HÓA GIẢI CÔ ĐỘC- TỪ ĐỌC CHẬM ĐẾN SỐNG CHẬM
Những sáng tạo thi ca chỉ có thể lóe lên trong thăm thẳm của sự cô đơn, trong mênh mông vô hạn bao bọc cá thể, trong những trải nghiệm máu thịt của cá nhân… làm nên đặc trưng của loại hình ngôn từ nghệ thuật này. Đọc thơ Nguyễn Việt Chiến, là gặp một “khách trọ”[1] lưu đầy trong nỗi cô độc, ý thức rất rõ phận mình nhưng đường về đã mịt mờ cát trắng!
Tước bỏ đi những lớp tiền niệm giăng lên bởi ngôn từ, những ảnh tượng thi ca được tu sức bằng trí tưởng, còn lại trong thế giới của Nguyễn Việt Chiến một cá thể cô độc, đang cố gắng để huyễn mị chính mình, nhưng càng cố gắng càng cô độc. Cái tôi mang nghĩa đại diện đã không dấu được bản mệnh của mình là một kiếp lưu đầy, một linh hồn lưu lạc khởi sự từ đêm không giờ (Mưa lúc không giờ - 1992). Qua những Ngọn sóng thời gian (1998), cái tôi ấy càng nhận ra thân phận Cỏ trên đất (2000), muốn làm Những con ngựa đêm (2003) để trở về, chầm chậm sống lại vùng trăng nguyên sơ đã vỡ (Trăng và thơ đọc chậm - 2012). Nhưng, trong những khát vọng tìm về, những huyễn tưởng tự ru vỗ ấy, Nguyễn Việt Chiến vẫn bị nhắc nhói bởi bản chất không thể nào thoát ra được. Từ cái đêm ra đi trên vùng trăng vỡ thuở xưa (Tiếng trăng), cho đến khi “Ngủ nơi chớp bể mưa nguồn đêm đêm” (Ngọn sóng thời gian), “Giữa vòng tay thành phố”, kẻ mang giọng LÀNG ấy nhận ra “Ta là kẻ lưu đầy trong nhẫn nhục” (Khúc hát). Thơ của Nguyễn Việt Chiến là cấu trúc của những ám ảnh, những dằn vặt về nỗi cô đơn, về thân phận lưu lạc, về nỗi bất lực trên con đường trở về. Đọc thơ anh, trong thế giới được hình dung ấy, có thể thấy trội lên những vùng mỹ cảm về thơ ấu, về phố, con người, chiến trận, những đứa trẻ trên mặt đất… Đó là những ám dụ về thế giới, những không gian, những chủ thể của lịch sử. Dù ở chặng nào, cái tôi của Nguyễn Việt Chiến vẫn thấy cô độc, vẫn bị ám ảnh, bị đe dọa:
Anh tới ngồi bên những vì sao xa vắng
Khẽ hát bài ca cô đơn của những người luôn thất bại
(Khúc hát)
Chỉ còn nỗi cô đơn và thơ sinh ra từ đấy. Nỗi cô đơn trở thành tâm thức trữ tình của thi sĩ bởi chính trong cô đơn, cái tôi bản thể hiện hữu đầy đủ nhất. Phổ niệm ấy bao trùm lên đời sống tinh thần của con người cá nhân, nhất là trong bối cảnh hiện đại, công nghiệp và hậu công nghiệp. Từ nỗi cô đơn, Lê Đạt đuổi theo bóng mình, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng lặn sâu vào chữ, Nguyễn Duy làm một “thảo dân” mơ giấc mơ quê nhà bên lề đời bụi bặm, Mai Văn Phấn tìm về Cửa Mẫu để tái sinh, Trương Đăng Dung cô đơn trầm tư về hiện hữu, Nguyễn Bình Phương viết vào đời câu cách ngôn bí ẩn, Vi Thùy Linh cô đơn khát, Miên Di lặng lẽ mang về nơi đang đến những gì để lại lúc đi qua… Còn Nguyễn Việt Chiến, trong cô độc anh mơ những vùng trăng tan vỡ, nằm dưới sao trời lắng nghe nghịch lý của phố phường. Đó là chủ âm, trạng thái mỹ cảm thường trực, là tư thế trữ tình của một hình nhân lưu đầy.
Cảm thức chủ đạo trong thơ Nguyễn Việt Chiến như đã nói là những mộng mơ giữa lưu đầy của một cá nhân cô độc. Bên cạnh chủ lưu này, còn có những dòng mỹ cảm khác gắn với trách nhiệm công dân, con người chính trị xã hội… Đó là câu chuyện của một lần khác khi trở lại cùng Nguyễn Việt Chiến. Vấn đề quan trọng hơn là trong nỗi cô độc của mình, Nguyễn Việt Chiến luôn có ý thức cách tân chữ nghĩa để làm mới, để kiếm tìm ý nghĩa của hiện hữu, kháng cự lại tình thế lưu đầy. Dõi theo những sáng tác của anh từ tập thơ đầu (Mưa lúc không giờ - 1992) đến tập thơ gần đây (Trăng và thơ đọc chậm - 2012), điều không thể không nhận ra là Nguyễn Việt Chiến đã có nhiều dụng công về hình thức nghệ thuật. Trong những bàn luận ngắn này chúng tôi muốn nói đến tư duy kiến tạo nhịp điệu lục bát như là một khía cạnh rõ nhất trong cách tân hình thức thể loại của Nguyễn Việt Chiến.
Thể thơ lục bát vốn không xa lạ trong mỹ cảm cộng đồng Việt. Những thành tựu của thể thơ này gắn với những “thái sơn bắc đẩu” như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, dịch giả Chinh phụ ngâm… Trong bối cảnh đương đại, lục bát cũng gắn với Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Văn Thùy, Đỗ Trọng Khơi, gần đây là Mật thư của Nguyễn Thế Hoàng Linh và tập thơ của Miên Di… Nguyễn Việt Chiến không phải là một cây lục bát, cũng không “ký cược” thi nghiệp của mình vào lục bát, nhưng anh có những bài lục bát để đời: Tiếng trăng, Cát đợi. Cùng với lục bát, người ta còn thấy Nguyễn Việt Chiến miên man, dịu dàng với thể thơ 4, 5 chữ, trầm tư không dứt với thể tự do… Với riêng thể lục bát, cách tạo nhịp bằng dấu chấm thực sự đã có hiệu quả trong việc điều tiết hơi thở, đặt người đọc vào tình thế phải “đọc chậm”. Sẽ không khó để nhận ra, đọc chậm là một đòi hỏi có tính tiên nghiệm của chủ thể sáng tạo đặt lên chủ thể tiếp nhận. Đọc chậm là cách để người ta sống trong không gian thơ, trải nghiệm một cách sâu sắc hơn những ấn tượng thi ca:
Tiếng ngàn xưa. Đã lặng im
Nhịp chày Yên Thái. Ngủ quên. Tháng ngày
May. Còn Trấn Quốc. Chùa đây
Tiếng chuông. Trên sóng. Vọng đầy khói sương
(Thương nhớ sâm cầm)
Đổi nhịp lục bát truyền thống (nhịp chẵn), gieo dấu chấm vào giữa dòng thơ, ấn định nhịp là cách mà Nguyễn Việt Chiến buộc người đọc phải tuân thủ ý niệm sáng tạo của anh. Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đấy, cũng không đơn giản như vậy. Tư tưởng của Nguyễn Việt Chiến gợi lên từ những dụng công ấy là một thông điệp văn hóa. Trong bối cảnh sống của con người đương đại, khi tốc độ trở thành một biểu hiện của sinh quyển hiện đại, nhiều giá trị đã bị lướt qua, bị bỏ rơi hay không có cơ hội được chiêm ngẫm một cách thấu đáo. Từ đọc chậm đến sống chậm là cách để con người cảm nhận được sự sống. Hóa ra, tốc độ, sự kết nối đa phương tiện lại chưa hẳn là cách thức để con người sống được nhiều hơn (chưa nói đến sống ý nghĩa hơn). Sống chậm mới là sống sâu sắc từng giây phút của hiện hữu. Cái dấu chấm giữa chuỗi lời kia khiến cho mọi thứ không trôi tuột đi, như là tiếng chuông còn ngân rung trên mặt sóng lãng đãng khói sương. Một cái tôi cô độc sống giữa muôn vàn cá thể cô độc khác, vậy nên Nguyễn Việt Chiến tha thiết níu giữ những nhân hình đang vội vã lướt qua cuộc đời. Tâm thế ấy anh dồn vào hình thức lục bát như là một sứ điệp gần gũi nhất của hồn dân tộc:
Hẹn em. Ở. Hội Chùa Thầy
Tháng Giêng. Lại gặp đò đầy. Chùa Hương
Trái mơ tơ tưởng. Còn vương
Thẹn thò. Ngực áo đẫm sương. Tơ tằm
Nón Chuông. Buông. Mắt lá dăm
Em. Xuôi đò dọc. Anh. Lầm đò ngang
(Mây tơ tằm)
Đọc thơ Nguyễn Việt Chiến thấy được những hiền lành tha thiết, những đăm đắm suy tư và mộng tưởng về cuộc đời, con người và các giá trị cốt thiết làm nên sự sống. Lưu đầy trong nỗi cô đơn, trong hoàn cảnh sống tha hóa, đánh mất những vùng trời bình yên thuở nguyên sơ, cố níu giữ tâm hồn con người... thơ Nguyễn Việt Chiến đã vận hành từ mỹ cảm cá nhân đến vấn đề có tính phổ quát của xã hội, cộng đồng, từ trường thẩm mỹ thơ ca đến trường văn hóa của thời đại. Trong ý niệm ấy, nỗi cô độc được hóa giải!
(Trang Văn học Quê nhà- Báo điện tử Tổ quốc)
NGUYỄN VIỆT CHIẾN- mỘT NGƯỜI CÁCH TÂN THƠ THẦM LẶNG
Mai Anh Tuấn (Khoa sáng tác-lý luận phê bình Đại học Văn hóa)
Thoạt nhìn, thơ như là phái sinh trong nghiệp cầm bút của Nguyễn Việt Chiến. Bởi lẽ, viết báo mới là hoạt động chủ yếu và đồng thời, là hoạt động xác định tư thế công dân của ông rõ ràng, quyết liệt hơn cả. Tuy nhiên, sự thực, thơ mới là cách để ông hoàn thiện chính mình, cũng là cách để tiếng nói công dân đạt đến các chiều kích sâu rộng mà đời cầm bút hiếm khi có được. Nguyễn Việt Chiến, dưới danh vị nhà báo, là danh phận thi sĩ kiêu hãnh cô đơn, người sớm cát cứ tâm hồn mình hóa lẫn trong những hạt cát thầm lặng để phụng hiến một nghĩa lí trần đời: Câu thơ như cát mỗi chiều/ Đem theo chút ấm nắng nghèo vào đêm (Cát đợi)
Cũng như thế hệ mình, Nguyễn Việt Chiến sớm rời ghế nhà trường để bước vào chiến trường. Những trải nghiệm ngắn ngủi nhưng khốc liệt của cuộc chiến, một mặt, hằn sâu vào kí ức người cầm bút cựu chiến binh như thực tế bỏng rát nhất, mặt khác, là căn cớ thúc đẩy anh ta vấn đáp nội tâm, vấn đáp xung quanh và bứt phá lên như một người phát ngôn, người bình luận. Nguyễn Việt Chiến có được cơ hội và khả năng đó, dẫu muộn, nhưng đã không đứt gãy. Bốn mươi tuổi, ông xuất bản tập thơ đầu tiên, Mưa lúc không giờ, đã lạ, đã dự phóng trái chiều. Hơn chục năm sau, qua những Ngọn sóng thời gian và Cỏ trên đất, Nguyễn Viễn Chiến đã chính thức độc hành với Những con ngựa đêm. Tập thơ này, sự dày dặn hẳn là một lệch chuẩn thông thường, song, đáng nói hơn, chủ hướng cách tân thơ mới đích thực là mã lực để nó tạo bước rẽ ngoặt trên hành trình sáng tạo, tức cuộc thực nghiệm đã thuần thục và những truy đuổi tận cùng trong tư tưởng đã có mặt hợp lí ở cách lựa chọn khai phá. Chỉ với một sự vạm vỡ, bề thế và chồng chất những hình tượng, tiết tấu, ngồn ngộn ý tưởng…, Những con ngựa đêm, tự nó, bộc lộ ý muốn tiếp nối và chinh phục những cách tân thơ của tiền nhân còn dang dở, dĩ nhiên chưa thể mĩ mãn, nhưng đã là điểm chuyển dịch quan trọng trong tiến trình thơ Việt Nam đầu thế kỉ XXI.
Những con ngựa đêm, tuy vậy, dường như bị lãng quên, và nó vẫn là “kẻ lạ” ngay cả trong trường sóng thu nhận nó một cách chân thành. Chỉ biết, chính nhờ sự nhạy cảm cách tân trong sáng mà liền đó, Nguyễn Việt Chiến, với tư cách là người tuyển chọn và thẩm bình, đã làm nên tập tiểu luận Thơ Việt tìm tòi và cách tân 1975 – 2005. Tập tiểu luận này càng chứng tỏ, với ông, tìm tòi đổi mới thi ca có tính sống còn và như là kết quả của lao động miệt mài trên chính chuỗi điểm hội tụ giữa mình và các thế hệ.
Gần như là phẩm tính, thơ Nguyễn Việt Chiến chứa sẵn những vùng xoáy suy tư, ngẫm nghĩ, những bình luận và cảm luận. Chúng, thuở ban đầu, được sinh thành từ suy ngẫm về cuộc chiến, tỉnh táo và hoàn toàn chính kiến: “Chiến tranh là nơi ngọn cỏ/ Cao hơn tất cả chúng ta/ Những người lính bị đốn ngã/ Xanh xao hơn mọi hận thù” (Ký ức). Về sau, khi biên độ cảm luận nới rộng và trở nên phức tạp, thì cái đẹp, cái thật, cái giá trị… được tham chiếu, được thấu thị: “Hiền nhân và bạo chúa/ Thành bụi đất cả rồi/ Phù điêu nung từ đất/ Chỉ tạc hình em thôi” (Phù điêu cổ).
Trong nhiều đối tượng hối thúc trí nghĩ nhà thơ lí giải, dò thấu thì con người là đối tượng gây nên nhiều bất lực nhất, đồng thời, cũng là nồng nàn, day dứt và thấm đẫm cảm xúc nhất. Bằng linh cảm và lòng quả cảm của mình, Nguyễn Việt Chiến tự phác thảo: “Con người/ – Kẻ suốt đời bị thương”; tự thú nhận: “Chúng ta không thể nào hiểu được ngôn ngữ của loài kiến/ Con người bất lực trong cách giải thích/ Bởi chúng ta chẳng có gì cả/Ngoài cát và mưa, và cỏ, những nỗi buồn…(Ánh sáng); tự định lượng: “Tôi cầm chính cả tôi lên/ Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu”, và tự phân bua: “Ở miền đất chật dân đông/ Rối phải xuống nước để mong thành người”… Con người, rút cuộc, không thể đem lại góc nhìn thuần nhất và người viết, khi đã can dự vào những cật vấn về hạnh phúc, nỗi buồn khổ, cô đơn… của tha nhân thì chính anh ta, qua bản tường trình đồng vọng, đã hé lộ hành trạng thân phận cá nhân. Nguyễn Việt Chiến có bổn phận gìn giữ hành trạng ấy bởi một “niềm tin lành lặn” và bởi, như cỏ và cát, sự vĩnh hằng vẫn dành chỗ cho vẻ đẹp nhỏ bé, mỏng manh.
Để các ý tưởng, các luồng suy nghĩ va chạm, cọ xát, cấu trúc thơ Nguyễn Việt Chiến có sự đối lập từ tiêu đề như cách để làm rõ khái niệm: Những con ngựa đêm và trăng; Hầm tránh bom và kem ốc quế; Bản Cong – xéc – tô viết cho lưỡi dao mổ… và một sự hô ứng từ bên trong: Có dáng dấp một bản giao hưởng, với các đoạn khúc khác nhau để tạo thành các lớp sóng, báo hiệu sự giằng co giữa cái đa tôi vô hình trong một cái tôi hữu hình. Trong tập Những con ngựa đêm, có khá nhiều bài thơ chứa đựng đặc tính này: Trận mạc, Ánh sáng, Đêm, Trẻ em trên mặt đất, Phố…
Trong vẻ khép kín bởi sự vận động liền mạch của nhịp điệu và ý tứ, chúng vẫn phô diễn sự cân bằng giữa tính ngẫu hứng và kỉ luật. Ngẫu hứng chờ đón các lát cắt mới đính vào văn bản và kỉ luật bởi không có sự ráp nối nào là không chịu sức ép của lí trí. Đọc thơ Nguyễn Việt Chiến, vì thế, dễ thấy đuối hơi, tri giác phải được dìm kín trong sự hỗ trợ của cảm giác một cách liên tiếp. Không khoan nhượng, ở khía cạnh nào đó, cũng là hạnh phúc của người đọc thơ ông.
Nguyễn Việt Chiến tỉnh táo: Trước vô cùng năm tháng/ Thơ mình sương khói thôi. Nhưng quả thật, ông là một người cách tân thơ thầm lặng!