NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN: PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG NHẤT CỦA NHÀ BÁO LÀ SỰ LƯƠNG THIỆN
Nhà báo Hoàng Hải Vân
Nhân Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam (21.6), Văn hóa Nghệ An (VHNA) đã có cuộc trao đổi với nhà báo Hoàng Hải Vân, nguyên Tổng thư ký báo Thanh Niên về một số nội dung liên quan đến các vấn đề trên.
Phan Văn Thắng:Anh đã bắt đầu nghề báo như thế nào?
Hoàng Hải Vân:Tôi bắt đầu làm báo khi còn làm công tác thanh niên vào cuối những năm 1980 của thế kỷ trước ở tỉnh Quảng nam Đà Nẵng. Khi ấy, Tỉnh đoàn phối hợp với báo QN-ĐN phát hành tờ Diễn đàn Thanh Niên, tôi chịu trách nhiệm tổ chức nội dung, tài chính và viết bài cho tờ báo đó. Sau này tôi có làm tòa soạn kiêm viết bài cho báo Nông thôn ngày nay một thời gian trước khi làm chính thức cho báo Thanh Niên.
Phan Văn Thắng:Trải mấy chục năm làm nghề báo, anh quan niệm về nghề như thế nào? Có sự chuyển biến quan/ý niệm về nghề trong hành trình nghề của mình? Sự chuyển biến đó như thế nào?
Hoàng Hải Vân:Làm báo là một nghề nghiêm túc như mọi nghề nghiệp khác, nghề này không sang trọng hơn cũng không thấp kém hơn so với bất kỳ nghề nào. Sản phẩm báo chí cũng giống như sản phẩm của người làm bánh, đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng. Cái bánh kém chất lượng người mua ăn vào có hại cho sức khỏe thể chất, tác phẩm báo chí kém chất lượng người đọc sẽ có hại về sức khỏe tinh thần. Chất lượng của một tác phẩm báo chí là sự trung thực và tính hữu ích.Tuy nhiên, sự trung thực của người làm bánh chỉ đòi hỏi sự lương thiện, còn sự trung thực của người làm báo nhiều khi cần sự dũng cảm. Đó là đặc điểm nghề nghiệp, một số nghề nghiệp khác cũng có đặc điểm đó, chẳng hạn như thợ lặn hoặc thợ leo núi cũng đòi hỏi sự dũng cảm. Đó là quan niệm của tôi về nghề báo, quan niệm đó không thay đổi kể từ khi bước chân vào nghề báo.
Phan Văn Thắng:Những nhận định lớn nhất của anh về báo chí Việt Nam từ sau Đổi Mới lại nay?
Hoàng Hải Vân:Từ sau Đổi Mới đến nay, chúng ta đã có một bước tiến lớn trong quá trình tự do hóa nền kinh tế, kéo theo đó tự do chính trị ngày càng được mở rộng. Báo chí đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy quá trình này. Nhà báo không còn là kẻ “ăn theo nói leo” mà là một nghề nghiệp thực sự. Đương nhiên vẫn còn những nhà báo “ăn theo nói leo” nhưng tôi không tính họ trong đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp.
Phan Văn Thắng:Đặc điểm lớn nhất của báo chí Việt Nam đương đại so với báo chí thế giới là gì?
Hoàng Hải Vân:Báo chí Việt Nam hiện nay không hơn cũng không kém báo chí thế giới về mọi phương diện. Đừng so sánh một tờ báo nhỏ của Việt Nam với một tờ báo lớn của Mỹ. Khi tôi còn làm tòa soạn báo Thanh Niên, cơ quan có mời một giáo sư người Mỹ, ông này từng đoạt giải Pulitzer, đến hướng dẫn nghiệp vụ cho phóng viên. Tôi hỏi ông giáo sư đã từng làm tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất là bao nhiêu, ông ấy bảo : 100 ngàn bản/ngày. Tôi nghĩ bụng, các phóng viên Thanh Niên đang làm cho tờ báo có số lượng phát hành 300 - 400 ngàn bản/ngày, thì sẽ học được cái gì ở vị giáo sư này, tất nhiên tôi không nói với ông ấy điều tôi nghĩ. Sự kém cỏi của báo chí Việt Nam cũng không thua kém báo chí thế giới.Tần suất fake news của báo chí Việt Nam cũng không khác biệt mấy so với báo chí thế giới.
Phan Văn Thắng:Anh đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí hiện nay đối với đời sống đất nước?
Hoàng Hải Vân:Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, mạng xã hội đang phủ sóng khắp nơi, người dân hàng ngày tiếp cận dòng thác thông tin nhanh đến chóng mặt. Báo chí vừa “nương nhờ” vừa cạnh tranh với mạng xã hội để tồn tại.Nhưng trong dòng thác thông tin cuồn cuộn đó, thông tin từ báo chí (chính thống) vẫn là dòng thông tin đáng tin cậy hơn.Vì báo chí bị chế tài ngăn chặn fake news, còn mạng xã hội thì không.
Phan Văn Thắng:Tôi nghĩ, có văn hóa báo chí. Đó là những giá trị mà báo chí, các nhà báo sáng tạo ra, tích lũy, kết tinh được. Về lý thuyết là vậy. Nhưng, bên cạnh các giá trị tốt đẹp, tích cực, có mặt trái, có những tiêu cực, thậm chí phản văn hóa của báo chí, của một số cá nhân hành nghề báo chí. Từ trải nghiệm và quan sát cá nhân, quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Hoàng Hải Vân:Báo chí là sản phẩm văn hóa. Nó giúp cho con người sống gần với cộng đồng, hiểu mình ở đâu trong vận mệnh của đất nước và sự biến động của thế giới. Nhưng những tiêu cực trong báo chí thật đáng xấu hổ. Dùng báo chí để tống tiền, kích động bạo lực, bươi móc xâm phạm đời tư, mô tả các hành vi trái thuần phong mỹ tục để câu view, câu khách đều là các hiện tượng phản văn hóa.
Phan Văn Thắng:Nhà báo cần có những phẩm chất gì? Những phẩm chất đó có phải là “trên trời rơi xuống”? Các nhà báo cần làm gì để có được những phẩm chất, (và năng lực) cần thiết đó?
Hoàng Hải Vân:Phẩm chất quan trong nhất của nhà báo là sự lương thiện. Nó vừa là “thiên bẩm”, vừa là kết quả của rèn luyện, giáo dục từ gia đình đến nhà trường và xã hội.Nghề nào cũng cần lương thiện, nhưng làm báo mà muốn lương thiện thì nhiều khi đòi hỏi phải dũng cảm. Mỗi người có sự lựa chọn của mình, nếu không đủ dũng cảm thì nên chuyển sang làm nghề khác để không đánh mất sự lương thiện.
Phan Văn Thắng:Lâu nay tôi có nghe nói về hiện đại hóa báo chí/nền báo chí, từ tư duy đến kỹ năng, từthông tin đến tiếp nhận… Theo anh, bản chất của hiện đại hóa báo chí là gì? Then chốt của quá trình này ở nước ta, hiện tại, là vấn đề gì?
Hoàng Hải Vân:Hiện đại hóa báo chí là áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ vào nghề báo. Việt Nam có đủ điều kiện về công nghệ để hiện đại hóa nền báo chí như các nước khác.Còn hiện đại hóa hoạt động tác nghiệp thì thường thuộc về cá nhân của các nhà báo.
Phan Văn Thắng:Những điều kiện cần cho quá trình hiện đại hóa và phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn hiện nay là gì?
Hoàng Hải Vân:Chúng ta có đủ các điều kiện công để hiện đại hóa báo chí. Nhưng điều kiện cần là phải có cạnh tranh, nghĩa là tờ báo giấy, báo điện tử hoặc kênh phát thanh, truyền hình phải tồn tại bằng sự đón nhận của công chúng. Cũng có nghĩa là phải xóa bao cấp đối với báo chí.
Phan Văn Thắng:Anhnhìn nhận như thế nào về mạng xã hội?Bản chất mối liên hệ của mạng xã hội với báo chí? Anh tưởng tượng như thế nào nếu xã hội bây giờ thiếu mạng xã hội?
Hoàng Hải Vân:Mạng xã hội là thành quả của công nghệ thông tin. Sự phát triển của mạng xã hội khiến cho báo chí truyền thống bị đảo lộn, nếu không thay đổi sẽ không tồn tại được.Giờ đây, thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội nhanh hơn rất nhiều thông tin trên báo chí.Khoảng 10 năm trước, ngươi ta không nghĩ vai trò của mạng xã hội lớn như bây giờ, đó là hiện tượng không thể dự báo. Ngay nay, nếu không có mạng xã hội thì xã hội sẽ rơi vào trạng thái “hồng hoang”, rời khỏi thế giới văn minh.
Phan Văn Thắng:Hiện tại, cách quản lý mạng xã hội phù hợp nhất, tốt nhất ở nước ta nên như thế nào, theo anh?
Hoàng Hải Vân:Nên theo thông lệ quốc tế. Chúng ta có đủ luật pháp để điều chỉnh ngăn ngừa những tiêu cực trên mạng xã hội.Phải chấp nhận rủi ro, vì so với lợi ích mà mạng xã hội mang lại thì rủi ro là không lớn.
Phan Văn Thắng:Và phương pháp quản lý báo chí hợp lý – phù hợp nhất, hiệu quả nhất?
Hoàng Hải Vân:Hoàn thiện hệ thống luật pháp để bảo đảm tự do báo chí được vận hành theo Hiến pháp. Báo chí là một nghề đặc biệt, nhưng luật pháp nhất định không được tạo đặc quyền cho báo chí.Nhà báo phải bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác.Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cũng phải thông qua luật pháp.Tuy nhiên, đảng viên hoạt động trong các cơ quan báo chí còn phải tuân thủ điều lệ và định hướng của Đảng, đó cũng là chuyện bình thường.Cần phân biệt sự chỉ đạo của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí với sự áp đặt cầm tay chỉ việc đối với các cơ quan báo chí.
Phan Văn Thắng:Ý cuối cùng muốn được biết ý kiến của anh là làm thế nào để dẹp được tình trạng nhà báo kém đạo đức, làm bậy, vu khống, tống tiền để bị lên án, bị bắt và kết án?
Hoàng Hải Vân:Nhà báo phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác, không có đặc quyền. Các hoạt động vi phạm pháp luật của nhà báo và cơ quan báo chí phải được xử lý nghiêm minh. Nên khuyến khích những tổ chức, công dân bị báo chí xâm hại kiện ra tòa án, đồng thời tăng chế tài đối với những sai phạm trên báo chí. Bởi vì, một thông tin sai khiến cho doanh nghiệp hoặc người dân bị thiệt hại lớn, sự chế tài phải đủ bù đắp cho sự thiệt hại này mới đủ sức răn đe./.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An