Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tiền thưởng giải Nobel được sử dụng thế nào?

10-10-2011 02:53:51 PM

VanVn.Net - Niềm vinh dự và tự hào khi giành giải Nobel có thể là vô giá, nhưng không ai theo đuổi giải thưởng uy tín ấy nếu nó không mang lại cho họ phần thưởng vật chất. Chúng ta hãy xem những chủ nhân từng đoạt giải Nobel sử dụng khoản tiền thưởng 10 triệu kronor như thế nào.

Khi tác giả người Áo Elfriede Jelinek giành giải Nobel Văn học năm 2004, một phóng viên truyền hình hỏi, giải thưởng này có ý nghĩa thế nào đối với bà, Jelinek ngập ngừng một lát và trả lời: độc lập về mặt tài chính. Những người giành giải Nobel tất nhiên là rất giỏi - có thể họ đã có công việc tốt tại một trường ĐH uy tín - nhưng họ chẳng giàu có gì. Vì thế, khoản tiền thưởng khoảng 1,4 triệu USD này thường rất có ý nghĩa với tác giả của nó, được sử dụng theo nhiều cách: trả tiền thế chấp, mua ôtô hoặc tiết kiệm phòng thân. Wolfgang Ketterle, một trong ba nhà khoa học giành giải Nobel Vật lý 2001 nói: “Tôi đã dùng số tiền thưởng để mua một ngôi nhà và trang trải việc học tập của các con tôi”. Với Franco Modigliani quá cố, giải Nobel Kinh tế năm 1985 đã giúp ông mua được một chiếc du thuyền…

Al Gore

Cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2007, cùng với Ủy ban Liên chính phủ về biến đối khí hậu. Trước khi nhận giải Nobel, ông Al Gore đã đi nhiều nơi để cảnh báo về tình trạng nóng lên toàn cầu - được ghi lại trong bộ phim tài liệu An Inconvenient Truth. Toàn bộ số tiền từ giải thưởng Nobel Hòa bình, ông Al Gore dành cho Liên minh bảo vệ khí hậu (Alliance for Climate Protection - ACP) - tổ chức do chính ông thành lập và điều hành. ACP có vai trò xây dựng giải pháp từ cơ sở để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, với mục tiêu trong vòng 10 năm, 100% điện năng của Mỹ được tạo ra từ các nguồn năng lượng sạch.

Albert Einstein

Albert Einstein nhận giải Nobel Vật lý năm 1921 vì những đóng góp cho vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá của ông về định luật quang điện. Ông để lại toàn bộ tiền nhận được từ giải thưởng này cho người vợ cả Mileva Maric và hai con trai. Điều đặc biệt là Einstein đã đoán trước giải thưởng này khi ông tuyến bố để lại số tiền thưởng cho Maric năm 1919 (trong một văn bản có chứng thực), nhưng đến năm 1921 ông mới được trao giải. Có rất nhiều bàn tán xung quanh quyết định của Einstein. Một số người cho rằng, ông làm vậy vì thấy mắc nợ với vợ. Bà cũng là một nhà khoa học, có đóng góp vào công trình nghiên cứu đoạt giải của Einstein.

Marie Curie

Marie Curie là nhà khoa học nữ đầu tiên trên thế giới nhận giải Nobel, bà cũng là người đầu tiên nhận được hai giải Nobel ở hai lĩnh vực khoa học khác nhau (Vật lý và Hóa học). Marie Curie dành tất cả số tiền của giải thưởng đầu tư cho những nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực của mình. Giải Nobel đầu tiên Marie Curie nhận được là năm 1903 cùng chồng bà, nhà vật lý Pierre Curie. Năm 1911, Marie Curie nhận giải Nobel Hóa học, cho đề tài được bà thực hiện độc lập. Cả hai công trình nghiên cứu của Curie đều về phóng xạ. Con gái và con rể bà sau này cũng nghiên cứu đề tài này và đã giành giải Nobel Hóa học năm 1935 với phát hiện về phóng xạ nhân tạo. 

Paul Greengard

Paul Greengard là nhà nghiên cứu về thần kinh của Mỹ. Ông là đồng tác giả giải Nobel Y học năm 2000 (cùng hai tác giả nữa). Greengard cũng là giảng viên Đại học Rockefeller, TP New York. Ngay sau khi giành giải Nobel, ông đã đầu tư toàn bộ tiền thưởng (400.000 USD) thành lập một giải thưởng mang tên mình - Pearl Meister Greengard - giải Nobel dành cho những phụ nữ làm khoa học, tương đương 50.000 USD. Trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 2006 với phóng viên của New York Times, Greengard cho biết: “Vẫn còn phân biệt đối xử với phụ nữ trong khoa học, kể cả ở cấp cao nhất”. Giải thưởng do trường Rockefeller điều hành, bắt đầu được trao từ năm 2004, cho các nhà nghiên cứu hóa sinh.

Gunter Blobel

Gunter Blobel là giảng viên Trường Đại học Rockefeller, ông giành giải Nobel Y học năm 1999. Ông dành toàn bộ tiền thưởng, khoảng 1 triệu USD, cho một quỹ của thành phố Dresden, Đức. Số tiền này đã được sử dụng để phục hồi nhà thờ của thành phố và xây dựng một nhà giáo dưỡng Do Thái mới. Năm 1945, trong trại tị nạn, ông tận mắt chứng kiến những vụ đánh bom tàn sát vào thành phố. Cuối năm đó, chị gái ông bị giết trong một trận không kích. “Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi khi đóng góp toàn bộ tiền thưởng giải Nobel để tưởng nhớ chị gái Ruth Blobel và góp phần tái thiết Dresden”.

Minh Hạnh (Theo Time)

(Nguồn daibieunhandan.vn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn