Ống kính phê bình

25/1
9:22 PM 2017

HỌA SĨ THÀNH CHƯƠNG, MỘT HOA GIÁP-MỘT TÀI NĂNG

Trần Vũ Long - 150 bức tranh, về cùng một chủ đề, không bức nào giống bức nào, được vẽ chỉ trong một tháng, quả là sự sáng tạo, sức làm việc phi thường đối với một họa sĩ. Người họa sĩ ấy đã vẽ như lên đồng, say mê quên thời gian.

Bằng tất cả trí tưởng tượng, cảm nhận về con gà trong đời sống, ông đã cho ra đời những bức tranh gà với nhiều trường phái khác nhau: trừu tượng có, tả thực có, lập thể có…nhưng vẫn thể hiện rõ nét bút pháp Thành Chương, khiến người xem không cảm thấy bị lặp lại, nhàm chán.

 

Khởi nguồn cho cơn “say gà” đó là một bức tranh gà khác của Thành Chương có tên “Đôi gà tồ”. Có thể xem bức tranh “Đôi gà tồ” giống như là động lực thúc đẩy niềm đam mê, khơi dậy tiềm năng hội họa trong con người Thành Chương thuở ban đầu. Quay ngược thời gian với 60 năm trước, khi đó họa sĩ Thành Chương mới chỉ là cậu nhóc 8 tuổi, yêu thích vẽ vời và đang theo học vẽ tại Nhà Văn hóa thiếu nhi. Vào một ngày đẹp trời Thành Chương đưa cho thầy giáo của mình xem bức phác thảo “Đôi gà tồ”, khiến cho thầy hết sức ngỡ ngàng. Thầy giáo đã khích lệ Thành Chương hòan thành bức tranh. Sau đó Nhà Văn hóa thiếu nhi đã lấy một số bức tranh đẹp nhất của các cháu để gửi dự thi cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế tổ chức tận bên Anh quốc. Và rồi, vào một ngày đẹp trời khác, cái tin cậu bé Thành Chương đã ẵm giải vàng trong cuộc thi vẽ tranh quốc tế với tác phẩm “Đôi gà tồ” đã khiến cho tất cả mọi người đều ngỡ ngàng. Ngay cả người thầy đã phát hiện ra tài năng và luôn luôn động viên học trò vẽ tranh cũng cảm thấy khó tin. Còn cậu bé Thành Chương khi đó cũng không thể hình dung là mình lại có thể giành giải thưởng tại một cuộc thi quốc tế lớn đến như thế. Sau đó, năm nào Nhà Văn hóa thiếu nhi cũng chọn tranh của Thành Chương để tham gia các cuộc thi, và cũng giành được một số giải thưởng. Đến ngày hôm nay, bức tranh “Đôi gà tồ” đó đã tròn một hoa giáp, cậu trò nhỏ ham mê vẽ tranh năm xưa nay cũng gần đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đã trở thành một họa sĩ tên tuổi không chỉ trong nước mà trên khắp thế giới; nhắc đến hội họa đương đại Việt Nam là không thể không nhắc đến họa sĩ Thành Chương. Nhắc đến Thành Chương là nhắc đến sự nỗ lực không ngừng để tìm tòi, đổi mới trong tư duy và trong bút pháp nhưng vẫn mang âm hưởng của văn hóa dân tộc. Thành Chương đã không ngừng nghỉ trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình với một tâm niệm mà đã có lần ông chia sẻ với bạn bè là phải vẽ thật nhiều tranh đủ để dán kín quả địa cầu này, và tất nhiên đó phải là những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật. Những nỗ lực đó của Thành Chương đã được đền đáp một cách xứng đáng với khối lượng khổng lồ các tác phẩm của ông đã được treo khắp nơi trên thế giới, với tên tuổi khiến cho giới hội họa khắp năm châu phải kinh nể.

 
 

Để kỉ niệm 60 năm ngày bức tranh “Đôi gà tồ” ra đời, và quãng đời dấn thân vào con đường hội họa của họa sĩ Thành Chương, vừa qua, ngày 20 tháng 1 năm 2017, trong khuôn khổ Hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair tại nhà triển lãm số 1 phố Lương Yên, Hà Nội, đã dành riêng một không gian để treo 60 bức tranh được chọn trong tổng số 150 bức tranh gà của họa sĩ Thành Chương, với chủ đề “60 năm Đôi gà tồ”. Tại đây, Họa sĩ Thành Chương đã làm cho người xem “bị sốc” về tài năng sáng tạo của mình, đặc biệt là với những bức tranh sơn mài như dẫn dụ người xem bước vào một thế giới huyền ảo của thế giới màu sắc và bố cục. Thành Chương đã đưa người xem tiếp cận với hình ảnh con gà vốn rất gần gũi trong đời sống ở một đường nét khác, một vẻ đẹp khác, một trí tưởng tượng khác. Và điều đặc biệt hơn cả đó là tất cả bức tranh gà của Thành Chương đều chứa đựng yếu tố dân gian từ nét vẽ đến màu sắc, bố cục, nên cho dù đó có thể là một bức tranh trừu tượng hay lập thể nhưng người xem vẫn nhận thấy được sự gần gũi, ấm áp từ hình ảnh con gà quá đỗi quen thuộc. Tại buổi, triển lãm này người thầy năm xưa của họa sĩ Thành Chương, đó là thầy Ngọc Cơ, nay đã bước vào tuổi 80 đã đem tặng lại họa sĩ bức phác thảo “Đôi gà tồ” của cậu học trò nhỏ năm xưa, mà ông vẫn trân trọng lưu giữ. Nói về người học trò cũ của mình, thầy Ngọc Cơ không ngừng nhắc đến hai chữ tài năng với vẻ vô cùng thán phục.

 

 

 

 

 

 

 

Giải thưởng quốc tế của 60 năm trước như sự mở màn đầy may mắn, để từ đó họa sĩ Thành Chương tiếp tục giảnh nhiều giải thưởng quốc tế danh giá khác. Nhưng để làm được điều đó là bao mồ hôi công sức, trăn trở sáng tạo trên con đường nghệ thuật trong suốt 60 năm qua của họa sĩ Thành Chương. Họa sĩ Nguyễn Quân đã nhận xét về Thành Chương như sau: “Người ta sẽ còn trở đi trở lại với đề tài Thành Chương, hội họa Thành Chương hay sơn mài Thành Chương song chắc chắn ông đã tròn vai của họa sĩ Đổi mới… Với cá tính sáng tạo và phong cách riêng biệt, Thành Chương có một vị trí độc đáo, vững chãi trong hội họa Việt Nam, đóng góp vào sự Đổi mới mà ông mong mỏi: một trường phái hội họa Việt Nam riêng biệt”.

Nguồn: Văn Nghệ

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *