Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Kỷ yếu Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung - P4

(Tham luận Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung)

VanVN.Net - 18-10-2011 04:49:48 PM

VanVN.Net – “Sự đóng góp của hương sắc tư tưởng nghệ thuật từ các vùng miền chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó đã dung thông với cả nước, trở thành những giá trị Việt. Khi thực sự là những giá trị của thơ Việt, các định danh miền Bắc hay miền Trung miền Nam chỉ có ý nghĩa gốc gác, chứ không phải cục bộ”. (Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng)

THƠ ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM, NHÌN TỪ MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN

Inrasara

1. Mười năm sau đất nước thống nhất, khi các nhà thơ thế hệ chống Mỹ đã xong nhiệm vụ với hàng loạt trường ca sáng giá, - Mở cửa, một thế hệ thơ mới tìm cách đổi mới thơ. Ở đó, Nguyễn Quang Thiều xuất hiện với giọng thơ lạ biệt. Từ Sự mất ngủ của lửa (NXB Lao động, H., 1992) đến Những người đàn bà gánh nước sông (NXB Văn học, H., 1995), Nhịp điệu châu thổ mới (Hội VHNT Hà Tây, 1997) sang Bài ca những con chim đêm (NXB Hội Nhà văn, 1999), Nguyễn Quang Thiều đã làm trương nở tối đa giọng thơ tìm thấy. Đây không là sự thay đổi câu chữ nhỏ lẻ có tính hình thức, mà là một cách tân mang tính mĩ học. Còn lại, các cách tân của đại đa số nhà thơ ở các tỉnh phía Bắc không ít thì nhiều, vẫn kéo theo mình dấu vết truyền thống. Những người làm thơ mãi loay hoay. Mai Văn Phấn là một. Loay hoay suốt hai thập niên, từ Giọt nắng (1992) sang Người cùng thời (NXB Hải Phòng, 1999) đến tận Bầu trời không mái che (2010). Nỗ lực của Mai Văn Phấn để bứt phá khỏi cái cũ trở thành một hiện tượng. Hiện tượng thơ nổi tiếng tối nghĩa, khó hiểu, và gây tò mò. Không ít người yêu thơ đã tìm đến rồi bỏ đi. Người nhiệt tình hơn lo thử "độ" chìa khóa cho mình. Thường thì các chìa này không khớp. Họ dòm vào khe cửa thấy vài đốm sáng, nghĩ rằng mình đã "hiểu" nó. Có nhà phê bình đến thăm ngôi nhà kia - bắt chước lối nói của Phan Nhiên Hạo - đã "phải mang theo cửa trên lưng". Họ vài lần đập mạnh vào cánh cửa, rồi lại bỏ đi. Thơ Mai Văn Phấn vẫn cứ tối âm âm u u, với nhiều bộ phận độc giả(1).

Ở Sài Gòn thì khác. Thay đổi lối đã có truyền thống từ trước đó. Thơ tự do, có mấy tên tuổi lẫy lừng: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,... Hậu hiện đại sơ kì, Phạm Công Thiện với vô lượng từ xô đẩy nhau vỡ bờ vỡ đê, cuồn cuồn khó hiểu nhưng đẹp và lôi cuốn lạ thường; Bùi Giáng điên chữ, xáo trộn ngôn từ cả Việt lẫn Hán Việt vào bát quái trận đồ chữ liên tu bất tận, đọc chẳng hiểu ông nói mô tê gì cả nhưng vẫn cứ thích. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tôn Nhan án ngữ một cõi. Thơ huyền ảo lãng đãng sương khói, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ... Nghĩa là không thiếu bất kì thứ gì thế giới ngoài kia có. Quan trọng không kém là các bộ phận công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là các sáng tạo nghệ thuật.

Thế nhưng sau 1975, cả khu vực rộng lớn này hầu như mất trắng thơ. Mãi khi Nguyễn Quốc Chánh cho ra mắt tập Đêm mặt trời mọc (NXB Trẻ, 1990), không khí thơ Sài Gòn mới sống động trở lại. Lối quan sát thông minh, giọng thơ gân guốc đến cực đoạn của nhà thơ này đã đẩy thơ đến đầu mút bên kia tinh thần phản kháng. Rồi qua tuyên bố in ở phần đầu tập thơ Của căn cước ẩn dụ (2001) in photocopy, Nguyễn Quốc Chánh chính thức mở ra một phong trào in ấn và phát hành mới, dọn đường cho bộ phận nhà thơ chọn thái độ đứng ngoài lề sinh hoạt văn học chính thống.

Trần Tiến Dũng điềm tĩnh hơn. Nếu Khối động (NXB Trẻ, 1997) và Hiện (NXB Thanh niên, 2000) vẫn ít nhiều mang dấu vết của thơ miền Nam cũ, thì đến Bầu trời lông gà lông vịt (2003), Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai (2004) và tập mới nhất: Mây bay là bay rồi (2010), anh chuyển hẳn sang chân trời mĩ học hậu hiện đại. Ở đó, hiện thực xã hội được thể hiện nhiều chiều, đa tầng vừa đau đớn, sâu cay nhưng vẫn đẫm tình. Sự phát triển trì trì của phong cách và tinh thần thơ của Trần Tiến Dũng là một hiện tượng hiếm hoi.

Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quốc Chánh và Trần Tiến Dũng là bốn khuôn mặt quan trọng nhất của thơ Việt Nam thời Đổi mới(2).

Môi trường nào, thơ ca nấy.

Môi trường xã hội và văn học miền Bắc, trong thời gian dài, sự sáng tác và thưởng thức thơ không chỉ bị bó hẹp bởi khuôn phép hệ mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa mà còn bị quy định bởi chính quan niệm mang tính phổ quát của người làm thơ và người đọc thơ. Thơ là thơ ca, nó đòi hỏi sự trau chuốt kĩ lưỡng ở ngôn từ, chặt chẽ của tứ thơ, ý thơ hướng thượng, thi ảnh chọn lọc, giọng điệu phải nên thơ… để mọi người chấp nhận kêu nó là thơ.

Hậu Đổi mới, thơ miền Bắc có nhiều nỗ lực cách tân: - các cách tân đầy khép nép. Ngược lại, thơ Sài Gòn đã có những biến động lớn, qua sự xuất hiện của Nhóm Mở Miệng và Ngựa Trời, văn chương mạng và phong trào in photocopy, thơ tân hình thức với thơ hậu hiện đại,… Tất cả mở ra trào lưu sáng tác sôi động vô tiền [khoáng hậu].

Xin lưu ý, tôi không cho rằng đó là những giá trị.

Trào lưu hay chủ nghĩa các loại không là gì cả, nếu chúng không làm nên giá trị, - nhiều người nghĩ thế. Thế nhưng, cho dù không làm nên giá trị, chính sự có mặt của chúng khuấy khả năng động đời sống văn học. Sẵn sàng cho một nền văn học đầy ý thức phiêu lưu khai phá và sáng tạo.

2. Hai đầu đất nước như vậy, miền Trung và Tây Nguyên thì sao?

Mười năm đầu thiên niên kỉ mới, ta có thể điểm danh: Lê Vĩnh Tài, Trần Tuấn, Đinh Thị Như Thúy, Phạm Nguyên Tường, Lê Huỳnh Lâm, Hạ Nguyên, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Ngô Nhân Đức, Liêu Thái, Lê Hưng Tiến, Lam Hạnh, Tuệ Nguyên, Đoàn Minh Châu, Lưu Mêlan. Ở đây tôi chỉ đề cập đến các nhà thơ sống bám trụ tại miền Trung và Tây Nguyên, mà không bao gồm dân "bản địa" đã nhập cư các trung tâm văn hóa lớn. Và nhấn vào sự chuyển động, chứ không là "thành tựu".

Lê Vĩnh Tài (sinh 1966, Ban Mê Thuột) từ Hoài niệm chiều mưa (NXB Thanh Niên 1991) cho tận Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2004) vẫn làm loài thơ sến, một thứ thơ rơi rớt lại từ thuở lãng mạn hậu thời. May, thơ anh đã tự thức, cùng với hiện trạng xã hội và hiện thực đất nước. Hiện thực lồ lộ trước mặt và xung quanh:

                              rừng thành chật chội bước chân của người…

                              rừng bỏ chúng ta đi…

                              nỗi buồn tro than nỗi buồn của lửa

                              nỗi buồn di dân chật cả giấc mơ

                                                      (Vỡ ra mưa ấm, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005)

Khi nhà thơ chịu mở mắt nhìn ra ngoài, khi thơ “không còn đòi nói dối/ không còn nói câu này quên mất câu kia/ không còn những lời hứa nước bọt”, họ “bắt đầu tập nói”, tập nói lại.

                              tại sao không liên tưởng

                              hạnh phúc dửng dưng nỗi đau phá

                              giá oằn vai người nuôi cá basa

                              mắt người nuôi gà

                              nỗi kinh hoàng hố chôn dịch cúm

                              dường như chiều nay

                              chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa

                              cùng đóng lại ước mơ

                              với một ly cà phê Highland bốn mươi ngàn

                              khuyến mãi máy lạnh

                              quên mất ở Tây Nguyên bảy năm rồi cà phê bốn ngàn một ký

                              khuyến mãi mồ hôi

                                                      (Đêm và những khúc rời của Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2008)

Vậy, đâu là trách nhiệm công dân của nhà thơ? Đâu là sứ mệnh của thi ca? Khi câu thơ không biết sợ, đúng hơn - đã hết biết sợ, thơ buộc phải quay lại tự hỏi mình. Không có nhà thơ nào của ngày hôm nay truy vấn thơ quyết liệt và ráo riết như Lê Vĩnh Tài. Quyết liệt, nhưng không đóng thùng trịnh trọng, mà theo đúng phong thái hậu hiện đại: phong cách phi nghiêm cẩn. Anh đùa nghịch thơ mình, và thơ kẻ người cùng thời. Từ thơ cụ thể, thơ trình diễn, thơ hậu hiện đại, thơ siêu hình, thơ tục cho đến thơ biết sợ, thơ vô sinh, thơ dựa hơi, thơ chạy sô, thơ tắc tị, thơ hú họa, thơ hưu trí, thơ thương nhớ lũy tre làng. Bỡn cợt cả mấy nỗi phê bình thơ: phê bình tung hô, phê bình quan phương, phê bình du kích hay chỉ điểm, phê bình vuốt đuối hay mạt sát thơ,... Bắt đầu bằng “có một bài thơ...”, sự bỡn cợt đi suốt 50 thơ hỏi thơ, như thể cuộc ma-ra-tông tự thức, ít nhiều chua chát nhưng không thiếu tinh nghịch.

                              thơ cũng leo lên sân khấu  => xé giấy & trình diễn

                              ảo giác, nhảy múa, mở nhạc... và lên cơn đấm luôn vào mặt bạn (diễn)

                              và lần này thơ khóc hu hu

                              sau đó hắn hiền, nghe nói bài thơ đang đi tu

                                                      (“Thơ 3”, Thơ hỏi thơ, NXB Thanh Niên, 2008)

Trong khi ấy, ở nơi xa kia:

                              Bài thơ nghe kể:

                              “người nông dân 1: cống hiến nhiều nhất

                              người nông dân 2: hy sinh lớn nhất

                              người nông dân 3: hưởng thụ ít nhất

                              người nông dân 4: được giúp đỡ ít nhất

                              người nông dân 5: đè nén thảm nhất

                              người nông dân 6: bị tước đoạt nặng nề nhất

                              người nông dân 7: cam chịu lâu nhất

                              người nông dân 8, (đến đây bài thơ mệt quá, xin thôi nghe nhưng không được): là người tha thứ cao cả nhất...”

                              nghe xong bài thơ càng stress thêm. Vì thế sau đó bài thơ cũng ít về làng chơi, mỗi lần muốn xả stress bài thơ đi mát xa đâu đó ở gần nhà, xong xoa tí dầu Con Ó xanh rồi về với vợ

                                                      (“Thơ 32”, Thơ hỏi thơ, NXB Thanh Niên, 2008))

Cảm thức hậu hiện đại đã đẩy Lê Vĩnh Tài từ bỏ lối mòn cũ, lên đường truy tìm cách thể hiện mới, khác. Từ thơ kể cho đến thơ mục lục, thơ nhại hay thơ hỏi, thơ xóa nhòa lằn ranh phân biệt văn xuôi và thơ… để tạo nên một hiệu quả thơ đặc biệt(3).

*

Cùng thời và đồng hương, Đinh Thị Như Thúy (sinh 1965, Dak Lak) có cách thể hiện khác.

Câu thơ hay đoạn thơ được cấu trúc theo lối mở để hình ảnh sau vịn vai hình ảnh trước đó tạo thành một chuyển động liên hoàn và hỗ tương, tưởng như không ăn nhập gì nhau nhưng vẫn làm nên sự cố kết vừa chặt vừa trương nở.

Hoặc bài thơ mà những hình ảnh, ý tưởng không liên quan được bện bằng thủ pháp điệp. Điệp từ, điệp cụm từ, điệp tứ; điệp liền, điệp cách dòng, cả điệp trong một câu… Thơ ca dân gian chủ yếu được tiếp nhận qua truyền khẩu, nên muốn dễ thuộc lòng, ngôn từ phải giản đơn dễ hiểu, nhịp thơ đều đặn dễ ngấm, và… điệp. Thơ Như Thúy thuộc dạng hiện đại, nhưng vẫn cứ điệp.

                              đã quá lâu rồi

                              chúng ta không làm sao chạm được chân vào mặt đất

                              không làm sao thoát được cảm giác bị treo lơ lửng trong không trung

                              không làm sao có nổi nụ cười

                              không làm sao tránh được ý nghĩ

                              ta chẳng thể mang đến dù bất cứ điều gì cho những người thân quanh ta

 

                              đã quá lâu rồi

                              chúng ta không làm sao chạm được tay mình

                              vào tay những người mình yêu dấu

 

                              đã có sai lầm ở đâu đó trong chuỗi thời gian chúng ta sống

                              đã có điều gì đó không kịp thời

                              đã có cái gì đó chắn ngang đường

                                                      (“Đã có sai lầm ở đâu đó”, Phía bên kia cây cầu, 2007)

Rất nhiều bài có lối cấu trúc như thế. Quá nhiều nữa là đằng khác. Từ Phía bên kia cây cầu (NXB Phụ Nữ, 2007) cho đến Ngày linh hương nở sáng (NXB Hội Nhà văn, 2011). Thơ Như Thúy vừa hiện đại vừa dân tộc là vậy. Chính nó tạo cảm giác giọng thơ thi sĩ này đều đều và từ từ, ít nhiều gây nhàm chán.

Nhàm chán, mà người đọc vẫn cứ muốn ở lại với nó, không dứt ra được. Bởi ta tìm thấy ở đó tiếng nói sâu thẳm, một ước vọng mơ hồ rất gần gũi đang nói trong ta: Chạm mặt cuộc sinh hoạt thường nhật với nỗi mơ mộng lang thang qua miền xứ khác; trách nhiệm, bổn phận với tự do; xử với xuất; trì níu với giải thoát. Ta bị ma sát giữa thực và ảo, cuộc thơ và cõi người.

Thơ Như Thúy như cuộc hành trình dài đi vào nội tâm để mở cuộc độc thoại với nỗi cô đơn thân phận. Thân phận của tôi và chúng tôi. Nhiều lần đại từ nhân xưng “tôi” có mặt ở đầu bài thơ:

                              Tôi mơ cánh tay anh duỗi dài trên cát…

                              Tôi đã đứng sững cái nhìn trong khoảnh khắc đó…

                              Tôi đã ước mình chuyển động như cát…

                              Tôi đã cắt mái tóc của mình…

Cả khi “tôi” vắng mặt, nó vẫn cứ như lẩn quất đâu đó. Có khi nó biến thái thành đại từ nhân xưng số nhiều - “chúng ta”:

                              đã quá lâu rồi/ chúng ta

                              Không để tâm đến những lộ liễu phô bày/ Chúng ta

                              chúng ta đã bên nhau quá lâu

Chữ đầu tiên mở một bài thơ khả năng làm lộ bày tinh thần của người viết. Nếu chữ đó thường xuyên lặp lại thì đó là một ám ảnh. Ám ảnh làm nên nhịp điệu nội tại của cả tập thơ. “Tôi”, “chúng ta” - khi giáp mặt với mấy đau khổ của nỗi người, tiếp xúc với bấp bênh của tạo vật, đối thoại với người bạn đã mất. Nhất là “tôi”, “chúng ta” khi độc thoại nội tâm. Lời độc thoại từ tâm hồn người thơ thầm thì dội sang tâm hồn ta, mong tìm hồi đáp cho một nỗ lực hòa giải cuộc tranh chấp nhị nguyên gần như bất khả hóa giải. Là vấn đề muôn thuở của con người.

Nhưng thơ Đinh Thị Như Như Thúy không thuần hướng nội, bởi khi cần thiết, nó vẫn biết gióng lên tiếng chuông báo động về biến cố của cõi người, mãnh liệt không kém:

tin tức trong ngày tiền phong online tuổi trẻ online thanh niên online vtv1 vtv3 bản tin sáng bản tin trưa bản tin tối bản tin cuối ngày bản tin vừa mới cập nhật không có gì không có gì…

                              sao lại không có gì không có gì không có gì

                              sao lại không có gì không có gì không có gì

                                                      (Đinh Thị Như Thúy, Ngày linh hương nở sáng, 2011)

Trong xô bồ và hối hả của cuộc sống và cuộc thơ hôm nay, Đinh Thị Như Thúy chọn cho mình nhịp chậm. Nhịp chậm ấy khả năng giữ thăng bằng tinh thần con người thời hiện đại. Đây là điều hiếm trong thơ nữ Việt Nam đương đại(4).

Nếu Đinh Thị Như Thúy không ồn ào, ở dưới kia - Đà Nẵng, Đoàn Minh Châu (sinh 1984, Quảng Nam) càng lặng lẽ hơn. Gần như đó là thái độ lạc nhịp với thế hệ @. Không trả lời phỏng vấn, không chường mặt trên báo chí, trình [biểu] diễn thơ càng không. Tập thơ đầu tay M - N & Z do Minh Châu xuất bản, 2008 in photocopy, là một điều lạ. Lạ, bởi nhà thơ này đã chọn cư trú ngoài lề, khi lần đầu ra mắt thi đàn. Lạ hơn, tập thơ đã khẳng định được một giọng điệu riêng biệt.

M - N & Z là tập thơ tình, là thứ rất dễ nhảm và sáo, nếu người viết không cao tay, nhưng Đoàn Minh Châu đã không đi lại lối mòn đó. Nhà thơ đắm mình vào cuộc tình, tận hưởng mọị cung bậc của tình yêu, chịu đựng và chiêm nghiệm nó để cuối cùng - thoát ra khỏi nó.

Khác với rất nhiều nhà thơ nữ trước đó, Đoàn Minh Châu không háo ức với vồ vập, hết nỗi thèm khát mê cuồng hay táo bạo đầy cố ý - như Vi Thùy Linh. Không giải giới tính sắc sảo, độc đáo như Lê Thị Thấm Vân. Không tinh nghịch thông minh như Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Dù vẫn đa trạng huống và trạng thái với mấy đam mê cố hữu: siết chặt ngực, hôn cong vòng ôm khít eo lưng, siết anh nghiến anh bằng mưa lây rây... nhưng thơ vẫn tạo cảm giác luôn hiện thể ở thế tĩnh, thế chông chênh, hụt hẫng. Rất rõ về nỗi “lưu manh tình” đến lắm lúc muốn chối bỏ, thơ vẫn cứ trân trọng tình yêu đó, ngoái lại nhìn nó bằng ý thức điềm tĩnh lạ. Khía cạnh này, Đoàn Minh Châu đã đi một bước dài đưa thơ tình giảm bớt bản năng hướng đến suy nghiệm.

                              ... một cái tôi to đùng

                              tôi đã đem nhét dưới đáy chiếc ba lô cũ màu xám xanh

                              tách khỏi những gương mặt quen

                              tôi - người lạ

                              buổi chiều, café vỉa hè Nguyễn Du

                              ngồi nghe đường phố thở

 

                              nghe mình đang thở.

                                                      (“Tôi”)

                              mai mốt người xa rồi

                              tôi sẽ đổ tuột thành phố vào dòng sông Hàn nguội ngắt

                                                      (“Thành phố”)

Tôi đã là một tôi khác, hoàn toàn mới. Thơ tôi lần nữa, lại khởi động cuộc chơi mới(5).

Mới, như Lam Hạnh (sinh 1983, Khánh Hòa) đã một lần mới.

Thơ trẻ [nhất là nữ] lâu nay hay bị than phiền là quá chủ quan, quá hướng về cái tôi cảm tính mà ít mở ra bên ngoài. Lam Hạnh cũng khó thoát khỏi quỹ đạo đó. Ngực cỏ vẫn làm dáng với những “lưỡi bí mật”, “bâng khuâng tiên cảm phồn sinh”, “mùa yêu nồng nàn”, “hoang tưởng đen”, “khát cơn tội lỗi”, “nhiễm độc tinh khiết thơm”, “đường bay vọng động”, “cơn mưa huyễn hoặc”, “khối u mãn tính”,… Nỗi khát yêu và kêu đòi giải phóng tình dục như kiểu này, đa xảy ra mươi năm qua, ở thơ nữ. Đậm đặc nữa là khác. Khác chăng, Lam Hạnh dám cắt đứt hình tượng “ngựa” để quay về với hình ảnh “bò” lạ mà quen(6). Với lối nhìn cận cảnh, khá độc đáo.

                              … quẳng tất cả lễ nghĩa đúm đùm một gói

                              bên đường

                              không cần quá nhiều trí tuệ phẩm chất để yêu và

                              làm tình

                              khi âm dương khuấy chung trong cùng một cơn khát

                              … bình minh trên Mornington dậm dật những đôi chân

                                                      (Lam Hạnh, Ngực cỏ, NXB Hội Nhà văn, H., 2008)

Giải phóng hình tượng thơ cũng là một cách giải phóng tính dục, một yếu tố quan trọng của nữ quyền luận(7).

*

Ở miền Trung, người đọc cũng có thể bắt gặp các giọng thơ đi theo dòng truyền thống: Phạm Nguyên Tường, Lê Huỳnh Lâm, Hạ Nguyên,… hoặc các cách tân theo hướng Nhân văn - Giai phẩm hay phần nào đó của Nhóm Sáng Tạo cũ: Trần Tuấn, Lê Hưng Tiến,… hoặc nỗ lực tạo lối đi riêng: Huỳnh Lê Nhật Tấn (Menda, 2009), Ngô Nhân Đức.

Liêu Thái (sinh 1976, Quảng Nam) thì khác. Dù chưa định hình giọng thơ, nhưng đây là cây bút chọn hẳn thế đứng ngoại biên, cả trong sống lẫn sáng tác với cảm thức hậu hiện đại rõ nét nhất ở khu vực này.

Khác hẳn thế hệ hậu hiện đại Việt Nam: phản ứng và phản kháng, chọn ngoại vi thay vì trung tâm, vỉa hè thay vì chính thống,… ở miền Trung xuất hiện thế hệ thơ mới: Tuệ Nguyên (sinh 1982, Ninh Thuận) và Lưu Mêlan (sinh 1989, Phan Rang - Tháp Chàm) là một. Họ bất chấp tất! Thơ ồ ạt và cấp tập có mặt hầu như mỗi ngày trên mạng toàn cầu, in photocopy và in giấy mỗi năm, vô phân biệt. Sáng tác thơ gần như bất cần lề luật, thậm chí - bất cần kĩ thuật. Thơ tuôn tràn tự nhiên như nói, như thở, như ăn, uống, làm tình. Vậy thôi. Không có gì trầm trọng cả.

Tuệ Nguyên in photocopy Khúc tấu rối bù năm 2007, rồi 7749 và tập thơ in chung Ch[tr]ào & Những vết bẩn ra mắt năm sau đó. Những giấc mơ đa chiều vừa cho ấn hành ở nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2009, thì ngay năm 2011 lại in photocopy tập Mi & Ngôn lời.

Bừa bộn cái tôi, bề bộn chữ nghĩa:

                              Tôi ít khi quan tâm đến tuổi tác theo thủ tục hành chính

                              vì lẽ tôi không đếm ngày sống của mình bao giờ

                              Ngôn lời của tôi là những cảm xúc nung sôi

                              có khối óc làm chất xúc tác

                              Và trái tim làm chất dính

                                                      (“Về tôi “, Những giấc mơ đa chiều)

Những hỗn mang, hỗn độn, hoang tàn, đen tối, tối ẩm, nhơ nhám, mất trật tự, lang thang vô hồn,… trở đi trở lại suốt hành trình thơ của cây bút trẻ này. Chúng khiến sự mất trật tự càng mất trật tự hỗn độn hơn. Thơ Tuệ Nguyên, qua đó càng phát triển vô trật tự hơn nữa.

Trong một xã hội nông thôn Chăm bề ngoài tưởng yên tĩnh và cố kết đó, ở bề sâu và mặt sau nó chất chứa bao nhiêu âm thanh và cuồng nộ, đầy biến động, chực đổ vỡ để phải chịu nhận nhiều mất mát sắp tới. Sự bừa bộn trong câu chữ của thơ Tuệ Nguyên rất thích hợp để diễn đạt nó. Không có bảng chỉ dẫn. Cũng không cần thứ bảng chỉ dẫn kia ở đó.

Thơ chàng trai Chăm này phát lộ thoải mái, tự do. Tự do đến tùy tiện.

Ngôn ngữ thô ráp, sần sùi, trần trụi. Thi ảnh thực của một thế giới thực được phô diễn vô trật tự. Nhịp thơ thiếu nhất quán. Thiếu nhất quán không khác gì đời sống tinh thần thế hệ trẻ Chăm hôm nay. Nhưng chính hơi thơ của Tuệ Nguyên đã giữ lại tất cả. Nó tạo một sợi chỉ xuyên suốt, xâu mọi hỗn loạn và bừa bộn kia vào một chuỗi để làm nên giọng điệu thơ Tuệ Nguyên riêng biệt. Không thể lẫn(8).

Lưu Mêlan người thơ trẻ sinh ở đất nắng Phan Rang này viết như nhập đồng, vừa phơi bày hết cỡ tâm trạng và tâm tưởng cá thể mình vừa phản ứng nhanh nhạy trước mọi hiện tượng nhỏ nhặt của đời sống thường nhật xung quanh. Lưu Mêlan có mặt gần như mỗi ngày, từ Tienve.org đến Damau.org đến tận Vanchuongviet. 50 bài, 100 rồi 200, 300 bài thơ tuôn ra không biết đâu là điểm dừng. Ưu tư siêu hình va chạm với hiện thực trần trụi của xã hội Việt Nam đương thời nung chảy trong tâm hồn thơ thế hệ hậu @ làm bật lên tiếng kêu thét, rú, gào đau khổ, mất niềm tin, tuyệt vọng và đầy sự tự hủy.

                              Mất rồi sông ơi!

                              Ta không còn ngây thơ nữa

                              Ta không chỉ biết cười, đùa nghịch nhớ mi

                              Ta không còn nhỏ để mi nâng lên cánh sóng

                              Con đường nhỏ, mi nhỏ, tỉnh nhỏ

                              Ta ra khơi

                              Ta nghe mi chết trong lòng

                              Ta nghe mi trăn trối

                              Ta nghe mi tắt thở những con thuyền

                              Đàn cá nhỏ hết rỉa chân mùa tắm

                              Ta đi

                              Ta

                              Đi

                                                      (“Sông Ding”)

                              Tôi viết những câu thơ chẳng là gì

                              Chỉ nhớ ánh sáng lóe lên

                              Rồi phụt viết

                              Gì cũng muốn viết

                              

                              Cũng

                              Không…

                                                      (“Vt3”)(9)

 

3. Thời đại khác, quan điểm thơ cũng khác. Các nhà thơ đương đại không viết khi đã xác định con đường, hay nói theo giọng thời thương - khi đã "tìm thấy mình", mà vừa viết vừa tự khám phá chính mình. Khám phá mình ngay trong hành động viết và qua quá trình viết. Chuyển động và thay đổi. Lập thân tối hạ thị văn chương, họ hiểu câu này theo nghĩa hoàn toàn khác. Họ không dùng văn chương để tiến thân, để kiếm ghế hoặc để xác định vị thế trong con mắt thiên hạ hay để lưu danh thiên cổ. Có ai nhận thấy Lê Vĩnh Tài, Tuệ Nguyên hay Lưu Mêlan vụ lợi - dù trong bất cứ nghĩa nào - qua và bằng thơ họ không?

Họ viết - thế thôi. Liên tục chuyển động và thay đổi. Không nhiều nhà phê bình nhận ra điều đó. Rất ít nhà phê bình theo kịp sự chuyển động của họ. Không theo kịp, nhà phê bình mãi ở lại căn chòi mĩ học cũ để nhìn về thơ đương đại, nhận định và phán xét nó.

Tiếc thay!

Sài Gòn, 13-9-2011

 

----------

Chú thích:

(1) Xem thêm: Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công (Đình Kính tuyển chọn), NXB Hội Nhà văn, H., 2011; Inrasara, “Mai Văn Phấn, Ra đi sau tiếng kẹt cửa”, Tienve.org, 25-4-2004; Inrasara, "Thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn, từ một hướng nhìn động", Sđd, tr. 234-248.

(2) Ở đây, tôi tạm không lặp lại thành tựu của thế hệ thơ thời Đổi mới. Xin xem: Inrasara, "Thơ đổi mới, hành trình 'chuyển một hướng say'", tạp chí Hợp Lưu, số 113, 2011.

(3) Xem thêm: Inrasara, “Lê Vĩnh Tài, Đi tìm huyền thoại mới cho Tây Nguyên”, báo Văn nghệ trẻ, 4-2006; “Giáp mặt đêm, Lê Vĩnh Tài lần nữa, tập nói”, Tienve.org, 19-1-2009.

(4) Xem thêm: Inrasara, “Đinh Thị Như Thúy giữa hai lực nhị nguyên”, tạp chí Chư Yang Sin, số 208, 12-2009; Nguyễn Quang Thiều, "Trong khu vườn của người đàn bà tên Thúy", Nhavantphcm.com.vn, 14-8-2011; Khổng Đức, "Đinh Thị Như Thúy - Ngày linh hương nở sáng", Vanchuongviet.org, 9-9-2011.

(5) Xem thêm: Nguyễn Tiến Văn, "Về tập thơ M - N & Z của Đoàn Minh Châu", Damau.org, 2-2-2009; Inrasara, ”Đoàn Minh Châu, sau chiêm nghiệm nỗi buồn”, Inrasara.com, 8-2009.

(6) Inrasara, “Thơ trẻ và hiện tượng lặp lại mình”, báo Quân đội nhân dân, 1-3-2007; Vanchuongviet.org, 28-1-2008.

(7) Xem thêm: Inrasara, “Thử nhận diện Lam Hạnh”, Damau.org, 23-6-2008.

(8) Xem thêm: Inrasara, “Tuệ Nguyên, bừa bộn cái tôi - bề bộn chữ nghĩa”, Inrasara.com, 9-2009.

(9) Xem thêm: Inrasara, “Lưu Mêlan, hơi thơ đến từ miền lạ”, Inrasara.com, 9-2009.

 

*****

 

MIỀN TRUNG, DẢI ĐẤT HẸP MỞ RA KHUNG CỬA RỘNG

Nguyễn Thanh Mừng

Đối với thơ, tôi nghĩ, chung quy là thơ Việt, còn sự phân định Bắc Trung Nam chủ yếu là ở phương diện hành chính tổ chức nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi nhà thơ mang trong tim một quê hương bản quán, bên cạnh đó là yếu tố vùng, miền, nơi có sự tham dự của những điều kiện địa lý tự nhiên, đặc thù cấu trúc địa hình, khí hậu và phân bố  sắc tộc dân cư… mà các nhà văn hóa học thường gọi bằng khái niệm địa- văn hóa. Hơn nữa, diễn trình lịch sử văn hóa trên một thung thổ cụ thể góp phần kiến thiết cho phong vận một miền đất cũng như dấu ấn mỗi cá nhân trong một cộng đồng. Ý nghĩa quê hương và vùng miền là ở chỗ cá thể sáng tạo mang bản sắc vùng miền nhập vào dòng chảy quốc gia dân tộc,  nên vấn đề chúng ta đặt ra ở đây, tôi nghĩ có lẽ đã bao hàm hai khía cạnh: thơ Việt nhìn từ miền Trung và miền Trung nhìn từ thơ Việt.

Miền Trung là dải đất hẹp và dài, núi non điệp trùng chồm ra biển cả, sông ngắn và dốc, khác với sự tha thướt của đồng bằng Bắc Bộ và cái mênh mang của châu thổ sông Cửu Long. Âm vọng châu xưa Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính của Chiêm Thành trong tiềm thức lịch sử, đó chính là Quảng Bình đến bắc Quảng Trị hôm nay. Tiếp theo, mảnh đất sính lễ của Chế Mân dẫn cưới Huyền Trân công chúa năm 1306 là hai châu Ô, Lý, từ nam Quảng Trị vào đến bắc sông Thu Bồn Quảng Nam. Và âm vọng những Amaravati, Vijaya, Kauthara,  Panduranga, Virapura ở phía Nam . Miền Trung nước Việt, đất “trẻ” nhất ở cực Nam khoảng hơn ba trăm năm thời các chúa Nguyễn, và đất “già” nhất ở cực Bắc đã từng lung linh trong tiếng trống vua Hùng! Nếu kể khúc chiết thì vùng Thanh Nghệ Tĩnh thuộc đất Việt cổ, có những cư dân đặc biệt như chàng An Tiêm ra lập nghiệp trên hoang đảo Nga Sơn, như nàng Mỵ Châu rắc lông ngỗng sau lưng ngựa An Dương Vương cho đến cửa bể Diễn Châu, còn phía Nam lại là nơi đăng ký hộ tịch những vũ nữ Trà Kiệu, Chiêm nương Đồ Bàn…

Ngay thời nhà Trần, vua phải đặt ra danh hiệu cho việc thi cử, gồm “Kinh Trạng nguyên” cho những sĩ tử từ Ninh Bình trở ra và “Trại Trạng nguyên” cho xứ Thanh trở vào để khuyến khích “vùng phên giậu”. Đến thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly lại cho xây thành Tây Đô ở Thanh Hóa. Thời Lê sơ, Thanh Hóa lại là quê hương của khởi nghĩa Lam Sơn và khi nắm chính quyền, nhà Lê dựng Lam Kinh ở đây. Vai trò tập hợp văn chương của đất nước đương nhiên vẫn là Thăng Long, nhưng hình ảnh “đất biên viễn” không hề xa lạ với cả nước nữa, qua vai trò của các dòng họ đế vương cũng như những nhân tài văn chương phát tích trên đất này. Lật lại Hoàng Việt thi tuyển của Tồn Am Bùi Huy Bích, là một cuốn tuyển thơ tám thế kỷ đầu Lý đến cuối Lê, nhiều tác giả như Lê Quát (thời Trần), Hồ Tông Thốc (thời Hồ), Đặng Dung (thời Hậu Trần), Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Hoàng Trừng, Nguyễn Nghiễm, Phạm Nguyễn Du… (thời Lê) là các tác gia có gốc gác từ cái địa danh mà hôm nay chúng ta gọi là “miền Trung”. Đặc biệt ở thế kỷ XV là vai trò vua Lê Thánh Tông, Tao Đàn nguyên súy, một người đứng đầu đất nước kiêm luôn “Chủ tịch Hội Nhà văn Đại Việt”. Và Lê Thánh Tông chính là người xuống chiếu giải oan cho thảm án Lệ Chi Viên, cho sưu tầm lại văn chương Ức Trai để lưu lại hậu thế. Lê Thánh Tông còn thân chinh vào tận Đồ Bàn, xác định cương giới đất nước đến đèo Cù Mông, tỉnh Bình Định ngày nay. Vùng non nước mà hôm nay chúng ta gọi là miền Trung đã in bóng hào sảng trong hai tập Chinh Tây kỷ hành Minh lương cẩm tú, thơ “thanh gươm yên ngựa” của nhà vua đi chinh phục đất mới.

Sự hình thành và phát triển miền Trung có những cuộc hội tụ lớn của lịch sử và qua đó, mở ra những lối đi mới trên bước chân văn hóa Đại Việt, ở các giai đoạn trên một bình diện địa cuộc đặc thù. Cầm dòng sông Gianh thời Trịnh Nguyễn phân tranh mà đặt lên lòng tay, mặt bên này chúng ta sẽ nhận ra bao nhiêu máu xương nhân dân đổ xuống cuộc tranh bá đồ vương của các tập đoàn phong kiến nhưng ở mặt bên kia của vấn đề, ta cũng nhận ra trên gương mặt sâu thẳm ấy nhiệm vụ chứng nhân của một cú hích quan trọng trong số phận lịch sử Việt Nam. Vai trò của miền Trung đã hình thành từ thời Đàng Trong, qua sự nghiệp mở cõi các chúa Nguyễn, qua phong trào nông dân Tây Sơn, qua kinh đô Huế, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Theo di sản, có thể nhìn nhận rằng những thế  kỷ Đàng Trong là cuộc hội tụ thứ nhất, khi dấu chân Giao Chỉ tiến dần từ Bắc về Nam . Những tác gia như Dương Văn An, Đào Duy Từ, Nguyễn Khoa Chiêm,  Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân... còn để lại các tác phẩm quan trọng mà khi nghiên cứu văn học giai đoạn này không thể thiếu. Đọc chuyên khảo Văn học Đàng Trong của Cao Tự Thanh[1], tôi rất lưu tâm với ý kiến rằng: “ Bởi vì tuy có thời gian dài nhất (1600 - 1777), đây là bộ phận mà tư liệu còn lại ít nhất, nhưng lại là bộ phận mang nhiều biệt sắc nhất trong văn học viết dân tộc thời phong kiến từ hoàn cảnh phát sinh tới quá trình phát triển, từ nội dung tư tưởng tới hình thức nghệ thuật,  từ cơ cấu lực lượng sáng tác tới phương thức hoạt động văn chương…” Khi Nguyễn Hoàng gồng gánh câu sấm Trạng Trình “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” lên đường vào Nam nửa cuối thế kỷ XVI, biên giới Đại Việt mới chỉ đến đèo Cù Mông và mảnh đất mang tên Bình Định ngày nay chính là vùng phên giậu của đất nước thời ấy. Từ Nam sông Gianh trở vào, hai tiếng “Đàng Trong” (phân định với Đàng Ngoài) sau đó là Nam Hà (phân định với Bắc Hà) bắt đầu hình thành và phát triển, riêng về mặt địa giới chỉ vài thế kỷ đã kéo đến mũi Cà Mau.  Đọc lại Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, chúng ta gặp lại gương mặt miền Trung thế kỷ XVI, XVII với cơ nghiệp chúa Nguyễn, những cuộc thiên di và tụ cư, lịch sử hình thành Đàng Trong. Trong đó, không thiếu những dòng họ văn chương nổi tiếng từ Đàng Ngoài vượt qua sông Gianh dựng nghiệp.  

Một cuộc hội tụ khác, cuộc hội tụ của nhà Tây Sơn, Đàng Trong là nơi đã phát tích cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc với vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ - Quang Trung, sự nghiệp chấn hưng văn hóa trong công cuộc dựng nước và giữ nước dù ngắn ngủi, nhưng có ảnh hưởng không nhỏ. Có một dòng văn học mà các nhà nghiên cứu gọi là “văn học thời Tây Sơn” tập trung các danh gia đương thời như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Huy Lượng, Ngô Ngọc Du, Nguyễn Đề, Hồ Xuân Hương, Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn… Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái là cuốn sách có thể xem như chứng nhân lịch sử có giá trị đặc biệt ở giai đoạn này, trong đó có phản ánh rõ nét cuộc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung.

Khi nói đến văn học Việt nhìn từ miền Trung hay thơ Việt nhìn từ miền Trung, có lẽ phải đặt  tầm mắt trong mối liên hệ với hai đầu Bắc Nam. Sau thời kỳ Đàng Trong, đầu thế kỷ XIX Huế trở thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất. Vai trò của địa cuộc miền Trung đã khác, nụ cười nước mắt cũng không còn như thời nếm mật nằm gai của một khu vực mà đã cầm nắm vận mệnh quốc gia. Đây là cuộc hội ngộ thứ ba, khi thấp thoáng bên núi Ngự sông Hương, đã từng in bóng Nguyễn Du (1765- 1820), người miền Trung, Cao Bá Quát (1809- 1855), người miền Bắc và Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), người miền Nam. Nguyễn Du trước khi làm quan nhà Nguyễn đã có thời gian luân lạc trên đất Bắc, Cao Bá Quát cũng làm quan nhà Nguyễn nhưng sau đó về Bắc khởi nghĩa chống triều đình, còn Nguyễn Đình Chiểu có quê gốc Thừa Thiên Huế, sau thời gian lận đận với khoa danh lều chõng đất thần kinh, trở về Lục tỉnh và tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của ông trở thành biểu tượng của sĩ khí Nam Bộ. Đây là ba nhà thơ mỗi người một hành trạng, người giương cờ nghĩa chống triều đình, người ẩn nhẫn giữa chốn quan trường, người sống hòa lẫn cùng thảo dân và đều có ảnh hưởng rất rộng lớn trong đời sống văn hóa dân tộc. Về nghiệp chữ nghĩa, chỉ có thể dùng từ “thỏa chí” để diễn đạt tâm thế con người và hoạt động văn chương của họ, những nhà thơ mà tài năng và tâm huyết có thể lay động cả đất trời! Nhân vật của Nguyễn Du là nàng Kiều và Nguyễn Đình Chiểu là chàng Lục Vân Tiên đã bước từ trang thơ ra đời sống thường ngày, còn những giai thoại về Cao Chu Thần đã thực sự tỏa hào quang trong tâm thức những người không khuất phục trước bạo quyền.

Ở giai đoạn này, không thể không nhắc đến các tác gia hoàng tộc như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Ưng Bình Thúc Dạ Thị, Đạm Phương nữ sử…, những tác gia trong lớp áo quan trường như Nguyễn Công Trứ, Đào Tấn, Trương Đăng Quế, , Nguyễn Bá Trác, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe  (tác giả Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc)… , những tác gia là chí sĩ miền Trung như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Tăng Bạt Hổ, Võ Liêm Sơn…, những tác gia cả nước tụ về như Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan, Kiều Oánh Mậu…Một tác gia quan trọng của đất nước thế kỷ XIX là Phan Huy Chú với bộ Lịch triều hiến chương loại chí, có thể xem là bộ bách khoa thư của đất nước, trong đó có phần Văn tịch chí thống kê những số liệu văn chương mà nước ta đã có từ xưa cho đến thời điểm đó. Ngoài ra, đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh mẽ về văn học kịch, khẳng định miền Trung một đặc sản Hát Bội, bên cạnh Chèo của miền Bắc và Cải lương của miền Nam.

Tìm hiểu dòng chảy trong mát của văn chương quốc âm, chúng ta nhận thấy đóng góp của miền Trung của sự hình thành và phát triển tiếng Việt. Một vị vua gốc miền Trung là Hồ Quý Ly đã coi trọng chữ Nôm, soạn sách Thi nghĩa và dịch thiên Vô dật ra quốc âm phổ biến trong triều, đồng thời đề cao thực tài, chống lối từ chương. Những điều này là động thái mở màn, ít nhiều tác động trong việc hình thành và phát triển thơ Nôm như sự ra đời Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi sau đó. Một vị vua khác, Lê Thánh Tông đã làm thơ Nôm với Hồng Đức quốc âm thi tập…Đến nhà Tây Sơn, vua Quang Trung chủ trương dùng chữ Nôm trong các văn bản nhà nước, và nhà vua còn ngẫu hứng phê đơn bằng thơ lục bát. Bối cảnh một vương quốc vua chúa trọng quốc âm như thế không phải là không có mối liên hệ đến sự nở rộ các kiệt tác chữ Nôm với tên tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương … và các truyện Nôm khuyết danh. Ở thế kỷ XVII, một điểm liên quan đến sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ ở Đàng Trong là sự xuất hiện của giáo sĩ Alecxandre De Rhodes và những người góp phần La tinh hóa tiếng Việt từ Hội An đến cảng thị Nước Mặn, khu đô thị phồn vinh của phủ Quy Nhơn thế kỷ XVII. Alecxandre De Rhodes cho xuất bản tại Roma hai tác phẩm rất quan trọng trong lịch sử tiếng Việt Nam : cuốn Từ diển Việt-Bồ-La và cuốn Phép Giảng Tám Ngày Cho Kẻ Muốn Chịu Phép Rửa Tội Mà Vào Ðạo Thánh Ðức Chuá Trời năm 1651[2]. Gần 2 thế kỷ sau, năm 1838 cuốn Từ điển La-Việt của Taberd ra đời[3]. Sự kiện Latinh hóa tiếng Việt là tiền đề mở ra cho vai trò chữ quốc ngữ sau này, khi các khoa thi Hán học kết thúc đầu thế kỷ XX. Sắc luật đưa chữ quốc ngữ vào các kỳ thi do toàn quyền Paul Doumer ký từ năm 1898; trên thực tế được áp dụng vào năm 1909. Năm 1917, một chỉ dụ của triều đình bãi bỏ lối giáo dục Nho học Hán văn truyền thống và thay bằng một nền giáo dục dựa vào chữ quốc ngữ và Pháp ngữ. Tiếp theo dòng văn Nôm rạng rỡ, văn học quốc ngữ ra đời. Song song với phong trào Thơ Mới, Tự lực văn đoàn ra đời với tôn chỉ mục đích: "Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam ." Với quan điểm tiến bộ ấy, không thể không kể đến vai trò của một dòng họ Hải Dương gốc Quảng Nam, họ Nguyễn Tường với Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo và một nhà thơ miền Trung - Xuân Diệu, cùng những người bạn trên đất Bắc Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ, Trần Tiêu xây dựng và có đóng góp đáng kể trong sự phát triển văn chương quốc ngữ. Vào thời kỳ Thơ Mới, những tên tuổi nhiều nhà thơ miền Trung đã ghi lại một dấu ấn khó phai mờ trong tiến trình phát triển thơ mới, tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam . Trong Thi nhân Việt Nam , Phan Khôi đã được vinh danh là người tiên phong trong phong trào Thơ Mới với bài thơ “Tình già”. Hoài Thanh và Hoài Chân đã chọn được 46 nhà thơ trong hợp tuyển của một phong trào, riêng miền Trung đến 25 tác giả: Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Yến Lan, Quách Tấn, Tế Hanh, Bích Khê, Thanh Tịnh, Lan Sơn, Nguyễn Vỹ, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Thu Hồng, Nam Trân, Thái Can, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan, Phan Văn Dật, Hằng Phương, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư, Phan Thanh Phước, Thúc Tề.

Nhắc lại khái niệm địa văn hóa, tôi cho rằng ở phương diện này, đặc sản miền Trung là…đèo. Và câu đề từ cho vấn đề này không thể không mượn của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: “Một đèo một đèo lại một đèo”, nói về đèo Ba Dội, bắt đầu bên kia là Bắc bên này là Trung. Chẳng thế mà Bà Huyện Thanh Quan, nữ sĩ gốc Bắc trên đường vào kinh đô Huế đã xúc cảm và “sở hữu chủ” ngay một con đèo, Qua đèo Ngang thổn thức bao thế hệ. Sau này, người thơ được cõi thơ “cấp sổ đỏ” đèo Cả, không ai khác hơn là nhà thơ xứ Thanh, Hữu Loan. Cho dù nhà thơ Hữu Loan đã “sở hữu chủ” những đồi hoa sim, một hình ảnh lay động đến quặn lòng trong mối tình bi thiết, một trong những bài thơ tình có ảnh hưởng nhất của thế kỷ, trong một bối cảnh thơ đậm đặc hình ảnh buồn và đẹp trung châu miền Trung. Giai đoạn này, không thể không nói đến dòng thơ thời chống Pháp, phát tích từ Bắc Trung Bộ với Trần  Mai Ninh (Nhớ máu, Tình sông núi), với Hồng Nguyên (Nhớ), với Thôi Hữu (Lên Cấm Sơn), với Hoàng Trung Thông (Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại), với Trần Hữu Thung (Thăm lúa), với Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ), với Lương An (Cô lái đò)… Đây cũng thực sự là cuộc hội tụ khu IV, kẻ Bắc người Trung, dưới một mái nhà văn nghệ kháng chiến ở xứ Thanh: Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư, Chế Lan Viên, Vũ Ngọc Phan, Lưu Trọng Lư, Đồ Phồn, Huyền Kiêu, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Trung Thông…

Đặc sản thứ hai là một bên duyên hải gió và cát Gió Lào cát trắng, một bên dãy Trường Sơn “mái nhà của Đông Dương”. Cao Bá Quát đã Sa hành đoản ca: “Trường sa phục trường sa- Nhất bộ nhất hồi bước” (Bãi cát, bãi cát dài- Mỗi bước lại như lùi). Nó cũng giống như gió Lào của Chế Lan Viên: “Ôi gió Lào ơi ngươi đừng thổi nữa- Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ”. Sau sông Gianh, dòng sông thứ hai của Bắc miền Trung, sông Bến Hải đã đảm nhận vai trò biên giới của “ngày Bắc đêm Nam ”. Hai tiếng “miền Trung” đến thời điểm 1954, một nửa đã hòa vào “miền Bắc”, một nửa hóa thân vào “miền Nam”. Bên cạnh những đoàn quân trùng trùng ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, là những cuộc hội ngộ của bao nhiêu cây bút từ miền Bắc đi vào, từ miền Nam trở ra. “Trời vẫn xanh một mầu xanh Quảng Trị- Tận chân trời mây núi có chia đâu”, câu thơ của Tế Hanh đã khái quát nỗi lòng khát khao thống nhất nước nhà của cả dân tộc. Những hình ảnh tuyến lửa khu IV in đậm trong thơ Bằng Việt, Xuân Quỳnh…Rừng núi Trường Sơn mạch nguồn của những sử thi Đam San, Xing Nhã, của những “mái nhà dài như tiếng hú” và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, những năm tháng chống Mỹ đã che chở cho những Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật, Chuyến đò đêm giáp ranh, của Hữu Thỉnh, Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi… Đặc biệt là Trường Sơn thời điểm này đã nuôi dưỡng mạch cảm hứng sử thi bùng nổ trong trường ca Việt trong và sau cuộc chiến, như cuộc hôn phối định mệnh giữa văn chương và lịch sử, hiếm có thời điểm nào lặp lại. Từ một hợp xướng đến sự thức tỉnh ý thức thân phận con người, những tìm tòi đa phong cách đa giọng điệu là bước chuyển động vừa ngấm ngầm vừa quyết liệt của thơ ca giai đoạn này. Chúng ta biết đến một miền Trung trong văn xuôi của các nhà văn: Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Chí Trung, Chu Cẩm Phong, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Trí Huân, Dương Thị Xuân Quý, Xuân Đức, Tô Nhuận Vỹ, Cao Duy Thảo, Trung Trung Đỉnh, Y Điêng, Hồng Nhu, Nguyễn Bảo, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Quang Lập, Đức Ban, Kiều Vượng, Hoàng Bình Trọng, Hữu Phương … chúng ta cũng biết đến một miền Trung của các nhà thơ: Khương Hữu Dụng, Phạm Hổ, Phùng Quán, Giang Nam, Thanh Hải, Xuân Hoàng, Vương Linh, Nguyễn Xuân Thâm, Nguyễn Viết Lãm, Vương Trọng, Thu Bồn, Ngọc Anh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Ý Nhi, Anh Ngọc, Dương Hương Ly,Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ, Lưu Quang Vũ, Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Mỹ, Trần Vũ Mai, Phan Minh Đạo, Mai Ngọc Thanh, Lưu Trùng Dương, Hải Bằng, Lê Thị Mây, Nguyễn Văn Dinh, Văn Lợi, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Hữu Quý, Hải Kỳ, Từ Nguyên Tĩnh… Bên cạnh đó, những nhà thơ trong phong trào học sinh sinh viên: Trần Quang Long, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân,  Trần Vàng Sao, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Võ Quê… Trong phạm vi tư liệu có hạn, chúng tôi mới điểm chưa đầy đủ. Nhiều nhà thơ Bắc Trung Nam đã đi qua Trường Sơn và để lại những tác phẩm mà nếu có công trình hợp tuyển thống kê đầy đủ, sẽ có một khuôn mặt văn học miền Trung- Tây Nguyên đa dạng hơn trong thời kỳ này.

Nếu ở thời chống Pháp, khu IV có vẻ nhộn nhịp hơn trong việc nối bước chân văn chương ba miền, thì ở thời chống Mỹ, khu V đã đảm nhận một vai trò tập hợp với vai trò chung của cả nửa nước ở phương Nam “từ tuyến đầu Tổ quốc”.

Nói về miền Trung thời Đàng Trong, đương nhiên không thể không nhắc đến việc xác lập chủ quyền biển đảo với đội hùng binh Bãi Cát Vàng, lập bia, tạo miếu, trồng cây và khai thác sản vật trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời chống Mỹ, song song với đường mòn Hồ Chí Minh là đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau này, nhiều nhà văn đất Bắc chia sẻ với không gian biển đảo miền Trung, tiêu biểu là Trần Đăng Khoa, Đình Kính…

Còn một bộ phận tác gia khác ở miền Trung, đó là những người đã sống và hoạt động văn chương trong lòng đô thị miền Nam. Sau 1975, một số tiếp tục ở lại đất nước, từ Quách Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Bùi Giáng, Võ Hồng… đến Đỗ Nghê, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Đặng Tấn Tới, Mang Viên Long, Trần Huiền Ân…, một số trở thành những nhà văn hải ngoại: Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến, Nhã Ca, Túy Hồng, Lữ Quỳnh… Xa hơn nữa, có Phạm Văn Ký, tác giả tập thơ “Đường về nước”, người từng đề tựa cho “Gái quê” của Hàn Mặc Tử, đã có những thành tựu ở Pháp bằng tiểu thuyết tiếng Pháp. Khi nghiên cứu văn học Thừa Thiên Huế, nói về những tác gia trong lòng đô thị này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng băn khoăn về việc “chưa bao giờ được thống kê và đánh giá đầy đủ”(4). Nếu với một công trình nghiên cứu văn học miền Trung một cách toàn diện, nhất thiết không thể thiếu bộ phận tác giả này.

Đặt thơ Việt nhìn từ miền Trung và miền Trung nhìn từ thơ Việt trong từ trường rộng hơn là văn chương nghệ thuật rồi đến không gian địa-chính trị, địa- văn hóa miền Trung qua nhiều thế kỷ, thật ra là quá mênh mang. Nhưng biết làm sao, khi phải dông dài một tí, để nhận ra một đôi điều trong ký ức một vùng đất bây giờ dù không phải là trung tâm của đất nước nữa, nhưng đã, đang và sẽ còn vang bóng bước chân bè bạn hai đầu Bắc Nam. Lần giở những thư tịch cổ, chúng ta bắt gặp ở từng khu vực suốt chiều dài miền Trung không gian văn hóa Đông Sơn, không gian văn hóa Sa Huỳnh, không gian văn hóa Chăm-pa ánh lên những những tia hồi quang của ý nghĩa phát tích, đan xen và giao thoa. Và sông núi miền Trung cũng gói trong ký ức những tiềm tàng lặng lẽ, rằng nền văn minh lúa nước và tơ tằm Đông Nam Á nổi tiếng từ thời sơ sử, đã vận hành trong huyết quản đất đai. Ở đây, đặc biệt có những cuộc giao lưu giữa văn hóa lục địa và văn hóa biển thật đậm đà. Điều đó trở thành truyền thống, trao truyền từ cổ đại qua trung đại cho đến cận hiện đại để đến thế kỷ XXI bây giờ chúng ta tái xác định là “thế kỷ của đại dương”.

Thiên nhiên và lịch sử đã tạo cho người miền Trung những phẩm chất đặc thù so với hai đầu đất nước. Địa hình khúc khuỷu gập ghềnh, một bên núi một bên biển, khí hậu khắc nghiệt cùng những vai trò trong lịch sử đã tạo cho miền Trung không gian văn hóa riêng, ít nhiều mang chứa những thử thách bạo liệt. Ở thời đại Hùng Vương cho đến các triều đại Triệu, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã xác lập một nước Việt co giãn từ Bắc miền Trung trở ra. Nhưng cũng từ thời Lý trở đi, vai trò “lĩnh ấn tiên phong” đã được xác lập và không ai khác, miền Trung phải gánh lấy sứ mạng ấy. Về mặt địa hình nước Việt, trước khi ở thế đòn gánh, ban đầu miền Trung dùng dằng ở thế cổ chai. Vai trò “lĩnh ấn tiên phong” của người Việt những thế kỷ mở cõi đã dung thông với vai trò một vùng đất, và vùng đất ấy khoác lên phong vận con người, trong đó phần mẫn cảm thuộc về con người văn chương. Trở về miền Trung trong những thế kỷ thử thách và chinh phục chính là trở về với người Việt đầy khát vọng. Việc tiêu hóa văn minh Trung Ấn, văn minh Đông Nam Á ở những thế kỷ Đàng Trong đã khác. Cuộc va đập, hội ngộ giữa những nền văn minh bản địa cũng đã khác. Sự giao thoa và tiếp biến giữa phương Đông và phương Tây, thực sự là chân trời mới, bắt đầu ở miền Trung truyền thống, qua các cuộc giao lưu giữa văn hóa lục địa và văn hóa biển. Thời Đàng Trong, thực ra đã có hai vương quốc nhỏ trong một vương quốc lớn. Khi các chúa Nguyễn nhìn sự phồn thịnh của xứ sở bằng số lượng các thuyền buôn, con mắt Việt Nam đã đi từ nền kinh tế tiểu nông chuyển sang kinh tế hàng hóa. Khi Lê Quý Đôn vào làm Hiệp trấn xứ Thuận Quảng, thập kỷ thứ 7 của thế kỷ XVIII, ông đã biên soạn Phủ Biên tạp lục, một cuốn sách quý hiếm mà bất cứ ai nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học Việt giai đoạn này đều có thể làm cẩm nang, đã nói về vấn đề này. Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn khi mô tả sự kiện chúa Nguyễn dời dinh từ Kim Long về Phú Xuân, một đô thị mới ra đời, cũng có một cách nhìn: “Phía ngoài thành thì chợ phố liên tiếp, cây to um tùm, thuyền chài, thuyền buôn đi lại như mắc cửi. Thực là một nơi đô hội lớn, văn vật thanh dung lừng lẫy, đời trước chưa từng có”. Khi đất nước nồi da xáo thịt, Đàng Ngoài vua Lê thành bù nhìn, họ Trịnh tiếm quyền, nhà Mạc lên Cao Bằng, họ Nguyễn ở Đàng Trong đã ly khai để từng bước xây dựng chính quyền mới và hình thái ý thức ít nhiều khác xưa. Khi tư tưởng Khổng Mạnh Lão Trang qua đèo Ngang, vượt sông Gianh, khuôn mặt cũng đã khác. Nhà nghiên cứu LiTana trong bài viết “Một Việt Nam khác? Vương quốc của họ Nguyễn ở thế kỷ 17 và 18” đã nhận định thật chính xác: “Những hoàn cảnh như vậy khiến con người cởi mở và tự phát hơn, để trở thành những người dám chịu rủi ro như Nguyễn Hoàng, người mà Keith Taylor đã tinh tế mô tả là “dám mạo hiểm mà không sợ bị quy là phản loạn, bởi vì ông đã tìm thấy một nơi mà chuyện gán ghép này không còn ý nghiã. Đó là một thế giới rộng hơn, và cho con người cảm thức lớn hơn về tự do”. Khi tiếng cười của Trạng Quỳnh, một nhân vật folklore miền Trung cất lên ở Đàng Ngoài bỡn vua cợt chúa, thì ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã không ngừng mướt mồ hôi mở mang và canh tân đất nước. Chỉ tiếc rằng, không phải vua chúa nào của nhà Nguyễn cũng đảm đương được sứ mệnh trọng đại này.

Nhìn từ miền Trung là nhìn những phẩm chất mà lịch sử đã hun đúc, trong những thời điểm không thể lặp lại của dân tộc, đất nước. Không ai đi chứng minh từ những nền văn hóa cổ xưa tích hợp trong văn hóa Việt đa dạng và phong phú đã  tiềm ẩn tiền thân của những hồn thơ vang dội xứ sở này, nhưng người ta có thể tìm thấy trong đó, chút mùi hương của hằng số văn hóa Việt,  văn hóa người Việt miền Trung trong từng thời đại.

 Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam có được dòng văn Nôm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam có được phong trào Thơ Mới. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam có được dòng thơ đa giọng điệu của nền cảm hứng sử thi và thân phận con người, trong khoảng các thập niên thứ 6, thứ 7 của thế kỷ XX. Đây là thành tựu của cả ba miền, trong đó có những đóng góp quan trọng từ miền Trung. Vấn đề nguồn mạch, theo cách nói của Chế Lan Viên, “đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc. Thơ cũng chuyển địa bàn, đi từ một nhiệm vụ này đến một nhiệm vụ khác, gần kề lịch sử hơn, gần kề chính trị hơn”(5). Sự đóng góp của hương sắc tư tưởng nghệ thuật từ các vùng miền chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó đã dung thông với cả nước, trở thành những giá trị Việt. Khi thực sự là những giá trị của thơ Việt, các định danh miền Bắc hay miền Trung miền Nam chỉ có ý nghĩa gốc gác, chứ không phải cục bộ. 

Bài viết nhỏ này chỉ là những lược thuật sơ sài, thô vụng của một người kiến thức còn nông cạn, mong cung cấp cho hội thảo một vài nét chấm phá về miền Trung. Diện tích các trang thơ và diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ(6) nhìn từ miền Trung chắc chưa một công trình nào đo đếm được. Nhưng có thể nói rằng có những giai đoạn, lịch sử đã chọn địa cuộc miền Trung làm điểm tựa, và dải đất hẹp đã mở ra khung cửa rộng…

 

------------------

Chú thích:

[1] In trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lý luận và lịch sử, PGS TS Trần Ngọc Vương - chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội 2007

[2] Dictionnarium annamiticum, lusitanum et latinum, Roma, S.C. de Propaganda Fide, 1651; tái bản bằng bản chụp với phần phiên dịch Việt ngữ hiện hành: Từ Ðiển Annam- Lusitan- La tinh, TP HCM, NXB Khoa Học Xã Hội, 1991;Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisus. Phép Giảng Tám Ngày..., Roma, S.C. de Propaganda Fide, (1651); tái bản bằng bản chụp với phần dẫn nhập của Nguyễn Khắc Xuyên, phiên dịch Việt ngữ hiện hành do André Marillier và Pháp ngữ do Henri Chappoulie, (TP HCM), Tủ Sách Ðại Kết, 1993.

[3] Jean Louis Taberd: Dictionnarium Annamitico- Latinum, Serampore (Ấn Ðộ), 1938.

(4) Nguyễn Khoa Điềm, Bước đầu tìm hiểu văn học Thừa Thiên-Huế, website Tạp chí Sông Hương 9-2011.

(5) Chế Lan Viên, Thơ văn chọn lọc, Sở VHTT Nghĩa Bình 1987.

(6) Chữ của Chế Lan Viên.

 

*****

 

TIỀM ẨN THƠ VIỆT NAM NHÌN TỪ LÁT CẮT BẮC MIỀN TRUNG

Vĩnh Nguyên

 

Nói tiềm ẩn ở đây có 3 ý. Một là, sức vóc, nội lực ghê gớm nhưng chưa viết ra. Hai là, viết ra rồi rồi cất vô tủ. Ba là, sự bùng phát của mỗi nhà thơ.

Đã có trường hợp, người thơ muốn in một tập tặng bạn bè chơi nhưng không có tiền, không có ai tài trợ. Nhà thơ lâu lâu rút ra đọc đọc cho đỡ buồn rồi lại cất vô tủ. Thơ ấy thường là thơ hay. Thơ cho chính họ và thơ cho cuộc đời.

Địa thế đất đai Bắc miền Trung hẹp nhất nước về chiều ngang. Chỗ hẹp nhất là Quảng Bình. Chỗ Quảng Bình hẹp nhất là từ chân cầu Quán Hàu (Quốc lộ 1), từ đây theo tỉnh lộ 4 đi lên đường mòn Hồ Chí Minh là 4 kilômét, và chỉ 3 kilômét theo đường chim bay. Hoặc cắt ra biển độ dài cũng chỉ chừng ấy. Dưới chân núi Mâu Sơn của dải Trường Sơn có dốc U Bò. Dưới chân U Bò có đường giao liên ra Bắc vào Nam thời chống Pháp. Ra Bắc gặp núi Ba Rền, Mồng Gà, Đá Đẻo, Vụ Quang (Hà Tĩnh). Đi vô gặp thác Cóc, Động Tranh (Quảng Trị). Móc-chê Pháp bắn từ đồn Quán Hàu, đồn Đồng Hới lên U Bò, dân làng Vĩnh Tuy tôi đi rừng bị trúng đạn, chết nhiều lắm.

Nói như vậy để thấy rằng chiều ngang đất nước đoạn nầy hẹp lắm. Hẹp vừa một tầm pháo nòng ngắn. Đoạn Hà Tĩnh cũng hẹp. Từ biển Vũng Áng nhìn lên phía Tây như đã chạm mặt đỉnh núi Vụ Quang (Hương Khê) rồi.

Dải đất hẹp, gió Lào cát trắng nắng nóng đến kinh người. Hà Tĩnh có mỏ sắt trữ lượng có thể lớn nhất nước nên càng nắng nóng hơn nữa.

Ở giữa xứ sở Bắc miền Trung nắng nóng ấy đã sinh ra hai nhà thơ siêu việt của đất nước: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Hai ngôi làng Tiên Điền và Uy Viễn của hai cụ lại cận kề nhau mới lạ chứ. Người đời yêu một Nguyễn Du uyên bác và người đời cũng yêu một Nguyễn Công Trứ sắc sảo và ngông: Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù? Hoặc: Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ/ Không quân thần phụ tử đếch nên người!

Hồi học trường viết văn Quảng Bá (khoá 7, 1974-1975), tôi tìm thăm anh Chế Lan Viên ở Hội Liên Hiệp VHNT- 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Bàn làm việc của anh Chế đầy sách báo, thư từ. Tôi liếc thấy một bức thư bên dưới ký tên Thồ. Tôi hỏi, anh Chế cười mà rằng: Thồ là tên cụ Hữu Loan đó mà em!

Ôi tác giả Màu tím hoa sim! Ở phân đội tàu chiến đấu của tôi hồi ấy, anh em thuỷ thủ đa phần có sổ tay chép thơ. Các tác giả như Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Cầm, Chế Lan Viên...thiếu ai thì thiếu, các sổ tay không thể thiếu Hữu Loan. Nhiều anh còn cải biên một địa danh: Chiều hành quân lên chiến trường Tây Bắc, có bản đổi ra Đông Bắc cho “hợp” bởi họ đang ngày đêm canh giữ vùng biển đảo phía Đông của Tổ quốc. Viết thư cho Chế Lan Viên ký tên Thồ, lòng tôi xốn xang phải đi tìm ông.

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan. Ông từng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại Nga Sơn với cương vị Phó Chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa. Sau cách mạng tháng Tám, Hữu Loan là uỷ viên văn hoá trong Uỷ ban lâm thời tỉnh Thanh Hoá, phụ trách 4 ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính, Công chính. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hữu Loan tham gia quân đội, ông giữ chức chính trị viên tiểu đoàn, phụ trách báo Chiến sĩ Sư đoàn 304. Ông viết bài thơ Quách Xuân Kỳ nổi tiếng không kém gì Đèo Cả. Quách Xuân Kỳ quê Hoàn Lão, tay Ái quê Lộc Thôn. Hai ngôi làng gần nhau. Thuở nhỏ Ái hay tới nhà rủ Kỳ đi học. Sau này Quách Xuân Kỳ làm Bí thư Thị uỷ Đồng Hới ( Quảng Bình). Kỳ bị bắt. Quân Pháp giải bí thư Quách Xuân Kỳ về Hoàn Lão xử bắn để thị uy. Và chính tay Ái nâng súng xử bắn Kỳ. Quá đau đớn, Hữu Loan viết bài thơ nầy (trích đoạn cuối bài thơ):

       ...Bóng cao

          Tóc xù

          Trai Quảng Bình

                                     Trong quán phở chiến khu

          Đập bàn

                       tắt đèn

          Thét/ săn/ rách/ áo

          Thằng Ái Lộc Thôn

                                         bắn

                                              thằng Kỳ Hoàn Lão!

Chao ôi! Giá chi bây giờ có người thơ dũng khí viết chỉ mặt chỉ tên, nói chẻ hoe như thế với các quan tham nhũng cho dân được biết, bởi lắm vụ quá cụ thể, người ta hô hào “cho làm giàu” rồi dùng cái quyền chức ông lớn ấy, trắng trợn vơ quá nhiều công sản béo bở của dân của nước chia cho nhau, nhơn nhơn càn mặt, không hề biết trơ trẽn, lại còn lợi dụng diễn đàn vờ vịt lừa mỵ công luận, lừa mỵ người khác.

Với tác giả Màu tím hoa sim, người đời biết một Hữu Loan qua tập thơ cùng tên chỉ trên mươi bài gì đó. Nhưng Đèo Cả, Màu tím hoa sim, Hương lúa, Quách Xuân Kỳ, Những vùng làng đi qua...cũng đủ để người đơi yêu quý, ngưỡng mộ ông. Hồi ông công tác tại báo Văn nghệ (sau năm 1954), Hữu Loan đã viết một bài thơ về Thủ đô (in trong tập Màu tím hoa sim). Ông chuyển về quê Nga Sơn sống cùng vợ con. Ông làm nghề bẫy đá, thồ đá nuôi bầy con (10 đứa) ăn học nên người. Ai hỏi ông chuyện thơ phú, ông chỉ đọc rành rọt hai bài Màu tím hoa sim và Hương lúa-hai bài ông làm tặng cho hai người vợ ông yêu quý rồi vuốt râu cười sảng khoái!

Sau khi Hữu Loan qua đời (18/3/2010), các bạn văn Thanh Hoá tìm thấy một bài thơ dài mang tên Thủ đô Hà Nội, viết ở Rừng Thông Thanh Hoá của ông. (Đọc trên mạng Trần Nhương tôi mới biết sự kiện nầy).

Đó là tiềm ẩn của Hữu Loan thi sĩ.

Và Thanh Hoá một Kiều Vượng văn xuôi. Anh có vốn sống phong phú. Chiến tranh chống Mỹ xẩy ra, Kiều Vượng trực tiếp chỉ huy thanh niên mở đường giúp bạn Lào. Lại tiếp chỉ huy vận chuyển súng đạn vào Nam bằng đường sông, đường biển mà anh là Bí thư đảng uỷ Đoàn vận tải Lam Sơn tại tỉnh Quảng Bình. Một Kiều Vượng truyện ngắn, truyện dài, bút ký, phóng sự “đánh đông dẹp bắc”chống tiêu cực sắc bén. Đùng một cái, Kiều Vượng có trường ca viết về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Đã giới thiệu mấy chương đầu ở báo địa phương và Tuần báo văn nghệ).

Nghệ An, các tác phẩm Thăm lúa, Đêm nay Bác không ngủ là hiện tượng thơ một bài (Cách nói của cánh phê bình). Nhưng đến Thạch Quỳ thì không một bài mà hiện tượng nhiều tập bài. Tập đầu Tảng đá nhành cây, Thạch Quỳ đã khảng định cái tôi quyết liệt: Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khoẻ/ Tôi cao hơn đất đá mọi công trình/ Tôi không phải sơ đồ bản vẽ/ Tôi cao hơn người máy, thần linh. Và tập mới Bức tượng (2009), Thạch Quỳ vẫn lì lợm tảng đá bản ngã: Trơ trơ như đá/ Đá đổ mồ hôi/ Biết hay không biết/ Lầm lì mồ côi (Tảng đá). Hoặc: Gét cái không đáng ghét/ Yêu cái chẳng đáng yêu/ Thà làm quách tảng đá/ Nằm vô tư trong chiều (Bác Phùng nằm dưới mộ)

Một điều đáng nêu gương: Trong lúc “gạo châu củi quế”, giá vàng lên ngất ngưỡng mà Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Vinh ra được định kỳ Văn nghệ Thành Vinh do các nhà thơ Dương Huy, Nguyễn Quốc Anh chủ xướng đã thu hút nhiều lớp nhà thơ Nghệ An vươn dậy mạnh mẽ: Lê Quốc Hán, Lê Thái Sơn, Nguyễn Thị Phước, Tùng Bách... vân vân...

Hà Tĩnh, hai cụ thơ Tiên Điền, Uy Viễn xếp chiếu chót đỉnh không phải nói nữa, người đời có thể nào quên một Huy Cận thơ Sầu rụng, Nhạc sầu: Ai chết đó nhạc sầu chi lắm thế/ Trời mồ côi đời rét mướt đầy đường... Một Xuân Diệu lãng mạn Lời kỷ nữ, Quả sấu non trên cao: Trái con như thách thức/ Trăm thứ giặc thứ sâu/ Trách kẻ thù sự sống/ Phá đời không dễ đâu !

Giờ bạn đọc chú ý một cây thơ mới Nguyễn Ngọc Phú. Sự kiện 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc làm nên trang sử hào hùng của dân tộc, Nguyễn Ngọc Phú có trường ca Ngã ba Đồng Lộc (Xuất bản 2007). Quê Phú ở biển Thạch Kim. Phú- chàng trai biển ăn sóng nói gió xô táp biển. Nguyễn Ngọc Phú viết nhiều thể loại văn học về biển. Nhưng anh vẫn dồn tâm huyết biển cho thơ. Điều gì đến nó phải đến: Con đường cá (trích trường ca ) của anh đã giới thiệu trên Văn nghệ số 15/ 2010. Và nay, chững chạc một trường ca 8 chương, mang tên Biển và tôi. Tôi tin Phú, Phú còn viết nhiều  thơ hơn nữa về biển .

Quảng Bình, một Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1897-1947) tác giả Tiếng quốc canh khuya là nỗi niềm của đứa con yêu nước thương nòi, lại còn Năm cụ khi không rớt cái ình... là tả Năm vị thượng thư bị hạ đài. Còn hơn thế, Văn tế trận vong tướng sĩ, do tác giả đọc ở bến Thương Bạc-Huế ngày 9/3/1945, đúng ngày Nhật đảo chính Pháp đã làm dậy sóng đất Thần kinh. (Toàn bài có 61 câu, xin trích đọc 7 câu)

       ... Rong ngực sắt Phù Đổng Thiên Vương phá giặc, khói anh linh còn phủ núi Trâu Sơn !

       Phất khăn hồng Trưng nữ tướng hưng binh, gương tiết liệt trắng in hồ Lãng Bạc !

       Dòng máu đỏ sông Bạch Đằng còn gợn, nào những trận phá Hán, Ngô Vương Quyền, cầm Hồ Trần Hưng Đạo, oai linh kia muôn thuở vang lừng;

       Đống xương tàn thành Long Đỗ còn xây, nào những trận bình Ngô, Lê Thái Tổ, tảo Mãn Nguyễn Quang Trung, công đức ấy ngàn thu ghi tạc.

       Thân lao lịch đại đã rỡ ràng ;

       Sự nghiệp Quốc triều càng to tát

       Rưới mưa móc thấm miền Thuận Quảng, áo dày cơm nặng, khúc Hoài Nam còn ngấm đức tài bồi...

Một Lưu Trọng Lư ngông mà thắm trong nỗi buồn: Những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây! Một Nguyễn Xuân Sanh lẫy lừng Xuân Thu Nhã Tập: Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà... Một Hàn Mặc Tử đớn đau bệnh hiểm: Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ... Thơ ấy là siêu thơ, người đời không mấy ai viết nổi.

Xin nói thêm trường hợp Lưu Trọng Lư: Tiềm ẩn thơ ở nhà thơ nầy rất lớn; lớn đến quá mức tưởng tượng. Kỷ niệm 10 năm nhà thơ ra đi (1991- 2011), tại Tp Huế, Hội văn học nghệ thuật TT- Huế, Hội Nhà văn TT- Huế cùng gia đình nhà thơ đã tổ chức buổi tọa đàm “Huế và Lưu Trọng Lư” rất trang trọng. Ở buổi tọa đàm nầy, gia đình Lưu Trọng Lư cho biết: Trong thời gian nhà thơ xây dựng gia đình ở Huế, ông thường ngồi viết trên đò trên sông Hương, đến nay gia đình thu thập được 11 cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ. Còn “Những bài thơ chưa công bố”, gia đình công bố trong tập thơ “Bài ca tự tình” do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 3/2011 gồm các tiêu đề:

      1 Tự sự…đời  28 bài

      2 Những vấn vương  11 bài

      3 Cánh hoa bay  14 bài

      4 Tự sự…bạn   14 bài

      5 Tự sự …tình  18 bài

      6 Từ vách này thời gian ta gõ (Trường ca) Và (Lời cuối)

      7 Tùy bút đời tôi  10 bài

      8 Bày nhện và nhà thơ  3 bài

      9 Tự sự …mình  25 bài.

      Tập thơ có 350 trang, quả là sự tiềm ẩn khổng lồ!      

Một Hoàng Vũ Thuật với Chiếc ghế bỏ trống (Nhớ nhà viết kịch Phan Xuân Hải): Đã trống một chiếc ghế/ Thế gian này sẽ còn trống nhiều chiếc ghế/ Lại thừa hàng trăm chiếc ghế khác ( Văn nghệ số 8/2011). Có nghiã là ông nhớ thương một người tài ra đi, và còn nhớ thương nhiều người tài nữa ra đi. Nhưng, lại thừa hàng trăm chiếc ghế khác, là hàng trăm chiếc ghế bất tài, do cơ hội phát vãng, hoặc cơ cấu này khác mà có vậy.

Ngược lại, bạn thơ Lê Đình Ty thì Tôi ứng cử! (Bên biển- Văn nghệ số 9/2011). Nhưng, nhà thơ không ứng cử vào những chức tước hàm hố của những chiếc ghế kia! Nhà thơ ứng cử vào địa hạt cao sang- Ứng cử tình yêu!

Quảng Trị, một Vĩnh Mai- Búa Tạ (1918-1988): Mùa thu dừng lại ở Long Biên/ Để một mình anh lên Vĩnh Yên, rồi Khóc Hoài là hằn sâu nỗi đau mất mát tình đồng đội rất cảm động cho người đời nhớ mãi Vĩnh Mai ! Và, một Cao Hạnh kịch bản sân khấu, Cao Hạnh truyện ngắn, bạn đọc đọc thêm một Cao Hạnh thơ gần đây in nhiều trên các báo, thì đố ai mà biết được anh đang cất dấu những gì?

Mảnh đất có con sông Bến Hải cắt chia hai miền đất nước một thời, bao nỗi đau thân phận đâu dễ đã nguôi ngoai. Vùng đất dễ bùng nổ văn học.

Huế, một Thanh Tịnh – Mòn mỏi: Chị ơi con ngựa trên yên vắng người! Cho người đời luôn nhớ ông...

Một Thanh Hải lần đầu theo đoàn miền Nam ra thăm miền Bắc. Họ không đi qua con sông Bến Hải “chỉ một mái chèo”. Đoàn phải trèo đèo, lội suối thượng đạo như những người lính. Xin nói thêm, năm 1957, Bác Hồ chủ tâm vô thăm Vĩnh Linh- Bến Hải. Nhưng ngày ấy “ động”, bảo vệ không cho Bác đi. Bác mới dừng thăm Đồng Hới. Thanh Hải ra miền Bắc, được ôm hôn Bác lần ấy, để lại hai câu thơ neo đậu lòng người:

Cách nhau chỉ một mái chèo

Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây !

Hồng Nhu lên tuổi 80, vừa in hai tuyển tập văn và thơ. Hồng Nhu tham gia cách mạng và sống ở Nghệ An ngót 30 năm, đã từng giữ chức Thường vụ Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, và bạn đọc biết một Hồng Nhu văn xuôi. Gần 60 tuổi ông mới đưa gia đình vợ con trở về Huế quê hương. Chỉ mấy năm, một loạt tập thơ Hồng Nhu nối nhau xuất bản: Ngẫu hứng về chiều, Chiếc tàu cau, Nước mắt đàn ông, Rêu đá. Và bây giờ, ông còn Nhặt được ở sổ tay số 1 (Văn nghệ số 50/2010) rồi Rút được ở sổ tay 3 (Sông Hương số 5/2011). Hơn 50 năm cầm bút, Hồng Nhu đi nhiều, biết nhiều, ghi chép nhiều thì thử nghĩ ông cứ nhặt chỗ này lúc này, rút chỗ kia lúc kia, đến bao giờ cho hết ?

Một Trần Vàng Sao vừa đúng tuổi thất thập. Ông nổi tiếng với bài thơ: Bài thơ của một người yêu nước mình. Bẵng đi một thời gian khá lâu, bạn đọc muốn xếp ông: hiện tượng thơ một bài. Đùng một cái, Người đàn ông 43 tuổi nói về mình, in Sông Hương gây xôn xao nổi tiếng, vừa tai tiếng ? Có lần ngồi uống trà với anh tại nhà, tôi gạ, Trần Vàng Sao làm đơn vào Hội Nhà văn Việt Nam, anh chị em giơ tay hết. Trần Vàng Sao, rất nhanh: Ôi chao chao, thôi mi ơi mi ơi, tau ở Hội Dân là vừa. Tau không vô Hội Nhà nước mô. Vô Hội Nhà nước tau mần được cấy chi mi ! Ai hỏi đến chuyện tác phẩm, Trần Vàng Sao, một tay ôm đầu, một tay xua xua, miệng lẩm bẩm: Tau quên, tau quên hết rồi. Tau không còn nhớ tau đã viết gì? Chắc là ông vờ vậy thôi. Tôi biết, ông nhớ rất tường tận về cuộc đời ông và những người có liên quan với ông .

Trần Vàng Sao, tên thật là Trần Văn Đính, vừa viết xong Hồi ký Trần Vàng Sao khá dầy, và 5 trường ca đang nhét trong tủ, như trường ca Ngậm ngãi tìm trầm, trường ca Tau chửi... Chẳng hiểu nội dung nó như thế nào? Chỉ nghe qua cái đề đã thấy thơ độc !

Thơ khó viết, Lâm Thị Mỹ Dạ, đã Kéo cờ trắng, xin hàng ! Nhiều bạn thơ gửi thư cho Dạ ra lệnh: Hạ cờ trắng xuống ! Và Mỹ Dạ lại viết: Cho anh tựa vào em ! Sự vững chãi, bản lĩnh của một quả núi.

Và một Vĩnh Ngưyên, Nhìn:

          ...Một hôm say nhìn hình như đỉnh núi có lõm xuống

          Kỳ thực đỉnh núi không còn nhọn như ngày xưa

          Ở đó còn kéo xuống một con đường

          Như đường rẽ ngôi trên đầu người...( Tạp chí thơ số 4/2009). Nhìn để thấy cặp đối sánh đang bị bào mòn giữa thiên nhiên và trí tuệ, vậy.

Một Nguyễn Khắc Thạch có câu thơ ấn tượng:

          Mang giày đinh trở gót quan trường!

Là ông phát hiện một thực trạng nhố nhăng tráo trở của những ai đó ở những đâu đó mới xuất câu đó.

Và bạn thơ Đức Sơn, Viết từ triền Hương Giang. Với cánh mỏng hoa sim. Nói triền Hương Giang với cánh mỏng hoa sim, nếu bạn đọc ở xa tinh ý, cũng có thể luận ra nó ở đâu ? Riêng người dân xứ Huế thì cảm nhận ra liền. Đó là những địa danh đẹp nổi tiếng, không là đồi Vọng Cảnh thì đó là núi Ngọc Trản (Hòn Chén- Điện Huệ Nam), chứ đôi bờ Hương Giang, từ cửa Thuận An lên tới ngã ba Tuần, không nơi đâu có triền đồi ? Tác giả viết:

           Tôi phận mỏng không thể chạm

                                               cánh mỏng hoa sim nhạy cảm !

           Mắt môi chạm triền Hương Giang với gió thay lời.

Người thơ yêu Huế, trang trọng tinh tế, tôn vinh di sản, thế mà suýt nữa đồi Vọng Cảnh biến thành Life Resort của một thương gia Hà Lan. Vị trí Resort sát Nhà máy nước Vạn Niên, và nếu hình thành Resort thì có thể biến tướng Vọng Cảnh. Còn người dân thành phố uống nước trong lành Vạn Niên xưa nay, giờ được “pha” thêm “mùi Resort “ ?

            Tôi phận mỏng không thể chạm

                                            cánh mỏng hoa sim nhạy cảm !

Cánh hoa sim mỏng, thân phận người có thể mỏng hơn trước thiên nhiên, nếu biết nâng niu, gìn giữ thì còn, mà thô bạo chạm thì có thể tan cả hai phía ?

Ta quý một tình yêu chân thành, một người thơ có hồn cốt in lên danh thắng Huế một câu thơ hồn cốt !

Tôi xin dừng lại ở đây. Tôi viết bài nầy khai thác theo một mạch vỉa cảm xúc thơ riêng, nên nhiều nhà thơ tên tuổi, tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng cao vẫn không thể đưa bình ở tham luận nầy. Mong các nhà thơ rộng lượng.

Xin cảm ơn!

Huế, tháng 8/2011

-----------

Ảnh: Đỗ Văn Hiếu

Phần 3

Phần 2

Phần 1

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn