Ống kính phê bình

27/10
3:11 PM 2017

NHÀ THƠ BÙI GIÁNG ĐIÊN RẤT VĂN NGHỆ

TỪ KẾ TƯỜNG- Xì phé với Bùi Giáng. Ở miền Nam trước năm 1975, Bùi Giáng là một hiện tượng của giới văn nghệ Sài Gòn. Ông là một nhà thơ điên, điều này ai cũng biết. Nhưng điên kiểu Bùi Giáng thì thuộc dạng xưa nay hiếm, bởi ông điên rất thi sĩ và Bùi Giáng thi sĩ là một “ngôi sao” trong trường phái điên mà chỉ có ông đứng riêng một góc trời.

                                    Nhà thơ Bùi Giáng

Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào. Hầu hết thơ của ông là thơ... tán gái, mà toàn là gái đẹp bởi Bùi Giáng yêu toàn những mỹ nhân trong nước và trên thế giới.

 

Tình yêu của Bùi Giáng cũng rất lạ lùng, yêu trong mộng tưởng, cứ việc thấy người đẹp là yêu, yêu điên cuồng, làm thơ tặng điên cuồng không cần biết mỹ nhân đó có đáp lại tình yêu của mình không.

 

Chính vì cuộc đời kỳ lạ của Bùi Giáng mà quanh ông có rất nhiều giai thoại, nhất là giai thoại yêu đương. Và cũng chính vì tình yêu lạ kỳ đối với phụ nữ mà Bùi Giáng là một người đàn ông vô cùng hạnh phúc trong tình yêu.

 

Ông không bao giờ biết đau khổ khi yêu từ lúc sinh ra cho tới khi nhắm mắt về bên kia thế giới. Và ở đó có thể gọi là “cõi khác” của Bùi Giáng, chính nơi đó ông sẽ còn tiếp tục cuộc rong chơi và yêu đương bất tận.

 

Tôi có nhiều kỷ niệm với thi sĩ Bùi Giáng (tôi hay gọi là anh Sáu Giáng) trước và sau năm 1975. Ngồi buồn nhớ chuyện cũ, người cũ, xin kể trước vài kỷ niệm với anh Sáu Giáng trước năm 1975. Chuyện chơi, chuyện tào lao vui thôi. Đó là chuyện đánh xì phé với anh Sáu Giáng.

 

Hồi đó anh Sáu Giáng chưa điên nặng, tức là còn điên nhẹ. Mà ai nói anh Sáu Giáng điên thì người đó mới điên. Những năm đó thật vui, nhà của Huy Tưởng nằm trong con hẻm bên hông chợ Trương Minh Giảng, đối diện với Đại học Vạn Hạnh là nơi tôi thường tới chơi, ở qua đêm.

 

Chiều tối, tụi tôi hay ra quán cà phê cóc ngay đầu hẻm, bên hông chợ uống cà phê. Lúc đó anh Bùi Giáng ngao du ta bà đâu đó trở về, chờ chợ vắng để tìm chỗ ngủ.

 

Thấy tụi tôi ngồi tào lao, anh Sáu Giáng tấp vô uống cà phê, Vẫn bộ đồ “cái bang”, lon sữa bò, hoa hòe hoa sói đeo lủng lẳng. Anh Sáu Giáng không hiểu sao rất sợ cảnh sát Sài Gòn, mà hồi đó cảnh sát Sài Gòn thường bao chợ Trương Minh Giảng vào buổi tối để xét hỏi người trong chợ và khách vãng lai quanh chợ. Mỗi khi thấy cảnh sát bao chợ là anh Sáu Giáng rút lui rất nhanh, thoáng cái anh Sáu Giáng mất tiêu.

 

Biết anh Sáu Giáng sợ cảnh sát, Huy Tưởng là vua trêu chọc, cứ nhằm lúc anh Sáu Giáng uống cà phê, tào lao, hứng khởi múa bút trên giấy đề thơ 2 câu hoặc 4 câu (Sáu Giáng đề thơ trên bất cứ giấy gì kiếm được, nhất là giấy bạc của bao thuốc lá, lật mặt trắng lên là viết thơ ro ro). Thế là Huy Tưởng hù: Anh Sáu Giáng, cảnh sát tới. Nghe vậy, anh Sáu Giáng lập tức đứng lên, dzọt lẹ.

 

Nhà của hai vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức - Bé Ký ở trong con hẻm 220 đường Trương Minh Giảng bên hông Đại học Vạn Hạnh. Con hẻm này khá dài, khá rộng chạy cặp bờ sông bên kia cầu Trương Minh Giảng. Lâu lâu hai vợ chồng Hồ Thành Đức rủ bạn bè tới đánh xì phé. Hội xì phé này gồm có: Cung Tích Biền, Huy Tưởng, tôi, Nguyễn Hữu Hiệu (Thích Chơn Pháp), Bùi Giáng và dĩ nhiên có cả chủ nhà là hai vợ chồng Hồ Thành Đức - Bé Ký.

 

Trong hội xì phé lãng tử này Cung Tích Biền, Huy Tưởng, tôi được xếp hàng cao thủ 12 túi. Nguyễn Hữu Hiệu, Bùi Giáng và Hồ Thành Đức - Bé Ký là... “thầy cúng", nghĩa là mang tiền ra "cúng" cho chúng tôi thôi vì họ đánh quá dở.

 

Nguyễn Hữu Hiệu (em của nhà thơ Viên Linh) là nhà thơ, nhà phê bình, Đại đức Thích Chơn Pháp tu và mặc áo tu đàng hoàng, đi đánh phé tiền kẹp trong cuốn kinh Phật, thua bao nhiêu rút tiền ra bấy nhiêu, tiền mới cáu mới ghê.

 

Còn Bùi Giáng đâu có nhiều tiền, chủ yếu chơi cho vui, cho đủ tay là chính. Hết tiền, anh Sáu Giáng mượn búa xua, mượn rồi... không nhớ, mà có nhớ cũng không trả, cười trừ buông một câu: Bọn mi ăn gian, đánh lận, gạt tau hết tiền. Vậy là huề.

 

Còn Hồ Thành Đức có Bé Ký ngồi sau lưng, giành coi bài. Muốn biết tẩy của Hồ Thành Đức thì cứ nhìn mặt Bé Ký. Bài Hồ Thành Đức tẩy xì hay tẩy già thì mắt Bé Ký sáng rực, thụi vai chồng ra lệnh: Đánh đi. Hồ Thành Đức vừa bỏ tiền vô sòng, ngồi xổm dậy, râu giựt giựt...

 

Bởi thế đánh đâu thua đó, vì lộ tẩy ngay từ đầu. Huy Tưởng còn chọc, hỏi Bé Ký con bài đáy (lá bài úp, giấu tẩy trong luật chơi xì phé) của Hồ Thành Đức con gì, con bồi phải không, Bé Ký thì lãng tai, nghễng ngãng cứ cãi, không phải bồi mà là... già. Vui không chịu được.

 

Anh Sáu Giáng thua xiểng liểng, hết cửa mượn bèn nằm dài ra sàn nhà nghỉ xả hơi chờ cao thủ nào vừa gom tiền thì bật dậy mượn: Mi cho tau mượn để tau gỡ chứ, có tiền tau sẽ chuyển bại thành thắng, trả cả vốn lẫn lời hay tau trả bằng... thơ cũng được.

 

Và thơ anh Sáu Giáng trả nợ thua xì phé chính là bài này, mang đầy khí chất tếu táo của Bùi Giáng, đồng thời cũng giải thích vì sao Bùi Giáng có nhiều biệt danh như Bùi Giàng Búi, Giáng Bùi Giàng rồi vì sao lại là Sáu Giáng.

 

“Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?

Và cô có phải cô Bông năm nào

Anh còn nhớ rõ, ôi chao

Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh

Anh điên mà dzui dzẻ thập thành

Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu!”.

 

Cô Bông thì chúng tôi không biết là ai, mà nếu có hỏi chắc Bùi Giáng cũng không biết hoặc không nhớ vì trong cuộc hành trình mộng tưởng của mình đối với cuộc sống này, thi sĩ điên Bùi Giáng đã từng gặp biết bao cô gái đẹp theo cách nhìn của Bùi Giáng, và cô nào cũng được Bùi Giáng gọi là giai nhân, là nương tử và nếu có gọi thành một cái tên cụ thể thì cũng không ai biết cô đó ở đâu, chắc cô Bông này cũng thế. Nhưng Sáu Giáng thì đơn giản hơn, bởi lẽ, trong gia đình, Bùi Giáng thứ sáu.

 

Và bài thơ trả nợ thua xì phé này anh Sáu Giáng cứ đọc mãi trong những canh bạc mộng tưởng khi ngồi chơi với chúng tôi khiến chúng tôi thuộc lòng luôn.

 

Và ước mơ một lần ăn bạc để trả nợ thua bạc của anh Sáu Giáng vẫn chỉ là ước mơ thôi vì anh Sáu Giáng đánh xì phé rất nhát gan, cứ đến cây thứ ba, thứ tư dọa anh chơi, tố một số tiền kha khá và kích Sáu Giáng theo, ảnh vội quăng bài, nằm dài xuồng sàn nhà nói giọng Quảng đặc sệt: “Bọn mi ăn gian, đánh nhiều tiền rứa làm sao tau theo nổi mô”.

 

Nhưng anh Sáu Giáng (xin nhấn mạnh ở đây một chút - khi chúng tôi gọi anh là Sáu Giáng, ảnh vội lên giọng nghiêm trọng bảo không phải chữ Sáu nghen bây mà là số 6 trước tên Giáng). Và anh Sáu Giáng đánh xì phé chưa có lần nào thắng, hay chuyển bại thành thắng như anh từng ước mơ mà cứ chuyển bại thành... xụi, đánh đâu thua đó, nhưng lại khoái rủ các cao thủ đánh xì phé mới ghê.

 

Sáu Giáng sinh ngày 17-12-1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ở bậc tiểu học, Sáu Giáng học Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hết bậc tiểu học, Sáu Giáng ra Huế học bậc trung học ở Trường trung học Thuận Hóa.

 

Chưa hết bậc trung học thì Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, lan tới Việt Nam. Lợi dụng cơ hội Nhật hất cẳng Pháp, rồi đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử, Bùi Giáng tiếp tục học lại và lấy được bằng Thành chung.

 

Sáu Giáng cưới vợ rất sớm vào năm 1944, khi đó ông mới 18 tuổi. Vợ ông là bà Phạm Thị Ninh, nổi tiếng xinh đẹp trong vùng nhưng chẳng may bị bạo bệnh và khi mang thai lại sinh non nên cả hai mẹ con đều qua đời. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến con người có máu điên từ nhỏ như Bùi Giáng bùng phát thành những cơn điên khi tuổi ông còn rất trẻ.

 

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Bùi Giáng bỏ học theo kháng chiến. Năm 1950, Liên khu V tổ chức kỳ thi tú tài đặc biệt, Bùi Giáng đi thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Sau đó Bùi Giáng đi bộ ròng rã một tháng rưỡi theo đường mòn trên núi qua Liên khu IV tới Hà Tĩnh để tiếp tục vào đại học.

 

Nhưng ông lại bỏ ngang trong ngày khai giảng để trở về quê ở Quảng Nam... chăn bò, rong ruổi theo đàn bò khắp các vùng đồi núi Trung Phước suốt 2 năm trời và làm thơ.

 

Trong giai đoạn này Bùi Giáng làm rất nhiều thơ, trong đó có bài Nỗi lòng Tô Vũ, có lẽ Bùi Giáng tự ví mình như ông Tô Vũ ngày xưa chăn dê 15 năm trên núi nên ông nhìn những con bò thành những con dê mà toàn là dê cái rồi làm thơ để... ca ngợi hết lời, hết tình.

 

Bài Nỗi lòng Tô Vũ dài tới 60 câu, được cho là bài thơ hay nhất trong thời kỳ chăn bò của Sáu Giáng (1950-1952) thời kỳ rất mực lãng mạn của nhà thơ họ Bùi vì hầu như ông chỉ sống với những đồi sim chín, đàn bò mà ông cho là... đàn dê, và lũ chuồn chuồn, châu chấu luôn lượn lờ trong sương, trong mây ngay chỗ ông nằm khểnh vê râu ngắm trời, ngắm đất.

 

Sau này bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ được in trong tập thơ Mưa nguồn, tập thơ ghi dấu ấn trong hàng loạt những tác phẩm đồ sộ của Bùi Giáng về sau này với Nhà xuất bản An Tiêm.

 

Bùi Giáng là một nhà thơ điên trong cõi điên dài như trường giang xuôi chảy về nơi bất tận, trên dòng trường giang điên đó, ông có những phân khúc điên và những phân khúc tỉnh. Nhưng đặc biệt, do Bùi Giáng làm chủ được “cõi điên” của mình nên không ai biết được lúc nào ông tỉnh, lúc nào ông điên.

 

Có lẽ chỉ Bùi Giáng mới biết mình điên hay tỉnh mà thôi. Nhưng cái điên, sức điên của Bùi Giáng thật dễ thương, một “thương hiệu điên” văn nghệ. Và anh Sáu Giáng dễ thương nhất khi... đánh xì phé, vì ông đánh xì phé cũng rất văn nghệ.

 

6 Giáng cũng được mà Sáu Giáng cũng được mà Bùi Giáng cũng được, không phải như ông từng viết “Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu” đấy sao?

 

Nguồn: NhavanTPHCM

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *