VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI: CẢM THỨC LƯU VONG TRONG TIỂU THUYẾT NABOKOV
Theo đó, Pnin là tiểu thuyết thứ 4 được viết bằng tiếng Anh của Nabokov. Từ khi bắt đầu xây dựng nhân vật Pnin, Nabokov đã có kế hoạch viết một loạt những câu chuyện về nhân vật này, để đăng trên tờ New Yorker, sau đó sẽ tập hợp lại thành một cuốn sách, nhằm đảm bảo thu nhập cho ông trong khi ông tìm cách liên hệ với các nhà xuất bản để in Lolita. Khi Nabokov gửi bản thảo tiểu thuyết Pnin hoàn chỉnh cho vài nhà xuất bản của Mỹ vào mùa thu năm 1955, họ đã từ chối vì lý do là “quá ngắn”. Đến tháng 8/1956, Doubleday đã đồng ý xuất bản cuốn sách. Pnin chính thức có mặt trong các hiệu sách của nước Mỹ vào tháng 3 năm sau, và nhanh chóng nổi tiếng.
Ngay lập tức, Pnin tạo được cơn sốt trên đất Mỹ, biến Nabokov trở thành tác giả nổi tiếng. Ngay tuần thứ hai sau khi ra mắt, Pnin đã được tái bản và Nabokov được tạp chí Newsweek đánh giá là “một trong các nhà văn tinh tế nhất, hài hước nhất, cảm động nhất nước Mỹ ngày nay”. Pnin cũng được đề cử tranh giải National Book Award for Fiction năm 1958.
Pnin là kể về Timofey Pnin, một giáo sư lưu vong dạy tiếng Nga tại Waindell College ở New York. Tác phẩm đã tái hiện lại một bức tranh hài hước nhưng đầy sầu muộn của tri thức Nga lưu vong, giữa cuộc sống đầy những phức tạp trên đất Mỹ hiện đại thực dụng. Nó cũng là bức tranh phản ánh trung thực nhất về cuộc đời của Nabokov.
Năm 1919, ông cùng gia đình đã tới được nước Anh và theo học tại Trinity College, Đại học Cambridge. Nabokov thành công trong việc hòa nhập với đời sống mới bằng thứ ngôn ngữ tiếng Anh hoàn hảo. Ông là một những câu chuyện thành công trong hàng ngũ những kẻ tha hương. Nabokov không chỉ sống như một nhà văn bằng ngôn ngữ mới, ông còn là tác giả nổi bật của nền văn học Mỹ hiện đại.
Tuy nhiên, trước khi Nabokov đạt được vinh quanh, bản thân ông cũng đã trải qua những bi kịch cá nhân cay đắng. Cha của ông đã bị một người Nga lưu vong khác giết. Anh trai ông, Sergei, cũng chịu sự khổ nhục và cái chết đau đớn tại một trại tập trung của Đức.
Bi kịch của gia đình cũng khiến mối tình của ông với Svetlana Siewert tan vỡ. Sau này, cuộc hôn nhân của ông với Véra Evseyevna Slonim cũng đem lại rất nhiều khốn khó cho gia đình bởi gốc gác Do Thái của bà.
Ngày 19/5/1940, Nabokov đến Mỹ không phải để tìm kiếm danh vọng và sự giàu có mà bởi sự tuyệt vọng cuối cùng để trốn thoát Đức Quốc xã, khi chúng bước chân vào Paris chỉ vài ngày sau đó.
Trước khi đến Mỹ, Nabokov đã trải qua hai thập kỷ sống lưu vong như một người đàn ông không quê hương ở Đức và Pháp. Ông, cũng giống như vô vàn những nhà văn lưu vong của thế kỷ 20 như Thomas Mann, Elias Canetti, Aleksandr Solzhenitsyn, Isaac Bashevis Singer, Czesław Miłosz và Joseph Brodsky… quá thấm thía những nỗi đau thương, nhung nhớ và mất mát của kẻ buộc phải rời bỏ quê hương, đã cùng nhau tạo nên những tác phẩm văn chương đầy day dứt về lớp người lưu vong này.
Giáo sư Pnin chính là một nhân vật khơi dậy sống động hình ảnh của một tri thức lưu vong. Nabokov đã biểu đạt sắc sảo những trải nghiệm của bản thân, đồng thời thâm nhập vào nội tâm kín đáo của nhân vật một cách đầy tinh tế, trìu mến, đã tạo nên một người đàn ông loay hoay hòa nhập với đời sống mới, khi tâm tư trĩu nặng những ưu sầu hoài nhớ về cố hương. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, ông đặc biệt nhấn nhá với những khoảnh khắc xúc cảm bất chợt rung động của Pnin. Đây cũng là cảm xúc người đọc bắt gặp hầu hết trong các tiểu thuyết của Nabokov. Những ẩn dụ, những lớp lang trong truyện đều khiến người đọc liên tưởng đến sự cô đơn, cảm giác cần có nơi để trú ngụ để thoát khỏi sự cô đơn, lạc loài, hay chính là sự bất hạnh của thế hệ, trước những biến động của lịch sử. Tâm hồn sâu thẳm của con người vẫn là điều Nabokov cần mẫn khai mở. Pnin sống ở Mỹ, nhưng lại đắm chìm trong một không gian nước Nga mộng mơ cũ kỹ. Nước Nga ấy cắm rễ sâu trong lòng ông, thường tấn công ông bằng nỗi nhớ quặn thắt, bằng lòng hoài nghi buốt nhói và điều đó chỉ có thể gọi là cảm giác lưu vong của những con người lưu vong.
Minh Vũ ( tổng hợp)
MỘT WOODY ALLEN KHÁC TRONG VĂN CHƯƠNG
Cuối thập niên 1970, Allen tham gia sáng tác cho các tạp chí như The New Yorker, New York Times…; nhiều tác phẩm trong số này đã được biên soạn trong bốn hợp tuyển mang tênGetting Even, Without Feathers - Tuyệt vọng lời, Side Effects - Lộn tùng phèo và Mere Anachy. Ra mắt năm 1980, Lộn tùng phèo là tập hợp 17 tác phẩm ngắn đa dạng thể loại: từ tiểu luận, chính kịch đến truyện ngắn được sáng tác từ năm 1975 đến 1980; tất cả đều mang đậm màu sắc trào phúng dí dỏm đặc trưng của Allen. Thủ pháp nghệ thuật nổi bật xuyên suốt tác phẩm chính là "non sequitur". Đây là một từ gốc Latin với ý nghĩa: “không liền mạch, không nhất quán”.
Và Tưởng nhớ Needleman và Kiếp đọa đày, hai tác phẩm xuất hiện đầu tiên trong Lộn tùng phèo là những minh họa xuất sắc cho lối viết trái khoáy này của Allen. Từ câu này đến câu khác, từ trang này đến trang khác dày đặc những ví dụ "non sequitur" điển hình nhất. Tuyệt chiêu của ông là trước tiên đưa ra một vấn đề triết lý hết sức trừu tượng, vĩ mô, rồi ngay lập tức móc ngoéo với một hình ảnh thực tế phũ phàng dường như chẳng ăn nhập gì với vế trước: “Hắn ta đang mơ, Cloquet nghĩ, còn mình sống trong thực tại. Cloquet ghét thực tại nhưng nhận ra rằng đó là chốn duy nhất kiếm được miếng bít tết ngon” hay “Sau khi suy tư nát óc, phẩm chất vẹn toàn tri thức của Needleman đã thuyết phục ông tin rằng mình không tồn tại, bạn bè ông không tồn tại, và điều duy nhất có thực là cái giấy nợ nhà băng sáu triệu Đức mã.”
Bàn về các nhân vật của Allen trong Lộn tùng phèo, họ luôn mang nét gì đó… thần kinh như chính con người ông, một con người tự nhận bị mắc đồng thời cả hai chứng sợ chỗ kín (claustrophobia) và chứng sợ khoảng rộng (agoraphobia). Allen không bao giờ đi qua đường hầm. Ông không thích tắm vòi sen mà lỗ thoát nước nằm giữa sàn nhà. Ông luôn xắt chuối làm bảy khúc mỗi khi ăn sáng rồi thậm chí còn đếm lại cho chắc vì “cuộc đời tôi đang suôn sẻ với bảy khúc chuối, tội gì phải thách thức số phận mà xắt làm sáu hay tám khúc.”
Hiểu qua về con người Allen, ta cũng dễ cảm thông khi đọc Lộn tùng phèo mà thấy nhân vật tự nhiên“muốn biến thành một cái ghế”, “tin mình là Igor Stravinsky sau khi tỉnh dậy ở bệnh viện”, “trộm cắp để có tiền boa cho đám bồi bàn” hay “từ chức ở bệnh viện, đội mũ két gắn chong chóng, đeo ba lô và bắt đầu trượt pa-tanh”…
Hầu như không một nhân vật nào có thể coi là “bình thường” trong thế giới sáng tạo của Allen, nhưng họ tâm thần vừa đủ để vẫn có thể “được” chịu đựng cuộc đời mà không bị tống vào nhà thương điên. Allen cũng từng ca thán gần như thế về chứng trầm cảm nhẹ của ông: “Nó không phải là thứ buộc phải điều trị trong bệnh viện, hay khiến bạn muốn tự sát, đại loại thế. Như kiểu trầm cảm một nửa. Giá như nó có thể cực đoan hơn một chút…”
Nhìn mọi thứ qua lăng kính hài hước, với Woody Allen, chính là một cách để đối chọi với cuộc đời. Khoa học, văn chương, chính trị, giáo dục, tâm linh, triết học… - mọi góc cạnh của đời sống đem soi chiếu qua lăng kính của Allen bỗng trở nên tếu táo, cuốn hút mà không kém phần thâm thúy. Muốn hiểu thêm về tâm tư của thiên tài tâm thần đến từ xứ xở Hollywood ư? Mời các bạn tìm đọc Lộn tùng phèo để biết thêm chi tiết.
Woody Allen có thể được biết tới nhiều hơn với vai trò đạo diễn, diễn viên Hollywood với những bộ phim làm nên tên tuổi như Annie Hall (1977), Hannah and Her Sisters (1986), Match Point (2005)…
Lan Thảo ( tổng hợp)
Nguồn: Văn Nghệ