Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Phan Vũ và thi phẩm “Em ơi, Hà Nội phố”: Âm vang sau nửa thế kỷ “bôn ba giang hồ”
Cập nhật: 9:50:00 27/9/2010

 

VÀNG SON ƯỚC NGUYỆN ĐỌC THƠ CHO NGƯỜI HÀ NỘI

Nhà thơ Phan Vũ (85 tuổi), hiện sống tại Tp. Hồ Chí Minh. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ như tập thơ “Hà Nội – Phố”, kịch “Lửa cháy lên rồi” (giải thưởng Văn học năm 1955…) Ông cũng chính là đạo diễn của nhiều bộ phim nổi tiếng như “Người không mang họ”, “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại” (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu)…

Trường ca “Em ơi, Hà Nội phố!” gồm 23 đoạn, được ông sáng tác vào mùa đông năm 1972, khi Hà Nội bị bom B52 đánh phá ác liệt.

Đúng như nhà thơ Ngô Minh đã nhận xét: “Những chi tiết đời thường, cái chung và cái riêng, được nhà thơ chọn lọc, rồi sắp đặt chúng thành bức chân dung Hà Nội làm thổn thức tim người. Đó là sự tài hoa của một ngòi bút. Những ngày đó Phan Vũ viết xong bài thơ rồi sung sướng mang đi đọc cho bạn bè nghe trong các cuộc rượu, không in ở báo nào… Đọc bài thơ Em ơi, Hà Nội phố không ai không nghĩ rằng ông là người Hà Nội. Phan Vũ là lứa hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông là bạn cùng lứa với Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm.... Năm nay nhà thơ Phan Vũ đã 85 tuổi rồi, nhưng những đam mê của ông còn cháy bỏng lắm...”.

Cách đây một năm tròn, mùa thu năm ngoái nhà thơ Phan Vũ trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí đã bày tỏ ước nguyện muốn có một đêm thơ “Em ơi, Hà Nội phố” tại Hà Nội, cho người Hà Nội.

Và hôm nay, mong muốn đó đã thành sự thực, cũng là dịp để chúng ta, những người yêu Hà Nội có dịp gặp gỡ, giao lưu, nói lời cảm ơn ông đã tặng cho Hà Nội một tuyệt phẩm là bản trường ca “Em ơi, Hà Nội phố”.

BẬP BÙNG THƠ VÀ PHƠN PHỚT GUITAR

Trong tiết trời se lạnh của Hà Nội nồng nàn hoa sữa với cơn mưa thu phảng phất, nhà thơ Phan Vũ đã có buổi đọc thơ, gặp gỡ và trò chuyện cùng đông đảo những người yêu trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” của ông trong đêm thơ 'Phan Vũ và Em ơi, Hà Nội phố' do Báo Điện tử VOVNews (Đài TNVN) phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức đêm thứ bảy 25/9/2010.

Đến dự có Lãnh đạo Báo điện tử VOVNew và Thư viện Hà Nội, Đại diện website: lucbat.com, Nhà thơ Dương Tường, dịch giả Trần Đình Hiến và phu nhân, nhà văn Châu Diên, hoạ sỹ Mai Hiên, nhạc sỹ Giáng Son, hoạ sỹ Nguyễn Thu Thuỷ (tác giả ý tưởng Con đường gốm sứ ven sông Hồng, người góp phần quan trọng mời nhà thơ Phan Vũ từ Tp. HCM ra Hà Nội đọc thơ và giao lưu), nhạc sỹ Lê Minh Sơn, người đệm guitar cho phần trình diễn thơ… và đông đảo công chúng người yêu thơ, yêu Hà Nội.

Dẫn chương trình là nhà báo Đông Mạnh Hùng và người đẹp Vũ Quỳnh Hương (Người kể chuyện cổ tích của Đài tiếng nói VN và Á khôi cuộc thi Vẻ đẹp học đường học sinh - sinh viên toàn quốc 2000).

Trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” do nhà thơ Phan Vũ sáng tác năm 1972, trong khoảng cách những còi hụ trên nóc Nhà Hát lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B52 vào thành phố. Với không khí xúc động và thân mật, cùng tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, gần 200 khán giả yêu thơ đã có cơ hội được thưởng thức trọn vẹn 23 khổ thơ trong trường ca “Em ơi, Hà Nội phố”. Phan Vũ cùng MC – người đẹp Vũ Quỳnh Hương đã dẫn dắt khán phòng sống lại cùng Hà Nội những năm tháng chiến sự, một Hà Nội tuy gồng mình dưới lửa đạn, không bi thương mà thật lãng mạn, quyến rũ, cũng như “phiêu” với từng con phố, nóc nhà, mùi hoa sữa; đặc biệt là nét đẹp đặc trưng, tài năng của người con gái Hà Nội.

Nhà thơ Phan Vũ cho biết, bài trường ca này ông đã từng đọc tại Huế trong một căn nhà cổ, dưới ánh nến và tại TP HCM – nơi tác giả đang sống, song đây là lần đầu tiên ông được trải lòng trước người yêu thơ Hà Nội. “Gần nửa thế kỷ, bài thơ viết về Hà Nội, bôn ba giang hồ” nay có dịp được trở về Hà Nội, được chính tác giả đọc cho người Hà Nội nghe vào thời điểm “giao thừa” của dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, thực sự có ý nghĩa đối với Phan Vũ và đã mang lại cho ông nhiều cảm xúc khó tả.

LẮNG ĐỌNG TÂM HỒN HÀ NỘI

Có rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc hoạ viết về Hà Nội, đã trở thành những tác phẩm bất hủ, đóng góp vào kho tàng văn hoá phong phú của thủ đô, ghi dấu ấn trong trái tim những người yêu Hà Nội.

Trường ca Em ơi, Hà Nội phố của tác giả Phan Vũ là một tác phẩm thơ được nhiều người, không chỉ người Hà Nội yêu thích. Đó là lý do mà hôm nay, Báo điện tử VOVNew – Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp cùng Thư viện Hà Nội tổ chức đêm thơ nhạc Phan Vũ “Em ơi, Hà Nội phố”.

Đây là lần đầu tiên nhà thơ Phan Vũ giới thiệu tác phẩm “Em ơi, Hà Nội phố” tại Hà Nội, nơi ông đã sáng tác trường ca bất hủ này vào những ngày tháng chiến tranh ác liệt năm 1972, những ngày tháng Hà Nội sống trong không khí hào hùng, cho dù mất mát thương đau, nhưng kiên cường anh dũng và rất đỗi tự hào. Bài Trường ca: Em ơi, Hà Nội phố với 23 đoạn thơ, tựa như những trang Nhật ký tâm hồn Hà Nội. Viết trường ca này trong những ngày đêm bom đạn chiến tranh ác liệt, nhưng tác giả hầu như không kể gì nhiều về chiến tranh, mà chỉ kể về nỗi đau, về nỗi nhớ Hà Nội. Những từ ngữ cứ dịu dàng thấm mát vào mỗi trái tim người Hà Nội.

Phan Vũ đã vẽ nên một Hà Nội thật đẹp, thật rêu phong, hiên ngang và cổ kính. Phải vậy chăng, mà từ lâu bài thơ đã được xếp vào một trong những thi phẩm hay nhất viết về Hà Nội, được lớp lớp người yêu thơ, yêu Hà Nội truyền tụng, yêu mến. Ngày hôm nay, chúng ta thật xúc động được nghe ông đọc thơ, được trò chuyện cùng ông, được chia sẻ giữa ông và mỗi người trong chúng ta một tình cảm chung, đó là tình yêu đối với Hà Nội…

Tin rằng những ấn tượng đó sẽ không phai mờ trong những người yêu thơ, yêu Hà Nội, có mặt ở đây trong đêm nay.

“EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ” ÂM VANG TRONG NIỀM HẠNH PHÚC TUYỆT VỜI


22h đông đảo người yêu Hà Nội, vẫn cố nán lại xếp hàng chờ đợi chữ ký của tác giả Em ơi, Hà Nội phố. Đêm thơ nhạc thật đặc biệt, khi chỉ duy nhất một bài thơ vang lên, do chính tác giả thể hiện, trong tiếng ghi ta chậm rãi, kinh kỳ… Và tất cả những câu hỏi giao lưu cũng chỉ xoay quanh một bài thơ duy nhất có tên gọi đầy nỗi nhớ: Em ơi Hà Nội phố…

Biết đến bao giờ Phan Vũ lại mới có dịp đọc thơ trước Hà Nội, khi tác giả đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Đây cũng dịp để ông được tri ân với người yêu Hà Nội, yêu thơ ông cũng như biết đến ông qua ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc từ trường ca này năm 1985.

Đêm thơ cũng đã mang đến nhiều điều thú vị, đó là khán giả đã cùng Phan Vũ khám phá nhiều chi tiết trong trường ca, kỷ niệm gắn với đường Quán Thánh, hồ Thiền Quang, tiếng “lanh canh” tàu điện… Đặc biệt là hình ảnh cô gái với “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, “cô ấy nhà ở phố Quán Thánh, chơi đàn Piano. Cô ấy học với bà Thái Thị Liên cùng Đặng Thái Sơn. Sau này cô sang Nga học, rồi sang Pháp định cư. Thuở đó chúng tôi là bạn thân, ở nhà gần nhau. Trời se lạnh, tôi sang và lặng lẽ nghe cô đàn'. Chi tiết này đã được nhà thơ Dương Tường xác nhận và hóm hỉnh cho rằng mình cũng thích “Tiếng dương cầm” đó.

Phan Vũ cũng cho rằng, bản gốc của “Em ơi, Hà Nội phố” đã “tam sao thất bản” do ông đã sửa nhiều chi tiết cho vừa ý. Ông cũng hy vọng, lần đọc này tại Hà Nội là bản chính thức cuối cùng của trường ca. Cảm xúc của từng người dự đêm thơ hẳn khác nhau, song tất cả đều đọng lại một tình yêu sâu thẳm với Hà Nội qua từng tứ thơ của Phan Vũ.

Theo tác giả, đêm thơ “Phan Vũ và Em ơi, Hà Nội phố” đã trao cho ông niềm hạnh phúc tuyệt vời, một phần thưởng vô giá trong phần đời còn lại.

Bài và ảnh:

LÃNG TỬ ĐẠT MA

(Emai: ghetlucbat@gmail.com)


Tin bài mới

Pre
1
2
3
Tin mới