Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

“Được” - Tiểu luận của Hồ Anh Thái

23-01-2015 08:02:36 AM

Chiếc xe khách đi qua vùng lũ bị nước cuốn trôi. Một số người trong xe đã đập vỡ cửa kính thoát được ra ngoài, nhưng rốt cục vẫn đành chịu chết đuối. Trong số người chết có cả mấy thanh niên.

Từ chuyện này mới thấy thanh niên mình ít được phổ biến kỹ năng sống. Trường học hầu như không dạy bơi, không dạy võ tự vệ, không dạy kỹ năng xác định phương hướng khi lạc đường, không dạy cách sơ cứu người bị tai nạn giao thông, bị rơi xuống nước…

Họ còn chưa được dạy dỗ chu đáo để sống.

Chưa được dạy kỹ năng để sống, người ta cũng không thể chuẩn bị chu đáo để làm người già.

Đại hội một hội nghề nghiệp. Một nữ đại biểu ngày trước là hoa khôi, từng làm xao xuyến bao nhiêu đồng nghiệp, cả trẻ lẫn già. Bây giờ thì hoa khôi đấy, tóc bạc trắng bơ phờ đi lại lờ đờ giữa hai hàng ghế đại hội. Đi lại là chuyện bình thường. Điều không bình thường là ở chỗ cả hội trường đang lúc thảo luận nghiêm túc thì bà cứ dò dẫm đi. Dép lê đi. Đi đúng kiểu ma nữ đầu bạc trong phim Liêu trai. Một nữ đại biểu kêu: Sao cái bà kia cứ đi qua đi lại thế kia? Tôi bảo: Đến tuổi ấy, rồi cô cũng đi như vậy, ngồi một chỗ đau xương đau cốt, không đi qua đi lại vận động sao được. Một nữ đại biểu khác kêu: Lại còn đi dép lê nữa chứ. Tôi bảo: Đến tuổi ấy, cô cũng sẽ đi dép lê, chân sẽ bám đất, chứ đi giày cao gót có mà ngã lộn cổ. Một cô khác: Thế thì ngồi yên ở nhà, đại hội đại hè làm gì.

 

Minh họa của Kim Duẩn 

Ấy đấy, tuổi ấy khó ai chịu ngồi yên ở nhà khi thấy đồng nghiệp kéo nhau đi đại hội hết, dung dăng dung dẻ, năm năm mới có một lần.

Một anh bạn dặn con gái: Khi bố già như bác ấy, nếu bố cứ khăng khăng đi đại hội, con giữ không được, con cứ trói lại, đừng cho đi. Đấy là anh tính trước cái tình huống mà anh tự thấy xấu hổ. Nhưng ai mà trói được các cụ lúc ấy, tuổi già quật cường, tuổi cao chí khí càng cao.

Cũng ở cái đại hội đang kể, một cựu lãnh đạo hội được mời ngồi trên chủ tịch đoàn. Mọi chuyện diễn ra cũng không có gì bất thường cho đến khi làm thủ tục chào cờ bế mạc đại hội. Ban tổ chức đã dặn trước, nhưng chắc cụ không nghe thấy, hoặc nghe thấy thì sau mấy ngày họp cụ đã quên. Đoàn chủ tịch đã rút hết khỏi sân khấu xuống bên dưới chuẩn bị chào cờ bế mạc mà cụ vẫn loanh quanh ở trên. Không ai kịp lên để dắt cụ xuống, và tiếng hô chào cờ cứ thế máy móc vang lên. Quốc ca nổi lên. Cả đại hội hướng lên lễ đài nghiêm trang. Một mình cụ đứng trên lễ đài nghiêm trang, mông quay xuống hội trường. Cả hội trường đã chào cái mông của cụ.

Đấy chính là lý do anh bạn trung niên dặn con, có gì con cứ trói bố lại, đừng để cho đi. Nói như đùa mà là thật. Nói thật thì đúng là nghiệt ngã. Nhưng tuổi già tức là nghiệt ngã.

Sinh, lão, bệnh, tử. Tứ đại khổ. Lão là khổ. Tử cũng là khổ. Không phải ai trước cái chết cũng được như Nguyễn Du. Ông nằm và hỏi người nhà sờ xem lạnh đến đâu rồi. Lạnh từ chân lạnh dần lên. Khi lạnh đến ngực, ông chỉ nói một tiếng: Được. Rồi mất.

Một người thân được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nằm hai mươi lăm ngày thì mất. Viêm phổi cấp. Nhưng bệnh viện thời hiện đại lại có vấn đề của nó: người ta không được tỉnh táo cho đến lúc mất như Nguyễn Du, như các cụ thời xưa nằm bệnh tại nhà. Vào viện một cái là bị đè ra tiêm thuốc giảm đau, thêm thuốc an thần gây ngủ. Thế là hăm lăm ngày mê man. Có những lúc nhạt thuốc, hơi tỉnh, hình như ông đã ra hiệu hãy để cho ông đi. Người nằm bệnh tự biết trong người mình, tự thấy nên đi nên ở. Chỉ cần ngừng chạy ống thở là đi. Nhưng mà không ai hiểu được ý nguyện. Hiểu được cũng không ai dám chấp nhận cái chết không đau đớn như ở một số nước phương Tây. Euthanasia. Phải dặn đám con cháu, nếu rơi vào hoàn cảnh như ấy, phải đề nghị bệnh viện không dùng thuốc an thần thuốc gây ngủ. Hãy cho tôi tỉnh táo. Đau thì dùng thuốc giảm đau. Đau thì chịu. Không để mê man đến mức muốn nói ra ý nguyện cũng không được.

Anh bạn là nhà văn Hòa Vang. Gặp anh đâu là tưng bừng vui đấy. Kể chuyện rất có duyên, kể chuyện gì cũng thành tiếu lâm hài hước. Kể cốt truyện những tác phẩm dự định viết mà như tác phẩm đã ra đời rồi, kể mãi đến mức không sao dọn mình để viết ra được nữa. Cười rồi hát. Hát hay và lôi cuốn mọi người hát theo. Rồi một ngày nghe tin anh bị ung thư gan, thời gian chỉ còn đếm được vài tháng. Đến thăm anh, nghe anh kể: một chiều ra quán gọi cốc bia hơi, uống được vài ngụm thì thấy không sao uống được nữa. Gay rồi. Chưa bao giờ xảy ra chuyện như thế. Một ngụm bia mà không uống nổi. Bèn đi khám và có kết quả ngay. Án tử hình đã tuyên chỉ còn chờ ngày thi hành án. Nhưng người ta bảo còn nước còn tát. Hai lần hóa trị, mỗi lần năm mươi tư triệu, hai lần là một trăm linh tám anh hùng Lương Sơn Bạc. Thôi, không phải là không chạy đủ tiền, nhưng mà bệnh tình đã đến thế, để tiền làm việc khác.

Đấy là cách chuyện trò của Hòa Vang.

Cứ thế rồi sau vài tháng anh đi. Hiếm có khi đi thăm người ốm mà ra về ít nặng nề như vậy. Hòa Vang đã ra đi theo cái cách để lại cho mọi người một ấn tượng thật thoải mái về anh. Anh viết văn hay, nói chuyện hay, khi sống không phải ai cũng vừa lòng, nhưng cái chết thì thật là đáng trọng.

Một anh bạn tuổi mới chớm bốn mươi, cũng một chiều đang ngồi uống bia với bè bạn bỗng gục xuống, đập mặt xuống mặt bàn. Cấp cứu chẩn đoán cũng cho kết quả ung thư giai đoạn cuối. Anh đang lúc làm ăn được, dự án này công trình nọ, tiền vào như nước. Lúc thường đối với vợ cũng chẳng ra gì, có khi còn đánh còn tát, dấm dúi trong nhà. Vợ chịu hết, ra đường ai hỏi chỉ nói vết bầm tím là do ngã xe. Bây giờ thì bỗng nhiên quay lơ ra, nằm đấy, cho vợ hầu. Lê lết qua các bệnh viện trong nước. Lê lết sang cả bệnh viện Singapore. Lúc ấy anh nằm ứa nước mắt. Chỉ còn biết ứa nước mắt. Chắc cũng day dứt ân hận vì lối cư xử còn chưa xa.

Không phải ai cũng được như nhà văn đã kể ở trên. Một ông công chức thật điềm đạm, mực thước, hiếm khi thấy ông mất bình tĩnh nổi giận. Rồi thình lình bảy mươi hai tuổi ông cũng bị bệnh nan y. Cũng nằm đếm từng ngày đi đến cái chết. Trên giường bệnh, ông cứ khóc rống lên: Các con ơi, cứu bố với, bố không muốn chết.

Các anh chị em ông bảo nhau: Không ngờ ông ấy lại hèn nhát như vậy, ông ấy xưa nay không phải người như thế. Rồi lại tự dặn nhau: Chúng mình dứt khoát không như thế, phải chuẩn bị sẵn sàng để không như thế.

Chắc là không chuẩn bị được. Trước cái chết con người có thể trở lại bản năng sinh vật. Cũng có người không. Nhưng chuyện ấy không thể nói trước, không thể chuẩn bị trước. Chỉ cầu mong cứ đùa tếu lạc quan đến phút cuối như Hòa Vang. Cứ tỉnh táo bình tĩnh hỏi người nhà xem đã lạnh đến đâu. Rồi có thể cũng chỉ nói nổi một lời. Được.

Chắc là ai cũng mong thế. 

(Nguồn: www.daibieunhandan.vn)       

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn