Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Những mảnh đời để ngẫm

Yến Nhi - 06-11-2014 11:15:42 AM

Đọc “Giọt nước mắt màu đất” - tập truyện ngắn của Đức Ban, Nxb Hội Nhà văn, 2014

Trong đời sống cộng đồng có một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ: Con người cần phải cảnh giác trước cái xấu, cảnh giác ngay với chính bản thân mình. Tập truyện này không vẽ tiếp những tội phạm hình sự đầy rẫy trên báo chí, mà bằng con đường nghệ thuật tái tạo cái xấu như một phạm trù thẩm mỹ thức tỉnh lương tri con người thời nay.

Từ một cây bút chuyên sâu về đề tài nông thôn thời hậu chiến, Đức Ban mở rộng sang viết về đời sống cộng đồng trong một môi trường rộng lớn gồm cả thành thị lẫn nông thôn. Đời sống người dân thời đổi mới từ văn hóa đến kinh tế, đạo lý đến phong tục, hiện tại trở về quá khứ… tất cả được soi chiếu bằng một cái nhìn hiện đại, thể hiện bằng một bút pháp nhiều sáng tạo, hòa nhập với nền văn xuôi đương đại.

Một số truyện vẫn theo bút pháp truyền thống, bám chặt vào mảnh đất hiện thực: Nước chảy, Sóng Bến Duềnh, Bên đường phố, Người đàn bà trên Cầu Giằng, Thăm thẳm  rừng xanh, hình tượng được xây dựng với những chi tiết chân thực cụ thể, nhưng nội dung có nhiều nét mới. Những luận đề ẩn sâu dưới các truyện này tạo được hấp lực không theo lối mòn.

Nào là chuyện vị quan chức một thời tha hóa, cuối đời bừng tỉnh khi gặp cảnh ngộ người đàn bà từng cưu mang mình nay trong thân phận thấp hèn nhưng vẫn nặng sâu tình yêu quê hương (Người đàn bà trên Cầu Giằng). Truyện khác dựng lên cảnh oái oăm ngang trái, người bị hại phải đi ở nuôi kẻ đã hại gia đình mình - một con chó lai - cậu Pin, “con nuôi” của một nhà giàu (Nước chảy). Sóng Bến Duềnh, Thăm thẳm rừng xanh lại đề cập đến một vấn đề khá phổ biến trong cuộc sống thời thị trường, kẻ thì chạy theo đồng tiền, kẻ thì chạy theo dục vọng làm những chuyện phi luân… Nhưng rồi phản trắc bội bạc phải chịu quả báo. Những nhân vật Hân, nhân vật Ông tiêu biểu cho lối sống tha hóa đó, bị chính cuộc sống đó hãm hại, bị vợ con phản bội đẩy vào ngõ cụt bi thảm của số phận.

Có hai truyện trong tập tác giả đưa đến hai mẫu đời đáng suy ngẫm. Một thanh niên học xong đại học, từng đi lính, từng làm báo, đầy chữ nghĩa, nhiều mơ ước (chú Huyên) bị cuộc đời oái oăm xô đẩy phải lập thân bằng việc lập “Tổ thợ nề” sống cuộc đời cần lao lang bạt, với một người tình tủi cực, chua xót (chị Hiền); chú sống vất vưởng, ngày lao động, tối làm thơ… rồi phá sản thất nghiệp, mắc bệnh tâm thần. Con người ấy cho đến lúc chia tay vẫn không quên được cái hòm sách chứa mơ ước một thời, nên nhờ cậu bạn chăm giữ hộ và luôn khuyên nhóm thợ đàn em sống ở đời phải lấy tình nghĩa làm trọng (Bên đường phố). Trong mưa, câu chuyện về một công chức tỉnh lẻ sống nhợt nhạt tù đọng chán ngán vì bao thất vọng: phục vụ cho thủ trưởng rồi cũng bị bỏ rơi, vợ chạy theo đồng tiền mong cứu vớt gia đình ra khỏi cái nghèo nhưng bị chính quỹ đạo đồng tiền hút vào, trụy lạc rời bỏ gia đình; anh ta bế tắc sống một đời nhạt chán nơi tỉnh lẻ, thui chột bao mơ ước ban đầu. Đó là những nhân vật “sống mòn” kiểu mới trong đời sống thị trường hiện đại.

Mảng truyện thứ hai có những nét đổi mới làm rõ sự sáng tạo của cây bút Đức Ban. Chẳng hạn Lối trong rừng, một vở kịch kể cuộc đi tìm báu vật của một vị giáo sư theo lời đồn đại. Chỉ là một chiếc rương rỗng không, mà huyền tích cứ truyền mãi, bởi người dân u tối, mê tín, kẻ giữ của thì lợi dụng hư truyền để kéo dài địa vị quyền uy cha truyền con nối. Câu chuyện hồi hộp về một báu vật vu vơ trong quá khứ nhưng xem ra có ích cho độc giả ngẫm về những ngụy tín mà người đời đang mắc phải trong những tranh chấp làng xã.

Giọt nước mắt màu đất là truyện ngắn nhiều dụng công của tác giả. Trong làn sóng công nghiệp hóa, trong bối cảnh bị xâm lăng kinh tế, làng Yên Linh, một làng thuần Việt với đền thờ Thánh Mẫu (nàng Len), một chứng tích lịch sử hào hùng chống xâm lăng, trở thành nạn nhân của cuộc khai hóa biến thành vùng đất công nghiệp của ngoại quốc. Những khu rừng chống giặc trong quá khứ bị chặt sạch, làng mạc hoang tàn. Ông già trồng rừng năm xưa càng buồn khổ hơn khi con gái vì lối sống phù hoa đã chạy theo ông chủ ra nước ngoài. Nhưng rồi như có phép thần thông, một trận sóng thần xô đến cuốn đi hết. Ông lão được thánh mẫu cứu vớt, gặp lại con gái nơi đền thiêng. Đền thiêng và dân làng vẫn còn: văn hóa truyền thống vẫn còn trước sự xâm lăng kinh tế ngoại bang. Chủ đề tác phẩm tuy chìm dưới vài sự kiện huyễn tưởng nhưng vẫn hiện lên khá rõ.

Ở mảng truyện thứ hai này Đức Ban sử dụng nhiều thủ pháp mới trong kết cấu cũng như xây dựng hình tượng. Đặc biệt chất huyễn tưởng được sử dụng đắt trong việc xây dựng hình tượng từ những bước chuyển từ hiện tại sang quá khứ, từ hiện thực sang tâm linh, tạo một  không khí liêu trai khá hấp dẫn người đọc. Mưa một biểu tượng xuyên suốt tác phẩm, “mưa chìm rừng, chìm phố…tiếng mưa sầm sập, rả rích, tiếng gió lào thào lê thê” như một điệp khúc trong cả tập truyện: Mưa trong rừng cản trở bước chân người đi, mưa nơi quán café ngắt quãng cuộc chuyện trò của tác giả và “hắn”, mưa trong xóm chài ngày bão giông phá tan bao công trình, mưa ngập thung lũng Phiềng Nâu nơi Hân và Ngọc Diệu yêu nhau cùng những món hàng qua biên giới, mưa trên bến sông Duềnh đẫm ướt mối tình vụng trộm, mưa kết duyên hai kẻ lạc loài “bên đường phố”, mưa trên cầu Giằng bao che cho cuộc gian díu của người say… Đất miền Trung lắm mưa nhiều bão tràn vào một cách vô thức làm nền cho những câu chuyện của Đức Ban, làm chúng thấm đẫm một không gian mờ ảo sương khói ma mị, tạo một hấp dẫn riêng.

Đức Ban là một nhà văn luôn trăn trở với nghề, tìm tòi mạnh dạn. Trong tác phẩm mới này nhiều yếu tố nghệ thuật đương đại được vận dụng khá đắc địa, phát triển thường xuyên, tạo hiệu ứng thẩm mỹ, góp phần khẳng định một phong cách riêng của tác giả.

Nguồn: Báo Văn nghệ số 44/ 2014

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn