Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Nhà văn Mã Anh Lâm: "Tôi làm thơ từ hồi lớp Ba"

10-07-2015 12:06:00 AM

VanVN.Net – Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX có hơn 500 đại biểu tham dự. Trong số đó có cặp cha con người H’Mông: Mã A Lềnh – Mã Anh Lâm. Mùa kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2014, Mã Anh Lâm, sinh năm 1973, người H’Mông, Lào Cai trở thành hội viên mới. Đây là kỳ đại hội đầu tiên nhà văn trẻ Mã Anh Lâm được tham dự.

Nhà văn Mã Anh Lâm

PV: Ngoài văn xuôi, thơ cũng là lĩnh vực mà anh gặt hái thành công. Bài thơ đầu tiên của anh ra đời như thế nào?

Nhà văn Mã Anh Lâm: Xin cảm ơn câu hỏi thú vị và làm bất cứ ai cũng phải xúc động bởi câu hỏi này gợi nên hồi ức tuổi thơ. Tôi làm thơ từ hồi lớp Ba.

Nhưng để nói đến bài thơ đầu tiên là rất khó, vì hồi ấy đang là trẻ con, mà trẻ con thì siêu nhân lắm, cùng một lúc viết mấy bài ấy chứ, làm sao xác định được bài nào là đầu tiên. Người lớn thì viết lần lượt từng bài, viết theo cảm hứng, thậm chí là theo đặt hàng, nhưng trẻ con thì hồn nhiên đến mức một bước lên vũ trụ được ngay. Trẻ con đáng yêu thế đấy.

Đùa vậy, còn đây là thống kê nghiêm túc: Hồi lớp Ba, tôi viết 2 bài, bài “Điểm tựa” và bài “Cột thu lôi”. Hai bài đều được đăng báo Nhi đồng. Đăng hẳn Báo trung ương, chứ không phải chỉ ở tạp chí văn học địa phương. Đó cũng là ngọn lửa đầu tiên, là sự động viên đầu tiên cho tôi tiếp tục học hỏi và sáng tác, ngọn lửa ấy được nuôi dưỡng đến tận bây giờ, và tất nhiên là sẽ còn tiếp tục. Mỗi giai đoạn, tôi đều được động viên, tiếp sức từ những người yêu văn học, từ các nhà văn, nhà thơ có danh tiếng cho đến những bác công nhân, nông dân bình dị.

Trở về với câu hỏi chính là bài thơ đầu tiên ra đời như thế nào. Ta cứ cho rằng có 2 bài ra đời cùng một lúc. Bài “Điểm tựa” tôi viết trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nghĩ về các chú bộ đội đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất quê hương, thấy rằng các chú đúng là hình tượng cao đẹp. Bài “Cột thu lôi” thì hơi già hơn một tí, tôi thấy sấm sét đùng đoàng, bầu trời nổi giận, nhưng bao sấm sét giáng xuống, đến cột thu lôi thì đều biến đi – cột chỉ cười xòa”. Chắc các bác biên tập thơ thấy trong đó có ý tứ lớn hơn về nhân văn, nên cho đăng ngay.

 PV: Anh có thể chia sẻ đôi điều về thơ?

Nhà văn Mã Anh Lâm: Tôi là người dân tộc H’Mông. Tôi học khóa 1987 – 1989 tại trường THPT DTNT Hoàng Liên Sơn, đóng tại km5 thị xã Yên Bái nay là TP Yên Bái. Tôi luôn tự hào là học sinh của hệ thống trường DTNT và luôn tâm niệm mình được ăn học, trưởng thành nhờ sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, biểu hiện cụ thể qua chính sách đào tạo học sinh người DTTS.

Trở về với câu hỏi chính, tôi nghĩ rằng: Đối với một dân tộc bị áp bức, bị làm nô lệ, thì thơ ca nói riêng, VHNT nói chung, là nguồn sức mạnh to lớn để góp phần giải phóng dân tộc. Nói cách khác, thơ ca chính là sự bảo tồn nền văn hóa dân tộc để chống đồng hóa, chống nô dịch. Thơ ca cũng là vũ khí tư tưởng, truyền đi thông điệp đấu tranh, khích lệ niềm tự hào, lòng dũng cảm, cổ vũ toàn dân hướng ra tiền tuyến. Biểu hiện cụ thể nhất trong dòng chảy lịch sử của đất nước ta chính là thơ thần của Lý Thường Kiệt, bài Nam quốc sơn hà. Đây không chỉ là bài thơ mà còn là một bản tuyên ngôn độc lập.  

Còn đối với một dân tộc đã có tự do, độc lập, thì thơ ca làm cho dân tộc ấy trở nên vĩ đại. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, phản ánh cả trình độ văn minh của xã hội phát triển.

Bản thân tôi nghĩ rằng, thơ là tiếng nói từ tâm hồn, được chắt lọc từ những quan sát, cảm nhận cuộc sống và tâm trạng, bởi vậy, thơ luôn được chào đón, người đọc sẽ thấy trong mỗi bài thơ hình như có một phần của chính mình. Thơ có hay hay không, phụ thuộc vào tài năng và phông văn hóa của người làm thơ. Trong mỗi bài thơ hay, đều có xúc cảm về nhân loại, về những quy luật cuộc sống, đôi khi là những bất ngờ, thú vị. Điều này tạo nên sự hấp dẫn, ám ảnh của thơ.   

PV: Đánh giá của anh về lực lượng sáng tác ở Lào Cai như thế nào?

Nhà văn Mã Anh Lâm: Đánh giá về thơ của Lào Cai hoàn toàn không dễ, để trả lời đầy đủ câu hỏi này, có lẽ phải thực hiện một cuộc nghiên cứu, viết thành luận án tiến sĩ.

Nói vậy, bởi Lào Cai là vùng đất phong phú về văn hóa, hùng vĩ về địa hình. Các bạn đã nghe qua nhiều kênh thông tin, thấy rằng Lào Cai có dãy Hoàng Liên điệp trùng với hàng trăm loài động, thực vật quý, cảnh quan đặc sắc, khí hậu trong lành, ngoài ra còn rất nhiều tài nguyên khoáng sản. Lào Cai có những dòng sông, có những vùng quê đậm đặc bản sắc, gắn với cổ tích, truyền thuyết dựng nước và giữ nước. Lào Cai là cửa ngõ của cả khối Asean với khu vực Tây Nam Trung Quốc, là trung tâm du lịch quốc tế, điều này gắn với sự tiếp biến và hội nhập văn hóa. Lào Cai đẹp, Lào Cai anh hùng trong chống ngoại xâm và thơ mộng trong cảnh sắc. Lào Cai cũng tế nhị, hiếu khách và thủy chung, nghị lực trong đối ngoại…

Tất cả những điều đó đều là đề tài của thơ ca. Từ trước cách mạng, đã có người viết thơ về Lào Cai, tiêu biểu là bài thơ của tướng Nguyễn Quang Bích, trấn thủ Hưng Hóa, trong dịp kinh lý phòng thủ ở Lào Cai. Sau này, khi cách mạng thành công và sự nghiệp văn học nghệ thuật được quan tâm, Lào Cai đã xuất hiện những nhà thơ tiêu biểu. Trước hết là nhà văn Ma Văn Kháng, đã có thời gian cống hiến và sáng tác tại vùng địa đầu này với rất nhiều thành công. Sau đó có thể kể đến nhà văn, nhà thơ Mã A Lềnh, dân tộc Mông, ông viết văn xuôi là chủ yếu nhưng cũng có những bài thơ hay và cảm động, đăng trên báo chí trung ương. Ví dụ như “vốc mạch nguồn, nước tràn lên cơn khát - Lại khoác ba lô bước tiếp đường dài”. Chúng ta cũng có nhà thơ Pờ Sảo Mìn dân tộc Pa Dí với bài thơ “Cây ống khói” và “Cây hai ngàn lá”, vừa rồi lại xuất bản tập “Đôi cánh chim rừng”. Chúng ta còn có nhà thơ dân tộc Giáy tên là Lò Ngân Sủn, với hành trang thơ nhiều người biết đến, tiếc là ông mới mất năm ngoái. Ba nhà văn, nhà thơ trên đây là những gạo cội, lão làng của văn thơ Lào Cai, có vị trí trong văn chương cách mạng của cả nước.

Và tiếp bước ngay sau đó, là nhà văn, nhà thơ Đoàn Hữu Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, đã xuất bản nhiều tập thơ và tiểu thuyết. Gần đây nhất là tiểu thuyết “Thổ phỉ” gây tiếng vang trong văn đàn cả nước. Ông là người từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, coi Lào Cai là quê hương thứ hai, xuất thân là công nhân cầu đường, bằng những trải nghiệm, tình yêu văn thơ và tinh thần tự học không ngơi nghỉ, nên tác phẩm cứ liên tục xuất hiện, tác phẩm sau sáng tạo hơn, giá trị nghệ thuật cao hơn tác phẩm trước. Bởi vậy ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ khá lâu. Thế hệ trẻ hơn, cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có Tống Ngọc Hân ở Sa Pa, chị có tập thơ “Vân tay của núi” và nhiều tập truyện ngắn, và tôi, đã xuất bản tiểu thuyết ở NXB Quân đội và một số tác phẩm truyện ngắn, thơ đăng ở báo, tạp chí trung ương, địa phương.

Ngoài các nhà văn, nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã sơ lược trên đây, thì chúng ta có rất nhiều cây bút tâm huyết, đã, đang và sẽ tiếp tục làm thơ với niềm đam mê. Đó là Xuân Phượng, bác sĩ, nguyên giám đốc trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế; là Đặng Đà, một lương y yêu văn học; là Mai Mơ, một y tá đã có tuổi nhưng vẫn sáng tác những bài thơ tươi trẻ; là Mạnh Tấn, nhà báo, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh, có những bài thơ chỉ lấy đối tượng đề tài là cỏ cây hoa lá, nhưng lại đầy chiêm nghiệm; đó là Phạm Công Thế, nguyên là bộ đội, rồi công tác trong ngành công nghiệp khai khoáng, có những bài thơ được phổ nhạc, đoạt giải cao như “Mùa hoa Đỗ Quyên”. Chúng ta còn có đồng chí công an Hoàng Anh Tuấn, thế hệ 8x, chỉ một tập thơ “Mùa phơi váy” được xuất bản, đã chiếm được cảm tình của người yêu thơ và cả các nhà lý luận phê bình khó tính trong cả nước. Có một vị cán bộ lão thành ngành văn hóa, nguyên chiến sĩ giải phóng Lào Cai, năm nay đã ngoài 90 tuổi vẫn làm thơ, là cụ Trần Hùng… Điểm qua một chút vậy, để quý vị và các bạn thấy đội ngũ sáng tác thơ hiện tại của Lào Cai mình rất hùng hậu. Đề tài dồi dào, lực lượng có trình độ thẩm mỹ cao, kết hợp nhuần nhuyễn trí tuệ đất nước với ngôn ngữ văn hóa dân tộc, bản sắc Lào Cai, vững vàng trong hội nhập - có thể nói đó là phác thảo tổng quan về các nhà thơ Lào Cai hiện đại.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi. Chúc anh nhiều niềm vui trong kỳ đại hội đầu tiên sau khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

  

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn