Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chuyện bác Bùi Hiển

Nguyên An - 17-05-2011 08:06:07 AM

Nhà văn Bùi Hiển

 

Dạo ấy, là khoảng cuối năm 1994, một hôm nhà văn Bùi Hiển nhìn tôi chăm chú hơn bữa khác, rồi cười cười hỏi:

- Nguyên An là con ông Song Ngư à? Ông cụ còn khoẻ không?

Tôi hơi sững lại, chưa kịp trả lời, thì ông nói tiếp:

- Mình mới gặp mấy ông bạn đồng hương bên ngành khí tượng thủy văn và quân đội hôm nào cậu đưa mình đến thăm ông cụ nhé!

Rồi ông kể chuyện quê biển của ông, chuyện ông vào Vinh học trường Quốc học Vinh, gặp những ai những ai... Cuối buổi, nhà văn bảo:

- Nguyên An gọi mình là chú thì đúng hơn.

Tôi kể lại với ba tôi cuộc trò chuyện này. Ba tôi bảo: “Ông Bùi Hiển nói đúng đấy. Nhưng con đã quen gọi ông ấy là bác thì cứ gọi thế, người ta là bậc anh tú văn nhân, ba vẫn coi Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Tô Hoài... là vậy cả, “tuổi tác không quan trọng”.

Chuyện là thế này:

Một chiều mùa hè năm 1938, nhà văn tương lai đạp xe từ Thị xã Vinh đi Cửa Hội chơi, “cũng là để tắm biển cho đỡ nhớ quê Quỳnh Lưu, lại cũng sốt ruột vì chưa xin được việc làm thêm, chưa biết đi đâu”. Vừa ở dưới nước lên, chàng trai thấy có hai người ngồi trên hai ghế bố (hơi giống ghế xô pha bây giờ) trò chuyện như cãi nhau, giữa họ có cái ghế đẩu to như cái bàn, trên đó có sách, báo và cả đồ uống. Thấy họ to tiếng nhưng không có mùi rượu, anh đến, vừa để dàn hòa, vừa để làm quen. “Chúng tôi biết nhau, đi lại với nhau từ đấy”, nhà văn bảo.

Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đến giữa những năm 1934, 1935, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Vinh và miền Trung rồi cả nước đã được phục hồi, đến thời kỳ Mặt trận Bình Dân bên Pháp lên cầm quyền, ở Việt Nam có Mặt trận Dân chủ Đông Dương hoạt động khá sôi nổi (1936-1939), theo đó, một lớp công chức và trí thức trẻ có tinh thần dân tộc, có hoài bão cứu nước theo cái cách riêng của mỗi nhóm, mỗi người đã hình thành và phát triển hơn. Họ làm việc cho Pháp và với bộ máy cai trị của Pháp - đương nhiên, phải nói tiếng Pháp, viết công văn giấy tờ bằng chữ Pháp mà có bộc lộ một ít hơi hướng tự do, cũng không phải e ngại quá.

Hai người cãi nhau về cách vào đời, lập thân với đời - như nhà văn Bùi Hiển kể lại - đó là bác tôi và ba tôi. Bác Nguyễn Đình Dư tôi làm ở một đài kiểm soát của Nha khí tượng Thủy văn, chuyên theo dõi vùng biển miền Trung và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sau đó ít lâu, đã cùng bác Ký Thành (đã làm ở Tòa sứ Vinh) xin cho nhà văn - bấy giờ là chàng trai Bùi Hiển vào làm ở Tòa sứ Vinh. Năm 1985, bác Dư kể: Xin cho ông Bùi Hiển vào làm ở Tòa sứ Vinh chả mất đồng nào đáng kể: Một buổi sáng giới thiệu Bùi Hiển với thằng Tây chủ sự để phỏng vấn, ăn trưa; một bữa ăn tối rồi đi hát với nó và mấy người nữa, là xong, đều do ba cháu trả tiền. May là do Bùi Hiển có phong độ nhẹ nhàng điềm đạm, nói năng chững chạc việc nào ra việc ấy như đã từng, nên tụi nó đồng ý ngay. “Chẳng nhẽ bọn Tây lại đơn giản thế, họ cho người vào bộ máy của họ cơ mà?!” - tôi hỏi. “Ừ, thì bộ máy, đây là bộ máy công chức hành chính thuần túy, chủ yếu là đọc đơn thỉnh cầu, phân loại, dịch ra... do ba cháu đã quen hướng dẫn trước như luyện thi bây giờ ấy, chứ có phải vào làm mật thám đâu mà phải chọn kỹ!”, bác tôi bảo. Ba tôi nói thêm: “Người Pháp đã tìm hiểu học lực và hạnh kiểm ông Bùi Hiển qua trường Quốc học rồi”.

Tôi hỏi lại bác Bùi Hiển: “Thật thế ư?”, nhà văn lại tủm tỉm:

- Thế thôi, làm gì mà được chuẩn bị, biết chuẩn bị thì cũng không khó như người ta tưởng tượng.

Cũng vào các năm 1994, 1995, một số bậc cao niên ở thành phố Vinh kể: Ở Vinh những năm 1941-1945 có mấy ông “Tây An nam”, như ông Trần Duy Châu, vóc dáng cao to, mũi cao, râu quai nón, da trắng đỏ. Ông Châu ngoài 30 tuổi, chủ nhà in Lam Hồng. Tuổi ấy, có cơ nghiệp, vợ con, ai cũng gọi là ông. Ông là “Ông Tây An nam” không chỉ do bề ngoài, mà do công việc nhà in, gắn với sách báo, kiểm duyệt... Ông hay nói to, tiếng Pháp pha tiếng ta “nghe cho hết toát cả mồ hôi”, “ông Tây An nam” Bùi Hiển bảo thế.

Còn Bùi Hiển, khi đã làm ở Tòa sứ Vinh ít lâu, rồi lừng danh với tập truyện ngắn Nằm vạ (NXB Đời nay, 1941), cũng được gọi là “Tây An nam” vì làm việc ở sở Tây, vì nói tiếng Pháp trôi chảy, và cũng vì phong độ rất hòa hợp với công việc ấy: quần áo nghiêm chỉnh, đi lại khoan thai, nói năng vừa phải và lễ độ, đúng mực với người đến thỉnh cầu và với cả sếp... và hình như vì cả chuyện này nữa - ba tôi kể:

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), không chỉ sĩ quan Pháp, lính Pháp, công chức Pháp lo sợ, hốt hoảng, mà nhiều người Việt làm việc trong bộ máy hành chính Pháp cũng hoang mang. Tuy nhiên, Nhật dùng lại số đông người Việt này, một trong những người đầu tiên là Bùi Hiển, “vì Bùi Hiển thạo việc, nói được tiếng Pháp và hiểu được cả tiếng Nhật, ai cũng cần ông ta cả”.

Nhà văn Tô Hoài có lần kể: Lúc Nhật vừa thay Pháp lên cầm quyền, anh em làm báo Cứu quốc của Việt Minh bảo nhau tạm lánh đi ít bữa xem sao. Nam Cao về quê, Nguyên Hồng dạt xuống Hải Phòng, ... còn Tô Hoài vào Vinh, ở tại nhà Bùi Hiển. Vốn đã quen biết trên văn đàn và qua thư từ, nên không khách khí gì. Vinh những ngày ấy chộn rộn, sôi sục vì đói, vì khí thế cách mạng, cứu nước... mà hàng ngày, Bùi Hiển vẫn complê cà vạt tươm tất, cưỡi cái xe đạp Pơ-giô màu vàng có lốp trắng rất to đi làm. “Xe đạp Pơ-giô như thế hồi ấy, còn hơn cái ôtô xịn tiền tỉ bây giờ ấy chứ?” - tôi gợi, tác giả Cát bụi chân ai chủng chẳng: “Thì tụi Tây đầu tỉnh cũng chỉ ôtô thời thế chiến I, Tuần phủ với Tổng đốc ngoài Bắc hầu hết đi xe kéo... Bùi Hiển dạo ấy thế là oách lắm. Tôi ở trong nhà ông ấy, thấy thoải mái, chả tay nào hó hé hỏi han gì”.

Cuối năm 1998, được tin ba tôi qua đời, nhà văn Bùi Hiển bùi ngùi: “Mình đến với văn chương là do ham mê, rồi dám viết là do được đọc bao nhiêu sách trong Nam ngoài Bắc gửi về tủ sách của những nhà quen biết ở Vinh như nhà ông Song Ngư đấy”.

Xin kể một chuyện nữa về nhà văn Bùi Hiển:

Đã ra Tết được mấy ngày, hôm ấy trời se lạnh, có mưa bay bay, nhớ là có hẹn với nhà văn Bùi Hiển, nhưng thấy trời đất thế, tôi đương hơi ngại ngùng, thì nghe ông gọi điện đến, thế là tôi lên đường. Đi chưa hết cầu thang lên tầng tư, đã thấy nhà văn đứng chờ. Ông gài lại cái cúc áo khoác ngoài, sửa sửa cái mũ phớt, vợ nhà văn bảo: “Mũ này đội thì đẹp, nhưng liệu có đủ ấm không?”, nhà văn cười thật tươi trẻ: “Nghe vợ thôi, Nguyên An nhỉ”, rồi đỡ lấy cái mũ len bà đưa tới. Chúng tôi xuống cầu thang, tôi nổ máy xe, ông ngồi lên rồi, còn bảo: “Chưa đi ngay nhá, để còn chào nhau đã...”. Tôi nhìn, thấy ông đang ngước lên, thấy bà đang nhìn xuống, dịu dàng, không nói. Tôi muốn kêu lên: “Ôi tuổi già...”, chẳng lẽ nhà văn ngượng nghịu hay sao, mà ông nói nhỏ: “Ta đi được rồi”, gương mặt vui thoáng nụ cười.

Xe ra khỏi khu Kim Liên - Trung Tự (Hà Nội), nhà văn hỏi:

- Ta đi chơi đâu nhỉ?

- Dạ, tùy bác thôi, ra ngoại ô bác ạ.

Một chút im lặng, tôi cho xe chạy chậm, nghe nhà văn nói:

- Ông Phan Khắc Khoan quê ở Yên Thành, thua ba cháu mấy tuổi, nhà cũng nhiều sách, ông này có công lắm đấy.

Tôi đã biết loáng thoáng về nhà giáo, nhà văn Phan Khắc Khoan, nhớ láng máng là ông có chuyện gì trắc trở, nên vội hỏi:

- Công thế nào bác?

- Ông Phan Khắc Khoan cùng dạy học với Chế Lan Viên, đã đào tạo ra nhiều nhà trí thức, lại là người viết kịch thơ rất hay, Nguyên An đã đọc các kịch thơ Trần Can, Lý Chiêu Hoàng của ông Khoan chưa? Ta đi tìm ông ấy đi.

Bấy giờ là khoảng 10h30, chúng tôi đi qua Bệnh viện Nhi, đến gần Cầu Giấy. Nhà văn chỉ nhớ: Ông giáo Phan Khắc Khoan ở thị trấn Cầu Giấy với con gái, tên con gái ông Khoan là gì, không rõ. Tôi băn khoăn, nhưng nể bác Bùi Hiển quá... đang do dự, tìm cách, thì nhà văn bảo:

- Ông Phan Khắc Khoan là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, sau đó vẫn viết, vẫn in nhưng sống ẩn dật, mình có thư từ với ông ấy đôi lần thôi. Bây giờ chắc cũng già yếu rồi...

Nghe thế, lại thấy nhà văn bồn chồn thế nào, tôi mạnh dạn lên:

- Bác đứng đây trông xe, để cháu chạy sang bên kia đường hỏi xem sao nhé!

Tôi chạy băng qua đường, hỏi ở Ủy ban thị trấn Cầu Giấy, hỏi một ông cụ hưu trí đã lâu, hỏi bà Hợi (quê ở Vinh, bán hàng tạp hóa, lúc đó đã hơn 80 tuổi), mất hơn nửa giờ, thì mới lờ mờ biết: ở gần đây có một ông già Nghệ An gầy gò, hay đọc thơ, không rõ có phải không, vì chả ai biết tên ông là gì, nhà ở đâu.

Thế là chúng tôi phải lần mò tiếp.

Nhìn dòng người xe trong mưa bụi, nhà văn nói như độc thoại:

- Ra giêng này mà tìm được Phan Khắc Khoan, bàn nhau phục hồi sinh hoạt Hội cho ông ấy, biết đâu còn xin được ít tiền hỗ trợ đầu tư thì hay biết mấy!

Trời đã về chiều từ lúc nào, bát phở bữa trưa với phong kẹo lạc cũng đã vơi vèo từ bao giờ. Chúng tôi đi lại dễ có đến vài chục lần ở khoảng một cây số vuông, hỏi có tới vài chục người, mà chịu, không ai rõ về nhà văn Phan Khắc Khoan.

Nhà văn thẫn thờ một câu như cái tựa đề tập tùy bút của Đỗ Chu mới xuất bản năm kia:

- Thăm thẳm kiếp người...

Rõ là hai bác cháu, ông con rất mệt. Tôi thì còn đỡ, còn Bùi Hiển, trông ông thật buồn và hơi phờ phạc. Nhà văn cố cười cho vơi vơi một nguồn cơn rồi bảo:

- Phải tươm tất lại rồi còn về kẻo ở nhà lo lắng. Hôm sau ta đi tìm ông Phan Khắc Khoan nữa nhá!

Hôm sau, mấy lần hôm sau nữa, thì chúng tôi cũng tìm được nhà văn Phan Khắc Khoan. Nhìn hai ông già chầm chậm ôm lấy nhau, cười cười như mếu, tôi lặng đi.

Năm đó nhà văn Bùi Hiển dễ đã ở tuổi 75, còn đó vẻ tráng kiện, lịch lãm song cũng đã pha chút già cả ở tấm lưng và đuôi khoé mắt, còn nhà văn nhà giáo Phan Khắc Khoan mới gần 80 thì phải, cái nhìn và gương mặt còn cứng cỏi, nhưng vóc dáng thì đã là ông già, một ông già muôn năm cũ thật rồi.

Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến đôi ba mẩu chuyện đại loại thế này về nhà văn Bùi Hiển, và càng hiểu thêm cốt cách văn nhân của ông, đặc sắc văn chương của ông, như ở tập Bạn bè một thủa chẳng hạn.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...