Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Giao lưu văn hoá Việt Thái
Cập nhật: 23:51:00 30/9/2010

Tối nay, 30 – 9 – 2010, cuộc Giao lưu Văn học Nghệ thuật Việt Nam – Thailand đã diễn ra tại Nhà hàng Hapy house giữa đoàn đại biểu Hội Nhà văn VN do nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội làm trưởng đoàn với đoàn Văn nghệ sỹ Thailand trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam tham dự Đại lễ hội 1.000 năm Thăng Long Hà Nội do GS Suluk Sivaluk dẫn đầu. Nhà văn Nguyễn Trí Huân đã nhiệt liệt chào mừng các bạn Thái đến Việt Nam nhân sự kiện cả ngàn năm mới có một lần, lại có nhã ý mời Hội Nhà văn VN tổ chức giao lưu như một biểu hiện của tinh thần thượng tôn văn hoá của các bạn - những sứ giả nhân dân đầu tiên đến với Đại lễ hội; chúng tôi coi đây là một biểu hiện hữu nghị của cộng đồng Đông Nam Á. Các nhà văn Việt Thái đã có quan hệ thân ái từ lâu có sự tương đồng của văn minh lúa nước làm nền tảng, đặc biệt là Hoàng gia Thailand đã có sáng kiến trao Giải thưởng Văn học ASEAN mỗi năm một lần và đến nay, đã có 12 nhà văn Việt Nam nhận giải thưởng sáng giá này; như thế, chúng ta đã ngày càng góp phần nâng sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc thông qua những hình tượng nghệ thuật đầy tính nhân văn.



GS Suluk Sivaluk đã bầy tỏ lòng kính trọng đất nước Việt Nam - đất nước của những kỳ tích mang tính huyền thoại Đông Nam Á. Ông nói, đầu những năm 80, khi Việt Nam kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, Danh nhân văn hoá Thế giới, ông đã vượt mọi khó khăn để có hộ chiếu sang tham dự (khi ấy hai nước chúng ta chưa quan hệ bình thường.) Kỷ niệm rất đáng nhớ là ông đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời uống trà tại dinh thự của Thủ tướng; ngài đã nói chuyện rất hay về văn hoá, về Nguyễn Trãi đặc biệt ngài đã nhận định trong tương lai, văn hoá Việt Thái với Phật giáo làm nền tảng, sẽ thúc đẩy tình thân hữu giữa nhân dân hai nước. Điều ngài nói đến nay đã thành hiện thực. GS Hoàng Ngọc Hiến đã giới thiệu thêm: Nhà minh triết Suluk Sivaluk có cuốn sách rất quan trọng là Minh triết về sự bền vững đang được dịch sang tiếng Việt. Nói quan trọng vì nó đặt ra vấn đề cốt yếu với mọi quốc gia, đó là sự bền vững về phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, đạo đức…Và sự bền vững là minh triết của Phật giáo.



Nhà thơ Nava Răt vừa đọc thơ, vừa hát thơ vừa thổi sáo trên nền đệm của ghi ta, của cây nhị. Đây là những câu thơ (dịch đuổi) ông viết về Hà Nội:

Êm đềm râm mát bóng cây

Phố lớn, người đông, nhà chật

Ngói bạc nhuốm mầu thời gian

Nơi sản sinh những anh hùng

với bao ngọt bùi cay đắng

Của những con người lam lũ

sinh nở những cánh đồng phì nhiêu

Hoạ sỹ Cao Văn Hùng, một Việt kiều Thái vẽ trực tiếp một bức tranh về những nữ anh hùng của dân tộc Việt. Ông nói sau khi thăm bảo tàng Hồ Chí Minh, hình ảnh hoa sen, hoa huệ, lá cờ đỏ sao vàng và cánh chim bồ câu là những ý niệm ông muốn nói về những mẹ, những chị đã ngã xuống cho những hình ảnh mà ông sẽ vẽ nên. Ông cũng khoe ông đã làm bìa sách cho một nhà văn Thái viết về Bác Hồ, hôm nay ông xin tặng lại các nhà văn Việt Nam như là kỷ niệm chuyến đi về Nước Mẹ.



Các nhà thơ Vũ Quần Phương, Đoàn Thị Lam Luyến đọc thơ còn nhà văn Y Ban thì hát, hát Xe chỉ luồn kim rồi hát Bài ca hy vọng, thầy đồng nghiệp mình hát, nhà văn Đào Thắng cũng nhảy lên sân khấu hát bè. Hoá ra họ hát rất hay, được các bạn Thái hoan hô và đòi hát nữa, hát Tình ca Tây Bắc. Đến đây thì tất cả các bạn Thái Việt cùng hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, hát Dân ca Thái và cùng múa lăm vông. Có thể nói, những gì do ngôn ngữ bất đồng thơ chưa thăng hoa thì âm nhạc và múa đã khoả lấp, đêm giao lưu tưởng khó bề dứt nổi.

Nhà văn Văn Chinh được mời lên nhận bản thảo thơ bạn tặng, nhân thể nói: “Ngồi bên tôi, chị Nguyễn Việt Hùng, một Việt kiều quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Bến Tre nói “Người Thái yêu kính nhà vua của mình như người Việt ta yêu kính Bác Hồ.” Tôi từng xuống vùng nông thôn Thái, thấy y chang Đồng bằng Nam bộ, thấy dân treo ảnh nhà vua và hoàng hậu, y hệt người Việt ta treo ảnh Bác Hồ. Tôi kính trọng nhà vua và Hoàng gia Thái đã đồng tình với đòi hỏi của sinh viên mà thực thi thể chế quân chủ lập hiến, ngài du học, trở thành tiến sỹ nông học và góp phần khuyến nông để Thailand trở thành cường quốc lúa gạo. Tôi mong văn học, văn hoá Thái sẽ phát triển bền vững như nền nông nghiệp Thái, như khát vọng của nhà minh triết Suluk Sivaluk và của hết thảy chúng ta.



Ông chủ tịch doanh nghiệp tài trợ cho chuyến đi dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội của các văn nghệ sỹ Thái đã trao tặng Hội Nhà văn Việt Nam bức phù điêu con cá dát vàng trong tiếng hát, tiếng vỗ tay của các bạn Việt Thái.

PV


1
2
3
4
5
Tin mới