Ống kính phê bình

3/3
10:05 AM 2018

NGHĨ VÀ VIẾT TIỂU THUYẾT CỦA TÔI

Nguyễn Bắc Sơn- 1. Có nhiều quan niệm về tiểu thuyết. Có nhiều xu hướng viết tiểu thuyết. Trước nay, người ta chỉ trao giải Nobel văn học cho các nhà tiểu thuyết. Nay người ta trao cho cả tác giả truyện ngắn, thậm chí cả nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn mà ca từ của ông giàu tính nhân văn.

                                          Toàn cảnh hội thảo- ảnh Hữu Đố

Nhưng, gì thì gì, ngay cả tiểu thuyết giả tưởng cũng phải xuất phát từ hiện thực. Hiện thực hôm nay để nói hiện thực ngày mai nên dù ít dù nhiều đều mang tính hiện thực và nhất thiết phải có tính nhân văn. Ngày nào, người ta còn chỉ công nhận tính hiện thực, tính dân tộc, nhưng lại đòi hỏi phải có tính chiến đấu (tính cách mạng) tính giai cấp, tính đảng mà không công nhận tính nhân văn, tính giải trí. Cuộc sống phát triển không ngừng, người ta phải thừa nhận không chỉ nhân tính (tính người) mà còn có tính nhân loại, tính dự báo. Bây giờ bên tính thẩm mỹ người ta còn đòi hỏi cả tính hài hước (hóm hỉnh, hoạt kê, giễu nhại). Đấy đều là những đòi hỏi về cái thể hiện, chứ không phải cách thể hiện. Nhưng đổi mới thể loại tiểu thuyết phải bao gồm đổi mới cả về nội dung và hình thức. Dù nội dung hay hình thức thì vẫn phải đảm bảo tính hiện thực và tính nhân vănđược người đọc chấp nhận mà bây giờ người xem ngày càng chấp nhận truyền hình hơn tiểu thuyết nên việc phổ biến nó càng khó hơn. Thế nên tôi thích định nghĩa: Tiểu thuyết là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống. Nói thế không có nghĩa là bây giờ người ta vẫn chấp nhận văn biền ngẫu, văn chương hồi.

2. Trong bộ tiểu thuyết đầu tiên Luật đời & Cha con (LĐ&CC) 2005, và Lửa đắng (LĐ) 2008 của tôi, không biết vì lí do kĩ thuật gì, những người chấm giải không biết là 1 bộ có hai tên khác nhau, vì cũng không đề tập 1, tập 2 dù trong Lời giới thiệu Lửa đắng đã nói rõ (giống như Cái sân gạchVụ lúa chiêm). Mặc dù cả 2 đều vào chung khảo Cuộc thi tiểu thuyết lần 2. Theo điều lệ giải, chỉ một được vào giải nên LĐ đứng đầu giải 3. LĐ & CC được nhiều nhà văn trong tọa đàm ở báo Văn nghệ coi là một hiện tượng văn học như Cù lao chàm, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn 20 năm trước đó. Lập tức chuyển thể thành phim truyền hình và phim lại được giải nhất do khán giả bình chọn năm 2007.

 Vì viết muộn nên tôi phải chọn một lối đi riêng cho mình. Tiểu thuyết đầu tay thường là tự truyện như Thép đã tôi thế đấy thì tôi chọn xu hướng đối thoại chính trị. Nhà phê bình Nguyên An đã chỉ ra rất đúng khuynh hướng này ở tôi. Còn TS Cao Thị Xuân Phượng (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) thì đánh giá: tác giả đã xông thẳng vào những vấn đề chính trị bức xúc nóng bỏng mà báo chí và dư luận quan tâm. Đã tranh luận, phản biện, truy đến cùng bản chất của sự việc và đã dự báo đúng sự thay đổi của “thời tiết chính trị”. Còn GS Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Hội ngôn ngữ Hà Nội thì đã hướng dẫn thành công luận văn Yếu tố quyền lực trong LĐCS&LĐ.

Cả 3 bộ tiểu thuyết của tôi ít nhiều đều theo xu hướng ấy, nhưng tập trung ở bộ đầu tiên. Đấy là vấn đề bức xúc của thời cuộc. Bí thư đã quyết định tối hậu thì phải có trách nhiệm tối cao chứ chỉ chịu trách nhiệm trước cấp trên thì… vô lí. Khi có thiệt hại xảy ra cho mỗi người, một nhóm người hay cộng đồng, cho đất nước thì nhất thiết phải có người chịu trách nhiệm. Đó là nguyên tắc tối thượng của nhà nước pháp quyền. Vấn đề nhất thể hóa được đặt ra xuất phát từ thực tiễn ấy. Thế nên lần đầu tiên trong văn học VN có các nhân vật với các chức danh rõ ràng chứ không ám chỉ: Bí Thư Thành ủy là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Bí thư và cả cố vấn Ban Chấp hành Trung ương nữa (nhân vật “Cụ”)

Không phải đưa các nhân vật này ra cho oai mà vì vấn đề có tính hệ thống ở tầm vĩ mô nên phải có những nhân vật ấy. Những nhân vật ấy không máy móc, khô cứng vì tác giả không có điều kiện quan sát thực tiễn nên phải sáng tạo hư cấu nhiều. Cái khó, cái nguy hiểm không phải chỉ ở xu hướng đối thoại chính trị dễ động chạm, hay bị quy chụp mà còn vì tác giả không có điều kiện tiếp cận các nguyên mẫu. Nhiều người đọc như ông Đặng Vũ Minh (chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT VN) bảo: là ủy viên Trung ương 2 khóa liền, tôi không thể hiểu được vì sao tác giả lại miêu tả được một Tổng Bí thư sống động như thế cả ngoài đời lẫn khi hội họp. Ngay cả nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng nhận xét: “anh miêu tả tôi đúng đấy. Người ta còn làm bài hát về tôi nữa kia” (2 giờ với nguyên TBT Lê Khả Phiêu – Văn nghệ 12/5/2012). Nếu thế thì LĐ chỉ mang tính hiện thực. Không thể mang tính dự báo được. Trong cuộc hội thảo toàn quốc tại TP.Hồ Chí Minh (2016) do Hội đồng lý luận phê bình VHNT chủ trì, khi trình bày tham luận của mình, có mặt nguyên mẫu tôi đã nói:

- Thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, nhân vật của tôi chỉ mượn hình hài, tính cách đồng chí ngoài đời thôi. Còn nhân vật Tổng Bí thư của tôi là nhân vật lí tưởng, bởi nhân vật dám trả lời phỏng vấn báo chí.

- Tôi nhắc lại khẩu hiệu: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật là trên hết. Không tổ chức nào, không cá nhân nào tự cho mình cái quyền đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật. Pháp luật phải như sợi dây điện trần. Ai động vào cũng bị giật. Đằng này, có người bị giật, có người không, mà người đó lại không có khả năng siêu nhiên gì thì nguy rồi, phải không các nhà báo? Tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cả pháp luật về ý kiến này. Một nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa phải như thế, không thể khác được. Công an, tòa án, viện kiểm sát cứ theo luật mà làm. Thẳng mực Tàu, đau lòng gỗ. Có câu thành ngữ thế phải không các nhà báo (tr 607).

Vấn đề tôi đặt ra là hệ thống bao gồm cả cơ chế, hệ điều hành cơ chế, con người của cơ chế nên kéo theo một loạt vấn đề: thi tuyển công chức vào các vị trí lãnh đạo, trưng cầu dân ý, người lãnh đạo không làm quá hai nhiệm kì, vấn đề cải cách tư pháp: công khai hóa việc xét xử của tòa án, cải tiến không tranh tụng trước tòa, vấn đề bồi thường trong các vụ án oan sai…, vấn đề môi trường ở nông thôn, chuyện đốt vàng mã, vấn đề phụ nữ đơn thân. Nhưng tính dự báo bao trùm lên cả hệ thống chính là nhất thể hóa các tổ chức cơ quan cùng một chức năng nhiệm vụ chúng ta đang làm. Những câu chết người thế này vẫn được chấp nhận “Không gì vô tổ chức bằng công tác tổ chức”, “Mất mùa đổ tai thiên, được mùa là tại thiên tài Đảng ta”, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, hưu trí điều hành, lão thành chỉ đạo”. Tính hiện thực, tính dự báo là ở đấy.

Không phải chỉ có các nhân vật có các chức danh như đã nói. Còn có việc miêu tả cuộc họp giữa tổng Bí thư và thường vụ mở rộng một  thành phố trực thuộc Trung ương. Giữa Tổng Bí thư và Bộ trưởng Tư pháp, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, giám đốc Đài truyền hình Thanh Hoa.

Chả thế, nhà văn Ma Văn Kháng đã coi LĐ là bức toàn cảnh hôm nay. “Đọc tác giả có cái thú vị là gặp ở đây một cuộc sống phong phú trên rất nhiều bình diện”… Có cảm tưởng nhà văn là một tác giả bách khoa. Anh có tầm hiểu biết sâu rộng mà động vào lĩnh vực nào cũng có thể bàn bạc giải trình một cách tỉ mỉ, thấu đáo. Mô tả hiện thực, vạch ra hướng phát triển các công tác Đảng, công tác chính quyền, công tác tư tưởng văn hóa, báo chí, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, tòa án, công an… là một thế mạnh của nhà văn có khuynh hướng hiện thực xã hội này.”

Ai cũng biết thế giới này cần nhìn nhận không phải một chiều như trước kia mà đa chiều, thậm chí trái chiều. Nhưng không phải gió chiều nào che chiều ấy. Mỗi người đều phải định hướng đi, hướng sống, định hướng viết của riêng mình và biết điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với xu hướng phát triển thời đại.

Ông còn nhận xét:“tác giả am hiểu nhiều mặt, kể cả các mặt trái, mặt tối tăm của cuộc sống hôm nay. Anh thông thạo đến chi li, ngóc ngách mọi mặt đời sống, từ cao sang tới tầm thường, kể cả những chuyện vặt vãnh trong thường nhật, thậm chí nhiều khoản đạt đến mức quái kiệt”.

…“Tiểu thuyết chính sự/thế sự thực sự đặt người viết vào tình thế khó khăn, bất lợi so với những đề tài phổ biến khác, nhưng tác giả đã biết dĩ bất biến ứng vạn biến tạo nên một lực hút tổng hợp mạnh mẽ, mới mẻ, đẩy cuốn sách vào giữa dòng đời sôi sục đổi mới của ngày hôm nay”. (Ma Văn Kháng).

Chả thế 8 nhà xuất bản từ bắc vào nam đã từ chối. Sách ra rồi còn bị Cục xuất bản báo cáo Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương là phạm húy, nhưng ý kiến của Ban là tâm thế người viết là xây dựng chứ không phải phá hoại.

Không phải ngẫu nhiên mà sau 8 năm ấn hành, LĐ là cuốn tiểu thuyết duy nhất Hội Nhà văn tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông về làm việc với Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN (năm 2016). Bởi trong bài tổng kết cuộc thi tiểu thuyết này, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá “Mảng văn học tham gia trực tiếp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập có những đại diện xuất sắc như Nguyễn Bắc Sơn… LĐ đã thành công về mặt thể loại”.

3. Nhờ gợi ý của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, tôi mới có ý dựa vào tự truyện trong bộ Gã Tép Riu (GTR). Tất cả các vụ việc nhân vật Xuân Tùng đấu với Ủy ban Nhân dân Thanh Hoa, với thứ trưởng, bộ trưởng và với các cơ quan công quyền và nhiều chi tiết khác đều là chuyện thật 100%. Chỉ thế thôi thì chẳng thể làm nên GTR được giải 3 của cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 (tập 1). Lại nhờ có người cho mấy chục phiếu phỏng vấn sâu do quỹ Pho tiến hành với đối tượng mua dâm, bán dâm, sau đó họp báo, ra thông cáo báo chí. Phải một năm sau tôi mới nghĩ được cách biến tư liệu này thành chất liệu tiểu thuyết. Vì thế GTR có phần tự truyện là nhân vật Xuân Tùng trong công việc. Còn các quan hệ của anh với phụ nữ là hư cấu hoàn toàn. Vợ tôi là bác sĩ, còn vợ Xuân Tùng là vụ trưởng rồi thứ trưởng, nhưng anh phải bỏ để lấy 1 cô vốn là cave, bị vợ đá hộc máu mồm ngay tại tòa vì trả lời tòa: sự khác nhau giữa hai người là: một người từng làm nghề bán trôn nuôi miệng, còn một người đang bán miệng nuôi trôn (Chương cuối).

Nhân vật trung tâm ở tập 2 của GTR này là Dự học sinh chuyên văn trượt đại học. Dù có vấp váp vẫn trở thành một con người lương thiện, sống bằng nghề nuôi dạy trẻ và bước đầu thành công trong việc viết văn. Nhưng quá khứ vẫn đeo đuổi. Gã Ti Hí Mắt Lươn với những thủ đoạn đê tiện không cho cô sống yên ổn trong nghề mới. Diệu Thủy vợ cũ của Xuân Tùng chạy theo  danh vọng hão đã nhận kết cục: mất hết. Chương kết của bộ GTR (hơn 600 tr khổ 16x24cm) có tên “Tổ chức… rất có tổ chức…” đối lập với câu “Không gì vô tổ chức bằng công tác tổ chức, một cuộc đối thoại chính trị giữa Người Thích Đùa và hai Vụ trưởng cấp trên thắng lợi theo quy luật, một minh chứng của tính dự báo nữa.

Bộ tiểu thuyết đầu đã mở hết biên độ đề tài đến cùng cực ở cấp vĩ mô thì bộ thứ 2 lại thu về cụ thể một gia đình công chức. Bằng cả thân xác và những thủ đoạn người tình bộ trưởng truyền cho, Diệu Thủy là minh chứng cho nghịch lí: Đằng sau sự thành đạt của người đàn ông có bóng dáng một người phụ nữ. Còn trong sự thành đạt của một người phụ nữ hãnh tiến có bóng dáng của nhiều người đàn ông. Rằng mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu, mười lần cơ cấu không bằng một lầngiao cấu. Là vi mô gia đình nhưng vẫn phản ánh hiện thực vấn đề trung tâm: công tác cán bộ với Diệu Thủy và người tri thức đích thực. Tùng không có chí làm quan, không có gan làm giàu, cũng không quá ham sắc dục, trong thâm tâm gã chỉ có một thích thú đặc biệt: hễ việc gì thấy đúng thấy hữu ích thì làm bằng được, không phải cho mình mà cho xã hộigã coi kết quả của công việc mới là giá trị đích thực của bản thân mình, phẩm giá mình. Mình chỉ là con tốt hỉn trong cuộc đời, nhưng là một con tốt với định tính trên bàn cờ là chỉ được phép tiến, không chịu lui một bước, không sợ bất cứ một thế lực cường quyền nàocó bị ra hội đồng kỉ luật thì cũng hiên ngang như Hoàng Văn Thụ ra pháp trường (tr 258 – 259).

Dù là đề tài gia đình nhưng đối thoại chính trị vẫn cứ hiển hiện, nhất là ở tập 2. Khi Người thích đùa đấu khẩu, đấu trí các quan chức. Tựu trung vẫn phải đạt được tính hiện thực, tính nhân văn cao như Ma Văn Kháng đã nhận xét trên và GTR hấp dẫn bạn đọc vì những câu chuyện mang ý nghĩa xã hội được viết bằng một ngôn ngữ hàn lâm đầy kịch tính và một phẩm chất hiếm hoi nữa: một giọng kể đậm chất hoạt kê, hóm hỉnh tươi ròng sự sống. Chúng tạo nên một không gian nghệ thuật luôn mới mẻ, không nhàm chán. Đó là của hiếm.” (Văn nghệ 22/3/2014).

4. Đến bộ tiểu thuyết thứ 3 Vỡ vụnCuộc vuông tròn (VV và CVTR) tác giả đã đổi mới thể loại bằng cách thay đổi kết cấu. Vỡ vụn (400 tr) là hai câu chuyện một gia đình (Chính - Thu) và một nhân vật xưng tôi với thần tượng, song hành trong cùng một tiểu thuyết. Suốt 38/41 chương, người đọc không biết nhân vật xưng tôi là ai. Hai tuyến tình tiết riêng biệt đan cài, tưởng như không dính dáng đến nhau như hai thanh ray song song nhưng lại cùng đưa con tầu đến đích. Hai người đàn bà đồng hành cùng một người đàn ông suốt bộ truyện (2 tập 68 chương trong suốt gần 800 tr sách) là hai cuộc tình có hôn thú và ngoài luồng của một người phụ nữ đơn thân. Tưởng là chuyện phi đạo đức hóa ra lại đúng Luật đời. Bởi một bên là bất đồng chính kiến, vợ học hàm học vị đầy mình, quyền cao chức trọng nhưng viển vông rỗng tuếch tôn thờ một  thần tượng chính trị khác. Chồng chỉ cử nhân, ngoài Đảng nhưng vô cùng hiểu biết về không gian nghệ thuật trong văn chương mà còn hiểu không gian vật lí trong khoa học, hiểu sâu sa thời gian và cả khái niệm không – thời gian đến mức học trò của vợ, một tiến sĩ, Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh ủy và cả tập thể thường vụ tỉnh phải tâm phục khẩu phục và bẻ gẫy tất cả những ngón đòn duy ý chí của hai ông Mỏng Toàn Diện, và ông Quy Trình - bia cổ rụt giáo điều, nông cạn, máy móc. Đó là cuộc đấu lí về quan điểm, nhận thức chính trị, xã hội, đạo đức không chỉ thời cuộc trong nước mà còn mở ra thế giới.

Đối thoại chính trị trong 2 chương: Tôi không phải là đảng viênÔng Quy Trình là điểm nhấn nổi bật của xu hướng đối thoại chính trị trong bộ tiểu tuyết thứ 3. Nhiều vấn đề có tính dự báo cũng được đặt ra như: các tỉnh đua nhau mở trường đại học; xuất khẩu lao động; khởi nghiệp; cảnh báo sản xuất, thóc gạo mà chuyển sang rau, củ, quả; cảnh báo về thiếu nước ngọt; nạn bổ nhiệm người thân… Nhưng tính dự báo lớn nhất chính là cách làm thế nào để những kẻ tham nhũng phải chịu nhả ra số lợi lộc đã tham nhũng (ông Quy Trình).

Vấn đề phụ nữ đơn thân là chủ đề quan trọng mang tính xã hội sâu sắc đã đặt ra từ bộ đầu, đến đây được giải quyết rõ ràng. Là hoàn cảnh thì được, là quy luật thì không ổn. Đôi Chính – Thu thế tất phải vỡ vụn vì mọi mối ràng buộc đã đứt hết chỉ còn trách nhiệm. Đôi Chính – Thảo tưởng như hai mảnh ghép rời rạc, lại thành cuộc vuông tròn như một quy luật tất yếu cuộc đời.

PGS. TS Đoàn Trọng Huy cho rằng: “Trong GTR và VV & CVTR tác giả đã thành công khá suất sắc trong việc đưa ra một điển hình trí thức mới, trí thức thời đại, thời đại của xã hội học tập, của nền kinh tế tri thức hiện nay” (Diễn đàn văn nghệ VN, tháng 8 năm 2017).

 …“Tác giả thành công trong nhiều sáng tác nhờ đã vận dụng ngôn ngữ khá linh hoạt và chuyên nghiệp của mình. Thông thạo thứ ngôn ngữ chính luận có bài bản, tinh tế, chuẩn xác, ông lại khéo kết hợp với lối khẩu ngữ dân gian hóm hỉnh, nghịch ngợm đời thường, một phẩm chất không phải nhà văn nào cũng có.” (Ma Văn Kháng).

Đóng lại ba bộ tiểu thuyết luận đề, theo khuynh hướng đối thoại chính trị tôi đã bắt tay vào một đề tài khác. (cũ với nhiều nhà văn chống Mỹ, nhưng mới với mình, dù cũng từng mặc áo lính): Lính tăng 195. Được viết theo quan niệm sáng tác của tác giả được Nobel văn học (năm 2016), bà không viết về lịch sử chiến tranh mà viết về tâm lí con người trong chiến tranh.

       N.B.S

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *