Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Fred Marchant: “Từ trái tim, tiếng vọng xuyên không gian, thời gian để đến bờ kia thế giới”

Bài: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu - 14-03-2012 12:23:24 PM

VanVN.Net – Sáng 14/3/2012, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hai Bà Trưng – Hà Nội), nhà thơ Fred Marchant – Giáo sư tiếng Anh, Giám đốc của Chương trình Viết Sáng tạo, Giám đốc Trung tâm Thơ tại Đại học Suffolk (Boston) có buổi thuyết trình về thi ca Mỹ, đặc biệt là thi ca đương đại Mỹ và những trải nghiệm của chính mình tại Việt Nam. Có khá nhiều nhà thơ trẻ, người yêu thơ Việt Nam đến tham gia, lắng nghe và trao đổi với nhà thơ Fred Marchant… Đây là hoạt động do Ban Sáng tác, Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói lời đầu và giới thiệu về buổi thuyết trình của nhà thơ Mỹ Fred Marchant

Nhà thơ, giáo sư Fred Marchant chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến ngôi nhà này (trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam - PV) với “người dẫn đường” là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào năm 1995, trong chuyến đến thăm Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh. Lần này tôi đến Việt Nam để tham dự Diễn đàn văn học Việt – Mỹ tổ chức tại cố đô Huế, sau đó tôi thực sự mong muốn được làm gì đó ở Hà Nội; chiều 13/3 tôi đã có buổi nói chuyện với các sinh viên trường Đại học Văn hóa và sáng nay, tôi rất vui mừng được gặp các bạn tại đây. Ở nước Mỹ chúng tôi không có Hội Nhà văn giống như các bạn, mà chỉ có các Trung tâm văn học thuộc các trường đại học hoặc các câu lạc bộ những  người viết văn. Tôi dạy về thơ và sáng tác văn học tại trường Đại học Suffolk, ở đó chúng tôi có xuất bản một tạp chí văn học (2 số/năm), chuyên đăng tải và giới thiệu các tác phẩm văn học tiêu biểu của các nước trên thế giới, trong đó có nhiều bài thơ Việt Nam…”

Nhà thơ Fred Marchant bày tỏ những ý kiến khá sâu sắc về Tiếng vọng: “Các bạn đều có thể thấy rằng, tiếng vọng bắt đầu từ âm thanh nào đó được lan xa, tỏa rộng theo không gian. Âm thanh phía đằng kia nhưng tiếng vọng ở đằng này, nó có gì đó liên quan đến thời gian, vì một âm thanh vang lên ở phía kia và vài tháng sau nó ở đằng này… Ghi lại những tiếng vọng trong không gian và thời gian là điều kì diệu mà thi ca làm được. Thi ca Mỹ và thi ca Việt Nam đã làm nên những tiếng vọng của mình. Tôi đã nghe được và nhận ra những đặc tính cơ bản giống nhau của hai nền văn học: đó là thi ca luôn khẳng định sức mạnh trong đời sống, giúp con người xác định được họ là người như thế nào; chúng ta – những người làm công việc sáng tác, đều quan tâm đến những vấn đề của thế kỉ XXI. Nhưng văn học Việt Nam và văn học Mỹ cũng mang những đặc tính riêng, vì vậy chúng ta cần nói chuyện với nhau – đó chính là tiếng vọng mà các nhà văn hai bên lắng nghe, tìm hiểu để sáng tác tốt hơn. Nhà thơ và người yêu thơ đều yêu và tin tưởng ngôn ngữ có ý nghĩa rất lớn giúp chúng ta hiểu mình là ai. Nhà văn, nhà thơ dùng ngôn ngữ để nói lên sự thật. Đôi khi những trải nghiệm có thể thay đổi đòi hỏi nhà thơ phải sáng tạo ra ngôn ngữ mới. Về công việc sáng tác, tôi luôn đặt ra hai câu hỏi: Lao động ngôn ngữ của nhà văn là gì và người viết văn làm thế nào để sống?”

Nhà thơ Fred Marchant cho biết, ông làm thơ từ năm 20 tuổi nhưng đến năm 45 tuổi mới in bài thơ đầu tiên. Fred đã từng tham gia quân đội Mỹ (thủy quân lục chiến) năm 1968 vì muốn biết về cuộc chiến. Khi sang chiến trường Việt Nam, gặp những “cậu bé” quân nhân còn rất trẻ, ông chợt hiểu ra rằng mình đã mắc sai lầm như bao người trẻ tuổi khác. Một năm sau khi tham chiến, Fred tìm mọi cách để được ra quân, cho dù phải trả bất cứ giá nào… Nhà thơ Fred nói: “Tôi phải mất 20 năm, sau khi trở thành một giảng viên, một học giả về thơ ca Mỹ mới hiểu được điều gì đó về Việt Nam. Vào tuổi ngoài 40, tôi bắt đầu viết về những trải nghiệm ở tuổi 20 của mình, về khoảnh khắc nói KHÔNG với chiến tranh, tôi gọi nó là “đỉnh điểm” nhận thức trong thơ của mình. 20 năm – đó là tiếng vọng rất dài trong cuộc đời tôi. Tiếng vọng ấy đã giúp tôi gặp được những người bạn Việt Nam đầu tiên: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vỹ... Chúng tôi cùng trao đổi về nghệ thuật và lịch sử. Sau đó tôi đã dịch, in những bài thơ của các bạn, trong đó rất đặc biệt phải kể đến bài “Sao không về Vàng ơi” của Trần Đăng Khoa. Khi tôi đọc bài thơ cho sinh viên của mình nghe, họ đều hiểu và rất xúc động với chi tiết chú chó nhỏ hôn vào bàn tay cậu bé mỗi buổi chiều đi học về. Tôi nói với họ rằng: Hãy nghĩ về tiếng vọng từ bờ bên kia thế giới.”

Kết thúc buổi thuyết trình, nhà thơ Fred đọc “Kỷ nguyên Việt Nam” và được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc bản tiếng Việt. Bài thơ mang nhịp điệu của bánh xe đạp quay giống như khi đạp xe và ném những tờ báo vào từng căn nhà dọc đường đi. Nhịp điệu này không có trong truyền thống thơ ca Mỹ. Tiếp đó, ông đọc bài “Huế trong đêm” được sáng tác khi cùng nhà thơ Võ Quê đến thăm Đàn Nam Giao.

 

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức đọc bài thơ của Fred in cách đây khá lâu trên báo Văn nghệ.

 

Cuối cùng, nhà thơ Fred dành thời gian giao lưu với các bạn thơ trẻ Việt Nam, ông trả lời tất cả những câu hỏi liên quan đến thi ca Mỹ đương đại cũng như những vấn đề về sáng tạo trong thi ca nói chung trên toàn thế giới…

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...