Hãn cung cấp nhiều tư liệu và khẳng định rằng, chính Phan Huy Ích là tác giả bản dịch tuyệt vời đó. Kể từ đó, khi nhắc đến bản dịch “Chinh phụ ngâm” người ta thường đặt nghi vấn giữa Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích và hàng triêụ độc giả nước ta cũng đành chấp nhận mối tồn nghi đó. Tôi thấy rằng Hội Nhà văn Việt Nam cần cho bạn đọc biết ý kiến của mình. Muốn thế cần tổ chức các cuộc hội thảo về  chủ đề này. Mặc dù học giả Hoàng Xuân Hãn không còn nữa, nhưng các tài liệu giá trị đó gia đình vẫn lưu giữ. Tôi tin rằng nếu có cuộc hội thảo, chúng ta sẽ sáng tỏ nhiều điều và nếu đủ tư liệu, lập luận thuyết phục, chúng ta có thể loại bỏ tồn nghi, kết luận dứt khoát Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích là tác giả bản dịch nổi tiếng nói trên.

 2 – Có phải Nguyễn Du là tác giả “Văn tế sống hai o gái Trường Lưu” hay không?

   Hơn nửa thế kỷ nay, trong sách giáo khoa cũng như trên báo chí, nói về tác phẩm chữ Nôm của Nguyễn Du, ngoài “Truyện Kiều”, “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Thác lời trai Phường Nón”, bao giờ người ta cũng tính “Văn tế sống hai o gái Trường Lưu”. Cách đây 11 năm, năm 2007, trên Tuần báo Văn nghệ, tôi có đăng bài “Nguyễn Du không như thế” để chứng minh rằng bài văn tế này không phải của Nguyễn Du. Lập luận của tôi dựa vào:

-Tính trịch thượng, tiểu nhân của tác giả bài văn này ngược hẳn lòng thương người,tính nhân văn của tác giả Truyện Kiều.

-Văn chương bài văn tế hết sức kém cỏi, xoàng xĩnh. không thể là sản phẩm của Đại thi hào.

-Cách dùng tiếng địa phương trần lan, thiếu chọn lọc, xa lạ với Nguyễn Du.

-Không có căn cứ nào xác đáng để kết luận tác phẩm này của Nguyễn Du. Như ta đã biết, “Văn tế sống hai o gái Trường Lưu” được cụ Lê Thước phát hiện năm 1924 ở vùng Nghi Xuân, sau khi Nguyễn Du mất 104 năm. Cụ Lê Thước cũng coi là tồn nghi, chứ không nói Nguyễn Du là tác giả. Năm 1928, trên tờ báo Nam Phong lần đầu tiên đăng tác phẩm này, và phần tác giả đề là Khuyến danh!

   Sau khi báo Văn nghệ đăng bài viết của tôi, nhà thơ Phạm Tiến Duật đang bệnh nặng, nói khó khăn nhưng vẫn gọi điện thoại cho tôi, nói khá dài, cám ơn tôi, vì từ lâu anh cũng nghĩ như thế, nhưng chưa nói ra được.

   Thế thì ai là người đầu tiên kết luận tác phẩm này là của Nguyễn Du? Vào năm nào?Bằng chứng nào?

   Nếu như hội Nhà văn mở cuộc hội thảo về đề tài này, tôi tin chúng ta có thể giải quyết được vấn đề.

     3 – Cầm Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi là ai?

      Hơn sáu chục năm qua, hầu như các Tuyển tập thơ Việt Nam đều có hai bài của hai tác giả đứng gần nhau là “Nhớ vợ” của Cầm Vĩnh Ui và “Em tắm” của Bạc Văn Ùi. Với hàng triệu độc giả chúng ta, trong một thời gian dài, thì đấy là hai tác giả người dân tộc Thái. Nhưng khoảng mươi năm nay, có nhiều bài viết, điển hình là Hoàng Quảng Uyên và Hoàng Bình Trọng, chứng minh thuyết phục rằng, Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi là hai bút danh khác của nhà thơ Cầm Giang.

  Tôi nghĩ rằng, hội Nhà văn Việt Nam nên có kết luận về vấn đề này, muốn thế phải tổ chức hội thảo hoặc mở diễn đàn trao đổi trên Tuần báo Văn nghệ và có kết luận cuối cùng để độc giả, đặc biệt la giáo viên có tài liệu chính thức để giảng dạy cho học sinh.

 

  II -  TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN CỦA NHÀ THƠ.

Trách nhiệm của nhà thơ là làm thơ hay để người đời thưởng thức. Thơ hay ở nội dung đề tài và hình thức nghệ thuật.  Có đề tài vĩnh cửu như tả cảnh, tả tình, nói về tính nhân văn của con người cùng những triết lý về nhân sinh… Có đề tài thời sự là những sự kiện lớn của đất nước đang diễn ra mà nhà thơ được chứng kiến. Có người cho rằng, chỉ có đề tài vĩnh cửu thì thơ mới sống được lâu, còn  bám đề tài thời sự thì thơ sẽ chết khi tính thời sự qua đi. Theo tôi, nói như thế chỉ sống một phần. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bỏ ra nhiều công sức để viết các tác phẩm dài hơi như “Lục Vân Tiên”, “Ngư tiều vấn đáp”…để bộc bạch quan niệm nhân sinh của mình, nhưng sức sống lâu bền của những tác phẩm này lại thua hẳn “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, một tác phẩm thời sự!

Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi nhà thơ chúng ta đều nhận rõ trách nhiệm công dân của mình: cùng dân tộc đánh thắng đế quốc xâm lược. Có lẽ trên 90 phần trăm số bài thơ thời ấy nói về chiến tranh, người lính và hậu phương người lính, điều này đã có tác dụng động viên không nhỏ về tinh thần cho mọi người. Tôi nhớ, trong cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969, thì hầu hết 36 bài thơ được giải nằm trong những đề tài này.

Từ khi hòa bình lập lại và thống nhất đất nước, nhất là vài chục năm nay, trách nhiệm công dân của nhà thơ  được ít người chú ý. Gần đây ta nghe quen câu nói “ Nhà thơ đồng hành cùng đất nước”, nhưng thực tế hình như không phải như thế. Hàng ngàn tập thơ xuất bản mỗi năm nhưng hầu hết chỉ nói nỗi riêng của nhà thơ chứ mấy bài nói chuyện lớn của đất nước? Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương cắm vào lãnh hải chúng ta, cả nước sục sôi, nhưng đã có mấy nhà thơ lên tiếng bằng thơ? Formasa gây ô nhiễm, cá biển chết năm tỉnh miền trung làm hàng vạn ngư dân điêu đứng thì đã có được mấy nhà thơ lên tiếng bằng thơ? Tham nhũng trở thành quốc nạn, làm kiệt quệ đất nước,  suy đồi đạo đức…đã được mấy nhà thơ lên tiếng bằng thơ? Và còn bao chuyện lớn của đất nước đã nằm ngoài thơ của các nhà thơ!

Nhiều người than rằng ngày nay bạn đọc ngoảnh mặt với thơ, mà không đặt vấn đề rằng nhà thơ đã quan tâm đúng điều bạn đọc quan tâm chưa? Bài thơ của cô giao Trần Thị Lam “Đất nước mình ngộ lắm phải không anh”,được triệu người tìm đọc, bàn tán, họa lại… đâu phải do nghệ thuật siêu việt, cái chính là nói đúng chuyện lớn của đất nước mà những người có lương tri đang quan tâm, lo lắng.

Mặc dù hiện nay các cửa hàng phát hành sách cả nước không nhận phát hành, thế nhưng tập thơ “Đa thanh và Phản biện” của tôi phát hành năm 2017, có cửa hàng nhận phát hành khá nhiều, đó là chưa kể nhiều tổ chức, cá nhân đặt mua qua mạng… là bởi trong tập thơ này có phần “Phản biện” nói sự bức xúc của người dân trước thực tại xã hội.

Thì ra xác định trách nhiệm công dân, nhà thơ không chỉ làm trọn bổ phận công dân của mình, mà đó cũng là cách tìm lại bạn đọc cho thơ!

                                                                                 24-2-2018

                                                                             VƯƠNG TRỌNG

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *