GIỚI THIỆU CHÙM THƠ VIẾT VỀ XỨ ĐOÀI CỦA TÁC GIẢ HOÀNG CẨM NGA
THƠ HOÀNG CẨM NGA
NHỮNG BỨC TƯỜNG ĐÁ ONG
Lũ bạn gái bảo em
là con gái chớ nhìn vào những bức tường đá ong
sau này mặt rỗ
Eo ơi
con gái mà mặt rỗ thì hàng gương bán cho ai
em sợ những bức tường đá ong
hơn cả ma
Nhưng ở đâu em cũng bắt gặp những giếng đá ong
biết trốn đi đâu úp mặt vào lưng mẹ em khóc
mẹ bảo :
Những rỗ đá ong kia là giếng mồ hôi!
Bây giờ khách đến quê em đông nghịt
họ xem những bức tường đá ong
như hành trình rỗ tầng tầng ngang trái...
VỀ THÀNH SƠN NHỚ NHÀ THƠ NGÔ QUÂN MIỆN
Em quê Thành Sơn về lại Thành Sơn
bâng khuâng chiều bâng khuâng thị xã
thành rêu phong mùa đi hối hả
Bóng ai "Đi tìm gương mặt "*gửi Sơn Tây?
mây Ba Vì vẫn lãng đãng bay
nước sông Đà vẫn sôi xuôi ra biển
"Mảng thành rêu không cũ giữa tim người "*
lắng trong em hồn thơ Ngô Quân Miện!
Em là thế hệ sau của quê mình đến với thơ
chưa gặp Người nhưng thơ người em đã gặp
gặp "cậu học trò ngơ ngác xứ quê"*và "cô gái tóc dài nơi tỉnh nhỏ"(*)
Gặp "Em chỉ yêu vẻ đẹp giống như mình"(*)
người "thèm nghe một tiếng chuông chùa vắng"(*)
"Tưới tắm cho mình một ít thu"(*)
Em mơ theo người miền mây trắng "(*)
dâng chút hương lòng cho một tiếng ru
về Thành Sơn nhớ Ngô Quân Miện
nhớ tiếng thơ "Rạo rực một tình yêu "(*)
một tình yêu xuyên thời gian xanh rờn Thành Cổ
Người đi rồi vẫn để lại chẳng mang theo!
Nẻo Ba Vì thu vàng đỉnh nắng
xin cánh thơ người đón cánh thơ em...
(*)Tên một bài thơ và những câu thơ của nhà thơ Ngô Quân Miện.
(**)Tên tập thơ thứ ba của Hoàng Cẩm Nga.
VỀ QUÊ
Em về thăm quê
gió cũng về thăm núi Ba Vì
gió quàng vai em
như cô bạn ngày xưa chung lớp
Mẹ bảo thời mẹ con gái
mẹ cũng bắt gặp những đám mây đậu trên nón
đi những con đường mẹ vẫn từng đi
em chỉ sợ gió chê em tóc ngắn em đã dấu nỗi nhớ anh thật kỹ
mà mùa đông vẫn tìm ra.
Nay em về Thành Sơn
tìm lại ánh trăng xưa như người say đồ cổ
trăng vẫn nguyên -trăng vẫn nguyên
kệ mùa đông biết em đang nhớ anh
khi vẫn còn ánh trăng kia thì chẳng có gì đáng sợ
Nay ngày cuối đông
em theo chị lên chùa
cùng anh ra mộ
theo mẹ ra chợ
đi đến đâu em cũng bắt gặp những bức tường đá ong
thấy tuổi thơ mình bay phấp phới.
BÓNG MẸ
Đói lòng mẹ làm bạn với sắn khoai
hạt cơm nảy kênh vung ra ngoài
tóc huyền thoại mười năm rồi mẹ nhỉ
bóng mẹ về sau luống lạc ban mai...
Ông mặt trời Xứ Đoài chín đỏ
đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười
nay xa mẹ buồng cau thành côi cút
nắng Xứ Đoài chiêm chiếp gọi mẹ ơi!
Đôi quang gánh nhắc con về quê cũ
áo tơi lá bảo con ngày mai mẹ ra đồng
những rảnh mạ tung tăng ngồi chồm hỗm
chờ mẹ về sau mộ cuối chiều đông....
Sao xa thế giờ đây sao xa thế
hàng trầu không lại nũng nịu khóc cười
quả già chín đua chen chờ tay mẹ
củ dong riềng ninh mục gọi mẹ ơi!
Ngày giáp hạt anh em con ngồi bậu cửa
tay mẹ xới cơm chia cho chúng con một nắm gói cho thầy
nhìn miếng bẹn cháy cõng củ khoai mẹ bảo :
các con ăn rồi còn đi học, mẹ no rồi con biết không?
Ơi tiếng mẹ thân thương từ thuở ấy
ấm áp trong con tới bây giờ
hít hà rinh rích trời tươi trẻ
bóng me đùm con những giấc mơ....
HOA SẤU SƠN TÂY
Tháng Tư thơm ngát hương hoa sấu
mẹ bảo đường quê mặc áo vàng
anh em con đói vàng hoe mắt
chờ gạo mẹ về mé đồi hoang...
Hoa sấu Xứ Đoài mỉm môi cười
chê lũ đòng đòng mải ham chơi
giễu khoai giun dãi ngày giáp hạt
nhại tiếng cơm sôi miệng con cười.
Quả sấu giờ thành ký ức xưa
Xứ Đoài chân núi gió lào trưa
nhà ai cạo cháy đáy nồi bén
mẹ bảo nước sấu cạo sẽ vừa...
Con nhớ năm con lên sáu tuổi
mẹ cõng con qua mấy vạt đồi
nắng chiều xô xếch oằn vai mẹ
sấu rụng sau nhà gọi mẹ ơi...
Mẹ về chín suối xa xăm quá
có sấu nở vàng tháng Tư không
con gởi chùm hoa về nơi mẹ
gởi cả tình con một tấm lòng.
MIỀN MẤY TRẮNG
Buổi sáng đi chăn mây trắng ở Ba Vì
trên triền xanh nắng
cùng đàn bò lang thang mùa cỏ sữa
gió dẫn nắng về Thành Cổ Sơn Tây
đá ong lên màu tình cũ
những cô nàng thắt yếm cười duyên
Các nàng vẫy tay em thơm mùi thị
dẫn về Đường Lâm ngọt giọng chè lam
những dấu chân trên những con đường làng Xứ Đoài
bước vào bầu trời bong lụa
riêng em và người Sơn Tây...
Ôi miền mây trắng, miền mây trắng
cuốn vào ta cả sóng sông Đà
em gánh mây xuống núi
chia quà cho phố xa.