Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: bỗng thấy “xa ngái” với quê hương

Dương Tử Thành (thực hiện) - 28-09-2011 05:14:58 PM

VanVn.Net - Nhắc đến những trang văn Đỗ Bích Thúy người đọc sẽ hình dung đến Hà Giang - quê hương chị, nơi Thúy đã bước những bước đầu tiên đến với văn chương, nơi đã cho chị những quả ngọt đầu mùa trên cánh đồng chữ nghĩa. Nhưng rồi một ngày, Hà Giang bỗng trở nên xa ngái... Chính chị cũng không thể ngờ sẽ có ngày mình về thăm quê, ở đó không còn ngôi nhà thân thương nép mình trong thung lũng mù sương, không còn “căn gác áp mái” lưu dấu những kỷ niệm ngày thơ bé. Cuộc sống đôi khi buộc con người ta phải đứng trước những lựa chọn, và có những lựa chọn khiến người ta phải đánh đổi cả một miền ký ức của chính mình.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy


Mãi mãi là người từ xa đến

- “Trên căn gác áp mái”, tập sách mới nhất của chị đã gieo vào bạn đọc một ám ảnh về nỗi tha hương, tại sao nó lại bất chợt bùng lên mãnh liệt đến vậy?

- Thực ra đó là những tản văn, tạp bút tôi từng post trên blog. Việc công bố nó dưới dạng một tập sách bắt đầu từ gợi ý của một biên tập viên bên NXB Phụ nữ. Với tôi, viết tản văn là một cách viết thay cho nhật ký. Tôi thường chỉ viết tản văn khi có một sự tác động nào đó từ bên ngoài khiến mình phải xúc động. Đó cũng là một cách để rèn ngòi bút. Một nhà văn già (tôi cũng nói về ông trong tập sách này), đã cho tôi lời khuyên, rằng hãy viết mỗi ngày. Đừng có đợi, đợi mãi, đợi mãi, có khi cảm xúc không tới, mà rốt cuộc lại chẳng có gì. Có những thứ được tôi viết vì nó chỉ hợp với tản văn, nhưng cũng có những thứ, những chi tiết, nhỏ nhỏ thôi, tôi viết như để dành, để khỏi quên, và đến một lúc nào đó, ở trong một cuốn tiểu thuyết, hoặc truyện ngắn nào đó, tôi sẽ lôi ra dùng lại. Và như bạn cảm nhận, nỗi tha hương đúng là đã thực sự ám ảnh tôi, ám ảnh trong suốt 14 năm tôi rời xa. Tôi luôn cảm thấy mình không thuộc về thành phố này. Nơi này, mặc dù tôi sinh con, nuôi con lớn lên, đó có thể là nơi thuộc về các con tôi, nhưng tôi thì không, tôi mãi mãi chỉ là người từ xa đến, tá túc trong nó mà thôi.

- Việc gia đình chị quyết định bán nhà ở Hà Giang để đưa bố mẹ về Hà Nội có phải là “giọt nước tràn ly” khiến cho những tình cảm với vùng cao nguyên đá trong chị bùng nổ, khiến chị thấm thía sự mất mát và trở nên day dứt với nó?

- Quả có đúng như vậy. Trước đó, mặc dù đi xa, nhưng tôi vẫn còn bố mẹ ở quê. Còn ngôi nhà, nơi luôn ăn sâu vào trong tâm trí tôi. Ngôi nhà, không đơn giản chỉ là nơi để ở, nó là một phần cuộc đời tôi. Khi mệt mỏi tôi có thể trở về. Nó là một điểm tựa, là một sợi dây nối tôi với mảnh đất mà tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Khi bố mẹ tôi về Hà Nội, tôi mất ngôi nhà. Một nỗi buồn không thể tả được. Nếu như một ngày nào đó, bạn về quê, bạn phải ra khách sạn để ngủ, thì bạn còn lại gì? Tôi luôn luôn tự hỏi như vậy. Tôi nhớ cái bờ hè, nhớ mấy cái gốc cây, cái taluy đầy cây dương xỉ, bờ ao mà hồi nhỏ tôi hay ngồi đó câu cá, nhớ con suối chảy róc rách ngay trước mặt, dưới suối đầy cá trèo đồi, nhớ cả tiếng tắc kè hoang hoải, nhớ một cánh cò lửa sà xuống lúc chiều tà… Tất cả chỉ còn trong ký ức. Tất cả đã không thuộc về tôi. Đây là một cuộc “cách mạng”, cả gia đình tôi đều nói vậy, và là một cuộc cách mạng không thể không diễn ra. Và chúng tôi phải chấp nhận. Chấp nhận trong một nỗi thảng thốt mà trước đó không thể ngờ tới.

- Nhưng chị có nghĩ quê hương là những gì ta lưu giữ trong ký ức, những gì tượng hình nhiều hơn là những gì hiện hữu mà đôi khi chúng lại không như ta kỳ vọng khi có dịp tái ngộ?

- Vùng đất nào cũng có những đổi thay theo năm tháng, theo sự biến động của cả một đất nước, một dân tộc. Quê hương tôi cũng vậy. Và tôi biết chắc rằng, có những thứ chỉ còn trong ký ức, vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện trở lại. Và tôi thực sự biết ơn những ký ức đó. Không có nó, Hà Giang của tôi sẽ mất một phần hồn vía. Không có nó, tôi không còn động lực để trở lại. Không có nó, tôi là con số không. Và từng ngày trôi qua tôi biết, trong khi tôi ước cho đời sống của những người nông dân quê mình được khấm khá lên, đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải lặng lẽ xếp nhiều thứ quý giá vào trong chiếc tủ ký ức.

- Đã có người đọc những trang viết của chị để rồi tìm đến Hà Giang, và thất vọng vì những gì họ thấy không như những gì họ nghĩ. Chị coi đó là thành công hay thất bại trong văn chương của mình?

- Cũng ít người thất vọng, đa số là bị thiên nhiên Hà Giang làm cho choáng ngợp. Càng đi lên vùng cao, càng đi vào vùng sâu, thì sự hấp dẫn của thiên nhiên, văn hóa, sản vật Hà Giang sẽ càng kỳ diệu, và không thể gặp lại ở bất kỳ nơi nào khác. Tôi không coi sự thất vọng hay choáng ngợp của người đọc văn Đỗ Bích Thúy rồi đến Hà Giang là thành công hay thất bại của mình. Gắn hai thứ đó với nhau là gượng ép. Bạn đọc hôm qua, hôm nay, bạn đọc vài chục, thậm chí hàng trăm năm nữa vẫn mê mẩn với “Đất nước đứng lên”, nhưng không thể “đòi” nhà văn Nguyên Ngọc cho nhìn tận mắt một Tây Nguyên hoang sơ, hùng vĩ như Tây Nguyên trong tác phẩm ấy.

- Điều lớn nhất mà quê hương Hà Giang đã cho chị là gì?

- Là cách sống. Luôn có cách để giải quyết mọi việc, cho dù khó khăn, rắc rối đến đâu. Luôn có cách để sống, đàng hoàng và tử tế. Giống như cái cây dương xỉ trong tản văn “Cái cây” của tôi. Tôi bứng nó từ cái taluy sau nhà, với cả một vốc đất rồi mang về Hà Nội, tôi trồng nó trong một cái chậu treo ngoài ban công. Trong tản văn, tôi tưởng nó chết rồi, nhưng mới cách đây một tuần, khi Hà Nội trở lạnh, mưa nhiều, nó đột ngột đâm mầm, và lại lên xanh mướt. Kỳ diệu chưa, một cái cây, đã im lặng hai năm liền, đột nhiên sống lại. Cái cây khiến tôi vui mãi, như thể vừa tìm thấy lại một vật quý giá vô ngần đã thất lạc từ lâu. Cái cây nhỏ bé đã cho tôi một niềm tin mãnh liệt vào sức sống, vào sự sống.

 

Cuốn sách mới của nhà văn Đỗ Bích Thúy

 

Lối đi chọn người viết

- Đọc tập tản văn của chị, người ta thấy không giống như “tản văn truyền thống”, chất truyện nhiều hơn chất văn, thậm chí có những cái mang dáng dấp của một truyện ngắn. Bản thân chị thấy sao?

- À, điều này đúng. Bên cạnh những cái có tính chất hồi ký, tự truyện, thì có những cái được gợi ý từ một chi tiết nào đó trong cuộc sống và tôi chế biến nó thành một cái tản văn giống… truyện hơi ngắn.

- “Dù thân xác đi đâu linh hồn vẫn mãi ở lại, như dòng nước thì vẫn trôi nhưng hai bờ luôn ở lại…”. Chị đã dùng hình ảnh ấy để nói về sự gắn bó với quê hương. Quyết định đi xa để rồi lại nhớ đến quay quắt mảnh đất sinh thành, liệu đó có phải là một sự “mâu thuẫn dễ hiểu” tự ngàn đời của những con người ly hương mà chị cũng không là một ngoại lệ?

- Tôi nghĩ đấy cũng là tâm trạng của rất nhiều người. Tôi thi thoảng gặp một sự đồng cảm, của một người đồng hương, giống tôi, ra đi và nhung nhớ Hà Giang. Nhưng khác ở chỗ là tôi phải nói ra, còn họ thì không.

- Cũng trong tập tản văn “Trên căn gác áp mái”, chị tự nhận “không phải người hoài cổ”, nhưng những gì thể hiện trong ấy thì lại chứng minh điều ngược lại. Hoài cổ vốn dĩ là đặc tính của dân cầm bút, tại sao chị… không dám thừa nhận?

- Không phải không dám thừa nhận mà chính xác tôi chỉ là người thỉnh thoảng bị ký ức lôi trở lại thôi (cười). Bên cạnh đó, và cơ bản, tôi là người sống cho hôm nay và nhìn về phía trước. Tôi khá tỉnh táo và làm việc với một kế hoạch chặt chẽ. Cuốn sách này, những bài viết trong đó, chỉ giống như sau một ngày rất mệt mỏi, tôi về nhà và nằm ngả lưng một chút. Nếu như lúc nào bạn cũng nghĩ về quá khứ, sống nhờ quá khứ, lúc nào bạn cũng “ngả lưng” thì còn gì là cuộc sống.

- Nhiều người về phố và ngòi bút đã dần bén duyên với mảnh đất mới, còn chị, người ta chỉ mới thấy một hình ảnh Đỗ Bích Thúy của phố phường chứ với trang viết dường như tình yêu văn chương chị vẫn gửi gắm ở nơi cực Bắc?

- Đúng thế đấy. Và còn chưa biết đến bao giờ tôi mới chọn được một lối đi khác. Lối đi, đôi khi là do nó chọn mình, nó cho phép mình, chứ không phải chỗ nào cũng có thể lao bừa vào.

- Bạn bè và những người quen biết chị đều thấy một Đỗ Bích Thúy thành đạt và ngày càng xinh đẹp. Ai đó nói rằng, mọi thứ có được đều phải trả giá, bên cạnh những cái được mà cuộc sống mang lại chị đã mất những gì?

- Như những người đàn bà khác, tôi mất tuổi trẻ. Tôi đang bắt đầu già. Bạn sẽ phải dùng từ “đẹp lão” đối với tôi đến nơi rồi đấy.

- Từng bén duyên với sân khấu và điện ảnh nhưng rồi sau đó chị khá im ắng ở cả hai lĩnh vực này. Tại sao vậy?

- Bạn vừa nói đến hai từ mấu chốt đấy. “Bén duyên” thôi chưa đủ, phải “còn duyên” thì mới có những thứ khác. Nhưng bên Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang triển khai một chùm kịch ngắn của tôi. Lần này, tôi chỉ bắt đầu nghĩ và viết sau khi có “đơn đặt hàng” của nghệ sĩ Chí Trung. Với sân khấu và điện ảnh, tôi thấy cần phải chặt chẽ và kỹ lưỡng. Kịch bản không giống với tiểu thuyết hay tập truyện ngắn, nếu không được dựng, chỉ có cách xếp xó. Mà xếp xó hàng trăm trang viết thì xót ruột lắm. Tôi chọn cách “chắc ăn” là chỉ làm theo đặt hàng thôi.

- Hiện tại chị đang theo đuổi kế hoạch văn chương dài hơi nào?

- Tôi không có cái gì dài hơi. Dài thì hay hụt hơi, nhất là với phụ nữ. Tôi chỉ giải quyết từng cái một mà thôi. Khoảng tháng 11 tới, bên Kim Đồng sẽ in tập sách đầu tiên tôi viết cho lứa tuổi nhi đồng. Đây là một món quà tôi dành cho con gái và các bạn của nó. Cuốn sách này có xuất xứ khá vui, ấy là đầu tiên tôi viết cho con tôi đọc, toàn những chuyện nhí nhố gây cười của bọn trẻ học lớp 2. Ngày nào nó cũng kể cho tôi một lô những chuyện rất thú vị. Tôi thấy không ghi lại thì phí quá nên đã biến thành những câu chuyện nhỏ. Con gái tôi mang đến lớp, bạn nó xúm xít đọc cùng và còn hỏi: "Mẹ cậu mua những truyện này ở đâu thế". Sau khi có “kiểm định chất lượng” của bọn trẻ, tôi mới sửa sang sạch sẽ gửi cho NXB. Tôi đang viết tiếp phần hai.

 

Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 tại Hà Giang. Từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Văn Nghệ Quân Đội năm 1998 - 1999. Đã ra các tập truyện ngắn: Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Ký ức đôi guốc đỏ, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá; tập truyện dài Người đàn bà miền núi; tiểu thuyết Bóng của cây sồi và mới đây nhất là tập tản văn Trên căn gác áp mái. Chị từng viết kịch bản sân khấu với vở “Diễm 500 đô hay quá khứ đòi nợ” (đạo diễn Lê Hùng). Truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của chị được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản phim truyện nhựa với tên gọi “Chuyện của Pao”. Nhà xuất bản Kim Đồng sắp phát hành hành tập truyện thiếu nhi có tên “Hội cầu vồng” của chị.Hiện Đỗ Bích Thúy là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.

(Nguồn Evan)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ

VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...

Thư giãn  

Truyện ngắn: "Vừa bắt đầu đã kết thúc"

VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...

Nhà văn đọc sách  

Những cuộc dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng”

VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...