THÂN PHẬN NGƯỜI NHẬP CƯ Ở ĐÔ THỊ TRONG PARIS 11 THÁNG 8 CỦA THUẬN
Trong văn học Việt Nam hiện đại, dòng sáng tác về đô thị xuất hiện trong một số tác phẩm của Tự lực văn đoàn và trở nên nổi bật với văn xuôi hiện thực phê phán của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Tam Lang,… Sau một thời gian khá trầm lắng để ưu tiên cho đề tài chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội, sáng tác về đô thị xuất hiện trở lại trong văn học Đổi mới với Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn,… và nhiều cây bút đương đại thế hệ kế tiếp như Trần Nhã Thụy, Phong Điệp, Nguyễn Danh Lam,… Văn học đô thị thiên về miêu tả quá trình đô thị hóa ở Việt Nam với nỗi âu lo về sự khủng hoảng nhân tính. Cảm quan chi phối văn học đô thị là tinh thần nhận thức và khám phá mặt trái của môi trường văn minh đô thị, vật chất tha hóa con người, làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đồng thời khiến con người ý thức rõ hơn về chính mình trong sự mất cân bằng sinh thái.
Thuận là một trong những cây bút người Việt ở nước ngoài luôn quan tâm đến những vấn đề của xã hội đương đại với không gian của ba thành phố chính: Hà Nội, Sài Gòn và Paris. Với các tiểu thuyết Made in Vietnam (2002), Chinatown (2005), Paris 11 tháng 8 (2006), T mất tích (2007), Vân Vy (2009), Thang máy Sài Gòn (2013), Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư (2015), bằng cái nhìn sắc sảo, Thuận thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến môi trường, xã hội đô thị, nơi con người vật vã mưu sinh và đứng trước nguy cơ tha hóa nhân tính. Đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết thứ ba, Paris 11 tháng 8, bối cảnh chính là thủ đô nước Pháp, nơi diễn ra trận nắng nóng kỉ lục tháng 8 năm 2003, Thuận lên tiếng cảnh báo về sự suy thoái môi trường và tác động của nó đến con người, xoáy sâu vào thân phận những người nhập cư trong môi trường đô thị hiện đại. Tác phẩm của Thuận cho thấy, chịu tác động nhiều nhất của hậu quả khủng hoảng môi trường vẫn là những cộng đồng người thiểu số và từ cái nhìn của nhóm người bên lề này, văn chương có thể rọi sáng được những góc khuất của đời sống đương đại.
Trong Paris 11 tháng 8, thông tin về trận nắng nóng ở Paris được tạo thành một mạch riêng (tuyến 1). Vấn đề nắng nóng, trách nhiệm của chính quyền, tác động đến các vấn đề kinh tế - xã hội, dù luôn là phần mở đầu của mỗi chương nhưng tham gia vào kết cấu của toàn tác phẩm như một sự bổ sung thông tin, một tuyến phi hư cấu song hành với cốt truyện chính (tuyến 2). Trận nắng nóng trên đất Pháp chỉ là bối cảnh rộng cho những quan sát về số phận người nhập cư nơi đây. Sự kết nối giữa tuyến 1 với tuyến 2 khá lỏng lẻo, chỉ xuất hiện ở một vài chi tiết: “Paris 11 tháng 8 năm 2003, ba chín độ trong bóng râm, bốn hai độ tầng áp mái. Ba chín độ làm hai nghìn chín trăm cụ già đột tử. Bốn hai độ khiến Liên có thêm sáu cái mụn, bốn cái đối xứng trên cằm, hai cái hai cánh mũi”. Số lượng người già chết trong trận nắng nóng kéo theo hậu quả là Liên không có việc làm vì nghề tắm cho người già ở giai đoạn khủng hoảng thừa. Nửa năm thất nghiệp của Liên chồng thêm một giai đoạn âm u, tuyệt vọng trong chuỗi ngày buồn thảm câm lặng của cuộc đời cô. Trong bước khốn đốn, Liên gặp những thân phận tha hương khác và có dịp quan sát kĩ hơn những người - thú cùng cảnh ngộ với mình.
Paris 11 tháng 8 với trận nắng nóng kinh hoàng đã giải ảo một Paris phồn vinh, hoa lệ, niềm mơ ước và miền đất hứa của những cô gái Việt muốn kiếm một tấm chồng ngoại quốc. Trong miêu tả của Thuận, Paris nhếch nhác và nhộm nhoạm. Paris vào thu “mưa nhì nhạch cả ngày, phố xá nhớp nháp, tỉ lệ người tự tử cao nhất trong năm, mấy hôm lại có người mang dây thừng vào rừng Boulogne”. Vùng ngoại ô với những dãy tập thể cao tầng giống hệt nhau, từ dãy thùng rác màu xám đến dây quần áo phơi trên ban công, một ga tàu điện ngầm “năm sáu đường tàu bắt chéo, cột điện tua tủa, dây điện tua tủa”, “siêu thị Tang Frères ngày chủ nhật như một tổ kiến khổng lồ, một tổ kiến ùn ùn tha mồi về tổ đáp ứng đòi hỏi của dạ dày”. Đó cũng là khu nhà Liên ở với những hành lang đen đúa, vỏ chuối vứt quanh, còn khu nhà của Tanh (nhân viên thư viện) cũng chẳng kém: thang máy ươm mùi đậu rán, hành lang ươm mùi nước tương. Những vụ cãi nhau vì va quệt xe trên phố, những đêm tối ẩn ngầm bao mối đe dọa từ những kẻ đi chơi gái, những vườn hoa mùa đông chẳng có bông hoa nào, cây cối xơ xác, bầu trời xám xịt, đài phun nước im lìm… làm hiện lên một Paris khuất tối, không mang ánh sáng rực rỡ đầy hấp lực như kì vọng của người nhập cư – những người sang Paris để thay đổi cuộc đời. Đến Paris, họ đều phải đối diện với thực tế phũ phàng. Cuộc sống của những thân phận bên lề Paris như Liên là một căn gác áp mái chật chội không đầy chín mét vuông trong khu chung cư, không tình yêu, không thân thích, mùa đông không lò sưởi. Bên cạnh phòng Liên, căn gác áp mái khác còn thảm hại hơn, không có cửa sổ, và một phụ nữ độc thân ở lì suốt ngày không bao giờ mở cửa cho người khác nhìn vào. Những nhân vật đi ngang qua cuộc đời Liên, xung quanh Liên đều cô độc và buồn tẻ. Paris qua cuộc sống của những con người dưới đáy thực sự là một cơn ác mộng về đô thị. Không chỉ là đời sống vật chất tồi tàn mà còn là sự nghèo nàn về tâm hồn. Đó là mặt trái của văn minh đô thị mà hầu hết các nhà văn viết về đô thị đều nhận ra, bởi đằng sau hấp lực mạnh mẽ của đô thị hào nhoáng, lung linh là những cuộc đời tối tăm, buồn thảm, và đằng sau quá trình đô thị hóa là sự tàn phá môi trường và con người ghê gớm.
Từ điểm nhìn của nhân vật Liên, thành phố như một “vườn thú người” với các nhân vật được thú hóa mang tên: hà mã, con gấu, chuột sạch, chuột bẩn, mèo ốm, sư tử,... Chính sự tù hãm về thể xác, tinh thần của những người nhập cư (mà rộng hơn là cư dân đô thị) đã khiến họ trở thành những con vật bị giam trong vườn thú - người. Nói như Desmond Morris trong “Lời giới thiệu” cuốn Vượn trần trụi: “Trong vai trò một nhà động vật học, khi tôi nghiên cứu tập tính của các cư dân đô thị, họ gợi cho tôi một điều gì đó. Sinh sống trong các khu dân cư tù túng của mình, họ không gợi cho tôi liên tưởng đến động vật hoang dã trong rừng rậm nhiệt đới mà lại gợi đến các con vật bị giam hãm trong vườn thú”. Nhưng không phải là hình ảnh con hổ nhớ rừng trong vườn bách thú của Thế Lữ gậm một khối căm hờn trong cũi sắt và nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già,… ở đây những “hà mã”, “gấu”, “chuột” và cả “sư tử” trong Paris 11 tháng 8 chỉ sống cuộc đời quẩn quanh tính toán miếng ăn, thức uống, nơi ở, những nhu cầu bản năng… Con người bị vật hóa trong cái lồng sắt đô thị khổng lồ ấy - một không gian sinh tồn thảm hại và đầy ám ảnh mà con người đô thị không tự nhận biết. Đó là điều mà Pierre Bourdieu từng nhận định: trong thế giới mà vật được sản sinh giống như “cá trong nước” thì nó sẽ không cảm thấy trọng lượng của nước và quy thế giới về bản thân nó.
Trong cái vườn thú - người ấy, Liên lặng lẽ quan sát và dẫu sao cô cũng còn thấy giá trị của khung cửa sổ trong căn gác áp mái: “may mà có cửa sổ để không khí bay vào”, “để có thể đứng bên cạnh húp bát mì gói thay vì đi bộ bảy tầng mua nửa cái bánh mì ăn tối”. Trong văn học đô thị đương đại, cửa sổ là không gian rất đáng chú ý. Xét từ kiến trúc đô thị, cửa sổ không chỉ để lưu thông không khí mà còn tạo mối liên hệ giữa con người với thế giới bên ngoài. Trong một không gian tù hãm, chật hẹp thì khung cửa ấy là nơi gửi gắm những mộng mơ, là nơi quan sát thế giới. Ở Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, ngay từ chương đầu tiên đã viết về khung cửa sổ, nơi đó suốt nhiều năm Hoài ngồi phân loại loài người ra “homo A” - những kẻ biết yêu và “homo Z” - những kẻ không biết yêu. Khung cửa hình chữ nhật trong Thiên sứ chính là biểu tượng của khát khao tự do và vượt thoát, của ý muốn chống lại thói vô cảm, giả dối. Không phải là cửa sổ của văn chương lãng mạn để “đón gió, gọi trăng”, cả Phạm Thị Hoài và Thuận đều kéo gọi con người về với thực tại tàn nhẫn của không gian chật chội, tù hãm và có duy nhất một khung cửa sổ. Với Liên, căn gác áp mái không đủ những tiêu chuẩn tối thiểu để gọi là căn hộ nhưng nhờ cửa sổ mà cô còn nhận biết sự tồn tại của mình, để không tự biến mình thành “con chuột bẩn thỉu thảm hại”.
Các nhà nghiên cứu sinh thái chỉ ra con người vừa thuộc về thiên nhiên, lại vừa tự tách biệt mình khỏi thế giới tự nhiên. Chính vì tách khỏi thiên nhiên, con người trở nên bế tắc, mất phương hướng. Sự tách biệt ngày càng lớn dẫn đến sự tha hóa của con người và sự suy thoái của môi trường. Từ câu chuyện về các vấn đề xã hội sau nạn nắng nóng là nỗi âu lo về sự vô cảm của con người. Nhiều cụ già đã không qua khỏi cơn nắng trong khi con cái họ đang bận với kì nghỉ và lãng quên họ. Ở trong lòng đô thị, con người đối với nhau lạnh lùng: bà hàng xóm trượt chân ngã cầu thang, chẳng ai giúp đỡ, cũng chẳng có người gọi điện cấp cứu. Xinh đẹp và nhiều người tình nhưng cô người mẫu Mai Lan phải thốt lên với Liên rằng “từ khi sang đây tao cô đơn quá”, “tao chỉ có mỗi mày là bạn”. Đô thị là biểu tượng của văn minh, phát triển nhưng cũng là “nhà tù” giam nhốt con người trong nỗi cô đơn, trống vắng của chính nó.
Với bối cảnh là thảm họa môi trường ở Pháp trong một thời điểm nhất định, Paris 11 tháng 8 đã góp thêm một tiếng nói về vấn đề thay đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu đang trở thành tâm điểm của hành tinh xanh. Sự biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường, cuộc sống và cái chết, tất thảy đều liên quan, phụ thuộc nhau. Bởi vậy, Paris 11 tháng 8 chính là một hành trình thức tỉnh ý thức sinh thái gắn với thân phận con người của văn chương Việt đương đại. Trong quan sát của Thuận, thảm họa tự nhiên, đô thị hóa và số phận cộng đồng thiểu số có mối liên hệ tương tác rất rõ. Những người cao tuổi hay người nhập cư là những người chịu nhiều áp lực môi trường và trải nghiệm bi kịch bị lãng quên, bỏ rơi, mất kết nối với thế giới xung quanh trong môi trường đô thị ngày càng đứt gãy, tách rời khỏi tự nhiên. Mất đi sự hài hòa giữa con người và con người, con người và tự nhiên, cộng đồng đó trở nên xa lạ, rời rạc, đơn độc, nhỏ bé và tan biến trước những biến đổi của thiên nhiên.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội