Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Đôi lời trao đổi lại với bạn Nguyễn Văn Dân

GS. Phương Lựu - 28-09-2011 12:44:53 PM

VanVn.Net - Bài viết của bạn Dân (nhà phê bình, dịch giả Nguyễn Văn Dân - TS) mang tiêu đề Chủ nghĩa hậu hiện đại - Tồn tại hay không tồn tại rất thú vị, vì nó phản ảnh sâu xa nỗi ám ảnh của tác giả với vấn đề được bàn đến, (Chủ nghĩa hậu hiện đại) tồn tại hay không tồn tại, nói nôm na là có hay không?

Đã đành những vấn đề hữu quan tiếp theo như nếu có thì đến mức nào, phải đặt tên gì cho phù hợp, rồi đánh giá hay dở thế nào.v.v… cũng rất quan trọng, nhưng trước hết là vấn đề có hay không là quan trọng hơn cả, bởi vì dù cho có ít  cũng là có, chứ nếu hoàn toàn không, thì những vấn đề hữu quan nói trên sẽ biến mất. Phải nói rạch ròi như vậy, vì thật đáng tiếc sự tự trả lời trong bài viết của bạn Dân lại là có có, không không, trong cả hai dạng ý thức lẫn vô thức. Bản thân thì rất muốn và nhiều chỗ đã khẳng định là không, nhưng rồi  nhiều chỗ khác tự nhiên lại thốt lộ ra là có. Có thể tạm hình dung thế này: bạn Dân rất kiên quyết muốn nói không, nhưng rồi không thể nào quên đi được sự cảm nhận của mình  là có, cho nên tôi dùng chữ ám ảnh ở đây là vì vậy. Sau đây xin lần lượt chứng minh!

GS Phương Lựu

Cuối bài viết bạn Dân có thanh minh rằng: “… Không thể nói là tôi phản đối và phủ nhận chủ nghĩa hậu hiện đại, bởi lẽ người ta không thể phản đối và phủ nhận “cái không tồn tại”. In nghiêng hẳn hoi nhé, nghĩa là rất có ý thức tuyên bố chủ nghĩa hậu hiện đại không tồn tại! Nhưng thế thì, như một hệ luận sẽ phải là “người ta cũng không thể bàn bạc và khái quát cái không tồn tại”. Ấy thế nhưng ở đầu mục 2 bạn Dân lại viết: “Trên thế giới có nhiều cách hiểu về chủ nghĩa hậu hiện đại… Từ các ý kiến khác nhau, tôi phân ra ba nhóm quan niệm chính: …1. Chủ nghĩa hậu hiện đại như là đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại (quan điểm của Lyotard, Hassan) …2. Chủ nghĩa hậu hiện đại như là sự quay trở về với truyền thống …3. Chủ nghĩa hậu hiện đại là một sự vượt khỏi chủ nghĩa hiện đại…  “Như thế thì chủ nghĩa hậu hiện đại tồn tại quá đi rồi còn gì nữa. Nếu không thì chả nhẽ các học giả nổi tiêng trời Tây lại xúm nhau bàn bạc cái không có gì hết hay sao. Nếu nhỡ có những người lẩm cẩm như vậy, thì chắc chắn bạn Dân sẽ không thèm bỏ công đi sưu tầm khái quát phân loại ra những trò vớ vẩn như thế. Chưa hết! Nhắc lại sự kiện Sokal, bạn Dân đã tưởng tượng ra tôi “có định kiến muốn bảo vệ chủ nghĩa hậu hiện đại”, nhưng thôi không chấp (cứ đọc kỹ hết tất cả những điều tôi viết khắc biết), tôi chỉ quan tâm cái câu “Các nhà khoa học đã phản đối chính cái bản chất của cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại”. Vậy thử hỏi trên thế gian này có cái gì có bản chất mà không tồn tại nào? Còn như cái đó tốt xấu  hay dở thế nào là chuyện khác. Ở đây tôi chỉ quan tâm vấn đề tồn tại hay không tồn tại mà thôi. Xin bạn Dân chớ có nhầm lẫn hai vấn đề rất khác nhau này, vì  tôi có cảm giác rằng với bạn, chỉ cái tốt mới tồn tại. Cũng chưa hết! Phê bình Vũ Xuân Tửu, bạn Dân viết: “Tác giả này đã tỏ ra không hiểu một tí gì về chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, cả về bản chất và thời gian xuất hiện của chúng” như thế càng chứng tỏ bạn Dân hiểu rất cặn kẽ về bản chất và cả thời gian xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại, thế mà lại dám tuyên bố nó không tồn tại! Thật ra bạn Dân còn có không ít lối diễn đạt đại khái như “thái độ chủ quan của chủ nghĩa hậu hiên đại” v.v.., như thế chủ nghĩa hậu hiện đại tồn tại thật rồi, bởi vì phải tồn tại trước cái đã, rồi mới bộc lộ thái độ chủ quan ra được chứ! Chắc chắn đọc đến đây bạn Dân sẽ giật mình vì bạn đã đưa ra  những luận chứng chống lại mình mà rất hồn nhiên không hay biết gì cả. Nhưng biết làm thế nào được, cái gì tồn tại trong “vô thức” là cái thật thà nhất và nó sẽ bộc lộ ra bằng cách này cách khác. “Vô thức” không có gì huyền bí cả, đến một lúc nào đó sẽ thể hiện thành ý thức hẳn hoi. Quả vậy, ở cuối mục 2, bạn Dân đã viết: “Như vậy, cái nghĩa cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là giai đoạn kịch phát của chủ nghĩa hiện đại là có vẻ xác đáng và bao quát hơn cả. Vì mức độ kịch phát đó mà chủ nghĩa hậu hiện đại còn có thể được gọi là chủ nghĩa siêu hiện đại hay chủ nghĩa tối hiện đại”. Bạn Dân viết câu này là hoàn toàn tỉnh táo với đầy đủ ý thức mà chứng cớ đanh thép là trong phần Kết luận bạn đã nhấn mạnh lại gần như vậy. Trước hết tôi rất trân trọng kiến giải riêng của bạn về việc đề xuất ra một thuật ngữ khác. Nhưng xin bạn nhớ cho thuật ngữ “chủ nghĩa hậu hiện đại” vẫn hoàn toàn gợi lên được cái quan hệ dây mơ rễ má giữa nó với “chủ nghĩa hiện đại”, chỉ thêm có chữ hậu có nghĩa là “sau” mà rắc rối đến như vậy, nay thật ra bạn cũng chỉ muốn thay thành chứ siêu hoặc tối thôi, nhưng có nghĩa là thoát lên hoặc nhất rồi không ai bằng thì chắc chắn chỉ có rắc rối hơn trở lên mà thôi. Tất nhiên đây chỉ là chuyện chữ nghĩa và ý kiến của bạn Dân còn nhiều nội dung khác nữa sẽ lần lượt bàn tiếp sau. Bây giờ hãy quay lại với cái kết luận quan trọng nói trên của bạn Dân, thấy nó trùng hợp với loại ý kiến thứ nhất của các học giả nước ngoài mà bạn “phân loại” và nói cụ thể là của Lyotard, Hassan, Hughes.v.v… Từ đây có thể rút ra những hệ luận như sau: 1. Ý kiến của một số học giả nước ngoài về chủ nghĩa hậu hiện đại không hề vu vơ chút nào mà là bàn về một hiện tương có thực. 2. Từ đó, mặc dù ăn theo nói leo, nghe hơi nồi chõ thời nào và ở đâu chả có, nhưng việc những người trong nước, kể cả Hội Nhà văn (sẽ nói rõ thêm ở sau) với không ít hội viên quan tâm tìm hiểu vấn đề này là chính đáng và cần thiết. 3. Bản thân bạn Dân từ nay về sau không nên nói nước đôi, cụ thể là không nên nói không có chủ nghĩa hậu hiện đại nữa, mà chỉ nên nói có chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng vẫn chưa vượt ra ngoài chủ nghĩa hiện đại. 4. Cuối cùng bạn nên nói rõ rằng chính mình cũng có dựa vào ý kiến của các học giả nước ngoài. Điều này không có gì xấu xa cả, chỉ có xấu xa những ai dối trá tự cho chỉ có chủ kiến của riêng mình, nghiên cứu nước ngoài mà không cần biết đến thành tựu của chính họ. Tất nhiên vấn đề còn ở chỗ hấp thu như thế nào, mới là đáng bàn.

Tuy có hấp thu ý kiến của học giả nước ngoài, nhưng trong nhiều năm qua, bạn Dân dồn sức vào chứng minh sự giống nhau như hệt giữa chủ nghĩa hiện đại với chủ nghĩa hậu hiện đại trên các vấn đề như phi lý tính, phi chủ thể, phi xác định .v.v… để cho rằng không có chủ nghĩa hậu hiện đại. Thật ra trong cái giống có cái khác, nhưng thôi, cứ hãy tạm giả định những điều bạn chứng minh là hoàn toàn chính xác, thì xin được nói thẳng là chưa thấm tháp vào đâu! Để cho thật khách quan, tôi xin phép dẫn ra chính ý kiến các tác giả của loại quan niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại mà bạn tán thành, đó là Lyotard, Hassan v.v… Trong công trình Chuyển hướng sang hậu hiện đại công bố năm 1987, Ihab Hassan đã nêu ra 33 điểm khác nhau giữa chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ nghĩa hiện đại, xin thử liệt kê ra một số: “Chủ nghĩa hiện đại// Chủ nghĩa hậu hiện đại: Hình thức// Chống hình thức. Có mục đích// Trò chơi. Sắp đặt// Ngẫu hứng. Tác phẩm hoàn kết// Quá trình, đang trình diễn. Gián cách// Can dự. Chỉnh thể hoá// Giải cấu trúc. Tổng hợp// Phân lập. Ẩn dụ// Hoán dụ. Chọn lựa// Kết hợp. Gốc rễ, chiều sâu// Cành nhánh, bề mặt. Lý giải// Ngộ nhận. Cái được biểu đạt// Cái biểu đạt. Để đọc// Để viết lại. Xác định// Bất định. Siêu thoát// Hưóng nội v.v…” (Xin xem đầy đủ trong Lý thuyết văn học hậu hiện đại, Nxb ĐHSP, H. 2011, tr. 80). Ý kiến của Hassan hiển nhiên không phải đều là chân lý, mà hơi bị rườm rà. Vậy thì sẽ được bù đắp ngay bởi duy nhất một ý kiến của Jean Francois Lyotard về một đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại là giải thể đại tự sự. Tôi không nói hễ tán thành một người nào thì phải tán thành tất cả các ý kiến họ phát biểu. Nhưng anh Dân dứt khoát phải phản bác hoặc chứng minh tất cả những đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại được Hassan và Lyotard nêu ra đều đã có trong chủ nghĩa hiện đại, nếu anh còn đeo đuổi cái quan niệm cho rằng không có chủ nghĩa hậu hiện đại.

Bạn Dân đúng là tham bác nhiều tài liệu và là người có chủ kiến, nhưng có lẽ do đọc quá nhiều, mà lại lắm chủ kiến cho nên cuối cùng không làm chủ được ý kiến của mình. Chỉ một bài viết ngắn được sửa chữa nhiều lần trong nhiều năm qua, mà ý tứ không rõ ràng nhất quán, luận chứng mâu thuẫn không trọn vẹn! Đem những thao tác tư duy như vậy để nhận xét rất trịch thượng về sách báo của đồng nghiệp trong một phần tư thế kỷ đầy những biến chuyển sôi động vừa qua, mà không hề có chút tư duy lịch sử thì làm sao mà tin được. Nhất là bạn Dân có xu hướng hay sử dụng cái chiêu “đồng đại hoá” mọi việc trong chiều lịch đại để dễ bề bắt bẻ những mâu thuẫn.

Riêng về phần tôi không phải là kẻ tiên tri biết trước hết mọi việc ngay một lúc.  Nhận thức về vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn phải là một quá trình, trong đó có những nhược điểm riêng cũng như hạn chế chung cùa lịch sử, song đều rất rạch ròi theo ba thời điểm chính như sau:

- Năm 1986 - 88 Nxb Giáo dục công bố bộ giáo trình 3 tập do chúng tôi làm chủ biên mà thật ra đã được khởi thảo trước thời Đổi mới và phải tuân theo chương trình của Bộ Giáo dục từ năm 1982. Thời ấy, nhất là ở nước ta, làm sao có thể nói đến chủ nghĩa hậu hiên đại? Cho nên đối với những hiện tượng văn học mới mẻ như tiểu thuyết mới v.v…, vẫn đành tạm ghi nhận nó trong mục Chủ nghĩa hiện đại. Sau này khi đã có khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại mới mẻ (dù là được hiểu vẫn còn nằm trong hay đã vượt ra ngoài chủ nghĩa hiện đại thì vẫn là mới mẻ) thì phải trả những hiên tượng nói trên về đúng chỗ của nó là chuyện bình thường, tất yếu, lôgic.

- Năm 2005 giáo trình bộ mới của chúng tôi thuộc vào loại sớm nhất đề cập đến chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy nhiên, lúc ấy cũng như nhiều người khác, trong đó có bạn Dân, chúng tôi chỉ thấy chủ nghĩa hậu hiện đại tuy là rất mới mẻ, nhưng vẫn chưa vượt ra ngoài phạm vi chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại là một cách gọi chung, đâu phải được hình thành trong một lúc, mà vẫn luôn luôn dung nạp những cái mới, lần lượt từ chủ nghĩa tượng trưng đến chủ nghĩa  biểu hiện v.v…, và bây giờ “kết nạp” thành viên mới là chủ nghĩa hậu hiện đại. Vậy có phải là, theo lô-gic rất thông thường và hiển nhiên là cái gì nói về những “trường phái thành viên” như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa biểu hiện.v.v… cũng  đều có thể dẫn chứng trở lại trong khi bàn chung về chủ nghĩa hiện đại không nào? Thế thì tại sao những cái nói trong chủ nghĩa hậu hiện đại lại không thể dẫn chứng trở lại khi bàn chung về chủ nghĩa hiện đại nhỉ? Đây là việc làm tự nhiên không hề có mâu thuẫn gì cả. Bạn Dân cũng từng chủ trương là chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn nằm trong chủ nghĩa hiện đại, thế mà tỏ ra không hiểu việc làm này của tôi thì lạ thật. Không hiểu thì chớ, lại quay ra nặng lời bắt bẻ quy chụp vô lối, thật là một sự cố tình rất đáng chê trách.

- Năm 2011 tôi đã công bố công trình Lý thuyết văn học hậu hiện đại theo yêu cầu của Hội Nhà văn mà như ý kiến của Chủ tịch Hội là: “vì đã định tâm hội nhập, thì phải ra sức cập nhật, trước hết là để hiểu rõ sát đúng tình hình bên ngoài đến mức tối đa có thể được” (Mấy lời nói đầu). Chớ có xuyên tạc thành đây là hành động cổ vũ cho chủ nghĩa hậu hiện đại! Đến đây chúng tôi mới thấy rõ tuy không hoàn toàn tách rời với chủ nghĩa hiện đại, nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu văn nghệ khác từ cơ sở xã hội và ý thức đến quan niệm về hiện thực và con người. Tuy nhiên, do nhiệm vụ và cũng do khả năng, chúng tôi chỉ có thể đi sâu riêng về phương diện lý thuyết của nó mà thôi. Nhưng qua đây có thể thấy biết bao điều mới mẻ không hề có trong lý thuyết văn học hiện đại, chẳng hạn như có sự chuyển biến nội tại ngay trong lý luận văn học hậu hiện đại từ chỗ “phá” đến chỗ “xây”, từ chỗ phủ nhận ngay cả ngôn ngữ, giải cấu trúc, đạp đổ mọi hệ thống lý thuyết cũ (Các trường phái giải cấu trúc Pháp và Hoa kỳ) đến việc quay về với lịch sử (Chủ nghĩa tân lịch sử), với xã hội (Phê bình nữ quyền),với chính trị (Phê bình hậu thực dân). Thật là mới lạ đến mức có ý kiến cho đây là Chủ nghĩa hậu hậu hiện đại (Beyond  Posmodernism). Và đến nay Lý thuyết văn học hậu hiện đại vẫn tiếp tục  sinh mệnh của mình, nhưng từ cuối thế kỷ trước đã chấm dứt vai trò chủ lưu và nhường ngôi cho trường phái Nghiên cứu văn hoá với những quan niệm và khái niệm khác hẳn, mặc dù lý luận văn học hậu hiện đại cũng có góp phần vào như là một trong những tiền đề lý thuyết. Chắc chắn là việc nghiên cứu của chúng tôi không tránh khỏi sai sót, nhưng là một sự nỗ lực phản ảnh “sát đúng với tình hình bên ngoài đến mức tối đa có thể được” theo khả năng của mình. Bởi vì giả sử tôi được phép nói gì thì nói, thì cũng không có tài hư cấu ra những nội dung như trên. Tất nhiên cho dù việc nghiên cứu của chúng tôi có hoàn toàn đúng đắn thì cũng không thể bệ nguyên si vào thực tiễn  sáng tác được, vì  giữa lý luận với sáng tác khi nào cũng có độ vênh nhất định. Cần phải có thêm những công trình chuyên sâu riêng về thơ, kịch, tiểu thuyết hậu hiện đại nữa. Rồi sau khi đã có được sự nhận thức đúng đắn, hoặc tương đối đúng đắn về lý luận phê bình và sáng tác hậu hiện đại, chúng ta mới có thể chính thức tiến hành đánh giá một cách toàn diện chuyện hay dở tốt xấu thế nào, trên cơ sở đó mới chọn lựa có nên vận dụng hay không, vận dụng đến mức nào vào nền văn học chúng ta. Công việc của chúng tôi hoá ra cũng  chỉ mới quẩn quanh ở xuất phát điểm mà thôi. Nhưng là một sự quẩn quanh cần thiết, nhằm góp phần xoá tan mối nghi ngờ về sự hiện diện của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới. Bởi vì xem ra, chịu, không có cách nào có thể cưỡng  ép những nội dung mà chúng tôi triển khai về lý luận văn học hậu hiện đại vào trong cái khung vốn có của lý luận văn học hiện đại được.

T/b: Chúng tôi vốn là bạn bè đồng nghiệp rất gần gũi, nhưng tôi không hề hay biết gì về bài viết của anh Dân. Được thôi, không sao cả! Nhưng vấn đề bức bách hiện nay không phải là giữa chúng ta với nhau (lúc nào trao đổi chả được), mà là giữa chúng ta với bạn đọc, cho nên buộc tôi phải lên tiếng ngay, nhưng cũng nhân đây, xin mời bạn Dân xem luôn cho nhé!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ

VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...

Thư giãn  

Truyện ngắn: "Vừa bắt đầu đã kết thúc"

VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...

Nhà văn đọc sách  

Những cuộc dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng”

VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...