Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Không được phủ nhận thành tựu thơ ca cách mạng

Thanh Nguyên - 28-09-2011 03:13:51 PM

VanVn.Net - Trên báo Văn nghệ số 35, 36 (28/8 và 4/9/2010) có in bài báo tâm huyết Những con đường và nền văn học mới của tác giả Nguyễn Xuân Nam. Cuối bài tác giả có phê phán “những luận điểm thiếu thiện chí, vừa mơ hồ, vừa sai lạc”.

Tôi xin trích dẫn nguyên văn: “Hiện vẫn còn những câu viết về thơ văn thời chống Pháp, chống Mỹ như sau: “Những tác phẩm thơ ca đó chỉ là những tác phẩm minh hoạ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ít nhiều ẩn giấu trong đó màu sắc của một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch và phi văn hoá của con người. Thơ ca hiện đại Việt Nam lúc đó đã không thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca”. Hoặc: “…thơ ca hiện đại Việt Nam cũng chỉ xuất hiện như là một dấu mờ nhạt trong những chính sách ngoại giao của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, chứ không phải là sự tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca”.

Những lời này của sinh viên làm khoá luận chăng? Không phải! Những lời này đã được phát biểu ở Hàn Quốc trong Hội thảo quốc tế về thơ Đông Á và in lại trên tạp chí Tia sáng (ở Việt Nam) số 10 tháng 5 - 2009”.

Đồng tình với tác giả Nguyễn Xuân Nam, tôi xin làm rõ những lệch lạc từ quan niệm trên, mà trong giới hạn một bài báo ông chưa có điều kiện nói.

1. Về khái niệm “minh họa”, “văn học minh họa”… đã có nhiều người nói, vô tình hay hữu ý đã hạ thấp vai trò lịch sử của một nền thơ ca cách mạng, coi thơ ca chỉ có chức năng minh hoạ cho chính trị. Đây là những nhận định sai, bởi không hiểu hoặc cố tình không hiểu chức năng phản ánh của văn học. Văn học là tấm gương phản ánh lịch sử. Giở văn học đời Trần ta thấy thấm đẫm tinh thần Đông A mà chắc chắn âm hưởng của hai tiếng “Sát Thát” (giết giặc Nguyên) từ ngoài đời thực khi ấy đã vọng vào những trang văn. Để rồi con cháu Trần Hưng Đạo hôm nay mới được đọc những lời văn thống thiết, hùng tráng, kiêu hãnh về chiến thắng trong tác phẩm của Hưng Đạo Vương, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… Giở văn học đời Lê cũng một giọng chủ âm về lòng tự hào dân tộc, về quyết tâm đánh giặc để giữ nước… Thế cho nên khi coi văn học Việt Nam 1945-1975 có nhiệm vụ phản ánh cuộc kháng chiến vĩ đại chống hai kẻ thù thực dân đế quốc lớn, là điều hoàn toàn đúng quy luật phản ánh luận của văn học. Chỉ có thể coi đây là đặc điểm lớn, đặc điểm cơ bản chứ không không nên coi đây là một hạn chế mà có người đã “khuôn” nó vào hai chữ “minh họa” có ý phủ nhận, thiếu thiện chí, mơ hồ.

2. Khi cho rằng, trong thơ ca kháng chiến “ít nhiều ẩn giấu trong đó màu sắc của một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch và phi văn hoá của con người”. Đây cũng là một nhận xét sai và hàm hồ. Sai ở chỗ rõ ràng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của ta là hai cuộc kháng chiến chính nghĩa chống lại bọn xâm lược để giành lại đất nước, giành lại độc lập tự do. Hai cuộc kháng chiến này dân tộc ta phải đổ máu. Có bà mẹ hy sinh cả chín mười người con cho sự nghiệp cứu nước. Kẻ thù đổ xuống dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta hàng tỷ tấn vũ khí, giết hại bao dân thường, đốt phá hàng trăm nghìn làng mạc… Đây không phải là “một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch” mà là những cuộc chiến tranh tự vệ của một dân tộc yêu hoà bình, tự do, yêu lương tri lẽ phải, không chịu nhục hèn chống lại bè lũ xâm lược. Hàm hồ ở chỗ coi cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của cả dân tộc là “phi văn hoá”. Đây là sự cố tình lộn sòng các giá trị, đảo ngược các quan niệm, gây ra sự hiểu lầm về bản chất của những cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Chúng ta phải có một quan niệm rõ ràng: đối với kẻ xâm lược, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đúng là “phi văn hoá” vì chúng là những kẻ giết người. Cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn phải chứng kiến những em bé què quặt yếu ớt dị dạng vì mang di chứng chất độc màu da cam. Kẻ rải chất độc chết người ấy xuống những cánh rừng nguyên sinh, xuống những làng mạc bình yên là “văn hoá” hay “phản văn hoá”? Đối với nhân dân Việt Nam thì đó là cuộc chiến có văn hóa, vì đó là cuộc chiến tranh bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa. 

3. Một cái sai rất cơ bản nữa là ý kiến đó cho rằng “Thơ ca hiện đại Việt Nam lúc đó đã không thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca”. Ở đây ý kiến không đưa ra cách hiểu cụ thể thế nào là “bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca” mà chỉ đưa ra một nhận định đầy cảm tính. Do vậy tôi xin nói rõ hơn: thiên chức cao quý của văn học, xét đến cùng là nhân đạo hóa con người. Vì cố tình không hiểu (hay mập mờ) điều sơ đẳng này của văn học, vì đã lộn sòng chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa mà tác giả đã đưa ra một cách hiểu hoàn toàn ngược lại bản chất sáng tạo đích thực của thơ ca Việt Nam hiện đại 1945-1975.  Không. Trăm ngàn lần không. Không bao giờ thơ ca cách mạng từ khi ra đời (1930) cho đến hôm nay (2011) lại “không thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca”. Chỉ cần đưa ra một vài dẫn chứng. Trước 1945 thơ Tố Hữu là tiếng thơ của giai cấp cần lao kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh: “Sống đã vì cách mạng anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà”. Chả lẽ đấu tranh giành lại độc lập tự do để thoát khỏi kiếp hèn nô lệ lại không phải là “sứ mệnh chân chính” sao? Sau 1945 cả dân tộc bước vào thời đại mới, nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm ơn cách mạng “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Nên nhớ trước 1945 Chế Lan Viên không hề có một câu thơ đấu tranh cách mạng, cũng nên nhớ ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà tư tưởng, một nhà văn hoá. Một trí thức lớn như thế, không ai có thể xui ông viết nên những câu thơ rất đỗi thành thực về cuộc đời, về cách mạng trong Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc…

Phải khẳng định một cách quyết liệt như thế này: Thơ ca hiện đại Việt Nam lúc đó đã thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca là đã đồng hành cùng dân tộc đánh giặc giữ nước.

4. Khi nói: “…thơ ca hiện đại Việt Nam cũng chỉ xuất hiện như là một dấu mờ nhạt trong những chính sách ngoại giao của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, chứ không phải là sự tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca”, thì cũng không phải. Thơ ca Việt Nam khi đó với sứ mạng chân chính là nhân đạo hoá con người nên tập trung động viên cổ vũ mọi người đứng lên tranh đấu đòi tự do độc lập nên xa lạ với thơ ca kiểu salông tháp ngà. Còn nói nó không mang vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca thì đúng là chưa đọc hết thơ ca Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Tôi chỉ xin chứng minh bằng một vài câu thơ của hai nhà thơ, một già một trẻ để chúng ta cùng suy ngẫm. Một là thơ của nhà thơ Hồ Chí Minh trong thời đánh Pháp. Bài thơ Lên núi như thoát tục để vươn tới một thế giới “tiên”:

“Hai mươi tư tháng sáu

Lên đỉnh núi này chơi

Ngẩng đầu: mặt trời đỏ

Bên suối: một nhành mai”.

Theo GS. Phan Ngọc, “hai câu đầu nôm na để dẫn tới hai câu sau bất tử: một tứ thơ cách mạng hoà với một tứ thơ Phật giáo. Ngạn là cái bờ suối cụ thể nhưng cũng là cái bờ bên kia, cái bờ đạt đến sự giác ngộ. Mai là cây mai cụ thể nhưng cũng là kẻ thoát kiếp luân hồi” (Báo Văn nghệ, số 34, ngày 25/8/1990). Và trong thơ Hồ Chí Minh, còn có rất nhiều câu trong trẻo tinh khiết lạ thường:

“Khán thư sơn điểu thê song hãn

Phê trát xuân hoa chiếunghiễn trì”

(Xem sách chim rừng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi)

(Tặng Cụ Bùi)

“Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ

Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân”

(Đường về chợt gặp cây mai núi

Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân)

(Tìm bạn không gặp)

Hai là thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa thời chống Mỹ, chỉ một bài Hạt gạo làng ta cũng đủ cho thấy vẻ đẹp điêu luyện trong sự mộc mạc, giản dị mà lắng đọng sâu xa của ngôn ngữ thơ. Và còn biết bao câu thơ, bài thơ hay của những nhà thơ nổi tiếng viết ngay trên chiến trường đánh giặc, mà chắc chắn thời hoa niên, ai trong chúng ta cũng đã từng được học…

Tri ân quá khứ là tìm ở đấy tấm gương soi để hiện tại tốt đẹp hơn. Cổ nhân nói “Phi cổ bất thành kim” (Không có xưa thì chẳng có nay). Không có thơ Việt Nam hiện đại trong lịch sử hai cuộc kháng chiến thì làm sao có thể có thơ Việt Nam hôm nay đa dạng sắc màu hình thức, phong phú đậm đà hương vị nội dung như vậy?!

 

(Nguồn: vannghequandoi.com.vn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ

VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...

Thư giãn  

Truyện ngắn: "Vừa bắt đầu đã kết thúc"

VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...

Nhà văn đọc sách  

Những cuộc dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng”

VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...