Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn Phan Đình Minh

16-05-2011 08:09:29 AM

 

Nhà văn Phan Đình Minh

Ba ngày và một lần

 

 

Ba ngày tôi thoả tò mò và một lần để anh có cớ làm quen sau mấy năm để ý...

Message: “Ngày mai Thảo có ra Hà Nội ?”

Tôi tủm tỉm cười. Bấm máy:

“Em ra rồi và đang ở số... Nguyễn Biểu”

“Gã này, ngu ngơ hay cố tình quên vậy”. Sau, tôi khẳng định: “Anh chàng  ra phết, mình đã báo chắc chắn hôm nay ra... bầy đặt”

“Thế à (lại còn trầm trồ nữa!) Cuối giờ, mời em ly trà nóng và xin đề tài ?”.

Khiếp, con trai Hà Nội. Tôi nghĩ nhanh.

“Chỉ sáu mươi phút thôi. Tối, em bận họp trù bị... anh kêu cả Dũng nhé”.

“Ok”

“Sao hắn không gọi mà cứ nhắn tin thế?” Và tôi nghĩ nhanh: “Message nhiều khi là ngôn ngữ giao tiếp tế nhị mà phone không sánh kịp - mình bấm máy, chờ mãi mới thấy anh ta trả lời? anh chàng - gõ máy tính mổ cò”.

Nắng lách tách đan. Gió chàng màng trong tiết trời Hà Nội hanh hao.

Tôi lững thững ra cổng khách sạn đợi Huy.

Chuông...

 Đổ dài...  tôi không bật máy.

Có 4 người trước cổng

Một, ngồi trong chiếc Mét-xê-đét màu đen, nhìn đường bàng bạc - Không thể là.

Một, tóc hoa râm đứng tựa vào gốc hoa sữa cổ thụ đọc tờ Tin chiều - càng không phải

Chuông ngắt...

Một anh chàng trên chiếc xe máy Vecpa PX-150. Có thể.

Càng đúng khi anh ta rút máy điện thoại và ấn số.

Chuông lại reo...

Tôi thong dong, bước đến gần...

- Thảo phải không?

- Dạ

- Sao em không nghe?

- Tiết kiệm và để nhận ra ai cần gặp.

- Dũng đâu anh Huy?

- Anh có phôn vào số máy cơ quan nhưng không có người thưa

“Nghi ngờ”

- Anh sẽ gọi ngay.

Huy ấn số... “Alô...đến ngay... ok. 5 phút tới cổng hả ?”

- Sao Dũng nó gọi em chỉ tên không ?

- Nó kém tuổi. Thì lâu. Quen rồi, không đổi nữa...

- Hay nhỉ !

Quán Cà-phê khiêm nhường. Qua cái cửa hẹp là gian nhà để xe, sau - tràn không gian ấm cúng và rất thiên nhiên. Ba người tìm chỗ dưới một mái vòm. Đây kia lác đác vài ba bàn có người ngồi nhưng từng đôi, từng đôi.

“Thảo thật tuyệt”

Mắt Huy nói vậy.

- Khen thì khen đại.

Huy mỉm cười, sắc mặt anh chờn chợn. Huy đọc ra, sự nhạy cảm của tôi đã  tới độ vô chiêu.

Chống tay lên cằm. Mắt tôi mở to, mơ màng.

- Nè... anh (ngọt ngào và thoang thoảng)

Kéo khoá túi xách đưa gói quà cho Huy. “Vẫn Cà-phê Ban-Mê. Thứ, bốn năm nay mình ghiền, nhưng giờ là G7 - Tuyệt” (lại đọc được trong ánh mắt Huy) - Còn Dũng - Mè xửng loại đặc biệt đó - Đại lý bánh Huế ở Sài Gòn”

- Tôi biết mà -  Dũng thở dài: Bên Huy tôi chỉ là cậu bé

Huy ngả đầu ra sau ghế, nhâm nhi ly cà-phê đặc sánh, lơ đãng nhìn người bạn gái đối diện và chăm chú nghe tôi cùng Dũng đối thoại.

Tôi đẹp. Đẹp nổi tiếng trong Tổng công ty. Cánh đàn ông vè vè quanh khi có dịp, mặc dù biết chuyện gia đình tôi hai năm nay có hướng cải thiện. Hùng đã quan tâm lại hai mẹ con và hè rồi còn về  nước, mặc dù chúng tôi vẫn ly thân. Huy cũng là một vệ tinh nhưng... đậu. Huy là một giám đốc giỏi. Ly dị vợ được mười năm và dị ứng rất nhiều với những người đàn bà ít nhạy cảm. Cách đây bốn năm Huy có vào Sài Gòn, chỉ thoáng gặp tôi trong buổi hội thảo về chất phụ gia chống thấm trong những công trình giao thông do công ty phía Nam tôi nghiên cứu. Một năm nay, Huy nổi cồn biệt danh fairplay Director nhất Tổng công ty. Dứt khoát Huy đã choáng khi gặp tôi. Sau đó vài cú phôn... bâng quơ, mấy câu hỏi thăm sức khỏe - một hai Message nhầm - ầm ờ. Tôi biết tỏng. Và tôi tò mò...

- Anh đưa Thảo đi ăn nhé?  ăn cháo trai - Trần Xuân Soạn

- Dạ (không biết mình cố tình hay nai từ hồi nào, nhưng biết chắc vẫn chỉ : tò mò)

Chiếc bàn nhỏ tận góc quán.

Bóng đèn đỏ đọc.

Nồi cháo trai nghi ngút.

Ngoài đường mờ sương. Nhiệt độ buổi tối giảm xuống chỉ còn mười một độ.

Tôi ngắm kỹ Huy. Đẹp trai. Rất Hà Nội. áo pun bên trong áo len mầu cà-phê cháy - Lại xắn tay. Tóc vuốt ngược. Miệng rộng. Đùi dài. Huy vẫn còn rất trai trẻ dù tuổi đã ngoài bốn mươi.

- Kỳ này về Sài Gòn, chắc nhớ món cháo trai!

Tôi nói bâng quơ. Mắt lại nheo nheo nhìn chàng giám đốc đối diện. Huy đỏ mặt. “thật không uổng”.

- Nè, em hỏi!

- Em hỏi đi

Tôi cười. Nhìn, như tích phân con mồi cao gần mét tám và cũng nặng suýt tám mươi ký lô.

- Tại sao muốn tham khảo cái đề tài cũ rích của em?

- Dự án điều tra cơ bản thị trường Tổng công ty - đề tài của em là một phần dữ liệu và

- Và đấy có phải cớ ?

- Còn em?

- Em tò mò

- Cháo trai ngon không?

Tôi lại cười khúc khích.

- Cũng thường. Quan trọng là ăn với ai và khi nào.

- Đến giờ rồi đấy. Nhanh lên, anh đưa về  khách sạn!

Ấm áp, tin cậy và dễ chịu. Tôi núp sau lưng Huy. Khẽ ngả đầu. “khùng ơi - đây có phải tò mò!”. Liệu nhiều năm sau mình có quên cảm giác êm êm, ấm ấm này?

 

-------------

 

Đại hội Công đoàn Tổng công ty tiến hành hai ngày. Hai ngày, Huy đi công tác ở Bắc Giang. Xen kẽ những lúc giải lao là: Vệ tinh vè vè... bạn bè gặp gỡ, trầm trồ... người mời đi ăn. Người được nhận lời thì vui vẻ. Người bị từ chối thì tỏ ra trách cứ... Một vài ông bạn phía Nam ra, xỉn tối  ngày.

“Anh vừa về. Anh có thể gặp em năm phút”. Ủa sao mình quên bẵng Huy. Năm phút để làm gì - mà 22 giờ 30 rồi. “Anh có thể đến... Nhưng không lên phòng được vì  em đang ở với một chị. Em chờ anh ở lễ tân” . “Anh muốn bên em lòng vòng mấy con đường vắng ở Hà Nội”. Nghe cũng hấp dẫn. “OK”

Trông Huy khác hẳn. Quần áo xuềnh xoàng, dáng vẻ hấp tấp, nói  ấp úng. Lại đi xe Hon-đa đời 82-89 thấp tè - Thật khác với Huy cách đây hai ngày. Tôi chau mày và lắc lắc vai mấy cái. “có phải cảm giác vừa gặp mấy vệ tinh - đa mầu sắc trong đại hội - hay, Huy đang hiện nguyên bản thể hoặc chuyến công tác Bắc Giang không kết quả - Thôi cứ đi - Lại tò mò”

- Lên xe đi em

- Anh không gạt để chân, lên sao!

- Ôi, xin lỗi

Huy lật đật, dựng xe rồi hạ hai bên để chân xuống, ngẩng lên, thoáng nhận ra chút nhăn mặt của tôi “Khiếp, như một ông già”. Mùi gì? Thôi rồi, mùi xà bông khen khét - Ca-may nội địa, có phải? Mà sao lại mang đôi dép da cũ kỹ. Huy không còn hào hoa sau bốn mươi tiếng đồng hồ.

- Em không nói gì?

“Vô duyên”

- Biết nói gì

- Gì cũng được

- Ôi buồn ngủ - xong câu này, tôi thấy mình quá đáng.

- Hai mẹ con độ này đỡ đỡ rồi nhỉ?

- Sao biết... đỡ đỡ

- Thì Huy nghĩ vậy.

- Cám ơn

“Tẩm thế ” (mình học cách nói ngoài Bắc khi nào không biết?). Và bất chợt trì người xuống yên xe. Tay lái Huy bỗng đảo, anh quay đầu lại, lại bắt gặp khuôn mặt kém bản sắc của tôi.

“Anh ta vẫn không cảm thấy gì!” Mà cứ cho xe chạy vòng vèo thế này. Đường Hoàng Diệu rồi đường Huy Đình Phùng... Yên Phụ, quay lại Tràng Thi...

“Khùng quá”

- Em thoải mái chưa?

“Hết sạch tò mò thì có”

Tôi không trả lời. Chỉ nghĩ.

Huy quay đầu lại!

Tôi chẳng nhìn!

- Thoải mái gì?

- Hà Nội về  đêm ấy?

- Đâu có gì?

“Chẳng lẽ lại nói câu hôm nọ bên bàn cháo trai: Quan trọng vẫn là đi với ai, trong hoàn cảnh nào”
- Ngày mai anh đến mời em ăn sáng nhé ?

- Ăn sáng có gì mà phải mời!

- Thì anh nói vậy.

- Cũng được.

Tôi nhận lời và biết chắc, món ăn nhanh sáng mai sẽ chỉ để... nhớ bữa.

Tôi lên giường đi nằm và chợt nhận ra chiếc cành dài của gốc hoa sữa già vươn vờn vàn lá, chi chít nụ hoa ngan ngát cạnh cửa sổ phòng tôi.

Giấc ngủ đến dịu dàng, không gợn bóng dáng Huy.

Giờ này bên ấy, Hùng chắc đã dậy đi làm.

Hùng là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ. Mấy năm, làm ăn được. Hàng qua lại, đối lưu. Công ty anh kiêm đại lý độc quyền bán loại rượu vang đặc sản một nước ở Châu Âu. Công việc nhiều, cần huy động vốn. Anh thế chấp nhà cho ngân hàng, rồi vay cả lãi xuất cao. Chẳng hiểu nghe ai đó, anh quay ra buôn bán bất động sản và chuyện gia đình sóng gió. Rồi... thua lỗ, phá sản, nhà, xưởng bị cầm cố... may, người bạn nào đó giúp số tiền lớn, căn nhà hai vợ chồng chuộc lại được. Gần mười năm nay Hùng ra nước ngoài làm ăn. Anh có người đàn bà bên đó. Gần đây bỗng thấy thư anh... Có người về, anh thường gửi quà cho hai mẹ con...  Trước đó chúng tôi đã ly thân, chẳng hiểu sao tôi và anh vẫn không ly dị...

Tôi ra máy bay vào Sài Gòn sau khi từ chối gặp Huy vì biết chắc chỉ là những gói quà và có thể một lần vội nắm tay tôi...

- Chị Thảo - Tiếng cô gái lễ tân

Tôi cầm phong thư có đề tên Huy ngoài bì, đút vội vào giỏ xách.

Ngả lưng êm ái trên ghế máy bay. Bên ngoài bồng bềnh mây trắng. Dưới kia ngăn ngắt màu biển. Tôi bất giác với tay lấy lá thư trong xách ra đọc, và biết chắc  không phải tò mò.

“Em yêu !

(vớ vẩn) Em thật tuyệt. Nhân danh tình cảm đã có, anh xin em tha thứ lỗi lầm của anh (lão Huy khùng thật rồi, lại còn nhân danh những tình cảm đã có...?!) Anh biết không thể xa, không thể thiếu em. Không có em thì cuộc sống này vô nghĩa biết bao. Anh hứa sẽ giành hết những năm tháng sau này để bù đắp hạnh phúc cho em. Anh yêu em nhiều. Những người con gái trên đời với anh đều mờ ảo khi cạnh em. Yêu em!

 

(Anh gửi Huy mail này để kịp  chuyển cho em - Huy là bạn thân của anh hồi ở chiến trường Campuchia năm 1979. Căn nhà mình còn giữ được là nhờ số tiền Huy nhượng căn hộ tầng một ở khu tập thể Kim Liên trước khi đi làm luận án tiến sỹ tại Pháp) - Đô-xen-Bóc - Cộng hoà Liên Bang Đức./.

 

 

 

Dạy chồng

 

Thút thít, hu hu...

"Nói đi, cô này hay thật. Mau lên, anh đang họp". "Hu hu... nếu anh đang họp thì đành vậy. Em thôi". "Cái con dở. Thôi cái gì, đành gì. Đã phôn, đề xuất thì phải nói luôn chứ". "Dzà... em không đề xuất, hì. Chỉ nhờ anh một việc". "Hâm quá, nhanh, nhờ gì". "Là chuyện cái lão Thông nhà em". Cái thằng em rể thứ này, tôi hay vỗ vai những lúc đám chòng kèo bù khú dưới quê. "Mày là con trâu tốt trong nhà, em ạ". Thực tình, nó là rể, nhưng lòng tôi luôn thấy nó như ruột rà mình. Mà, tình cảm thì bắt nguồn xa xa, mênh mang cội rễ chứ không định là được. Giờ, độp một cái - Thút thút, thít thít. "Em không thể ngờ, lão hâm ấy đổ đốn thế"- Đổ đốn ra thế. Nó cờ bạc, hay rượu chè? "Bác nữa. Bác hiểu quá rồi, lại cứ phát chệch đi. Hu hu. Em chết mất thôi..." - Con bé này tinh thật. À, ừ. Thì thế nào, phải nói rõ ra chứ. Để anh tính. "Làm sao tính. Em chỉ mong bác bày cho cái lão dở vài chiêu". Bố bậy. Cô làm như tôi kinh nghiệm cái vụ cấy rẽ lắm mà bầy. "Hu hu, thế thì em chỉ có nước chết. Ai bảo kinh nghiệm đầy mình, chỉ vì bác tinh thông mọi chuyện từ trong nhà ra ngoài đường mà em cầu cứu thôi". Ra vậy. Tức là nó muốn mình dạy cái thằng em rể dại, chỉ biết lăn lưng suốt năm, cơm sáu bát, áo ba manh, cục sắt vào tay cũng thành gói... tiền. Tức là cô em gái muốn tôi cho chồng nó vài chiêu... với vợ phải ra sao, với con thế nào, ngoài đường phải lơ ngơ, cao tay, thấp ống để sống, để tồn tại... Mà tôi nghĩ rồi, như lời một anh nghệ sỹ hài nào nói, bên ngoài dễ, trong nhà mới khó. Với vợ, con, mới là khó cực. Phải luôn điều chỉnh, nguyên tắc để sao được tổ ấm yên yên, hạnh phúc mới là điều quan trọng.

Chuyện đại để thế này...

Vừa đi trèo mái, bắn đinh lợp tôn xong cái xưởng cách nhà bốn mươi cây số. Ông chủ quý anh thợ cẩn thận, làm hàng mà như làm cho mình. Ba say chưa chai. Bình rượu thuốc lục nạc toàn thứ bổ nào bìm bịp, dái dê, móng chân gà chọi vô địch, môi lợn rừng, lưỡi hổ mang chúa... vân vân, vân vân. Ông chủ sưu tầm mấy chục năm ngâm vào bình, rồi hạ thổ, rồi... chỉ quý ai lắm mới mời một chén. Thông nhà ta được ba. Lây bây, lẩn bẩn, về đến nhà, tối vừa toãi bóng kín sân đằng trước. Nhà quạnh quẽ, hiu hiu. Con Tấm, ngủ gục lên bàn học. Thấy bố dựng cái xe, mồm nó như gầu giai bổ bờ: "Bố mua cho con thạch rau câu". "Ừ, chờ bố tí, bố ra bà Mấm mua ngay". Ném cái xe máy vào gốc cây doi, Thông chạy vội ra cổng, mua cho con bịch quà. "Rượu lão này quện thật". "Ơ anh, đèo em ra đây một tí" - Con cái Tìm bán đậu, trọ bên hàng xóm, vồ ngửa lấy anh. Vú thây lẩy, quần thấp cao lệt bệt. "Mà sao cái mông con này lúc nào cũng tanh tách, nhẩy"- Thông nheo mắt. "Đi đâu, tối um thế này". "Ra cống Ngang, xem hộ em mảnh đất, giá tốt, mà khuôn tiền". "Tôi đang khăm khẳm đây, vừa đi Chí Linh về". "Bác biết em thèm hít mồ hôi người lao động lắm mà". "Cái cô này, rõ hếu"- Mà sao cái mông... rồi cái mông đặt phè ra lên cái gác đờ đèo chiếc xe hon đa 82, chạm cả đằng trước mông vào đít thằng Thông. Vú vê thỗn thệ cứ huỳnh huỵch xuống lưng thằng em dại tôi mỗi lúc nó tránh ôtô. Rồi không hiểu sao, sự việc thế nào, đất cát có khuôn tiền mà trưa ngày hôm sau, thằng Sàu chồng con Tìm, vác dao bầu, dao Thái lan, dao phay sang tìm thằng Thông nhà tôi. "Ông sang tôi, có việc". Mặt thằng Thông như xoa kem chống nắng. Bước chân vào nhà vợ chồng thằng Sàu rồi mà chân tay nó chẳng biết giấu chỗ nào.

 Câu chuyện nghe xong, tôi sơ sơ kết luận, đoạn đường xem đất của thằng Thông và cái Tìm dài một cây số rưỡi, đông người qua lại, thời gian đi chỉ mất có ba mươi phút đồng hồ thế. Tối, chỉ nhá nhem. Có mà Tôn Ngộ Không!

 "Ông lợi dụng tôi, giở trò mèo mả gà đồng, tôi từ trước đến giờ luôn thần tượng ông, thế mà ông lại ... lại..." - Vợ thằng Sàu choi choi như gà bị động kinh. "Con điên kia, lại ... lại... gì. Ông giết, ông chém đứt ngay cổ lão Thông"- thằng Sàu, gầm lên. "Chú phải hết sức bình tĩnh, chuyện vỡ ra, xấu tôi, và xấu cả chú"- thằng Thông huơ huơ tay. "Ông là đồ khốn nạn. Ông tằng tịu với vợ tôi, chắc lâu rồi... hôm nay tôi sẽ xong ông." Thông ta lùi lùi thì cổng đã khóa từ lúc nào. Mắt Thông tá hỏa tam tinh, nhưng ngay lúc này, nó vẫn nghĩ, không hiểu tại làm sao mình lại tốt tai, đèo cái con dở đi xem đất lúc đang phê thế. Mà kìa, có khách sao nó cấm mặc xu chiêng, cứ hền hệt... chẳng giống vợ mình tị nào. Không hiểu bây giờ nó có ghét tớ thật, hay chỉ bầy trò để có giá với chồng. Ôi, cái mông nữa... rình, rình - tiếng chân ai đạp vào cổng nhà Sàu. "Chú Sàu nhờ anh Thông tôi việc gì mà lâu thế. Anh Thông, về có công an hộ khẩu đến kiểm tra đăng ký tạm trú, tạm vắng đấy". Con dao thằng Sàu đang chĩa vào Thông, cụp ngay xuống, thay vì trả lời cô em tôi, là động tác mở khóa cổng để Thông vọt ra đường. 
         Chuyện êm ru, chỉ có hai gia đình biết. Nhưng, chiến tranh xẩy ra lúc chiều bên nhà thằng bán đậu, đêm, rầm rầm kéo qua buồng ngủ thằng Thông.

          "Anh biết nói ra thế nào bây giờ, em cũng chẳng hiểu đâu. Có những chuyện sự đời, phải ngẫm, phải chờ thời gian mới thấu được. Anh đang khổ nhất  đời đây. Em ơi là em... ". Thằng Thông nửa quỳ, nửa ngồi trên sàn gạch.

          "Ông là đồ phản bội. Lòng tôi như rổ hoa quả. Sự đời, phải ngẫm, phải chờ... chờ cái đồ khốn nạn. Chỉ có ông biết, nó biết, trời, đất biết... Biết thế tôi không về quê lo việc. Giời ơi, giời, có khổ thân tôi không hả... Hu hu, ha ha."-  Vợ thằng thông nửa ngồi, nửa quỳ trên giường, tru tréo, méo giật.

       Đêm trắng.

Lần đầu tiên trong đời, vợ chồng em tôi biết thế nào là đêm dài. Thằng Thông so sánh, cái đêm này dài gấp mấy lần cái đêm nó canh vợ đẻ ở nhà hộ sinh phường... Ôi, đàn bà - Đầu thằng Thông cứ vang lên như búa quan tòa gõ.

"Phải viết cho nó vài chữ"- Nghĩ vậy.

Tôi thức rất muộn, để thảo lá thư. Thũng thẵng, con chim cú eng éc đầu hồi đánh tiếng. Tôi viết một mạch, ngúc ngắc vài lần, mãi rồi cũng xong. Mắt díp, tôi quăng người lên giường, thở phào. Đến khi ông mặt trời vứt xuống lan can nhà bốn năm quồng nắng nhạt. Lũ chim sẻ đói mồi ào ào bay đến cửa sổ gõ mỏ đòi ăn cơm nguội khô trên bẹ gạch, tôi mới bừng  mắt.

 Với vợ:

"Trợn ngược, xắn tay. Mặt vuông chữ điền. Mồm nhành đến ráy tai… Cô là con hâm. Tôi hỏi cô, một cây số rưỡi đường, nườm nượp người đi tôi làm được gì con ấy. Dù có thinh thích một tí khi hai cái thứ tuy to nhưng không được chắc bằng cô cứ bạch bạch vào lưng. Tôi hỏi, thế tôi là vận động viên đua xe công thức một mà bỏ được hai tay, xoay được người ra sau để... khốn nạn? Hơn mười năm nay, lòng tôi còn thật hơn cả ruột hoa quả, chứ nói gì đến... Tôi không hiểu, mấy chục tuổi đầu rồi, cô nông vậy. Cô thử so cô với nó, đành rằng nó trẻ hơn, nhưng sao có thể bén gót chân cô. Này nhé, nó mới lớp 8 bổ túc, cô thì cao đẳng; nó bán đậu, cô bán cửa xếp I nox chuyên dụng; tóc nó vàng hoe, tóc cô đen mượt; giọng nó ồ ồ, giọng cô như nước mưa tí tách... Nói tóm lại là trời có sập, cho tôi thêm tiền tôi mới rớ cái của ấm ớ hội tề, tim để trên vai ấy... Cô bắt tôi phải thề độc liền hè, nếu tôi có làm điều xằng xịt, quá đáng thì ngay bây giờ sét đánh tôi giữa ban ngày! Cô mà cứ hành hạ tôi, là cô đang vô hình chung đồng lõa với phường vô gia cư hại người lương thiện..."

 Với thằng Sàu:

"Hơ hơ, thằng kia... Mày có giỏi thì ra ngoài đường chơi tao. Năm tạ sắt ống bơ, tao đập một hồi là bẹp. Mày là cái thằng ép đậu, mày tin à. Cái con vợ mày đi xem đất nó chẳng gọi đèo. Rồi nó về rựng chuyện, nó nằm mơ trên cái yên xe tao. Tao thử hỏi, mày có bao giờ bắt gặp mỗi lần đi qua hàng đậu phụ tao liếc vợ mày. Thử hỏi, vợ mày có đáng để tao cầm tay, khi tứ xứ giang hồ, gái trẻ, gái đẹp thèm tao như nam châm gặp mạt sắt... Mày định xong với tao, thế mày đã rõ ràng tao đã ấy gì vợ mày. Hay, ngồi đằng sau, vợ mày ấy tao liên tục. Xấu hổ, mày ở đâu về đây, chỉ nghe cái con mụ đàn bà mụ mẫm mà gây mất tình hòa hảo xóm giềng. Thật tiếc, hôm nọ tao đã bảo với chú công an hộ tịch mày là em họ tao ở dưới quê... Đồ phủi tay sạch cám, đồ vu oan giá họa, đồ đàn ông nông choèn, nông choẹt... "

Với con Tìm:

 "Cô có nhớ là từ lúc ngồi lên xe tôi cô đã gây những gì, mà dù là thằng đàn ông bị cắt tôi cũng không thể không tăng nhịp đập tim. Ba mươi phút đồng hồ,... cô giỏi vẽ chuyện thật. Hay cô định tống tiền. Cô có biết con vợ tôi, nó có tiền sự từ kiếp trước đấy. Nó lại chơi thân với mấy gã công an hộ tịch ở phường. Nhà cô, thuê ở đây không hề khai báo tạm trú, tạm vắng, cô muốn bán đậu ở chợ, hay bán trên...rừng. Đến bây giờ, cho tới bây giờ, tôi cố nhăn đầu, bóp mật mãi mà chẳng thể nghĩ ra cái buổi tối chết tiệt ấy tôi đã làm gì. Mà nếu tôi có làm gì thì đấy là cái tay, cái miệng tôi bị ma men điều khiển, và vì cái của nợ của cô cứ nóng rực mông tôi. Rõ dơ! Không biết im đi còn già mồm, đồ xấu hổ, vô duyên..."

Đại để là rất dài, lá thư như là tổng kết đủ những điều phản biện hỉ nộ ái ố tôi dính những năm qua nhằm giữ nguyên cái thể diện bảnh bao tôi đang diện. Đẫy bốn trang giấy học trò.

Tôi cẩn thận dán kín và đề ngoài phong bì những dòng đầy trách nhiệm thương yêu gửi thằng em rể dại. Em gái tôi, nước mắt lưng tròng đón lá thư, như nhận cẩm nang thanh thư, xuôi tầu gấp Thái Bình.

--------------------

Tháng bẩy giỗ mẹ tôi, nhìn dáng điệu vợ chồng thằng Thông hồ hởi, mặn mà, tôi nghĩ lá thư tôi gửi đã phát huy tác dụng. Và tôi thật lạ khi suốt cả ngày thái độ, tính nết thằng Thông vẫn y sì, chẳng khác là bao, nhất là những lúc nó nói chuyện, qua lại tình tứ với cô em gái tôi. Cuối ngày, khi các gia đình ai trở về nhà nấy, cô em tôi khệ nệ bê can rượu tăm năm lít lên nhà trên biếu, để tôi mang về thành phố tiếp bạn bè. "Này, hình như thằng Thông...". "Dạ, bác cả. Hắn vẫn y nguyên...". "Ồ, thế lá thư". "Thì lá thư bác, hay, nhưng để truyền cho người ngoài, chứ chồng em, cứ vậy em thấy được hơn, chứ cao cầu, khó chửa...". "Cái con bé này, phí công tao..." ./.

 

 

 Đối thủ cờ

                                                                            

Từ Phú Thọ về quê, đất trong làng không có, xã liền chia cho  nhà tôi bốn sào trước cổng làng. Hình như nhà tôi là hộ đầu tiên, sau một vài gia đình con cái nhớn lấy vợ, ở riêng, xã đều điều ra đây. Cái xóm mới thành xóm Trại. Nhà ông Cượng là hộ ra sau cùng nhưng lại ở cùng dẫy, sát nhà tôi, vì lúc này địa chính của xã thấy đất nhà tôi rộng nên cắt một nửa cấp cho ông Cượng.

Đúng ra ông Cượng không phải hộ trong làng ra mà ở tận đồng Hụi chuyển về. Lý do tại sao nhà ông lại ở ngoài đồng thì tôi không biết, chỉ nhớ từ bé tí, đánh rậm, bắt cua, hoặc mót lúa trên cánh đồng này, khát nước là tôi thường vào bể nước nhà ông xin một gáo. Nhà ông Cượng ở mỗi mình trên cánh bãi cách làng đến ba cây số vừa là ruộng cao xen lẫn mồ mả. Ngày ấy tôi cứ tự hỏi tại sao ai cũng vào hợp tác xã, cũng ở trong làng mà ông Cượng này lại cá thể, lại ở ngoài cánh bãi vắng vẻ hoang sơ đến cọm người? Nhà cửa thì tạm bợ, cột không ra cột, kèo chẳng ra kèo. Người lớn nói, bố ông Cượng làm hương, lý, gì gì. Ruộng nhiều, tầng lớp trên nhưng sống có tình với làng, không như một số chức dịch. Trước khi hoà bình lập lại bố ông Cượng đem ruộng chia hết cho mọi người, chỉ giữ ba mẫu đất trên cánh đồng Hụi. Sau này tổ đổi công, rồi hợp tác xã ra đời. Nhà ông Cượng (lúc bấy giờ bố ông Cượng mất rồi) chỉ còn mẹ là bà Vách, em là Phúc, vẫn sống cá thể và không về ở trong làng. Mưa dầm nắng dãi, hai anh em  ông Cượng trần lưng trên mảnh ruộng miếng làm miếng bỏ. Thiếu nước, thiếu phân, cỏ mọc đuổi theo người vơ. Khoảnh nào thu được thì gặt cả sào chỉ xếp vừa vài quang, khoảnh nào trễ nải, cỏ, phân, không lo đến nơi đến chốn thì chỉ còn nước cho trẻ nít vào tuốt cổ bông. Vất vả qúa không kham được, ông Cượng liền hiến ba mẫu ruộng và cả miếng đất đang cắm nhà rồi xin vào làng. Chắc những người làm việc có ý ưu tiên nên không xếp ông Cượng phải ở dẫy sâu, mà xén đất nhà tôi cho.

Từ ngày làm hàng xóm,  tự dưng ông Cượng và cha tôi qua lại với nhau đều đặn vào các buổi tối. Mọi người không biết lý do chỉ có tôi mang máng...

Cha tôi ngày xưa có học hành. Ông nội tôi vì nghèo đói phải bỏ quê tha phương, cuối cùng ông chọn Đồng Bảng tỉnh Sơn Tây (Nhập thành Hà Nội bây giờ) là nơi lạc nghiệp. Lạc nghiệp vậy thôi chứ đi chán rồi, đất này có hơn gì chỗ khác, cũng vẫn nghèo khó lắm. Bà tôi gồng thuê gánh mướn cho mấy nhà khá giả ở phố Dật Nại. Còn ông tôi làm nghề bưng trống, rồi nấu kẹo bột, kẹo lạc bán cho người đi chợ chuyến dưới Sơn Tây. Nhúc nhắc thế mà ông bà tôi cũng nuôi được bác Phần và bác Thanh tôi. Trong bốn năm  vừa làm nghề bưng trống và nấu kẹo, ông nội tôi để ra được một chút tiền. Khi bà tôi có chửa cha tôi thì ông nội lâm bệnh hiểm nghèo. Biết không qua khỏi, ông bảo bà xuống tổng Phương cách thị xã Sơn Tây ba cây số, xin vị linh mục cho ông được ăn mày nhà thờ. Ông tính vậy, khi chết thì nhà thờ sẽ chôn và cho suất quan tài, không muốn tiêu vào số tiền ít ỏi ông đã dành dụm. Trước khi nhắm mắt ông dặn bà nội tôi: “Nếu đẻ con trai thì cố nuôi để giữ họ, còn đẻ con gái, ai xin thì cho, đừng... khéo chết đói cả bốn mẹ con”. Nói xong ông tôi mất. Nhờ số tiền ông góp lại, nhờ sự tảo tần của bà nội mà cha tôi tuy là con nhà nghèo nhưng mười phần cũng được bốn năm so với số con nhà có miếng ăn miếng để ở phố Dật Nại. Cha tôi học giỏi và học đến tận xéc-ti-phi-ca, nói tiếng Tây trơn như cháo chảy.

Khi cha tôi được mười tám tuổi, bà tôi đưa cha về làng nhận họ hàng. Bà gọi lần hồi hương đó là: “Cóc chết ba năm quay về”. Về làng, nhờ bà Xẹ làm mối, cha tôi lấy được mẹ tôi. Khi mẹ sinh tôi ra, cha đưa cả nhà lên Phú Thọ, nơi ông trẻ (em ông nội tôi) đang sống độc thân ở đấy. Cha có ý lên đấy cũng để nhờ vả và cũng để gần gận chăm sóc ông. Cha tôi là người có chút học, nên có công việc tại cửa hàng bách hoá, tức là làm bàn giấy. Giờ về quê, cha tôi chẳng quen công việc đồng áng, cầy bừa, cấy hái đều do mẹ tôi đôn đáo, cha chỉ loanh quanh việc nhà, trồng trọt cây cối rồi dạy phụ đạo thêm cho mấy đứa trẻ con trong xóm.

Ông Cượng cũng xuất thân từ gia đình hơi hướng tầng lớp trên ở chế độ cũ, vậy nên hai ông như tìm thấy ở nhau chút gì đó tương đồng hay gọi là hai ông có chút tâm đầu ý hợp cũng được.

Tối tối ông Cượng sang nhà tôi đàm đạo với cha, mà chỉ thấy ông Cượng sang chứ chưa khi nào thấy cha tôi sang nhà ông Cượng. Cha tôi và ông Cượng nói với nhau đủ chuyện đông tây kim cổ cả những chuyện dã sử dài của Trung Quốc thời Xuân thu chiến quốc rồi Hán Sở tranh hùng, Chinh đông chinh tây, Tam quốc diễn nghĩa, mười ba tập, bao nhiêu chương, hồi, hai người cứ thuộc làu làu. Cha tôi và ông Cượng còn đàm đạo về các món ẩm thực cao lương mỹ vị có khắp trên đời. Hôm nào cũng vậy, độ một tiếng đồng hồ sau hai ông bỏ bàn cờ ra chơi. Một ngọn đèn dầu hoả tù mù, một ấm nước trà  đặc. Bao giờ cũng mãi “tiếng thơ” hay “giành cho đồng bào Việt Nam  ở xa tổ quốc” cha tôi và ông Cượng mới lặng lẽ giải tán. Vài năm sau tôi thấy cha và ông Cượng không đàm đạo nữa mà đánh cờ luôn từ tối. Mãi khi đi thoát ly rồi tôi mới biết, sở dĩ cha tôi và ông láng giềng đấu cờ mãi với nhau không phải vì ham thích, hay vì tiêu khiển mà vì gần hai mươi năm  nay họ ganh đua bất phân thắng bại. Nói hơi quá, cha tôi và ông Cượng chỉ khác hai vị cao nhơn quái kiệt trong phim  trưởng Thần Điêu đại hiệp của điện ảnh Hồng Kông ở chỗ là không tìm đến tận nơi thâm sơn cùng cốc trên núi Tuyết Sơn tỷ thí thần lực, trưởng lực mà tranh ngôi cao thấp bằng tài lực, chí lực ngay tại nhà mình. Ngày đó, các giải thi đấu cờ tướng trong xã, huyện, hay giải thị trấn mở rộng, cha tôi và ông Cượng đều vào được đến trận cuối và hai ông đều lặng lẽ chia đôi giải mà ban tổ chức chẳng thể nào biết  lý do. Đến bây giờ nhà tôi và chắc nhà ông Cượng còn giữ lại tặng phẩm  đoạt giải của các cuộc đấu cờ bất phân thắng bại giữa hai kỳ phùng địch thủ.

Hàng năm cha tôi chẳng đi đâu xa, chỉ duy nhất trước khi giỗ ông tôi vài ngày cha tôi khăn gói tay nải gồm mấy thẻ hương, một chai rượu ngang, một cái đĩa nhôm, một con gà luộc, một đĩa xôi nếp. Tất cả được mẹ tôi chuẩn bị từ đêm. Cha tôi ra tầu lên Hà Nội, rồi đi ôtô lên thẳng thị xã Sơn Tây. Cha đi bộ đến nghĩa trang “Vườn ổi”. Cha đi thắp hương cho ông nội tôi. Sau này khi tôi lớn lớn một ít thì cha tôi cho tôi đi cùng. “Mộ ông nội ở đâu cha ?”. Lần đầu được cha cho đi thắp hương ông, tôi hỏi cha. “Cha không biết. Chắc ở quanh quanh quãng này”. Tôi rất ngạc nhiên, vì mỗi năm cha lại trỏ vào một chỗ ở cái nghĩa địa dầy đặc mồ mả lớn nhỏ, cũ mới, lương, đời các kiểu, có đến hàng nghìn, hàng trăm. Cha nói: ngày đó khi an táng ông, bà nội không được vào địa phận nhà thờ vì không phải là con chiên. Mộ ông đề tên thánh. Bà cũng không biết đích xác. Chỉ có ông trẻ sau đó trèo trộm vào. Ông trẻ cũng chỉ đoán khoảng chừng. Ba năm sau ngày ông nội tôi mất, vào một đêm mưa phùn gió bấc, bà nội, một bên gánh chiếc tiểu sành, một bên gánh cha tôi mò mẫm từ ngoài đường cái lớn (đường quốc lộ 11 bây giờ) cùng ông trẻ và mấy người định đột kích sang cát trộm ông tôi. Thế nhưng cả đêm hì hục tìm kiếm vẫn không đích xác ngôi mộ nào là mộ của ông tôi thì bị người trong nhà thờ  phát hiện. May, chạy thoát được. Bà Nội tôi buồn lắm, khóc mãi. Nhà tôi coi như thất lạc mất mộ ông nội tôi. Mọi người bây giờ chỉ biết mộ ông đâu đó trong khu nghĩa trang Vườn ổi này (ngày nay khu nghĩa địa vẫn mang cái tên vậy). Đã bẩy mươi năm trôi qua, cái nghĩa địa kín cổng cao tường xưa giờ trông hoang toàng đến thê lương. Tội nghiệp cha, năm nào cha cũng đi gần một trăm cây số lên đấy để thắp hương, khấn vọng  ông tôi.

Có một lần cha đi thắp hương cho ông nội tôi về. Như mọi khi, buổi tối ông Cượng sang chơi, thấy cha mệt nhọc. Ông Cượng buông câu: “Ông chỉ vẽ chuyện. Thắp hương thì thắp ở nhà. Cứ khấn, gọi to lên là các cụ bay về”. Chỉ tưởng nói chơi chơi, không ngờ cha tôi nghiêm mặt, hàng lông mày của cha dựng ngược. Ông Cượng phát hoảng, ngượng nghịu chống chế vài câu thăm hỏi nhạt phèo rồi ông Cượng lùi ra ngõ. Tối đó cha tôi và ông Cượng không  chơi ván cờ nào.

Ông Cượng có hai thằng con trai, thằng lớn tên là Há, thằng thứ hai tên là Chu. Chẳng biết có ý riêng gì mà ông Cượng này đặt tên cho hai thằng con như vậy. Thằng Há đến tuổi nhập ngũ. Đúng đợt xét đầu tiên, xã gạt lại vì ông nó là lý trưởng. “Thời bình rồi, lý lịch như vậy, không cho nó đi cũng chả sao”. Mấy người làm việc ở xã bảo với nhau. Cũng nói thêm, ông Cượng có bà em họ ở Hải Phòng, hình như là con ông chú, giầu có lắm. Thấy, năm  ngoái làng tôi cất chùa, hôm khánh thành, bà hiến những mười triệu đồng để góp cho dân làm tượng thờ. Một ngày, nhân dịp về quê tết thanh minh. Bà em đề đạt ý kiến với ông anh là muốn đưa mồ mả ông bà hiện nằm mỗi ngôi một nơi ngoài cánh đồng Hụi về một chỗ cho tiện việc nhang khói. Ông Cượng sau một hồi suy nghĩ, liền đưa ra ý kiến là chuyển cả ba ngôi về chính giữa vườn nhà ông. Với lý do: vừa an tâm lại vừa tiện việc hương khói sớm hôm. Bà em cảm động không nói được lời nào. Tức tốc xuống Hải Phòng xem ngày giờ tốt rồi bà lại ngược về quê, trong tay lưng vốn có thể bạt sơn, lấp bể... Bà em họ bỏ tiền hậu hĩnh chi toàn bộ việc chuyển mộ từ ngoài bãi về trong nhà, rồi làm bốn mươi mâm cỗ khao đến nửa làng. Ông Cượng mát mặt. Khi ba ngôi mộ yên vị khói hương nghi ngút trong vườn nhà ông thì lúc ấy bà em chính thức đặt vấn đề lo cho thằng Há đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Mọi chi phí bà chịu tất. Cũng là động viên ông anh, sau là gây tiếng thơm thanh thế chốn quê hương. Ông Cượng sướng muốn phát rồ. Ông như pháo thăng thiên, thấy ai đi qua cổng cũng mời vào nhà làm chén rượu. Mấy ngày liền phấn khích, ông Cượng quên cả sang nhà tôi đấu cờ với cha tôi. Ngày đó làng cũng người nói ra kẻ nói vào xung quanh việc ông Cượng chuyển mộ đặt trong vườn nhà. “Lão Cượng này tham tiền chứ lão làm gì có hiếu với tổ tông, với cha lão”. Có người lại đàm tiếu nghe đến ác khẩu: “Cầu lợi mà chuyển bãi tha ma về nhà thì quá lắm. Làm, mà không ở chữ tâm trước sau gì cũng sinh chuyện”. Không biết hư hư thực thực nhưng đúng một năm sau khi thằng Há đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc...

Thằng Há làm ăn được, gửi về cho bố nó mấy chục triệu. Ông Cượng cầm cái giấy báo lĩnh tiền mà tâm chí như mây gió. Ông huy động đến năm sáu người áp tải ông cùng với món tiền kếch sù suốt đoạn đường hai cây rưỡi số mà cứ như ngày xưa Tây dẫn tội phạm. Có tiền, ông Cượng nghĩ ngay đến chuyện xây nhà. Thế là mơ ước từ lâu của ông Cượng sắp thành hiện thực. Nhưng thật oái oăm, cái nhà xây to bề thế quay hướng đông nam muốn hoàn thành thì phải chuyển mấy ngôi mộ mà ông mới mang ở ngoài đồng về một năm nay! Ông Cượng liền điện ngay cho bà em ở dưới Hải Phòng về để bàn việc, lại rời mộ đi nơi khác. Bà em hoảng hồn, giở khóc giở cười trước quyết định xót xa dị mọ của ông anh con chú con bác.

Cuộc họp gia đình suốt cả ngày hôm đó không sao ngã ngũ được. Chỉ biết chiều tối bà em họ nước mắt lưng tròng, chân thấp chân cao ra tầu về lại Hải Phòng. Còn ông Cượng hùynh hoặc chạy theo, đoan khoán: “Nếu mười ngày nữa cô không về... là tôi cứ khởi công”.

Mọi người trong làng trợn tròn mắt...!

Trước ngày ông Cượng khởi công. Trời mưa to. Mưa rào như trút nước. ào ào quạt rách những tầu lá chuối ngoài vườn nhà tôi. Mưa xoay chiếc chậu nhôm mẹ tôi úp trên miệng chum nước nghe sèn sẹt ghê tai.

Bỗng tiếng kêu khóc của vợ con ông Cượng váng lên, át cả tiếng mưa gió ầm ào. Rồi bà Lựa vợ ông Cượng đầu tóc rũ rượi, áo sống sũng nước lao vào cửa nhà tôi như con thiêu thân. Giọng bà Lựa đứt đoạn:

- Bác... bác cứu nhà em với. Ông Cượng ông ấy đang đào mả.

Một lúc nghiêng đầu nhíu mắt, cha tôi cũng đoán ra chuyện. Mặt cha bỗng tái xanh, quai hàm bạnh ra. Cha nghiến răng kèn kẹt. Chỉ một bước, cha đã nhẩy phắt lên nóc chiếc bể nước mưa cao tướng, tiếp giáp giữa nhà tôi và nhà ông Cượng.

Giọng cha tôi réo lên. Nghe đầy ma lực:

- Lão thất phu tán tận lương tâm kia, lão đê tiện mình người đầu thú kia. Nếu lão không dừng ngay lại thì đừng trách ta. Lão có biết ta đây...

Cha tôi vỗ bùm bụp vào ngực mình:

... không biết mộ… Thế mà lão !

Lúc đó mọi người ai lấy đều hoảng sợ nhìn cha tôi múa may, phẫn chí trên nóc chiếc bể. Quần áo, đầu tóc cha tôi ướt sũng. Lão Cượng đứng như trời trồng chứng kiến sự giận dữ của cha tôi đến độ thoát thần. Bất giác lão Cượng giúi giụi người rồi quay đơ bên cạnh mấy cái mả đang đào dở. Lão bị ốm liệt giường suốt hai tháng trời mới dậy được. Mọi người trong làng ngạc nhiên không hiểu sao sau trận ốm, mồm lão Cượng méo xệch. Lưỡi trề trề, nói thì khó khăn như người đánh vật, mãi mới được một câu. 

Tôi đi thoát ly và thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Nghe mẹ tôi kể, từ khi ốm dậy lão Cượng méo không khi nào còn sang đấu cờ với cha tôi nữa. Chiếc bàn cờ lâu ngày không dùng, mẹ tôi cất tận trên gác xép.

                            

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...