Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Sống với Ôsin" - Ninh Kiều

08-12-2011 03:06:47 PM

Nhà em gái tôi ngày đêm kéo cửa sắt im ỉm. Đóng để ngừa kẻ gian song nắng gió vẫn vào và từ trong nhìn ra thấy thấp thoáng đường phố nhộn nhịp, sau hàng rào hoa ti-gôn màu hồng.

"Nó lấy chồng ở tuốt trong đồng, con Mật, chị còn nhớ không ?"

 Tự nhiên tôi quay nhìn ra cửa, nhớ... ôsin.

 Khi tôi rời nhà ra sân bay, Mật đứng sau cửa sắt nói vói theo "cô về lần tới, con còn ở đây mà", như một lời ước hẹn.

Năm ấy, trong vòng mấy tháng tôi đã làm quen đến…"bốn ôsin phải không em ?" Em tôi xoè mấy ngón tay "Bảy nè, Luyến nè, Bopha nè", rồi dừng lại ở ngón đeo nhẫn "Mật là bốn. Chị đi rồi, nó còn ở được với em gần cả năm, sau đó má nó bịnh…"

                                                                         *

Bảy làm ôsin trong gia đình em tôi lâu nhất. Khi đến, ba mươi bốn tuổi, chưa chồng, khi rời, ba mươi tám, cũng chưa. Là người đã săn sóc mẹ tôi trong mấy ngày cuối đời không được khoẻ "con chiêm bao thấy bà về mặc áo dài gấm vàng lúc liệm, bà đứng ở ngưỡng cửa nhìn vào nhà hỏi con sao không bới cơm cho bà. Thiệt tình, bữa đó con quên…" Bấy nhiêu đó cũng đủ cho tôi nằm trên đi văng, buổi trưa, bên cạnh Bảy ngồi ủi quần áo, để nghe kể đi kể lại những gì đã thuộc làu. Vì chỉ còn có vậy, sót lại, cuối cùng, và sẽ chẳng bao giờ có thêm cái gì mới nữa liên quan đến mẹ tôi.

Kể chuyện chán rồi mở rađio, đài nói tiếng Khmer phát thanh từ Trà Vinh. Nhạc Khmer, có câu hát lập đi lập lại, Bảy dịch "em hiểu rồi, anh đừng nổi giận". Tôi bật cười, sao nghe quen quá vậy kìa ! Lúc ấy nhằm tháng tư, Bảy rủ tôi xuống Trà Vinh ăn Tết Khmer "múa hát, dâng cộ*, vui lắm cô". Bảy về quê rồi hẹn nay hẹn mai không thấy trở lên nữa. Em tôi gọi điện thoại dỗ dành "nợ một năm lương, cô không đòi liền đâu", rồi xoay qua hăm doạ "tao giữ luôn cái thẻ chứng minh nhân dân của mày cho mày bó chân bó tay". Cứ mày mày, tao tao, nghe phát sợ. Nói trực tiếp không được, em tôi phải nói chuyện thẳng với người lớn "bác coi nó bỏ con giữa chừng, cứ trông nó lên, không dám kiếm người thế. Mà chị Hai con bên Pháp lại mới về chơi… ". Ông già có vẻ là người hiểu biết, sau khi lập lại những lời ông rầy mắng, dạy dỗ con gái sống phải biết điều với người tử tế với mình, ông còn kể chuyện làm ăn không ngóc đầu lên nổi, chuyện ma chay, cưới hỏi trong làng và dĩ nhiên, chuyện bệnh tật. Qua câu chuyện trao đổi, tôi không ngờ em tôi lại can thiệp vào đời tư của gia đình ôsin đến như thế. Thật vậy, ông già nhắc đến ai, không những nó biết mà còn thêm râu thêm ria vào "một trai một gái đủ rồi, bác bảo nó thôi đẻ nghen. Có ai ở dưới lên, bác kêu ghé chỗ con lấy mấy bộ đồ…". Trước khi bịn rịn chia tay nhau trên điện thoại, tôi còn nghe nó nói thêm "lên đi, con dẫn đi khám bướu cổ". Rồi quay qua giải thích thắc mắc cho tôi "không phải con Bảy bị mà là dì của nó". 

Vắng ôsin, cả nhà thường kêu mì gõ.

Em tôi nhờ người quen, kiếm được Luyến, người Thái Bình, vào Sài Gòn làm ôsin cho người bác họ gần một năm nay. Con người ăn nói nhỏ nhẻ, lúc nào cũng "cho con xin" khi nhận trong tay bất cứ cái gì.

"Làng con ai cũng biết đọc hết. Bọn trẻ chúng con đều học ít nhất hết lớp năm, cô ạ", Luyến phân trần khi thấy tôi có vẻ ngạc nhiên nhìn Luyến ngồi đọc tờ báo. Về chuyện đã qua, Luyến tiếc rẻ "nếu cái hãng nhận con bên Đài Loan không vỡ nợ, không trả con về trước hợp đồng thì con đâu đến nỗi khốn khổ như thế này". Về chuyện sắp tới, Luyến ước ao "con ráng làm thêm độ vài năm, trả cho xong nợ nhà băng vì vợ chồng con đã thế chấp căn nhà chúng con đang ở". Có buổi tối chỉ còn có mỗi tôi và Luyến ở nhà vì chẳng được mời ăn tiệc cưới, bởi lẽ tuy là đất nước mình nhưng vẫn là đất lạ, hoá ra đồng cảnh ngộ, bèn đem mấy tập nhạc tôi mới mua ra hát. Hễ những bản nào trước 65 thì tôi hát, sau 75 thì Luyến hát. Luyến hiền lành, lễ phép nhưng em tôi thường hay bực mình "pha nước mắm mặn chát như vầy làm sao ăn". Sáng sáng em tôi phải dậy sớm hơn, lụi cụi gần cả tiếng trong bếp với Luyến "nhớ chưa, hiểu chưa" rồi vội vã đi làm. "Nhà con ăn đơn giản lắm, cô ạ", Luyến vừa phân trần vừa bối rối nhìn các thức ăn phải kho, phải chiên, phải hầm, nằm bừa bộn trên bàn làm bếp.

Rồi một buổi tối, đã hơn chín giờ, điện thoại reo. Một giọng Bắc đàn ông hỏi cộc lốc "Luyến ở đây phải không ?" Luyến đứng bên tôi linh cảm: "Thôi chết, chồng con rồi !". Bàn tay Luyến lạnh ngắt khẽ chạm vào cánh tay tôi: "Cô bảo hộ con, con không có ở đây.". Giọng người đàn ông trở nên gắt gỏng: "Người ta bảo Luyến làm việc ở đây mà.". Em gái tôi giật cái điện thoại trong tay tôi nói giọng kẻ cả: # Ai đầu dây, người ta là ai, không biết Luyến nào hết !". Rồi cúp máy. "Lần sao nó gọi chị đừng trả lời, đưa nó cho em, đồ lếu láo.".

Những ngày tiếp theo, mỗi khi điện thoại reo, tôi tìm em tôi dáo dác để đưa, còn Luyến thì lo lắng. Tránh riết rồi cũng phải gặp. "Ai đầu dây, có tên có tuổi thì phải xưng. Chồng cô Luyến hả. Lần sau gọi phải chào hỏi đàng hoàng nghe không ? Tôi cúp máy đừng trách. Đúng, cô Luyến ở đây, vài tháng. Nhà cần người làm gấp. ừ, do bà bác thoả thuận đưa qua. Yên tâm. Tôi đưa cho Luyến nghe đây. Nhớ nói năng lễ độ.". Càng cảm nhận giọng "vâng" mất cường độ bên kia đầu dây, tôi càng lớn tiếng trả bài học thuộc lòng, do em tôi mớm.

Sau vô số tiếng "vâng ạ" với chồng, Luyến không che giấu nổi xúc động: "Hai thằng cu vẫn khoẻ chứ, thế ông bà dạo này thế nào, có vất vả với chúng lắm không ?".Tôi bỏ vào bếp uống ly nước mát, khi trở ra phòng khách thấy Luyến đưa vạt áo chùi mắt. "Chồng con nói năng thô lỗ lắm cô ạ, cô tha lỗi cho". Em tôi về nghe kể lại, nổi đóa: "Nó ghen đó chị. Bắt vợ phải đi ở với bác, không được làm ôsin nhà khác. Vào Sài Gòn nai lưng ra làm để trả nợ mà còn bị ghen, thiệt khổ cho thân phận đàn bà.". Tưởng đâu yên chuyện, chỉ vài hôm sau thấy Luyến mặt xanh như tàu lá chuối, tay còn cầm điện thoại. "Thôi chết con rồi cô ạ, con phải về Bắc ngay, cô em chồng của con vừa mới gọi vào".

Số là, trong làng của Luyến có một u, sồn sồn bốn mươi, sắp hết đường sinh đẻ, nhân lúc Luyến vắng nhà, tới lui săn sóc chồng Luyến, cốt xin tí giống, may ra có được mụn con để an ủi tuổi già sau này. "Em chồng của con bảo u này không có ý định chiếm đoạt", Luyến giải thích và nói thêm "chồng con bảo cũng không hề có ý bỏ vợ song ông ăn vào rồi ông bỏ đâu". Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, Luyến tiếp: "ý muốn nói sung sức thì cũng phải có chỗ để giải quyết, cô ạ.". Nghe xong, tôi thẫn thờ cả buổi.

Suốt mấy ngày liền, cả nhà sôi động bàn mưu tính kế để giải quyết vấn đề rắc rối của ôsin đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt gia đình. Luyến cũng xin phép em tôi gọi ra Bắc nhiều lần, nói chuyện rất lâu với cô em chồng. Gay go là tìm cho ra cách gì để Luyến ở lại làm ôsin mà vẫn đánh bật được U40, dằn mặt được cái thằng "ông ăn vào rồi ông bỏ đâu". Nhưng Luyến mặt mày cứ tái xanh, buồn rầu, "con phải về thôi cô ạ. Nợ nần tính sau. Chúng nó có con với nhau rồi, khó tính cho con lắm !". 

Hôm từ giã nhau, tôi tặng cho Luyến cây son có màu đỏ rất quyến rũ. Luyến cầm ngắm ngía khen đẹp rồi đậy nắp trả lại: "Cám ơn cô nhiều nhưng con xin không nhận vì có bao giờ con dùng đến đâu, phí đi cô ạ. Đám cưới con, con có đánh son một lần, chỉ một lần đó thôi". 

Thế rồi trong những ngày sau đó, cả nhà thay phiên nhau làm ôsin cho đến khi em tôi kiếm được Bopha. 

Đặc điểm của Bopha là lúc nào cũng cầm cái nùi giẻ, lau chùi bất kỳ cái gì nằm trong tầm tay, bàn, ghế, tủ, bình hoa… vừa làm vừa kể chuyện đời mình bằng giọng trầm trầm, như người ngoài cuộc kể chuyện người khác "chồng con nó nằm nhà thương, nó đau. Nó đòi ly dị. Con chịu cho nó vui. Nó đem con gái của con cho người ta rồi. Con đang đi kiếm. Con con mới có bốn tuổi". Bấy nhiêu sự kiện đến cùng lúc, cho một người, mà người ấy kể lại với một giọng đều đều, không vui không buồn, như người bất lực trước những trở chứng của đất trời,  như bàng quan chấp nhận cái gì phải đến sẽ đến.Tôi phải bần thần một lúc mới hiểu ra vấn đề. Da sậm, răng trắng, thân hình gợi nhớ bóng dáng apsara trên các phù điêu đền Angkor, Bopha có năng khiếu hoá giảm cường độ bi thảm của mọi sự cố, với thái độ chuyện đâu còn đó, rồi sẽ tính tới, không cần gì phải hấp tấp. 

Tôi lại một lần nữa chứng kiến tận mắt cảnh em tôi can thiệp vào nội bộ của gia đình ôsin. "Thằng chồng mày nó điên rồi sao mà đòi ly dị ?". Bopha bình thản: "Nó muốn thì con chiều. Con vô nhà thương đem cho nó coi giấy con ký rồi. # Em tôi thở ra: "Chuyện ly dị mà nghe dễ òm. Nhưng còn con nhỏ bốn tuổi mày tính sao ?" Em tôi biết mình lỡ lời nhưng đã quá muộn. "Dạ con tính xin cô cho con nghỉ ba ngày, ngày mai con đi Mộc Bài, con có bà con trên đó, con…" Bopha phác hoạ chương trình đi tìm con dài nhằng, đầy lạc quan như thể đã tìm thì sẽ tìm ra, hôm nay chưa được thì mai sẽ được. Em tôi hỏi vặn hỏi vẹo nhưng lúc nào Bopha cũng đưa ra ngay một phương án để thoát khỏi mê đạo: "Con của con mà, con đâu có bỏ nó được". Nhưng tôi không hề đọc được trong đôi mắt kia sự chới với của người mẹ mất con. Rồi Bopha kể chuyện đi thăm con, mấy đứa lớn, chỗ nầy một đứa, chỗ kia một đứa. "Con tưởng chuyến nầy êm rồi, cưới hỏi đàng hoàng, không như hai lần trước, số con xui.". 

Đêm nằm, tôi chắp vá lại những gì Bopha kể để hiểu rằng Bopha đã có bốn đứa con, ba đứa gởi nuôi bên nội với hai đời chồng trước, một mình xông xáo lên Sài Gòn làm ôsin. "Nó không nói gì với con hết tự nhiên nó đem con của con cho người ta", nghe đơn giản như đem cho hàng xóm con chó, con mèo. Không tài nào nhắm mắt ngủ được, tôi đành nằm đợi Sài Gòn thức giấc. 

Bopha đi cửa khẩu Mộc Bài về rất khuya. Sáng sớm hôm sau, nghe cửa sắt rít khe khẽ mở ra rồi rên khe khẽ đóng lại. Tôi xuống lầu thấy một người đàn ông dáng cao ráo ngồi trên chiếc ghế đẩu sát sau cửa sắt. Bopha giới thiệu: "Anh Ba gác xưởng may, chỗ con làm hồi trước, bữa nay được nghỉ làm ghé thăm con.". Em tôi không vui nhưng vẫn lịch sự: "Chú ngồi chơi". 

Chú ngồi chơi thật, lặng lẽ nhìn Bopha làm việc nhà, có lúc đứng lên phụ giúp cho đến khi bị đuổi: "Anh về tắm rửa sạch sẽ đi, tối em ghé.". 

Tối đến, Bopha giải đáp thắc mắc cho em tôi: "Anh Ba này mê con, lúc trước tối nào cũng vô chỗ ghế bố con ngủ trong xưởng may, nói chuyện. Cô đừng lo, chồng con cưới hỏi con đàng hoàng mà còn đòi bỏ con, con đâu có ngu gì đi bước nữa.". Rồi mặc áo đỏ đi ra cửa.

Bopha mặc áo đỏ đi rồi, em tôi buột miệng: "Con Bảy chạy đôn, chạy đáo kiếm một tấm chồng không ra. Bopha thì có thằng nhắc ghế ngồi bên cả ngày. Mới hơn ba mươi tuổi mà đã ba đời chồng. Mà có phải sắc nước hương trời gì cho cam. Nhưng phải công nhận nó có cái gì đó rất quyến rũ, trong phong cách. Đàn ông chết với nó…" 

Rồi Bopha mở cửa rít ba lần cho anh Ba xách dùm va li đi ra, chào trấn an em tôi: "Cô đừng lo, con kiếm được con của con thì con về làm cho cô liền". 

Trong bốn ôsin, Mật giống Osin gốc trong phim Nhật nhất. Má bầu, mắt hí, miệng nhỏ và nhất là trong phong cách, ần cần, không câu nệ, cầu tiến - "cô dạy con đi, con ráng nhớ, làm theo". 

Cởi mở, mộc mạc, Mật vui vẻ thú thật ngay phút đầu gặp nhau: "Con không biết đọc biết viết, con không được đi học.". Nhìn Mật, không khỏi gợn lên trong đầu hình ảnh những cây lúa vươn lên màu xanh um, trong cánh đồng ủng nước hắt nắng chói chang, như muốn đáp lại những gì, dù ít ỏi, đã nhận được của đất trời.

Đã cận ngày tôi trở về Paris, nên tôi không thể tham gia gì vào chương trình vĩ đại được em gái tôi phác hoạ, cho ôsin, để giải quyết hai vấn đề cơ bản, mấu chốt: không chồng và dốt. "Cái gì không xài, để lâu nó hư. Gái chưa từng chửa đẻ mà toàn phải cắt tử cung, đó chị." Nói xong em tôi quay sang nhìn Mật. "Xoá nạn mù chữ một trăm phần trăm mà không hiểu sao lại chỉ sót có mình mày, đâu mày giải thích cho tao nghe coi, Mật ?

*

Bây giờ em tôi nhắc đến Mật, tôi lại nhớ dáng của Mật nổi bật trên nền tường trắng nhà bếp, đầu cắm xuống đất, tay chống hai bên, chân duỗi thẳng dựa tường. Một thế yoga rất khó mà tôi đã dạy cấp tốc cho Mật để chữa bệnh…nhức đầu. Ngực đứng, eo thon, mông nở, đùi chắc nịch, được khen đẹp, Mật hồ hởi: "Con có eo nhờ lau nhà đó cô. Nhà mình nhỏ xíu, lau cái rẹt. Chỗ con làm trước, sáng nào con cũng ba giờ thức dậy, chổng mông lau nhà tới gần năm giờ mới rồi.

Nhưng lần nầy tôi về, Mật đã đi lấy chồng và em tôi đang gọi một công ty dịch vụ kiếm cho một ôsin, gấp. Em tôi nóng nảy: "Làm ăn gì kỳ cục vậy, gần một tuần mà tìm không ra à ?". Và nhỏ giọng: "Ông ráng kiếm dùm tôi, kẹt quá, chị Hai bên Pháp mới về…. ừ, cũng được, vài giờ mỗi ngày". Rồi quay qua tôi, vắn tắt: "Công ty dịch vụ chỉ kiếm được ôsin làm ăn giờ, mỗi ngày bốn tiếng". Và thở ra, mệt mỏi: "Số em, thầy tử vi có nói rồi, không có cung nuôi nô bộc.

Tôi nhìn em mình, thầm nghĩ: số em vất vả thật, cứ chuyện người biến thành chuyện mình, rồi nóng nảy mày mày, tao tao, nghe chói lỗ tai. Nhưng nghĩ lại vẫn có cái tình, có cái gì sôi nổi của người trong cuộc, đau đớn cho nhau, phẫn nộ vì nhau, ràng buộc giữa con người với nhau. 

Tôi về Sài Gòn, nghỉ ngơi, tránh phiền toái, rúc rúc trong nhà, ra đường sợ phức tâm. Mà ở trong nhà thì phải sống với ôsin. Sống còn nhiều hơn sống với người thân. Vì vậy mà một buổi chiều như buổi chiều hôm nay, hai chị em ngồi bên nhau, nhớ ai không nhớ, tôi lại nhớ… ôsin. Nhớ những mảnh đời, như những cây chùm gởi, sống mà không có cái gì thật sự là của mình, do mình định đoạt. 

Nhớ Bảy, hai tay ôm song sắt, ngó ra đường. Tướng đẫy đà mà trông héo héo, như cây mất nước. Nó bỏ đi thật, bỏ ông già của nó, quịt luôn một năm nợ tiền công mượn trước, bỏ luôn cái thẻ chứng minh nhân dân, đến nỗi em tôi thiếu điều năn nỉ trả không mà nó vẫn biệt tăm biệt tích. Thỉnh thoảng em tôi còn gọi điện thoại xuống Trà Vinh an ủi ông già: "ít bữa nó bồng con về thăm bác cho coi.

Nhớ Luyến "vâng ạ" với chồng, tưởng chừng như đang chứng kiến một cảnh đời trong tiểu thuyết thời Tự Lực văn đoàn. 

Nhớ Bopha xua đuổi "anh về tắm rửa sạch sẽ đi, tối em ghé", gợi cảm gợi hứng như thần tượng Linga-Yoni sừng sững, nghe như có tiếng nước róc rách chảy qua khe. Những Linga-Yoni có mặt trong các đền Angkor, trong thánh địa Mỹ Sơn và dọc theo miền Trung... có dính dáng gì đến phong cách của Bopha không… nhỉ? 

"Con Mật bây giờ, như hoa cắm… bãi cứt trâu", em tôi bực dọc nói tiếp: "Đi lấy thằng cha già khú đế chết vợ, hai con. Nuôi bò cho nó, nuôi con cho nó, làm ruộng cho nó, cực thấy... Em dặn con Mật rồi, không đẻ. Đẻ cho nó một đứa là hết đời con gái". Em tôi mấy lần tổ chức cho Mật trốn lên Sài Gòn, "ở với cô, cô sẵn sàng, ai chớ mày thì tao lãnh". Song vẫn có cái gì mạnh hơn, quyến rũ hơn níu kéo Mật ở lại, ở lại cái chốn mà em tôi không ngần ngại gọi là …bãi cứt trâu. 

Qua ngày hôm sau, em tôi kể lại cuộc tiếp xúc với ôsin do công ty dịch vụ gởi đến, giọng khó chịu: "Em gặp nó rồi, nhà thì trăm thứ chuyện không tên mà nó hỏi cặn kẽ là làm cái gì. Nó chịu giặt ủi quần áo, quét dọn, rửa chén. Nếu còn thời giờ thì phụ bếp. Em nói thiệt, lỡ bị nóng lạnh không chắc gì nhờ nó, nó chịu cạo gió cho mình, bưng cho mình một ly nước. Em tiếc con Mật…"

Paris 16 tháng 9 /2009.

---------------

Chú thích: (*) Dâng cộ: đám rước trong những buổi lễ hội tôn giáo.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn