1. Không hiểu vô tình hay sự lựa chọn có ý thức, Hoàng Vũ Thuật mở đầu tập thơ Mùi của mình với bài thơ “Chiếc ghế bỏ trống” viết tặng bạn anh, nhà viết kịch, với những câu thơ đong đầy ưu tư mà khi đọc lên và ngẫm ngợi ta không khỏi cảm thấy se sắt cõi lòng trước lẽ biến dịch của cuộc đời.
rồi nắng tắt
nặng trĩu đêm dày
sóng bận rộn cuộc tình muôn thuở
ngôi sao vụt sáng nỗi thèm khát
anh nghe cuộc đời cựa quậy
chỗ chiếc ghế bỏ trống.
(Chiếc ghế bỏ trống)
2. Đời vốn là sân khấu với những biến dịch khôn lường của thế sự. Ý tưởng này không mới, thậm chí cũ mòn. Song, cái mới ở đây là cách nhìn cuộc đời với những biến dịch đầy bi hài chỉ diễn ra “quẩn quanh” bên một “chiếc ghế bỏ trống”. Và cũng từ “chiếc ghế bỏ trống” này, những phận người nổi trôi, bồng bềnh, chìm đắm trong cõi u minh của lợi danh, lừa gạt, tị hiềm, giả dối, phi nhân... cứ thế mà “cựa quậy”, mà bày ra một cách “trần trụi” giữa cuộc đời. Và cứ thế, cuốn con người vào những bến mê của sự huyễn hoặc, của bi kịch phận người mà chủ nghĩa hiện sinh gọi đó là sự vong thân, sự tha hóa bản thể trong kiếp lưu đày của thân phận trước một thế giới đầy những buồn nôn... Và đây chính là mùi hiện sinh, một cảm thức chủ đạo tan chảy trong thơ Hoàng Vũ Thuật, cái mùi mà bằng sự cảm nhận tinh tế của một thi nhân luôn khắc khoải trước số phận con người, anh đã nhìn thấy sự “lây nhiễm” của nó đối với nhân tính, khi con người ngày càng tha hóa khủng khiếp trước quyền lực, dục vọng, tiền tài...
Mùi ...
có thể viêm nhiễm sau cuộc giải phẫu
có thể mới ra đời đã biến mất
có thể từ trời cao đổ xuống từ dưới đất trồi lên
....
mùi mưa mùi nắng mùi gió mùi cáu bẩn
mùi nguyên trinh
mùi kiệt quệ mùi phục sinh mùi mùa
mùi của mùi.
(Mùi)
Vì vậy, trong tận cùng tâm cảm, anh đau với nỗi đau của đồng loại khi con người bị cuốn vào vòng xoáy của thế sự đảo điên. Và câu hỏi nhà thơ tự vấn chính mình cũng là tự vấn tha nhân.
sao loài người
mê ngủ
hoài thai cùng đảo điên
(Ngày mới)
Và những đảo điên của thế sự đã làm vỡ nát tâm hồn vốn rất dễ bị tổn thương của thi nhân khi anh nhận ra quá nhiều điều bất an của cuộc sống đang từng phút, giây hiển hiện như những hố thẳm chôn vùi nhân phẩm con người, đẩy con người vào những bi kịch có tên và không tên, được sơn phết bằng những mỹ từ “nằm ngoài chân lý” với những mớ “lý luận huyễn hoặc”, hoàn toàn xa lạ với những giá trị nhân bản của loài người.
tôi nhai nhạt nhẽo cuốn sách ngược nội dung
thuộc làu mỹ từ nằm ngoài chân lý
chữ nghĩa nhảy dây rười rượi màu son
(Hai ngày không tôi)
Không những thế, mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật còn thể hiện trong nhiều bài thơ nói về nỗi khổ đau phận người như sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh mà anh đã trải nghiệm từ “những điều trông thấy” trước nỗi “đau đớn lòng”. Và sự nghiệm sinh này là nhân tố giúp anh chuyển hóa hệ hình tư duy nghệ thuật thơ của mình, dũng cảm bứt phá, vượt thoát khỏi lối tư duy thơ ca minh họa để vươn đến chân trời mới, hệ hình mới với ý thức sáng tạo mới. Phải chăng, đây cũng là một giá trị cần được ghi nhận trong sự vận động của tư duy thơ Hoàng Vũ Thuật ở một số bài thơ gần đây mà tập thơ Mùi là một minh chứng. Bởi, với một nhà thơ “lớp trước” như anh, việc từ bỏ cái “ao tù” của tư duy thơ chật hẹp để vươn ra “biển lớn” là điều không dễ dàng, nếu nhà thơ không có ý thức tự lột xác mình. Chính điều này đã đưa anh đến với cảm thức hiện sinh, một cảm thức mang tính nhân văn sâu sắc, bởi nó luôn quan tâm đến số phận con người, với nỗi cô đơn bản thể, với sự mong manh, hư ảo của kiếp nhân sinh. Và với một trái tim “không ngủ yên”, trước đau thương của nhân quần, Hoàng Vũ Thuật đã thể hiện cảm thức hiện sinh trong thơ thật cảm động mà khi đọc lên ta không khỏi thấy lòng quặn thắt, đớn đau.
những cánh tay chọc thủng gạch ngói
những chiếc nón vẫy mưa
những tiếng kêu đứt đoạn
những hốc mắt đói nhìn
mỏi mòn đêm tối
kiệt quệ rạng ngày
...
mẹ thắp hương chờ
những đứa con không trở lại
những đứa con khát sữa gào lên khuya khoắt
sạp giường lạnh tanh
đôi vòng tay trơ rỗng
sách vở trộn bùn đất
rơm rạ trộn thây người
(Lá cứ hồn nhiên)
Vâng! “Lá cứ hồn nhiên”... Song, chẳng lẽ con người lại cứ mãi hồn nhiên trước nỗi đau của đồng loại!? Đó là những câu hỏi xuyên thủng lịch sử mà Hoàng Vũ Thuật đặt ra trong thơ. Bởi suy cho cùng, giá trị cao quí của thơ ca hay lịch sử không phải là sự biện minh cho một chủ thuyết nào mà chính là giá trị nhân văn, là sự quan tâm đến từng số phận con người được thể hiện trong đó.
đôi khi ngoái về trái đất nhìn
thác máu xối xả
biển đen ngòm hoại tử
những bóng câm lặng vật vờ
những vở tuồng chính trường châu lục
những chém giết kinh hoàng
những trận động đất kép
(Hai ngày không tôi)
Đã một thời, thơ không chạm đến niềm đau, nỗi buồn. Thậm chí, những điều này bị xem như một cấm kỵ. Nhưng, nếu thơ không nói đến nỗi đau phận người vốn là căn tính của bản thể thì thơ có hoàn thành sứ mệnh của mình với thiên chức là sứ giả của cái đẹp để cứu rỗi con người hay không!? Và như vậy, liệu thơ có còn cần cho con người, khi nó chỉ là những lời tụng ca sáo rỗng, vô nghĩa, cổ xúy cho những thứ ngụy tín hoàn toàn xa lạ với con người!? Hoàng Vũ Thuật ý thức rất rõ điều này nên mùi hiện sinh trong thơ anh thấm đẫm chất nhân bản sâu sắc là vì thế.
đôi khi tôi nhớ ngày mẹ tôi ra trường đấu
dượng tôi vỡ sọ sau loạt đạn người thân
anh tôi ngả xuống
chẳng kịp nhắn tin
chú tôi kháng chiến
một đi không trở lại
thằng bạn họ Hoàng buồn bã
ngày ngày
cúi lạy cô đơn
(Hai ngày không tôi)
Và từ nỗi đau phận người, mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật còn biểu hiện ở nỗi cô đơn thận phận, ở khát vọng tự do trong các bài thơ: Chiếc ghế bỏ trống, Trước nhà thờ Đức Bà Pari, Trở về, Tự do, Buồn ơi, Bài thơ chưa viết... Ở những bài thơ này, nỗi cô đơn phận người luôn dày vò tâm cảm anh, cứa vào lòng anh những vết thương rỉ máu mà sự thấu cảm trước nỗi “cô độc” của Quasimodo, một “kỳ nhân” nhưng không “kỳ tâm” trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris nỗi tiếng của Victor Hugo không khỏi làm ta nhói lòng.
hai mươi tám vị tông đồ ngự trên tường cao
hai mươi tám cánh thiên thần
trắng muốt
tôi là thằng gù Quasimođo
đơn độc
kéo hồi chuông
hỡi những hồn oan bé nhỏ bây giờ nơi đâu.
(Trước nhà thờ Đức Bà Paris)
Hay sự thổn thức của niềm cô đơn bản thể hiển lộ qua cảm thức rỗng không ở các bài thơ: Hai ngày không tôi, Nàng biến đi trong gió, Rỗng... Và tận cùng của nỗi cô đơn là: cuộc chơi trốn tìm / tôi bắt được nàng / nhưng chỉ là cái bóng vô hình cái bóng chẳng nói / cái bóng đầy tôi /cái bóng của những khoảng trống / trong suốt (Nàng biến đi trong gió) Để rồi: đắng cay chồng hạnh phúc / con đường mới xuyên qua cuộc đời em lặng lẽ (Rỗng)
Song hành với nỗi cô đơn là nỗi khao khát tự do bản thể, một khát khao mà nhân loại luôn ngưỡng vọng. Và điều này được Hoàng Vũ Thuật nói đến trong thơ như một tuyên ngôn sống của anh và thế hệ anh mà một thời không được, hoặc không dám nói đến, dù chỉ trong thơ: hôm nay ngày cuối / bắt đầu một kiếp khác / tự do / ăn tự do ngủ tự do nói tự do làm tự do sống tư do (Người)
Tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc cái cảm thức tự do mà theo Hoàng Vũ Thuật là: “thông điệp của mọi thông điệp”. Và bài thơ Tự do, theo tôi là một tượng đài thiêng liêng của khát vọng tự do bản thể dựng lên bằng sự trải nghiệm cả một đời người qua bao đắng cay của thế cuộc mà thi nhân muốn gởi đến chúng ta.
tự do như chữ viết có mắt có chân
bay lên xuyên tường rào xuyên núi xuyên đất
đến và đi không biên giới
tự do vang trong ngôi nhà ấm áp tiếng cười trẻ thơ
nước từ chỗ cao xuống thấp
khát cần uống đói cần ăn
...
tự do thông điệp của mọi thông điệp
giản dị chân thành cuộc gặp không định trước
người nằm xuống tự do đứng lên.
(Tự do)
Nhận thức về tự do bản thể cũng là nhận thức được qui luật biến dịch của đời sống nên những suy niệm về sự hư ảo của kiếp người cũng là một phương diện thể hiện mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật ở các bài thơ: Viết cho một người bạn vừa treo cổ, Trà đạo, Không không phải, Ánh chớp, Nước, Lý giải... Cát bụi rồi cũng sẽ trở về cùng cát bụi. Không có cái gì trên đời này là miên viễn. Nếu ai đó tin rằng ở cõi trần còn có cái gì là vĩnh hằng thì chỉ là những ý nghĩ điên rồ huyễn hoặc của một thứ tư duy hoang tưởng. Ta hãy nghe Hoàng Vũ Thuật chia sẻ điều ấy trong thơ:
cái sống không mang nổi ý nghĩa thì cái sống chỉ là sợi dây
đánh đu cùng cái chết
anh đánh đu tất thảy mọi thứ trên đời
và
mọi thứ
không bao giờ thật cả.
(Viết cho một người bạn vừa treo cổ)
Vâng! Mọi thứ “không bao giờ thật cả”!? Có những điều hôm nay là chân lý nhưng ngày mai lại là ngụy chân lý. Sự hoài nghi, phải chăng cũng là điều cần thiết cho cuộc sống mà nếu không có đủ độ chín của tư duy và chiều sâu tâm hồn, thi nhân không thể đặt ra trong thơ mình những tâm tưởng mang tính phản biện sâu sắc đến thế? Tôi rất thú vị với ý thức phản biện trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Chính sự “lật trở” của một tư duy thơ luôn vận động đã làm nên một giá trị khác của thơ anh đó là tính triết luận. Và chính chất triết luận làm cho mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật có hương vị riêng, đầy quyến rũ. Ta hãy nghe anh lý giải về cái không “có thật” ở cuộc đời bằng cái nhìn thấm đẫm màu sắc hiện sinh qua sự chuyển dịch của hiện hữu:
đám mây
dạt vào khoảng không rồi tan biến
để lại giọt nước trên mặt hồ
sinh tử.
bong bóng bước trong sương giá
tin rằng
vũ trụ trong lòng tay
sự tàn lụi tín ngưỡng
(Lý giải)
Và chính vì sự dịch chuyển vô thường của hiện hữu, nên nhiều khi con người không lý giải nổi về sự hiện hữu của chính mình. Trong cái nhìn của triết học hiện sinh mọi hiện hữu đều phi lý và đây cũng là một phẩm tính của mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật qua những câu hỏi đầy trăn trở. Về đâu /dòng sông ngang qua đời / ta /không bọt / về đâu những con sóng vỗ chân cầu /đừng nói nữa / chiếc hộp trà đêm đêm /đối diện /dấu đi /thi thể ngàn năm / trôi / sóng truyền kiếp / chiều nay / dạt phía chân cầu. (Trà đạo) Và : Tôi phải làm gì / với sợi dây thời gian / căng chặt quanh người / đè nặng hơi thở cơn mê vòm ngực / trước đường biên / hữu hạn (Không không phải)
3. Để trả lời câu hỏi thơ là gì, mỗi nhà thơ có cách lý giải riêng. Và cách lý giải của Hoàng Vũ Thuật ở đây chính là cảm thức hiện sinh được thể hiện trong thơ anh với những dằn vặt, ưu lo trước số phận con người, là sự hoài nghi trước những phi lý đến buồn nôn của hữu thể. Thơ Hoàng Vũ Thuật, vì vậy, là thơ có Tính Người, một giá trị mà mọi nhà thơ chân chính đều hướng đến. Và nếu nói như Apollinaire: “Nhà thơ là kẻ tìm ra được hứng thú mới, dẫu hứng thú đó khó chịu đựng. Có thể thành nhà thơ ở mọi lĩnh vực: Miễn là thích phiêu lưu và đi khám phá” (1) thì Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ như thế. Bởi, thi nhân đã không ngừng khám phá cuộc sống, khám phá chính mình để sáng tạo và chính điều này là căn cước cho sự tồn sinh của thơ anh trong cuộc đời cũng như trong tâm thức người tiếp nhận. Vì nói như Pierre Reverdy: “Thơ không ở trong cuộc đời, cũng chẳng ở trong sự vật – Thơ chính là cách sử dụng sự vật và cuộc đời, cùng là cái gì anh mang thêm vào cuộc đời và sự vật.” (2)
Với tập thơ Mùi, Hoàng Vũ Thuật là một trong không nhiều nhà thơ đã mang đến cho thơ ca hiện đại Việt Nam một cách nhìn khác về cuộc đời. Đó là một cái nhìn hiện thực như nó vốn có chứ không phải như nó phải có. Và đây là khởi nguyên để tạo nên cái mùi hiện sinh đầy nhân bản, một giá trị cần được khẳng định trong thơ Hoàng Vũ Thuật và thơ ca dân tộc hôm nay và mai sau...
Chú thích:
(1) (2) Trần Hoài Anh, Thơ - Quan niệm và Cảm nhận, Nxb. Thanh niên, H, 2010, tr. 269, tr.270, tr.271
1. Không hiểu vô tình hay sự lựa chọn có ý thức, Hoàng Vũ Thuật mở đầu tập thơ Mùi của mình với bài thơ “Chiếc ghế bỏ trống” viết tặng bạn anh, nhà viết kịch, với những câu thơ đong đầy ưu tư mà khi đọc lên và ngẫm ngợi ta không khỏi cảm thấy se sắt cõi lòng trước lẽ biến dịch của cuộc đời.
rồi nắng tắt
nặng trĩu đêm dày
sóng bận rộn cuộc tình muôn thuở
ngôi sao vụt sáng nỗi thèm khát
anh nghe cuộc đời cựa quậy
chỗ chiếc ghế bỏ trống.
(Chiếc ghế bỏ trống)
2. Đời vốn là sân khấu với những biến dịch khôn lường của thế sự. Ý tưởng này không mới, thậm chí cũ mòn. Song, cái mới ở đây là cách nhìn cuộc đời với những biến dịch đầy bi hài chỉ diễn ra “quẩn quanh” bên một “chiếc ghế bỏ trống”. Và cũng từ “chiếc ghế bỏ trống” này, những phận người nổi trôi, bồng bềnh, chìm đắm trong cõi u minh của lợi danh, lừa gạt, tị hiềm, giả dối, phi nhân... cứ thế mà “cựa quậy”, mà bày ra một cách “trần trụi” giữa cuộc đời. Và cứ thế, cuốn con người vào những bến mê của sự huyễn hoặc, của bi kịch phận người mà chủ nghĩa hiện sinh gọi đó là sự vong thân, sự tha hóa bản thể trong kiếp lưu đày của thân phận trước một thế giới đầy những buồn nôn... Và đây chính là mùi hiện sinh, một cảm thức chủ đạo tan chảy trong thơ Hoàng Vũ Thuật, cái mùi mà bằng sự cảm nhận tinh tế của một thi nhân luôn khắc khoải trước số phận con người, anh đã nhìn thấy sự “lây nhiễm” của nó đối với nhân tính, khi con người ngày càng tha hóa khủng khiếp trước quyền lực, dục vọng, tiền tài...
Mùi ...
có thể viêm nhiễm sau cuộc giải phẫu
có thể mới ra đời đã biến mất
có thể từ trời cao đổ xuống từ dưới đất trồi lên
....
mùi mưa mùi nắng mùi gió mùi cáu bẩn
mùi nguyên trinh
mùi kiệt quệ mùi phục sinh mùi mùa
mùi của mùi.
(Mùi)
Vì vậy, trong tận cùng tâm cảm, anh đau với nỗi đau của đồng loại khi con người bị cuốn vào vòng xoáy của thế sự đảo điên. Và câu hỏi nhà thơ tự vấn chính mình cũng là tự vấn tha nhân.
sao loài người
mê ngủ
hoài thai cùng đảo điên
(Ngày mới)
Và những đảo điên của thế sự đã làm vỡ nát tâm hồn vốn rất dễ bị tổn thương của thi nhân khi anh nhận ra quá nhiều điều bất an của cuộc sống đang từng phút, giây hiển hiện như những hố thẳm chôn vùi nhân phẩm con người, đẩy con người vào những bi kịch có tên và không tên, được sơn phết bằng những mỹ từ “nằm ngoài chân lý” với những mớ “lý luận huyễn hoặc”, hoàn toàn xa lạ với những giá trị nhân bản của loài người.
tôi nhai nhạt nhẽo cuốn sách ngược nội dung
thuộc làu mỹ từ nằm ngoài chân lý
chữ nghĩa nhảy dây rười rượi màu son
(Hai ngày không tôi)
Không những thế, mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật còn thể hiện trong nhiều bài thơ nói về nỗi khổ đau phận người như sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh mà anh đã trải nghiệm từ “những điều trông thấy” trước nỗi “đau đớn lòng”. Và sự nghiệm sinh này là nhân tố giúp anh chuyển hóa hệ hình tư duy nghệ thuật thơ của mình, dũng cảm bứt phá, vượt thoát khỏi lối tư duy thơ ca minh họa để vươn đến chân trời mới, hệ hình mới với ý thức sáng tạo mới. Phải chăng, đây cũng là một giá trị cần được ghi nhận trong sự vận động của tư duy thơ Hoàng Vũ Thuật ở một số bài thơ gần đây mà tập thơ Mùi là một minh chứng. Bởi, với một nhà thơ “lớp trước” như anh, việc từ bỏ cái “ao tù” của tư duy thơ chật hẹp để vươn ra “biển lớn” là điều không dễ dàng, nếu nhà thơ không có ý thức tự lột xác mình. Chính điều này đã đưa anh đến với cảm thức hiện sinh, một cảm thức mang tính nhân văn sâu sắc, bởi nó luôn quan tâm đến số phận con người, với nỗi cô đơn bản thể, với sự mong manh, hư ảo của kiếp nhân sinh. Và với một trái tim “không ngủ yên”, trước đau thương của nhân quần, Hoàng Vũ Thuật đã thể hiện cảm thức hiện sinh trong thơ thật cảm động mà khi đọc lên ta không khỏi thấy lòng quặn thắt, đớn đau.
những cánh tay chọc thủng gạch ngói
những chiếc nón vẫy mưa
những tiếng kêu đứt đoạn
những hốc mắt đói nhìn
mỏi mòn đêm tối
kiệt quệ rạng ngày
...
mẹ thắp hương chờ
những đứa con không trở lại
những đứa con khát sữa gào lên khuya khoắt
sạp giường lạnh tanh
đôi vòng tay trơ rỗng
sách vở trộn bùn đất
rơm rạ trộn thây người
(Lá cứ hồn nhiên)
Vâng! “Lá cứ hồn nhiên”... Song, chẳng lẽ con người lại cứ mãi hồn nhiên trước nỗi đau của đồng loại!? Đó là những câu hỏi xuyên thủng lịch sử mà Hoàng Vũ Thuật đặt ra trong thơ. Bởi suy cho cùng, giá trị cao quí của thơ ca hay lịch sử không phải là sự biện minh cho một chủ thuyết nào mà chính là giá trị nhân văn, là sự quan tâm đến từng số phận con người được thể hiện trong đó.
đôi khi ngoái về trái đất nhìn
thác máu xối xả
biển đen ngòm hoại tử
những bóng câm lặng vật vờ
những vở tuồng chính trường châu lục
những chém giết kinh hoàng
những trận động đất kép
(Hai ngày không tôi)
Đã một thời, thơ không chạm đến niềm đau, nỗi buồn. Thậm chí, những điều này bị xem như một cấm kỵ. Nhưng, nếu thơ không nói đến nỗi đau phận người vốn là căn tính của bản thể thì thơ có hoàn thành sứ mệnh của mình với thiên chức là sứ giả của cái đẹp để cứu rỗi con người hay không!? Và như vậy, liệu thơ có còn cần cho con người, khi nó chỉ là những lời tụng ca sáo rỗng, vô nghĩa, cổ xúy cho những thứ ngụy tín hoàn toàn xa lạ với con người!? Hoàng Vũ Thuật ý thức rất rõ điều này nên mùi hiện sinh trong thơ anh thấm đẫm chất nhân bản sâu sắc là vì thế.
đôi khi tôi nhớ ngày mẹ tôi ra trường đấu
dượng tôi vỡ sọ sau loạt đạn người thân
anh tôi ngả xuống
chẳng kịp nhắn tin
chú tôi kháng chiến
một đi không trở lại
thằng bạn họ Hoàng buồn bã
ngày ngày
cúi lạy cô đơn
(Hai ngày không tôi)
Và từ nỗi đau phận người, mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật còn biểu hiện ở nỗi cô đơn thận phận, ở khát vọng tự do trong các bài thơ: Chiếc ghế bỏ trống, Trước nhà thờ Đức Bà Pari, Trở về, Tự do, Buồn ơi, Bài thơ chưa viết... Ở những bài thơ này, nỗi cô đơn phận người luôn dày vò tâm cảm anh, cứa vào lòng anh những vết thương rỉ máu mà sự thấu cảm trước nỗi “cô độc” của Quasimodo, một “kỳ nhân” nhưng không “kỳ tâm” trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris nỗi tiếng của Victor Hugo không khỏi làm ta nhói lòng.
hai mươi tám vị tông đồ ngự trên tường cao
hai mươi tám cánh thiên thần
trắng muốt
tôi là thằng gù Quasimođo
đơn độc
kéo hồi chuông
hỡi những hồn oan bé nhỏ bây giờ nơi đâu.
(Trước nhà thờ Đức Bà Paris)
Hay sự thổn thức của niềm cô đơn bản thể hiển lộ qua cảm thức rỗng không ở các bài thơ: Hai ngày không tôi, Nàng biến đi trong gió, Rỗng... Và tận cùng của nỗi cô đơn là: cuộc chơi trốn tìm / tôi bắt được nàng / nhưng chỉ là cái bóng vô hình cái bóng chẳng nói / cái bóng đầy tôi /cái bóng của những khoảng trống / trong suốt (Nàng biến đi trong gió) Để rồi: đắng cay chồng hạnh phúc / con đường mới xuyên qua cuộc đời em lặng lẽ (Rỗng)
Song hành với nỗi cô đơn là nỗi khao khát tự do bản thể, một khát khao mà nhân loại luôn ngưỡng vọng. Và điều này được Hoàng Vũ Thuật nói đến trong thơ như một tuyên ngôn sống của anh và thế hệ anh mà một thời không được, hoặc không dám nói đến, dù chỉ trong thơ: hôm nay ngày cuối / bắt đầu một kiếp khác / tự do / ăn tự do ngủ tự do nói tự do làm tự do sống tư do (Người)
Tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc cái cảm thức tự do mà theo Hoàng Vũ Thuật là: “thông điệp của mọi thông điệp”. Và bài thơ Tự do, theo tôi là một tượng đài thiêng liêng của khát vọng tự do bản thể dựng lên bằng sự trải nghiệm cả một đời người qua bao đắng cay của thế cuộc mà thi nhân muốn gởi đến chúng ta.
tự do như chữ viết có mắt có chân
bay lên xuyên tường rào xuyên núi xuyên đất
đến và đi không biên giới
tự do vang trong ngôi nhà ấm áp tiếng cười trẻ thơ
nước từ chỗ cao xuống thấp
khát cần uống đói cần ăn
...
tự do thông điệp của mọi thông điệp
giản dị chân thành cuộc gặp không định trước
người nằm xuống tự do đứng lên.
(Tự do)
Nhận thức về tự do bản thể cũng là nhận thức được qui luật biến dịch của đời sống nên những suy niệm về sự hư ảo của kiếp người cũng là một phương diện thể hiện mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật ở các bài thơ: Viết cho một người bạn vừa treo cổ, Trà đạo, Không không phải, Ánh chớp, Nước, Lý giải... Cát bụi rồi cũng sẽ trở về cùng cát bụi. Không có cái gì trên đời này là miên viễn. Nếu ai đó tin rằng ở cõi trần còn có cái gì là vĩnh hằng thì chỉ là những ý nghĩ điên rồ huyễn hoặc của một thứ tư duy hoang tưởng. Ta hãy nghe Hoàng Vũ Thuật chia sẻ điều ấy trong thơ:
cái sống không mang nổi ý nghĩa thì cái sống chỉ là sợi dây
đánh đu cùng cái chết
anh đánh đu tất thảy mọi thứ trên đời
và
mọi thứ
không bao giờ thật cả.
(Viết cho một người bạn vừa treo cổ)
Vâng! Mọi thứ “không bao giờ thật cả”!? Có những điều hôm nay là chân lý nhưng ngày mai lại là ngụy chân lý. Sự hoài nghi, phải chăng cũng là điều cần thiết cho cuộc sống mà nếu không có đủ độ chín của tư duy và chiều sâu tâm hồn, thi nhân không thể đặt ra trong thơ mình những tâm tưởng mang tính phản biện sâu sắc đến thế? Tôi rất thú vị với ý thức phản biện trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Chính sự “lật trở” của một tư duy thơ luôn vận động đã làm nên một giá trị khác của thơ anh đó là tính triết luận. Và chính chất triết luận làm cho mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật có hương vị riêng, đầy quyến rũ. Ta hãy nghe anh lý giải về cái không “có thật” ở cuộc đời bằng cái nhìn thấm đẫm màu sắc hiện sinh qua sự chuyển dịch của hiện hữu:
đám mây
dạt vào khoảng không rồi tan biến
để lại giọt nước trên mặt hồ
sinh tử.
bong bóng bước trong sương giá
tin rằng
vũ trụ trong lòng tay
sự tàn lụi tín ngưỡng
(Lý giải)
Và chính vì sự dịch chuyển vô thường của hiện hữu, nên nhiều khi con người không lý giải nổi về sự hiện hữu của chính mình. Trong cái nhìn của triết học hiện sinh mọi hiện hữu đều phi lý và đây cũng là một phẩm tính của mùi hiện sinh trong thơ Hoàng Vũ Thuật qua những câu hỏi đầy trăn trở. Về đâu /dòng sông ngang qua đời / ta /không bọt / về đâu những con sóng vỗ chân cầu /đừng nói nữa / chiếc hộp trà đêm đêm /đối diện /dấu đi /thi thể ngàn năm / trôi / sóng truyền kiếp / chiều nay / dạt phía chân cầu. (Trà đạo) Và : Tôi phải làm gì / với sợi dây thời gian / căng chặt quanh người / đè nặng hơi thở cơn mê vòm ngực / trước đường biên / hữu hạn (Không không phải)
3. Để trả lời câu hỏi thơ là gì, mỗi nhà thơ có cách lý giải riêng. Và cách lý giải của Hoàng Vũ Thuật ở đây chính là cảm thức hiện sinh được thể hiện trong thơ anh với những dằn vặt, ưu lo trước số phận con người, là sự hoài nghi trước những phi lý đến buồn nôn của hữu thể. Thơ Hoàng Vũ Thuật, vì vậy, là thơ có Tính Người, một giá trị mà mọi nhà thơ chân chính đều hướng đến. Và nếu nói như Apollinaire: “Nhà thơ là kẻ tìm ra được hứng thú mới, dẫu hứng thú đó khó chịu đựng. Có thể thành nhà thơ ở mọi lĩnh vực: Miễn là thích phiêu lưu và đi khám phá” (1) thì Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ như thế. Bởi, thi nhân đã không ngừng khám phá cuộc sống, khám phá chính mình để sáng tạo và chính điều này là căn cước cho sự tồn sinh của thơ anh trong cuộc đời cũng như trong tâm thức người tiếp nhận. Vì nói như Pierre Reverdy: “Thơ không ở trong cuộc đời, cũng chẳng ở trong sự vật – Thơ chính là cách sử dụng sự vật và cuộc đời, cùng là cái gì anh mang thêm vào cuộc đời và sự vật.” (2)
Với tập thơ Mùi, Hoàng Vũ Thuật là một trong không nhiều nhà thơ đã mang đến cho thơ ca hiện đại Việt Nam một cách nhìn khác về cuộc đời. Đó là một cái nhìn hiện thực như nó vốn có chứ không phải như nó phải có. Và đây là khởi nguyên để tạo nên cái mùi hiện sinh đầy nhân bản, một giá trị cần được khẳng định trong thơ Hoàng Vũ Thuật và thơ ca dân tộc hôm nay và mai sau...
Chú thích:
(1) (2) Trần Hoài Anh, Thơ - Quan niệm và Cảm nhận, Nxb. Thanh niên, H, 2010, tr. 269, tr.270, tr.271
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn