VanVN.Net - Tôi yêu ông ở lòng nhân hậu, thái độ chân tình mà rất lịch thiệp lẫn với niềm yêu mến từ thời xa xưa một số bài thơ, truyện ngắn của ông, đặc biệt là bài thơ “Tôi đi học” còn lung linh trong ký ức tôi viên ngọc tuyệt đẹp của kỷ niệm thơ bé. Khuôn mặt ông rất giống một hiền triết phương đông, hao hao như gương mặt của Ta-go-re và Lép-tôn-xtôi lúc già. Khuôn mặt đó đầy những nét thanh nhã gợi cho ta nghĩ đến cái cao quý của đời sống nội tâm sâu sắc trầm tĩnh và sự minh triết của thời gian. Ở đó còn man mác nỗi buồn đã lắng động trong cam chịu của một bi kịch gia đình do hoàn cảnh của đất nước bị chia cắt trước kia
Sự nghiệp văn học của nhà văn Thanh Tịnh có thể vắn tắt vài dòng sau:
Ông sinh năm 1911 ở làng Dương Nổ, thành phố Huế.
1. Trước 1945: Viết cho báo Phong Hóa; Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu Thuyết thứ năm, Thanh Nga.
Sáng tác đã xuất bản trong giai đoạn này:
- Thơ: Tập Hận chiến trường (1937)
- Truyện ngắn: Quê mẹ (1941); Chị và em(1942); Ngậm ngãi tìm trầm (1943)
- Truyện dài: Xuân và Sinh (1944).
2. Sau 1945: Từng là Tổng thư ký Hội văn hoá Trung bộ.
- Sau 1954 từng làm chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Nguyên là ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Sáng tác đã xuất bản trong giai đoạn này:
- Thơ: Sức mồ hôi (1954).
- Truyện thơ: Đi từ giữa một mùa sen (1973).
- Thơ ca (Tuyển tập 1980): Bài tiêu biểu: Gặp lại, Nhớ Huế quê tôi.
- Truyện ngắn: Những giọt nước biển (1956).
Ông đã khai sinh ra thể độc tấu, sáng tác nhiều bài tấu, ca dao, tục ngữ mới.
Giai đoạn này ông viết hàng ngàn bài đủ thể loại cho các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Phụ nữ, Tiền Phong, Tổ quốc, Thiếu niên tiền phong…
PV: Xin bác cho biết mục đích chuyến thăm Huế lần này của bác?
Thanh Tịnh: Tôi đang công tác ở Hải Phòng thì nhận được thư và điện của tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật mời về dự lễ kỷ niệm 40 năm cách mạng tháng 8 và ngày thành lập nước. Dẫu còn mệt tôi tức tốc về ngay, thú thật tôi rất cảm động về tấm thịnh tình của quê hương và các anh lãnh đạo ở đây. Hiếm khi mà các văn nghệ sĩ những đứa con của xứ Huế ở phương xa, và những anh em đã từng đóng góp cho phong trào văn hoá, văn nghệ về tụ hội đông đủ như vậy. Chỉ có một mảnh đất rất văn hoá và một thái độ đầy văn hoá và tình người mới làm được điều đó.
PV: Bác có thể cho biết những ấn tượng và cảm giác của chuyến đi thăm Huế lần này?
Thanh Tịnh: Tôi rất vui, không khí ở đây đầy tình cảm và sự ân cần. Đâu đâu cũng có sự niềm nở, dễ chịu. Cảnh vật của quê hương rất đẹp và dịu dàng. Tôi đã gặp ở nhiều anh em văn nghệ của tỉnh và rất mừng có những thành tựu đáng kể, những cuộc trao đổi ở Hội Văn nghệ rất thú vị, bổ ích đặc biệt là buổi “Tâm tình về thơ”. Tôi đã nói chuyện với anh em trí thức ở câu lạc bộ Thuận Hóa; một số anh em viết văn trẻ ở câu lạc bộ Thành đoàn Huế. Anh em rất cởi mở, chân tình, ham hiểu biết, và có nhiều mơ ước tốt đẹp. Phải nói rằng ít nơi có không khí văn hoá và văn học như ở đây. Tôi đặc biệt quí trọng đồng chí Vũ Thắng, qua những lần tiếp xúc và trao đổi, tôi tin đó là một mạnh thường quân của văn học và văn hoá.
PV: Thưa bác, Sông Hương số 15 này đặc biệt dành cho những cây bút trẻ, bác là người cầm bút và hoạt động văn học hơn nửa thế kỷ nay, có vô vàn kinh nghiệm, bác có thể tâm sự về nghề đối với anh em viết văn trẻ được không? Những điều mà bác thấy là tâm huyết nhất khi bác đã đi gần cuối chặng đường sống và viết?
Thanh Tịnh: (Ông nghĩ ngợi, đắn đo, cân nhắc một lúc và trả lời rất cẩn trọng):
Nghề văn là một nghề rất khó. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy càng khó. Đó là một nghề lao nhọc nhất trong các nghề lao nhọc. Lao nhọc và khổ trí tinh thần. Ai tưởng nghề văn dễ thì chưa hiểu nó. Người cầm bút mà tưởng nó dễ thì chẳng viết được gì đáng kể đâu. Đọc nhiều, đi nhiều, chắt lọc những điều tai nghe, mắt thấy, suy nghĩ và suy nghĩ. Nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, tạo được bản lĩnh, bản sắc bên trong. Yêu nước, yêu quê hương, yêu con người và đặc biệt là nhân hậu. Lao động nghệ thuật phải là lao động thật cần cù và nghiêm túc. Sau cùng là đánh vật với chữ nghĩa thật dữ sao cho thật đẹp, chính xác đúng với điều cần diễn đạt, sao cho đạt được sự trong sáng, giản dị dễ hiểu mà không tầm thường, nôm na, dễ dãi. Điều sau cùng tôi xin đặc biệt nhấn mạnh vì anh em viết văn trẻ thường hay coi thường nó. Coi thường nó là coi thường mình, độc giả và chính nghề văn mà mình theo đuổi. Tôi rất thích cái ý này: phải nhọc công khổ luyện ý tứ, chữ nghĩa nhưng làm sao viết ra người ta thấy rất tự nhiên, có vẻ “dễ như chơi” không để lộ ra cái dụng công, cái khó nhọc. Tôi tâm niệm một điều, điều mà tôi thấy có thể bổ ích cho anh em cầm bút trẻ: Người cầm bút cần vất vả nhọc công, hao tâm tốn lực thì độc giả càng thoải mái. Còn ngược lại, mình thoải mái dễ dãi với mình và văn chương thì độc giả khổ sở chết được (ông cười dí dỏm một cách triết gia). Cái tinh túy, cái chất lượng là cái phải được đặt lên hàng đầu, cần phải khắc sâu vào tâm khảm mỗi lúc cầm bút. Không có điều gì tâm huyết đáng nói, không viết ra thì khổ sở, không chịu được, thì đừng viết. Phải sống dài, chất liệu nhiều nhưng phải chắt và lọc đi, lọc lại hàng chục lần, hàng trăm lần và viết thật cô đọng. “Cơm nhiều mà máu ít, dâu nhiều mà tơ ít” là thế đó. Cái đó cần phải học nghệ thuật thơ Đường. Rồi tục ngữ, châm ngôn.
PV: Thưa bác, nhân vật Bát-xa-na trong truyện “Quy luật của muôn đời” của nhà văn Liên Xô nổi tiếng Đum-bát-dê có nói một ý như sau: trong đời một con người cần có lúc phải tổng kết, chiêm nghiệm lại đời mình, đặc biệt những lúc đau yếu thập tử nhất sinh, hoặc lúc về già cuối đời để đánh giá lại mình một cách chính xác nhất, nghiêm khắc nhất những giai đoạn trong cuộc đời, những ưu và khuyết, những điều đáng lý ra cần tránh, những điều cần theo và phải làm. Bác có kinh nghiệm như thế nào về việc đó và bác có thể thổ lộ những điều tâm đắc cho anh em trẻ được không?
Thanh Tịnh: (Ông ngẫm nghĩ rất lâu như thể nhìn lại đằng sau chặng đời xa tít của mình, ngó lại những chặng đường đã đi qua, có vẻ như ông đang nhìn thật sâu vào con người mình những quá khứ nhỏ, những khuôn mặt khác nhau, những thành công và thất bại, khuôn mặt ông lộ vẻ trầm tư và đăm chiêu thoáng hiện những nét mà hình như tâm hồn ông vừa khai mở cho tôi thấy: bâng khuâng tiếc nuối pha lẫn với tự hào, hơi có vẻ chua chát mà lại hãnh diện nhưng nhuốm màu sắc xả thân hiến dâng một cách tự nguyện và đôi phần có vẻ bất lực khi thấy thời gian đi quá nhanh, có cái gì đã hơi muộn màng) ông đọc chậm rãi, nhỏ nhẹ và trầm tĩnh:
“Nghề nghiệp quá dài, đời quá ngắn
Biết đời, đời hết, biết làm sao”.
(Ông lặng yên một lúc lâu, tôi tưởng như đến vô tận) rồi ông thong thả nói tiếp: phải biết cái sở trường và cái sở đoản của mình. Nói thì dễ, mới nhìn cũng tưởng dễ, nhưng ở trong cuộc, trong cơn lốc của cuộc đời, của công việc, của lịch sử mới thấy rằng khó, đôi khi đến cuối đời mới nhận ra. Tôi mong các bạn trẻ sớm nhận ra chính mình, ưu và nhược, cái sở trường và sở đoản càng sớm càng tốt, càng tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Trong tôi vừa có con người trữ tình vừa có con người hiện thực, tôi vừa thích An-phông-xơ Đô-đê vừa thích Ghi-đờ Mô-pát-xăng, vừa thích cả Thạch Lam mà vừa thích cả Nguyễn Công Hoan, vừa có cả con người xao xuyến bâng khuâng với những vẻ đẹp bình dị, tinh tế với niềm vui man mác của cảnh đời, lẫn có con người của Mặc Địch, vị tha và hy sinh, có cả con người đầy nhiệt tình phê phán và mong muốn cải tạo sự vật và con người, cuộc đời cho tốt đẹp hơn. Có những cực đoan trong tôi, con người này phủ nhận con người kia, chặng đời này phủ nhận chặng đời kia, cắt đứt mà không có sự liên tục, phủ nhận mà không có sự tổng hợp. Có chặng đời dân gian hóa quá mức mà ít tổng hợp được sự trữ tình, đó là đáng tiếc của tôi, có chặng đời lý tính lấn át cảm xúc, mà sự tổng hợp và nhuần nhuyễn muộn. Mặc dầu mỗi chặng đời cũng có sự thành tựu của nó. Cái câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mấy chục năm nay vẫn được người ta nhớ và nhắc tới, nhất là trong các diễn văn, đọc trong các ngày lễ lớn. Tôi lại rất cảm động khi biết một số nông dân của một số làng còn thuộc hai câu của tôi: “Ai ơi ra sức cấy cày, thêm giờ lao động bớt ngày lao đao”, anh biết không chữ “lao đao” tôi tìm cho được nó phải mất hai ngày. Tôi chỉ mong “Ước gì để lại mùa sau, một câu một chữ đậm màu dân gian”, bởi thời gian và quần chúng là người phán xét nghệ thuật nghiêm khắc nhất. Tập truyện ngắn về sau này của tôi “Những giọt nước biển” cũng tàm tạm, một số bài thơ “Nhớ Huế quê tôi, Gặp lại”, anh em cũng khen được. Tập truyện thơ “Đi từ giữa một mùa sen” là tấm lòng thành của tôi đối với Bác, nó giản dị, mộc mạc và dân giã… Nhưng ai biết được mai sau sự nghiệp của một người cầm bút sẽ còn được người ta nhớ tới những gì? Một câu, một chữ, một đoạn, một truyện, một bài thơ cũng đã quý lắm rồi (ông ngừng lại một lúc, có vẻ đắn đo, nửa định nói, nửa không, nhưng cuối cùng ông cũng quyết định nói):
Trong văn học nghệ thuật, cần tránh sự thiển cận, ấu trĩ và tả khuynh. Có một thời gian, tôi cũng bị điều đó, và đó là một tổn thất. Tôi cũng xin mạnh dạn bày tỏ lòng hy vọng và mơ ước của tôi: Anh em trẻ sẽ không bị điều đó, giới lãnh đạo văn học và nghệ thuật cũng cần tránh điều đó và tôi nghĩ là đang có dấu hiệu tốt, nếu không sự tổn thất có thể to lớn hơn nữa.
PV: Xin thành thật cảm ơn bác đã nói cho biết những điều thành thật tự đáy lòng (tôi cảm thấy áy náy vì đã đi vào vấn đề hóc hiểm của một đời người cầm bút như vậy). Thưa bác vốn tri thức văn hoá và văn học cũng rất cần cho sự phát triển của những khả năng văn học, kinh nghiệm riêng của bác về vấn đề đó ra sao?
Thanh Tịnh: Mỗi người có một kinh nghiệm riêng, không ai giống ai, kinh nghiệm do hoàn cảnh giáo dục và sự tự giáo dục mình. Viết văn có vốn, có tấm lòng thì như được chắp thêm cánh. Vắn tắt, tôi có thể nói là tôi đã học hỏi tinh hoa của văn học dân gian, văn học cổ nước ta, văn học cổ Trung Quốc (đặc biệt là thơ Đường), triết học phương Đông nhất là của Trung Quốc và Ấn Độ (đặc biệt là Phật giáo), rồi văn học cổ điển Pháp thế kỷ XIX. Cần phải làm một bước tổng hợp dựa trên bản sắc và tâm hồn mình và không khí của thời đại. Tôi học chữ Hán lúc 8 tuổi.
Lớn tuổi tôi mới học chữ Pháp. Phải nói, văn học Pháp rất sâu sắc, đa dạng và nhân bản. Cứ lấy một thế kỷ của họ mà xem, rất nhiều trường phái, nhiều tác phẩm lớn, nhiều tài năng lớn, nhiều đỉnh cao. Tôi thích thơ của La Mác-tin và Vích-to Huy-gô, văn của Đô-đê và Mô-pát-xăng (Am-cu-li-xe của tôi viết theo phong cách của Mô-pát-xăng).
Sau cùng và cơ bản nhất là học tập ca dao, tục ngữ, truyện cổ, Chinh phụ ngâm, truyện Kiều, Cung oán ngâm, thơ, thơ Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… Đó là cái nền tảng để học bên ngoài.
Nếu có thể, anh em trẻ nên học chữ Hán. Bởi văn học cổ của ta, của Trung Quốc quả đáng học và như thế mới hiểu sâu và hiểu cái thật hay được. Cần phải nghiên cứu để biết thật chắc cơ bản triết học phương Đông và sau cùng là nên có một sinh ngữ thật giỏi tiếng Nga, Anh, Pháp đều tốt để mở những cánh cửa ra thế giới. Riêng tôi, tôi thích tiếng Pháp, đó là một thứ tiếng văn hoá và cả thế giới, ở Liên Xô, Nhật Bản … đâu đâu người ta cũng coi trọng nó.
PV: (Trí tưởng tôi bỗng quay về những năm quá vãng xa xôi trong tâm hồn tôi chợt vang lên những âm thanh xao xuyến, bâng khuâng một nỗi buồn cảm động đến não lòng của người ra đi bao năm trở về, thấy người xưa không còn nữa của bài thơ “Rồi một hôm” của ông.
Tôi nghĩ: đó là một bài thơ hay, lời giản dị mà cảm động đến nao người, cái dễ như chơi mà không thấy cái khó của sự dụng công, cái ý tại ngôn ngoại của thơ Đường, hơi thở và tiếng vang của Chinh phụ ngâm, truyện Kiều và một bài thơ Pháp nào đó mà tôi đã đọc từ xưa. Nhưng nó nhuần nhị, sáng tạo và rất là Thanh Tịnh. Tôi nghĩ đó là một bài thơ có thể minh họa cho những điều ông vừa nói về cái nghề thơ văn, và hẳn nó không bao giờ rơi rụng với thời gian. Tôi hỏi ông về bài thơ đó).
Xin bác cho biết vài nét về bài thơ “Rồi một hôm” và có thể cả bài “Mòn mỏi” nữa? Thanh Tịnh: (ông lặng yên trầm ngâm, chắc bên trong trí nhớ đang quay lại với dĩ vãng và tôi tưởng như sắp được nghe những lời từ nấm mồ của ký ức).
Nếu tôi nhớ không lầm bài thơ “Rồi một hôm” đã được giải nhất của cuộc thi thơ của “Hà Nội báo” năm 1936 (ông nói một cách chậm rãi những lời ký ức kiếm tìm). Bài thơ này tôi làm lúc đang còn dạy học và đi hướng dẫn du lịch, lúc đó ngày nào cũng tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài làm tôi có cảm tưởng lạ lắm như mình đang đi và ở một chân trời xa, ly hương lâu ngày lắm, vả lại anh biết không khí lúc đó có những dấu hiệu sắp bắt đầu chiến tranh thế giới, Nhật đang sắp sửa làm vụ Lưu Cầu Kiều ở trời Tây, Hít-le và Muýt-xô-luy-ni đang hò hét chuẩn bị chiến tranh, còn ở Pháp và ta phong trào của Mặt trận bình dân mạnh và đang chống những âm mưu của chiến tranh thế giới.
Còn bài “Mòn mỏi”, “Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ, tìm thử chân mây khói tỏa mờ, có bóng hình quân muôn dặm ruổi, ngựa hồng tung bụi cõi mơ xa”… đó hở? Đó là cuộc đối thoại giữa hai chị em về một người vắng mặt: người tình quân yêu dấu của chị, một chinh phu, và nỗi đợi chờ của người chinh phụ đang linh cảm một điều gì đó của sự mất mát. Anh có chú ý bài thơ mở và khép giữa hai cử chỉ của người em “Cuốn rèm và buông rèm”, giữa đó là tấn bi kịch lặng câm của nỗi lòng mòn mỏi đợi chờ. Thơ, khổ cuối bao giờ tôi cũng dụng công nhất và nó cũng làm tôi xúc động nhiều nhất, và cái xúc động tự đáy lòng sẽ làm người đọc cũng rung động theo.
- Này lặng em ơi lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm
- Ngựa hồng đã tới bên hiên
Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người
PV: (Nghe đến câu thơ cuối “Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người” tôi lặng người đi, tim nhói lên vì nỗi bàng hoàng và sự tái tê đột ngột của mất mát).
Thanh Tịnh: (hình như ông biết phản ứng của tôi, ông lặng yên một lát, mắt đăm đăm vào một cõi xa vắng nào đó của kỷ niệm, rồi ông nói tiếp, giọng trầm hẳn như một lời tâm sự). Hồi đó tôi quen một cô gái Hoa kiều, thấy cô buồn rười rượi tôi hỏi, cô đáp là cô buồn vì mấy hôm nay không khí gia đình thê lương, cha mẹ cô khuôn mặt như đưa tang, tôi hỏi tại sao vậy? Cô nói cha mẹ cô bảo, người Nhật đang đánh chiếm một số vùng của Trung Quốc, và đất nước đang lâm vào tai họa và nỗi nhục lớn: mất nước. Tôi thương cô, thương cái nước Trung Hoa xa xôi kia đang chịu cái thảm họa tày trời, rồi ngẩm lại thương nước mình, thương cái thân nô lệ của đời dân mình và của thân tôi, tôi buồn ghê gớm. Đó là xúc động đầu tiên, và cái khuôn mặt rầu rĩ, u hoài của cô gái đó ám ảnh tôi. Xúc động thứ hai là hồi đó tôi xem một phim chiến tranh, người đàn ông tham gia chiến tranh, người vợ đợi chờ, một hôm con ngựa với chiếc yên không chạy về trước hiên nhà và người vợ sững sờ, cặp mắt rỗng không vô hồn. Rồi chẳng biết từ đâu ý và lời tuôn ra trên mặt giấy. Vậy đó (Rồi ông dừng lại, chắc có lẽ ông chìm hẳn luôn vào hồi tưởng).
PV: (Bất giác tôi nhớ lại hoàn cảnh ly tán của gia đình ông hiện nay, có một cái gì đó phảng phất giống không khí, hoàn cảnh của hai bài thơ trên. Tôi nhớ lại có lần tôi cùng anh Hoàng Phủ Ngọc Tường trò chuyện về thơ, tôi và anh cùng tâm đắc một ý nghĩ giống nhau: thơ trữ tình tâm trạng sâu sắc nhất, chân thành nhất, nó như có khiếu linh cảm, nó tiên tri được số phận, hay một số hoàn cảnh đặc biệt nào đó của người làm thơ. Tôi hỏi ông về điều đó). Thưa bác, người ta nói thơ đôi khi tiên cảm được số mệnh của nhà thơ, thơ bác thì ra sao ạ, nó có khớp với ý kiến đó không?
Thanh Tịnh: (Hình như ông giật mình, ông cúi hẳn đầu xuống, mái tóc bạc rung rung, tôi biết ông đang xúc động và đang chiêm nghiệm, một cái gì đó xa xót dâng lên trong tôi. Chợt ông ngẩng đầu lên, đôi mắt rỗng không như người đàn bà trong phim kia cũng sững sờ nhìn thấy cái yên không trên lưng con ngựa trở về. Tôi có cảm tưởng như cái thần của mắt ông đã lạc hẳn vào một cõi xa mơ nào đó, nơi đó có chân trời xanh biếc, có nội cỏ xa mơ màng và nấm mộ của một mối tình. Rồi ông gật gật đầu mấy cái, đó cũng là cái cách trả lời trong lặng yên của thơ ông, nó thấm sâu vào cách ứng xử của con người ông).
PV: (tôi đã dứt khỏi tâm trạng đó và cũng muốn ông ra theo) Thưa bác, mấy năm gần đây người ta đã tái bản lại một số tác phẩm của các nhà văn tiền chiến, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Thạch Lam và cả “Tuyển tập thơ” của bác (1980) và “Quê mẹ” năm ngoái, bác nghĩ sao về việc làm đó?
Thanh Tịnh: Tôi lấy làm mừng. Cho những người khác, cho tôi và mừng chung. Đó là một cách làm đúng và khôn ngoan lại có tình có lý. Tôi mong các bạn trẻ khôn ngoan như thế sớm hơn (ông cười). Không có dĩ vãng thì hiện tại và tương lai sẽ bị hẫng đi. Cái mạch đời nó chảy liền nhau, kế tiếp nhau, cái hiện tại và tương lai cần phải phát huy ưu điểm cái trước và có cả tránh những nhược điểm nữa. Có thể văn học mới phong phú thêm, đa dạng thêm, cái hay của thời xưa cộng với cái hay của bây giờ thì nó hay thêm, chẳng có chi mà lo.
PV: Xin bác kể cho ít về cuộc đời bác, đặc biệt là những gì liên quan đến các tập truyện ngắn “Quê mẹ”, “Chị và em”, “Ngậm ngãi tìm trầm”?
Thanh Tịnh: (Yên lặng một lúc, ông đang nhớ lại, rồi ông nói, giọng nhỏ nhẹ, thủ thỉ, tôi có cảm tưởng như tiếng nói của ông từ đâu xa lắm vẳng lại).
Anh có biết câu hò ru em mà các bà mẹ Huế hay ru “À ơ… ờ ru con cho théc cho mùi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu, mua vôi chợ Quán, chợ Cầu, mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh” không? Chợ Dinh là quê tôi đó. Qua Đập Đá về Vỹ Dạ, rồi về một đoạn ngắn nữa, làng Dương Nỗ đó. Nhà tôi ở cạnh nhà của ba “đại gia” là nhà của dòng “Hồ Đắc”, “Nguyễn Khoa” và phủ “Định Viễn” (con vua Minh Mệnh) mà tôi là con nhà thứ dân. Tôi là con trai một của bố tôi, sau này tôi cũng chỉ có một đứa con trai một và con trai tôi cũng chỉ có một cháu trai duy nhất. Ông tôi làm thợ mộc, bố tôi cũng làm nghề đó. Mẹ tôi bán hàng xén, mở một quán nhỏ ở bến đò chợ Dinh để sinh nhai. Đó là nơi dừng chân của mọi người qua lại, nghỉ ngơi uống chén nước chè xanh. Nhất là khi đợi đò, người ta kể đủ chuyện trong nhà ngoài ngõ, chuyện làng, chuyện xóm, người, cảnh… Có thể nói quán của mẹ tôi là trạm thông tin trao đổi của mọi người trong làng. Tôi còn bé, nhưng ngồi say mê hóng chuyện. Và ngày qua ngày cái khiếu kể chuyện phát triển khi nào không biết. Một số truyện ngắn của tôi ở tập “Quê mẹ” và “Chị và em” được lấy cái cốt cái sườn, nhân vật thực từ cái “trạm đó” tôi chỉ bịa đặt, thêm thắt hư cấu ít nhiều.
Sau ba năm học chữ Hán với một ông sư, chùa Ba-la gần đó, cái ông sư mà tôi đã kể trước đó, lại mê thơ Đường, và chắc tâm sự có điều gì uẩn khúc nên mới đi tu, 11 tuổi bố mẹ tôi cho tôi đi học chữ Pháp ở dòng Pen-lơ-ranh, cách tòa nhà khách này mấy chục bước, cũng ở trên con đường Lê Lợi. Chúng bạn học thì toàn con nhà giàu có gia đình danh giá mà tôi lại là con thường dân hay bị tủi, tôi tức mình lắm, quyết tâm học cho giỏi để chúng bạn biết tay mà phải kính trọng con nhà nghèo. Năm 21, 22 tuổi gì đó tôi đỗ đip-lôm (trung học) rồi đi làm. Đi làm thư ký văn phòng nhân viên thư viện ở trường Prô-vi-đăng (nay là cơ sở của trường Đại học Tổng hợp Huế ở đường Nguyễn Huệ), vừa làm, tôi vừa học thêm để đi thi “Bắc ca” (Tú tài Tây). Thi đỗ tôi qua làm ở sở Điền địa. Nơi đây tôi có dịp đi về hầu hết các làng xóm ở Thừa Thiên. Có thể nói đây là những chuyến đi thực tế quan trọng của tôi, nó mở rộng nhãn quan, trước kia tôi chỉ biết chuyện làng, xã tôi ở và sách vở bây giờ tôi biết rộng hơn tình cảnh của nông dân, phong tục tập quán của nông thôn miền Trung và phần lớn truyện ngắn của tôi được hình thành từ những chuyến về làng đó. Chuyện “Ngậm ngãi tìm trầm” là truyện tôi được nghe kể ở chân núi Truồi. Sau đó, do bất đồng với thằng Tây trưởng phòng, hắn trù dập o ép làm nhiều chuyện để làm nhục tôi, nhờ sự quen biết tình cờ, tôi qua làm thư ký biên tập cho tập san “Những người bạn của Huế cổ” (Les amis du vieux Huế), tôi làm đó gần sáu năm. Nhờ làm việc đó tôi hiểu rất nhiều chuyện về văn hoá, kiến trúc phong tục của Huế. Trong thời gian đó tôi đi thi “hướng dẫn viên du lịch”, đỗ rất cao. Từ đó tôi vừa làm thư ký tòa soạn vừa hướng dẫn viên du lịch, tôi đã tiếp xúc rất nhiều khách du lịch nước ngoài. À anh biết không, tôi đã gặp cả vợ chồng nghệ sĩ điện ảnh Charlie Chaplin (tức là vua hề Sác-lô) vào năm 1936, ông ta có những nhận xét lạ lắm về cái xứ mình mà hiện giờ cho phép tôi còn giữ bí mật, tôi sẽ tiết lộ nó trong một hồi ký sẽ viết cho “sông Hương”. Một số truyện ngắn của tôi cũng được hình thành từ lúc này, đặc biệt là những “Nhận xét nhỏ”.
PV: Bác viết những truyện ngắn thời ấy ra sao?
Thanh Tịnh: Từ những điều tai nghe mắt thấy, những câu chuyện được nghe kể lại, từ những việc thật, người thật, tôi chọn những chuyện thương tâm, xúc động nhất, rồi cũng chọn những tình tiết như thế, tôi đem cả tâm hồn nhạy cảm của mình thời đó và để cho trí tưởng bay bổng từ những chất liệu thật đó, rồi chọn hình ảnh âm điệu cho phù hợp với cảm xúc của mình, tôi cố viết sao cho người đọc rung động theo trái tim tôi, trí tưởng tôi, cảm xúc của tôi. Cái chất thơ của truyện ngắn của tôi là từ cảm xúc, và hình ảnh. Có những câu chuyện hình như chẳng có truyện nhưng nó được nhào nặn với cảm xúc của tâm hồn tôi nên nó bâng khuâng man mác và đi được vào tâm hồn người đọc, nó gợi cho người ta nghĩ ngợi cái ý tại ngôn ngoại của cái cảnh đời và kiếp nhân sinh.
PV: Theo bác, những truyện ngắn nào của bác có thể tồn tại được?
Thanh Tịnh: Cách đây chín, mười năm Bô-rít Bô-lê-vôi sang Việt Nam, về nước ông chọn và cho dịch một số truyện ngắn hay của văn học hiện đại của ta, trong đó có ba truyện ngắn của tôi, đó là: “Tình thư”, “Ngậm ngãi tìm trầm” và “Am-cu-li-xe”, ngoài ra trước kia Thạch Lam cũng rất thích truyện ngắn “Con sẽ về nhà mẹ” của tôi. Một số người khác cũng thích truyện “Đò ngang”. Hồi đó, “Nhận xét nhỏ” của tôi, tôi viết gần 100 cái. Đó là một loại tùy bút mà Thạch Lam cho là quan sát và cảm xúc tinh tế. Chẳng hạn một “Nhận xét nhỏ” đăng ở “Giai phẩm xuân” năm 41, 42 của Phong Hóa hay Đời nay, Thạch Lam cho là đạt và khen tôi, trong đó có đoạn “Bên này có tiếng trẻ con oe oe khóc chào đời, bên kia là cái cảnh của một người già đang hấp hối. Người đời dùng một trăm thứ lịch để tả cảnh sinh tử. Còn nhà thương chỉ dùng một con đường nhỏ: đó là con đường từ nhà hộ sinh đến nhà xác”. “Nhận xét nhỏ” của tôi, nếu tồn tại sau này cũng được vài cái.
PV: Bác nghĩ sao về những bài phê bình thơ hiện nay?
Thanh Tịnh: Anh em kiến thức nhiều, chữ nghĩa nhiều, nhưng lý trí quá, phải có tâm hồn để rung động với thơ và văn, phê bình thơ phải có chất thơ mới hay được và mới làm cho độc giả xúc động được. Còn những đoạn thơ trích, của các tác giả được phê bình, tôi thấy sao một số người phê bình thơ lại chọn những đoạn quá dở, hoặc chẳng hay ho gì cả, như thế là làm hại nhà thơ, dù những đoạn đó có chứng minh tư tưởng tốt đẹp nào đi nữa. Trong một bài thơ, một đời thơ không ít cái dở. có ai là toàn bích cả trăm phần đâu. Nên thương nhà thơ và độc giả mà chọn những câu hay, những đoạn hay, những bài hay dùm cho.
PV: Thưa bác có người, có ý kiến cho rằng Huế là một trong những trung tâm của văn hoá, và văn học của cả nước, bác nghĩ sao về điều đó?
Thanh Tịnh: Quá khứ thì rõ rồi. Từ thế kỷ XIX cho đến năm 1945 điều đó đã được khẳng định, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Miên Thẩm, rồi Phan Bội Châu đều có thời kỳ sáng tác quan trọng ở vùng đất này, Bác Hồ cũng có một thời khá dài học và nuôi chí ở đây. Còn thế hệ 30-45 thì khỏi nói. Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh cũng được định hình như một nhà văn, nhà thơ ở đây. Còn cánh chim đầu đàn của văn học cách mạng là Tố Hữu chính là người con của xứ Huế, tập Từ ấy là một tiếng nói mới trong thơ, chất Huế và chất cách mạng thâm nhập lẫn nhau.
PV: Thưa bác, bác trước kia nhiều năm đã làm thư ký tòa soạn một tập san nghiên cứu về văn hoá, kiến trúc Huế cổ, có tiếng, tập san “Những người bạn của Huế cổ” và cũng là một người làm công tác du lịch duy nhất của Huế trước bốn lăm, xin bác cho biết ý kiến về lĩnh vực trên, đặc biệt là với công tác bảo tàng và du lịch của Huế hiện tại và tương lai?
Thanh Tịnh: Anh biết điểm trung tâm của du lịch Huế ở đâu không (tôi còn đang ngập ngừng suy nghĩ, thì ông nói tiếp). Đó là Đàn Nam Giao. Phía trước nó là chùa chiền, kinh thành và cung điện. Sau lưng nó là các lăng tẩm, từ điểm đó đi đâu cũng dễ, cũng gần. Tôi cho rằng Đàn Nam Giao là một công trình khoa học xã hội, và cũng là khoa học tự nhiên mà ta chưa chú ý hết. Anh ngạc nhiên à, tôi sẽ chứng minh cho mà xem. Anh biết không khi đắp Đàn Nam Giao, đất của nó có của mấy chục tỉnh thành toàn quốc góp lại, một nơi một ít. Đàn đó lập ra để tế trời, người xưa quan niệm đất chung thì trời cũng chung. Trời đất chung thì dân tộc là một, tổ quốc là một. Đó chẳng phải là một triết lý, và quan niệm nhân sinh sâu sắc mà khoa học xã hội cần chú ý đó sao, mặc dầu cái dáng có vẻ duy tâm, thần linh xưa của nó, nhưng cái lõi đáng quý của nó cần trân trọng, chẳng phải chúng ta để làm một cuộc chiến tranh ba mươi năm đã giành lại độc lập, tự do, thống nhất giang sơn, thống nhất dân tộc cũng từ một quan niệm đó sao? Còn về khoa học tự nhiên anh có biết không ở Trung Quốc có một bức tường nổi tiếng dài gần bằng “La thành” của lăng Tự Đức, có tên là “Hồi âm bích” tức là tường chuyển âm, tường vang âm, đứng trên một trục đối xứng xuyên tâm cách nhau, cách cả hơn trăm mét, nói bình thường qua bức tường thì một người khác có thể nghe rõ mồn một như người kia nói bên tai vậy, bức tường được xây dựng thế nào đó theo quy luật âm học để có thể chuyển âm xa đến thế. Đoàn đi sứ của ta về báo lại cái chuyện lạ kia, nhà vua ta mới kêu các quan xây dựng, kiến thiết đến và hỏi Đàn Nam Giao có thể làm được như vậy không? Dưới nền của Đàn ấy, họ đào những cái hố rồi làm những hộp đá thanh rỗng đặt thế nào đó, để cho âm thanh có thể chuyển qua các hộp đó và càng chuyền càng vang to. Đó có phải là một tài năng về khoa học tự nhiên không? Có lần tôi hướng dẫn một cặp vợ chồng người Pháp du lịch tên là Đờ-cô-vanh thì phải, tôi bảo với ông hai điều trên, ông rất ngạc nhiên về điều sau, ông bảo bà vợ chạy xa hơn cả mấy trăm mét, rồi ông nói Salut grand talent (xin chào tài năng lớn) giọng to hơn bình thường một chút. Ông hỏi bà vợ có nghe không, bà vợ ở đằng xa kia gật đầu mấy cái, anh thấy có lạ không, anh cứ lên đó làm thử mà coi. Cho nên tôi nói ở Huế có những công trình cổ đáng quý mà ta chưa hiểu hết, biết hết, và cần nghiên cứu để hiểu sớm hơn, biết sớm hơn, để có làm việc gì cũng làm tốt hơn và thông minh hơn. Theo tôi, việc trước hết của công tác Bảo tàng là gìn giữ bảo vệ những công trình văn hoá lớn như thế. Rồi sau đó mới nói đến phát huy. Ở Huế chúng ta đã có một viện Bảo tàng về Bác, đó là một việc làm đáng quý, vì đã có một thời Bác đã ở đây. Nhưng để phục vụ cho tốt cần phải đầu tư thêm để có một viện Bảo tàng Huế xứng đáng và còn cả một thư viện Huế, gồm cả những sách báo có viết về Huế, cả sách nước ngoài và các tài liệu hiện nay… có thế mới làm du lịch tốt được và hấp dẫn khách du lịch. Có thể nói công tác làm du lịch của ta còn ít quá, cần phải học hỏi công tác làm du lịch ở nước ngoài và học nhiều nữa, nếu họ có một di tích lớn như ta, họ sẽ biết tổ chức sao để thu một số ngoại tệ thật nhiều. Nói chung phải nghiên cứu từ sách vở cổ, và học tập rút kinh nghiệm, các sở đắc của nhiều nước, và ngay cả khách du lịch nước ngoài, mới có thể làm du lịch có hiệu quả được. Rồi còn một đội ngũ làm công tác này nữa, cả du lịch và bảo tàng nữa, cần đào tạo cho được một đội ngũ có trình độ nghiệp vụ cao, lại say mê với nghề nghiệp và nhất là phải có lòng yêu Huế thật sự và mãnh liệt. Cái sau là rất quan trọng, có lòng yêu văn hoá Huế, kiến trúc Huế sẽ làm được mọi chuyện.
PV: (tôi vừa nghe ông đáp mà tâm trí cứ vướng bận một cái gì đó rất thiết yếu để chuẩn bị hỏi ông và tôi nhớ ra rồi). Thưa bác, hiện nay đang có sự đánh giá lại giai đoạn văn học 30-45, bác nghĩ sao về giai đoạn văn học này nhất là so với lịch sử phát triển văn học cận hiện đại của ta?
Thanh Tịnh: (ông hơi bị bất ngờ, vì còn say mê về những ý nghĩ của du lịch và bảo tàng, ngẫm nghĩ một hồi lâu, ông mới thong thả trả lời, rất thận trọng).
Phải có khoảng cách khá xa nhìn lại mới bình tâm hơn, mới sáng suốt hơn, nhất là cái nhìn đối với một giai đoạn văn học vừa mới qua hay đang xảy ra. Thông thường ta hay bị cái nhu cầu của hiện thời chi phối. Cái đó là rất cần, nhưng phải cần trông xa hơn và tầm nhìn rộng hơn để tránh những cái đáng tiếc và cái ấu trĩ. Chỉ nói riêng về phương diện ngôn ngữ, ngôn ngữ văn học của ta những năm trước năm 30, nói đúng ra là 30 năm đầu của thế kỷ, cái ngôn ngữ tiếng Việt viết theo âm được la tinh hóa còn gọi là chữ quốc ngữ, thì có thể nói là mới bập bẹ ấp úng nửa Hán, nửa Tây. Văn học 30- 45 đã làm được một điều, đó là làm cho tiếng Việt này chững chạc hẳn lên, rất đẹp, rất trong sáng mà giản dị. Đó là một mặt thành tựu lớn và công lao của những người cầm bút ở giai đoạn này. Còn phải nói thêm điều này và ý này nữa là chỉ trong 15 năm mà văn học giai đoạn đó đã thu gọn cả thế kỷ của văn học của phương Tây. Giai đoạn văn học đó đủ các trường phái lãng mạn, yêu nước và xã hội chủ nghĩa cũng có và ở trường phái nào cũng có những nhà văn nhà thơ và tác phẩm tiêu biểu mà so sánh với các trường phái văn học nước ngoài ta không thẹn. Văn học 30-45 là kết quả của cuộc tiếp xúc giữa phương Đông và phương Tây đầu tiên và cũng là sự gặp gỡ đầu tiên của văn học dân tộc và văn học Pháp, đó là một sự đổi mới về nội dung, về hình thức, về ngôn ngữ. Lẽ dĩ nhiên cuộc tiếp xúc ấy trong điều kiện ta bị xâm lăng về văn hoá, nước bị nô lệ, cái hạn chế và nhược điểm cũng từ đó mà ra, nhưng phải nói nếu không có lòng yêu nước, không có lòng yêu mến ngôn ngữ và văn học nước ta, và không có được một sự sáng tạo đầy nhuần nhuyễn thì không làm được những thành tựu như thế. Vả lại những người cầm bút của giai đoạn này đều đi theo cách mạng, kháng chiến và hiện nay họ đóng góp đối với văn học mới. Có những nước có di sản văn học rất đồ sộ nhưng họ còn biết quý trọng những thành tựu dù rất nhỏ, chẳng hạn như Liên Xô. Ta cần học tập họ về điều đó, để có thái độ đúng hơn, công bình hơn về di sản của ta kẻo uổng. Thế thôi. (Ông đưa tay vuốt mặt nhiều lần khi nói, chắc ông phải suy nghĩ nhiều, và để tập trung ý nghĩ hơn và có lẽ ông cũng đã mệt, nhưng tôi còn phải hỏi một câu cuối nữa, nên phải tiếp tục làm phiền ông).
PV: Xin cảm ơn ý kiến xác đáng và cái nhìn có vẻ cởi mở và mới đó của bác. Xin làm phiền bác thêm một vấn đề nữa. Thưa bác trong lịch sử phát triển văn học, các thế hệ cầm bút thường phủ nhận lẫn nhau, và thế hệ sau thường phủ nhận thế hệ trước đó, để sáng tạo cái mới và cũng để khẳng định mình, bác nghĩ sao về điều đó? Trong cuộc đời thường cũng như trong đời sống văn học, người già và người trẻ thường khó hiểu lẫn nhau, có những khoảng cách về tuổi tác và quan niệm, thưa bác làm thế nào để có sự đối thoại và cảm thông?
Thanh Tịnh: (Cặp mắt ông sáng lên một ánh chớp lạ lùng, hình như ông vừa đảo tròng mắt rất nhanh, trong một phần mười tích tắc, vừa có vẻ như là ông muốn dò chừng xem có bẫy sụp đó ở câu hỏi này không, vừa như có vẻ ông vừa nảy sinh một ý kiến độc đáo, có vẻ bỡn cợt, tôi chờ đợi, ông bắt đầu nói).
“Tre già thì măng mọc”, “Con hơn cha thì nhà có phúc” (ông nói bằng giọng chậm rãi và nhấn mạnh từng chữ một của hai câu tục ngữ trên như ông muốn tôi thâu cái ý nghĩa thâm thúy của chúng). Đó là quy luật của sự tiến hóa… (ông ngừng một lát để buông câu sau một cách bất ngờ) chỉ sợ rằng tre già mà măng không mọc được, cha anh thì giỏi mà con em thì lếu, đó là điều thậm cấp chí nguy. Ông cười một cách dễ thương, chẳng có một ẩn ý xấu nào khi tôi nhìn gương mặt hồn nhiên của ông). Tôi thì tôi mong cái tiến hóa thuận chứ chẳng ao ước cái tiến hóa ngược (ông lại cười), rồi ông đọc mấy câu thơ của ông giọng thủng thẳng ung dung tự tại:
“Hết trẻ thì già có thế thôi
Sớm chiều đâu khoảng xa xôi?
Trai thời xanh tóc tôi như bạn
Đến tuổi bạc đầu bạn giống tôi”
PV: Thưa bác trong đời làm thơ của bác, bác cho biết hai bài đắc ý nhất, một trước 45 và một ở giai đoạn sau?
Thanh Tịnh: Có lẽ là bài “Rồi một hôm”, năm 1936 và bài “Gặp lại” năm 1975. Tôi chẳng biết đó có phải là bài hay, hay không? Cái đó còn tùy độc giả, nhưng tôi thấy thích và tâm đắc (ông cũng đắn đo lắm).
PV: Chuyện cũng đã dài rồi, thưa bác. Bác còn muốn tâm sự điều gì với anh em văn nghệ, và độc giả không?
Thanh Tịnh: Trước hết tôi cảm ơn anh em văn nghệ tỉnh và tạp chí Sông Hương đã nghĩ đến cái tuổi 75 của tôi, đó là tấm lòng của anh em và tấm lòng của quê hương. Tôi cũng trải tấm lòng của mình để tâm sự. Còn anh em trẻ biết nghĩ tới người già, biết đối thoại với người già, là tốt lắm, biết đâu khi anh em về già lại có người trẻ như anh đến phỏng vấn (ông lại cười giễu cợt một cách hiền lành). Còn độc giả của “Sông Hương”, tôi xin thưa trước, vì phải trả lời phỏng vấn tức khắc, nên có thể có ý kiến chưa chín, có ý kiến rất chủ quan, điều gì nghe không được xin làm ơn bỏ qua.
Đã hơn chín giờ đêm, câu chuyện đã tàn. Những gì cần nói đã nói hết. Chỉ có tâm hồn và trái tim là sợi dây vô hình nối kết được sự cảm thông. Tôi nhìn mâm cơm lạnh tanh của ông ở bàn bên cạnh. Quây ông mấy tiếng liền. Tuổi ông cần cái nóng sốt của cơm canh. Tôi từ biệt ông với vẻ áy náy. Ông cầm lấy bao thuốc Đà Lạt của tôi để trên bàn, đưa lại cho tôi, bao thuốc đã rỗng không tự hồi nào. Ông rút mấy điếu thuốc Huế đầu lọc trong bao thuốc đầy ắp đưa cho tôi. Một cử chỉ nhỏ mà xiết bao cảm động về một tấm lòng ân cần. Ông tiễn tôi và nhìn tôi khuất dần sau cầu thang. Tôi đi ra lấy xe. Khu vườn của tòa nhà khách đầy bóng đêm. Đêm mênh mông. Trong tôi cứ xao xuyến một nỗi bâng khuâng, một cảm giác tiếc nuối, có lẽ đó là tôi vừa chia tay với một tâm hồn đẹp, một trái tim dịu hiền và cao quý và cũng có thể ai biết được thời gian: tuổi già như hạt sương rơi khi nào không biết. Tôi có cảm tưởng mình tốt đẹp hẳn lên và hiểu biết thêm ra: tiếp xúc và gặp gỡ một ký ức sống động của dĩ vãng đầy biến động, nghe tiếng vọng của thời gian xa xưa qua những âm vang thâm trầm, sâu lắng của một chứng nhân như cây cổ thụ rợp bóng thời gian và từ những gì thẳm sâu nhất trong cuộc chuyện trò kia, tôi nghe có cái gì thuộc về tiếng nói của tương lai.
Huế, những ngày tháng chín năm 1985
VanVN.Net - Tôi yêu ông ở lòng nhân hậu, thái độ chân tình mà rất lịch thiệp lẫn với niềm yêu mến từ thời xa xưa một số bài thơ, truyện ngắn của ông, đặc biệt là bài thơ “Tôi đi học” còn lung linh trong ký ức tôi viên ngọc tuyệt đẹp của kỷ niệm thơ bé. Khuôn mặt ông rất giống một hiền triết phương đông, hao hao như gương mặt của Ta-go-re và Lép-tôn-xtôi lúc già. Khuôn mặt đó đầy những nét thanh nhã gợi cho ta nghĩ đến cái cao quý của đời sống nội tâm sâu sắc trầm tĩnh và sự minh triết của thời gian. Ở đó còn man mác nỗi buồn đã lắng động trong cam chịu của một bi kịch gia đình do hoàn cảnh của đất nước bị chia cắt trước kia
Sự nghiệp văn học của nhà văn Thanh Tịnh có thể vắn tắt vài dòng sau:
Ông sinh năm 1911 ở làng Dương Nổ, thành phố Huế.
1. Trước 1945: Viết cho báo Phong Hóa; Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu Thuyết thứ năm, Thanh Nga.
Sáng tác đã xuất bản trong giai đoạn này:
- Thơ: Tập Hận chiến trường (1937)
- Truyện ngắn: Quê mẹ (1941); Chị và em(1942); Ngậm ngãi tìm trầm (1943)
- Truyện dài: Xuân và Sinh (1944).
2. Sau 1945: Từng là Tổng thư ký Hội văn hoá Trung bộ.
- Sau 1954 từng làm chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Nguyên là ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Sáng tác đã xuất bản trong giai đoạn này:
- Thơ: Sức mồ hôi (1954).
- Truyện thơ: Đi từ giữa một mùa sen (1973).
- Thơ ca (Tuyển tập 1980): Bài tiêu biểu: Gặp lại, Nhớ Huế quê tôi.
- Truyện ngắn: Những giọt nước biển (1956).
Ông đã khai sinh ra thể độc tấu, sáng tác nhiều bài tấu, ca dao, tục ngữ mới.
Giai đoạn này ông viết hàng ngàn bài đủ thể loại cho các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Phụ nữ, Tiền Phong, Tổ quốc, Thiếu niên tiền phong…
PV: Xin bác cho biết mục đích chuyến thăm Huế lần này của bác?
Thanh Tịnh: Tôi đang công tác ở Hải Phòng thì nhận được thư và điện của tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật mời về dự lễ kỷ niệm 40 năm cách mạng tháng 8 và ngày thành lập nước. Dẫu còn mệt tôi tức tốc về ngay, thú thật tôi rất cảm động về tấm thịnh tình của quê hương và các anh lãnh đạo ở đây. Hiếm khi mà các văn nghệ sĩ những đứa con của xứ Huế ở phương xa, và những anh em đã từng đóng góp cho phong trào văn hoá, văn nghệ về tụ hội đông đủ như vậy. Chỉ có một mảnh đất rất văn hoá và một thái độ đầy văn hoá và tình người mới làm được điều đó.
PV: Bác có thể cho biết những ấn tượng và cảm giác của chuyến đi thăm Huế lần này?
Thanh Tịnh: Tôi rất vui, không khí ở đây đầy tình cảm và sự ân cần. Đâu đâu cũng có sự niềm nở, dễ chịu. Cảnh vật của quê hương rất đẹp và dịu dàng. Tôi đã gặp ở nhiều anh em văn nghệ của tỉnh và rất mừng có những thành tựu đáng kể, những cuộc trao đổi ở Hội Văn nghệ rất thú vị, bổ ích đặc biệt là buổi “Tâm tình về thơ”. Tôi đã nói chuyện với anh em trí thức ở câu lạc bộ Thuận Hóa; một số anh em viết văn trẻ ở câu lạc bộ Thành đoàn Huế. Anh em rất cởi mở, chân tình, ham hiểu biết, và có nhiều mơ ước tốt đẹp. Phải nói rằng ít nơi có không khí văn hoá và văn học như ở đây. Tôi đặc biệt quí trọng đồng chí Vũ Thắng, qua những lần tiếp xúc và trao đổi, tôi tin đó là một mạnh thường quân của văn học và văn hoá.
PV: Thưa bác, Sông Hương số 15 này đặc biệt dành cho những cây bút trẻ, bác là người cầm bút và hoạt động văn học hơn nửa thế kỷ nay, có vô vàn kinh nghiệm, bác có thể tâm sự về nghề đối với anh em viết văn trẻ được không? Những điều mà bác thấy là tâm huyết nhất khi bác đã đi gần cuối chặng đường sống và viết?
Thanh Tịnh: (Ông nghĩ ngợi, đắn đo, cân nhắc một lúc và trả lời rất cẩn trọng):
Nghề văn là một nghề rất khó. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy càng khó. Đó là một nghề lao nhọc nhất trong các nghề lao nhọc. Lao nhọc và khổ trí tinh thần. Ai tưởng nghề văn dễ thì chưa hiểu nó. Người cầm bút mà tưởng nó dễ thì chẳng viết được gì đáng kể đâu. Đọc nhiều, đi nhiều, chắt lọc những điều tai nghe, mắt thấy, suy nghĩ và suy nghĩ. Nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, tạo được bản lĩnh, bản sắc bên trong. Yêu nước, yêu quê hương, yêu con người và đặc biệt là nhân hậu. Lao động nghệ thuật phải là lao động thật cần cù và nghiêm túc. Sau cùng là đánh vật với chữ nghĩa thật dữ sao cho thật đẹp, chính xác đúng với điều cần diễn đạt, sao cho đạt được sự trong sáng, giản dị dễ hiểu mà không tầm thường, nôm na, dễ dãi. Điều sau cùng tôi xin đặc biệt nhấn mạnh vì anh em viết văn trẻ thường hay coi thường nó. Coi thường nó là coi thường mình, độc giả và chính nghề văn mà mình theo đuổi. Tôi rất thích cái ý này: phải nhọc công khổ luyện ý tứ, chữ nghĩa nhưng làm sao viết ra người ta thấy rất tự nhiên, có vẻ “dễ như chơi” không để lộ ra cái dụng công, cái khó nhọc. Tôi tâm niệm một điều, điều mà tôi thấy có thể bổ ích cho anh em cầm bút trẻ: Người cầm bút cần vất vả nhọc công, hao tâm tốn lực thì độc giả càng thoải mái. Còn ngược lại, mình thoải mái dễ dãi với mình và văn chương thì độc giả khổ sở chết được (ông cười dí dỏm một cách triết gia). Cái tinh túy, cái chất lượng là cái phải được đặt lên hàng đầu, cần phải khắc sâu vào tâm khảm mỗi lúc cầm bút. Không có điều gì tâm huyết đáng nói, không viết ra thì khổ sở, không chịu được, thì đừng viết. Phải sống dài, chất liệu nhiều nhưng phải chắt và lọc đi, lọc lại hàng chục lần, hàng trăm lần và viết thật cô đọng. “Cơm nhiều mà máu ít, dâu nhiều mà tơ ít” là thế đó. Cái đó cần phải học nghệ thuật thơ Đường. Rồi tục ngữ, châm ngôn.
PV: Thưa bác, nhân vật Bát-xa-na trong truyện “Quy luật của muôn đời” của nhà văn Liên Xô nổi tiếng Đum-bát-dê có nói một ý như sau: trong đời một con người cần có lúc phải tổng kết, chiêm nghiệm lại đời mình, đặc biệt những lúc đau yếu thập tử nhất sinh, hoặc lúc về già cuối đời để đánh giá lại mình một cách chính xác nhất, nghiêm khắc nhất những giai đoạn trong cuộc đời, những ưu và khuyết, những điều đáng lý ra cần tránh, những điều cần theo và phải làm. Bác có kinh nghiệm như thế nào về việc đó và bác có thể thổ lộ những điều tâm đắc cho anh em trẻ được không?
Thanh Tịnh: (Ông ngẫm nghĩ rất lâu như thể nhìn lại đằng sau chặng đời xa tít của mình, ngó lại những chặng đường đã đi qua, có vẻ như ông đang nhìn thật sâu vào con người mình những quá khứ nhỏ, những khuôn mặt khác nhau, những thành công và thất bại, khuôn mặt ông lộ vẻ trầm tư và đăm chiêu thoáng hiện những nét mà hình như tâm hồn ông vừa khai mở cho tôi thấy: bâng khuâng tiếc nuối pha lẫn với tự hào, hơi có vẻ chua chát mà lại hãnh diện nhưng nhuốm màu sắc xả thân hiến dâng một cách tự nguyện và đôi phần có vẻ bất lực khi thấy thời gian đi quá nhanh, có cái gì đã hơi muộn màng) ông đọc chậm rãi, nhỏ nhẹ và trầm tĩnh:
“Nghề nghiệp quá dài, đời quá ngắn
Biết đời, đời hết, biết làm sao”.
(Ông lặng yên một lúc lâu, tôi tưởng như đến vô tận) rồi ông thong thả nói tiếp: phải biết cái sở trường và cái sở đoản của mình. Nói thì dễ, mới nhìn cũng tưởng dễ, nhưng ở trong cuộc, trong cơn lốc của cuộc đời, của công việc, của lịch sử mới thấy rằng khó, đôi khi đến cuối đời mới nhận ra. Tôi mong các bạn trẻ sớm nhận ra chính mình, ưu và nhược, cái sở trường và sở đoản càng sớm càng tốt, càng tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Trong tôi vừa có con người trữ tình vừa có con người hiện thực, tôi vừa thích An-phông-xơ Đô-đê vừa thích Ghi-đờ Mô-pát-xăng, vừa thích cả Thạch Lam mà vừa thích cả Nguyễn Công Hoan, vừa có cả con người xao xuyến bâng khuâng với những vẻ đẹp bình dị, tinh tế với niềm vui man mác của cảnh đời, lẫn có con người của Mặc Địch, vị tha và hy sinh, có cả con người đầy nhiệt tình phê phán và mong muốn cải tạo sự vật và con người, cuộc đời cho tốt đẹp hơn. Có những cực đoan trong tôi, con người này phủ nhận con người kia, chặng đời này phủ nhận chặng đời kia, cắt đứt mà không có sự liên tục, phủ nhận mà không có sự tổng hợp. Có chặng đời dân gian hóa quá mức mà ít tổng hợp được sự trữ tình, đó là đáng tiếc của tôi, có chặng đời lý tính lấn át cảm xúc, mà sự tổng hợp và nhuần nhuyễn muộn. Mặc dầu mỗi chặng đời cũng có sự thành tựu của nó. Cái câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mấy chục năm nay vẫn được người ta nhớ và nhắc tới, nhất là trong các diễn văn, đọc trong các ngày lễ lớn. Tôi lại rất cảm động khi biết một số nông dân của một số làng còn thuộc hai câu của tôi: “Ai ơi ra sức cấy cày, thêm giờ lao động bớt ngày lao đao”, anh biết không chữ “lao đao” tôi tìm cho được nó phải mất hai ngày. Tôi chỉ mong “Ước gì để lại mùa sau, một câu một chữ đậm màu dân gian”, bởi thời gian và quần chúng là người phán xét nghệ thuật nghiêm khắc nhất. Tập truyện ngắn về sau này của tôi “Những giọt nước biển” cũng tàm tạm, một số bài thơ “Nhớ Huế quê tôi, Gặp lại”, anh em cũng khen được. Tập truyện thơ “Đi từ giữa một mùa sen” là tấm lòng thành của tôi đối với Bác, nó giản dị, mộc mạc và dân giã… Nhưng ai biết được mai sau sự nghiệp của một người cầm bút sẽ còn được người ta nhớ tới những gì? Một câu, một chữ, một đoạn, một truyện, một bài thơ cũng đã quý lắm rồi (ông ngừng lại một lúc, có vẻ đắn đo, nửa định nói, nửa không, nhưng cuối cùng ông cũng quyết định nói):
Trong văn học nghệ thuật, cần tránh sự thiển cận, ấu trĩ và tả khuynh. Có một thời gian, tôi cũng bị điều đó, và đó là một tổn thất. Tôi cũng xin mạnh dạn bày tỏ lòng hy vọng và mơ ước của tôi: Anh em trẻ sẽ không bị điều đó, giới lãnh đạo văn học và nghệ thuật cũng cần tránh điều đó và tôi nghĩ là đang có dấu hiệu tốt, nếu không sự tổn thất có thể to lớn hơn nữa.
PV: Xin thành thật cảm ơn bác đã nói cho biết những điều thành thật tự đáy lòng (tôi cảm thấy áy náy vì đã đi vào vấn đề hóc hiểm của một đời người cầm bút như vậy). Thưa bác vốn tri thức văn hoá và văn học cũng rất cần cho sự phát triển của những khả năng văn học, kinh nghiệm riêng của bác về vấn đề đó ra sao?
Thanh Tịnh: Mỗi người có một kinh nghiệm riêng, không ai giống ai, kinh nghiệm do hoàn cảnh giáo dục và sự tự giáo dục mình. Viết văn có vốn, có tấm lòng thì như được chắp thêm cánh. Vắn tắt, tôi có thể nói là tôi đã học hỏi tinh hoa của văn học dân gian, văn học cổ nước ta, văn học cổ Trung Quốc (đặc biệt là thơ Đường), triết học phương Đông nhất là của Trung Quốc và Ấn Độ (đặc biệt là Phật giáo), rồi văn học cổ điển Pháp thế kỷ XIX. Cần phải làm một bước tổng hợp dựa trên bản sắc và tâm hồn mình và không khí của thời đại. Tôi học chữ Hán lúc 8 tuổi.
Lớn tuổi tôi mới học chữ Pháp. Phải nói, văn học Pháp rất sâu sắc, đa dạng và nhân bản. Cứ lấy một thế kỷ của họ mà xem, rất nhiều trường phái, nhiều tác phẩm lớn, nhiều tài năng lớn, nhiều đỉnh cao. Tôi thích thơ của La Mác-tin và Vích-to Huy-gô, văn của Đô-đê và Mô-pát-xăng (Am-cu-li-xe của tôi viết theo phong cách của Mô-pát-xăng).
Sau cùng và cơ bản nhất là học tập ca dao, tục ngữ, truyện cổ, Chinh phụ ngâm, truyện Kiều, Cung oán ngâm, thơ, thơ Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… Đó là cái nền tảng để học bên ngoài.
Nếu có thể, anh em trẻ nên học chữ Hán. Bởi văn học cổ của ta, của Trung Quốc quả đáng học và như thế mới hiểu sâu và hiểu cái thật hay được. Cần phải nghiên cứu để biết thật chắc cơ bản triết học phương Đông và sau cùng là nên có một sinh ngữ thật giỏi tiếng Nga, Anh, Pháp đều tốt để mở những cánh cửa ra thế giới. Riêng tôi, tôi thích tiếng Pháp, đó là một thứ tiếng văn hoá và cả thế giới, ở Liên Xô, Nhật Bản … đâu đâu người ta cũng coi trọng nó.
PV: (Trí tưởng tôi bỗng quay về những năm quá vãng xa xôi trong tâm hồn tôi chợt vang lên những âm thanh xao xuyến, bâng khuâng một nỗi buồn cảm động đến não lòng của người ra đi bao năm trở về, thấy người xưa không còn nữa của bài thơ “Rồi một hôm” của ông.
Tôi nghĩ: đó là một bài thơ hay, lời giản dị mà cảm động đến nao người, cái dễ như chơi mà không thấy cái khó của sự dụng công, cái ý tại ngôn ngoại của thơ Đường, hơi thở và tiếng vang của Chinh phụ ngâm, truyện Kiều và một bài thơ Pháp nào đó mà tôi đã đọc từ xưa. Nhưng nó nhuần nhị, sáng tạo và rất là Thanh Tịnh. Tôi nghĩ đó là một bài thơ có thể minh họa cho những điều ông vừa nói về cái nghề thơ văn, và hẳn nó không bao giờ rơi rụng với thời gian. Tôi hỏi ông về bài thơ đó).
Xin bác cho biết vài nét về bài thơ “Rồi một hôm” và có thể cả bài “Mòn mỏi” nữa? Thanh Tịnh: (ông lặng yên trầm ngâm, chắc bên trong trí nhớ đang quay lại với dĩ vãng và tôi tưởng như sắp được nghe những lời từ nấm mồ của ký ức).
Nếu tôi nhớ không lầm bài thơ “Rồi một hôm” đã được giải nhất của cuộc thi thơ của “Hà Nội báo” năm 1936 (ông nói một cách chậm rãi những lời ký ức kiếm tìm). Bài thơ này tôi làm lúc đang còn dạy học và đi hướng dẫn du lịch, lúc đó ngày nào cũng tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài làm tôi có cảm tưởng lạ lắm như mình đang đi và ở một chân trời xa, ly hương lâu ngày lắm, vả lại anh biết không khí lúc đó có những dấu hiệu sắp bắt đầu chiến tranh thế giới, Nhật đang sắp sửa làm vụ Lưu Cầu Kiều ở trời Tây, Hít-le và Muýt-xô-luy-ni đang hò hét chuẩn bị chiến tranh, còn ở Pháp và ta phong trào của Mặt trận bình dân mạnh và đang chống những âm mưu của chiến tranh thế giới.
Còn bài “Mòn mỏi”, “Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ, tìm thử chân mây khói tỏa mờ, có bóng hình quân muôn dặm ruổi, ngựa hồng tung bụi cõi mơ xa”… đó hở? Đó là cuộc đối thoại giữa hai chị em về một người vắng mặt: người tình quân yêu dấu của chị, một chinh phu, và nỗi đợi chờ của người chinh phụ đang linh cảm một điều gì đó của sự mất mát. Anh có chú ý bài thơ mở và khép giữa hai cử chỉ của người em “Cuốn rèm và buông rèm”, giữa đó là tấn bi kịch lặng câm của nỗi lòng mòn mỏi đợi chờ. Thơ, khổ cuối bao giờ tôi cũng dụng công nhất và nó cũng làm tôi xúc động nhiều nhất, và cái xúc động tự đáy lòng sẽ làm người đọc cũng rung động theo.
- Này lặng em ơi lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm
- Ngựa hồng đã tới bên hiên
Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người
PV: (Nghe đến câu thơ cuối “Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người” tôi lặng người đi, tim nhói lên vì nỗi bàng hoàng và sự tái tê đột ngột của mất mát).
Thanh Tịnh: (hình như ông biết phản ứng của tôi, ông lặng yên một lát, mắt đăm đăm vào một cõi xa vắng nào đó của kỷ niệm, rồi ông nói tiếp, giọng trầm hẳn như một lời tâm sự). Hồi đó tôi quen một cô gái Hoa kiều, thấy cô buồn rười rượi tôi hỏi, cô đáp là cô buồn vì mấy hôm nay không khí gia đình thê lương, cha mẹ cô khuôn mặt như đưa tang, tôi hỏi tại sao vậy? Cô nói cha mẹ cô bảo, người Nhật đang đánh chiếm một số vùng của Trung Quốc, và đất nước đang lâm vào tai họa và nỗi nhục lớn: mất nước. Tôi thương cô, thương cái nước Trung Hoa xa xôi kia đang chịu cái thảm họa tày trời, rồi ngẩm lại thương nước mình, thương cái thân nô lệ của đời dân mình và của thân tôi, tôi buồn ghê gớm. Đó là xúc động đầu tiên, và cái khuôn mặt rầu rĩ, u hoài của cô gái đó ám ảnh tôi. Xúc động thứ hai là hồi đó tôi xem một phim chiến tranh, người đàn ông tham gia chiến tranh, người vợ đợi chờ, một hôm con ngựa với chiếc yên không chạy về trước hiên nhà và người vợ sững sờ, cặp mắt rỗng không vô hồn. Rồi chẳng biết từ đâu ý và lời tuôn ra trên mặt giấy. Vậy đó (Rồi ông dừng lại, chắc có lẽ ông chìm hẳn luôn vào hồi tưởng).
PV: (Bất giác tôi nhớ lại hoàn cảnh ly tán của gia đình ông hiện nay, có một cái gì đó phảng phất giống không khí, hoàn cảnh của hai bài thơ trên. Tôi nhớ lại có lần tôi cùng anh Hoàng Phủ Ngọc Tường trò chuyện về thơ, tôi và anh cùng tâm đắc một ý nghĩ giống nhau: thơ trữ tình tâm trạng sâu sắc nhất, chân thành nhất, nó như có khiếu linh cảm, nó tiên tri được số phận, hay một số hoàn cảnh đặc biệt nào đó của người làm thơ. Tôi hỏi ông về điều đó). Thưa bác, người ta nói thơ đôi khi tiên cảm được số mệnh của nhà thơ, thơ bác thì ra sao ạ, nó có khớp với ý kiến đó không?
Thanh Tịnh: (Hình như ông giật mình, ông cúi hẳn đầu xuống, mái tóc bạc rung rung, tôi biết ông đang xúc động và đang chiêm nghiệm, một cái gì đó xa xót dâng lên trong tôi. Chợt ông ngẩng đầu lên, đôi mắt rỗng không như người đàn bà trong phim kia cũng sững sờ nhìn thấy cái yên không trên lưng con ngựa trở về. Tôi có cảm tưởng như cái thần của mắt ông đã lạc hẳn vào một cõi xa mơ nào đó, nơi đó có chân trời xanh biếc, có nội cỏ xa mơ màng và nấm mộ của một mối tình. Rồi ông gật gật đầu mấy cái, đó cũng là cái cách trả lời trong lặng yên của thơ ông, nó thấm sâu vào cách ứng xử của con người ông).
PV: (tôi đã dứt khỏi tâm trạng đó và cũng muốn ông ra theo) Thưa bác, mấy năm gần đây người ta đã tái bản lại một số tác phẩm của các nhà văn tiền chiến, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Thạch Lam và cả “Tuyển tập thơ” của bác (1980) và “Quê mẹ” năm ngoái, bác nghĩ sao về việc làm đó?
Thanh Tịnh: Tôi lấy làm mừng. Cho những người khác, cho tôi và mừng chung. Đó là một cách làm đúng và khôn ngoan lại có tình có lý. Tôi mong các bạn trẻ khôn ngoan như thế sớm hơn (ông cười). Không có dĩ vãng thì hiện tại và tương lai sẽ bị hẫng đi. Cái mạch đời nó chảy liền nhau, kế tiếp nhau, cái hiện tại và tương lai cần phải phát huy ưu điểm cái trước và có cả tránh những nhược điểm nữa. Có thể văn học mới phong phú thêm, đa dạng thêm, cái hay của thời xưa cộng với cái hay của bây giờ thì nó hay thêm, chẳng có chi mà lo.
PV: Xin bác kể cho ít về cuộc đời bác, đặc biệt là những gì liên quan đến các tập truyện ngắn “Quê mẹ”, “Chị và em”, “Ngậm ngãi tìm trầm”?
Thanh Tịnh: (Yên lặng một lúc, ông đang nhớ lại, rồi ông nói, giọng nhỏ nhẹ, thủ thỉ, tôi có cảm tưởng như tiếng nói của ông từ đâu xa lắm vẳng lại).
Anh có biết câu hò ru em mà các bà mẹ Huế hay ru “À ơ… ờ ru con cho théc cho mùi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu, mua vôi chợ Quán, chợ Cầu, mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh” không? Chợ Dinh là quê tôi đó. Qua Đập Đá về Vỹ Dạ, rồi về một đoạn ngắn nữa, làng Dương Nỗ đó. Nhà tôi ở cạnh nhà của ba “đại gia” là nhà của dòng “Hồ Đắc”, “Nguyễn Khoa” và phủ “Định Viễn” (con vua Minh Mệnh) mà tôi là con nhà thứ dân. Tôi là con trai một của bố tôi, sau này tôi cũng chỉ có một đứa con trai một và con trai tôi cũng chỉ có một cháu trai duy nhất. Ông tôi làm thợ mộc, bố tôi cũng làm nghề đó. Mẹ tôi bán hàng xén, mở một quán nhỏ ở bến đò chợ Dinh để sinh nhai. Đó là nơi dừng chân của mọi người qua lại, nghỉ ngơi uống chén nước chè xanh. Nhất là khi đợi đò, người ta kể đủ chuyện trong nhà ngoài ngõ, chuyện làng, chuyện xóm, người, cảnh… Có thể nói quán của mẹ tôi là trạm thông tin trao đổi của mọi người trong làng. Tôi còn bé, nhưng ngồi say mê hóng chuyện. Và ngày qua ngày cái khiếu kể chuyện phát triển khi nào không biết. Một số truyện ngắn của tôi ở tập “Quê mẹ” và “Chị và em” được lấy cái cốt cái sườn, nhân vật thực từ cái “trạm đó” tôi chỉ bịa đặt, thêm thắt hư cấu ít nhiều.
Sau ba năm học chữ Hán với một ông sư, chùa Ba-la gần đó, cái ông sư mà tôi đã kể trước đó, lại mê thơ Đường, và chắc tâm sự có điều gì uẩn khúc nên mới đi tu, 11 tuổi bố mẹ tôi cho tôi đi học chữ Pháp ở dòng Pen-lơ-ranh, cách tòa nhà khách này mấy chục bước, cũng ở trên con đường Lê Lợi. Chúng bạn học thì toàn con nhà giàu có gia đình danh giá mà tôi lại là con thường dân hay bị tủi, tôi tức mình lắm, quyết tâm học cho giỏi để chúng bạn biết tay mà phải kính trọng con nhà nghèo. Năm 21, 22 tuổi gì đó tôi đỗ đip-lôm (trung học) rồi đi làm. Đi làm thư ký văn phòng nhân viên thư viện ở trường Prô-vi-đăng (nay là cơ sở của trường Đại học Tổng hợp Huế ở đường Nguyễn Huệ), vừa làm, tôi vừa học thêm để đi thi “Bắc ca” (Tú tài Tây). Thi đỗ tôi qua làm ở sở Điền địa. Nơi đây tôi có dịp đi về hầu hết các làng xóm ở Thừa Thiên. Có thể nói đây là những chuyến đi thực tế quan trọng của tôi, nó mở rộng nhãn quan, trước kia tôi chỉ biết chuyện làng, xã tôi ở và sách vở bây giờ tôi biết rộng hơn tình cảnh của nông dân, phong tục tập quán của nông thôn miền Trung và phần lớn truyện ngắn của tôi được hình thành từ những chuyến về làng đó. Chuyện “Ngậm ngãi tìm trầm” là truyện tôi được nghe kể ở chân núi Truồi. Sau đó, do bất đồng với thằng Tây trưởng phòng, hắn trù dập o ép làm nhiều chuyện để làm nhục tôi, nhờ sự quen biết tình cờ, tôi qua làm thư ký biên tập cho tập san “Những người bạn của Huế cổ” (Les amis du vieux Huế), tôi làm đó gần sáu năm. Nhờ làm việc đó tôi hiểu rất nhiều chuyện về văn hoá, kiến trúc phong tục của Huế. Trong thời gian đó tôi đi thi “hướng dẫn viên du lịch”, đỗ rất cao. Từ đó tôi vừa làm thư ký tòa soạn vừa hướng dẫn viên du lịch, tôi đã tiếp xúc rất nhiều khách du lịch nước ngoài. À anh biết không, tôi đã gặp cả vợ chồng nghệ sĩ điện ảnh Charlie Chaplin (tức là vua hề Sác-lô) vào năm 1936, ông ta có những nhận xét lạ lắm về cái xứ mình mà hiện giờ cho phép tôi còn giữ bí mật, tôi sẽ tiết lộ nó trong một hồi ký sẽ viết cho “sông Hương”. Một số truyện ngắn của tôi cũng được hình thành từ lúc này, đặc biệt là những “Nhận xét nhỏ”.
PV: Bác viết những truyện ngắn thời ấy ra sao?
Thanh Tịnh: Từ những điều tai nghe mắt thấy, những câu chuyện được nghe kể lại, từ những việc thật, người thật, tôi chọn những chuyện thương tâm, xúc động nhất, rồi cũng chọn những tình tiết như thế, tôi đem cả tâm hồn nhạy cảm của mình thời đó và để cho trí tưởng bay bổng từ những chất liệu thật đó, rồi chọn hình ảnh âm điệu cho phù hợp với cảm xúc của mình, tôi cố viết sao cho người đọc rung động theo trái tim tôi, trí tưởng tôi, cảm xúc của tôi. Cái chất thơ của truyện ngắn của tôi là từ cảm xúc, và hình ảnh. Có những câu chuyện hình như chẳng có truyện nhưng nó được nhào nặn với cảm xúc của tâm hồn tôi nên nó bâng khuâng man mác và đi được vào tâm hồn người đọc, nó gợi cho người ta nghĩ ngợi cái ý tại ngôn ngoại của cái cảnh đời và kiếp nhân sinh.
PV: Theo bác, những truyện ngắn nào của bác có thể tồn tại được?
Thanh Tịnh: Cách đây chín, mười năm Bô-rít Bô-lê-vôi sang Việt Nam, về nước ông chọn và cho dịch một số truyện ngắn hay của văn học hiện đại của ta, trong đó có ba truyện ngắn của tôi, đó là: “Tình thư”, “Ngậm ngãi tìm trầm” và “Am-cu-li-xe”, ngoài ra trước kia Thạch Lam cũng rất thích truyện ngắn “Con sẽ về nhà mẹ” của tôi. Một số người khác cũng thích truyện “Đò ngang”. Hồi đó, “Nhận xét nhỏ” của tôi, tôi viết gần 100 cái. Đó là một loại tùy bút mà Thạch Lam cho là quan sát và cảm xúc tinh tế. Chẳng hạn một “Nhận xét nhỏ” đăng ở “Giai phẩm xuân” năm 41, 42 của Phong Hóa hay Đời nay, Thạch Lam cho là đạt và khen tôi, trong đó có đoạn “Bên này có tiếng trẻ con oe oe khóc chào đời, bên kia là cái cảnh của một người già đang hấp hối. Người đời dùng một trăm thứ lịch để tả cảnh sinh tử. Còn nhà thương chỉ dùng một con đường nhỏ: đó là con đường từ nhà hộ sinh đến nhà xác”. “Nhận xét nhỏ” của tôi, nếu tồn tại sau này cũng được vài cái.
PV: Bác nghĩ sao về những bài phê bình thơ hiện nay?
Thanh Tịnh: Anh em kiến thức nhiều, chữ nghĩa nhiều, nhưng lý trí quá, phải có tâm hồn để rung động với thơ và văn, phê bình thơ phải có chất thơ mới hay được và mới làm cho độc giả xúc động được. Còn những đoạn thơ trích, của các tác giả được phê bình, tôi thấy sao một số người phê bình thơ lại chọn những đoạn quá dở, hoặc chẳng hay ho gì cả, như thế là làm hại nhà thơ, dù những đoạn đó có chứng minh tư tưởng tốt đẹp nào đi nữa. Trong một bài thơ, một đời thơ không ít cái dở. có ai là toàn bích cả trăm phần đâu. Nên thương nhà thơ và độc giả mà chọn những câu hay, những đoạn hay, những bài hay dùm cho.
PV: Thưa bác có người, có ý kiến cho rằng Huế là một trong những trung tâm của văn hoá, và văn học của cả nước, bác nghĩ sao về điều đó?
Thanh Tịnh: Quá khứ thì rõ rồi. Từ thế kỷ XIX cho đến năm 1945 điều đó đã được khẳng định, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Miên Thẩm, rồi Phan Bội Châu đều có thời kỳ sáng tác quan trọng ở vùng đất này, Bác Hồ cũng có một thời khá dài học và nuôi chí ở đây. Còn thế hệ 30-45 thì khỏi nói. Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh cũng được định hình như một nhà văn, nhà thơ ở đây. Còn cánh chim đầu đàn của văn học cách mạng là Tố Hữu chính là người con của xứ Huế, tập Từ ấy là một tiếng nói mới trong thơ, chất Huế và chất cách mạng thâm nhập lẫn nhau.
PV: Thưa bác, bác trước kia nhiều năm đã làm thư ký tòa soạn một tập san nghiên cứu về văn hoá, kiến trúc Huế cổ, có tiếng, tập san “Những người bạn của Huế cổ” và cũng là một người làm công tác du lịch duy nhất của Huế trước bốn lăm, xin bác cho biết ý kiến về lĩnh vực trên, đặc biệt là với công tác bảo tàng và du lịch của Huế hiện tại và tương lai?
Thanh Tịnh: Anh biết điểm trung tâm của du lịch Huế ở đâu không (tôi còn đang ngập ngừng suy nghĩ, thì ông nói tiếp). Đó là Đàn Nam Giao. Phía trước nó là chùa chiền, kinh thành và cung điện. Sau lưng nó là các lăng tẩm, từ điểm đó đi đâu cũng dễ, cũng gần. Tôi cho rằng Đàn Nam Giao là một công trình khoa học xã hội, và cũng là khoa học tự nhiên mà ta chưa chú ý hết. Anh ngạc nhiên à, tôi sẽ chứng minh cho mà xem. Anh biết không khi đắp Đàn Nam Giao, đất của nó có của mấy chục tỉnh thành toàn quốc góp lại, một nơi một ít. Đàn đó lập ra để tế trời, người xưa quan niệm đất chung thì trời cũng chung. Trời đất chung thì dân tộc là một, tổ quốc là một. Đó chẳng phải là một triết lý, và quan niệm nhân sinh sâu sắc mà khoa học xã hội cần chú ý đó sao, mặc dầu cái dáng có vẻ duy tâm, thần linh xưa của nó, nhưng cái lõi đáng quý của nó cần trân trọng, chẳng phải chúng ta để làm một cuộc chiến tranh ba mươi năm đã giành lại độc lập, tự do, thống nhất giang sơn, thống nhất dân tộc cũng từ một quan niệm đó sao? Còn về khoa học tự nhiên anh có biết không ở Trung Quốc có một bức tường nổi tiếng dài gần bằng “La thành” của lăng Tự Đức, có tên là “Hồi âm bích” tức là tường chuyển âm, tường vang âm, đứng trên một trục đối xứng xuyên tâm cách nhau, cách cả hơn trăm mét, nói bình thường qua bức tường thì một người khác có thể nghe rõ mồn một như người kia nói bên tai vậy, bức tường được xây dựng thế nào đó theo quy luật âm học để có thể chuyển âm xa đến thế. Đoàn đi sứ của ta về báo lại cái chuyện lạ kia, nhà vua ta mới kêu các quan xây dựng, kiến thiết đến và hỏi Đàn Nam Giao có thể làm được như vậy không? Dưới nền của Đàn ấy, họ đào những cái hố rồi làm những hộp đá thanh rỗng đặt thế nào đó, để cho âm thanh có thể chuyển qua các hộp đó và càng chuyền càng vang to. Đó có phải là một tài năng về khoa học tự nhiên không? Có lần tôi hướng dẫn một cặp vợ chồng người Pháp du lịch tên là Đờ-cô-vanh thì phải, tôi bảo với ông hai điều trên, ông rất ngạc nhiên về điều sau, ông bảo bà vợ chạy xa hơn cả mấy trăm mét, rồi ông nói Salut grand talent (xin chào tài năng lớn) giọng to hơn bình thường một chút. Ông hỏi bà vợ có nghe không, bà vợ ở đằng xa kia gật đầu mấy cái, anh thấy có lạ không, anh cứ lên đó làm thử mà coi. Cho nên tôi nói ở Huế có những công trình cổ đáng quý mà ta chưa hiểu hết, biết hết, và cần nghiên cứu để hiểu sớm hơn, biết sớm hơn, để có làm việc gì cũng làm tốt hơn và thông minh hơn. Theo tôi, việc trước hết của công tác Bảo tàng là gìn giữ bảo vệ những công trình văn hoá lớn như thế. Rồi sau đó mới nói đến phát huy. Ở Huế chúng ta đã có một viện Bảo tàng về Bác, đó là một việc làm đáng quý, vì đã có một thời Bác đã ở đây. Nhưng để phục vụ cho tốt cần phải đầu tư thêm để có một viện Bảo tàng Huế xứng đáng và còn cả một thư viện Huế, gồm cả những sách báo có viết về Huế, cả sách nước ngoài và các tài liệu hiện nay… có thế mới làm du lịch tốt được và hấp dẫn khách du lịch. Có thể nói công tác làm du lịch của ta còn ít quá, cần phải học hỏi công tác làm du lịch ở nước ngoài và học nhiều nữa, nếu họ có một di tích lớn như ta, họ sẽ biết tổ chức sao để thu một số ngoại tệ thật nhiều. Nói chung phải nghiên cứu từ sách vở cổ, và học tập rút kinh nghiệm, các sở đắc của nhiều nước, và ngay cả khách du lịch nước ngoài, mới có thể làm du lịch có hiệu quả được. Rồi còn một đội ngũ làm công tác này nữa, cả du lịch và bảo tàng nữa, cần đào tạo cho được một đội ngũ có trình độ nghiệp vụ cao, lại say mê với nghề nghiệp và nhất là phải có lòng yêu Huế thật sự và mãnh liệt. Cái sau là rất quan trọng, có lòng yêu văn hoá Huế, kiến trúc Huế sẽ làm được mọi chuyện.
PV: (tôi vừa nghe ông đáp mà tâm trí cứ vướng bận một cái gì đó rất thiết yếu để chuẩn bị hỏi ông và tôi nhớ ra rồi). Thưa bác, hiện nay đang có sự đánh giá lại giai đoạn văn học 30-45, bác nghĩ sao về giai đoạn văn học này nhất là so với lịch sử phát triển văn học cận hiện đại của ta?
Thanh Tịnh: (ông hơi bị bất ngờ, vì còn say mê về những ý nghĩ của du lịch và bảo tàng, ngẫm nghĩ một hồi lâu, ông mới thong thả trả lời, rất thận trọng).
Phải có khoảng cách khá xa nhìn lại mới bình tâm hơn, mới sáng suốt hơn, nhất là cái nhìn đối với một giai đoạn văn học vừa mới qua hay đang xảy ra. Thông thường ta hay bị cái nhu cầu của hiện thời chi phối. Cái đó là rất cần, nhưng phải cần trông xa hơn và tầm nhìn rộng hơn để tránh những cái đáng tiếc và cái ấu trĩ. Chỉ nói riêng về phương diện ngôn ngữ, ngôn ngữ văn học của ta những năm trước năm 30, nói đúng ra là 30 năm đầu của thế kỷ, cái ngôn ngữ tiếng Việt viết theo âm được la tinh hóa còn gọi là chữ quốc ngữ, thì có thể nói là mới bập bẹ ấp úng nửa Hán, nửa Tây. Văn học 30- 45 đã làm được một điều, đó là làm cho tiếng Việt này chững chạc hẳn lên, rất đẹp, rất trong sáng mà giản dị. Đó là một mặt thành tựu lớn và công lao của những người cầm bút ở giai đoạn này. Còn phải nói thêm điều này và ý này nữa là chỉ trong 15 năm mà văn học giai đoạn đó đã thu gọn cả thế kỷ của văn học của phương Tây. Giai đoạn văn học đó đủ các trường phái lãng mạn, yêu nước và xã hội chủ nghĩa cũng có và ở trường phái nào cũng có những nhà văn nhà thơ và tác phẩm tiêu biểu mà so sánh với các trường phái văn học nước ngoài ta không thẹn. Văn học 30-45 là kết quả của cuộc tiếp xúc giữa phương Đông và phương Tây đầu tiên và cũng là sự gặp gỡ đầu tiên của văn học dân tộc và văn học Pháp, đó là một sự đổi mới về nội dung, về hình thức, về ngôn ngữ. Lẽ dĩ nhiên cuộc tiếp xúc ấy trong điều kiện ta bị xâm lăng về văn hoá, nước bị nô lệ, cái hạn chế và nhược điểm cũng từ đó mà ra, nhưng phải nói nếu không có lòng yêu nước, không có lòng yêu mến ngôn ngữ và văn học nước ta, và không có được một sự sáng tạo đầy nhuần nhuyễn thì không làm được những thành tựu như thế. Vả lại những người cầm bút của giai đoạn này đều đi theo cách mạng, kháng chiến và hiện nay họ đóng góp đối với văn học mới. Có những nước có di sản văn học rất đồ sộ nhưng họ còn biết quý trọng những thành tựu dù rất nhỏ, chẳng hạn như Liên Xô. Ta cần học tập họ về điều đó, để có thái độ đúng hơn, công bình hơn về di sản của ta kẻo uổng. Thế thôi. (Ông đưa tay vuốt mặt nhiều lần khi nói, chắc ông phải suy nghĩ nhiều, và để tập trung ý nghĩ hơn và có lẽ ông cũng đã mệt, nhưng tôi còn phải hỏi một câu cuối nữa, nên phải tiếp tục làm phiền ông).
PV: Xin cảm ơn ý kiến xác đáng và cái nhìn có vẻ cởi mở và mới đó của bác. Xin làm phiền bác thêm một vấn đề nữa. Thưa bác trong lịch sử phát triển văn học, các thế hệ cầm bút thường phủ nhận lẫn nhau, và thế hệ sau thường phủ nhận thế hệ trước đó, để sáng tạo cái mới và cũng để khẳng định mình, bác nghĩ sao về điều đó? Trong cuộc đời thường cũng như trong đời sống văn học, người già và người trẻ thường khó hiểu lẫn nhau, có những khoảng cách về tuổi tác và quan niệm, thưa bác làm thế nào để có sự đối thoại và cảm thông?
Thanh Tịnh: (Cặp mắt ông sáng lên một ánh chớp lạ lùng, hình như ông vừa đảo tròng mắt rất nhanh, trong một phần mười tích tắc, vừa có vẻ như là ông muốn dò chừng xem có bẫy sụp đó ở câu hỏi này không, vừa như có vẻ ông vừa nảy sinh một ý kiến độc đáo, có vẻ bỡn cợt, tôi chờ đợi, ông bắt đầu nói).
“Tre già thì măng mọc”, “Con hơn cha thì nhà có phúc” (ông nói bằng giọng chậm rãi và nhấn mạnh từng chữ một của hai câu tục ngữ trên như ông muốn tôi thâu cái ý nghĩa thâm thúy của chúng). Đó là quy luật của sự tiến hóa… (ông ngừng một lát để buông câu sau một cách bất ngờ) chỉ sợ rằng tre già mà măng không mọc được, cha anh thì giỏi mà con em thì lếu, đó là điều thậm cấp chí nguy. Ông cười một cách dễ thương, chẳng có một ẩn ý xấu nào khi tôi nhìn gương mặt hồn nhiên của ông). Tôi thì tôi mong cái tiến hóa thuận chứ chẳng ao ước cái tiến hóa ngược (ông lại cười), rồi ông đọc mấy câu thơ của ông giọng thủng thẳng ung dung tự tại:
“Hết trẻ thì già có thế thôi
Sớm chiều đâu khoảng xa xôi?
Trai thời xanh tóc tôi như bạn
Đến tuổi bạc đầu bạn giống tôi”
PV: Thưa bác trong đời làm thơ của bác, bác cho biết hai bài đắc ý nhất, một trước 45 và một ở giai đoạn sau?
Thanh Tịnh: Có lẽ là bài “Rồi một hôm”, năm 1936 và bài “Gặp lại” năm 1975. Tôi chẳng biết đó có phải là bài hay, hay không? Cái đó còn tùy độc giả, nhưng tôi thấy thích và tâm đắc (ông cũng đắn đo lắm).
PV: Chuyện cũng đã dài rồi, thưa bác. Bác còn muốn tâm sự điều gì với anh em văn nghệ, và độc giả không?
Thanh Tịnh: Trước hết tôi cảm ơn anh em văn nghệ tỉnh và tạp chí Sông Hương đã nghĩ đến cái tuổi 75 của tôi, đó là tấm lòng của anh em và tấm lòng của quê hương. Tôi cũng trải tấm lòng của mình để tâm sự. Còn anh em trẻ biết nghĩ tới người già, biết đối thoại với người già, là tốt lắm, biết đâu khi anh em về già lại có người trẻ như anh đến phỏng vấn (ông lại cười giễu cợt một cách hiền lành). Còn độc giả của “Sông Hương”, tôi xin thưa trước, vì phải trả lời phỏng vấn tức khắc, nên có thể có ý kiến chưa chín, có ý kiến rất chủ quan, điều gì nghe không được xin làm ơn bỏ qua.
Đã hơn chín giờ đêm, câu chuyện đã tàn. Những gì cần nói đã nói hết. Chỉ có tâm hồn và trái tim là sợi dây vô hình nối kết được sự cảm thông. Tôi nhìn mâm cơm lạnh tanh của ông ở bàn bên cạnh. Quây ông mấy tiếng liền. Tuổi ông cần cái nóng sốt của cơm canh. Tôi từ biệt ông với vẻ áy náy. Ông cầm lấy bao thuốc Đà Lạt của tôi để trên bàn, đưa lại cho tôi, bao thuốc đã rỗng không tự hồi nào. Ông rút mấy điếu thuốc Huế đầu lọc trong bao thuốc đầy ắp đưa cho tôi. Một cử chỉ nhỏ mà xiết bao cảm động về một tấm lòng ân cần. Ông tiễn tôi và nhìn tôi khuất dần sau cầu thang. Tôi đi ra lấy xe. Khu vườn của tòa nhà khách đầy bóng đêm. Đêm mênh mông. Trong tôi cứ xao xuyến một nỗi bâng khuâng, một cảm giác tiếc nuối, có lẽ đó là tôi vừa chia tay với một tâm hồn đẹp, một trái tim dịu hiền và cao quý và cũng có thể ai biết được thời gian: tuổi già như hạt sương rơi khi nào không biết. Tôi có cảm tưởng mình tốt đẹp hẳn lên và hiểu biết thêm ra: tiếp xúc và gặp gỡ một ký ức sống động của dĩ vãng đầy biến động, nghe tiếng vọng của thời gian xa xưa qua những âm vang thâm trầm, sâu lắng của một chứng nhân như cây cổ thụ rợp bóng thời gian và từ những gì thẳm sâu nhất trong cuộc chuyện trò kia, tôi nghe có cái gì thuộc về tiếng nói của tương lai.
Huế, những ngày tháng chín năm 1985
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn