Tin tức

29/1
12:11 AM 2018

TP HUẾ NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH NƠI AN TÁNG THI HÀO NGUYỄN DU

UBND thành phố Huế và các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức nghiên cứu thực địa và tọa đàm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu với mục đích xác định chính xác nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du.

Theo chính sử triều Nguyễn, trong 15 năm làm quan và sống ở Huế (1805-1820), Nguyễn Du đã làm thơ, viết văn, đặc biệt là viết Đoạn trường Tân Thanh (Truyện Kiều). Ngày ấy, gia đình Nguyễn Du trú tại xóm dệt vải làng Vạn Xuân nằm bên dòng Kim Long nối Bạch Yến, một nhánh rẽ của dòng sông Hương thơ mộng bao quanh kinh thành. Chức quan cuối cùng của cụ Nguyễn Du là Hữu Tham tri Bộ Lễ. Ngày 19-12 năm Kỷ Mão (nhằm 3-2-1820), vua Gia Long mất. Tháng 4 năm ấy vua Minh Mạng lên ngôi và Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang. Công việc còn đang chuẩn bị, chưa kịp lên đường thì ngày 10-8 năm Canh Thìn (nhằm 16-9-1820), Nguyễn Du ốm nặng rồi mất vì căn bệnh dịch tả hiểm nghèo, thọ 55 tuổi. Sau đó, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài cụ đến an táng ở cánh đồng Bàu Đá (Thạch Bàu) Hậu Thôn, thuộc làng Kim Long, tổng Kim Long, huyện Hương Trà, dinh Quảng Đức. 

Trong sách Đại Nam thực lục chính biên có đề cập đến cái chết của Nguyễn Du, rằng: “Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ 1 (1820)... Vua dụ bầy tôi rằng: “Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương... Hữu Tham tri Bộ Lễ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An (Làng Tiên Điền-Nghi Xuân, quê cụ Nguyễn Du bấy giờ còn thuộc Nghệ An; năm 1831 mới chia cắt, lập thành tỉnh Hà Tĩnh) rộng học giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì... Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền”. 

Trong ghi chép Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cũng nói rõ: Vào năm 1824, khi con trai thứ của Nguyễn Du là Nguyễn Ngũ và người cháu Nguyễn Thảng vào Kinh đô Huế có làm đơn xin cải táng mộ thân phụ từ cánh đồng Bàu Đá dời về quê làng Tiên Điền. Từ đó đến nay, nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du vẫn được người dân Hậu Thôn bảo vệ cẩn thận.

Với mục đích thực hiện lộ trình xây dựng hồ sơ khoa học để có biện pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du, ngày 22-1-2018, đại diện lãnh đạo UBND TP Huế, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các cơ quan chức năng và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử đã đi nghiên cứu thực địa khu vực mô đất được cho là nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du tại cánh đồng Bàu Đá, phường Kim Long. 

Cùng ngày, UBND TP Huế đã tổ chức buổi tọa đàm xác định địa điểm nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du. Ý kiên của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đều thống nhất khẳng định: Địa điểm nguyên táng cụ Nguyễn Du ở cánh đồng Bàu Đá, Kim Long là một địa chỉ vô giá. Vậy nên hậu thế phải làm một điều gì đó như xây dựng nơi đây thành một nhà bia tưởng niệm hay một cụm công trình văn hóa ghi dấu tích về một nhà thơ lớn của đất nước. Biến cánh đồng Bàu Đá thành một chốn linh thiêng, nơi thường lui tới của những người nghiên cứu, yêu mến Truyện Kiều và văn chương hội họa, văn hóa dân tộc mà cụ Nguyễn Du đã để lại. 

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết: Qua buổi nghiên cứu thực địa và từ ý kiến của các nhà nghiên cứu đóng góp tại buổi tọa đàm, thành phố sẽ báo cáo lãnh đạo cấp trên để xin ý kiến về việc triển khai tổ chức hội thảo khoa học tìm dấu tích Nguyễn Du trên địa bàn TP Huế. “Qua đó, thành phố sẽ có những tư liệu để làm cơ sở xây dựng bộ hồ sơ khoa học, và tiếp theo sẽ thực hiện công tác thám sát, khảo cổ học để có khẳng định chính xác được nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du. Từ đó mới thực hiện các biện pháp giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử”, ông Thạnh khẳng định.

(Theo: cand.com.vn)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *