Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chào mừng 55 năm Khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-2011)

11-11-2011 05:24:31 PM

VanVN.Net - Khoa Văn học là một trong những khoa lớn nhất, có truyền thống dài lâu nhất trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay. Đây còn là chiếc nôi đào tạo và trưởng thành của nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi. Trong số gần 1000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam có gần 100 nhà văn trưởng thành từ Khoa Văn học (36 nhà thơ, 33 nhà văn, 28 nhà lý luận phê bình văn học, 1 kịch tác gia). Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-2011), VanVN.Net xin trân trọng gửi tới các thầy cô giáo, các sinh viên đã và đang công tác, giảng dạy, học tập tại khoa Ngữ văn lời chúc tốt đẹp nhất. VanVN.Net xin đăng tải những bài viết thấm đẫm tình thương mến đối với “ngôi nhà chung” của thầy và trò khoa Ngữ văn…

Sinh viên khoa Ngữ văn đi thực tế ở Đại Từ - Thái Nguyên năm 1966 (Ảnh tư liệu)


Lớp tôi có gì đặc biệt

Nguyễn Phú Trọng

Tôi có thể nói ngay rằng: lớp tôi (lớp văn, niên khóa 1963-1967) là một lớp đặc biệt.         

Đặc biệt trước hết là ở chỗ rất đông, gần 130 người. Lúc đầu chỉ có hơn 60. Tôi nhớ buổi tựu trường còn thưa thớt lắm. Hôm ấy là một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9. Chúng tôi tập trung ở Giảng đường 1- phố Lê Thánh Tông. Trước lúc kiểm danh sách, tôi đứng chơi dưới vườn Tao Đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ “Trường đại học Việt Nam” sao mà thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen nhau còn rụt rè. Nhưng thấy bạn hữu ai cũng vào loại “siêu” cả. Không học sinh giỏi nhất nhì văn toàn miền Bắc (lúc đó mới chỉ có miền Bắc) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh, hàng khu vực. Tôi đâm ra thấy “chờn” và  “kiêng dè”. Vào học khoảng một vài tháng gì đấy thì được bổ sung thêm gần 30 người từ bên Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa chuyển sang. Cũng có nhiều tay cự phách lắm. Học một chặp, đến cuối 1964, đầu 1965, lớp tôi lại được tăng thêm hơn ba chục anh chị em nữa, từ các lớp văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh ở Liên Xô, Đông Đức chuyển về (để tránh chịu ảnh hưởng của trào lưu xét lại lúc đó). Thế  là lớp rất đông, lực lượng hùng hậu, gồm nhiều ngành và loại hình nghệ thuật. Số cán bộ lớn tuổi khá nhiều. Từ cơ quan, xí nghiệp đi học cũng có. Từ bộ đội chuyển về cũng có. Các anh chị từ Liên Xô, Đông Đức về hầu hết đều lớn tuổi cả. Loại như tôi mới mười tám, đôi mươi, nhưng nhiều anh chị đã tuổi “băm” rồi. Lớp có chi bộ riêng, có chi đoàn thanh niên rất mạnh. Vì thế lớp có điều kiện tham gia tích cực và sôi nổi các phong trào của nhà trường. Bảy tám đôi là người cùng lớp đã nên vợ, nên chồng, nên ông nên bà có lẽ cũng là nhờ ưu thế đó.

Cái đặc biệt thứ hai của lớp tôi là được chuyển chỗ ở, chỗ học qua nhiều nơi. Thoạt kỳ thủy là ở ký túc xá Láng (gần chùa Láng), cùng với Khoa Sử. Đây vốn là trường Dân tộc miền núi, sau chuyển cho Trường Đại học Tổng hợp và Trường Trung học Trung Hoa. Những ngày ở Láng là những ngày khá thú vị và có nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm của những sinh viên Văn khoa mới vào trường còn đầy mơ mộng, kỷ niệm của những anh chàng và cô nàng mới ở tập thể lần đầu. Có biết bao náo nức, biết bao điều mới mẻ, dễ xúc động, dễ buồn vui. Ở Láng được hơn một năm. Đến cuối năm 1964 đầu 1965 lớp tôi được chuyển về ở và học tại khu Thanh Xuân - Mễ Trì (Trường Chính trị của Bộ Đại học và Trường Đại học Ngoại ngữ). Trong không khí cả nước sôi sục đánh Mỹ, thanh niên học sinh sục sôi khí thế “Ba sẵn sàng”, chúng tôi đua nhau viết đơn bằng máu tình nguyện xin vào Nam chiến đấu, hối hả luyện tập, tập trận giả, tập hành quân, báo động, đào hào, đào hầm… Nhiều hôm từ 3 giờ sáng đã tập hợp đội ngũ có lá ngụy trang, có gậy gộc, vũ khí chạy mãi vào Hà Đông xuôi đường ven sông Nhuệ.

Nữ sinh tại KTX Mễ Trì (Ảnh tư liệu)

Đến hè năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra tới Hà Nội đã rất ác liệt. Chúng tôi được lệnh đi sơ tán. Lớp tôi là lớp đầu tiên lên đường để chuẩn bị cơ sở trường lớp nơi sơ tán. Đây là nét đặc biệt thứ ba. Đơn giản và gọn nhẹ, mỗi người một ba lô hoặc túi xách, chúng tôi đi tàu đêm lên ga Quán Triều (Thái Nguyên). Có cái gì oai vệ, thơ mộng; có cái gì bí hiểm, háo hức. Xuống tàu rồi đi bộ suốt đêm 35 cây số, qua suối, qua rừng. Tôi nhớ hôm đó sáng trăng, trời vào thu se se lạnh. Ai nấy đều bươn bả. Tôi lẩm nhẩm đọc thơ và tưởng tượng ra người chiến chinh trong thơ Chính Hữu:

Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Phơi nắng gió với hoa ngàn cỏ nội…

Những ngày ở Tràng Dương (Vạn Thọ - Đại Từ - Bắc Thái) là những ngày có biết bao sự kiện dội vào tâm hồn, ký ức của chúng tôi. Leo núi, luồn rừng, chặt cây, lấy nứa về làm nhà, dựng lán. Công việc thật là mới mẻ và hấp dẫn, nhưng cũng đầy ắp những nguy hiểm, gian truân. Những ngày nắng còn đỡ. Những ngày mưa mà leo ngược dốc, trèo lên núi cao, đường trơn, vực thẳm, vắt muỗi, gai cào… thật là không đơn giản. Ăn thì chỉ có bột mì luộc hoặc cơm ba phần độn ngô với canh rau muống suông. Nếu có hái măng, nhặt trám, lấy củi thì cũng bán cho nhà bếp để có tiền chi dùng. Được cái sắn, khoai khá sẵn, lại rẻ. Tối mua luộc mà ăn thêm. Có chàng thư sinh leo núi, nhưng tối về vẫn phải học rất khuya. Tôi còn kiên trì chép tay được gần một chục tập Thơ Mới (vì lúc đó không có điều kiện in ấn, phát hành như bây giờ). Cái hồi ở Láng chúng tôi cũng đã từng thức rất khuya, anh nào cũng ham học đến 1 - 2 giờ sáng. Học đến mức Đội Thanh niên cờ đỏ của lớp phải mời đi ngủ để đảm bảo sức khỏe. Nhưng lúc đó còn có điện sáng, có bàn ghế đàng hoàng, chứ những ngày ở Tràng Dương này chỉ có ngọn đèn dầu cải tiến và lấy giường làm bàn thôi.

Có lẽ vì thế mà đồng bào rất thương và quý chúng tôi, cưu mang, đùm bọc chúng tôi như con em trong nhà. Gia đình nào cũng nhường cho chúng tôi cả gian buồng để vài ba anh em ở. Thỉnh thoảng lại mời cơm, mời sắn. Hợp tác xã có nhờ cắt lúa, gánh thóc đóng thuế, đắp đập, vác gỗ làm nhà… thì lại cho gạo cho xôi. Ngày lễ, ngày Tết, xã viên được chia gạo, chia thịt thì thế nào thì anh chị em lớp tôi cũng được Ban Chủ nhiệm hợp tác xã cho như thế. Có lần Hợp tác xã cho chúng tôi cả một con trâu và hơn một tạ gạo để liên hoan lớp. Bốn thằng chúng tôi đánh vật suốt đêm mới thịt nổi một con trâu. Sáng ra mệt quá, bỏ cả lòng, cả ong sách…

Chúng tôi xác định phải vừa cố gắng học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào. Tối tối đi phát thanh thông báo tin tức thời sự; tổ chức triển lãm tranh ảnh tuyên truyền những chủ trương của Đảng và Nhà nước; biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con… cũng xôm trò đáo để. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu sao lúc đó làm được nhiều việc thế. Cũng hát hò, đơn ca, tốp ca; cũng múa sạp, múa ô, múa nón… đệm đàn ghi ta, ắc-coóc-đê-ông hẳn hoi. Đặc biệt là tài diễn kịch. Diễn những vở đặc sắc như Nổi gió, Đâu có giặc là ta cứ đi, Tay cày tay súng, Kiều (của thầy Hoàng Xuân Nhị), Ngày tàn của bạo chúa... Nói cho công bằng và khách quan, lớp tôi diễn kịch rất hay, rất có duyên, được đồng bào hoan nghênh. Đi biểu diễn khắp nơi trong vùng. Đi thực tế ở các đơn vị thanh niên xung phong làm đường trên Lạng Sơn cũng diễn. Và bạo phổi hơn nữa là dám kéo nhau về biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Hồi còn ở Láng đã dám kéo xe bò chở phông màn ra biểu diễn ở sân khấu hồ Thiền Quang thì lần này dám về mượn phông màn, quần áo, đạo cụ của Nhà hát Quốc gia để trình diễn, mời nhiều vị Bộ trưởng, Thứ trưởng đến xem. Ông Giám đốc Nhà hát ngạc nhiên đến tròn mắt!

Lớp tôi là thế đó! Học giỏi. Lao động cừ. Làm dân vận khéo. Diễn kịch hay. Sống với nhau thì đầy tình nghĩa. Cái hôm tiễn một số bạn lên đường vào Nam chiến đấu bên bờ Suối Đôi, kẻ ở người đi, vừa hào hùng, vừa xúc động. Bọn con gái khóc như mưa như gió. Bọn con trai không sao cầm được nước mắt mà vẫn hét to: “Hãy cười lên!”. Đến tận hôm nay, sau hơn ba mươi năm, chúng tôi đối với nhau vẫn rất nghĩa tình. Tuy kẻ mất, người còn; kẻ Nam, người Bắc; người đương chức, người nghỉ hưu; nhiều người tóc đã bạc trắng, có cháu nội cháu ngoại; mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng chúng tôi vẫn rất quý nhau, thường xuyên gặp gỡ nhau, vẫn “mày tao chí tớ”, vẫn sôi nổi trẻ trung như những ngày nào.

Âu có phải đó là cái rất cần thiết cho mỗi người chúng ta, làm cho hồn ta thêm phong phú, sức ta thêm dẻo dai, tình ta thêm bát ngát…

 

Giảng viên khoa Ngữ văn (Ảnh tư liệu)


Khoa ngữ văn tuổi “tri thiên mệnh”

Trần Hinh - K16

Vậy là, sau hơn nửa thế kỷ trưởng thành và phát triển, khoa Ngữ Văn, hay Tổng hợp Văn, cái tên thân thương thuở nào, nay đã bước sang tuổi 55. Tôi hình dung lịch sử năm mươi lăm năm phát triển của một cơ sở đào tạo Ngữ Văn hàng đầu đất nước với tuổi năm lăm của một đời người. Chợt thấy thú vị khi so sánh và nhận ra ở đó cả những đồng điệu cũng như khác biệt. Một con người khi bước sang tuổi 55 thật sẽ khó còn sự sung sức giống như khi người ta còn ở tuổi đôi mươi, mười tám, nhưng khoa Văn thì có thể. Đó là điều khác biệt. Nhưng con người ta ở tuổi 55 cũng sẽ không còn bồng bột, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt màu xanh như khi người ta còn mười tám, đôi mươi. Khoa Văn học cũng thế. Đó là sự đồng điệu. Vào những ngày khoa Ngữ văn Tổng hợp bước vào tuổi 55, tôi cứ luôn hình dung khoa Ngữ Văn qua so sánh có phần kỳ cục đó.

Cách đây hơn hai tuần khi bắt tay viết những dòng này, tôi có may mắn được dự cuộc họp kỷ niệm ba mươi năm ngày ra trường của khóa Ngữ Văn 22, một khóa học với số lượng sinh viên đông nhất trong lịch sử khoa (riêng lớp Văn học đã 180 sinh viên), được gặp lại và nghe những dòng tâm sự của các “anh chị 22” giờ cũng đã trên “ngũ thập”. Chứng kiến sự “háo hức” của một thế hệ sinh viên Ngữ Văn ngày nào, phần lớn đều đã “lên ông lên bà”, dù đã xa trường 30 năm, tôi xúc động như chính mình ngày nào mới bước vào trường vậy. Hóa ra những đồng môn cách tôi sáu khóa, cứ tưởng họ xa trường đã lâu, thành đạt trong môi trường mới (có nhiều anh chị hiện đã là Tổng, phó Tổng biên tập của nhiều tờ báo có uy tín, có anh như Nguyễn Thế Kỷ giờ đã gánh trọng trách phó Ban khoa giáo trung ương), vậy mà vẫn còn rất nặng lòng với ba chữ Tổng hợp Văn. Các anh chị ai cũng đều tâm sự trong sự nuối tiếc rằng, xã hội cứ mỗi ngày một phát triển, đời sống vật chất đi lên, khoa Văn cũng phát triển, nhưng sao vẫn có cảm giác mình đã đánh mất một điều gì thiêng liêng và quý giá. Bây giờ mỗi khi trở về trường, nghĩ đến trường, vẫn còn đó khoa Văn học, khoa Ngôn ngữ, nhưng ai cũng thấy thiếu và tiếc khi không còn ba chữ Tổng hợp Văn. Nói vậy để biết, cái nôi Văn khoa Tổng hợp một thời đã để lại ấn tượng sâu nặng đến thế nào. Là sinh viên Tổng hợp Văn khóa 16, bây giờ đang là giáo viên khoa Văn, tôi hoàn toàn chia sẻ và đồng cảm với những tâm sự sâu nặng của các anh chị K22 về “tổ ấm” một thời của chúng tôi và họ. Không tự hào về cái nôi đào tạo Ngữ Văn sao được khi mà cơ sở đào tạo hàng đầu về khoa học nhân văn của đất nước này đã từng “ngự trị một dàn sao”, những nhà nghiên cứu hàng đầu ngữ văn của cả nước. Hàng trăm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng được đào tạo từ đây. Hàng ngàn những nhà báo, nhà biên tập, nhà hoạt động xã hội, nghệ thuật, nhà giáo lừng lẫy và cự phách cũng lớn lên từ cái nôi này, dù khoa Ngữ Văn Tổng hợp ngày ấy và cả bây giờ không hẳn là cơ sở đào tạo đa ngành như thế. Có một thời chúng ta cho rằng, đúng như cái tên “Tổng hợp”, khoa Ngữ Văn đào tạo đa ngành, nên sinh viên ra trường dù ở bất cứ cương vị nào, họ cũng đều hoàn thành xuất sắc trọng trách xã hội giao phó. Tôi vẫn còn giữ được nguyên vẹn bức thư của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên là sinh viên khóa 8 khoa Ngữ Văn (lúc ấy giữ trọng trách Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) viết cho khoa nhân kỷ niệm 35 năm thành lập với những lời lẽ như sau: “Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy 35 năm qua, bằng sự phấn đấu không mệt mỏi, khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp đã không ngừng lớn mạnh và có những thành tựu rất có ý nghĩa trong công tác giáo dục, đào tạo. Điều đó đã được thể hiện cụ thể ngay ở cơ quan chúng tôi: số sinh viên do khoa đào tạo và được phân công về Tạp chí Cộng sản, kể từ những khóa đầu tiên cho đến nay, chiếm một tỉ lệ khá cao trong các thế hệ cán bộ của Bộ biên tập. Hầu hết các đồng chí đó, khi về tạp chí đều nhanh chóng làm quen với công việc và đã tự thể hiện là những cán bộ có phẩm chất, có năng lực, một số đồng chí đã có những đóng góp xuất sắc vào việc nâng cao chất lượng của tạp chí và đã được giao những cương vị phụ trách trong Bộ biên tập. Có thể nói rằng trong những thành tựu mà Tạp chí Cộng sản đã thu được trong 35 năm qua, có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ cán bộ từng là sinh viên của khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.” 

Tôi nghĩ những lời nói chí tình, chí lý của người giữ trọng trách cao nhất tạp chí Cộng sản thời ấy cho đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Khoa Ngữ Văn có quyền tự hào về điều đó. Nhưng từ bấy đến nay xã hội đã có biết bao nhiêu biến đổi. Khoa Ngữ Văn ở tuổi 55 hẳn cũng không thể giống với khoa Ngữ Văn của tuổi 35, hay 16, 22. Những biến động mạnh mẽ của xã hội theo cơ chế thị trường đã tác động quá nhiều tới một cơ sở đào tạo khoa học nhân văn hàng đầu trên cả nước. Không né tránh sự thật, tôi cũng muốn được hé lộ một thông tin có thể gây “sốc” với bất cứ ai là người từng yêu khoa Văn ngày nào rằng, năm học 2011 vừa qua, lần đầu tiên sau 55 phát triển và trưởng thành, khoa Văn học (cũng như khoa Ngôn Ngữ học) chỉ tuyển đợt một được năm mươi phần trăm sinh viên theo yêu cầu. Cho dù đợt tuyển bổ sung nguyện vọng 2, khoa Văn nhận được nhiều hơn số hồ sơ theo chỉ tiêu nhập học. Nhưng dù là như thế, hiện tượng xã hội ngày càng ít đi các bạn trẻ yêu thích học văn vào học khoa Văn đã cho chúng ta thấy một thực tế: nếu không thay đổi chương trình và phương thức đào tạo, nếu vẫn còn giữ mô hình đào tạo văn chương giống như thuở nào, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với những nỗi buồn lớn hơn. Một xã hội hiện đại và hội nhập có những quy luật phát triển riêng của nó. Dù có yêu mô hình Ngữ Văn Tổng hợp đến ngần nào, chúng ta vẫn phải biết tỉnh táo, dũng cảm đổi mới cách đào tạo văn chương. “Đổi mới hay là chết”. Đó không phải là một câu khẩu hiệu trống rỗng. Và ở cái tuổi 55, “ngũ thập tri thiên mệnh”, khoa Văn học hôm nay đã nhận thức rất rõ điều này. Từ nhiều năm qua, khi nền đại học nước nhà bắt đầu hội nhập với thế giới, khoa Văn học cũng bắt đầu có những thay đổi trong phương thức và quan điểm đào tạo. Việc đa dạng hóa nội dung cũng như phương thức đào tạo tại khoa Văn học (sau khi khoa Ngôn ngữ đã tách ra) đã được Hội đồng khoa học khoa và trường chỉ đạo sát sao. Gần bốn mươi năm trước đây, khi nhận ra nhu cầu của xã hội, khoa Văn học không thể thiếu chuyên ngành Hán Nôm, cái nôi đào tạo các chuyên gia nghiên cứu bề dày văn hóa của dân tộc, ngành Hán - Nôm ra đời, giờ đã tuyển sinh riêng, đã có cả ba cấp đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, đã trở thành một cơ sở đào tạo Hán - Nôm có uy tín. Cách đây gần mười năm, khi nhận ra sự cần thiết của việc giảng dạy và nghiên cứu liên ngành, một xu hướng tất yếu của khoa nghiên cứu xã hội và nhân văn trong thế giới phát triển hiện nay, nhờ sự trợ giúp của Quỹ Ford, tại khoa Văn học trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn đã có thêm chương trình đào tạo Điện ảnh học. Bộ môn Nghệ thuật học cũng chính thức ra đời từ hơn ba năm nay (tháng 3 năm 2008). Một đề án đào tạo thạc sĩ Nghệ thuật điện ảnh cũng đã được hoàn thành tại khoa và chỉ còn chờ sự phê duyệt của đại học Quốc gia Hà Nội là chính thức vận hành. Một vài năm tới đây sẽ có thêm chuyên ngành Nghệ thuật học gồm cả sân khấu, điện ảnh và một số chuyên ngành nghệ thuật khác, bên cạnh Hán - Nôm và Văn học. Một mô hình khoa Văn gồm “ba chân kiềng” (Văn học, Hán - Nôm và Nghệ thuật) sẽ hình thành ở khoa Văn trong một tương lai không xa. Tôi tin rằng các thế hệ sinh viên Tổng hợp Văn ngày nào giờ đây khi trở lại trường sẽ không bất ngờ và bỡ ngỡ, dù không chỉ riêng các anh chị, mà ngay cả tôi cũng thật tiếc lắm khi để mất đi cái tên quen thuộc Văn khoa Tổng hợp. Âu rằng đó cũng là một điều tất yếu. Mỗi xã hội phải có một yêu cầu riêng, mỗi thời kỳ phát triển, khoa Văn cũng phải tìm được cho mình một mô hình thích hợp để tồn tại. Hãy tin, dù không còn mang tên Tổng hợp Văn yêu dấu ngày nào, nhưng bằng bề dày kinh nghiệm của một cơ sở đào tạo Ngữ Văn 55 năm, và ở cái tuổi 55, “ngũ thập tri thiên mệnh”, khoa Văn học vẫn sẽ luôn giữ được sự trẻ trung, năng động và sáng tạo để xứng đáng với sự tin yêu của tất cả các thế hệ sinh viên khoa Ngữ Văn và xã hội.

Thầy và trò khoa Ngữ văn (Ảnh tư liệu)


55 năm một chặng đường

PGS. TS Đoàn Đức Phương (Chủ nhiệm Khoa Văn học ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)

Khoa Văn học là một trong những cơ sở đầu ngành đại học của cả nước về giảng dạy và nghiên cứu Văn học Việt Nam từ dân gian đến hiện đại, Hán - Nôm, Lý luận văn học, Nghệ thuật học, Văn học Trung Quốc, Văn học Nga, Văn học Pháp, Văn học Đức, Văn học Anh, Văn học Hy Lạp - La mã, Văn học ấn Độ, Văn học Đông Nam á, Văn học Nhật Bản, Văn học Triều Tiên - Hàn Quốc, Văn học Bắc Mỹ, Mỹ Latinh…

Đây còn là một trung tâm nghiên cứu văn học, văn hóa - nghệ thuật với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên luận có quy mô và chất lượng, có uy tín khoa học trong và ngoài nước. Nhiều bộ giáo trình và chuyên luận của Khoa đã trở thành tài liệu được hầu hết các trường đại học trên cả nước sử dụng có hiệu quả cao.

Từ tháng 10 năm 1996, Khoa Văn học bước vào một chặng đường phát triển mới trong cơ cấu của Đại học Quốc gia Hà Nội, một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của đất nước thời kỳ đổi mới. Hiện nay Khoa có đội ngũ cán bộ gồm 43 người, trong đó có 1 GS, 12 PGS, 4 TS, 3 ThS, 13 NCS. Mục tiêu phấn đấu của Khoa là đến năm 2015 sẽ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ với 85%  có học hàm, học vị, xây dựng 8 bộ môn với 3 bậc đào tạo (đại học, cao học, nghiên cứu sinh), có 3 chuyên ngành đào tạo (Văn học, Hán - Nôm và Nghệ thuật học) với 18 mã ngành thạc sĩ và tiến sĩ, nhiều hệ đào tạo cử nhân (chính quy, tại chức, cao đẳng chuyển hệ, văn bằng 2).

Từ ngày thành lập đến nay, Khoa Văn học đã đào tạo 54 khóa sinh viên đại học chính quy, 41 khóa tại chức, nhiều khóa mở rộng, chính quy không tập trung và cao đẳng chuyển hệ đại học. 55 năm qua, Khoa Văn học đã đào tạo 10.500 sinh viên chính quy, 3500 sinh viên tại chức, 117 Tiến sĩ và 449 Thạc sĩ. Hiện có 356 học viên Cao học và 24 nghiên cứu sinh đang học tập chương trình sau đại học ở Khoa. Hằng năm đào tạo 100 sinh viên Văn học hệ chuẩn, 20 sinh viên Văn học hệ chất lượng cao, 50 sinh viên Sư phạm Ngữ văn, 30 sinh viên Hán - Nôm. Hiện đang đào tạo 896 sinh viên chính quy.

Khoa Văn học là một trung tâm nghiên cứu Văn học, Hán - Nôm, Nghệ thuật học với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên luận có quy mô và chất lượng, có uy tín khoa học trong và ngoài nước. 55 năm qua (1956 - 2011), Khoa đã xuất bản 189 giáo trình đại học và sau đại học, 235 sách chuyên luận, 258 sách tham khảo, 1376 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, hàng nghìn bài trên các nhật báo, nguyệt báo, tuần san… Khoa Văn học là một đơn vị đã có 100% số giáo trình của tất cả các môn học khối kiến thức của ngành và chuyên ngành trong chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội quy định (45 giáo trình chuyên ngành Hán - Nôm và 50 giáo trình chuyên ngành Văn học). Hai bộ giáo trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh: Văn học dân gian Việt Nam, Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII. Các giáo trình tiêu biểu: Lý luận văn học, Văn học Việt Nam từ dân gian đến hiện đại (8 quyển), Văn học Nga, Văn học Pháp, Hán - Nôm cơ sở… Khoa đã tổ chức dịch 38 tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy và học tập.

Trong 15 năm qua, Khoa đã tổ chức 8 Hội thảo quốc tế gồm: Hội thảo Tương đồng văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc; Những vấn đề về văn học, ngôn ngữ Việt Nam - Hàn Quốc; Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản; Những vấn đề về văn học Việt Nam - Nhật Bản; Sự nghiệp văn học Anddescxen; Tiếp cận đương đại Văn hóa Mỹ; Hugo ở Việt Nam; Tân thư và xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tổ chức 9 Hội thảo khoa học Quốc gia: 25 năm nghiên cứu giảng dạy Hán Nôm; Đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học; Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai; Phong trào Thơ mới; Về huyền thoại; 30 năm nghiên cứu và giảng dạy Hán - Nôm tại Việt Nam; á Nam Trần Tuấn Khải trong mạch văn chương yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX; 50 năm Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám; Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học; Người đọc và công chúng nghệ thuật; Tiếp nhận văn học nghệ thuật ở Việt Nam thời kỳ hội nhập. Khoa liên kết tổ chức các hội thảo khoa học với các đối tác như: Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội; Khoa Ngữ văn, Đại học Huế; Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH và NV, ĐHQG TP Hồ Chí Minh; Trường viết văn Nguyễn Du; Viện Văn học; Viện Văn hóa Dân gian; Viện Hán Nôm; Hội Nhà báo Hà Nội (Tự sự học; Ngô Tất Tố và báo chí cách mạng Việt Nam; Văn học kỳ ảo; Lý luận và phê bình văn học thời kỳ đổi mới; Hội thảo kỷ niệm 240 năm ngày sinh Nguyễn Du…). Chủ trì chương trình NCKH cấp Nhà nước: Bảo tồn và phát huy di sản Văn hóa Huế. Thực hiện 4 đề tài NCKH trọng điểm cấp ĐHQG: Văn học Việt Nam thế kỷ XX; Văn học trung đại Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn; Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX; Văn học dân gian Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn.

Khoa Văn học đã xây dựng nhiều chương trình hợp tác có hiệu quả với các tổ chức, trung tâm Văn học, nghệ thuật lớn trên thế giới như Trường Đại học Lô-mô-nô-xôp (Nga), Trường Đại học Pa-ri VII (Pháp), Trường Đại học Hum-bôn (Đức), Tô-ki-ô, Ô-sa-ka (Nhật), Hán Thành, Bu-san (Hàn Quốc), Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc)… Nhiều cán bộ được cử đi giảng dạy Ngôn ngữ và Văn học ở các nước như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Lào, Căm-pu-chia…

Các thành tích thi đua khen thưởng của tập thể Khoa: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1995; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001. Khoa Văn học đã được tặng 38 giấy khen, 18 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, Khoa Văn học tin tưởng vững bước đi lên đạt nhiều thành tựu mới.

 

Khoa Văn học là một trong những khoa lớn nhất, có truyền thống dài lâu nhất trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay. Ra đời năm 1956, trải qua nhiều lần tách nhập với các tên gọi khác nhau như Khoa Xã hội, Khoa Văn-Sử, Khoa Ngữ văn, Khoa Văn học, cho đến nay Khoa Văn học đã đi qua một chặng đường phát triển 55 năm. Từ năm 1956 đến nay, hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Văn học đã và đang làm việc ở các Viện nghiên cứu, các trường Đại học và Cao đẳng, các Nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông, báo chí, phát thanh và truyền hình, các cơ quan văn hóa - nghệ thuật ở trung ương và địa phương… Trong số đó, nhiều người đã trở thành giảng viên, giáo sư, các nhà khoa học, nhà báo nổi tiếng, có uy tín nghiệp vụ, uy tín khoa học. Đây còn là chiếc nôi đào tạo và trưởng thành của nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi. Trong số gần 1000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam có gần 100 nhà văn trưởng thành từ Khoa Văn học (36 nhà thơ, 33 nhà văn, 28 nhà lý luận phê bình văn học, 1 kịch tác gia).

Hiện tại, Khoa Văn học, đã và đang có nhiều giáo sư, viện sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ chuyên ngành văn học tham gia giảng dạy, trong đó có nhiều giáo sư nổi tiếng mà tên tuổi của họ đã vượt ra ngoài khoa, ngoài trường, có những người đã trở thành những bậc thầy văn hóa. Nhiều giáo sư, phó giáo sư được nhận những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn