Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Người về "cắt nửa vầng trăng"

PV (Tổng hợp) - 04-07-2015 11:05:37 PM

VanVN.Net - “Trong cuộc đời tôi có những lần viết nhạc bằng nước mắt. Lần đầu tiên là lần viết bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” năm 1973. Lần thứ hai là khi viết bài “Neo đậu bến quê” năm 1993, khi tôi bắt đầu trải nghiệm những cay đắng của cuộc đời, chỉ khao khát được “Úp mặt vào sông quê”. Lần thứ ba là khi viết bài “Mẹ Việt Nam anh hùng” vào năm 1994, khi Bộ Chính trị lần đầu tiên quyết định phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho những bà mẹ có công với đất nước. Và một lần nữa, ấy là lúc viết “Tiếng đàn” khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa", nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ.”

 

Chiều 3/7/2015, Thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên đã qua đời đột ngột tại Viện Quân y 108 (Hà Nội) sau một cơn nhồi máu cơ tim. Sự ra đi của người nhạc sĩ tài năng, tác giả của nhiều ca khúc tình yêu nổi tiếng, đã để lại niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu nhạc cả nước.

Nhạc sĩ An Thuyên tên thật là Nguyễn An Thuyên, sinh ngày 15-8-1949 tại Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông từng công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 4, sau đó được cử đi học tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1992 ông về công tác tại Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) và là Hiệu trưởng trường trong nhiều năm. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V. Nhạc sĩ An Thuyên có rất nhiều sáng tác âm nhạc nổi tiếng với các ca khúc trữ tình được nhiều người yêu thích như: Huế thương; Ca dao em và tôi; Chín bậc tình yêu; Neo đậu bến quê; Mẹ Việt Nam Anh hùng; Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác; Hành quân lên Tây Bắc; Khi xe tăng qua miền quan họ... Bên cạnh các ca khúc, nhạc sĩ còn sáng tác một số vở nhạc kịch đã được dàn dựng như: Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng; Đất nước đứng lên... Ông cũng viết nhạc cho nhiều bộ phim và các vở diễn sân khấu các thể loại và sáng tác cho khí nhạc và dàn nhạc giao hưởng. Những tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên chất chứa âm hưởng dân ca và dễ đi vào lòng người bởi như ông quan niệm "Người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần túy thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca".

Nhạc sĩ An Thuyên đã nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực âm nhạc như: Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa - Nghệ thuật với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc. Bên cạnh đó là các giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985 với ca khúc Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà; Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng cho ca khúcHành quân lên Tây Bắc (1984) và Thơ tình của núi (1994); Giải nhất của Bộ Văn hóa -Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1985 với bài Khi xe tăng qua miền quan họ và Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông còn được nhận nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như: Giải nhì với bài Chín bậc tình yêu (1992), Giải nhất với bàiBài ca người tình báo (2000), Giải nhất với bài Đi tìm bóng núi (2004), Giải nhì hợp xướng Chào Việt Nam thênh thang mùa xuân (2004)...

Cơn bạo bệnh đã ngăn trở nhịp đập của trái tim người nhạc sĩ tài năng, nhưng nhịp đập ấy vẫn mãi vang vọng trong những giai điệu tình yêu mà ông để lại.


 

Nhạc sĩ An Thuyên (Ảnh: internet)

 Đồng nghiệp, học trò tiếc nhớ nhạc sĩ An Thuyên

 Tin tác giả ca khúc "Ca dao em và tôi" qua đời khiến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và học trò bàng hoàng, đau xót.

Tất cả mọi người đều chung một cảm giác quá bất ngờ trước sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể mới hôm kia nhạc sĩ An Thuyên còn gọi điện thoại cho ông và cả hai trò chuyện rất vui vẻ. Mấy hôm nay, liên hoan ca múa nhạc của Công đoàn viên chức Việt Nam diễn ra, trong đó có một số bài hát của An Thuyên được biểu diễn còn Nguyễn Trọng Tạo nằm trong hội đồng giám khảo. Trưa 2/7, liên hoan kết thúc, ông báo cho nhạc sĩ An Thuyên biết có hai tiết mục biểu diễn tác phẩm của ông đoạt được giải vàng. "An Thuyên vui lắm, còn hẹn nhau gặp mặt. Vậy mà tin vui chiều qua hôm nay đã chuyển sang tin buồn" - nhà thơ ngậm ngùi.

Tình cảm gắn bó giữa nhạc sĩ An Thuyên và Nguyễn Trọng Tạo bắt đầu từ những năm 1970. Lúc đó, An Thuyên vừa đi bộ đội về. Một lần, ông Tạo làm giám khảo Hội diễn nghệ thuật Quân khu bốn. Trong hội diễn có một tốp ca nữ Nghệ Tĩnh trình bày bản nhạc do An Thuyên sáng tác - bài Em chọn lối này. "Tôi rất ấn tượng với phần biểu diễn, đặc biệt là ca khúc. Mặc dù một vài thành viên ban giám khảo không đánh giá cao phần trình diễn của tốp nữ, tôi đấu tranh để bài hát đó từ giải C lên giải B, bởi bài ca xuất sắc. Sau đó, An Thuyên trở nên nổi tiếng với ca khúc đó", người bạn của cố nhạc sĩ nhớ lại. 

Đều xuất thân là nghệ sĩ nhà binh, lại có sự đồng cảm trong âm nhạc, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên đồng hành cùng nhau qua nhiều thăng trầm, vui buồn của cuộc sống. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ thêm, ngoài âm nhạc, An Thuyên còn đam mê nhiếp ảnh. Hơn chục năm nay, An Thuyên sắm máy ảnh và chụp nhiều ảnh độc đáo. "Anh ấy thích chụp và thường cho tôi xem nhiều bức thú vị lắm.

Với nhạc sĩ Phú Quang, tin nhạc sĩ An Thuyên ra đi khiến ông giật mình, bần thần. Cả hai ông bằng tuổi nhau, kết bạn với nhau hơn 30 năm trước. Phú Quang là người giúp thu âm những bài hát đầu tiên của An Thuyên ở Đài tiếng nói Việt Nam. "Nhiều lần ngồi trò chuyện, chúng tôi lắng nghe tâm sự, thấu hiểu ước mơ của nhau", ông tâm sự.

Rất nhiều lần hai nhạc sĩ đã hò hẹn cùng nhau làm đêm nhạc. Nhưng vì đều bận bịu, khi  An Thuyên có thời gian thì Phú Quang lại đi nước ngoài, cho đến hôm nay, chương trình vẫn chưa có dịp diễn ra. Điều này để lại trong lòng Phú Quang cảm giác còn thấy nợ An Thuyên.

Cũng như nhiều bạn bè, đồng nghiệp của nhạc sĩ "Ca dao em và tôi", Phú Quang, Nguyễn Trọng Tạo luôn quý An Thuyên ở nhiều điểm. Ông là một con người hiền lành, cả nể, sống trung thực, nhân hậu và rất nhiệt tình, tử tế với bạn bè. Ông rất thích được gặp gỡ bạn bè để trò chuyện về cuộc đời và âm nhạc. Ông cũng rất thích giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ để họ phát huy tố chất, tài năng trong lĩnh vực âm nhạc. 

Tài năng âm nhạc của An Thuyên là điều các đồng nghiệp của ông luôn trân trọng, tôn vinh.

An Thuyên thành công khi đưa được chất liệu dân gian vào âm nhạc của ông. Nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân ca, dân tộc của ông được đánh giá là xuất sắc bởi sự trau chuốt trong lời ca, giai điệu. Chất nhạc đậm đặc dân ca khiến các bài hát của ông được công chúng yêu mến.

"Anh ấy là một tài năng trời phú và cũng là người chịu tìm tòi, sáng tạo, tu luyện. Thời kỳ làm lãnh đạo trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, An Thuyên giúp đưa danh tiếng của trường lên xấp xỉ Nhạc viện Hà Nội. Đó là công rất lớn mà tôi đánh giá cao", Phú Quang khẳng định.

Nghệ sĩ ưu tú Dương Minh Đức, giảng viên Thanh nhạc, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nơi nhạc sĩ An Thuyên từng là Hiệu trưởng) chia sẻ: "Tôi đồng hành với An Thuyên gần 20 năm nay, từ khi trường Văn hóa nghệ thuật quân đội từ Trung cấp lên Cao đẳng, rồi giờ lên Đại học. Quá trình đó có công rất lớn của An Thuyên. Anh là con người của công việc, có những hôm anh ấy ở trường tới bảy giờ tối mới về".

Các học trò, ca sĩ trẻ dành cho An Thuyên sự yêu kính vì nhiệt tâm ông dành cho thế hệ sau

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương - người trưởng thành từ Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội xúc động bày tỏ: "Con đường nghệ thuật của tôi bắt đầu từ thầy An Thuyên, nếu không có thầy sẽ chẳng có ai phát hiện ra cô gái nhỏ Quảng Ninh này. Thầy thương tôi như con gái và luôn gọi tôi là bông hoa Quỳnh Hương. Tôi vẫn nói hồi còn là sinh viên rằng tôi sẽ cố gắng phấn đấu sau này sẽ nuôi thầy nhưng có bao giờ tôi làm được điều đó".

Sau khi Hồ Quỳnh Hương ra trường và đi theo con đường ca hát, nhạc sĩ An Thuyên vẫn dõi theo từng bước đi của cô. Những lúc gặp chuyện buồn vui trong nghệ thuật, Hồ Quỳnh Hương đều tìm đến chia sẻ cùng thầy và nhận được những lời động viên của ông để vượt qua mọi khó khăn. "Tôi thấy biết ơn vì thầy đã có mặt trên cuộc đời này. Tôi sẽ mãi nói tôi yêu thương thầy - người cha của tôi", nữ ca sĩ nói. 

Ca sĩ Đức Tân, trưởng nhóm nhạc Đồng Đội và cũng là người chơi thân với nhạc sĩ An Hiếu - con trai nhạc sĩ An Thuyên - nghẹn ngào: "Những gì Đồng Đội có hôm nay là nhờ sự khai sáng của thầy An Thuyên và các nhạc sĩ đồng nghiệp". Trên cương vị hiệu trưởng, nhạc sĩ An Thuyên lo cho từng bước đi của ban nhạc. Vì chơi thân với con trai của thầy mình, ca sĩ Đức Tân còn xem ông như cha. Khi anh An Hiếu đi học nước ngoài, Đức Tân vẫn sang thăm thầy Thuyên thường xuyên, trò chuyện với thầy về cuộc đời và âm nhạc. 

"Thầy từng nhiều lần mắng chúng tôi nhưng mỗi điều mắng đó đều mong tốt cho học trò và giúp cho chúng tôi có động lực sống, làm việc nhiều hơn. Còn nhiều điều mà trò muốn hỏi nhưng giờ hết rồi", Đức Tân kể. 

Ca sĩ Thanh Lam, nhà thơ Phan Huyền Thư (con gái NSND Thanh Hoa) cũng như nhiều ngôi sao giải trí khác đều thương tiếc người nhạc sĩ từng có nhiều kỷ niệm với gia đình họ. Ca sĩ Thanh Lam đang đi biểu diễn ở châu Âu, khi nghe tin dữ, chị chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ như in chú và cha tôi ngồi bên nhau đắm say trong những nốt nhạc. Dù cha tôi đã mất hay thầy đã đi xa thì bản tình ca cuộc đời vẫn còn mãi trong tim. Xin tiễn biệt".

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn