Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Nhà thơ Cao Xuân Sơn: Người tin vào phép mầu thơ ca

Nhà thơ Trần Quốc Toàn - 18-10-2011 08:38:28 AM

VanVN.Net - Nhà thơ Cao Xuân Sơn vốn là giáo viên văn, dạy học ở Đồng Nai. Từ 1991 ông về TP. Hồ Chí Minh làm báo rồi làm sách. Hiện ông là Giám đốc phụ trách chi nhánh phía Nam NXB Kim Đồng và là tác giả của 12 đầu sách văn học, phần lớn viết cho lứa tuổi thiếu nhi.

 

Nhà thơ Cao Xuân Sơn

  1. Cao Xuân Sơn đưa ra trang bìa tập thơ thứ năm của mình – Con chuồn chuồn đẹp nhất, quan niệm của ông về văn học thiếu nhi “…tôi thấy, mỗi khi viết xong một bài thơ đắc ý cho thiếu nhi chính là những giây phút mình gần với thần thánh nhất”. Tác giả muốn nói về cả vinh hạnh và gian khó của loại công việc văn chương mình đang theo đuổi, muốn nói tới sự thánh thiện của đối tượng miêu tả và cả sự biến ảo cần có của ngòi bút thể hiện. Ông muốn bạn đọc từ quan niệm mang tích nguyên tắc này, đồng cảm được với người viết, tự tìm ra trong thơ ông những câu hay.

  Với riêng tôi, đó là cái hay khi tác giả tạo giao thoa theo kiều mờ chồng của điện ảnh, cận cảnh khuôn mặt đẫm lệ của một thiên thần nhỏ nơi phàm trần và toàn cảnh sông Ngân lấp lánh trên cao:

 Nhiều hôm nắng lụi, chiều tàn
 Rã tay. Mỏi cẳng. Túi hoàn rỗng không!

Thế là bữa ấy toi công

Thế là đêm ấy ròng ròng sao rơi

Bằng giao thoa này, nước mắt tả thực trên khuôn mặt của một bé em lao khổ hành nghề đấm bóp và tả thực sông Ngân đã hòa làm một thành cực tả cách điệu để thể hiện sự không cùng của lòng bác ái.

Cũng với mong muốn “gần với thánh nhân”, cùng với  sự tận dụng ngôn ngữ nhiếp ảnh, Cao Xuân Sơn đưa bút theo chiều ngược sáng, tạo hòa sắc trong một gam màu nóng để có thể nhìn thấy, cây phượng đỏ châm đuốc lửa, thức dậy cả một bình minh:

 Sớm nay như có phép mầu

Tán cây xòe lửa ngang đầu ban mai

Dùng chính chữ “phép mầu” trong bức tranh hoa phượng dẫn trên kia mà xâu chuỗi những thủ pháp, những cách thức tu từ tác giả đã dùng, mới thấy, để xuất thần trong đà bút, để bạn đọc thiếu nhi chịu nghe mình, Cao Xuân Sơn cũng hiếu động, cũng “liến khỉ”  như nhân vật Tề Thiên Cu Ròn của mình.

Khi thì liến thoắng như kể vè với 12 “bật mí” về động từ ăn: Hút vào phà khói ra/ Ông gọi là ăn thuốc/ Bã trầu không ai nuốt/ Bà vẫn bảo ăn trầu; khi thì nhân hóa, biến biển khơi thành lão tầm quất chăm chỉ và điệu nghệ: Đá ngồi cho sóng đấm lưng; khi tự sự đến điều trong kể chuyện lục bát Thằng nhóc phố tôi; khi trữ tình bất ngờ bằng một tứ tuyệt có hơi hướng Đường thi mà vẫn rất trẻ con Sân trường lặng phắc như tờ/ Vòm cây thấp xuống lá cờ cao lên/ Tưởng như sau tiếng hô “nghiêm”/ Chim trên cành cũng tự nhiên thành hàng; khi mỹ lệ, nhịp nhàng như viết lời sẵn cho một ca khúc, Cơn này thôi, ngủ đi nghe/ Tạnh mưa, tạnh cả chớp lòe sấm ran; khi sâu sắc, cô đọng như một triết lý – ước mơ bao giờ cũng đẹp hơn hiện thực, để có thể đứng tên cho cả tập thơ:

Tôi đã từng rình, nấp mê say                                                                       

Nhưng chỉ thấy một con chuồn chuồn đẹp nhất

Chính là con chuồn chưa một lần bị bắt

Con chuồn chuồn…đang bay!

2. Kể từ khi cầm bút, nhà thơ thầy giáo Cao Xuân Sơn kiên trì với nguyên tắc nghệ thuật phép mầu thơ ca của mình. Trước ý kiến “đời sống hiện đại ít chất thơ và tuổi thơ của thiếu nhi hôm nay cũng nghèo chất thơ”, ông phản bác “Tôi không tin điều ấy. Có thể là nó, cái chất thơ ấy, ít nhiều bị khuất lấp đâu đó thôi. Quan trọng là nhà thơ, anh phải nhìn thấy nó, từ bất cứ góc độ nào. Thế gian bụi mù, nhưng thế gian luôn lấp lánh và bầu trời đêm luôn lung linh những giấc mơ tượng hình những chấm sao li ti. Trong bất cứ thời đại nào, tôi cam đoan là luôn có hai dạng người thích ngửa mặt lên đếm sao trời, ấy là trẻ em và các nhà thơ”.

Không chỉ lí thuyết suông, Cao Xuân Sơn còn xây dựng đội ngũ những người “ngửa mặt lên đếm sao trời”. Cao Xuân Sơn chính là người thực thi sáng kiến thành lập tủ sách dành cho Tuổi mới lớn, của nhà xuất bản Kim Đồng, với mục đích tạo nguồn văn bút rõ rệt. Ông nói vể tủ sách này: “Khẩu vị” đọc sách của độc giả nhỏ tuổi càng ngày càng đa dạng và tinh tế. Trẻ em ngày nay hơn kém nhau vài tuổi đã có nhu cầu, sở thích đọc khác xa nhau. Không thể chỉ chia ra nhi đồng và thiếu niên chung chung như trước kia. Trong mỗi lứa ấy cần và có thể phân chia thành những nhóm nhỏ hơn. Cho đến hôm nay, vào một hiệu sách, độc giả mẫu giáo, nhi đồng hay thiếu niên bé (bậc tiểu học) có nhiều cơ hội lựa chọn hơn các em tuổi vị thành niên, tuổi “ô mai”, tuổi giáp ranh giữa trẻ con và người lớn. Mà tuổi giáp ranh này chính là lúc tâm sinh lí đang diễn biến phức tạp nhất, đây là thời điểm, hơn lúc nào hết, các em cần những bàn tay dìu dắt, những người bạn tâm tình”.

Nếu nhìn tủ sách Tuổi mới lớn như một sàn tập, một sân chơi chữ nghĩa, một lò luyện văn chương thì chính tủ sách này tạo sự được liên hệ khăng khít giữa chiều rộng của những mơ mộng sáng tạo, của hoạt động sáng tác mang tính phong trào và chiều sâu chiều cao của văn học chuyên nghiệp. Từ tủ sách này, một đội ngũ những cây viết trẻ đã được hình thành, có thể kể Nguyễn Ngọc Thuần, Liêm Trinh, Đỗ Thanh Vân, Võ Thu Hương, Nguyễn Thúy Loan, Đỗ Thiền Đăng, La Thị Ánh Hường, Trần Huyền Trang, Đoàn Phương Huyền, Tú Trinh, Huỳnh Tài, Phương Trinh, Nguyễn Thiên Ngân, Hà Thanh Phúc, Phạm Vũ Ngọc Nga,  Nguyễn Thị Yến Linh… Trong những người viết trẻ này, có người đã xuất bản sách khi còn là học sinh trung học như Hà Thanh Phúc, Đỗ Tú Cường, có người đã có sách dịch ra tiếng Thụy Điển, tiếng Anh như Nguyễn Ngọc Thuần. 

Nhìn xa hơn vào tương lai, ngay từ khi mang trọng trách Trưởng ban biên tập Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM, nhà thơ Cao Xuân Sơn càng tích cực mang “phép mầu thơ ca” cùng với sách văn học tới các trường học. Người viết bài này đã được cùng ông giao lưu với sinh viên Đồng Tháp, học sinh Đồng Nai… Và mới đây nhất, sáng 5/10/2011, ông tới trò chuyện với học sinh trường British Vietnamese International School, Quận 7, TP.HCM, một trường quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, ngôi trường như Hiệu trưởng Michael Deveney tự giới thiệu “là trường đầu tiên mang tới một chương trình giáo dục quốc tế song song với việc tôn vinh, gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt”. Nhà thơ nói về  Sự giàu đẹp của tiếng Việt và gắn liền với tiếng Việt là “phép mầu thơ ca”.Tại đây với vai trò  trò giám khảo, nhà thơ Cao Xuân Sơn đã chọn ra ba bài thơ hay nhất, trong cuộc thi thơ tiếng Việt của trường để trao giải thưởng.

“Con chuồn chuồn đẹp nhất” là “con chuồn chuồn đang bay”, và chính nhà thơ Cao Xuân Sơn cũng đang bay để nuôi mãi cho tuổi thơ cuộc rình nấp, chộp bắt hồn nhiên kia. Và mới hiểu vì sao đôi cánh bay mỏng tinh tang và trong suốt ấy lại nhận được lời khích lệ chân tình từ bậc “trưởng lão” trong làng thơ thiếu nhi Việt Nam, nhà thơ Định Hải: “Tôi rất đỗi vui mừng được đọc tập thơ mới của Cao Xuân Sơn, khiến tôi phải gọi điện ngay vào Sài Gòn chia sẻ với tác giả, dù biết đêm đã khuya rồi. Rõ ràng vẫn còn đó thơ hay cho thiếu nhi…”.

(Nguồn: TGM 956)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn