Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Bức thư đặc biệt của độc giả “nhí” gửi nhà văn Trần Quốc Toàn

Nguyễn Mai Hương - 17-10-2011 09:12:01 AM

VanVN.Net - Cuối tháng 5-2011, Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức lễ phát động cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ I. Đây là thi viết về những cuốn sách hay mà các em đã đọc, thích thú và say mê...  Sáng 18-9-2011, tại Cung thiếu nhi, Lễ trao giải cuộc thi đã được tổ chức. Từ gần 500 bài dự thi của các bạn nhỏ thuộc nhiều tỉnh, thành trên cả nước, BTC chọn được 35 bài viết xuất sắc vào vòng chung khảo. Trong đó có bài viết của em Nguyễn Mai Hương (Học sinh lớp 7B trường THCS Cẩm Định – Hải Dương), VanVN.Net xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Thư gửi nhà văn Trần Quốc Toàn, tác giả “Học trong bụng mẹ”

 

Ông Trần Quốc Toàn kính mến!

Chắc bây giờ ông đã nhận được nhiều thư, email của các bạn đọc nhỏ tuổi như cháu lắm? Vì cũng như cháu, nhiều bạn sau khi đọc xong cuốn sách “Học trong bụng mẹ” của ông (do nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2010) đã có địa chỉ email của ông để xin bản thiết kế chuột máy cổ truyền trong truyện “Chuột ngũ sắc và 72 ngọn nến”, hoặc là để viết tiếp kết thúc truyện ngắn mà ông vẫn để ngỏ chờ bạn đọc viết tiếp “Người đến từ xứ cây”… Còn cháu, cháu viết thư cho ông là để kể lại chuyện chị em cháu đã hào hứng đọc và học tập sách “Học trong bụng mẹ” của ông như thế nào khi mẹ cháu mang món quà tặng đó về, ông à!

Hi hi cháu quên mất, cháu xin tự giới thiệu về cháu và cu Tồ nhà cháu nhé! Nếu theo như ông toàn viết rằng Bà Mụ dạy “Học trong bụng mẹ” thì khi cháu chào đời, cháu khóc: “ương… ương… ương…” còn cu Tồ nhà cháu thì khóc: “ưng… ưng… ưng…” ông đã đoán ra tên chúng cháu rồi đúng không ạ? Cháu tên là Hương còn cu Tồ tên là Hưng đấy. Em cháu mới học xong mẫu giáo lớn, chưa biết đọc một tí gì, khi cháu đọc cho cu cậu nghe “Học trong bụng mẹ” đến đoạn “Khi từ bụng mẹ ra đời, mỗi đứa bé thích tên gì thì khóc thành vần, thật giống tên ấy. Để mẹ hiểu và đặt đúng tên con mình thích. Muốn tên Hoa hay Khoa, thì khóc oa… oa… oa…, muốn tên Khuê hay Khuể lại khóc uê… uê… uê…. Muốn tên Hoè hay Khoẻ thì phải khóc oe… oe… oe… Còn con ấy mà”. Cả hai đứa chúng cháu tranh nhau “ương… ương… ương…”  “ưng… ưng… ưng…” vang cả nhà. Rồi thi nhau hỏi mẹ khóc có giống lúc mới chào đời không. Mẹ bảo rất giống: “Sao các con biết mà khóc giống vậy?” Cu Tồ nhà cháu khoe ngay là bà Mụ dạy. Vì ông Toàn bảo thế. Thì ra giờ cháu mới hiểu chúng cháu đã là học trò từ khi còn trong bụng mẹ, đã biết học đủ mọi thứ cùng “Những người bạn của Thai Nhi” cơ đấy, nhất là chuyện học bơi, đã biết bơi từ khi còn trong bụng mẹ thế mà lâu rồi mải tập đi tập chạy, cháu đã quên mất bơi như thế nào. Tập mãi, còn cầu cứu cả chuồn chuồn cắn rốn mà vẫn chìm. Nhưng nay cháu tự tin hơn, hôm qua cháu đã dám xuống ao để tập bơi và đã biết bơi…bằng cây chuối rồi.   Nhưng ông ơi, nếu phải nói “khoái khẩu” nhất (vì cháu cứ phải đọc thật to thành tiếng cho em cháu nghe nữa) là đọc truyện “Máy đánh thức” ông ạ! Vừa bất ngờ lại dí dỏm, mỗi đoạn văn đọc xong là cháu lại hi hi cười. Vì sao ông lại hiểu rõ lỗi ám ảnh hằng đêm của tụi cháu đến thế. Câu chuyện cứ lôi cuốn như chuyện đánh bi, nhảy dây hàng ngày của tụi cháu vậy. Nhất là cu Tồ, nhưng không hề gà tồ mà bởi vì hằng đêm nó hay “tồ dầm” giống như cậu bé lớp hai mà vẫn “tồ dầm” trong câu truyện của ông ấy, nên nhà cháu gọi là cu Tồ, cu cậu nghe truyện cứ rúc rích cười suốt, có lúc còn đỏ mặt như bắt gặp chính bản thân mình khi nghe đoạn “Sáng qua, khi cô bạn hàng xóm, sang rủ đi học, gặp đúng lúc nó vừa trong nhà tắm bước ra, tay cầm cái quần ướt đáy.” Chao ôi, trông mặt nó bần thần như chính truyện của mình bị ông đưa lên trang văn vậy. Song, Tồ lại nhe rằng cười tít vì cũng phần nào được an ủi bởi qua truyện ông viết, nó biết cũng nhiều trẻ em bị mắc căn bệnh nan giải “quấn ra đài” này chứ không riêng gì mình. Còn cháu thì tủm tỉm cười vì đối với cháu thì chuyện “tế nhị” ấy đã “cắt cơn” từ khi cháu đi lớp “Mầm” trường mẫu giáo cơ. Cháu còn bị hấp dẫn bởi cái “máy đánh thức” được kết hợp giữa không gian cổ tích với thế giới internet hiện đại: “Một bình chữa lửa được nâng cấp thành máy đánh thức, sợi cáp được kết bằng các lọn tóc của cô Tấm, Nàng Tiên Cá, Nàng Bạnh Tuyết…” Chắng giấu gì ông nhờ cách viết cụ thể, sinh động về cái máy đánh thức của ông nên cháu tự chế được, khiêm tốn gọi là que đánh thức, một túm tóc vàng hoe đuôi bò của cháu buộc chặt vào một cái ống nhựa - bắt chước truyện của ông ý mà, để chữa bệnh “quấn ra đài” của cu Tồ và để cù vào gan bàn chân những ai trong nhà ngủ say không biết trời đất gì sất, sáng rồi chưa biết đường dậy - Mà hu hu người ngủ quên trời đất kinh khủng nhất lại là cháu mới khổ chứ. Truyện này, cháu đọc đến mấy lần rồi mà đọc lại vẫn thấy như mới, giống như hôm nay cháu chơi trò thả đỉa ba ba, trò ô ăn quan rồi, chốc chơi lại, mai chơi lại vẫn thích thú lắm. Còn cu Hưng Tồ khoái nhất là kết truyện thật hóm hỉnh, không những mỗi đêm trước khi đi ngủ, mà hễ rảnh lúc nào là nó bắt cháu đọc cho đoạn “Các chú lùn xúm quanh giường của ông bác sĩ, hướng bảy cái vòi chứa lửa, xịt nước (lần này là thứ nước thiệt) vào chỗ đái dầm của ông ta.

Sáng hôm ấy, thức giấc, vị bác sĩ ngạc nhiên hết sức vì đã lâu lắm ông mới lại đái dầm”. Đoạn này đọc đã thật đấy, cu Hưng nghe còn đã hơn nhiều vì nó không phải mất hơi đọc, không bị mệt, nó cười khanh khách. Đúng là tâm lí của người hay đái dầm, ông đã an ủi bọn trẻ con bằng một đoạn kết hả hê, hậu hĩnh, chuyện ấy lại xảy ra hồn nhiên với ngài “bố bác sĩ kiêm chữa bệnh qua mạng”, có thế chứ, ai mà chẳng có lúc như vòi nước hở van!

Ông Toàn ơi! Ngày nào cháu cũng có thể đọc được một truyện vì chỉ cần 3 phút thôi là cháu đã đọc xong một truyện và được một nụ cười tủm tỉm dài hơn 3 phút, dài đến cả khi cháu ngồi học bài. Còn em cháu thì cứ giở sách ngắm tranh vẽ minh hoạ cho truyện không biết chán. Cảm ơn ông đã cho cháu biết: không phải chỉ từ khi cắp sách tới trường mà đã bắt đầu từ khi còn là “một dấu chấm trong bụng mẹ chúng cháu đã “biết sống, biết nghe, biết học”. Bây giờ đã đến giờ cháu học bài rồi. Cháu chúc ông luôn mạnh khoẻ để viết được thêm nhiều truyện kiểu“ hai trong một” như “Học trong bụng mẹ” để chúng cháu vừa được đọc truyện hay vừa được bắt chước học theo nhiều điều bổ ích nữa chứ!           

 

                                                                Kính thư

                                                           Nguyễn Mai Hương

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn