Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện dịch: "Kịch bản hoàn hảo" - Uông Triều

29-08-2011 09:07:48 AM

VanVN.Net - Uông Triều, tên thật: Nguyễn Xuân Ban, sinh năm 1977. Trước khi viết văn, anh là giáo viên dạy ngoại ngữ tại Quảng Ninh. Năm 2009, sau khi đoạt giải cuộc thi viết truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức, Uông Triều đã trở thành một cái tên được nhiều độc giả đón đợi. Niềm đam mê văn chương cộng với lợi thế ngoại ngữ, anh đã dịch và giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam khá nhiều tác phẩm độc đáo…

 

Tác giả Uông Triều

 


KỊCH BẢN HOÀN HẢO

 

                                                            Lawrence Block (Mỹ)

       Lawrence Block là nhà văn Mỹ hiện đại chuyên viết tiểu thuyết và truyện ngắn trinh thám. Ông sinh năm 1938 và hiện đang sống ở thành phố New York, Mỹ. Lawrence Block đã đạt được nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải thưởng giành cho thể loại văn học kì bí của Hội nhà văn Mỹ. Một trong những nhân vật nổi tiếng của Lawrence Block là viên cựu cảnh sát Matt Scudder, nhân vật chính trong một chuỗi các tiểu thuyết trinh thám của ông, đã được dựng thành phim “Tám triệu cách để chết”.

 

          Viên cảnh sát nhìn thấy một chiếc ô tô đang đỗ trên lòng cầu nhưng cũng không bận tâm lắm. Người ta thường dừng xe trên cầu vào đêm muộn, khi có ít phương tiện giao thông qua lại. Cây cầu bắc qua một dòng sông sâu. Dòng sông chia thành phố gọn gàng thành hai phần và ở phần chính giữa của cây cầu là nơi có thể ngắm nhìn thành phố một cách thuận tiện nhất.

          Những người tự tử cũng thường thích những cây cầu. Viên cảnh sát không nghĩ về điều đó cho đến khi nhìn thấy một người đàn ông bước ra khỏi chiếc xe đang đỗ, anh ta đi chầm chậm theo lối dành cho người đi bộ và đặt tay lên thành cầu. Có một điều gì đó đáng chú ý về cái bóng dáng cô đơn kia cùng với màu xám của đêm và sương khói bốc lên từ mặt sông. Viên cảnh sát quan sát người đàn ông, làu bàu vì gặp chuyện bực mình và tự hỏi liệu kịp đến chỗ anh ta.

          Viên cảnh sát không định quát to hay huýt sáo bởi vì biết  rằng nếu làm cho người đàn ông giật mình thì anh ta dễ mất mạng như chơi. Người đàn ông chợt lấy ra một điếu thuốc và châm lửa, viên cảnh sát hiểu rằng anh ta sẽ có đủ thời gian. Những người có ý định tự tử thường hút hết điếu thuốc cuối cùng trước khi họ lao ra khỏi thành cầu.

          Khi viên cảnh sát chỉ cách người đàn ông khoảng vài chục bước chân, người đàn ông bỗng quay đầu lại, anh ta nhún nhẹ chân và sau đó thì lắc đầu chấp nhận rằng cái giây phút quyết định đã trôi qua. Người đàn ông khoảng ba lăm tuổi, cao, khuôn mặt dài và nhỏ, lông mày đen, rậm.

          “Anh đứng ngắm cảnh à?”, viên cảnh sát hỏi. “Tôi trông thấy anh ở đây và nghĩ rằng chúng ta có thể nói chuyện với nhau. Cái giờ này thật vắng vẻ”. Viên cảnh sát vỗ vào túi áo, giả vờ tìm bao thuốc nhưng không thấy. “Này anh bạn, còn điếu thuốc nào không?”

          Người đàn ông lấy thuốc và châm lửa cho viên cảnh sát.

          “Nhìn từ đây, thành phố trông thật đẹp ”, viên cảnh sát nói. “Điều này khiến cho người ta cảm thấy thật yên bình.”

“Điều đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả”. Người đàn ông bắt chuyện. “Tôi đang nghĩ về cái cách mà con người có thể tìm thấy sự yên ổn cho mình.”

          “Mọi việc không chóng thì chày rồi cũng tốt thôi, ngay cả khi phải chờ đợi một chút.” Viên cảnh sát tiếp tục. “Thế giới này thật nghiệt ngã nhưng đó là những gì tốt nhất mà chúng ta có được và anh cũng sẽ không tìm thấy một thế giới khác tốt hơn ở dưới đáy sông đâu.”

    Người đàn ông vẫn yên lặng, sau đó anh ta ném điếu thuốc qua lan can cầu và nhìn nó rơi xuống mặt sông. Anh ta quay về phía viên cảnh sát, “ Tôi tên là Edward Wright, tôi không nghĩ là tôi đã làm điều đó, ít nhất là không phải đêm nay.”

“Anh bạn có điều gì buồn phiền ghê gớm phải không?” viên cảnh sát hỏi.

“Không… không có gì đặc biệt cả.”

“Anh đã đi gặp bác sĩ chưa, điều đó có ích đấy.”

“Ai cũng nói vậy thôi”.

“ Chúng ta làm một tách cà phê nhé?” Viên cảnh sát đề nghị.

          Người đàn ông định nói điều gì đó nhưng sau đó thay đổi ý định. Anh ta châm một điếu thuốc khác và phả ra một đám khói. “Bây giờ tôi đã tĩnh tâm rồi. Tôi sẽ về nhà và ngủ một chút. Tôi đã không ngủ yên giấc từ khi vợ tôi…”

“Vậy…”, viên cảnh sát cắt ngang.

“Từ khi vợ tôi mất. Cô ấy là tất cả những gì mà tôi có, cô ấy đã ra đi vĩnh viễn rồi.”

          Viên cảnh sát vỗ vai người đàn ông. “Anh sẽ vượt qua sự đau khổ này thôi, anh bạn ạ. Có thể anh nghĩ rằng anh sẽ không vượt qua nổi và không một thứ gì có thể bù đắp nhưng…”

“Tôi nên trở về nhà mình. Xin lỗi đã làm phiền anh. Tôi sẽ tĩnh tâm lại và mọi việc sẽ ổn thôi.”

          Viên cảnh sát nhìn người đàn ông lái xe đi và băn khoăn tự hỏi liệu có nên đưa anh ta về đồn cảnh sát. Nếu ai đó biết được có người đang có ý định tự vẫn thì họ không thể dừng suy nghĩ của mình lại được. Viên cảnh sát quay lại phía bên kia cầu, lấy trong túi ra quyển sổ và ghi: Edward Wright, lông mày rậm, vợ chết, có ý định nhảy cầu.

***

          Bác sĩ tâm lí đang vân vê bộ râu quai nón và quan sát bệnh nhân.

“… Không còn gì đáng sống nữa bác sĩ ạ, tôi gần như đã tự tử đêm qua. Tôi đã định nhảy xuống cầu Morrissey.”

“Vậy anh…”

“Bỗng nhiên có một gã cảnh sát xuất hiện và tôi đã không thực hiện được ý định của mình”

          “Tại sao lại không?”

 “Tôi cũng không biết nữa.”

          Câu chuyện dài lê thê giữa bác sĩ và bệnh nhân tiếp tục. Có khi  hàng giờ đồng hồ tay bác sĩ tâm lí cũng chẳng mảy may suy nghĩ gì. Ông ta cứ trả lời một cách tự động như một cái máy và thực sự chẳng quan tâm bệnh nhân nói gì với mình. Ông ta tự hỏi: “Liệu mình có làm được chút gì có ích cho những người như thế này không. Có lẽ họ chỉ muốn kể câu chuyện của mình và điều họ cần là một người biết lắng nghe.

          Câu chuyện tiếp theo là về một giấc mơ. Hầu hết bệnh nhân đều kể về những giấc mơ của họ. Điều này đúng là cực hình vì chính tay bác sĩ tâm lí cũng chưa bao giờ nhớ được có một giấc mơ của riêng mình. Ông ta đang nghe người đàn ông kể về một giấc mơ, thỉnh thoảng lại liếc nhìn đồng hồ và mong cho thời gian sớm kết thúc. Giấc mơ đó, viên bác sĩ hiểu rằng ám chỉ sự chán chường cuộc sống và đang tiến dần đến cái chết và tự vẫn chỉ có thể  được ngăn cản bởi sự sợ hãi, nhưng điều này sẽ kéo dài được bao lâu?

          Lại thêm một giấc mơ khác, bác sĩ tâm lí nhắm mắt lại và không thèm nghe nữa. Thêm năm phút như vậy - tay bác sĩ tự nhủ - thằng ngốc này sẽ cuốn xéo.

***

          Người bác sĩ đang quan sát bệnh nhân của mình, anh ta có hàng lông mày rậm rịt, khuôn mặt đầy vẻ ăn năn, sợ hãi. “Tôi phải được rửa ruột bác sĩ ạ. Chúng ta có thể làm ở đây hay phải đến một bệnh viện nào đó?”

“Anh có chuyện gì vậy?”

“Tôi đã uống thuốc.”

“Thuốc ngủ à, bao nhiêu viên?”

“Hai mươi viên.”

“Chỉ cần mười viên là có thể giết người! Anh đã uống được bao lâu rồi?”

“ Nửa giờ trước đây. Không, khoảng hai mươi phút.”

“Và sau đó anh quyết định không cư xử như một thằng ngốc nữa? Đã hai mươi phút rồi, sao anh phải chờ lâu đến vậy?”

“Tôi cố gắng làm cho mình bị dày vò đau đớn.” 

“Điều đó vẫn chưa xảy ra à. Thôi được, chúng tôi sẽ rửa ruột cho anh, rất khó chịu đấy nhưng anh sẽ được cứu sống.”

“ Cảm ơn bác sĩ.”

“Anh không cần phải cảm ơn. Tôi sẽ phải báo cáo về vụ này.”

“Tôi mong ông đừng làm như vậy. Tôi…đang được một bác sĩ tâm thần điều trị. Thực sự, chuyện này chỉ hơn một vụ tai nạn một chút.”

          Viên bác sĩ nhướn mày “ Hai mươi viên thuốc ngủ? Tốt nhất anh hãy thanh toán tiền cho tôi ngay bây giờ. Tôi không thể mạo hiểm gửi hóa đơn cho những người không biết sẽ tự tử khi nào”.

 

***

“Khẩu súng này đáng đồng tiền và chỉ cần thêm vài đô nữa…”

“Không, thế là tốt rồi. Tôi cần một hộp đạn.”

          Người bán hàng đưa ra một hộp đạn: “ Một hộp hay ba …”

          “Một hộp là đủ rồi.”

          Người bán hàng mở sổ “ Xin ông vui lòng kí tên vào đây theo quy định”, sau đó anh ta kiểm tra chữ kí của khách hàng. “Tôi cần xem một cái gì đó để xác minh. Ông Edward, tôi có thể xem giấy phép lái xe của ông được không?”  Người bán hàng xem giấy phép lái xe và so sánh với chữ kí trong hóa đơn, sau đó ghi lại số hiệu bằng lái.

          “Cảm ơn.”

“Được rồi, ông Edward . Tôi nghĩ rằng ông sẽ sử dụng hữa ích khẩu súng đó.”

“Tôi cũng tin vậy.”

***

          Vào lúc chín giờ tối, Edward Wright nghe thấy tiếng gõ cửa phía sau nhà. Bước xuống cầu thang, tay vẫn cầm chiếc li, Edward uống hết li nước và đi xuống mở cửa.   Ngoài cửa là một người đàn ông cao lớn, lông mày đen, rậm. Nhận ra vị khách, Edward mở cửa.

Người đàn ông ngay tức khắc rút súng chĩa vào Edward.

“Mark…”

“Không mời tôi vào à, người khách nói, ngoài trời lạnh lắm.”

“Mark, tôi không…”

“Vào trong”, người khách ra lệnh.

          Trong phòng khách, Edward sợ hãi nhìn khẩu súng và hiểu rằng điều gì sắp xảy ra.

“Mày đã giết cô ấy, Edward ạ, người khách nói. Cô ấy muốn li dị nhưng mày đã không để cho cô ấy làm điều đó. Tao đã nói với cô ấy rằng, nói điều đó với  mày sẽ rất nguy hiểm vì mày chỉ là thằng súc sinh. Tao bảo cô ấy trốn đi cùng tao và hãy quên mày đi nhưng cô ấy đã muốn cư xử tử tế và mày đã giết cô ấy.”

“Anh thật điên rồ”

“Mày đã sắp đặt điều đó giống một vụ tai nạn. Mày đã giết cô ấy thế nào? Edward, nếu không viên đạn này sẽ không tha cho mày đâu.”

“Tôi đã đánh cô ấy. Tôi đã đánh đập cô ấy vài lần. Sau đó ném cô ấy xuống cầu thang. Và người ta không thể đi báo cảnh sát vì những việc như thế. Cảnh sát sẽ không thể chứng minh được điều đó và họ không tin.”

“Chúng tao sẽ không đi báo cảnh sát. Tao đã không nói cho họ ngay từ đầu. Họ đã không biết động cơ của mày là gì. Tao đã có thể nói với cảnh sát về mục đích của mày nhưng tao đã không làm như vậy… Edward, mày hãy ngồi xuống cái bàn của mày, lấy giấy bút ra. Tao muốn mày viết một lời nhắn.”

          “Mày không thể…” Edward lắp bắp.

          “ Mày hãy viết:  Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Lần này tôi sẽ không thất bại. Sau đó kí tên”. Người đàn ông chĩa súng vào gáy Edward.

“Mày sẽ bị treo cổ vì điều này Mark ạ.”

“Không, đây chỉ là một vụ tự vẫn, Edward mày hiểu không.”

“Sẽ không ai tin rằng tao đã tự vẫn dù tao có viết hay không. Họ sẽ không tin đâu.”

“Viết ngay đi Edward. Sau đó tao sẽ đưa cho mày khẩu súng và để cho mày tự xử.”

          “Mày…”

          “Mày chỉ cần viết lời nhắn như vậy. Tao không muốn giết mày. Tao chỉ muốn mày viết vài chữ, sau đó tao sẽ ra đi.”

          Edward không tin điều đó, nhưng khẩu súng đang chĩa vào đầu không cho anh ta cơ hội khác. Edward viết và kí tên.

          “Quay lại, Edward.”

          Edward quay lại và nhìn chăm chú. Người đàn ông trông có điều gì  rất khác thường. Anh ta đã sử dụng lông mày giả, tóc giả và hóa trang đôi mắt.

“Edward, mày biết tao trông giống ai không? Tao trông giống mày. Tuy không giống mày một trăm phần trăm nhưng tao chắc là sẽ rất khó phân biệt”.

“Mày đã đóng giả  tao để làm gì?”

“Mày vừa nói với tao rằng mày không phải người tự tử. Nhưng Edward ạ, mày sẽ rất ngạc nhiên về cách cư xử gần đây của mày. Một viên cảnh sát đã nói chuyện với mày để ngăn mày khỏi nhảy  xuống cầu Morrissey. Một tay bác sĩ tâm lí đã gặp  mày và đã nghe mày nói về tự sát. Một bác sĩ khác đã phải rửa ruột cho mày. Điều này là thật kinh khủng. Tao đã sợ rằng khi đó bộ tóc giả sẽ tuột ra mất, nhưng thật may nó đã không xảy ra. Đó là tất cả những điều mày đã làm. Điều kì lạ là  mày không nhớ những điều mày đã làm. Mày có nhớ mày đã mua một khẩu súng lúc tối nay không?”

          “Tao…”

          “Mày đã làm điều đó, chỉ nửa giờ trước đây. Mày đã kí giấy biên nhận, mày đã phải xuất trình giấy phép lái xe.”

          “Làm sao mày lấy được giấy phép lái xe của tao?”

          “Tao không lấy. Tao tự tạo ra một chiếc. Tất nhiên nó sẽ không đánh lừa được cảnh sát, nhưng không có viên cảnh sát nào nhìn thấy nó cả. Dù sao nó cũng đã đánh lừa được người bán hàng. Mày nói  mày không tự tử nhưng tất cả những người đã gặp mày sẽ thề rằng mày đã làm điều đó.”

“Thế còn bạn bè tao. Những người ở chỗ tao làm việc?”

“Tất cả họ đều sẽ công nhận. Bọn họ sẽ nhớ lại tâm trạng của mày. Tao chắc rằng mày đã đóng kịch rất tài. Mày đã giả vờ bị sốc và đau khổ về cái chết của cô ấy. Mày đã tham gia vào vở kịch. Đáng lẽ mày đã không nên giết cô ấy. Tao đã yêu cô ấy. Đáng lẽ mày phải để cô ấy ra đi, Edward ạ.”

          Edward run rẩy. “ Mày đã nói rằng mày sẽ không giết tao đúng không. Mày sẽ bỏ đi và để lại khẩu súng”

          “Mày đừng tin điều đó”. Người đàn ông nói và rất nhanh, xiết cò súng kết liễu Edward. Anh ta sau đó sắp đặt mọi thứ thật gọn gàng, xóa sạch dấu vân tay trên súng và thay vào đó là dấu vân tay của Edward. Người đàn ông đặt mẩu giấy Edward đã viết lên trên bàn, cho tấm card visit của bác sĩ tâm lí vào ví và để hóa đơn mua súng vào túi Edward.

          “Đáng nhẽ mày đã không nên giết cô ấy”. Người đàn ông nói với xác chết và sau đó ra khỏi cửa và biến mất vào bóng đêm.

 

          BÚP BÊ TÌNH YÊU

                                                                   Paul William Gallico (Mỹ)

     Paul William Gallico (1897- 1976) là một nhà văn, phóng viên thể thao nổi tiếng của Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình, có tác phẩm đã đạt giải Oscar. Cha ông  người Ý, mẹ người Áo, bản thân ông đã nhiều năm sống ở châu Âu. Là người đa tài và viết khỏe, ông có hàng chục đầu sách: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim truyền hình, thể thao. Những tác phẩm nổi tiếng của Gallico là: Ngỗng tuyết, Tình yêu của bảy con búp bê, Cuộc phiên lưu Poseidon.

 

Câu chuyện tôi sắp kể diễn ra cách đây ba năm, và tất cả xảy ra vì một con búp bê.

Tôi là một bác sĩ, tôi tên là Stephan Amony. Nhà và nơi tôi làm việc là thành phố Luân Đôn, gần sông Thêm.

Tôi còn nhớ rõ buổi sáng tháng Mười năm ấy. Từ cửa sổ, tôi thấy ánh nắng ban mai đang chiếu sáng trên dòng sông.

Tôi ra khỏi nhà để đi mua tờ Thời báo, công việc tôi vẫn làm hàng sáng. Có một cửa hàng hoa ở ngay góc phố tôi sống. Đi đến sát góc phố, tôi có thể ngắm những bông hoa thật rực rỡ. Tôi rẽ vào đường Abbey.

Vài phút sau tôi đã đến trước cửa hàng để mua báo. Trước khi vào trong, tôi nhìn qua tủ kính và tôi sực nhớ rằng tuần tới là sinh nhật đứa cháu gái.

     Như thường lệ, cửa hàng có rất nhiều đồ chơi, bút, giấy. Một vài thứ trong đó dường như đã ở trong tủ kính nhiều năm. Khi trông thấy một con búp bê, tôi quyết định đó sẽ là món quà sinh nhật mà cháu tôi thích nhất. Con búp bê gần như bị che khuất ở góc tủ. Nó được làm bằng vải, nhưng chính khuôn mặt đã gây cho tôi sự chú ý đặc biệt. Cho dù được sơn màu vẽ, con búp bê trông đáng yêu, hiền từ, đôi mắt đượm buồn. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho nó phải ở trong cái tủ kính ken chặt hàng. Tôi quyết định nhìn kỹ hơn.

          Cửa hiệu của một người đàn ông tên là Jim Carrter. Khi tôi đi vào, ông ta mỉm cười. “ Xin chào bác sĩ, vẫn một tờ Thời báo chứ ?”

“ Vâng, và tôi muốn một món quà cho đứa cháu gái. Tôi muốn xem con búp bê trong tủ của ông, con búp bê ở đằng góc tủ ấy, làm bằng vải”.

Ông chủ của hàng có vẻ ngạc nhiên. “Con búp bê à, nó đặc biệt nhưng đắt đấy bác sĩ à”.

          Jim lấy con búp bê khỏi tủ kính, đưa cho tôi. Khi cầm con búp bê, tôi ngạc nhiên đến nỗi suýt đánh rơi. Nó rất đẹp và giống như thật. Trang phục của búp bê được may bằng tay, và khuôn mặt, mặc dù tôi không nhìn rõ lắm, được vẽ thủ công bởi một nghệ sĩ. Nó thật đáng yêu.

Bất kỳ ai làm ra con búp bê này chắc chắn đã thực hiện với sự yêu quý và cẩn trọng. Nó thật dịu dàng, và đó là cảm giác đầu tiên khi tôi nhìn thấy khuôn mặt búp bê.

          Tôi đặt con búp bê xuống nhẹ nhàng. “ Con búp bê này giá bao nhiêu tiền, ông Jim?”, tôi hỏi.

Tôi khi đó chắc phải trông rất ngỡ ngàng bởi vì Jim bảo tôi. “Tôi đã nói với bác sĩ rằng nó rất đắt.  Ở Luân Đôn người ta bán với giá hai mươi bảng, nhưng ở đây tôi lấy ông mười một bảng thôi”.

“Ai đã làm ra nó vậy?”, tôi hỏi. Tôi tò mò muốn biết người đã làm ra những con búp bê xinh đẹp này.

“ Một người đàn bà ở phố Harley, bà ta sống ở đây nhiều năm rồi, thỉnh thoảng bà ta đến đây và đó là cách tôi có những con búp bê để bán”. Tôi hỏi tiếp. “ Thế bà ta tên  gì, trông như thế nào?” “ Tôi cũng không chắc,  đại loại như là Callamy. Một người đàn bà cao, tóc đỏ, mặc quần áo đắt tiền. Bà ta trông khó gần và rất ít nói chuyện khi đến đây. Jim ngừng một lát, tôi chưa bao giờ thấy bà ta cười”.

          Tôi không thể hiểu được điều này, làm sao một người đàn bà như thế lại làm ra những con búp bê xinh đẹp đến vậy. Khi đếm tiền, tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn. Mặc dù con búp bê để làm quà tặng cho đứa cháu gái, nhưng lý do  thật sự để tôi mua nó: Đó là tôi không thể để con búp bê xinh đẹp như vậy trong một cửa hàng đầy bụi.

          Tôi mang búp bê về nhà, đặt trong căn phòng ngủ bé nhỏ của mình, và ở trong căn phòng này, dường như nó càng đáng yêu hơn. Tôi cho búp bê vào một cái hộp bằng giấy màu nâu. Buổi chiều hôm đó, tôi mang đến bưu điện, gửi cho cháu gái.

          Tôi nghĩ rằng tôi sẽ quên con búp bê, nhưng không được. Tôi không thể không nghĩ về nó. Làm sao một con búp bê xinh đẹp như vậy lại được làm bởi bàn tay của người phụ nữ như Jim nói được chứ?

Trong khi tôi đang cố tìm ra người phụ nữ đó là ai, thì có rất nhiều trẻ em bị ốm, đặc biệt trong thời tiết giá lạnh và ẩm ướt. Tôi đã bận rộn vài tuần liền. Tôi đã quên bãng cả người đàn bà và con búp bê.

          Một ngày kia, vào mấy tuần sau đó, tôi có điện thoại, giọng một phụ nữ.“ Đó có phải đó là bác sĩ Amony không?”

          “Vâng, tôi đây”.

          “Ông có thường xuyên đi khám tư cho bệnh nhân không?”

          “Có, thỉnh thoảng”, tôi đáp.

“Mất bao nhiêu tiền một lần?”.

Giọng điệu người đàn bà không mấy thiện cảm. Bà ta dường như quan tâm đến tiền nhiều hơn tới người đang ốm. Tôi trả lời. “Một lần khám bệnh mất năm bảng, nhưng nếu bà thực sự không thể trả tiền thì tôi cũng không đòi hỏi.” “ Được rồi, người đàn bà nói. Tôi có thể trả ông năm bảng. Tôi tên là Rose Callamit, nhà tôi ở cạnh hiệu bánh trên đường Harley, phòng của tôi trên tầng hai”.

“Tôi sẽ đến ngay”, tôi đáp.

          Tôi đến căn nhà đó sau mười phút. Tôi bước lên bậc cầu thang chật hẹp, bụi bặm và tối mò.

Khi đi hết cầu thang, cửa đã mở sẵn, một giọng nói khô cứng vọng ra. “Bác sĩ Amony phải không, mời vào. Tôi là Rose Callamit đây”. Trước mắt tôi là một người đàn bà với mái tóc đỏ kì dị, đôi mắt đen, môi bóng và sáng đỏ. Bà ta khoảng bốn lăm, năm mươi tuổi gì đó.

           Tôi thất vọng khi nhìn thấy người đàn bà, và càng thất vọng hơn khi bước vào gian ngoài. Đồ đạc đều là những thứ xuềnh xoàng. Trên chạn bát ở góc nhà, có một vài cái chai thuỷ tinh nhỏ. Không có chút hơi ấm nào, căn phòng lạnh lẽo, tồi tàn.

Và ở phía sau cửa, tôi nhìn thấy mấy con búp bê. Chúng được treo trên tường, một vài con khác bị vất  cẩu thả trên giường. Mỗi con búp bê có một vẻ khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chung là dịu dàng, đáng yêu, giống như con búp bê tôi đã mua cho cháu gái mình. Dường như người đàn bà kia không thể làm ra những con búp bê như thế này.

          “Ông là một tay bác sĩ quá trẻ”, bà Rose nói.

Tôi đáp lại gay gắt bởi vì thất vọng khi thấy những con búp bê ở trong nhà người đàn bà.

“Tôi già hơn vẻ bề ngoài. Nhưng nếu bà nghĩ tôi trẻ quá, tôi sẽ đi ngay”.

Bà ta cười: “Đừng giận, bác sĩ, nhưng trông ông rất đẹp trai”.

“Tôi là bác sĩ nên không có nhiều thì giờ để lãng phí, ở đây ai bị ốm”, tôi hỏi.

“Không phải tôi mà là cháu gái tôi. Nó đang ở phòng trong, tôi sẽ đưa ông vào đó”.

Trước khi bước vào, tôi thấy cần phải biết về những con búp bê, tôi hỏi. “Bà làm ra những con búp bê này à?”.

“Đúng, nhưng sao vậy?”.

Vì một vài nguyên nhân, tôi tự nhiên cảm thấy rất buồn. “Tôi đã mua một con búp bê như thế này cho cháu gái tôi”.

Bà ta cười. “Tôi đoán, ông chắc phải trả rất nhiều tiền.”

          Người đàn bà dẫn tôi qua hành lang nhỏ phía trong. Khi sắp mở cửa, bà ta kêu to. “Mary, bác sĩ đã đến”. Sau đó bà ta mở rộng cửa hơn để tôi vào. Bà ta cố ý nói to để cô gái có thể nghe thấy. “Đừng ngạc nhiên nhé bác sĩ, chân nó bị khoèo”. Cô gái - Mary, đang ngồi trên ghế cạnh cửa sổ, khi nghe thấy những lời như vậy, sự đau khổ cùng cực hiện rõ trên khuôn mặt. Một lần nữa, tôi lại giận dữ người đàn bà ghê gớm đó. Những lời của bà ta khiến cô gái phải nghĩ về cái chân của mình.

          Mary trông chưa tới hai lăm tuổi nhưng khuôn mặt rất xanh xao, đôi mắt to đen. Dường như linh hồn cô đang chết dần, cô rất yếu.

Từ giây phút đầu tiên, tôi đã xúc động bởi sự dịu dàng trên khuôn mặt buồn của Mary. Tôi vẫn còn nhớ rõ: thân hình gầy gò, tội nghiệp, mái tóc khô mất hết sự sống. Nhưng tôi đã thấy một thứ khiến tôi rạng rỡ. Xung quanh Mary là những chiếc bàn nhỏ, một chiếc để sơn màu và bàn chổi; những cái khác để kim, chỉ khâu, vải nhiều màu, nhiều kích cỡ khác nhau.  Đó là những thứ cần thiết để làm ra những con búp bê.

          Tôi có thể nhận ra sự ốm yếu của Mary không phải do cái chân bị tật. Nhưng cái chân của Mary thu hút sự chú ý của tôi. Đó là cái cách cô ngồi.  Nếu như giống như những gì tôi nghĩ, khi được điều trị, cái chân có thể kéo thẳng ra được.

“Cô có thể đi được không, Mary?”. Tôi hỏi.

“Có”, cô nhẹ nhàng.

“Hãy đi đến chỗ tôi.”

“Không, tôi không thể, đừng bắt tôi”.

Tôi không muốn làm Mary đau, nhưng tôi cần phải biết bệnh tình cho chắc chắn. “Tôi xin lỗi, nhưng Mary à, hãy cố lên”.

          Mary thận trọng đứng dậy, lê từng bước đến chỗ tôi. Tôi nhìn rất kỹ chân trái của Mary, tôi chắc là mình đã đúng.

“Tốt rồi”, tôi mỉm cười hài lòng. Tôi đưa tay ra giúp cô. Khi Mary nhìn lên, một lần nữa tôi chứng kiến sự tuyệt vọng, đau khổ mà cô đang đang trải qua. Cô dường như muốn khóc oà trong sự câm lặng khi được tôi giúp. Tay cô chới với tới tôi, nhưng rồi lại thõng xuống. Thế là hết hi vọng.

“Cô bị như thế nào bao lâu rồi, Mary?”

Bà Rose cướp lời. “Mary bị khoèo chân gần mười năm rồi, nhưng tôi mời ông đến đây không phải vì việc ấy. Mary đang bị ốm. Tôi muốn biết có vấn đề gì đối với nó”.

Đúng vậy, Mary đang bị ốm, thậm chí cô ấy đang chết dần. Tôi nhận ra điều đó ngay từ khi nhìn thấy Mary.

          Tôi hy vọng bà Rose sẽ rời khỏi phòng, nhưng bà ta không đi. Bà ta cười to. “ Tôi sẽ ở đây bác sĩ. Ông phải tìm ra có vấn đề gì với nó và nói cho tôi biết”.

Khám cho Mary xong, tôi và bà Rose đi ra phòng ngoài. Tôi bảo bà Rose.

 “Bà có biết rằng cái chân của Mary có thể kéo thẳng lại được. Nếu được điều trị, cô ấy có thể đi được.”

“Thôi đủ rồi”, bà Rose quát vào mặt tôi những từ khiến tôi nổi khùng.

“Nếu ông dám nói với Mary về điều đó. Nó đã được khám bởi những người biết chuyên môn. Tôi sẽ không để một vài tay trẻ tuổi ngu ngốc gợi cho nó những hi vọng. Nếu ông dám làm việc ấy, thì đừng bao giờ bước đến đây nữa. Tôi chỉ muốn biết có vấn đề gì xảy ra với Mary. Nó không ăn, cũng không ngủ, và không làm việc tốt được. Ông đã tìm ra nguyên nhân gì chưa?”.

          “Tôi vẫn chưa biết có điều gì xảy ra với Margi”, tôi trả lời. “Nhưng tôi biết cô ấy đang dần dần bị tàn phá bởi một điều gì đó. Tôi sẽ sớm khám lại cho cô ấy lần nữa và đưa cho cô ấy một ít thuốc. Nó sẽ giúp cô ấy khỏe hơn. Tôi sẽ quay lại trong một vài ngày tới.”

“Ông không được nói gì về việc chữa cái chân cho Mary, ông hiểu không? Nếu ông còn tiếp tục như vậy, tôi sẽ gọi bác sĩ khác”.

“Tôi đồng ý”, tôi đáp. Tôi buộc phải nói như vậy để có cơ hội đến thăm Mary lần nữa và có lẽ khi nào cô ấy khỏe hơn, tôi sẽ nói cho Mary biết về cái chân của cô ấy. Tôi sẽ…”

          Khi cầm túi của mình để chuẩn bị rời đi, tôi hỏi. “  Tôi nghĩ bà đã nói rằng bà đã làm ra những con búp bê này?”

“Tôi làm”, bà ta bộc lộ sự khó chịu. “Tôi đã vẽ chúng, sau đó để Mary làm. Điều ấy giúp nó không nghĩ về cái chân của mình nữa, và sự thật là nó sẽ không bao giờ kết hôn hay có con cái”.

       Tôi đi ra ngoài trong một ngày nắng tháng Mười quang đãng, tôi biết bà Rose đã nói dối. Tôi đã tìm ra con người tuyệt vời làm ra những con búp bê kỳ diệu kia. Hạnh phúc nghĩ về điều đó nhưng tôi lo lắng cho Mary, trừ khi tôi tìm ra có điều gì đang xảy ra với cô ấy, nếu không Mary sẽ sớm từ giã cuộc đời.

           Sau vài lần đến thăm Mary, tôi đã biết được nhiều hơn. Tên của cô là Mary Nolan, khi mười lăm tuổi cô bị tai nạn xe hơi. Cả bố và mẹ cô đều chết, Mary bị thương nặng. Chính tai nạn đó khiến chân cô bị khoèo.

Tòa án yêu cầu bà Rose chăm sóc Mary vì không có ai chăm sóc được cô nữa. Bà Rose nhận chăm sóc cô, bởi nghĩ rằng bố Mary rất giàu. Nhưng khi bà ta biết rằng cô chỉ có một món tiền nhỏ, bà Rose đã đối xử độc ác với Mary. Bà làm cho cô đau khổ càng nhiều càng tốt.

Bà ta không bao giờ để cho cô quên đi cái chân của mình. Bà Rose dường như muốn nói với Mary rằng. “Sẽ không người đàn ông nào yêu mày. Mày sẽ không bao giờ có chồng và có con, không có người đàn ông nào muốn có một người vợ bị khoèo chân.”

          Nhiều năm trôi qua. Mary dần dần tin tưởng vào bà cô của mình. Cô ở với bà Rose và làm những điều bà ta yêu cầu.  Mary không có lí do gì để chống lại bà cô của mình và dời đi nơi khác. Cô sống một cuộc sống đời vô vọng và bất hạnh.

          Khi Mary bắt đầu làm những con búp bê, bà Rose thấy chúng rất đáng yêu, và biết rằng chúng có thể bán được nhiều tiền.  Sau khi bán được vài con, bà Rose bắt Mary làm từ sáng đến đêm khuya, trong nhiều năm liền và bây giờ Mary bị ốm. Dù không yêu quý gì Mary nhưng bà Rose đủ khôn ngoan để biết rằng nếu không có Mary, bà ta sẽ không có tiền.

          Khi tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân đang giết chết Mary, tôi phát hiện ra rằng Mary rất sợ bà cô của mình, nhưng đó không phải là tất cả. Và tôi cũng không thể tìm hiểu hơn gì từ Mary, vì bà Rose lúc nào cũng ở bên cạnh chúng tôi. Tôi cảm thấy  Mary rất khó nói bất kì điều gì khi bà Rose ở trong phòng.

Tôi chưa nói cho Mary biết rằng tôi có thể chữa được cái chân cho cô ấy. Điều quan trọng là tôi cần khám phá ra tại sao Mary không muốn sống nữa.

          Mười ngày tiếp theo, Mary đã khá hơn. Tôi yêu cầu cô ấy không làm búp bê nữa. Tôi mua cho cô dăm quyển sách và vài thỏi sô cô la.

Lần sau, khi tôi đến thăm, Mary đã mỉm cười giống như lần đầu tiên tôi gặp cô. “Đã tốt hơn”, tôi vui vẻ. “Cô sẽ khá hơn nhiều nếu không phải làm những con búp bê trong mười ngày tới. Tôi muốn cô nghỉ ngơi, ngủ và đọc sách, sau đó sẽ tính tiếp.”

Nhưng tôi biết bà Rose không hài lòng khi nghe những điều đó.

          Lần sau, khi tôi đến thăm Mary, bà ta đã đợi sẵn. “Ông không cần phải đến đây nữa, bác sĩ Amony ạ”.

“Nhưng còn Mary”, tôi hỏi.

“Mary đã khỏe, xin tạm biệt bác sĩ”.

Mắt tôi chạm ngay phải những cái hộp đặt ở góc phòng, vài ba con búp bê còn mới nằm trên đó. Khuôn mặt chúng vẫn đáng yêu, nhưng đối với tôi, chúng chứa đầy sự chết chóc.

Bỗng nhiên tôi lo sợ cho Mary. Tôi biết bà Rose đang nói dối. Tôi muốn đẩy bà ta để chạy vào thăm Mary. Nhưng tôi là một bác sĩ, và khi người ta không cần nữa thì nhiệm vụ của tôi là phải ra đi. Tôi chưa biết được chuyện gì xảy ra với Mary, và tôi đoán bà Rose có thể tìm một bác sĩ khác.

Rất buồn, tôi rời đi và những ngày sau đó, tôi không thể nào quên được Mary. Tôi lúc nào cũng phiền muộn nghĩ về cô ấy.

          Chẳng bao lâu, chính tôi cũng bị ốm, ban đầu chỉ sơ sơ, nhưng càng ngày càng rõ ràng.

Tôi mời một anh bạn bác sĩ đến khám, anh ta bảo cơ thể tôi không có gì bất thường. Anh nói, chắc tôi làm việc quá sức. Nhưng tôi biết đó không phải là nguyên nhân. 

Tôi càng ngày càng tệ hơn, tôi không muốn ăn và bị sụt cân, vô cùng mệt mỏi. Ban đêm, tôi ngủ không yên và thỉnh thoảng mơ thấy Mary gọi cầu cứu, trong khi bà Rose vẫn giữ chặt cô ấy trong cánh tay gớm ghiếc của mình.

Tôi xanh xao và gầy đi nhiều. Tôi không thể quên rằng mình đã không giúp được gì cho Mary. Mary muốn được tôi giúp, nhưng tôi đã không làm được gì cả.

          Một tối, tôi mệt mỏi và không sao ngủ được. Tôi đi đi lại lại trong phòng, nghĩ về chính mình và căn bệnh của mình. Dường như tôi bị căn bệnh giống Mary. Đột nhiên, tôi phát hiện ra nguyên nhân: Tôi đã phải lòng Mary mất rồi. Tôi bị ốm, vì tôi không thể nhìn thấy và chăm sóc cô ấy. 

Bây giờ thì tôi biết rằng vì sao Mary đang chết dần. Cô ấy đang chết từng ngày vì không có ai yêu cô ấy. Không ai trên thế giới này cho cô hy vọng trong những năm sắp tới.

Cha mẹ cô đều đã mất, bà Rose giữ cô chỉ vì bà kiếm được tiền nhờ bán những con búp bê.  Mary không có bạn bè, và tồi tệ hơn, vì cái chân của mình, cô thấy mình thật xấu xí. Cuộc đời cô trống rỗng, cô không có gì cả, ngoại trừ những con búp bê.

Tôi biết rằng tôi phải đến thăm Mary, tôi phải nói với cô ấy vài phút. Nếu không, tôi sẽ mất Mary vĩnh viễn.

          Sáng hôm ấy, tôi gọi điện đến cửa hàng ông Jim Carter: “ Tôi là bác sĩ Amony đây. Ông có thể làm ơn giúp tôi một việc được không?”

“Bất cứ điều gì. Năm ngoái, bác sĩ đã cứu mạng con trai tôi. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì ông yêu cầu”.

“Cảm ơn Jim. Ông có nhớ bà Rose Callamit, người bán búp bê cho ông không? Nếu lần sau bà ta đến đây, tôi muốn ông gọi điện cho tôi và sau đó ông cố giữ bà ta ở đó để nói chuyện. Tôi cần khoảng hai mươi phút, được chứ. Tôi sẽ biết ơn ông suốt đời”.

          Tôi sợ rằng khi tôi ra ngoài thì Jim gọi đến, nên mỗi buổi tối tôi thường lướt qua cửa hàng, nhưng Jim chỉ bắt tay tôi và nói chưa có tin tức gì.

Một ngày kia, vào lúc năm giờ chiều, chuông điện thoại reo. Điện thoại của Jim.  Ông ta chỉ nói một câu. “Ông có thể đi được rồi đấy”.

          Tôi mất hai đến ba phút chạy đến nhà Mary. Khi lên cầu thang, tôi hy vọng mình có thể vào được nhà. Thật may, cửa không khóa. Bà Rose nghĩ rằng sẽ quay về  trong vài phút.

Mary rất gầy ốm yếu, cô vẫn bị bao quanh bởi những bút sơn và vải may. Dường như Mary muốn làm một con búp bê cuối cùng trước khi chết.

Mary ngẩng đầu lên khi tôi bước vào, mắt mở to vì ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Cô tưởng tôi là bà Rose. Cô gọi tên tôi, không phải “Bác sĩ Amony” mà là “Anh Stephan!”

“Mary”, tôi kêu lên. “Ơn chúa, anh đã đến kịp. Anh đến đây để giúp em, anh biết vì sao em ốm rồi”.

“Bây giờ điều ấy có còn quan trọng nữa đâu,”  Mary nói thật khẽ. “Vẫn còn kịp mà, anh biết được bí mật của em, anh biết cách làm cho em khỏe mạnh, nhưng em phải nghe anh nói”.

Mary nhắm mắt lại. “Thôi. Hãy để mặc em, hãy để em vĩnh biệt. Em không muốn biết nữa. Mọi việc sẽ sớm kết thúc thôi mà”.

Tôi ngồi xuống, cầm lấy tay Mary. “ Mary, hãy nghe anh. Mỗi người đều có một cái kho tình yêu để cho đi suốt cuộc đời mình. Nhà kho được xây từ khi họ còn là trẻ con. Và họ nhận được tình yêu của gia đình khi họ lớn hơn.

Khi họ lớn hơn nữa, tình yêu được trao tặng đi, nhà kho lại được đổ đầy những gì tốt đẹp, hạnh phúc, niềm vui và hy vọng. Đó là cách mà bao giờ trong kho cũng có một chút gì còn lại. Nhưng kho tình yêu của em thì hoàn toàn trống rỗng. Đến tận bây giờ, em  cũng  không có gì cả”.

Tôi không chắc Mary có nghe tôi nói hay không, nhưng tôi rất muốn cô ấy sống. Tôi tiếp tục.

“Chính bà cô của em đã gây ra điều này, bà ấy đã mang đi tất cả hi vọng về tình yêu và hạnh phúc của em.” Tôi ngừng một chút. “Và điều tồi tệ hơn bà ấy đã lấy cả đi những đứa con của em”. Tôi thì thầm những từ cuối cùng, những điều tôi  bắt buộc phải nói ra.

Tôi nhìn Mary. Tôi đã giết cô ấy? Không, tôi rất yêu Mary. Tôi cảm thấy bàn tay nhỏ bé của Mary đang nằm trong bàn tay tôi và Mary từ từ mở mắt. Mary dường như vui hơn khi nghe những điều tôi nói. Điều đó làm cho tôi hy vọng và tôi sẽ cố làm cho Mary hiểu.

 “Đúng rồi, những con búp bê chính là con của em. Khi em nghĩ rằng em mất cơ hội để yêu và làm mẹ, em đã làm những con búp bê kì diệu này. Em đã gửi gắm tình yêu của em vào trong đó. Em làm chúng với tất cả sự dịu dàng và cẩn trọng, em yêu chúng như thể đó là những đứa con của chính em.

Và sau đó những đứa con của em bị đưa đi mà em không nhận lại gì cả. Em tiếp tục sử dụng cạn kiệt cái kho tình  yêu của mình, đến tận khi linh hồn em cũng rời bỏ em luôn. Con người ta có thể chết khi không còn chút tình yêu nào trong mình.”

Tôi ngừng nói và Mary bắt đầu động cựa. Cô ấy dường như hiểu những gì tôi đang nói.

“Nhưng em sẽ không chết, tôi gào lên, vì anh yêu em. Em có thấy anh đang nói gì không, Mary? Anh yêu em và không thể sống thiếu em.”

“Yêu em ư?” Mary thì thầm, nhưng em có cái chân bị tật, làm sao anh có thể yêu em được chứ?”

“Cái đó không quan trọng. Anh vẫn yêu em’’, tôi  thầm thì. “Nhưng bà Rose đã nói dối em. Cái chân của em có thể kéo thẳng được. Trong vòng một năm, em có thể đi lại bình thường như những cô gái khác.”

Tôi nhìn Mary. Tôi thấy giọt nước mắt hạnh phúc trong mắt em. Mary mỉm cười với tôi trong sự tin tưởng hoàn toàn, em vòng tay ôm lấy tôi. Tôi đón Mary trong vòng tay của mình. Em nhẹ quá, nhẹ như một con chim vậy. Mary giữ chặt lấy tôi khi tôi choàng áo khoác giữ ấm cho cô ấy. Sau đó tôi đưa Mary ra khỏi phòng.

Đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng đóng sầm cửa và tiếng bước chân đang chạy. Cửa phòng Mary bật mở, bà Rose Callamit bước vào, giận dữ. Tôi cảm nhận được sự run rẩy sợ hãi của Mary. Em giấu mặt sau gáy tôi.

Nhưng bà Rose đã quá muộn. Bà ta không thể làm được gì nữa và bà ta biết điều đó. Không nói một lời, tôi đi vượt qua bà ta và giữ Mary sát cạnh mình. Tôi ra cửa trước, xuống cầu thang và đi ra phố.

Bên ngoài mặt trời vẫn chiếu sáng trên con phố bụi bặm, và lũ trẻ vẫn chơi đùa huyên náo khi tôi đưa Mary về nhà.

Đã ba năm trôi qua. Và khi tôi đang viết những dòng này, Mary đang chơi đùa với đứa con trai đầu lòng của chúng tôi. Đứa thứ hai sẽ được sinh vào vài tuần tới.

Mary không còn  làm búp bê nữa, cô ấy không cần phải làm. Còn tôi, vẫn lặng thầm cảm ơn chúa, cái lần đầu tiên tôi nhìn thấy con búp bê và phải lòng nó. Con búp bê diệu kì trong tủ kính của hàng nhà Jim Carter.

 

NGƯỜI QUAY NGƯỢC THỜI GIAN                                     

Ralph Milne Farley

 

Nhà văn Mỹ Ralph Milne Farley (1887 - 1963) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc về chính trị ở Mỹ. Bản thân ông đã từng là thượng nghị sĩ và phó tổng chưởng lý bang Massachusetts. Ông viết nhiều sách về luật pháp, tiểu thuyết và truyện ngắn.

Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có người đàn ông có tài quay ngược thời gian. Bất cứ khi nào anh ta hối tiếc đã nói hoặc làm một điều gì, anh liền quay ngược thời gian để làm điều đó cho tốt hơn.

Một ngày kia, anh đang đi dạo thì trời đổ mưa. Anh vào trú mưa dưới một mái kho. Vài phút sau, một người thiếu phụ rất đỗi xinh đẹp và con chó của cô cũng vào trú mưa. Trận mưa to kéo dài một giờ đồng hồ.

Khi trở về nhà, anh ta kể cho vợ nghe lý do anh về muộn. Ngay lập tức, cô vợ nghi ngờ thái độ của chồng với thiếu phụ kia. Cô ta tra hỏi chồng về những gì đã xảy ra. Rất ngạc nhiên, anh ta nói bằng giọng của người bị tổn thương: “Tại sao ư, chẳng có chuyện gì xảy ra cả, anh là người đàng hoàng, lịch sự. Em nghi ngờ điều gì cơ chứ, bên cạnh cô ta còn có một con chó rất to cơ mà”. Cô vợ liền gầm lên: “Gì cơ, thì ra chỉ có con chó của cô ta mới ngăn cản được anh thôi”.

Người đàn ông nhận ra sai lầm của mình, ngay tức khắc anh ta xoay ngược thời gian mấy phút và cố gắng bắt đầu lại câu chuyện của mình. Đến thời điểm cô vợ có thái độ nghi ngờ, anh bèn bảo vợ: “Cô ta đúng là người xinh đẹp và dường như cô ta thích anh. Nhưng tình yêu sâu sắc của anh dành cho em đã ngăn cản anh trước điều cám dỗ ấy”. Thế nhưng, cô vợ càng giận dữ hơn: “Trời ơi, anh đã muốn hôn cô ta, một suy nghĩ tội lỗi thì cũng như hành vi tội lỗi mà thôi”.

Kết thúc thứ nhất:

Người đàn ông suy nghĩ một lát, phải có cách gì đấy làm hài lòng vợ mình. Cuối cùng, anh ta xoay ngược thời gian thêm vài phút trước đó. Một lần nữa, cô vợ lại hỏi xem anh ta đối xử thế nào với thiếu phụ trẻ xinh đẹp. Nhưng lần này thì anh ta trả lời: “Gì cơ, đó là một cô gái xấu xí và một người đàn ông đàng hoàng như anh thì chỉ cưới những cô gái xinh đẹp như em mà thôi.” Khi nghe điều này, cô vợ anh ta, dù không được xinh đẹp cho cam, liền ôm chặt cổ chồng và thổn thức: “Ôi, em yêu anh rất nhiều”.

Kết thúc thứ hai:

Người đàn ông cảm thấy tài quay ngược thời gian của mình chẳng giúp anh ta được điều gì, ngoại trừ nó dạy cho anh ta một bài học, rằng không thể làm hài lòng cô vợ khó tính. Anh ta suy nghĩ thêm một chút rồi xoay ngược thời gian thêm một lần nữa, nhưng lần này không chỉ vài phút mà hàng giờ đồng hồ. Anh ta quay lại với người thiếu phụ xinh đẹp, trong nhà kho, dưới mưa…

 

 

 

BỐN ĐÊM TRÊN ĐỒI MARLBURY             

                                            Thomas Hardy (Anh)

           Thomas Hardy (1840 – 1928) sinh ra ở vùng Dorest, miền nam nước Anh. Khi còn trẻ tuổi, ông thường chơi đàn Violon ở các đám cưới và ở các bữa tiệc trong vùng. Khi đó, ông đã được những người già trong làng kể cho nghe những câu chuyện về cuộc sống vùng quê.  Sau này, ông đã đưa nhiều nhân vật và sự kiện từ những câu chuyện cổ vào các tác phẩm của mình.

          Thomas Hardy vừa là nhà kiến trúc, nhà thơ, nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Những tác phẩm nổi tiếng của Thomas Hardy là: Tránh xa đám đông điên rồ (tiểu thuyết); Những câu chuyện vùng Wessex; Giây phút điên khùng (tập truyện ngắn)…

 

Đêm thứ nhất

Ánh trăng đêm giáng sinh chiếu ánh sáng lạnh lẽo xuống qủa đồi Marlbury Downs ở phía tây nam nước Anh, hạt Mid - Wessex. Trên đồi, đàn cừu được chăn thả quanh năm và có cả những chú cừu non mới được sinh từ đầu tháng mười hai. Người chăn cừu ở trên đồi cả ngày lẫn đêm vào khoảng thời gian này trong năm. Họ sử dụng những chiếc lều nhỏ có gắn bánh xe, vừa làm nơi nghỉ ngơi, sưởi ấm trong khi vẫn phải để mắt canh chừng đàn cừu.

Trên một khoảng đất cao, một chiếc lều được dựng lọt thỏm trong  tán cây để tránh gió lạnh và sự để ý của người qua đường. Chiếc lều được làm bằng gỗ, có một cửa chính và hai cửa sổ. Cửa sổ phía bắc nhìn ra hướng tám trăm con cừu đang được chăn thả; cửa sổ phía nam trông ra ba hòn đá cổ, được đẽo gọt tựa như một lối vào.  Đấy là những hòn đá vĩ đại mà dân làng vẫn gọi là cửa của quỷ, đã tồn  tại hơn hai nghìn năm. Những hòn đá cũ kĩ, bị mưa nắng bào mòn nhưng đêm nay trông chúng như còn mới dưới ánh trăng bạc.

Trong lều, chú bé chăn cừu đang đợi ông chủ - người chăn cừu già và ông ta xuất hiện ngay lúc đó.

“Ngươi buồn ngủ phải không?”Lão già giọng cáu kỉnh.

“Không ạ,” cậu bé trả lời. Nó hơi sợ lão già và cây gậy trong tay lão.

“Đàn cừu cần phải được trông nom cẩn thận cho đến sáng mai và một trong hai chúng ta phải ở đây. Ta để ngươi ở đây, ta sẽ về nhà và ngủ vài tiếng. Hãy xuống tìm ta nếu có chuyện gì xảy ra. Ngươi có thể ngủ một chốc ở trên cái ghế cạnh bếp lò, nhưng nhớ chỉ vài phút thôi đấy. Hãy luôn tỉnh táo và đừng để lửa tắt.”

Người chăn cừu già đóng cửa và đi khuất. Cậu bé ra ngoài kiểm tra đàn cừu và những chú cừu non mới sinh rồi quay lại và ngồi cạnh bếp lò. Chẳng mấy chốc mắt cậu đã nhắm lại, đầu gục xuống, cậu bé thiếp đi.

Khi thức giấc, cậu nghe thấy tiếng chuông đồng hồ ở Shakeforest Towers đánh mười một tiếng. Âm thanh vang đi rất xa trong đêm lạnh giá. Cậu nhìn ra cửa sổ phía bắc, đàn cừu vẫn đang nằm trên cỏ bình thản. Cậu lại trông sang cửa sổ phía nam, nơi những hòn đá ở cánh cửa quỷ mờ trắng như ma dưới ánh trăng. Ở phía trước khối đá là bóng một người đàn ông.

Rõ ràng người đàn ông không phải là những người làm công ở trang trại vì anh ta mặc một bộ vest mầu đen, trông lịch lãm như một quý ông. Cậu bé đang tự hỏi và ngạc nhiên tại sao lại có người đến thăm cửa quỷ vào cái giờ này thì trông thấy một bóng người nữa. Một người đàn bà. Khi nhìn thấy cô, người đàn ông chạy vội về hướng đó. Anh ta giáp mặt người thiếu phụ ngay dưới tán cây và ôm chặt cô trong vòng tay của mình.

“Em đã đến, Harriet, cảm ơn em.” Người đàn ông sung sướng kêu lên. “Nhưng không phải như thế này, người thiếu phụ trả lời và lùi ra xa. Em đến, Fred à, vì anh đã cầu xin em. Sao anh lại muốn gặp em?”

“Harriet, anh đã đi qua bao vùng đất và đã gặp bao nhiêu người nhưng anh chỉ nghĩ đến em thôi.”

“Anh hẹn em ra đây vào đêm muộn thế này chỉ để nói những lời đó thôi sao?” “Harriet, hãy trung thực với anh. Anh nghe người ta nói rằng ngài công tước đối xử không tốt với em.”

“Ông ấy đôi khi giận dữ nhưng là người chồng tốt.”

“Harriet, điều đó có đúng không? Mọi người đều biết rằng cuộc sống của em thật bất hạnh. Anh đã đến đây để làm một điều gì đó. Em đã trở thành bà công tước, còn anh, chỉ là anh chàng Fred Ogburne Nhưng anh vẫn có thể giúp được em. Chúa ơi, giọng nói dịu dàng của em khiến cho lão công tước sung sướng biết bao, lại còn khuôn mặt yêu kiều em nữa chứ.”

“Đại úy Ogburne, người thiếu phụ kêu lên, nửa sợ hãi, nửa phấn khích. Anh là bạn của em, làm sao anh có thể nói với em như thế được. Anh hãy nhớ rằng em đã có chồng. Em đã sai khi đến đây, em nhận ra điều đó rồi.”

“Em gọi anh là đại úy Ogburne, nhưng anh mãi mãi là Fred của em ngày nào. Em đã không còn chút tình cảm nào đối với anh. Nhưng tình yêu anh dành cho em, Harriet à, sẽ không bao giờ thay đổi. Em  đã trở thành người đàn bà khác rồi. Anh phải chấp nhận sự thật. Anh có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy em nữa.”

“Anh không nên nói như thế, anh thật ngốc nghếch. Anh có thể gặp lại em, tại sao lại không? Nhưng dĩ nhiên không phải như thế này. Đây là lỗi của em. Em đã đến đây đêm nay và em chỉ làm được điều đó bởi vì ngài công tước đi vắng.”

“Khi nào ông ta trở về?” “Có thể là ngày kia, hoặc ngày sau đó nữa.”

“Vậy tối mai chúng ta sẽ lại gặp nhau nhé.” “Không, Fred, em không thể.”

“Nếu em không thể đến đây vào tối mai, em có thể đến vào tối ngày kia. Hãy cho anh gặp em thêm một lần nữa trước khi ông ta trở về để tạm biệt. Hãy hứa với anh, Harriet. Viên đại úy cầm tay bà công tước.” “Không, Fred, hãy bỏ tay em ra. Anh làm em phải thương hại anh và còn giữ tay em như thế này.”

“Nhưng hãy đến gặp anh một lần nữa, anh vượt qua hai ngàn dặm chỉ đến để gặp em.” “Nhưng em không thể, mọi người sẽ bàn tán. Đừng yêu cầu điều đó ở em.”

“Vậy em hãy thú nhận với anh hai điều; rằng em đã từng yêu anh và chồng em đối xử không tốt với em. Chính điều đó em đã khiến em nghĩ về quãng thời gian em đã yêu anh.” “Vâng em công nhận cả hai điều.” Harriet trả lời.

“ Hãy đến đây lần nữa,” người đàn ông vẫn ôm và giữ chặt tay thiếu phụ.“ Thôi được rồi, em đồng ý. Em sẽ gặp anh vào tối mai hoặc tối ngày kia. Bây giờ hãy để em đi.”

Viên đại úy để cho người thiếu phụ đi và nhìn theo dáng cô vội vã đi xuống chân đồi. Người đàn ông quay lại và đi khuất. Chỉ trong vài phút, tất cả đều yên tĩnh, vắng lặng như trước.

Nhưng chỉ trong một phút. Một bóng người thứ ba xuất hiện từ phía sau những hòn đá. Người đàn ông cao to hơn viên đại úy khi nãy, ông ta đi đôi ủng cưỡi ngựa. Rõ ràng, người đàn ông đã chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa viên đại úy và bà công tước. Đứng ở xa,  ông ta không nghe cuộc nói chuyện và những lời miễn cưỡng của bà công tước. Dường như đối với người đàn ông đó là cử chỉ của những cặp tình nhân. Nhưng phải nhiều năm trôi qua trước khi cậu bé chăn cừu đủ lớn để hiểu điều đó.

Cậu bé ở trong lều, mắt vẫn hướng về phía khối đá nhưng không thấy ai xuất hiện nữa. Bỗng nhiên, cậu cảm thấy có một bàn tay nặng chịch đặt trên vai khiến cậu  giật bắn mình.

“Này hãy nhìn đi Mills, lửa trong lò tắt rồi. Có chuyện gì xảy ra vậy?” “Không có gì cả thưa ông.”

“Đàn cừu vẫn ổn chứ?” “ Vâng, thưa ông.”Người chăn cừu già quát lên. “Cái gì, đó là lỗi của  ngươi. Đã có thêm hai con cừu non vừa mới sinh và một trong hai con cừu mẹ đã gần chết. Ta đã bảo ngươi phải tỉnh táo và xuống tìm ta nếu có chuyện gì xẩy ra. Bây giờ thì ngươi nói gì đây?”     

“Ông đã nói cháu có thể ngủ một lát ở trên chiếc ghế cạnh lò sưởi.” “Đừng nói với người lớn tuổi hơn và đáng kính theo cái cách đó, chàng trai trẻ. Hoặc là ngươi sẽ kết thúc cuộc đời bằng cái giá treo cổ trong tù. Bây giờ ngươi có thể về nhà và quay lại đây trước bữa sáng. Ta là một lão già, nhưng chính ta cũng không có thời gian nghỉ ngơi dành cho mình.”

          Người chăn cừu già vào trong lều nghỉ, còn cậu bé đi xuống đồi về phía nhà mình ở trong làng.

Đêm thứ hai

          Buổi tối hôm sau, người chăn cừu lại để cậu bé một mình trong túp lều sau khi nhắc nhở cậu phải để mắt trông chừng đàn cừu. Nhưng cậu bé chỉ quan tâm đến cảnh tượng đã xảy ra từ cửa sổ phía nam. Cậu chăm chú nhìn và chờ đợi, ánh trăng chiếu sáng khối đá cổ,  nhưng cả viên đại úy và vợ ngài công tước đều không xuất hiện.

          Khi cậu bé nghe thấy chuông đồng hồ ở Shakeforest Towers điểm mười một giờ, cậu nhìn thấy bóng người thứ ba hôm trước xuất hiện. Người đàn ông đi về phía túp lều, ánh trăng soi rõ khuôn mặt ông ta. Cậu bé khiếp sợ khi nhận ra đó là ngài công tước. Tất cả dân làng đều sợ ngài công tước. Ông ta sở hữu tất cả những cánh đồng và những ngôi nhà trong vài dặm quanh đây. Bất cứ ai làm ông ta tức giận đều có thể mất nhà và công việc ngay tức khắc. Cậu bé che cửa lò sưởi và nhanh chân trốn vào góc lều.

          Ngài công tước tiến đến gần nơi vợ ông ta và viên đại úy đã đứng tối hôm trước. Ông ta nhìn quanh, có lẽ là tìm một chỗ nấp. Khi phát hiện ra túp lều đứng giữa lùm cây, công tước đi vào trong lều và đứng ở cửa sổ phía nam, trông ra phía cánh cửa quỷ.

          Chỉ vài phút sau, viên đại úy xuất hiện và chờ đợi bà công tước. Một sự bất ngờ khủng khiếp đang đợi anh ta cũng như cậu bé đang sợ hãi trốn trong lều đêm nay. Trông thấy viên đại úy, ngày công tước rất giận dữ. Ông ta mở cửa lều và  bước ra ngoài.

“Ngươi đã làm tổn hại danh dự cô ấy, vì vậy ngươi phải chết.” Ông ta hét lớn. Trong lều, cậu bé đã rời khỏi chỗ trốn và chạy đến bên cửa sổ. Cậu không nhìn thấy hai người đàn ông nhưng cậu nghe thấy cái gì đó ngã rầm xuống bãi cỏ rồi xung quanh lại lặng ngắt ngay sau đó.

          Ba phút sau, cậu bé nhìn thấy ngài công tước tiến về phía những tảng đá, lôi theo cái xác của viên đại úy kéo lê trên mặt đất. Cậu biết rằng đằng sau cánh cửa quỷ có một cái hố sâu, được bao phủ bởi đám cỏ rậm rạp và một số loài cây khác. Ngài công tước chậm chạp  đi ra phía sau những tảng đá và khi đi ra ông ta chỉ có một mình.

“Bây giờ sẽ đến lượt người tiếp theo.” Cậu bé nghe ông ta nói. Lúc này, ngài công tước đang đợi ở bên ngoài lều. Ông ta chờ vợ mình đến chỗ hẹn.

          Bên trong túp lều, cậu bé run lên vì sợ hãi. Ông ta sẽ làm gì nếu bà ấy đến? Liệu ông ta có giết bà công tước? Trông ông ta rất tức giận, và ông ta có thể làm bất cứ điều gì ông ta muốn. Ông ta là công tước, không ai có thể cản ông ta.

          Ngài công tước đang nổi máu ghen đợi một lát nhưng vợ ông ta không bao giờ xuất hiện. Một chốc, ông ta lại nhìn đồng hồ, ngỡ ngàng. Công tước thất vọng khi không thấy vợ mình đến. Mười một  giờ ba mươi, ông bỏ ra chỗ giấu ngựa và chậm chạp đi xuống chân đồi.

          Cậu bé nghĩ đến cái gì đó đang nằm dưới hố sâu phía sau khối đá và cảm thấy sợ hãi khi một mình trong lều. Cậu muốn ở cùng với ai đó còn sống, thậm chí là ngài công tước hơn là với một cái xác. Cậu chạy theo ngài công tước. Cậu theo ông ta xuống đến thung lũng và cảm thấy thoải mái hơn khi ngọn đồi đã bỏ lại phía sau. Không lâu sau, cậu có thể nhìn thấy những bức tường và mái nhà cao vút ở phía nhà của ngài công tước, lâu đài được gọi là Shakeforest Towers.

          Khi công tước tới gần toà nhà, một cánh cửa nhỏ được mở rộng, một người phụ nữ bước ra. Bà công tước chạy ra đón chồng.

“Anh yêu, có phải anh đó không? Em nghe thấy tiếng vó ngựa và biết rằng đó chính là anh”.

“Em vui khi nhìn thấy anh ?”  “Sao anh lại hỏi thế?”

“À, đêm nay thật đẹp để hẹn hò.”  “Vâng, em cũng  nghĩ thế.”

          Ngài công tước xuống ngựa và đứng bên cạnh vợ. “Tại sao em ra đón anh vào lúc nửa đêm như thế này?”

“Có một chuyện rất bất ngờ và em muốn kể cho anh ngay. Nhưng sao anh lại về sớm hơn dự định một ngày? Em thực sự xin lỗi. Bởi vì em đã đặt một bữa tối đặc biệt dành cho anh vào ngày mai nhưng bây giờ nó không còn bất ngờ nữa rồi.”

Công tước không nhìn vợ, nhẹ nhàng hỏi. “Chuyện bất ngờ mà em muốn kể cho anh là gì vậy?”

“Dạ, chuyện đó là thế này. Anh có biết Fred Ogbourne, anh họ của em chứ? Chúng em đã vui đùa cùng nhau khi còn là những đứa trẻ. Và anh ấy…anh ấy đã yêu em, em nghĩ thế. Em đã kể chuyện đó cho anh rồi.”

“Em chưa bao giờ kể chuyện đó cho anh.”

“À, vậy thì với em gái anh. Đúng rồi, em đã kể chuyện này cho em gái anh. Em đã không gặp anh ấy nhiều năm rồi và dĩ nhiên em đã quên tất cả tình cảm anh ấy dành cho em. Bởi vậy em rất ngạc nhiên khi nhận được thư của anh ấy hôm qua. Em có thể nhớ rõ anh ấy đã viết gì. Bức thư viết thế này. Harriet, người em họ thân thiết của anh. Nếu cuộc sống và tương lai của anh là tất cả những gì giành cho em, anh mong em hãy làm theo những gì anh bảo. Hãy gặp anh lúc mười một giờ đêm nay gần những tảng đá cổ ở Marlbury Downs. Anh không thể nói gì hơn ngoài việc chờ mong em tới. Anh sẽ giải thích tất cả khi chúng ta gặp nhau. Hãy đến một mình. Tất cả niềm hạnh phúc của anh đang ở  trong tay em. Kí tên: Fred.

          Đó là thư của anh ấy. Bây giờ em mới nhận ra mình sai lầm khi nhận lời anh ta. Nhưng lúc đó em chỉ nghĩ rằng anh ấy đang gặp rắc rối và không có một người bạn nào trên thế giới này để giúp đỡ. Bởi vậy em đã đến Marlbury Downs vào lúc mười một giờ đêm. Em có dũng cảm không?”

“Rất dũng cảm.” Công tước lạnh lùng đáp.

“Khi em đến đó, em nhận ra rằng anh ấy không còn là cậu bé em từng biết. Fred bây giờ đã là một người đàn ông trưởng thành, một sĩ quan. Em hối hận vì em đã đến đó. Em không biết anh ấy muốn gì, có thể chỉ để gặp em. Anh ấy đã ôm và cầm chặt tay em, không để em đi cho tới khi em hứa sẽ gặp lại anh ta. Và cuối cùng em đã hứa bởi anh ấy nói rất khẩn khoản và em sợ anh ta khi ở nơi vắng vẻ đó. Sau đó em chạy về nhà, dĩ nhiên em không bao giờ nghĩ rằng sẽ gặp lại anh ấy ở đó. Nhưng tối nay em nghĩ có thể anh ta sẽ đến đây khi thấy em không đến. Và đó là lý do tại sao em không thể ngủ được. Nhưng sao anh không nói gì vậy?”

“Anh đã đi qua một chặng đường dài.”

          Họ đi tới lối vào toà nhà. “Em đã nghĩ tới một vài điều, nhưng có lẽ anh không thích. Bà công tước nói. Em nghĩ anh ấy sẽ lại đợi em ở đó vào đêm mai. Chúng ta sẽ cùng nhau đến đó chứ ? Chỉ để gặp nếu anh ấy ở đó và bảo anh ta không được phép gặp em theo cách như vậy.”

“Tại sao chúng ta nên gặp anh ta ở đó ?” Công tước hỏi một cách không vui. “Bởi vì em nghĩ chúng ta nên giúp anh ấy. Tội nghiệp Fred. Anh ấy sẽ nghe lời, nếu anh nói với anh ấy. Anh ấy đã sai khi nghĩ về em như vậy, nhưng rõ ràng anh ta cũng đáng thương.”

     Lúc đó họ đã đi tới trước lối vào nhà và rung chuông. Một người đàn ông chạy ra dắt ngựa còn vợ chồng công tước đi vào nhà.

Đêm thứ ba

     Đêm tiếp theo, Bill Mills lại bị bỏ lại một mình để trông đàn cừu. Cậu bé cố gắng không nghĩ tới cái gì đó đang nằm phía sau cánh cửa quỷ nhưng không được. Cậu vui mừng và ngạc nhiên khi nhìn thấy vợ chồng công tước xuất hiện gần chiếc lều vào lúc mười một giờ đêm. Cậu dõi theo và lắng nghe qua ô cửa sổ.

“Anh đã nói rồi, chắc anh ta nghĩ rằng không đáng để đến đây lần nữa. Ngài công tước nói, miễn cưỡng khi phải đi thêm vài bước nữa.  Anh ta không ở đây, bởi vậy  chúng ta hãy quay về nhà đi.”

“Đúng là anh ấy không ở đây. Điều gì đó đã xảy ra với anh ấy. Ôi, Fred khốn khổ. Em hy vọng anh ấy không sao.” “Có thể anh ta có cuộc hẹn khác.” Công tước nói vội.

 “Em không nghĩ vậy.” “Hoặc anh ta nghĩ rằng đi đến đây quá xa”. “Điều đó cũng không thể.”

 “Có lẽ anh ta nghĩ rằng tốt hơn là không nên đến.” “Vâng, có thể lắm. Hoặc anh ấy đã luôn ở đây và đang trốn đằng sau những tảng đá kia. Chúng ta hãy đến đó và làm cho anh ấy phải ngạc nhiên.”

          “Anh ta không có ở đó.”

          “Có lẽ bởi vì anh mà Fred đang nằm rất yên trên cỏ.”

“Không, không phải vì anh.” “Hãy đến đó đi, anh yêu. Đêm nay anh bướng bỉnh như một cậu bé. Em biết anh ghen với Fred nhưng anh không có lý do để như vậy.”

“Harriet, em đừng nói nữa. Anh sẽ đến.” Họ cùng vượt qua bãi cỏ đến chỗ những tảng đá.

          Cậu bé bước ra khỏi túp lều để xem chuyện gì xảy ra và vợ ngài công tước đã nhìn thấy cậu di chuyển trong bóng tối.

“Kia rồi, cuối cùng em đã thấy anh ấy !” Hariet kêu lên.

“ Em nhìn thấy anh ta ?”. Công tước hét lên “Ở đâu ?”

“Bên cạnh cánh cửa của quỉ. Anh không nhìn thấy ư? ”

Hariet cười. “ Người anh họ yêu quý ơi, anh sắp gặp rắc rối rồi.” “Đó không phải là anh ta,” công tước sợ hãi. “Đó không thể là anh ta.”

“Anh nói đúng. Người đó quá nhỏ so với anh ấy. Đó là một cậu bé.”

“Ừ, anh cũng nghĩ vậy. Cậu bé, lại đây. ”

          Cậu bé tiến lại gần ngài công tước, sợ hãi.

“Cháu làm gì ở đây ?” Ngài công tước hỏi. “Chăm sóc những con cừu, thưa ngài.”

“Thế cháu nhìn thấy những gì ở đây, đêm nay hoặc đêm qua ?” Bà công tước lên tiếng. “ Có ai đứng đợi hay đi lại quanh đây không ?”

Cậu bé im lặng.

“Nó không thấy gì cả”, ngài công tước nói ngay lập tức, mắt trừng trừng giận dữ nhìn cậu bé. “Chúng ta đi thôi, trời lạnh quá.”

          Khi họ đã đi, cậu bé quay trở lại với đàn cừu. Nhưng cậu không đơn độc quá lâu. Nửa giờ sau, cậu nghe thấy tiếng bước chân nặng nề của ngài công tước. Vợ ông ta không đi cùng.

“Nghe này cậu bé, ông ta nói. Bà công tước đã hỏi cháu một câu và ta muốn cháu trả lời. Cháu có nhìn thấy điều gì lạ trong những đêm gần đây ? Cháu bắt đầu chăn cừu từ khi nào ?”

“Thưa ngài công tước, cháu chỉ là một cậu bé nghèo, ngu ngốc và những gì cháu nhìn thấy, cháu không nhớ.”

“Ta hỏi cháu lần nữa. Ngài công tước nói, nắm lấy vai cậu bé bằng bàn tay rắn chắc và nhìn chằm chằm vào khuôn mặt hoảng sợ của cậu bé. “Cháu có nhìn thấy điều gì lạ lùng ở đây đêm qua ?”

“Không…đừng giết cháu.” Cậu bé òa lên, ngã xuống bãi cỏ “Cháu chưa từng nhìn thấy ngài đi lại hoặc cưỡi ngựa ở đây, hoặc đợi một người hay kéo cái xác chết.”

          “À” Ngài công tước lạnh lùng. “Thật tốt khi biết rằng cháu chưa bao giờ nhìn thấy gì. Nào, bây giờ cháu thích nhìn ta làm lại những việc đó hay cháu giữ bí mật suốt đời ?”

“Giữ bí mật, thưa ngài.” “Chắc chắn chứ ?”

“Xin ngài hãy tin cháu.”

          “Rất tốt. Còn bây giờ cháu có muốn trở thành ông chủ của những đàn cừu không?” “Hoàn toàn không. Đó là một công việc tẻ nhạt đối với một thằng bé như cháu, cháu nhìn thấy ma ở bất cứ đâu và thỉnh thoảng lại bị ông chủ đánh.”

“Vậy thì ta sẽ cho cháu quần áo mới và cho cháu đến trường và biến cháu thành một người đàn ông. Nhưng cháu không bao giờ được nói đã từng là một cậu bé chăn cừu. Chỉ cần cháu quên điều này và nói về những gì xảy ra ở trên ngọn đồi này, trong năm nay, năm sau, hay hai mươi năm nữa. Ta sẽ không giúp đỡ cháu nữa và cháu sẽ trở lại là một thằng bé chăn cừu mãi mãi.”

“Cháu sẽ không bao giờ nói về chuyện đó."

“Đến đây.” Ngài công tước kéo cậu bé đến trước cánh cửa quỉ. “Bây giờ cháu hãy thề với những tảng đá cổ này. Những bóng ma sống ở đây sẽ tìm và trừng phạt cháu nếu cháu nói về cuộc sống của cậu bé chăn cừu hoặc những gì cháu đã nhìn thấy. Hãy thề sẽ giữ bí mật này.”

Mặt cậu bé trắng bệch như tờ giấy và cậu thề.

Sau đó họ đi xuống thung lũng, ngài công tước kéo tay cậu bé. Đêm đó, cậu bé ngủ ở Shakeforest Towers và ngày hôm sau cậu được gửi đến trường.

Đêm thứ tư

          Vào một buổi tối mùa đông nhiều năm sau đó, một người đàn ông ăn mặc lịch sự đang ngồi trong văn phòng ở Shakeforest Towers. Anh ta đã trải qua một chặng đường dài từ cậu bé chăn cừu ngày nào cho đến bây giờ. Nhưng dường như anh không vui với cuộc sống tiện nghi của mình. Trông anh già hơn tuổi và  mệt mỏi.

          Anh đứng dậy, rời phòng làm việc và đến một phòng khác của toà nhà. Anh gõ cửa rồi đi vào. Vợ ngài công tước đã chết cách đây vài năm, còn ngài công tước giờ đây là một ông lão gầy gò với mái tóc bạc trắng.

          Ngài công tước hỏi. “ Mills đó hả. Ngồi xuống đi, có chuyện gì vậy?” “Quá khứ đã quay trở lại, thưa ngài.”

“Quá khứ nào vậy ?” “Mùa giáng sinh cách đây hai mươi năm, khi mà người anh họ của bà công tước đã bảo bà ấy đến gặp anh ta ở Marlbury Downs. Cháu đã chứng kiến cuộc hẹn và cháu còn thấy nhiều hơn thế.”

“Cháu có nhớ lời thề của cậu bé chăn cừu không?” “Cháu nhớ. Cậu bé đó sẽ giữ lời thề đó cả cuộc đời.”

“Và ta mong rằng ta sẽ không phải nghe thêm về chuyện đó.” “ Chắc chắn rồi. Nhưng bí mật đó sẽ sớm bị lộ ra. Không phải từ cháu bởi vì cháu rất biết ơn những gì ngài đã làm cho cháu. Có một sự hiếu kì đặc biệt khi đại úy Ogbourne mất tích, cháu không bao giờ nói một từ nào về chuyện này, nhưng xác ông ấy không bao giờ tìm thấy. Trong hai mươi năm qua, cháu đã tự hỏi là ngài đã làm gì với ông ta. Bây giờ thì cháu biết rồi. Chiều nay cháu đã lên đồi Marlbury Downs và đào một ít đất. Cháu nhìn thấy và biết có một cái gì đó vẫn nằm trong cái hố phía sau những tảng đá cổ.”

“Mills, cháu nghĩ rằng vợ ta đã đoán ra?” “Không, bà ấy không bao giờ đoán ra cho tới tận khi chết đi.”

          “Điều gì làm cháu nghĩ tới việc đi đến đó chiều nay ?” “Có một việc đã xảy ra hôm nay. Người đàn ông già nhất làng đã chết, người chăn cừu.”

“Cuối cùng thì cũng chết. Ông ta bao nhiêu tuổi ?” “Chín mươi tư.”

“Còn ta chỉ mới bảy mươi, ta còn hai mươi tư năm nữa.” “Ông ấy là ông chủ của cháu khi cháu còn là một cậu bé chăn cừu. Và ông ta đã ở trên đồi vào cái đêm thứ hai hôm đó. Ông ta bao giờ cũng ở trên đồi nhưng không ai trong chúng ta nhận ra điều đó.”

“A, ngài công tước nhìn chằm chằm vào Mills, tiếp tục đi.”

“Khi cháu nghe tin ông ta chết, cháu chợt nhớ tới quá khứ. Đó là lý do tại sao cháu đã đi lên đó. Bây giờ, dân làng đang đồn rằng, trước khi chết, ông ta đã xưng tội với cha sứ về bí mật mà ông ta đã giữ kín  cho ngài, về tội ác ở Marlbury Downs hơn hai mươi năm trước.”

“Thôi đủ rồi Mills. Ta sẽ đến chỗ cha sứ vào sáng sớm mai.” “Ngài sẽ làm gì ạ ?”

“Bịt miệng ông ta trong hai mươi tư năm nữa, cho đến khi ta chết ở tuổi chín tư giống như người chăn cừu già. Còn bây giờ hãy về đi Mills.”

          Mills rời căn phòng và đi về nhà, nơi anh sống một cuộc sống cô đơn, không có bạn bè. Nhưng anh không thể ngủ được và nửa đêm khi nhìn ánh trăng nhợt nhạt, anh đã quyết định đi tới Marlbury Downs lần nữa. Ở trên đồi, anh đứng ở nơi đã từng là túp lều của người chăn cừu. Không có con cừu nào được chăn thả vào mùa đông năm nay nhưng cánh cửa quỉ vẫn đứng đó, cao và bạc trắng như mọi khi. Bóng tối che khuất phía sau.

          Đột nhiên Mills nhận ra không chỉ có mình anh ở đây. Một bóng người mặc đồ trắng đang lặng lẽ đi tới những tảng đá. Chính là ngài công tước với chiếc áo ngủ dài, đang mộng du. Ông ta đi thẳng tới cái hố đã bị lấp và dùng tay đào bới đất như một loài động vật. Khi tỉnh giấc mộng du, ngài công tước thở dài và quay trở xuống chân đồi. Mills bám theo và thấy ngài công tước đi về phía Shakeforest Towers.

          Sáng hôm sau, khi Mills tới đó,  người quản gia mở cửa  đón anh.

          “Thưa ông”. Bà ta nói “Ngài công tước…đã chết. Ngài công tước rời phòng ngủ lúc nửa đêm và đi loanh quanh đâu đó. Trên đường quay về, ông ấy bị ngã cầu thang và  gãy cổ”.

          Cuối cùng Mills cũng có thể nói ra bí mật đã đè nặng trái tim anh hơn hai mươi năm. Và anh chết trong sự thanh thản một vài năm sau đó.

          Cừu vẫn sinh sôi nảy nở ở Marlbury Downs nhưng những người chăn cừu không thích qua đêm ở gần cánh cửa quỉ. Họ nói rằng suốt tuần Giáng sinh, thường thấy những bóng trắng mờ ảo ở đó.  Một vật bằng kim loại sáng ánh lên dưới ánh trăng và có bóng một người đàn ông đang kéo một vật gì đó rất nặng qua bãi cỏ. Nhưng không ai chắc những chuyện đó là sự thật.

 

 THẾ GIỚI  CÂM LẶNG

 Frank Brennan (Anh)

Harry Trần là một giáo viên tuổi trung niên. Anh luôn đeo cà vạt và diện chiếc áo khoác bằng vải coton cũ, thậm chí vào những hôm trời nắng. Mái tóc anh đang thưa dần và dáng đứng cũng chẳng thẳng nữa. Trần năm mươi tuổi, đã trải qua hai mươi năm làm giảng viên khoa khảo cổ học ở một trường đại học ở Singapore.

Anh cũng là một tên trộm.

         Đam mê lớn nhất của Trần tất nhiên là khảo cổ học. Anh say mê tìm hiểu những thứ được cất giấu hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Trần thích cảm giác được cầm một mảnh lịch sử trong lòng bàn tay. Tình yêu đặc biệt của anh là đồ gốm, càng cổ càng thích.

        Thỉnh thoảng trường đại học cử Trần đến những địa điểm có đồ gốm mới được tìm thấy. Công việc của Trần là phân loại đồ gốm. Nhà trường sau đó đưa những đồ vật có giá trị vào một nơi trưng bày cho công chúng đến xem. Trần cũng có một bảo tàng riêng của mình, nhưng không ai biết điều này. Anh căm tức việc không được giữ một vài thứ đồ cổ, đôi khi rất đẹp, mà anh tìm thấy.Và nếu những vật nhỏ nhắn dễ thương đó, không một ai, ngoài anh ra trông thấy chúng, thì ai biết được chúng đã biến đi đâu?

Anh đã thó chúng.

Trần bây giờ đã có một bộ sưu tập những thứ anh lấy cắp được. Anh giấu chúng cẩn thận trong nhà. Những thứ đó hầu hết là những đồ vật nhỏ, bị vỡ, không nhiều giá trị. Tuy vậy, Trần cũng có một vài bình gốm, nhẫn vài thứ khác khá đặc biệt. Anh yêu quý những thứ đồ cổ của mình, thỉnh thoảng vào những buổi tối ấm áp, Trần đặt chúng trên sàn nhà ngắm mãi. Anh nhìn ngắm từng món đồ cẩn trọng, nâng niu, đến tận khi hiểu được giá trị thực của chúng.

Trần sống một mình trong một căn nhà cũ nhìn ra sông Singapore. Căn nhà gần một cửa hàng đồ cổ, nơi bán những thứ đồ mà anh yêu thích. Trần thỉnh thoảng ghé qua cửa hàng để ngắm những món đồ rất đẹp mà anh không đủ tiền mua bằng tiền lương của mình. Điều này  làm anh bực mình mà nghĩ rằng những món đồ đó, cuối cùng sẽ phải ở trong nhà những tay khách du lịch béo ị, những kẻ chẳng có khả năng hiểu được những giá trị thực của chúng, khác hẳn với anh.

Điều đó thật không công bằng.

Trần đang mong đợi tới ngày hôm nay. Một ngôi mộ cổ lớn được phát hiện và khoảng đất rừng bao phủ đã được dọn sạch. Trường đại học được giao nhiệm vụ khảo sát ngôi mộ và những đồ vật táng cùng. Ngôi mộ nằm trọn trong một căn hầm lớn xây bằng đá. Dường như căn hầm được xây dựng để dành riêng cho ngôi mộ.

           Giáo sư Điều, trưởng khoa bảo. “Có một điều gì đó khá bí ẩn, ngôi mộ cổ hơn bất cứ thứ gì mà chúng ta hi vọng có thể tìm thấy trên hòn đảo này. Nó rõ ràng là của người Hoa nhưng chúng ta chưa biết ngôi mộ của ai.”

           Trần hồi hộp. Có lẽ sẽ có một thứ gì đó bổ sung vào bộ sưu tập của anh.

          “Giáo sư có muốn để tôi xem xét chúng không”, Trần hỏi. “Có khá nhiều vật cổ, các loại lọ, bình hoa và những thứ tương tự được tìm thấy  trong mộ. Chúng có vẻ  rất quan trọng nhưng chúng ta chưa chắc chắn. Anh có thể  nghiên cứu xem có tìm ra điều gì không.”

           “Không phiền toái gì, tôi sẽ xem xét chúng.”

           Rất nhanh chóng, những chiếc bình cổ đã nằm trong phòng làm việc của Trần và anh được phép xem xét chúng một mình. Anh thích phần công việc này nhất.

           Trần nhận ra ngay những chiếc bình gốm là đồ cổ. Sau khi đã lau chùi cẩn thận, anh nhận thấy hầu hết chúng đều chứa một mùi hương và những chất liệu quý, xứng với ngôi mộ của một nhân vật quan trọng. Tất cả những thứ đó đều lâu đời vì chúng đã mất mùi. Tất cả khô ráo, xưa cũ và chết chóc. Không có gì đặc biệt ở những chiếc bình này so với hàng trăm chiếc bình khác anh đã thấy trước kia. Trần thất vọng. Không có gì đáng giá để thó cả. Không có gì cả!

           Trần quyết định dọn dẹp tất cả.

           Khi Trần quay người, anh nhỡ tay làm một việc mà không bao giờ phạm phải trước đây - Anh làm đổ một chiếc bình gốm và đánh vỡ nó. Bực mình với chính mình vì sự bất cẩn, anh cúi xuống nhặt những mảnh vỡ.

           Chiếc bình bị vỡ là đồ mộc và được nút kín. Những chiếc bình khác đều có miệng mở nhưng cái này thì không. Bây giờ khi đã bị vỡ miệng, Trần nhìn thấy có một vật đó  bên trong. Đó là một cái ống nhỏ, mảnh, bằng chiều dài của một ngón tay út. Nó được làm bằng gốm, giống như chất liệu của các bình khác. Anh lấy vật đó ra. Nó trông giống như một loại nhạc cụ, có thể là một loại sáo dành cho trẻ em? Có thể  thú vị đây.

           Trần quyết định chiếc sáo sẽ là vật đáng đưa về nhà xem xét. Anh cho chiếc sáo vào túi áo khoác.

           Anh đã nói với giáo sư về việc đánh vỡ cái bình nhưng Trần không nói về cây sáo. Anh nghĩ cái sáo là của riêng mình.

           “Thật tồi tệ, giáo sư nói, nhưng tôi không nghĩ nó quá quan trọng. Anh xử lí thế nào rồi?”

           “Chỉ là chiếc bình mộc bình thường, không có gì đặc biệt cả. Tôi có thể gắn chúng lại, nhưng thực sự đó không phải là sự mất mát lớn. Tôi có thể giữ những mảnh vỡ đó cho giáo sư, nếu ông muốn”

           Giáo sư gật đầu, “Hãy làm như vậy. Chúng ta đã tìm ra vài điều về người đàn ông ở trong ngôi mộ. Ông ta có lẽ là một thầy tế hoặc một thầy lang. Chỉ có một điều không bình thường là tại sao ngôi mộ bị giấu đi. Tôi đang băn khoăn tại sao.”

           Trên đường về nhà, Trần đã quên bãng cây sáo làm bằng gốm trong túi áo. Anh dừng uống cà phê ở một trung tâm buôn bán nhộn nhịp. Khi đưa tay vào túi tìm tiền, anh chạm phải cây sáo. Khi ngồi vào bàn, Trần lấy cây sáo ra ngắm nghía. Nó vẫn còn dính bụi đất. Anh nhẹ nhàng lau sạch chỗ bụi. Có một cái gì đó trên cây sáo. Những đường nét giống như chữ viết. Trần nhìn kĩ hơn và nhận ra những chữ Hán cổ. Chỉ có vài chữ. Dòng chữ đó viết : Hãy Yên Lặng.

           Hãy yên lặng? Thật kì cục. Điều ấy ám chỉ gì. Trần xem xét cây sáo một lần nữa. Nó giống như những loại sáo thổi một đầu, giống như một chiếc còi bóng đá. Trần tự hỏi không biết nó còn sử dụng được nữa không. Suy nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu khiến Trần muốn thổi nó. Anh rất muốn làm như vậy. Chiếc sáo đã không được thổi từ khi được bỏ trong chiếc bình gốm trong bao nhiêu năm. Trần sẽ thổi nó. Một chiếc sáo nhỏ -  Nó sẽ không gây ra nhiều tiếng ồn. Không ai để ý cả. Nghĩ vậy, Trần đưa sáo lên miệng và thổi.

           Quá đỗi ngạc nhiên, chiếc sáo tạo ra một âm thanh mảnh nhưng sắc rõ, vang hơn điều Trần mong đợi.

           Rồi sau đó là một sự yên lặng. Một sự yên lặng tuyệt đối. Trần nhìn quanh, cũng vậy. Tất cả như chết lặng. Không một cử động, không một tiếng động.

           Không gì cả.

          Những người đi đường như bị đóng băng khi vừa bước chân ra, giống như những bức tượng. Tất cả ngưng lại như trong ảnh chụp.

           Nhưng đây không phải những bức ảnh. Họ là những con người thực. Những người bị đóng băng. Mắt Trần mở to, ngạc nhiên. Anh không thể tin được. Điều này không thể xảy ra được.

           Nhưng nó đã xảy ra. Trần nhìn quanh và thấy những nụ cười bị đóng băng, những bước chân bị đóng băng, một con ruồi bị đóng băng khi đang bay, một quả bóng bị ném đi ở nguyên một chỗ ngay trên bàn tay đang đưa ra bắt nó.

           Tất cả yên lặng, yên lặng tuyệt đối.

           Trần ngồi xuống. Anh không thể nghĩ được gì. Làm sao anh có thể hiểu được điều này. Điều gì đã xảy ra sau khi anh thổi cây sáo. Cây sáo đã làm ra chuyện này? Điều gì sẽ xảy ra nếu anh thổi cây sáo lần nữa? Anh không muốn mọi thứ ở tình trạng như thế này.

           Anh thổi cây sáo lần nữa, vẫn một âm thanh mỏng, sắc vang lên.

           Ngay tức khắc, thế giới trở lại bình thường. Vẫn âm thanh quen thuộc, những chuyển động bình thường. Con ruồi bay tiếp, trái bóng được bắt, mọi người cười, nói.

           Tất cả dường như chưa có chuyện gì xảy ra. 

           Trần run sợ. Anh cho chiếc sáo vào túi áo. Anh phải nghĩ về điều này. Anh sẽ phải  suy nghĩ nhiều.

           Nhưng ngay khi trở về nhà, Trần đã tự thuyết phục mình bằng một cách nào đấy rằng anh đã tưởng tượng ra mọi thứ. Trần cảm thấy dễ chịu hơn sau khi có một bữa ăn đêm ngon lành và xem TV. Tất cả là mộng du. Anh quá mệt, có thế thôi. Anh chỉ cần một giấc ngủ ngon lành.

           Và Trần đã ngủ, nhưng giấc ngủ không yên lành và trong giấc mơ có rất nhiều bóng mờ.

 

***

           Trần quay trở lại nơi làm việc vào ngày hôm sau. Anh không tìm thấy điều gì  đặc biệt cả. Đó là những điều anh nói với trưởng khoa.

           “Anh chắc chứ? Giáo sư hỏi, cho dù bất kì ai chôn cất người đàn ông này, họ đều rất sợ ông ta, điều này chắc chắn. Thi thể ông ta được bọc bằng loại giấy có chữ. Những chữ này để ngăn chặn những điều nguy hiểm. Thật kì lạ.”

           Trần nghĩ tới cây sáo. Nó vẫn nằm trong túi áo anh.

           “Tôi chắc chắn, Trần trả lời. Tôi không tìm thấy điều gì bất bình thường. Không gì cả”

***

           Trần không đi ô tô. Anh thỉnh thoảng đi xe buýt về nhà nhưng đôi khi thích đi bộ. Buổi tối ấy anh đi bộ. Trần  muốn lướt qua các cửa hàng ở phố Orchard - một trong những trung tâm buôn bán sầm uất nhất Singapore. Có những cửa hàng đồ cổ bày bán những những chiếc bình gốm rất đẹp, bản đồ và những thứ khác, tất cả chúng khiến trái tim Trần đập rộn ràng. Nhưng anh không thể mua chúng. Tiền lương của anh không đủ.

           Cửa hàng yêu thích của Trần bán những thứ đắt tiền nhất. Anh thích những hình người làm bằng những mảnh ngọc xanh dương. Chúng đắt tiền, anh thích ngắm chúng. Đôi khi Trần hỏi xem một thứ như thể anh sắp mua một món trong số chúng. Dĩ nhiên, anh chưa bao giờ mua nhưng anh thích cảm giác được cầm những viên ngọc đắt tiền trong tay.

            Trần đi ra cửa hàng yêu thích của mình. Cửa hàng có rất nhiều thứ đồ mà đối với anh, một nhà khảo cổ học, rất quan tâm. Những món đồ đó có thể được bán cho những khách du lịch đầu rỗng tuếch, những người chẳng  hề biết về giá trị thật hay vẻ đẹp thực sự của chúng. Điều đó thật không công bằng.

           Không phải suy nghĩ, Trần lấy cây sáo ra và thổi. Anh không định làm vậy - nó dường như một việc tự nhiên phải thế.

           Một sự yên lặng. Yên lặng hoàn toàn.

           Trần cảm thấy hơi sợ nhưng hồi hộp. Nó không phải là một giấc mơ. Nó đã xảy ra.

           Anh nhìn thấy người bán hàng đang đứng, miệng há ra, trông thật ngốc tệ. Một khách hàng đang chỉ vào một thứ gì đó, ngón tay anh ta để yên trong khoảng không. Không một ai động cựa.

           Trần quyết định xem vài miếng ngọc trong khi tất cả đang chết lặng. Anh lấy một món đồ ưa thích ra khỏi tủ kính - một viên ngọc nhỏ chạm hình rồng,  nó cổ và tinh xảo. Một món đồ đẹp. Tại sao mình không lấy nó nhỉ?

           Suy nghĩ đầu tiên cảnh báo anh. Việc này không giống như việc thó đồ từ trường đại học. Không một ai để ý nếu anh lấy bất cứ thứ gì ở đó. Nhưng ở đây, nếu anh ăn cắp, anh sẽ giống như  bất cứ một tên ăn trộm nào khác.

           Trần nhìn quanh cái thế giới đang bị đóng băng. Điều này thực sự có ý nghĩa gì. Chiếc sáo đã đến với anh. Anh sẽ sử dụng nó. Tại sao không. Điều đó đương nhiên. Tốt hơn nhiều nếu những món đồ đẹp ở đây đi cùng với anh hơn là với những thằng ngốc có nhiều tiền hơn kiến thức. Thế mới  là công bằng.

           Nhưng anh sẽ phải làm điều đó một cách ổn thoả. Nếu anh là người cuối cùng nhìn thấy miếng ngọc chạm rồng, anh sẽ bị người ta tìm kiếm nếu nó biến mất. Anh lấy cây sáo ra và thổi, thế giới xung quanh lại chuyển động bình thường. Trần đợi một lát và đi đến chỗ người chủ cửa hàng và đề nghị được xem món hàng.

           "Nó là một tác phẩm tinh xảo và giá chỉ có hai mươi ngàn.”

           “Thật đẹp”. Trần công nhận khi cầm nó trên tay. Anh muốn nó. Anh sẽ có nó. Nhưng anh đưa lại cho ông chủ để những khách hàng khác - và cả chiếc camera theo dõi cửa hàng - có thể trông thấy. “Cảm ơn đã cho tôi xem nhưng rất tiếc bây giờ tôi chưa đủ tiền mua.” Trần nói với người chủ của hàng.

           Trần đi ra khỏi cửa hiệu, anh vào trung tâm thương mại, đi xa khỏi tầm nhìn của người chủ cửa hàng. Anh  ngồi xuống một chỗ gần đó, lấy cây sáo ra và thổi.

            Toàn bộ trung tâm thương mại tĩnh lặng hoàn toàn.

           Trần cảm thấy chưa bao giờ hồi hộp đến thế trong cuộc đời. Anh có thể đi vào bất kì cửa hàng nào và chỉ việc lấy đi những gì anh muốn. Bất cứ thứ gì. Và không một ai sẽ nhìn thấy anh. Thật hoàn hảo.

           Nhưng, vào thời điểm này, anh chỉ lấy miếng ngọc thôi. Anh quay lại cửa hàng vừa nãy, lấy miếng ngọc chạm rồng, cho vào túi áo và bước ra ngoài. Anh quay về chỗ khi nãy và thổi sáo lần nữa. Khu mua sắm hồi sinh. Hoạt động và âm thanh quay trở lại. Anh đã điều khiển điều đó.

           Và không ai có thể đổ tội cho Trần về sự biến mất của miếng ngọc. Rõ ràng, người chủ của hàng đã nhìn thấy anh rời cửa hàng và đã trả lại miếng ngọc. Chiếc camera cũng quay được điều đó. Quá dễ dàng.

           Khi quay về nhà, anh cảm thấy mình như một vị thần.

***

           Miếng ngọc nhỏ chạm hình rồng là vật quý nhất trong bộ sưu tập của Trần. Anh giữ mọi thứ trong chiếc hộp làm bằng gỗ hồng mộc. Anh sẽ sớm cần một chiếc hộp to hơn.

           Và Trần, đêm đó đã mơ thấy cả thể giới đang chết lặng và anh là người duy nhất có thể di chuyển trong thế giới đó. Anh và cái bóng của chính anh.

***

           Ngày tiếp theo, Trần nghĩ mình đã biết được những điều mà cây sáo có thể làm được. Anh quyết định thử nó ở nơi làm việc. Có lẽ là gã ngốc già, giáo sư Điều. Nhưng, bất cứ điều gì anh làm sẽ không được phép gây sự chú ý tới chính mình hoặc với cây sáo. Anh phải chắc điều đó. Đó là cây sáo của anh và anh không muốn mất nó.

           Trần quen đặt câu hỏi với mọi thứ xung quanh. Đó là thói quen mà nhà khảo cổ thường làm, một phần công việc của anh. Anh muốn tìm hiểu thêm về cây sáo. Điều đầu tiên anh muốn tìm hiểu là cây sáo làm mọi vật ngừng di chuyển, hay bằng một cách nào đó nó làm thời gian ngừng lại?

           Điều này rất quan trọng. Anh không muốn mọi người nhận ra rằng họ đã đánh mất thời gian. Đó sẽ là một vấn đề. Nhưng nếu thời gian đứng yên thì không có vấn đề gì cả. Mọi người thậm chí sẽ không nhận ra điều này.

           Giáo sư Điều bước vào phòng của Trần. Đây có thể là một cơ hội cho anh thử cây sáo.

           “Tôi có một vài tin tức về ngôi mộ của chúng ta.”

           “Tin tức?”  Trần hỏi lại.

           “Đúng thế. Chúng ta đã liên hệ với một thầy tế địa phương người Hoa, người đó thông thạo những chuyện này. Nhưng cũng không phải dễ. Ông ta phải tra cứu những quyển sách cổ nhất trước khi nói cho chúng ta biết người đàn ông đó là ai. Và tôi đã đúng, điều này hơi kì lạ, ít nhất là như thế”

           Trần thấy lạnh sống lưng.

           “Ông ta là ai?”.

           “Tên ông ta là Lưu Phù, nghĩa là con hổ. Ông ta cũng là thầy tế và bị các thầy tế khác ném đi.”

           “Tại sao?”

           “Vị thầy tế kể cho chúng ta nghe chuyện này không nói tại sao, nhưng tôi nghĩ Lưu Phù đã làm một điều gì đấy rất tồi tệ. Vị thầy tế đã cảnh báo chúng ta phải cẩn thận, thậm chí đối với người đã chết từ lâu rồi.” Giáo sư cười. “Thẳng thắn nhé, anh có nghĩ rằng ông ta sẽ đội mồ đứng dậy theo cái cách vị thầy tế đã nói về ông ta không ? Còn nữa, nó sẽ làm cho công việc của chúng ta thêm thú vị.”

           Mọi ngày, Trần sẽ cười to về chuyện này giống như giáo sư, nhưng lần này cổ họng anh cứng ngắc, khô khốc vì một nguyên nhân gì đó.

           “Tôi đoán là..., anh trả lời một cách lo lắng.

           Giáo sư Điều quay ra cửa sổ, thói quen của ông ta. Đây là cơ hội để anh thử nghiệm cây sáo. Trong khi vị giáo sư không chú ý, anh lấy cây sáo ra và thổi.

           Tất cả yên tĩnh và câm lặng.

           Trần vỗ tay trước mặt vị giáo sư, quát vào mặt ông ta, vẫy tay trước mặt ông ta. Vị giáo sư không có phản ứng gì. Ông ta như một pho tượng làm bằng đá. Chính xác như mong đợi. Trần đợi đúng năm phút - anh tự đếm từng giây. Khi thổi sáo lại, thế giới âm thanh, vận động quay trở lại, vị giáo sư quay về phía anh ta.

           “ Mọi việc ổn cả chứ ?” Trần hỏi.

           “Tất nhiên rồi. Anh biết đấy, tôi không tin vào những thứ nhăng cuội đó đâu. Tôi ổn mà.”

           “Không, ý tôi là ngài không nghe thấy gì lúc nãy chứ?” Trần hỏi tiếp.

           “Chỉ có lũ chim và xe cộ,  liệu tôi có vấn đề gì chăng?”

           “Ồ, dĩ nhiên là không rồi. Đó chắc là tai tôi có những âm kì cục. Tôi hơi lạnh và ảnh hưởng đến tai. Tôi  xin lỗi”

           “Nếu anh không khoẻ, anh nên nghỉ ngơi. Bảo trọng nhé.” Giáo sư nói và rời khỏi phòng.

          Trần vội quay ra máy điện thoại để gọi báo giờ. Khi đặt điện thoại xuống, anh biết: không một giây nào mất khi giáo sư Điều đứng yên. Không một tí nào, ở bất kì đâu. Năm phút anh tự đếm chỉ dành cho riêng anh. Khi anh thổi cây sáo, anh đã ra ngoài thời gian bằng một cách nào đấy. Cây sáo thực sự đã không làm ngừng âm thanh và  chuyển động.

           Nó làm ngừng thời gian.

           Các vị thầy tế chắc đã biết Lưu Phù đã khám phá ra điều gì đó. Không có gì băn khoăn khi họ ném ông ta đi. Cái cách ông ta bị chôn trong mộ giống như một nhà tù bằng đá. Ông ta đã chết một cách tự nhiên? Trần không bận tâm, bây giờ bí mật của  Lưu Phù là bí mật của anh.

           Trần cảm thấy một điều gì đó anh chưa hề có trước đây. Và tim anh rộn ràng lên khi anh nghĩ đến tất cả mọi thứ bây giờ đã có thể của anh. Anh bây giờ có thể sử dụng cây sáo để mưu cầu cho chính mình: kiến thức, tiền bạc và bất cứ thứ gì trên thế giới mà anh muốn. Đối với anh, Harry Trần, anh đã có quyền lực vượt qua cả thời gian.

           Trần không sử dụng cây sáo vào hôm đó nữa. Anh về nhà và nghỉ ngơi cho thật khoẻ. Anh sẽ phải lập một kế hoạch thật cẩn thận. Không một ai được biết bí mật của anh. Anh đã được tặng món quà kì diệu và anh sẽ sử dụng nó. Không có một ai khác. Điều đó là công bằng.

 

***

           Trần suy nghĩ thận trọng về cách làm thế nào để sử dụng cây sáo một cách tốt nhất. Nhưng rốt cục, anh không thể sử dụng nó để nhìn đoán tương lai. Thật không may. Nếu như anh biết tên của con ngựa sẽ thắng trong cuộc đua và con số may mắn trong xổ số, anh sẽ không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc nữa. Không bao giờ.

           Tốt nhất là bắt đầu với những thứ lặt vặt trước khi khám khá những điều lớn lao. Đấy là cách tốt nhất. Nhưng anh nên làm điều gì đầu tiên?

           Trần quyết định sẽ đến những cửa hàng ưa thích của mình, nơi có những thứ đồ mà anh không bao giờ có đủ tiền mua nhưng luôn thèm khát chúng. Chỉ những vật nhỏ dễ mang mà anh yêu thích. Anh sẽ lấy chúng.

 

***

           Vào buổi tối hôm sau. Trời tối nhưng trung tâm thương mại vẫn sáng đèn như thường lệ. Trần xem xét cẩn thận một vòng xung quanh. Anh biết những thứ anh muốn và mang sẵn một cái túi to, sẵn sàng cho những thứ “mua sắm” được. Anh xin nghỉ việc một hôm, chính giáo sư Điều đã bảo anh nên nghỉ ngơi là gì? Anh được nghỉ ngơi và  anh chắc sẽ rất thích thú.

           Trần quyết định uống một li cà phê ở nơi quen thuộc trước khi bắt đầu. Dù thế, anh nghĩ, không việc gì phải vội vàng. Khi anh đang thư giãn v bên li cà phê, anh mỉm cười với vài vị khách du lịch ở bàn bên cạnh đang cho phim vào máy ảnh. Người đàn ông  có vẻ giàu có, béo - kiểu khách du lịch mà anh ghét cay đắng. Người đàn bà cười với anh trông thật ngốc nghếch, cô ta nhạt nhẽo. Đồ ngốc. Họ có biết được không nhỉ? Anh có thể lấy của họ mọi thứ mà họ sẽ không thể biết. Nhưng điều đó thật lãng phí thời gian. Anh có nhiều việc khác đáng làm hơn. Dẫu vậy, anh có ối thời gian.

           Trần uống xong cà phê và đứng dậy. Đã đến thời điểm để bắt đầu. Anh cho tay vào túi áo và lấy ra cây sáo. Anh cảm thấy giống như một đứa trẻ vào dịp giáng sinh chuẩn bị mở món quà của mình. Cơ hội của anh cuối cùng cũng đã đến.

          Anh đưa cây sáo lên miệng và thổi. Nhưng, khi anh vừa chạm môi thì một luồng ánh sáng rực rỡ chói lóa chiếu thẳng vào mắt. Anh đánh rơi cây sáo vì ngỡ ngàng. Luồng ánh sáng vẫn đứng nguyên.

           Trần mất mấy giây để định thần lại xem điều gì đã xảy ra. Anh đã bước ra khỏi bàn để đến xem người khách du lịch ngốc nghếnh đang chụp ảnh bà vợ ông ta. Ông ta dùng đèn chiếu và khi anh thổi sáo, ánh sáng đèn bị đóng băng vừa kịp. Đó là tất cả. Chỉ tại cái máy ảnh. Nhưng anh đã đánh rơi cây sáo.

           Anh phải tìm nó. Anh bắt đầu tìm kiếm, luồng ánh sáng bị đóng băng vẫn bao quanh anh. Rồi anh cảm thấy một cái gì đó bị vỡ dưới sức nặng của đôi giầy của mình. Anh nhìn xuống. Chiếc sáo đã bị vỡ vụn.

           Tim anh đập thình thịch, miệng anh hổn hển khi nhận ra điều đã xảy ra. Cây sáo bị vỡ vụn từng mảnh nhỏ trên sàn nhà. Nhìn thấy mảnh vỡ Trần biết rằng quá khó để có thể sửa lại cây sáo. Anh đứng chết lặng.

           Trần quát vào mặt những du khách đang cười, quát vào mặt cô phục vụ, vào tất cả những người mà anh nhìn thấy. Tất cả đều vô ích. Họ không nghe thấy anh. Họ không nhìn thấy anh. Anh dường như không có mặt ở  trên đời. Anh không biết thời gian đã ngừng lại cho cả thế giới, hay chỉ cho riêng anh - Harry Trần. Và trong bao lâu? Anh có sống được ở đây, không tương lai, không quá khứ? Anh sẽ chết ở đây?

           Những suy nghĩ đến trong tâm trí khi anh xem xét những mảnh vỡ của chiếc sáo. Chỉ một phần cây sáo còn có thể nhận ra. Đó là mảnh vỡ, trên đó có dòng chữ : Hãy Yên Lặng.

           Anh sợ hãi, cảm giác bị đánh cắp. Anh như thấy một hình bóng lạnh lẽo trùm lên anh. Điều đó thật không công bằng.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...