Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Sau văn dịch là truyện ngắn và thơ

(Đọc Sống trong chờ đợi của Nguyễn Bích Lan, Nxb Trẻ, 2011)

Phong Lê - 27-09-2011 10:00:46 AM

VanVN.Net - Đây là tập truyện và thơ của Bích Lan, người vừa nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho bản dịch Triệu phú khu ổ chuột.

Sinh năm 1976, từ tuổi 13 mắc bệnh loạn dưỡng cơ, suốt hai mươi năm, Bích Lan đã phải sống trong những cơn đau của cơ thể, để chống chọi và vượt lên bệnh tật; để hy vọng và chờ đợi; và nhất là để lấp đầy những khoảng trống thời gian hai mươi bốn giờ cho mỗi ngày; lấp đầy bằng những việc làm mà hiệu quả của nó, tôi nghĩ không phải ai là người bình thường, thậm chí là người có tài, có chí cũng có thể làm được. Những cơn đau của bệnh, của các cách chữa trị, khỏi phải nói; đến nỗi cơ thể gần như không còn sức, chỉ còn 28 cân, đưa muỗng cơm lên miệng cũng cần đến cả hai tay, bước một bước cũng phải có người dìu… Thế mà, trong đau đớn, trong chờ đợi một phép mầu cho cơ thể trở lại bình thường, Bích Lan đã thực hiện xong 23 bản dịch văn học, trong đó có  Triệu phú khu ổ chuột. Và bây giờ là tập truyện và thơ: Sống trong chờ đợi.

Bìa tập truyện ngắn & thơ "Sống trong chờ đợi" của Nguyễn Bích Lan

Điều đáng nói ở đây, một tập truyện - thơ đã thật sự đem lại cho bạn đọc bao suy ngẫm và cảm xúc, không phải chỉ về những gì mà ý chí và nghị lực của con người có thể thực hiện trong một hoàn cảnh khắc nghiệt; mà còn là về một thế giới nhân sinh quanh ta hôm nay, với bao cạnh góc, bao hòa sắc, bao nhịp điệu mà phương tiện văn chương có thể thực hiện được.

Tôi nói một thế giới nhân sinh, với chiều sâu và tầm bao quát rất ấn tượng, Bích Lan đã có thể thực hiện trong cuốn sách chỉ với 13 truyện ngắn và 25 bài thơ, mà trong bài viết ngắn này tôi chỉ xin được nói riêng về truyện. Tôi nói một thế giới, bởi gần như không có hạn chế nào cho sự bao quát những mặt quan trọng của cuộc sống mà một người chỉ gắn với máy tính như Bích Lan đã có thể thực hiện. Chiến tranh, đối với một cây bút sinh 1976, sự tàn nhẫn và khủng khiếp của nó vẫn cứ là một hiển hiện bằng xương bằng thịt như vừa mới xảy ra, qua cảm nhận của mấy đứa trẻ trong Người cha điếc(1). Những đứa trẻ từ đây mất cha, bởi đôi tai điếc khiến ông không nghe được tiếng kẻng báo động; nhưng vẫn còn sót ở đâu đó một cánh tay đứt rời của ông để chúng mong một ngày không bom mà đi tìm. Người trong bão - một truyện loại “người tốt việc tốt” quá quen thuộc trong nhiều chục năm trước đây, và bỗng rất hiếm hoi, hoặc gần như là không có ở thời hôm nay, một gương mẫu về lương tâm và tinh thần trách nhiệm ở một người đang mang án tử vì u não… Và, Cơn bão Trung Đông - đó là sự tái sinh của những kiếp Chí Phèo trong những mưu sinh có biên độ quốc tế của thời hiện đại… Tôi có cảm tưởng với Bích Lan, mọi thời gian và không gian trong chu chuyển của dòng đời đều có thể vào truyện mà không bị hạn chế.

Và, ám ảnh của những thân phận - đó mới là điều đáng nói cho một cây bút viết truyện - trước hết là thân phận của giới nữ như trong Con gái, Sông vắng, ám ảnh… Biết bao là xót xa, thương cảm trong các “phép tính” của một “phận gái” để cho thấy - lần xuất ngoại thứ nhất, đi làm ôsin ở Đài Loan, với tài sản gửi về, đủ cho em trai thành con nghiện; lần thứ hai, chưa đủ cho nó cai nghiện; và lần thứ ba, khi cô quyết định ở hẳn xứ người, cho bố mẹ sinh thêm một cặp em mới, đủ bộ trai và gái, thay cho anh và chị nó, và bố mẹ nó được làm lại cha mẹ từ đầu… Xót xa thay cho những phép tính của đứa con gái hiếu thảo thời này! Còn trong Sông vắng, đó là những kiếp con trẻ và phụ nữ không đàn ông để làm cha và để làm chồng, nơi một bãi sông vắng, với cảnh quan hiu hắt, hoang dã, vào một thời văn minh, vì có “mô bai”, có các nhà nhiếp ảnh và những dự án giúp người nghèo… Một dự án nhân đạo chắc có thể thực hiện được - nhờ vào tấm ảnh về mấy đứa trẻ không cha; nhưng là ở một chỗ khác chứ không phải ở bãi sông vắng này; còn nguyện vọng tìm cha cho mấy sinh linh ở đây thì hẳn còn lâu, hoặc chẳng thể nào thực hiện được… Rồi ám ảnh với nhân vật chính là một cô gái không tên được xưng Em. Dường như em không cần đến tên, vì em bị chối bỏ hoặc xua đuổi khắp bốn phía - từ cha mẹ, người thân, người tình… Cả giọt máu ở trong em, em cũng từ chối nốt. “Một con người đã từ lâu trở thành kẻ không ai biết, không ai cần và không ai quan tâm”.

Phần thưởng, Vườn chuối, Sống trong chờ đợi, Hy vọng, Giấc mộng… đều là những truyện ngắn hay. Cập nhật hiện thực ở những tâm điểm dữ dằn, gai góc nhất; lại vẫn có độ lùi để nhìn rộng một bối cảnh có đường viền của thời đại, cây bút Bích Lan, ở bất cứ truyện nào trong tập này cũng là người không xa cách với thời cuộc, thời sự. Mỗi truyện ở đây đều cho ta một biểu tượng rất gắn bó giữa văn và thời, văn và người - chuyện muôn thuở, nhưng vẫn không bao giờ mất đi ý nghĩa thời sự. Bởi, dẫu có cột mình bên bàn máy vi tính, Bích Lan vẫn có thể đến với,  hoặc sống trong đời, nhờ vào những điểm tựa lớn là mẹ và em, là cô ruột - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng; là Lớp học cây táo để đưa Bích Lan vào một công việc có ích; là Nhà xuất bản Phụ Nữ, nơi in bản dịch đầu tiên của cô… Rồi qua Internet mà Bích Lan đã đến được với những người cùng cảnh ngộ và những người cô ngưỡng mộ như thần đồng Mỹ Shirley Cheng, người đồng cảnh và người cung cấp một số nguyên tác hay cho Bích Lan dịch, là nhà thơ đồng hương Thái Bình Đỗ Trọng Khơi, nhà báo Hà Nội Vũ Anh Tuấn…Cùng với Internet là tiếng Anh để cô đặt mình vào thế giới và đưa cả thế giới về mình. Con đường đến với văn chương của Bích Lan - từ văn dịch đến thơ và truyện, đã được thực hiện trong một bối cảnh như thế - để nói rõ mối quan hệ giữa văn và thời, văn và đời. Nhưng tất cả mọi thuận lợi đó sẽ vẫn là vô nghĩa, nếu người tiếp cận và tiếp nhận nó không phải là Bích Lan - để có mối quan hệ văn và người, như một hệ quả tự nhiên phải có và đã là thế!

Sống trong chờ đợi - đó là sản phẩm của Bích Lan, người không cần đến bất cứ một ưu tiên hoặc chiếu cố nào của hoàn cảnh; và cũng là sản phẩm của thời hôm nay, với tất cả những may mắn và cơ duyên đặt ra cho nó.

Sống trong chờ đợi có bóng dáng tự truyện, có chuyện của Bích Lan. Chuyện vượt khó, những cái khó - khó ai vượt nổi. Cũng là chuyện con người không cô đơn trong đời. Bởi họ có điểm tựa trước hết ở chính họ. Để có một sự sống có chất lượng con người lúc nào cũng cần có cái để chờ đợi. Nhưng là một chờ đợi trong tích cực và chủ động như Bích Lan. Là người có khó khăn về sức khoẻ, nhưng không có gì cản trở được Bích Lan trong những nỗ lực thật hiếm thấy, để với lần lượt những gì đã viết, đang viết, tôi tin cô sẽ là một cây bút vững vàng thuộc thế hệ thứ tư của văn chương đương đại.

_______

(1) Tác giả viết trực tiếp bằng tiếng Anh, rồi được chọn tham dự Diễn đàn phát triển văn học, văn hoá và hoà bình ở Haifa – Israel – 2007.

(Nguồn Văn Nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn