CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN-TÁC PHẨM: NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Có lẽ đến nay,Trần Đăng Khoa là một trong số ít nhà thơ viết nhiều nhất và thành công nhất về Trường Sa - quần đảo bão tố, nơi những người lính đang phải ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo về từng tấc đất, từng thước biển thiêng liêng của Tổ quốc. Anh đã có thời gian là lính hải quân có mặt ở quần đảo này và là nhà thơ đầu tiên có thơ về Trường Sa.
Ở bài viết này, tôi muốn khảo sát toàn bộ mảng thơ viết về quần đảo bão tố này của Trần Đăng Khoa và những đóng góp của anh cho thơ Việt Nam đương đại ở đề tài biển - đảo đang là mối quan tâm đặc biệt của cả dân tộc về chủ quyền quốc gia trong những năm tháng này.
Ngay trong bài thơ đầu tiên viết về Trường Sa đầu những năm 80 của thế kỷ trước, có thể nói với cái nhìn tiên tri của nhà thơ, Trần Đăng Khoa trên quần đảo này đã thấy trước cuộc chiến bảo vệ Trường Sa sẽ rất khốc liệt trong thời điểm:
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng
Chỉ tám năm sau, trận chiến đấu tại Gạc Ma, Trường Sa năm 1988, sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân trong mưa đạn quân thù đã minh chứng cho lời thơ đau đớn ấy. Chắc tác giả cũng không lý giải được vì sao trong bài Thơ tình người lính biển - một bài thơ tình yêu da diết của mình lại đột ngột hiện lên hai câu thơ đầy dự cảm xót xa ấy. Chưa dừng ở đó, trong bài thơ tiếp theo Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn viết năm 1981 (đoạt giải nhất cuộc thi báo Văn Nghệ năm 1982), Trần Đăng Khoa đã dựng lên hình ảnh đầy gian lao của những người lính biển:
Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi
Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...
Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền
Những người lính khi ấy khó mà nghĩ được rằng chỉ 7- 8 năm sau, quần đảo Trường Sa yên bình ngày trước trở thành điểm nóng nhất trên bản đồ đất nước, nơi các thế lực ngoại xâm sẽ đổ quân vào. Nhưng với nhà thơ thì khác, Trần Đăng Khoa trong bài thơ viết về những người lính ngóng mưa rơi giữa đại dương đã khẳng định một điều, họ sẽ trụ vững trước mọi thử thách, bão tố “Như đá vững bền, như đá tốt tươi”:
Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi
Lòng thắc thỏm niềm vui không nói hết
Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm, chúng tôi chẳng thích đâu
Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu
Hay mưa bụi... mưa li ti... cũng được
Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước
Một giọt nhỏ thôi, cát cũng dịu đi nhiều
Ôi hòn đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập nhịp tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi...
Những năm 80 ấy, đời sống của người lính hải quân trên các hòn đảo chìm ở Trường Sa có vô vàn cực nhọc khi khan hiếm nước ngọt, khan hiếm rau xanh, khan hiếm thức ăn, khan hiếm đủ mọi thứ chứ không được đầy đủ vật chất như bây giờ. Và, những người lính khi ấy đôi khi phải liều mạng bơi xuống biển đối mặt với loài cá mập hung dữ để kiếm cái ăn mà trong bài thơ Đoạn văn xuôi chép ở đảo chìm, Trần Đăng Khoa đã kể về câu chuyện đó:
Có gì đâu, chiều ấy trong lều bạt
Cơn sốt thuở Trường Sơn quật tôi tái tê người
Anh bạn bên tôi hết đứng lại ngồi
Không sao yên lòng được
Đảo vẫn còn chìm dưới ba mét nước
Măng khô hết rồi. Chỉ thăm thẳm biển xanh
Lưới chẳng có mà cá vờn trước mặt
Biết tìm đâu ra một bát canh?
Lựu đạn bất ngờ nổ banh ruột nước
Cá từng đàn bỗng nổi trắng như sao
Anh bạn tôi nhào ra vớt cá
Trong lúc xung quanh lũ mập cũng lao vào
Những ánh chớp đen nhoáng nhoàng trong nước
Thôi, bạn ơi, vài con cá bõ gì
Hãy vứt lại, lên ngay lều bạt
Bạn mỏng mảnh thế này... mập dữ tợn nhường kia...
Nhưng bạn tôi vẫn quần nhau với mập
Biển sủi tăm. Tanh ngắt. Đục ngầu
Trong khoảng nước nông, bạn tôi bơi đứng
Mập chỉ chờn vờn, chẳng bớp được đâu
- Sao lúc ấy nó không húc cậu
Rồi nuốt luôn khi cậu mất thăng bằng?
Tôi hỏi bạn lúc ngồi bên xoong cá
Thấy bạn vui mừng, lòng tôi vẫn băn khoăn
- Cái giống mập chẳng có gì đáng sợ
Tuy dữ dằn nhưng lại rất ngu
Nếu mà chúng khôn ranh như thế
Mình sống làm sao được đến bây giờ!
Bạn tôi cười. Hồn nhiên như trẻ nhỏ
Rồi giọng lại vang ầm át cả sóng biển khơi:
- Cậu hiểu không, tớ chỉ sợ người thôi
Nhất là khi người biến thành cá mập!
(Đảo Thuyền Chài, 3/1982)
Về thơ Trần Đăng Khoa có nhiều điều để nói. Có không ít người cho rằng, thành tựu văn học chính của anh là thơ “thần đồng” và anh là “vua” thơ thiếu nhi thời kháng chiến chống Mỹ. Tôi lại nghĩ hơi khác, chỉ với loạt bài thơ viết về quần đảo bão tố Trường Sa, trong đó có mấy bài được trao giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1982, Trần Đăng Khoa đã sớm ghi dấu ấn độc đáo của thơ mình vào thi ca đương đại như một chứng nhân, một thi sĩ công dân trên quần đảo bão tố, và thơ anh về Trường Sa sẽ còn được nhắc đến trong nhiều năm tới.
(Nguồn: Thơ Việt Nam tìm tòi&cách tân 1975-2015 của Nguyễn Việt Chiến)
THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA
ĐỒNG ĐỘI TÔI TRÊN ĐẢO THUYỀN CHÀI
Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời
Đến một cái gai cũng không sống được
Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút
Đêm trong lều như trôi trong mây...
Những con chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ quá, cánh bay như bão thốc
Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh...
Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi!
Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài..
THƠ TÌNH NGƯỜI LÍNH BIỂN
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời, nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên...
LÍNH ĐẢO HÁT TÌNH CA TRÊN ĐẢO
Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa
Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
Đá củ đậu bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn...
Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau
Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thôi lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh
Hoá ra là sư cụ hát tình ca
Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhình nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như đảo đá cất thành lời...
Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng. Hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình
Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Tóc em ngắn hay dài? Có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước
Nào hát lên cho mây nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai...
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này
Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu...
Đảo Sơn Ca, tháng 5/1982
HÁT VỀ MỘT HÒN ĐẢO
Đảo à, đảo ơi!
Đảo à, đảo ơi!
Biển vẫn chao như đưa nôi
Biển vẫn âm thầm như người mẹ sáng tạo
Cho Tổ quốc ta có thêm một hòn đảo
Ngày mai, đảo sẽ nhô lên
Sẽ có cuộc đời, sẽ có tên
Sẽ có con đường cho anh gặp em
Có ngôi nhà dưới vòm cây mát
Có nước ngọt. Đấy là điều tuyệt nhất
Có thể gội đầu. Có thể uống no say
Có thể tặng nhau cả một giếng đầy...
Hát lên đảo ơi, những niềm tin giản dị
Đã ánh lên trong sắc nước xanh ngời
Đã lung linh trước căn lều bạt
Đảo à, đảo ơi...
Chúng tôi đứng đây trần trụi giữa trời
Dưới chân sóng mây. Trên đầu sóng nước
Chim đập cánh quạt vào cửa bạt
Nhưng ở xa thì chẳng thấy gì đâu
(Chỉ có đại dương đen sẫm một màu
Chảy vật vã dưới sắc trời tỉnh táo)
Không thể nào nhận ra hòn đảo
Sống bừng bừng dưới màu nước âm u
Không thể nhận ra căn lều bạt hoang sơ
Đứng xập xòe trên đại dương nhàu nát
Trông ngẩn ngơ như cái lều chăn vịt
Ai bỏ quên giữa mặt ruộng đang cày
Nhưng dưới chân lều bạt hoang vu này
Thủy triều chảy băng băng qua đỉnh đảo
Tổ quốc của tôi đang âm thầm sáng tạo
Một ngày mai cho tất thảy mọi người
Đảo sẽ nhô lên giữa biển, giữa trời
Có hạt thóc, củ khoai, ngọn rau muống luộc
Có Viện nghiên cứu Hải dương học
Có sân khấu xây
Mây cánh kiến mở màn cho em hát
Có tuổi trẻ và tình yêu. Đấy là điều tuyệt nhất
Sự sống lại hồn nhiên trong tiếng trẻ con cười
Sự sống lại sinh sôi bền vững đến muôn đời
Việt Nam đấy. Bao giờ cũng lạ
Tôi muốn nói một điều gì với biển cả
Về dải đất liền hùng vĩ phía sau tôi
Đảo à, đảo ơi...
Chúng tôi ngồi đây, quần tụ giữa trời
Cuộc đời lính có niềm sung sướng lính
Mỗi đứa một quê
Thằng ở đồng chua
Đứa ngoài nước mặn
Vùng quê nào cũng nhiều kỷ niệm
Chia nhau nỗi nhớ nhà
Chia nhau tin vui
Về một cô gái làng khểnh răng hay hát
Vầng trăng lặn dưới chân lều bạt
Hắt lên chúng tôi ướt đẫm vàng
Chúng tôi coi thường gian nan
Dù đồng đội tôi có người ngã trước miệng cá mập
Có người bị vùi dưới cơn bão dữ tợn
Tuổi trẻ là tuổi làm việc lớn
Ngày mai đảo sẽ nhô lên
Đất nước Việt Nam, một lần nữa nối liền
Những quần đảo long lanh như ngọc dát
Nói chẳng đủ đâu, tôi phải hát
Một bài ca bằng nhịp trái tim tôi
Đảo à, đảo ơi...
Chúng tôi rất đông, mười tám, đôi mươi
Sâu sắc và vô tư như bầu trời
Tỉnh táo và đắm say như bầu trời
Màu áo lính hát niềm tâm sự lính
Biển nóng nảy nhưng chúng tôi trầm tĩnh
Những con sóng ngầm đến đây phải bục dậy bất ngờ
Đổ ầm ầm trên mép san hô
Kẻ thù đến đây cũng phải lộ mặt
Những đường đạn ngọn sắc
Sẽ bay ra từ hướng chúng không ngờ
Hát lên đảo ơi, những niềm tin giản dị
Đã ánh lên trong sắc nước xanh ngời
Đã lung linh trước căn lều bạt
Đảo à, đảo ơi!
Đảo Thuyền Chài, 4/1982
GỬI BÁC TRẦN NHUẬN MINH
Bỏ làng ra thành phố
Hai anh em thợ cày
Thân cũng như hoa cỏ
Hồn gửi vào gió mây
Người bảo bác theo Đỗ(*)
Em phải học Lý thôi
Bác đã bay dưới đất
Em đành đi trên giời
Bác âm thầm chìm nổi
Cùng kiếp người lang thang
Em lông nhông bầu bạn
Với kiến đen chó vàng
Bao nhiêu là giun dế
Đã khiêng vác em lên
Tên tuổi em xủng xoảng
Những mõ ran trống rền…
Bác làm bông lau tàn
Thả hồn vào hoang vắng
Khi buồn thì hát ca
Lúc vui thì im lặng
Em quấy bầu trăng gió
Bác gánh bao nỗi người
Sánh đôi mà đơn độc
Đi mang mang trong đời
Giờ thì em đã chán
Những vinh quang hão huyền
Muốn làm làn mây trắng
Bay cho chiều bình yên
Trả niềm vui cho cỏ
Trả nỗi buồn cho cây
Lại áo tơi nón là
Ta về với luống cày
Đất trời thì chật hẹp
Làng quê thì mênh mông
Thung thăng em với bác
Ta cưỡi thơ ra đồng.
_____________________
(*) Đỗ Phủ và Lý Bạch là hai thi sĩ có phong cách rất khác nhau ở đời Đường.