TÂM SỰ CỦA J. BRODSKY KHI NHẬN GIẢI NOBEL VĂN HỌC
Joseph Brodsky (1940 – 1996), tên khai sinh Iosif Aleksandrovich Brodsky là nhà thơ Nga sống lưu vong ở Mỹ. Ngày 22.10.1987, Giải thưởng Nobel Văn học dành cho Brodsky được công bố. Dù lúc ấy nhà thơ đang ở London nhưng phải vài hôm sau ông mới có cuộc gặp gỡ trả lời phỏng vấn của phóng viên đài BBC – Anh Quốc.
Thi hào Joseph Brodsky
* Xin cho biết phản ứng đầu tiên của ông khi biết được trao giải.
Brodsky: Tôi rất vui và ngạc nhiên. Đó là hai cảm giác chủ yếu. Tôi biết tin này sau giải được công bố 4 tiếng đồng hồ. Khi tôi đang ngồi trò chuyện với những người quen biết thì một chị bạn bước vào báo Đài Truyền hình Thụy Điển loan tin yêu cầu tôi cần có mặt ở nơi trao giải. Tất cả là như thế!
* Tiếp theo ông làm gì?
Brodsky: Tôi liền gọi cho mình ly rượu Whisky.
* Rượu Whisky ư?
Brodsky: Đúng vậy! Tại một quán ăn Trung Quốc.
* Bây giờ thì ông tin rằng mình được trao giải rồi chứ?
Brodsky: Chưa hoàn tòan tin.
* Thì ông đã cầm giải thường trong tay rồi mà…
Brodsky: Tôi phải tự trấn an một số căng thẳng.
* Thế là ông đã bước vào câu lạc bộ danh giá của những người được trao giải Nobel. Trong số họ có cả những nhà văn Xô Viết và nhà văn Nga – Bunhin, Solokhov, Pasternak, Solzhenitsyn. Ông cảm thấy thế nào khi ở vị trí mới mẻ này?
Brodsky: Từ nhóm người này hoặc có thể nói trong số những người ấy, trong tập họp ấy – tôi không biết gọi thế nào cho đúng, thân với tôi hơn cả tất nhiên là Borid Leonidovist Pasternak, người thứ hai sẽ là Bunin, sau nữa là Solzhenitsyn, sau nữa… Sau nữa sẽ không còn ai đâu! Có nghĩa là tôi không rõ đó có phải là cách định giá ngốc nghếch không, nhưng chí ít là như thế.
* Ai là những nhà văn, nhà thơ hiện tại ông đánh giá cao?
Brodsky: Bốn người Nga, có ba người đang sống ở Nga. Những người khác thì ở Anh, ở Mỹ. Tôi không cho phép mình cao giọng tán tụng và phán xét về tình hình văn xuôi – đó không phải là sở trường sở đoản của tôi. Nhưng những gì liên quan tới thứ ngôn từ tinh lọc, tức thơ ca, về phương diện này tôi có chính kiến chắc chắn của mình. Tôi cho phép mình nói rằng, trước hết, ở Liên Xô bây giờ có ba nhà thơ hoàn toàn xuất sắc. Tôi không xếp họ theo thứ bậc, bởi lẽ những thứ bậc cao là thứ không có thật. Đơn giản là họ làm tôi nhớ: Evgheni Rein, Aleksandr Cusner và Vladimir Ufliand – người cuối cùng hoàn toàn chưa ai biết tới.
* Ông đã sống ở nước ngoài 15 năm. Thơ của ông hầu như không in. Có nghĩa là cả bốn tập thơ của ông đều in ấn ở Liên Xô. Ông hiện có nhiều thơ và trường ca. Ông thường viết báo cho báo chí Mỹ. Vậy 15 năm của đời sống tại phương Tây được phản ánh trong sáng tác của ông ra sao?
Brodsky: Tôi không hiểu lắm câu hỏi này. Để trả lời tôi cần phải loại bỏ từ mình những gì mà tôi còn chưa có khả năng. Đương nhiên là có biết bao nhiêu biến đổi đã xảy ra. Dường như tôi cũng muốn hy vọng rằng những gì được coi là biến đổi ấy diễn ra ngày càng tốt đẹp hơn; nhưng tôi hoàn toàn không tin vào điều này. Trong bất cứ trường hợp nào, điều biến đổi duy nhất mà tôi nhận ra đó là biến đổi của niêm luật thơ. Có nghĩa là sự chuyển biến từ một dạng cấu trúc thơ này sang một dạng cấu trúc thơ khác. Có nghĩa là bắt đầu khống chế một số kích cỡ này, đáng tiếc là một số kích cỡ ấy đã được khống chế cách đó chưa lâu. Nhưng về một phương diện khác, tôi nghĩ toàn bộ những thay đổi đó là sản phẩm thứ yếu của sự già nua. Có nghĩa là nếu con người ta bắt đầu thay đổi, theo hướng tốt hơn hay xấu đi, dường như tôi cũng không muốn giải thích những biến đổi ấy bởi những ảnh hưởng từ bên ngoài. Đó là sự sự cọ xát của thời đại vào lớp da của nó.
* Bây giờ người ta nói rằng thơ của ông sẽ được in ở tạp chí Thế Giới mới (của Nga-Xô viết)?
Brodsky: Tôi sẽ chỉ biết vui vì điều đó thôi. Tôi hy vọng họ sẽ cho công bố những bài thơ gần hay xa hơn một chút của tôi. Có nghĩa là những bài trong tập thơ cuối cùng. Cần phải hy vọng như thế. Bởi vì, theo quan niệm của tôi, những bài thơ này có ý nghĩa hơn hay chí ít ra là tiêu biểu hơn, như người ta vẫn gọi như vậy.
* Tức là ông muốn người ta in lại những bài thơ đã in?
Brodsky: Sự việc là ở chỗ tôi không muốn bị dồn vào thế thụ động. Có nghĩa là tôi sẵn sàng chuyển cho họ những bài thơ mới. Nhưng bởi vì tôi đang sống ở đây, tôi đã không thể theo dõi những gì xuất bản bằng tiếng ở ngoài nước Nga, huống hồ ở tại nước Nga.
* Liệu có gì cản trở ông không khi thơ ông được in ở Tổ quốc của mình?
Brodsky: Nói đúng ra là sẽ không có gì cản trở cả. Tôi sẽ rất vui nếu việc ấy diễn ra. Và tôi không nghĩ rằng điều đó có thể có ảnh hưởng nào đó đối với bản thân quá trình sáng tác của tôi. Những sự kiện quá long trọng, lớn lao thường không gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi nghĩ rằng, việc in thơ tôi tại nước Nga Xô Viết chắc cũng vậy.
* Có điều gì diễn ra với chuyện chữ nghĩa khi ông đã là người Anh?
Brodsky: Tôi không nghĩ rằng mình tồn tại chỉ bởi một ngôn ngữ. Sự thừa nhận này có thể là buồn đấy, những một mặt khác đó là một sự thừa nhận đúng đắn. Tiếng Anh đối với tôi hết sức thân thuộc. Đó là một ngôn ngữ rất chính xác, với ngôn ngữ này không thể dẫn tới những lầm lẫn. Bạn đọc có thể hiểu sai được, chứ bản thân mình thì không. Đó là thứ ngôn ngữ, nếu so với tiếng Nga, hoặc tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Italy câu hỏi đầu tiên đặt ra cho mình sẽ là – phát âm có tốt hay không? Với tiếng Anh bạn không đặt câu hỏi đó cho mình mà là bạn phải tự hỏi mình – điều ấy có nghĩa là gì? Có nghĩa là ý nghĩa điều bạn viết ra là gì. Sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Nga ví như sự khác biệt giữa đánh tennis và đánh cờ. Trong đánh cờ cái chính đó là các mưu kế, còn chơi tennis là kiểu không được chậm chạp đưa trái banh vào thẳng mặt đối thủ.
* Cũng như vậy với những vần thơ sao?
Brodsky: Với thơ ca hoàn toàn là một việc khác. Tôi đã viết một số bài thơ bằng tiếng Anh, đã cho in và tôi nhận được những phản ứng tốt. Tại New York, World books, TLS, cũng như ở một số nơi khác. Nhưng tôi làm như thế, nói theo cách nói của các bác sỹ nội khoa, là để an ủi mình, an ủi sự cần mẫn của mình, có nghĩa là chứng tỏ mình vẫn có thể và đang làm thơ đấy. Chủ yếu là như thế. Tôi không hề có ảo tưởng sẽ biến thành một tác giả người Anh, hơn thế nữa lại là một nhà thơ người Anh.
* Vậy với Nabokov… (ý nói Nabokov viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh)
Brodsky: Tôi không muốn động chạm tới vấn đề này. Mà để làm gì. Họ đủ việc của họ. Tôi hy vọng bạn không phản đối, nếu tôi muốn nhân cơ hội này chuyển tới những người anh em viết lách với tôi – những người đồng bào của tôi lời chào của một người mà tên tuổi cũng chỉ vừa mang một chút tiếng tăm.
TÔ HOÀNG
Theo báo Nga
(Nguồn VHSG)