Đoàn Việt Bắc: Sinh nhật mình năm nay lạ lắm/ Năm trăm rau muống luộc nhai suông/ Em không còn thuở tết tóc đuôi sam/ Đuổi bươm bướm và hái hoa cúc dại
   

Nhà thơ – Thầy giáo Vũ Đình Minh
Cập nhật: 15:52:00 30/9/2010

Vanvn.net và gia đình vô vùng thương tiếc báo tin; Nhà thơ Vũ Đình Minh, sinh ngày 30 tháng 12 năm 1944 tại quê nhà là xã Tráng Việt, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội); từng là thầy giáo dạy văn ở Cao Bằng, ở Vĩnh Phú rồi về Thường trực Hội VHNT Vĩnh Phú; từ năm 1979 đến năm 2004 Vũ Đình Minh làm ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, đã nghỉ hưu tại; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1984. Nhà thơ Vũ Đình Minh sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, đã được các bác sỹ và gia đình bè bạn hết lòng cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu, nhà thơ Vũ Đình Minh đã tạ thế hồi 03 h 30 sáng nay 29 – 9 – 2010 tại nhà riêng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lễ viếng nhà thơ Vũ Đình Minh từ 7 h 30 đến 9 h 30 ngày 2 tháng 10 năm 2010 tại nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Để tưởng nhớ nhà thơ Vũ Đình Minh, vanvn.net trân trọng giới thiệu bài viết của thầy Vũ Thế Đường, người bạn người đồng nghiệp của ông

Cầm trên tay tạp chí Người Hà Nội số 81 (16/7/2010), tôi đọc “Một giờ làm quan” của Vũ Đình Minh. Lướt qua phần “Lý lịch trích ngang” của Thầy, tôi giật mình. Sao chẳng có chữ, dòng, câu nào nói thầy dạy học ở Vĩnh Phú, và những năm tháng không thể nào quên ở PTTH Yên Lạc – trường tôi. Tức tốc tôi đưa ngay một nhóm học sinh cũ của thầy về Hà Nội để “tìm cho ra” vấn đề, và đòi lại quãng thời gian thầy đã để thương để nhớ ở quê hương Đồng Đậu chúng tôi. Biết thầy đang lâm bệnh, tôi vẫn đọc to “Về thăm trường cũ” của thầy:

Cây Anh trồng đã rợp một góc sân

Mái tranh cũ đã thay bằng mái ngói

Khu tập thể nhiều thầy cô giáo mới

Bạn bè xưa chỉ còn lại đôi người.

(Tôi cố tình đọc nhầm chữ tôi thành Anh). Nhận ngay ra chúng tôi, thầy cố ngồi dậy, bắt tay từng người, cười đôn hậu:

- Khu tập thể chắc không còn, nhiều thầy cô giáo mới thì có, nhưng “bạn bè xưa chỉ còn lại chú mày”, đúng vậy không ? Thầy vẫn dùng đại từ dân dã, thân mật ấy mỗi khi nói chuyện với tôi.

Biết thầy từ năm 1970 khi tôi đi thực tập sư phạm ở trường cấp II – III Nà Giàng – Hà Quảng – Cao Bằng, đi học làm thầy, lại gặp đồng hương bậc đàn anh nơi xa lắc xa lư, tôi thật là may mắn. Sau vài đêm to nhỏ, Thầy tâm sự với tôi:

- Đạo làm thầy phải đặt chữ tâm lên hàng đầu. Kiến thức quan trọng lắm nhưng chưa phải là tất cả. Không có lòng yêu thương con người thì không làm được việc gì, đừng nói là dạy học , mà lại dạy học ở miền núi .

Thì ra “Ý nghĩ ngày mưa” những câu thơ dung dị và cảm động của thầy được hiện lên từ đó. Đến nay tôi vẫn còn ngạc nhiên và cảm phục, lúc đó thầy mới 26, 27 tuổi mà đã chín như thế .

Thế rồi, trái đất xoay tròn, chúng tôi lại chung Hội đồng sư phạm Trường cấp III Yên Lạc – Vĩnh Phú. Những năm ở trường (1971 – 1973) ắp đầy những kỷ niệm vui buồn. Với chúng tôi, sâu đậm nhất, đáng nhớ nhất là mấy chục thầy cô giáo vượt đê sông Hồng bằng những chiếc xe đạp cọc cạch qua hơn 30km về Tráng Việt – quê thầy để ăn cỗ, dự tiệc cưới của thầy với cô giáo Năm - người bạn đời thủy chung của thầy.

Cuộc đời hợp tan, tan hợp, tôi nhập ngũ, vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam, khi đất nước toàn thắng lại trở về trường. Còn thầy, về phụ trách chuyên môn Văn của phòng Phổ thông Ty giáo dục Vĩnh Phú; Sang hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú; và 1983 về Đài phát thanh truyền hình Hà Nội. Mỗi khi có dịp gặp nhau chúng tôi thường ôn lại những ngày gian khổ đã qua. Thầy vẫn nhớ như in từng người, từng cảnh và say sưa kể. Nào thầy Hiệu trưởng Trần Xuân Hưng nhân hậu, luôn bám trường, bám lớp với cuộc sống thanh đạm. Bữa cơm ở bếp ăn tập thể thầy Hưng thường “bổ sung” thêm khi thì đĩa muối vừng, khi thì bát dưa su hào mà Bà giáo ở quê gửi cho. Nào cô Hiệu phó Hoàng Thị Bắc người dân tộc Tày, tuổi đã ngũ tuần mà trông vẫn như một giai nhân. Nào thầy Hoàng Nhật Tân khéo chân khéo tay, hát hay, dạy giỏi (thầy Tân đã hy sinh 20/4/1974 tại chiến trường Tây Nguyên ). Nào thầy Hoàng Khắc Hường – bí thư đoàn trường say mê và cần mẫn…Tôi nhớ một tối khi lĩnh được tiền nhuận bút mấy đồng, thầy khao chúng tôi. Có chút “cay cay” (văn chương mà - uống rượu lúc ấy vừa bị quy là lập dị, hoang phí, vừa bị quy là “vi phạm” nữa, nên phải “rút vào bí mật” ). Thầy “lên dây cót” cho tôi :

- Cứ học ngay cánh dở hơi chúng tao đây này. Ai uyên thâm mà tài hoa được như thầy Nguyễn Chân. Ai thông minh mà lãng mạn được như thầy Đỗ Đức Thảo. Vài ba câu thơ như tao đây khối người mơ không được. Dạy văn mà không làm cho học sinh say tiết học thì vứt. Chỉ làm hỏng, làm nghèo tâm hồn của lũ trẻ. Dạy chữ chưa xong còn nói gì dạy người.

Một lần thầy nói với tôi: Tớ kể chuyện trường Yên Lạc cho mấy đứa con, chúng nó đều bảo bố toàn nói chuyện cổ tích. Tớ lừ mắt: Không có cổ tích ấy lấy đâu chúng mày được như hôm nay. Thầy Vũ Đình Minh là thế.

Mười năm xa trường, 1983 về thăm chốn cũ, gặp các thầy cô giáo mới, nhìn học sinh vui chơi trên sân trường, tất cả chẳng biết thầy là ai. Đó là quy luật tất yếu trong nghề dạy học và thầy cảm nhận :

Có sao đâu học trò mười năm trước

Đã mang đi thương nhớ của tôi rồi.

Chính nơi đây thầy đã thao thức bao đêm cùng trang giáo án. Đã tốn nhiều lời, nhiều phấn trắng, nhiều mực đỏ. Thầy tự hỏi mình:

Lời tôi nói với em mười năm trước

Có lặn vào công việc của các em ?

Lương tâm của người thầy là vậy! Nghề trồng người là vậy! Hẳn các nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, và những ai mong non sông Việt Nam tươi đẹp đều cảm phục chất vàng mười ấy của thầy .

Thầy Vũ Đình Minh ạ! Có chứ, có nhiều lắm! Lời thầy nói đã ăn sâu vào tâm trí các em, đã trở thành máu thịt. Từ trong mạch nước phun ra thường là nước, từ trong huyết quản phun ra thường là máu – Lỗ Tấn đã dạy thế mà. Đây nhé tôi chỉ điểm qua ở Vĩnh Phúc (ở Trung ương thì thầy đã biết) :

- Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng

- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Phi

- Viện trưởng Viện KSND Vĩnh Phúc Nguyễn Hồng Quân

- Giám đốc sở y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Sơn

- Phó GĐ Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân

- Phó GĐ sở Công an Vĩnh phúc Phạm Xuân Phánh

- Trưởng ban Dân tộc và tôn giáo Vĩnh Phúc Quách Văn Tạo…

Và nhiều lãnh đạo chủ chốt ở địa phương tôi làm sao kể hết được. Còn đây những hiệu trưởng PTTH, CĐ: Trần Thị Thục, Phan Văn Quánh, Nguyễn Thế Thiệu, Tạ Quang Thảo …Nối nghiệp của thầy.

Những sản phẩm tinh thần của thầy đó.

Trường THPT Yên Lạc sắp kỷ niệm 45 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất. Thầy trò chúng tôi cầu chúc cho thầy bình an, “bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ” để lại về thăm trường cũ.

Trường THPT Yên Lạc vẫn mãi tự hào có Thầy giáo – Nhà thơ Vũ Đình Minh.

Vũ Thế Đường


1
2
Tin mới