Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Nghiên cứu trẻ và nghiên cứu trẻ ở Huế (1)

(Tham luận của Ngô Hương Giang tại Hội thảo văn xuôi)

Ngô Hương Giang - 14-09-2011 11:21:42 AM

VanVN.Net - Ngô Hương Giang, đại biểu trẻ đến từ Đại học Sư phạm Huế theo đề cử của Ban văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam. Anh là một trong số ít những nhà phê bình trẻ hiện nay, có những bài viết nghiêm cẩn về văn học đương đại Việt Nam. Bài phát biểu tham luận của Ngô Hương Giang tại Hội thảo văn xuôi cũng được đánh giá rất cao về đề tài "Nghiên cứu trẻ". Chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả bản tham luận của anh...

Người nghiên cứu trẻ là gì?

Theo quan niệm của cá nhân tôi, người nghiên cứu trẻ là người cầm bút đang lớn về tư tưởng và phong cách viết. Nói như vậy có nghĩa, tuổi nghề và tuổi đời cũng đồng thuận cùng với quá trình “đang lớn ấy”. Tôi xin làm rõ hai góc độ căn bản của nhận định: Thế nào là đang lớn về tư tưởng? Và thế nào là đang lớn về phong cách?

- Bất kể cá nhân nào cầm bút và được bạn đọc trân trọng gọi là nhà nghiên cứu văn học thì họ phải có quan niệm riêng về nghề cũng như lĩnh vực mà mình đã/đang thử nghiệm. Do đó, bên cạnh sự tồn tại của các hệ hình tư tưởng thẩm mỹ chính thống, thì anh/chị ta cần thiết phải phản tư chính mình để tìm ra quan niệm thẩm mỹ riêng (dù ít hay nhiều). Cái mà tôi gọi là “tư tưởng” ở đây, đơn giản chỉ là quá trình nhận thức cụ thể của từng cá nhân, nó bao gồm hai khuynh hướng: hướng nội và hướng ngoại. Nhận thức hướng ngoại: là quá trình cá nhân sáng tạo tìm kiếm “sự hiểu” của mình từ một hoặc nhiều hệ thống tri thức bên ngoài qua sách vở và các phương tiện thông tin đại chúng, dọn chỗ cho việc định hình quan niệm sáng tác riêng. Nhận thức hướng nội: là quá trình cá nhân tự mình phê phán- chính mình trên cơ sở tiếp cận tri thức bên ngoài để tìm đến một phong cách viết cá biệt bên cạnh các hệ hình nghiên cứu đã /đang tồn tại, đó là  “dòng riêng giữa nguồn chung”. Vì thế, quá trình đang-lớn- về tư tưởng nhấn mạnh tới đặc trưng tìm-đường hơn là sự ổn định về quan niệm và phong cách viết như các nhà nghiên cứu đã thành danh mà tôi gọi là các nhà nghiên cứu- già. Do đó, sự thay đổi quan niệm cũng như phong cách viết trong quá trình dẫn tới cái- sẽ định hình-ổn định của người nghiên cứu trẻ là điều dễ hiểu và cần thiết phải tôn trọng điều ấy. Đó là tự do tư tưởng. Sự thất bại trong quá trình tìm đường của người nghiên cứu trẻ, theo tôi là cần thiết và tất yếu phải có để họ thấy mình cần làm gì và làm như thế nào. Điều ấy sẽ giúp các nhà nghiên cứu “trẻ” có khoảng tĩnh để tìm lại mình và sáng tạo một phong cách đặc thù mang hơi thở riêng từ nhận thức thực tiễn của anh/ chị ta.

- Một người nghiên cứu trẻ không chỉ là người đang- lớn về tư tưởng, mà cần thiết là cá nhân đang lớn về phong cách viết. Không phải ai khi khởi sự viết là đã có cho mình phong cách riêng. Quá trình mà mỗi nhà văn tự xác lập cho mình phong cách viết là quá trình tự phủ nhận lẫn nhau của các phong cách có trong họ. Cho nên, việc một cá nhân có thể thử nghiệm nhiều lối viết, thậm chí mâu thuẫn trong quan niệm về phong cách khi viết cũng là dễ hiểu. Nhưng, nếu không có sự đa dạng về phong cách viết khi bước những bước đầu tiên trong nghề của mình thì khó có thể có những tác phẩm xuất sắc sau này. Vì, đơn giản, họ sẽ không có gì để viết khi bên ngoài họ có quá nhiều hướng đi mà hướng đi nào cũng đều ảnh hưởng nhất định tới môi sinh văn học, cho nên, người nghiên cứu có quyền mâu thuẫn trong cách chọn phong cách viết theo kiểu “trước sau bất nhất”. Nhà nghiên cứu văn học già dặn kinh nghiệm thường là người có quá trình tranh đấu tự thân giữa các phong cách viết, mà ở đó các phong cách viết tự- loại- trừ nhau, và phong cách nào phù hợp với thể trạng tinh thần họ nhất thì phong cách ấy sẽ theo họ dường như trọn vẹn văn nghiệp.

Nghiên cứu văn học trẻ ở Huế: Thực tiễn và quan điểm

Huế là nơi có thể xem như một trong những địa phương có truyền thống nghiên cứu văn học của cả nước. Nơi đây từng sản sinh ra đội ngũ trí thức nghiên cứu văn chương có uy tín vào bậc nhất ở Việt Nam những năm trước 1975, họ thường là những nhà nghiên cứu văn học kiêm vai trò của nhà nghiên cứu triết học. Do đó, tác phẩm của họ thường là sự đan cài của hai hệ hình giá trị: hệ hình thẩm mỹ- nghệ thuật và hệ hình logic- tư duy, tạo nên sự hòa phối trong việc sử dụng ngôn từ cũng như ý niệm xây dựng văn bản, dậy lên làn sóng học thuật có sức ám ảnh một thời, thậm chí, nó còn liên đới tới hiện tại trong sinh hoạt tư tưởng- văn học của thế hệ trẻ. Tuy nhiên,  truyền thống nghiên cứu ấy dường như đang có sự biến đổi, có khuynh hướng phân tán hơn là quy tụ, thiên về hướng nội hơn là hướng ngoại.

Tôi nói, thực tiễn nghiên cứu văn học của giới trẻ ở Huế có sự phân tán hơn là quy tụ. Vì, một phần do những biến động về tình hình kinh tế -xã hội theo khuynh hướng chung của cả nước, một phần là do đam mê nghiên cứu văn học đang bị thu hẹp, cho nên, việc thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật nhằm trao đổi quan điểm cũng như đánh giá về hiện trạng lí luận không phổ biến. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa, nghiên cứu văn học trẻ ở Huế tự quy về lối sinh hoạt rời rạc, trái lại, họ phân tán nhưng là phân tán trong sự- quy tụ. Nghĩa là, họ ít tham gia các sinh hoạt học thuật chung, nhưng lại có hướng quy về các nhóm  nghiên cứu cụ thể mà tôi gọi là các trường phái nghiên cứu văn học đặc thù ở Huế. Những trường phái này, tuy không mang tính chất hàn lâm, có khuynh hướng lập thuyết về lí luận văn học nhưng là để trao đổi, phê phán, ứng dụng các lí thuyết hiện đại trong nghiên cứu. Người đứng đầu các trường phái nghiên cứu này thường là những cá nhân có chuyên môn vững vàng, đang tham gia nghiên cứu, dịch thuật và trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học. Có thể kể đến một số trường phái như:

+ Trường phái nghiên cứu bản chất của văn học nhìn từ sự tham chiếu của Thông diễn học hiện đại, Hiện tượng luận và Chủ nghĩa hiện sinh do PGS. TS. Hồ Thế Hà chủ trương.

+ Trường phái nghiên cứu Tự sự học kinh điển, Diễn ngôn văn học do TS. Trần Huyền Sâm chủ trương.

+ Trường phái nghiên cứu văn học theo khuynh hướng Hậu- hiện đại do Ths. Nguyễn Hồng Dũng chủ trương.

Nhìn chung, các trường phái này bước đầu đã đạt được những thành tựu cơ bản, một số công trình nghiên cứu, dịch thuật của các cá nhân đã được in thành sách hoặc tạp chí uy tín trong nước.

Nghiên cứu văn học ở Huế thiên về hướng nội hơn là hướng ngoại, vì, phần đông người nghiên cứu văn học trẻ thường thuộc về các trường đại học hơn là các tổ chức học thuật, hội văn học nghệ thuật…Điều ấy dẫn đến hai vấn đề, thứ nhất: Thiếu tính hệ thống trong nghiên cứu văn học ở Huế, có hướng thiên về tự phát và cục bộ. Tuy nhiên, điểm hạn chế này lại trở thành điểm mạnh trong nghiên cứu văn học: Khả năng chọn lọc và độc lập tư duy, mà ở đó, các trường phái có sự phê phán gay gắt về lí luận. Theo tôi, nơi nào có phê phán là nơi đó có sáng tạo và tiến bộ. Đó cũng là nội dung của vấn đề thứ hai mà tôi muốn nói.

Để xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ, khỏe về sức viết và bền về ý chí sáng tạo ở Huế, theo tôi cần giải quyết hai vấn đề chính:

+ Cần khơi dậy ở phía những người nghiên cứu trẻ hai nhân tố then chốt: Đam mê sáng tác và cá tính sáng tạo. Hai điểm này có quan hệ biện chứng với nhau và cùng hướng đến khoái cảm văn bản nơi bạn đọc. Phần nhiều, ngoại trừ những tác giả đã thành danh thì những người mới bước chân vào nghề viết, việc tìm kiếm sự đam mê, phải quên ăn quên ngủ, thức trắng đêm trăn trở cho đường viết không phải phổ biến như trước, thế hệ như Bửu Nam, Hồ Thế Hà, Trần Huyền Sâm… đều là những cá nhân: sống- để- viết. Lối viết của họ đã định hình thành các khuynh hướng nghiên cứu văn học rõ rệt. Nói điều ấy không có nghĩa là đam mê nghiên cứu văn học hôm nay ở Huế không còn nữa, mà, nó đã chuyển sang hướng khác: thực dụng và ít thi vị hơn. Tôi nghĩ, nghiên cứu phải có đam mê. Vì đam mê sản sinh ra trầm tư và cô đơn, mà nghiên cứu văn học sẽ mờ nhạt nếu nó thiếu đi 2 đặc trưng trên. Nhưng đam mê thôi thì chưa đủ, một người nghiên cứu trẻ cần thiết phải là người có cá tính sáng tạo. Họ cần chấp nhận búa rìu dư luận xung quanh để đổi lấy sự thật, phải biết chấp nhận sống trong cô đơn và viết trong cô độc.

+ Người nghiên cứu trẻ, cần thiết phải là người nuôi ý tưởng làm thay đổi những yếu tố cũ không còn phù hợp với đất nước. Tôi nói là thay đổi chứ không phải là gạt bỏ, nói đúng ra là tạm gác lại và để những yếu tố cũ- không còn phù hợp ấy trong “ngoặc đơn” của nhận thức. Một đất nước có nền văn hóa- văn học mạnh, bên cạnh bản sắc dân tộc còn cần tri thức khoa học tiến bộ. Thiếu đi tri thức khoa học tiến bộ, chúng ta nghiễm nhiên khép mình vào số những “người ăn mày dĩ vãng”. Tất nhiên, tri thức khoa học tiến bộ phải phù hợp, nghĩa là có chọn lọc. Nhưng cốt yếu nhất là phải làm thay đổi nhận thức của người nghiên cứu. Đổi mới trong khuynh hướng nghiên cứu thì không khó, nhưng đổi mới trong nhận thức nghiên cứu thì rất khó. Và nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu văn học nói chung, trong đó có các nhà nghiên cứu văn học trẻ là phải làm được điều đó.

Trên đây là quan niệm của tôi về người nghiên cứu trẻ, cũng như tổng kết lại thực tiễn nghiên cứu văn học trẻ ở Huế cùng các giải pháp kèm theo.

Xin chân thành cảm ơn!

 


[1] Nghiên cứu trẻ: Đặt Title cho bài tham luận này, chúng tôi muốn đề cập và nhấn mạnh tới NGƯỜI NGHIÊN CỨU TRẺ TRONG LĨNH VỰC VĂN HỌC.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ

VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...

Thư giãn  

Truyện ngắn: "Vừa bắt đầu đã kết thúc"

VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...

Nhà văn đọc sách  

Những cuộc dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng”

VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...