Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chủ nghĩa bi quan - chủ nghĩa lạc quan

Czeslaw Milosz (Ba Lan) - 24-08-2011 08:21:43 AM

VanVN.Net - Mới chỉ cách đây không lâu, khi nói về thế kỷ đã qua là người ta nghĩ đến thế kỷ XIX, còn giờ đây, “đã qua” có nghĩa là thế kỷ của chúng ta. Mặc dù đúng ra thì có thể nói về hai giai đoạn đó cùng nhau, như một thời đại của sự tăng tốc lớn lao, bắt đầu từ sau các cuộc chiến tranh của Napoleon. Và có thể cũng không vô ích nếu chúng ta suy ngẫm về sự tiếp tục quay lại của chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa lạc quan.

Nửa đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa lạc quan dường như hơi thái quá, có nghĩa là người ta trông đợi một tương lai tươi sáng hơn sẽ đến ngay ngày mai. Khi đó, Lý Trí đã dẫn dắt, thậm chí ở Paris người ta còn xây đền thờ cho nó. Các ý tưởng giáo dục nở rộ trong các logia của hội Tam Điểm, trong các hội cách mạng, trong quân đội đưa tin về tự do, bình đẳng và tình anh em. Bản Marseillaise, Cây sáo thần của Mozart, bài thơ ca ngợi tình yêu của Mickiewicz (Adam Mickiewicz, 1798-1855, nhà thơ lớn của Ba Lan - ND) hay bản Giao hưởng số 9 của Beethoven chẳng đầy tinh thần lạc quan sao?

Sau năm 1848, có một cái gì đó xấu đi, ít ra là trong giới triết học và các nhà thơ, như thể những chế nhạo, châm biếm được dồn tụ bấy lâu giờ mới nổi lên bề mặt; bộ dạng nhăn nhó như quỉ dữ của những nhân vật của Byron, những suy nghĩ về thiên chúa giáo hời hợt của Kierkegaard, Schopenhauer với mối ác cảm của mình đối với Ý chí, hay cuộc chiến về sự tồn tại, một thành phố địa ngục lớn trong Hoa ác của Baudelaire, Ghi chép dưới tầng hầm của Dostoievski. Tuy nhiên niềm tin lạc quan vào sự tiến bộ cũng được khoa học tiếp nhận, mà sự phát triển của khoa học đã báo trước chiến thắng ở thế kỷ tiếp theo. Phát hiện về sự tiến hoá tự nhiên của Darwin như một bản dịch khái niệm về hoạt động-tiến bộ sang ngôn ngữ lịch sử. Xuất hiện khoa học viễn tưởng lạc quan, mà hình ảnh vĩ đại của nó là Jules Verne. Ông đã thấy trước tàu ngầm, vô tuyến truyền hình, những chuyến du hành giữa các hành tinh. Ở Nga, đất nước của những ý tưởng khoa học-cứu tinh, nhà tư tưởng tôn giáo Micolai Fiodorov đã đăng đàn với thông điệp về sự Phục Sinh cho tất cả cha ông chúng ta - bởi đó là bổn phận của chúng ta, những đứa con và điều đó sẽ trở thành hiện thực nhờ khoa học. Các học trò của Fiodorov đã nghĩ tới vấn đề, điều gì sẽ xảy ra khi tất cả các bậc tiền bối của chúng ta sống lại, và họ đã tìm ra câu trả lời: xâm chiếm các hành tinh khác. Điều này không hề phi thực tế, bởi Konstantin Tsiolkovski (1857-1935, được coi là cha đẻ của tên lửa và ngành du hành vũ trụ - ND) đã thiết kế một động cơ phản lực cho các chuyến bay liên hành tinh. Có thể nói rằng tàu vũ trụ Sputnik của Liên Xô đã được bắt đầu từ ý tưởng tôn giáo và tầm nhìn tiến bộ của Fiodorov. Và chủ nghĩa Mác của Liên Xô chẳng phải là vị cứu tinh khoa học sao, nhất là trong những năm hai mươi?

Có phần nào ngạc nhiên khi cuộc chiến tranh đẫm máu nhất của thế kỷ XIX, cuộc Nội chiến ở Mỹ, đã không bẻ gãy được niềm tin vào sự tiến bộ không ngừng. Cho mãi tới cuối thế kỷ, vào khoảng năm 1900, một giọng thứ đã lại cất lên. Cỗ máy thời gian của H. Wells (1866-1946, nhà văn nổi tiếng người Anh, được coi là cha đẻ của thể loại tiểu thuyết viễn tưởng cùng với Jules Verne - ND) đã khẳng định tính phát minh của khoa học, bởi cỗ máy để du hành vào thời gian đã được chế tạo, song tương lai xa của hành tinh chúng ta được nhìn qua cỗ máy đó không phải là màu hồng. Và một trong số những công trình đầu tiên của thế kỷ mới mang tên Hạt nhân của bóng tối. Người ta đọc Dostoievski và Nietzsche, là những người phản đối khái niệm lịch sử như một đường chạy lên phía trước và quay trở lại khái niệm định mệnh thời trung cổ, về tư tưởng của Sự trở về Vĩnh cửu, là điều mà thực ra đã tìm thấy đối ứng trong khoa học trong những phân tích về ngày tận thế trên thế giới do hậu quả của việc gia tăng entropy. Và có một sự phụ thuộc bí ẩn nào đó giữa những truyện ngắn được viết ra để cất vào ngăn kéo của một công chức hiệp hội bảo hiểm ở Praha - Kafka - với sự giết người hàng loạt của đại chiến thế giới thứ nhất, cuộc chiến đã làm tổn thương tới nhận thức của châu Âu, khác hẳn với cuộc Nội chiến ở Mỹ.

Suy ngẫm về thế kỷ XIX chúng ta có thể có được sự khái quát cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác, bởi hai cung giọng luôn cùng tồn tại và đan quyện lẫn nhau. Juzef Maria Hoene -Wronski (1776-1853, nhà triết học, toán học, vậy lý, nhà phát minh, luật sư và kinh tế gia Ba Lan - ND) thậm chí đã nhìn thấy trong các hoạt động của một châu Âu mới cuộc chiến liên tục giữa yếu tố etre (tồn tại) và yếu tố devenir (trở thành). Yếu tố trước là sự ổn định, nền quân chủ, chủ nghĩa bảo thủ, truyền thống. Yếu tố thứ hai là chuyển động, thay đổi, đảo chiều, làm mới. Thậm chí ông còn viết đơn thỉnh nguyện đến các chế độ quân chủ, cố gắng thuyết phục họ rằng sự va đập đột ngột giữa hai yếu tố trên sẽ dẫn đến thảm hoạ, rằng hy vọng nằm ở giả thuyết của chúng. (Sa Hoàng đã hành động đúng hơn nếu như nghe lời ông). Tính hai mặt đã được chúng ta biết đến ví dụ như từ những hoạt động của chủ nghĩa lãng mạn, trong đó có cả dòng chảy của tính lý tưởng hoá thời trung cổ, mang tính bảo thủ và đơm hoa kết trái trong cuộc bảo vệ thành trì của trật tự cũ.

Thế hệ trưởng thành ở Ba Lan sau thế chiến thứ hai chịu ảnh hưởng từ hai hướng khác nhau và việc thoát ra khỏi những ảnh hưởng đó là rất khó. “Cuộc chiến của các dân tộc” đã hiện thực hoá hy vọng của Mickiewicz, mang lại cho Ba Lan tự do, tuy nhiên nền tự do này ngay từ đầu đã bị xói mòn bởi những cuộc cách mạng không tưởng ở phía đông và phía tây từ biên giới của nhà nước mới. Chiến thắng năm 1920 thực sự là một phép lạ. Tuy nhiên, đất nước tuy đã được giải thoát nhưng không thể là một hòn đảo, những làn sóng ở khắp mọi nơi tràn qua đất nước thông qua chữ viết và trường học, mà thực ra là có tới ba phần tư bị phong toả bởi hệ tư tưởng tôn giáo-dân tộc mà nếu được đo bằng sự suy xét hay thực hiện mang tính sáng tạo nào đó thì kết quả sẽ là một vùng trắng. Tính hiện đại, chủ nghĩa xã hội, tính khổng lồ, thuyết vị lai - tất cả những ảo tưởng này đều được du nhập từ nước ngoài, còn thị trường sách thì đón nhận tiểu thuyết Xô Viết và Cộng hoà Đức. Aleksander Wat đã nói trong Thế kỷ của tôi: “những đống đổ nát”, “những đống đổ nát vui vẻ”, nhưng tại sao lại vui vẻ? Bởi chúng chuẩn bị cho một trật tự nào đấy, chưa xác định và tốt đẹp hơn? Chúng ta hãy lưu ý, sau những cuộc tàn sát khủng khiếp của chiến tranh, ở Paris vang lên bài quốc ca ngợi ca bước ngoặt mới, ngợi ca sự chờ đợi lớn lao và tính tiên phong trong nghệ thuật đã ra đời, là điều không phủ nhận nỗi sợ hãi ở một mức độ khác. Tôi còn nhớ đầu đề cuốn sách của Juliusz Kaden-Bandrowski (1885-1994, nhà văn, nhà báo Ba lan - ND) về những ấn tượng của chuyến đi, năm 1926: Châu Âu thu hoạch. Và đã thu hoạch. Vậy là đã có rất nhiều sự bình yên hão huyền, và các quán cà phê Montparnasse mãi đến sau khủng hoảng của Mỹ năm 1929 mới bắt đầu vắng khách.

Khoa học của thế kỷ XX chỉ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa bi quan đã tác động đáng kể đến các triết gia và các nhà thơ, ở mức độ thấp. Khoa học đi về phía trước từng bước từng bước một cách đều đặn, từ phát minh này đến phát minh khác. Công trình của Einstein đã làm nên Cuộc cách mạng khổng lồ trong lĩnh vực vật lý, ngay sau đó là Planck, Heinsenberg, Bohr. Ở phương Tây xuất hiện hệ thống theo thuyết vị lai của Teilhard de Chardin (1881-1955, nhà thần học, triết học và nhân loại học người Pháp - ND), gần giống với hệ thống của Fiodorov ở phương Đông. Teilhard đã ngoại suy ra lý thuyết tiến hoá và chiếu nó lên hàng ngàn năm của tương lai, ông đưa loài người từ biosphera đến noosphera, tức đến cuộc sống bằng lý trí, cho tới Điểm Omega, cuộc gặp gỡ của loài người với Giê-su (theo Heilhard, thì GEOSPHERA, BIOSPHERA và NOOSPHERA là những giai đoạn phát triển kế tiếp nhau của hành tinh chúng ta: khởi đầu là GEOSPHERA, sau đó là đời sống sinh học BIOSPHERA và tiếp theo là tấm áo khoác tinh thần của Trái Đất NOOSPHERA - ND). Hệ thống này được nhiều nhà bác học tiếp nhận, bởi tác giả đã lưu tâm đến vấn đề cơ bản hiển nhiên của họ - sự tiến hoá.

Tuy nhiên, gần như sự sùng bái sự thật khoa học thế chỗ cho tôn giáo và triết học và chủ nghĩa vô thần đã trở thành niềm tin của các nhà bác học. Rất có thể chính vì thế mà rất nhiều nhà bác học đã ngưỡng mộ một Liên Bang Xô Viết hùng mạnh trong tương lai (Joliot-Curie, Haldane, Bernal v.v...), và con tàu không gian Sputnik là một minh chứng hùng hồn đối với họ. Rất ít các nhà bác học hoài nghi về những cuộc phiêu lưu của tri thức con người. Về cuối đời, H. G. Wells đã viết một cuốn sách mỏng với tiêu đề Mind at the End of Its Tether nghĩa là Tri thức nơi ranh giới của khả năng mình. Bản thân Einstein không sẵn lòng tin tưởng cho lắm. Jacques Monod (1910-1976, nhà hoá học, triết học người Pháp. Giải Nobel cho lĩnh vực sinh lý học và y học năm 1965 dành cho phát minh ra cơ chế kiểm soát gien của các tế bào - ND) là người đi xa nhất trong những đánh giá tiêu cực. Theo ông, loài người đang bị chìm xuống, bởi chỉ có một khái niệm về sự thật, đó là khái niệm về sự thật khoa học. Nhưng khoa học không thể quyết định về các giá trị, trong khi giống nòi của loài người (do di truyền?) lại chìm ngập trong sự giá trị hoá, từ đó sinh ra mối bất đồng nguy hiểm.

Hãy tách khỏi những khó khăn quá trần tục trong chốc lát, cần phải xác định rằng, những ý đồ hướng tới ngày mai của các nhà bác học đang được minh chứng. Có thể cư dân của hành tinh này sẽ chết vì sự hôi thối của chính mình, song các chuyến bay liên hành tinh vẫn đang diễn ra, “câu chuyện thời gian” được viết lùi vào quá khứ cho tới tận Vụ nổ Lớn, và “lý thuyết về tất thảy” đang được nói tới. Thậm chí đang tồn tại công trình của một giáo sư toán lý ở New Orleans, trong 600 trang của công trình này tác giả đã thả mình vào một tương lai xa tới hàng tỷ năm, giống như Hawking trong câu chuyện thời gian đã qua đi của mình. Vũ trụ học hiện đại, Chúa và sự phục sinh của những người chết của Frank J. Tippler bao gồm hai phần: phần thứ nhất dành cho dân thường (nhưng kể cả vậy vẫn là quá khó đối với họ), phần thứ hai dành cho các nhà bác học, toàn phương trình và biểu đồ. Tippler tự cho mình là người theo thuyết vô thần, nhưng theo tính toán thì máy tính với độ thông minh của con người sẽ thay thế chúng ta khi hành tinh Trái Đất biến mất, và chúng sẽ thuộc địa hoá toàn vũ trụ, sau đó, sau hàng tỷ năm loài người mới sẽ gặp Điểm Omega, Chúa, sẽ là ga đến thay vì chỉ là người tạo dựng. Bởi thông tin máy tính tuyệt đối đầy đủ về một cá thể người nào đấy bằng cá thể đó, thông tin nổi trội về tất cả những cá thể đã qua thuộc chủng người sẽ không là gì khác ngoài sự phục sinh.

Tippler thú nhận rằng ông đã lấy Điểm Omega (và chỉ có điều này thôi) từ Teilhard de Chardin. Ông không nghĩ là đã được nghe về Fiodorov, người mà thực ra không hề có máy tính và cơ khí lượng tử trong sự sắp đặt của mình. Tippler đã gắn bó với những chiếc máy tính của mình tới mức, ông gọi những người bạn không tin vào sự ra đời của bộ lạc máy tính với độ thông minh bằng hoặc hơn của con người là những kẻ phân biệt chủng tộc.

Không cần phải tin vào các luận cứ của ông để có thể biết rằng công trình của ông là rất độc đáo trong giai đoạn hiện tại và rằng giả thuyết của ông (“từ đó mà giả thuyết học được coi là một phần của khoa học”) sẽ được những người khác đón nhận. Tuy nhiên, biết đâu sự va đập giữa chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa bi quan ở một khía cạnh nào đó lại có ích trong gia đình, khi chúng ta thử đoán xem hiện tại ở Ba Lan, một phần đáng kể của “tầng lớp nghèo” đang suy nghĩ như thế nào. Họ đã nhận được sự trừng phạt không tồi, tuy nhiên, tôi ngờ rằng trong họ vẫn tồn tại một nền móng từ trước Thế chiến thứ hai, tức là định hướng trần tục, chống giáo hội. Sau một số biểu hiện nhất định, tôi mạo muội nhận định rằng, nền móng này tỏ ra vững chắc hơn những giai đoạn tôn giáo-yêu nước tiếp sau đó. Như vậy, phải có một cái gì đó được làm nhằm lấy lại được sự tự ý thức. […]

Thành thật mà nói, những phân tích này có chìa khoá rất riêng. Đôi khi tôi có cảm tưởng như tình hình trước chiến tranh và của hàng chục năm nước Cộng hoà Ba Lan sẽ lặp lại, có nghĩa là xung đột giữa tôi với độc giả thuộc về một hệ tri thức nào đấy vẫn đang tiếp diễn. Có những khi tôi bị cho rằng không mang tính tiên phong. Trong rất nhiều năm độc giả Ba Lan đã có ác cảm với cách viết mang tính triết học rối rắm của tôi. Tôi là người cổ hủ, tôi đã không theo kịp bước tiến của cuộc cách mạng nghệ thuật ở phương Tây, tôi đọc Orzeszkowa và Rodziewiczowna (hai nữ nhà văn Ba Lan thuộc thời kỳ chủ nghĩa lạc quan - ND), tôi viết cho “Tuần báo phổ thông”, tôi mộ đạo, tôi rất “thần bí”, tôi được kết tụ từ quá khứ.

Như vậy là nếu ở một người nào đó có sự gặp gỡ của chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa bi quan, thì người đó có một chìa khoá riêng. Tuy nhiên, nếu như khái quát hoá tình huống đó, chúng ta có thể nhận được một cái nhìn nào đó vào các đường phân chia hiển nhiên cho dù khá vô thức. Trạng thái treo của các cuộc tranh luận cơ bản là điều không bình thường. Bạn đang ở đâu - bạn là người lý trí, logic, có suy nghĩ sáng sủa, trung thành với thế giới quan khoa học? Có lẽ bạn không bị những đống gạch nát vùi lấp?

Này, anh bạn, hãy rũ mình khỏi đám bụi của đống gạch vụn đi và chúng ta hãy nói chuyện.

 

(Nguyễn Thị Thanh Thư dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan - Nguồn Tạp chí Văn học nước ngoài)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

Có một cánh buồm đang trở về bến thơ

VanVN.Net - Năm 1973, khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, chúng tôi đã nghe và ngưỡng mộ thơ của Trịnh Công Lộc. Lúc đó anh cùng khoa Văn, trước chúng tôi hai khóa, đã ...